Chương 3: Đại tướng Bát Nạn
-
Nữ Tướng Thời Trưng Vương
- Nguyễn Khắc Xương
- 5902 chữ
- 2020-05-09 04:32:51
Số từ: 5945
Nguồn: Nhà xuất bản Dân trí
Trang Phượng Lâu là nơi gò rậm đầm sâu nằm bên sông Lô thuộc cố đô Văn Lang cũ. Thời Tô Định nhà Đông Hán làm thái thú quận Giao Chỉ, Phượng Lâu trang thuộc châu Bạch Hạc.
Phượng Lâu có nhiều đầm hồ, khe suối quanh co trong một vùng cỏ cây rậm rạp, đồi nọ tiếp gò kia, nhà dựng trên đồi, đá xếp thành bực. Nhà nào cũng có dăm bảy ống nước dựng đầu nhà. Dân trồng lúa tẻ lúa nếp ở các tràn ruộng lầy, và bắt cua kiếm cá, bẫy thú, đào củ mà sinh sống. Con trai con gái lớn lên, mùa xuân rủ nhau hát đối từng đôi một, ưng ý nhau thì con gái đưa con trai về nhà mình mời trầu cau và hát ở nhà.
Vũ Công Chất là hào trưởng ở Phượng Lâu, được giao quyền trông coi mười hai trang trong hạt, đầu nhà treo chiếc trống lớn mặt da trâu, tang gỗ mít, mỗi khi có việc, gõ trống một hồi là dân làng đến cùng làm. Nhà có người hầu trai, người hầu gái, có chó để săn và giữ nhà, có ngựa để cưỡi. Hào trưởng họ Vũ lấy Hoàng Thị Mầu người cùng trang thương yêu nhau đằm thắm, hợp ý đẹp lòng, ăn ở với nhau rất hoà thuận. Vũ công biết nghề thuốc, thường đi xa nhà hàng tháng tìm kiếm lá thơm rễ quý ở các vùng, dạo gót khắp 36 châu hái thuốc và chữa bệnh. Mọi việc nhà cửa cũng như việc các trang vẫn giao phó cho vợ lo liệu. Vũ công thường đến làm thuốc ở Mãn Châu. Một hôm đi hái thuốc, Vũ công gặp một toà cổ miếu tường đổ mái xiêu, nồi hương lạnh ngắt, rêu như xanh thềm. Vũ công đang tần ngần với cảnh, chợt thấy có một lão ông quắc thước gánh hai bó củi đi tới, mới vái chào lão ông và hỏi chuyện về toà cổ miếu. Lão ông đặt gánh củi cùng ngồi nói chuyện, nhờ thế họ Vũ được biết đây chính là miếu thờ Sơn Tinh công chúa húy Ngọc Hoa là vợ Sơn thánh Tản Viên. Miếu này xưa kia vẫn được tiếng là linh thiêng, nhưng trải qua nhiều phen biến loạn, dân cư phiêu bạt nên miếu vũ cũng hoang tàn. Vũ công than thở hồi lâu rồi nhờ lão ông đưa đến gặp người trang trưởng và các cụ trong dân, ngỏ ý muốn được cùng làng trùng tu lại ngôi miếu. Mọi người nghe nói đều mừng. Bấy giờ Vũ công bỏ tiền, cùng với người trưởng trang xây dựng lại toà miếu, lại tạc một pho tượng Sơn Tinh công chúa để thờ.
Gió thu thổi vàng cả cây lá, rồi đông tới với những làn gió lạnh dồn về. Vũ công từ biệt Mãn Vhâu trở lại bản hương, dân làng vui mừng đến thăm hỏi, cũng có người đến để nhờ chữa bệnh. Bà Hoàng Thị Mầu cũng mừng vì thấy chồng vẫn khỏe mạnh, lại tìm kiếm được nhiều thuốc quý để cứu chữa cho những người bệnh tật ốm đau.
Một đêm, Vũ công nói chuyện với vợ về việc sửa miếu tô tượng thờ Sơn Tinh công chúa ở Mãn Châu, vợ vui lòng nói rằng: "Công chúa tên húy là Ngọc Hoa, là con gái đức Hùng Duệ Vương, lại là vợ của Tản Viên Sơn thánh thần núi Ba Vì, tài cao phép lạ, có công lớn giúp nước yên dân. Nay ta trùng tu miếu của công chúa cũng là để bày tỏ tấm lòng kính nhớ tổ tiên vậy. Vũ công gật đầu cho là phải, vì tấm lòng Vũ công vẫn luôn nhớ tới các vua Hùng và căm giận quân giặc Hán cướp nước.
