Chương hai mươi mốt
-
Nửa Mặt Trời Vàng
- Chimamanda Ngozi Adichie
- 1387 chữ
- 2020-05-09 01:32:52
Số từ: 1375
Người dịch: Nguyễn thị Hải Hà
NXB Lao Động
Nguồn: vietmessenger
Richard cảm thấy nhẹ bẫng khi nghe tin ngài Winston Churchill qua đời. Nó cho chàng một cái cớ để tránh về Port Harcourt vào cuối tuần. Chàng không thể nào đối diện với Kainene lúc này.
"Anh phải dẹp cái lối nói đùa kỳ cục của anh về Churchill từ bây giờ đấy nhé?" Kainene nói qua điện thoại khi chàng bảo cho nàng biết là chàng phải đi Lagos để dự tang lễ của vị Thủ tướng Anh. Chàng bật cười khi nghĩ không biết mình sẽ ra sao nếu như nàng biết chuyện, bỏ chàng và chàng sẽ không bao giờ được nghe cái giọng mỉa mai, chế nhạo của nàng qua điện thoại.
Chuyện chỉ mới vài ngày trước đây, nhưng ngay cả căn nhà của Olanna cũng trở nên mù mờ trong trí nhớ; chàng ngủ quên sau đó trên nền phòng khách của Olanna và thức giấc với cơn nhức đầu, khát khô cổ họng cùng cảm giác rất tệ về cái thân thể trần truồng của mình. Nàng ngồi trên sofa, mặc quần áo chỉnh tề và im lặng. Chàng cảm thấy ngượng ngùng, không chắc là mình có nên nói gì về những chuyện đã xảy ra. Cuối cùng, chàng bỏ đi, không nói lời nào bởi vì chàng không muốn cái mà chàng nghĩ là sự hối hận trên mặt nàng sẽ biến thành nỗi oán ghét. Chàng không phải là người được nàng lựa chọn, có thể bất cứ người đàn ông nào cũng có được cái hân hạnh này. Chàng đã có cảm giác đó ngay cả trước khi được nhìn thân hình nàng không mảnh vải che, nhưng điều này không làm giảm đi cái lạcthú chàng tìm thấy trên thân hình đầy những đường cong gợi cảm của nàng, cái cách nàng chuyển động cùng nhịp điệu với chàng, cái cách nàng hưởng thụ cũng cuồng nhiệt như mang khoái cảm đến cho chàng. Chưa bao giờ chàng cương cứng như thế và giữ được trạng thái cương cứng lâu như thế – như khi chàng ân ái với nàng.
Tuy nhiên, chàng cảm thấy bị mất mát một điều gì đó. Khi nàng ở ngoài tầm với của mình, chàng đã tôn thờ, ngưỡng vọng nàng biết bao. Còn bây giờ, sau khi chàng đã nếm được chất rượu vang trên lưỡi nàng, đã gắn chặt lấy thân thể nàng, rất gần và thật sâu, đến nỗi chàng ngửi thấy mùi kem dừa dính trên da nàng, chàng cảm thấy mất mát một cái gì đó rất lớn lao, kỳ lạ. Chàng đã đánh mất sự tưởng tượng nhiệm màu. Nhưng điều chàng lo lắng nhất là mất Kainene.
Song, chàng tự trấn an là Kainene sẽ không bao giờ biết được.
° ° °
Susan ngồi cạnh chàng trong buổi lễ tưởng niệm; khi một phần bài diễn văn của ngài Winston Churchill được phát, cô chắp đôi tay có đeo găng của mình lại thật chặt và dựa vào chàng. Richard cảm thấy nước mắt lưng tròng. Có lẽ đây là điều duy nhất hai người cùng chia sẻ; cả hai đều ngưỡng mộ Winston Churchill. Sau đó, cô mời chàng đi uống rượu với cô ở Câu lạc bộ Polo. Cô đã đưa chàng đến đây một lần trước đây và đã nói, khi họ ngồi trên thảm cỏ xanh trải dài, "Gần đây người Phi châu mới được phép vào, chỉ mới vài năm thôi, nhưng anh khó mà tưởng tượng được là họ đến đông tới mức độ nào, và họ cũng chẳng có vẻ gì trân trọng hay mang ơn, thật đó".
