Phần 6 - Những gì còn lại - Chương 38
-
Nỗi Cô Đơn Của Các Số Nguyên Tố
- Paolo Giordano
- 1614 chữ
- 2020-05-09 02:38:00
Số từ: 1602
Dịch giả: Lê Thúy Hiền
NXB Văn Học
Nguồn: Sưu tầm
Thứ Bảy hôm đổ gạo đó Fabio đã gọi vào di động cho Alice vào lúc chiều tối. Alice tự hỏi sao anh không thử gọi tới số điện thoại cố định ở nhà trước, rồi sau đó cô nghĩ có lẽ điện thoại bàn là một vật liên quan tới cả hai và anh không muốn có gì chung lúc này, cũng như chính cô cũng không muốn. Đó là một cú điện thoại ngắn ngủi, cho dù có nhiều khoảng lặng xen giữa. Anh nói đêm nay sẽ ở lại đó, như một quyết định đã đưa ra trước rồi, và cô đáp trả: với tôi anh có thể ở đó cả ngày mai và bao lâu tùy thích. Rồi một khi đã làm rõ chi tiết khó chịu ấy, Fabio nói thêm: Ali, anh rất tiếc, còn cô gác máy, không thêm vào: cả tôi cũng vậy.
Cô không trả lời điện thoại thêm nữa. Sự vắng mặt của Fabio nhanh chóng trở nên nhẹ nhàng hơn với cô, cô tự thương hại mình, nhủ thầm mày đã thấy chưa. Cô đi chân trần trong căn hộ, nhặt nhạnh đồ đạc của chồng theo lối được chăng hay chớ, giấy tờ, vài bộ quần áo và nhét tất cả vào trong một thùng các tông lớn, để ở lối vào.
Một tối cô quay trở về từ chỗ làm và không thấy nó nữa. Fabio cũng chẳng mang theo nhiều hơn thế, đồ đạc vẫn nguyên chỗ cũ, tủ quần áo vẫn đầy đồ của anh, nhưng trên giá sách trong phòng khách giờ có những chỗ trống trơn, những khoảng đen chứng kiến điểm bắt đầu của sự đổ vỡ. Alice đứng lại nhìn chúng, và lần đầu tiên sự lãnh đạm cuối cùng cũng đã choán lấy đường viền cụ thể của một nhân tố thực sự, sự cô đọng chắc nịch của một hình thái rắn chắc. Cô để mình bị cuốn đi với một sự nhẹ nhõm nhất định. Cô thấy dường như mình luôn làm tất cả mọi việc để cho ai khác, nhưng giờ còn lại một mình, cô có thể chỉ đơn giản là từ bỏ, đầu hàng, chỉ vậy thôi. Cô có nhiều thời gian cho mình hơn, nhưng lại cảm thấy một sự uể oải trong mọi cử động, sự khó nhọc như thể đang di chuyển trong một chất lỏng dẻo quánh. Cuối cùng cô lờ đi cả những việc dễ dàng nhất. Quần áo cần giặt chất đồng trong nhà tắm trong khi cô nằm dài trên đi văng hàng tiếng đồng hồ, biết là chúng ở đó, chỉ cần một nỗ lực tầm thường nhất, nhưng có vẻ như chẳng một cơ bắp nào của cô thấy thế là đủ lý do để nhúc nhích.
Rồi cô viện cớ bị cảm để không đi làm. Cô ngủ nhiều hơn cần thiết, thậm chí là cả ngày dài. Cô còn không kéo mành cửa sổ, chỉ cần nhắm mắt để lờ đi ánh nắng chiếu vào, để xóa hết những đồ vật xung quanh, quên đi cơ thể đáng ghét của mình đang ngày càng trở nên yếu đuối nhưng vẫn ngoan cố bám riết lấy suy nghĩ.
Gánh nặng của hậu quả vẫn luôn ở đó, như một kẻ xa lạ ngủ trong cô, canh cho cô ngay cả khi Alice đang chìm sâu trong giấc ngủ đầy đặn và bão hòa của tất cả các giấc mơ, một giấc ngủ ngày càng giống như một sự lệ thuộc. Nếu khô cổ họng, Alice sẽ tưởng như mình bị tắc thở. Nếu một tay bị tê do cô đè quá lâu dưới gối ấy là vì một con chó sói đang ăn nó. Nếu chân cô bị lạnh bởi thò ra ngoài chăn trong lúc cựa quậy, Alice lại thấy mình chìm sâu trong hố tuyết ngập tới tận cổ. Nhưng cô không thấy sợ, hầu như không bao giờ. Sự tê liệt chỉ cho phép cô cử động lưỡi và cô thè ra liếm tuyết. Nó ngọt và Alice muốn ăn hết, nhưng cô không thể xoay đầu. Thế là cô đành ở đó mà chờ đợi cho tới lúc cái lạnh chạy từ chân lên bụng, từ đó tỏa ra theo các đường ven làm máu đông cứng lại.