Hai vợ chồng đang nhỏ to trò chuyện, chợt nghe có tiếng gọi ở cổng rằng: "Xin mời Vũ công ra bến sông mà đón bè gỗ". Ông bà nghe gọi còn đang bỡ ngỡ thì lại nghe có tiếng nói sang sảng đưa đến: "Vợ chồng Vũ công chớ hồ nghi, ta là bộ hạ Sơn Tinh công chúa được lệnh đem đến cho ngươi một bè gỗ quý và một người con gái tài sắc hơn đời, ngươi mau ra mà tiếp nhận!". Vũ công bèn bảo gia nhân đốt đèn đuốc, cùng nhau ra bến sông, quả nhiên có bè gỗ nằm bên bờ, mỗi cây gỗ đều lớn tày ôm. Khi hai vợ chồng trở về đang ngồi nói chuyện, chưa hết lạ lùng, lại có tiếng người con gái thỏ thẻ nói rằng: "Mẹ ơi, mở cửa cho con vào với!. Vừa lúc ấy, vụt có bóng một người con gái mặc áo màu hoa sen bước vào nhà, nhào vào lòng bà Hoàng Thị Mầu rồi biến mất.
Sau đó bà Hoàng Thị Mầu mang thai, đủ chín tháng mười ngày sinh đuợc một gái trắng trẻo xinh xắn. Không những hai vợ chồng Vũ công mừng rỡ mà dân các trang bản xung quanh vùng đều đến chia mừng. Vũ công đặt tên con là Thục.
Thục nương càng lớn càng tươi đẹp, da như vỏ trứng, má hồng môi thắm, mắt sáng mày cong, dáng người mềm mại như cây liễu mùa xuân. Tới năm mười sáu tuổi, Thục nương nhan sắc như bông phù dung buổi sớm, sách đọc chỉ một lượt là thuộc, kiếm múa như gió thổi hoa bay, mỗi khi ra ngoài ai nấy đều tôn sùng là "nữ tiên hạ thế".
Thục nương thường ưa thích ngồi thuyền dạo chơi trên sông Lô, có khi mở lưới quăng chài cùng các bạn gái, có khi vừa chèo vừa hát, tiếng hát ngân nga trên mặt sông. Một dải sông dài trong xanh, những cánh buồm phồng gió xuôi dòng như đàn bướm trắng khổng lồ đùa nắng. Đôi ba bè gỗ từ thượng nguồn về trôi lờ đờ chậm chạp, một con cò trắng duỗi thẳng chân lượn theo rồi lại vỗ cánh bay về phía lũy tre làng. Trên doi cát bạc, mấy chú bồ nông đứng im lặng nghiêm trang dường như nghĩ ngợi điều gì. Đôi bờ xanh ngắt vang tiếng gà gáy chó sủa, những làn khói thổi cơm chiều bay lên rồi loãng dần và tan vào màu xanh của bầu trời mát dịu. Vào mùa cá, trai gái vừa buông lưới vừa hát đối với nhau. Mùa thu trăng tỏ, trai gái ngồi dưới bờ tre cùng hát. Thục nương rất ưa thích hát đối và mỗi khi nàng cất giọng, mọi người đều ngơ ngẩn lắng nghe. Nàng nhanh trí nên trong cuộc hát đối, càng chàng trai vẫn phải chịu thua không tìm được lời hát lại.
Thục nương cũng thích đua trải trên sông. Tay chèo mạnh, mái chèo đập nước, Thục nương lại hò một câu hò ngắn và các bạn nàng lại cất tiếng " huê " vang để giữ nhịp tay chèo:
Thuyền ta - "huê"!
Rẽ sóng - "huê"!
Cò trắng - "huê"!
Bay vòng - "huê"!
Dòng sông - "huê"!
Xanh ngắt - "huê"!
Ta bắt - "huê"!
Con trôi - "huê"!
Ta lôi - "huê"!
Con chép - "huê"!
Tiếng hò mỗi lúc một gấp, những chiếc thuyền gỗ dài mình, nhọn mũi vùn vụt trôi. Các bạn trai chẳng chịu thua con gái, cố sức cho trải vượt, không kịp nghĩ các câu hò, chỉ hò gấp một điệu: "ơi khoan - huê!"... Mỗi tiếng hò là người lại ngả về sau, mỗi nhịp "huê" là người lại cuối rạp về phía trước, mái chèo đẩy sóng bọt nước bay tung.