Họ ngồi vào chỗ ngày xưa vẫn từng ngồi, gần hàng rào sơn trắng, một hầu bàn người Nigeria trong bộ âu phục màu đen đứng cạnh. Câu lạc bộ có vẻ trống trơn, mặc dù có một cuộc chơi polo đang diễn ra ở phía bên kia. Tiếng la hét, tiếng chửi thề của tám người phóng ngựa như bay theo sau một quả bóng vang dội trong không trung. Susan nói chuyện nhẹ nhàng, giọng nói chất chứa nỗi bùi ngùivề cái chết của một người cô chưa bao giờ quen biết. Cô nói thật là hay, bởi vì nghị sĩ cuối cùng được mai táng theo nghi lễ quốc gia là Quận công của Wellington, làm như đây là một điều mới lạ với chàng, và đáng buồn làm sao khi có một số người không biết Churchill đã cống hiến bao nhiêu cho nước Anh, và thật kinh khủng khi có người nào ở buổi lễ tưởng niệm đã phát biểu là mẹ của ông có mang dòng máu người da đỏ. Theo chàng nhớ thì da cô có vẻ bắt nắng nhiều hơn; chàng đã chẳng gặp cô kể từ khi chàng dọn về Nsukka. Cô trở nên vui vẻ hơn sau khi uống vài ly gin và nói đến một cuộn phim rất hay về hoàng gia đã được chiếu thử cho Hội đồng Anh xem.
"Anh có vẻ chẳng mấy chú ý, đúng không?", cô hỏi, sau một lúc im lặng. Hai tai cô đỏ ửng.
"Ồ, anh có chú ý đấy chứ."
"Em có nghe về người yêu của anh, con gái Ông Trùm Ozobia", Susan nói. Từ người yêu được cô nói bằng một giọng nhạo báng, bắt chước cách nói của những người thất học.
"Tên cô ấy là Kainene."
"Anh phải cẩn thận bằng cách lúc nào cũng dùng bao cao su đấy nhé. Cần phải luôn luôn cẩn thận, ngay cả khi giao du với những người có học thức nhất trong đám da đen này."
Richard ngắm nhìn cái tĩnh lặng của màu xanh vô tận. Chàng chưa bao giờ có hạnh phúc với cô – cuộc sống mong manh, tất cả những tháng ngày kết thành một tấm voan mỏng của hư vô.
"Em đang qua lại với John Blake", cô nói.
"Thế à?"
Susan cười to. Cô đang nghịch nghịch cái ly của mình, kéo nó dọc theo cạnh bàn, quẹt nhòa nước đọng xung quanh ]y. "Anh có vẻ ngạc nhiên?"
"Anh không ngạc nhiên", chàng nói thế tuy có ý nghĩ khác. Không phải vì chuyện tình của cô mà vì vợ của John là Caroline, bạn thân của cô. Nhưng đây là một cuộc sống lưu vong. Tất cả mọi người đều làm thế ít nhất là theo những gì chàng biết, tất cả bọn họ đều ngủ với chồng hay vợ của người khác, những chuyện ăn nằm lăng nhăng nói chung chỉ là một cách tiêu khiển giết thì giờ nhàm chán ở miền nhiệt đới hơn là sự biểu lộ những đam mê chân thật của họ.
"Nó không có nghĩa lý gì, hoàn toàn chẳng có chút nghĩa lý nào cả", Susan nói. "Nhưng em muốn anh biết là em sẽ cố ‘bận rộn’ trong khi chờ anh chấm dứt mối tình tăm tối của anh."
Richard muốn nói rằng cô đã phản bội bạn của cô và chợt nhận ra nó nghe rất giả dối, ngay cả với chính chàng.
5. Quyển Sách: Thế Giới Im Lặng Khi Chúng Tôi Chết
Ông ta viết về nạn đói. Nạn đói là vũ khí của người Nigeria trong cuộc chiến. Nạn đói đánh gục Biafra và mang danh tiếng đến cho Biafra, làm cho Biafra trường tồn như quốc gia này đã tồn tại. Nạn đói khiến mọi người trên thế giới chú ý và biểu tình phản đối ở London, Moscow và Czechoslovakia. Nạn đói làm Zambia, Tamania, Ivory Coast và Gabon công nhận Biafra. Nạn đói đã đưa châu Phi vào trong cuộc tranh cử của Nixon ở Mỹ và làm cho các bậc cha mẹ trên toàn thế giới bảo con họ nên ăn nhiều hơn. Nạn đói thúc đẩy những cơ quan thiện nguyện ngầm mang thực phẩm bằng máy bay đến Biafra vào ban đêm bởi vì cả hai bên đều không chấp nhận lộ trình. Nạn đói thúc đẩy nghề chụp ảnh. Và nạn đói làm Hội Chữ thập đỏ Quốc tế gọi Biafra là cuộc cứu trợ nguy hiểm nhất kể từ Thếchiến thứ Hai.