Sự thức giấc chỉ phá hủy một phần các cấu trúc ý nghĩ. Alice dậy khi không thể làm khác được nữa và sự lộn xộn của giấc ngủ mơ dần dần giảm đi, để lại trong đầu cô những vết rơi rớt, giống như một ký ức ngắt quãng trộn lẫn với những ký ức khác và không có vẻ gì là không thật cả. Cô lang thang trong căn hộ vắng lặng như bóng ma của chính mình đang chậm chạp bám theo sự minh mẫn của bản thân. Đôi khi cô nghĩ mình đang phát điên. Nhưng cô cũng chẳng lấy làm tiếc về điều đó. ngược lại, nó khiến cô mỉm cười, bởi cuối cùng cô chính là người chọn lựa.
Buổi tối cô ăn rau xà lách ngay từ trong bịch ny lông. Chúng ròn ròn chẳng có vị gì. Mùi vị duy nhất tiết ra chỉ là nước mà thôi. Chẳng phải cô ăn để làm đầy dạ dày, mà chỉ để thay thế nghi lễ bữa tối và theo một cách nào đó lấp vợi khoảng thời gian mà cô chẳng biết phải dùng làm gì. Cô nhai nhai xà lách cho tới khi cảm thấy buồn nôn vì đống mềm nhũn trong miệng.
Cô từ bỏ Fabio và chính bản thân mình, tự bỏ mọi nỗ lực vô ích mà cô đã làm chỉ để đi được tới đây mà chẳng tìm thấy gì cả. Cô quan sát với một sự tò mò thản nhiên sự xuất hiện trở lại của những yếu đuối, những ám ảnh trong cô. Lần này cô sẽ để chúng quyết định, bởi cô cũng chẳng thể làm gì hơn. Trong lúc bước lùi về thời còn là một đứa con gái, cô tự nhủ người ta sẽ trở nên bất lực nếu cố chống đối lại những khía cạnh nào đó của chính mình. Cô quay lại thời điểm Mattia rời đi và sau đó ít lâu là cả mẹ cô cũng ra đi, theo hai con đường khác nhau nhưng cũng xa cách cô như thế cả thôi. Mattia. Phải. Cô nghĩ rất nhiều tới anh. Lại một lần nữa. Như thể sự ảm ảnh về anh là một căn bệnh khác mà cô không thực sự muốn khỏi. Người ta có thể bị ngã bệnh chỉ vì một ký ức và cô ngã bệnh vì kỷ niệm chiều hôm đó trong xe ôtô, trước công viên, khi mặt cô sát bên mặt anh để che cho anh hình ảnh chốn khủng khiếp ấy.
Dù cho đã nỗ lực gắng sức, nhưng bao năm qua sống cùng Fabio cô không thể tìm được một hình ảnh khiến cho trái tim mình phải đập rộn lên mạnh mẽ đến vậy, một kỷ niệm với cùng một sự mạnh mẽ bạo liệt đầy màu sắc đến giờ cô còn cảm nhận thấy trên da, tới từng chân tóc và giữa hai cẳng chân. Đúng là có một lần trong bữa tối ở nhà Riccardo và vợ, họ đã cười và uống rất nhiều và trong lúc giúp Alessandra rửa đĩa chén cô đã bị chiếc ly vỡ cứa đầu ngón tay cái. Cô buột miệng kêu ái, nhỏ thôi, nhưng Fabio nhận thấy. Anh săm soi ngón tay cô dưới ánh đèn, cho lên miệng mút để nó ngừng chảy máu như thể đó là ngón tay anh. Miệng ngậm ngón tay, anh nhìn cô bằng ánh mắt trong suốt mà cô không thể chống chọi. Rồi anh nắm gọn nó trong lòng bàn tay mình và hôn Alice. Cô cảm thấy trong nước miếng của anh là máu của chính mình và cô tưởng như nó đã đi khắp cơ thể chồng để rồi quay trở lại với cô, sạch sẽ như vừa được thẩm tách.
Lần đó và biết bao lần khác Alice không nhớ nữa, bởi tình yêu của người mà ta không yêu chỉ lưu lại trên bề mặt và bốc hơi rất nhanh. Cái còn lại chỉ là vết đỏ gần như không thể thấy trên da, nơi Fabio đã đá vào.
Đôi khi, nhất là vào ban tối, cô nghĩ lại lời anh nói. Anh không thể chịu thế này thêm được nữa. Cô vuốt ve bụng và thử tưởng tượng sẽ như thế nào nếu có một đứa trẻ trong đó, bơi lội trong chất lỏng lạnh lẽo của cô. Giải thích anh nghe xem sao lại thế? Nhưng chẳng có gì để giải thích cả. Chẳng có lý do, hay chẳng phải chỉ có một mà thôi. Không có điểm bắt đầu. Chỉ là cô và thế thôi, với cái bụng rỗng không chứa ai khác cả.
Có lẽ mình phải nói với anh điều đó, cô nghĩ.
Thế là cô cầm điện thoại, lướt tới tận vần F. cô bấm phím bằng ngón cái, như thể hy vọng mình đang gọi điện vì nhầm lẫn. Rồi cô nhấn nút đỏ. Gặp Fabio, nói chuyện với anh, tái tạo lại: tất cả tưởng như một nỗ lực phi nhân tính và cô thích cứ thế này, ở lại đây mà nhìn đống đồ đạc trong phòng khách phủ lớp bụi ngày càng dày đặc thêm.