Một ngày, Thục nương cùng các bạn gái đập trám trên một gò cao, các cô nhặt những quả trám đen bỏ vào những chiếc giỏ tre nho nhỏ. Vũ công đi thăm người bệnh về nhân thể tạt qua rủ con cùng trở lại nhà. Chợt mọi người cùng nhìn thấy ở đường nhỏ bên kia đầm nước có một người con gái trạc tuổi Thục nương, gương mặt tròn trặn bầu bĩnh, mặc áo lụa xanh, yếm tơ vàng, cưỡi con ngựa đen nhánh, bờm bay như mây tỏa. Những nguời đi theo nàng đều cầm giáo vác lưới, khiêng một con nai lớn, đàn chó hung hăn nhảy nhót theo chân. Người con gái ấy nét mặt nghiêm trang mà tươi tắn, thoạt nhìn thấy nàng, Thục nương đã đem lòng yêu mến, bèn hỏi cha: "Nàng đó là ai?". Vũ công nói: "Đó là Nàng Nội, con gái yêu của quan chủ trưởng châu ta đấy". Thục nương nói: "Người con gái ấy quả là xinh đẹp, nhưng không biết có tài cán gì không?". Vũ công nghiêm mặt mà rằng: "Con nói những lời kiêu ngạo, không xứng đáng với nền nếp nhà ta. Vả lại Nàng Nội là gái anh hùng, tài đức ấy con sao sánh kịp. Nàng là con gái quan trưởng châu ta đấy. Ngài là người uy vũ hơn đời, ân đức trùm khắp, thương dân như con, lại dòng dõi lạc tướng. Nếu nàng đến nhà ta, cha sẽ phải mở rộng cửa giữa đón tiếp, còn con thì chỉ được têm trầu mời nước mà thôi". Thục nương biết mình lỡ lời, mặt đỏ bừng, không dám nói nữa.
Vũ công thương yêu con gái rất mực, nhưng ông không nuông chiều thả lỏng mà luôn nhắc nhở con phải biết khiếm tốn thành thực, giữ gìn phẩm giá, kính người già, đỡ người yếu. Thục nương được sự dạy dỗ của cha mẹ nên được mọi người quý trọng vì nết cũng như yêu mến vì tài.
Một hôm, có ba chiếc thuyền cập bến Phượng Lâu, người dưới thuyền lên bờ, con trai đều chít khăn đầu rìu màu đỏ, thắt lưng đỏ, con gái đều mặc áo màu yếm lụa, các cụ chống gậy, ve vẩy chiếc quạt cọ. Đoàn người hỏi thăm đường về trang trại Vũ công. Có hai người đội hai mâm trầu cau đi trước, hai người khiêng rượu theo sau. Vũ công đón tiếp vui vẻ, lòng có ý mừng, vì đó là Phạm Danh Hương đã cùng gia đình đem cơi trầu đến cầu hôn Thục nương. Phạm Danh Hương là con vị hào mục cai quản mười ba trang trại ở Nam Chân, bên kia sông, chính quê ở Liệt Trang, Vũ công đã qua đó làm thuốc nên có quen vị hào mục và biết Phạm Danh Hương. Phạm Lang năm ấy tuổi ngoài hai mươi, hình dung tuấn tú, văn võ tinh thông, nghe tiếng Thục nương là khách anh tài, hiền hòa đức độ nên đến đặt trầu cau dạm hỏi. Khách ở lại ba ngày, chủ khách tâm đầu ý hợp. Thục nương têm trầu cánh phượng ra tiếp, thấy Phạm Lang mày xanh mắt sáng, nói năng từ tốn, cử chỉ khiêm cung nên cũng vui lòng ngỏ lời kết ước. Hát đúm ba đêm, con gái cất lời hát trước, ném chiếc khăn tay bọc trầu cau và một đồng tiền cho con trai. Con trai bắt lấy quả đúm hát đối lại và ném trả quả đúm cho người con gái. Theo lệ, trai gái đính hôn phải hát với nhau, người con trai giữ lấy quả đúm, mở ra ăn miếng trầu và trao lại cho người con gái miếng trầu khác. Nếu người con gái cũng ăn trầu là coi như việc hôn nhân đã đính. Từ ngày ấy, Thục nương bắt đầu dệt vải, may chăn thêu áo, chờ mùa thu sang năm qua sông về làm vợ Phạm Lang. Có hào mục họ Trần cũng lại cầu hôn với Thục nương. Hào mục họ Trần năm ấy tuổi đã bốn mươi, nhà giàu nổi tiếng ở châu Bạch Hạc, trong nhà có ngà voi, sừng tê, lông công, lông trĩ treo kín vách, quế thơm chất đầy hòm, trâu thả hàng đàn, thóc chất hàng vựa. Trần cậy mình có của nên đến hỏi Thục nương, mặc dầu biết Thục nương đã hứa hôn rồi.
Vũ công lựa lời từ chối, họ Trần mang lòng oán giận, lấy việc bị từ hôn làm điều sỉ nhục, ngày đêm nghĩ cách trả hờn. Họ Trần bèn kết thân với bọn quan Hán, rồi xin được gặp Tô Định, hết lời ca tụng sắc đẹp Thục nương. Tô Định nghe lời họ Trần, tâm thần mê mẩn, muốn được giáp mặt Thục nương để xem hư thực thế nào. Một hôm Tô Định cùng một bọn quan quân giả làm khách buôn ghé thuyền vào bến Phượng Lâu, xin yết kiến Vũ công. Vũ công đón tiếp tử tế. Thục nương mời trầu nước rồi lui gót. Tô Định mới được gặp Thục nương trong chốc lát mà đã mê mẩn tâm thần, bèn nói với bọn quan hầu rằng : " Người con gái này nếu không phải là Hằng Nga nơi cung Quảng thì cũng là tiên nữ chốn Bồng Lai, ta quyết phải đón nàng về Phủ, cùng nàng vui thú như Ngô vương với Tây Thi mới thỏa tấm lòng ! ". Ở Phượng Lâu hai ngày, Tô Định cáo từ ra về, lập tức ra lệnh triệu Vũ công tới Phủ thái thú. Vũ công nhận lệnh không rõ có việc gì mà Phủ thái thú lại gọi đến mình, nhưng cũng phải thu xếp theo viên sứ lên đường ngay. Tới nơi Tô Định mở tiệc đón mừng, tôn Vũ công ngồi ghế trên. Vũ công nhận ra Tô Định chính là khách buôn người Hán vừa ghé nhà mình, lòng càng lo ngại, từ chối không dám ngồi trên. Tô Định lại cho Vũ ccâng ngồi ngang mình rồi trong tiệc rượu ngỏ ý xin Thục nương để lập làm phu nhân. Vũ công giật mình đặt chén mà rằng : " Thục nữ xấu xí đã nhận lời kết hôn với con vị hào mục ở Nam Chân rồi". Tô Định đưa lời ép buộc, Vũ công một mực chối từ. Tô Định nổi trận lôi đình, truyền đánh chết Vũ công, lại cho lệnh triệu ngay cha con hào mục Nam Chân về hầu. Khi Phạm Danh Hương và cha vừa tới nơi, Tô Định thét quân dưới trướng lấy gậy đánh chết cả hai cha con, lại phát lệnh cử một đạo quân về Phượng Lâu trang bắt lấy Thục nương đưa về thành phủ.
Viên nha tướng Phủ thái thú đem hai trăm binh mã về tới Phượng Lâu vây kín các ngả, rồi nói với bà Hoàng Thị Mầu và Thục nương rằng : " Quan thái thú cho bản chức đón Thục nương về phủ lập làm phu nhân. Hiện Vũ công vẫn lưu lại ở phủ chờ Thục nương để cho cử hành hôn lễ ". Cùng hôm ấy, một người nhà đi theo hầu Vũ công từ Phủ thái thú trốn được về, bèn đem hết mọi chuyện tàn ác của Tô Định ra nói, vừa nói vừa khóc. Mẹ con Thục nương nghe tin ngất đi mấy lần, vật mình nức nở.
Người hầu gái thân tín thưa rằng: "Giặc đóng quanh nhà, chờ sáng mai đưa Nàng về Phủ. Lúc này không phải là lúc than khóc, xin Nàng mau tính kế thoát thân". Thục nương nghe ra, bèn nuốt đau ngậm hờn, truyền cho người nhà lén đưa mẹ ra khỏi trang tìm nơi ẩn náu, còn mình thì nai nịt gọn gàng, kiếm cầm tay, cho mời viên nha tướng vào nói chuyện. Viên tướng Hán đang cơn say rượu chệnh choạng bước vào, liền bị Thục nương phóng kiếm, đổ vật xuống đất. Thục nương múa kiếm cùng gia nhân phá vòng vây. Giặc hò nhau đuổi, tình thế rất gấp. Thục nương truyền cho gia nhân rẽ sang ngã khác rồi một mình lén theo đường tắt ra sông, may gặp chiếc thuyền nhỏ bên bờ, liền nhổ thuyền thả xuôi dòng nước. Lúc ấy mặt trời đã lặn. Thuyền trôi vùn vụt trong đêm, tới khoảng canh tư thì dạt vào bến. Thục nương bước lên, thấy vài chiếc lều quán chợ rảo bước vào phía trong gặp một tòa miếu cổ, cửa miếu hé mở, liền vào ẩn trong miếu.
Gà vừa gáy sáng, chợ đã có người đến họp. Vài người đi chợ sớm rẽ vào tòa miếu, thấy có vết máu, kinh lạ nhìn lên thượng cung, thấy một cô gái ngồi phục ở đấy. Cô gái thấy có người, đập kiếm mà rằng: "Giặc Tô tới đây, nhất định phải chết!". Những người đi chợ sợ hãi kêu to lên, mọi người đổ tới vây kín lấy miếu, bàn tán xôn xao. Có một cụ già tiến lên nói với cô gái: "Chúng tôi là dân làng đây, đều là dân làm ăn lương thiện, làm gì có giặc Tô nào ở đây. Còn nàng từ đâu đến?". Thục nương bèn từ thượng cung bước xuống. Mọi người nhìn xem, thấy là một người con gái xinh dẹp, tuổi trạc đôi mươi hai tay cầm hai thanh kiếm, áo quần còn giây vết máu, ai nấy đều lạ lùng, cất tiếng hỏi thăm. Thục nương nghe hỏi, nước mắt trào ra, nói rằng: "Tôi là người ở trang Phượng Lâu, châu Bạch Hạc. Giặc Tô tham sắc, muốn bắt tôi về hầu hạ nó, nhưng tôi là gái đã hứa hôn, khi nào lại chịu làm điều sĩ nhục ấy, Tô Định bèn giết cha và chồng tôi, giết cả bố chồng tôi rồi cho quân vây bắt tôi. Tôi chém tướng phá quân, một mình về được tới đây, không ngờ lại được các cụ dân trang chào hỏi. Nếu như giặc Tô theo đến, tôi quyết cùng chúng một trận sống mái ".
Dân chúng nghe nói, đều căm giận giặc Tô tàn bạo. Mọi người đón nàng về, thay nhau chăm sóc. Được vài tháng, nàng nói với dân trang: "Làm con không rửa được thù cha, làm vợ không trả được thù chồng, làm dân không báo được thù nước, sao có thể sống mà không hổ thẹn ! Tôi xin cải trang tu ở chùa làng, rồi sẽ định liệu". Ông hương trưởng nghe lời nàng nói cũng vui lòng hăng hái bàn với ông tự chùa cho nàng gọt tóc niệm Phật nương mình nơi cửa thiền. Từ đó, Thục nương là một vị sư nữ đạo cao đức trọng, tuần rằm mồng một lễ bái đèn nhang, nơi nào có người mời đi cúng lễ dù gần hay xa nàng đều vui vẻ nhận lời, dựa vào các dịp đó mà tìm gặp những người có chí.
Thục nương thường tìm đến hỏi thăm các cụ già, được các cụ tin cậy quý mến. Một hôm, Thục nương mời ông hương trưởng và vài cụ phụ lão tới chùa dự lễ dâng hoa cho Phật vào buổi tối, rồi giữ mọi người lại, đóng chặt cửa Tam quan, cùng nhau bàn tính những chuyện lộ ra có thể mất đầu : dựng cờ nghĩa đuổi giặc nước. Có một cụ già nói: "Đuổi giặc Hán ra khỏi bờ cõi, dân ta lại làm chủ nước ta, ai chả muốn. Làng này toàn người tốt cả. Việc nhà chùa muốn bàn chắc được dân nghe đấy!". Ông hương trưởng thong thả nói: "Đành là dân nghe, nhưng làng ta đây người thưa ruộng mỏng, cả làng chỉ vài chục nóc nhà, đói thiếu quanh năm, làm thế nào đánh đuổi được giặc?". Thục nương nói: "Điều đó tôi đã nghĩ tới rồi. Có mấy việc ta phải lo trước. Phải làm sao cho có người có của đã rồi mới nói chuyện tụ nghĩa được". Mọi người cùng bàn tán với nhau, tới canh ba mới chia tay.
Sau hôm ấy, làng đón các phường châu về buôn bán, lại đón các ông lò rèn về đánh dao đánh rựa bán đi các nơi. Nhờ có lò rèn và chợ trâu, người qua lại Tiên La ngày thêm đông, Tiên La mới chiêu tập dân lang bạt các nơi về chia đất cho, gọi là " cho một mũi cày " lấy đất bãi bồi bên sông mà chia. Những dải đất soi vẫn bỏ hoang nay xanh ngắt chuối mía khoai ngô. Từ đó, Tiên La mỗi ngày một thịnh vượng, xóm làng sầm uất, trên bến dưới thuyền, đời sống nhân dân cũng nhiều phần khấm khá hơn trước, cũng là nhờ công sức của Thục nương cả. Dân làng bảo nhau: "Trời cho dân ta được Thục nương về đây. Không có Thục nương làm gì có được quang cảnh này". Dân làng một lòng một dạ tin theo Thục nương.
Thục nương lại bàn việc khởi nghĩa với ông hương trưởng và các cụ. Người già vui lòng chống gậy đi các nơi nói với gái trai các trang các sách, nói với người đánh cá quanh năm bồng bềnh sóng nước, nói với người cày ruộng đầu năm chí tối xối mồ hôi trên luống đất, nói với những người không nhà không cửa, lăn lóc quán chợ, đầu đình, nói rằng: "Ở Tiên La có nữ thần quan được trời cho xuống cứu dân ta đấy. Khổ cực quá rồi ! Bà con ta hãy đến Tiên La theo nữ thần quan mà cứu lấy thân, cứu lấy nước ! ". Các cụ lại nói với các hào trưởng rằng: "Dân đây không thuộc quyền các ông, của cải ruộng nương nhà các ông không thuộc quyền các ông. Quan Hán khinh rẻ hiếp đáp các ông. Sao không theo nữ thần quan ở Tiên La mà đứng dậy?". Tiên La trang chẳng bao lâu đã là một trung tâm tu nghĩa mà ngôi chùa cổ ở bên sông gần bến chợ đã trở thành chỉ huy sở của nghĩa quân vậy. Bấy giờ các làng bên sông đều tích trữ quân lương, tụ họp trai tráng, mua ngựa sắm thuyền, rèn gươm chứa giáo, chỉ chờ dịp nổi lên giết giặc. Mùa thu, nghĩa quân họp lại dưới cờ Thục nương đã được trên một ngàn, thanh thế lừng lẫy. Thục nương dựng cờ khởi nghĩa, tự xưng là Bát Nạn đại tướng quân.
Bọn thống trị Hán giật mình kinh sợ, đem quan quân tới Tiên La đánh dẹp nghĩa quân. Bát Nạn đại tướng quân đánh với giặc, lúc ẩn lúc hiện, giặc vây nơi này thì nơi khác nổi lên, giặc không những không dẹp được Tiên La mà còn bị nghĩa quân đánh thua nhiều trận.
Dân chúng các nơi theo về với Thục nương ngày càng đông.
Lại nói Tô Định cai trị cõi Nam giao, tham tàn có một, bạo ngược không hai, dân chúng đâu đâu cũng một lòng oán hận. Hào kiệt bốn phương chống kiếm đứng dậy kể có hàng trăm, gái trai các nơi nghiến răng mài giáo kể có hàng ngàn, thiên hạ như nồi nước đang sôi sùng sục.
Cháu ngoại các Vua Hùng là Nàng Trưng Trắc ở Mê Linh cùng em là Trưng Nhị dựng cờ đại nghĩa, truyền hịch khắp trong nước, giục giã mọi người mau mau nổi dậy đánh đuổi giặc Hán tham tàn, giành lại non sông, lật đổ ách đô hộ tàn bạo của dị tộc, cùng mưu một cuộc sống an vui, một cảnh đời thái bình thịnh trị.
Trưng nữ chủ nghe tin Thục nương khởi nghĩa ở Tiên La nhiều lần đánh quân Hán phải chạy dài, liền cho sứ đem hịch đến vời. Thục nương tiếp sứ đọc hịch, lòng còn băn khoăn nghĩ ngợi, lưu sứ lại để còn suy tính trước sau. Bấy giờ Thục nương cho mời các nam nữ đầu mục, một số các cụ phụ lão và hương trưởng các trang lại, cùng bàn xem có nên đem quân theo về với Trưng nữ chủ. Có người nói rằng: "Sức ta đã mạnh, giặc Hán hung bạo mấy lần đến đánh ta đều phải tan chạy. Sao ta lại phải cắp giáo phụ vào với người? Vả lại Bát Nạn đại tướng cũng là bậc anh hùng ở đời, lo gì không hoàn thành được nghiệp lớn". Mọi người bàn cải xôn xao. Thục nương ý cũng chưa quyết bề nào. Lúc ấy có một cụ già râu tóc bạc phơ, mình gầy vóc hạc, mắt sáng như chớp, đứng dậy từ tốn mà rằng: "Lão nay chỉ một Tết nữa là trời cho một trăm tuổi thọ, chưa bao giờ thấy anh hùng độc trụ mà thành. Vả lại nhà Hán cai trị nước ta gần hai trăm năm, dữ tợn ngang ngược, quân đóng kín đất Giao Chỉ, ta lấy sức một người đuổi sao nổi giặc, chống sao lại được triều đình của Hán đế ? Ấy cũng vì hiểu cái lẽ ấy nên Trưng nữ chủ mới nêu sáng danh nghĩa dòng dõi Hùng Vương mà tập hợp anh hùng, kêu gọi dân chúng cả nước thắt dải đồng tâm, nhất tề nổi dậy. Lão xem cứ một việc ấy đủ biết Trưng nữ chủ trí lự sâu xa, hào kiệt trong thiên hạ không ai sánh nổi. Nay nếu ai chỉ biết phận nấy, mạnh ai người ấy đánh, thử hỏi giặc kia mà bẻ đũa từng chiếc thì liệu dân chúng Giao Chỉ bao giờ mới ngóc đầu dậy được?". Mọi người nghe cụ già nói đều nín lặng bồi hồi. Thục nương cũng như người ngủ mê chợt tỉnh, vái lão trượng mà rằng: "Lời nói của lão trượng như vén mây mù cho chúng tôi được thấy trời quang. Nếu không có lão trượng, tiện nữ này làm lỡ việc lớn mất!". Thục nương bèn tiếp sứ giả long trọng, rồi truyền lệnh mổ trâu giết lợn khao quân, chọn hai mươi ba cô gái khỏe mạnh dũng cảm ở Tiên La làm quân túc vệ, lại cho nữ binh đều mặc nam trang. Phiên chế đội ngũ chỉnh tề xong xuôi, Thục nương cưỡi ngựa kéo quân đến bái yết Trưng nữ chủ. Trưng nữ chủ đẹp lòng khen ngợi, phong Thục nương làm Đại tướng quân trưởng lĩnh tiền đạo. Thục nương lại xin được gặp Nàng Nội. Lúc này, Nàng Nội giữ ấn tín binh phù và cờ lệnh của Trưng nữ chủ, cũng dự bàn việc quân cơ. Khi gặp Thục nương, Nàng Nội tiếp đón thân thiết, thăm hỏi ân cần rồi bảo với Thục nương rằng: "Ta với nàng đều mang thù sâu với Tô Định, nay may được gặp Trưng nữ chủ phất cờ đại nghĩa, bốn bể theo về, chính là một dịp may cho chúng ta đấy. Nàng cầm đầu đạo tiền quân, phải gắng sức lên!". Thục nương cung kính vâng lời, khi lui ra nói với các tướng cùng quê rằng: "Cha ta xưa nói đúng : ta không thể bằng người ấy được".
Sau lễ tế cờ ở Hát Môn, đạo tiền quân của Thục nương cũng cờ đào mở gió, giáo gươm sáng quắc lên đường. Nghĩa quân đi tới đâu, dân chúng đều nô nức dắt díu nhau đón chật hai bên đường vui mừng gánh gạo dắt trâu để làm lương cho quân cứu nước.
Dẹp xong Tô Định, Trưng Trắc lên ngôi vua, phong Thục nương làm Bát Nạn đại tướng quân, Trinh Thục công chúa. Sau lễ khánh hạ, Thục nương giữa triều quỳ gối tâu với Trưng Vương rằng : " Hạ thần vì giặc Tô Định giết cha giết chồng mà dấy binh khởi nghĩa, nay nhờ được uy đức của bệ hạ đã trả được thù nhà, đền được nợ nước, xin dập đầu trước bệ bái tạ quân vương. Nay nước được thanh bình, xin bệ hạ cho kẻ hạ thần được trở về quê quán tế cha tế chồng và thăm mẹ già cùng quê hương bản quán ". Vua Trưng khen Thục nương là người hiếu nghĩa, chuẩn tấu cho về thăm mẹ, lại ban cho xe loan, quân hầu, thị nữ cùng vàng ngọc lụa là. Sau khi Vua Trưng bãi triều, Thục nương lui gót về cung sở thu xếp hành trang rồi cùng quân gia về ngay trang Phượng Lâu. Tới quê hương, Thục nương cho đón mẹ về, lại mời các phụ lão đến chuyện trò thân mật rồi mở hội ba ngày. Nhân dân các trang đều đến chúc mừng, bày các trò vui đánh vật, bơi trải, hát đúm, tung cầu. Vài hôm sau, Thục nương sang thăm Liệp trang. Thục nương cho thiết lập cung sở ở Phượng Lâu rồi xuôi thuyền về Tiên La. Nhân dân Tiên La vui mừng mở hội đón rước. Thục nương ở lại Tiên La nửa tháng, bàn với các cụ mở mang thêm rộng chợ, trồng thêm dâu tằm, lại bàn việc tu sửa chùa chiền đền miếu. Xong xuôi mọi việc, Thục nương về triều bái yết Trưng Vương. Trưng Vương yêu mến Thục nương, tuy là nghĩa vua tôi mà thực ra thì đối với Thục nương như tình ruột thịt.
Mã Viện vâng lệnh Hán đế cầm quân sang đánh chiếm Giao Chỉ. Trưng Vương cử các tướng đón đánh quân Hán ở các ngả. Thục nương lại cầm quân đuổi giặc, nhiều trận thắng lớn. Quân Hán thua, rút về biên giới. Thục nương được Vua Trưng xét công, gia phong cho làm Điển trưởng nội thị phu nhân, được ra vào nơi cung điện, lại cho phép về nghỉ một tháng ở quê nhà. Một hôm nhân dịp làng ăn mừng cơm mới, Thục nương mời các phụ lão vào cung sở dự tiệc xôi mới. Đang lúc vui vẻ, có người khách nói rằng: "Nghe tin Mã Viện được viện binh lại chia đường tiến vào nước ta, hiện quân ta đã đón giặc ở biên giới". Thục nương nghe nói, ngay hôm ấy nai nịt, cưỡi ngựa lên đường vào triều tâu với Trưng Vương xin được ra đánh Mã Viện.
Thục nương mỗi khi ra trận, đầu đội mũ trụ cài lông trĩ, mình mặc áo giáp bạc mặt hổ, cưỡi con ngựa ô truy đeo 18 chiếc nhạc lớn bằng đồng, đầu ngựa kết bông đỏ, oai phong lẫm liệt, dung mạo tươi thắm, tướng Hán trông thấy giật mình nói rằng: "Không ngờ Nam man lại có tướng ngang tàn như thế". Thục nương múa kiếm phóng ngựa xông vào đánh với tướng Hán, trống trận vang trời, chỉ một hồi chém tướng Hán đầu bay khỏi xác.
Thục nương mỗi khi giáp trận đều cải nam trang, giáp trụ uy nghi không để cho giặc biết được hình tích của mình. Tới trận không nói một lời, xông thẳng vào tướng giặc nhanh như chớp, khí thế như núi đổ, như sao băng, vì thế thường lập được nhiều công lớn.
Có lần Thục nương theo phò Trưng Vương ra trận cự với đại quân của đại tướng Hán là Tổ Hoài Đức. Trận ấy diễn ra quyết liệt, hai bên đều ra sức đánh, quân Hán đã núng thế, chợt chúng biết quân Trưng Vương là nữ binh liền hô nhau xông vào mà vật. Nữ binh lúng túng mất thế tiến công vừa đánh vừa lui.
Thục nương múa song kiếm giao chiến với Tổ Hoài Đức. Đánh được hồi lâu, Tổ Hoài Đức đưa mâu hất rơi mũ trụ của Thục nương, tóc Thục nương liền sổ tung như mây tỏa. Tổ Hoài Đức lúc ấy thấy tướng nam môi thắm má hồng, ánh mắt long lanh, tóc xanh óng ả, thật muôn phần xinh đẹp yêu kiều, chợt hiểu là nữ tướng, ngây ngất mà nhìn, đương mâu hơi lỏng, bị Thục nương đưa một nhát kiếm vào sườn. Tổ Hoài Đức kinh hoàng giật ngựa chạy lùi, còn Thục nương cũng vội đem quân tìm Trưng Vương để phò giá.
Sau trận ấy, Tổ Hoài Đức ngơ ngẩn tâm hồn ngày đêm mơ tưởng sắc đẹp Thục nương, bèn truyền lệnh khắp nơi, ai bắt được Thục nương thì thưởng trăm nén vàng và sẽ được tâu xin ban tước Thiên hộ hầu.
Thục nương lui về Tiên La. Lúc ấy Vua Trưng đã tử tiết. Mã Viện đặt lại quân huyện, đánh dẹp các nơi quân ta còn đóng giữ và đem đại quân tiến sâu vào đất Cửu Chân đuổi đánh các tướng của Vua Trưng còn chống cự. Thục nương nung nấu căm hờn mưu tính dựng lại nghiệp lớn, giữ vùng Tiên La hàng chục dặm trải tám tuần trăng rằm giặc vẫn không quét nổi. Một đêm, vào ngày mười tám tháng ba, Thục nương đang đi tuần trên sông, chợt thấy Tiên La bốc lửa ngụt trời, vội cho thuyền vào bờ, vừa đặt chân lên bến, một tướng giặc rảo bước đi tới vung đao chém. Thục nương chém ngay tướng giặc đứt làm hai đoạn, phá vây chạy đi, quân Hán reo hò vang bốn phía, trong ánh lửa thấy Tổ Hoài Đức cưỡi ngựa xốc tới. Thục nương chạy đến gốc một cây tùng lớn tuốt kiếm tuẫn tiết.
Nơi Thục nương mất, mối đùn lên thành mộ, còn cây đại tùng ba ngày sau khô héo mà chết. Nhân dân lập miếu thờ Thục nương ngay dưới bóng cây đại tùng.
Vào đời hậu Lê, vua Lê Thánh Tôn mang quân đánh Chiêm Thành, thuyền rồng ghé bến Tiên La, đóng quân lại nghỉ. Vua cho xem xét tìm miếu thờ Bát Nạn công chúa rồi gọi các cụ già cả trong làng ra hỏi chuyện. Các cụ đem sự tích Thục nương tâu bày với nhà vua. Vua Lê đem quân đánh Chiêm Thành được đại thắng, khi trở về triều bèn bao phong Thục nương làm "vạn cổ phúc thần", để cùng đất nước hưởng phúc lâu dài, đời đời ghi nhớ công lao người nữ anh hùng suốt đời vì nước (1).
Chú thích:
1. Truyện trên soạn theo thần tích miếu thờ Thục nương ở xã Phượng Lâu, huyện Phù Ninh, Vĩnh Phú. Thục nương được thờ ở Tiên La (Thái Bình), ở Phượng Lâu và ở Đức Bác (tức Liệp Trang, huyện Lập Thạch). Ngày sinh thần là ngày mười lăm tháng tám năm Tân Sửu, ngày khánh hạ vào mồng mười tháng ba và ngày hóa thần là ngày mười tám tháng ba.
Theo thần tích thời hậu Lê do Hàn Lâm Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn, và bản sao của dân Phượng Lâu, có phụ lục các triều vua bao phong cho Thục nương thì Thục nương được phong thần lần lượt như sau:
Thời Trưng Vương sắc phong : Bát Nạn Đại tướng quân Trinh Thục công chúa.
Thời vua Lê Thánh Tôn, sắc phong: Ý đức đoan trang Trinh Thục công chúa
Thời Minh Mạng nhà Nguyễn, sắc phong: Dục bảo trung hưng linh phù chi thần.
Thời Khải Định nhà Nguyễn, sắc phong: Dục bảo trung hưng linh phù Thượng đẳng thần.
Vào thời trước, trong các ngày lễ tưởng nhớ Thục nương tức Bát Nạn công chúa, ở Vĩnh Phú có bơi trải, hát Xoan tức hát đúm, cỗ đều bày trên mâm đan lót lá.