Lời tựa của tác giả
-
Oliver Twist
- Charles Dickens
- 2109 chữ
- 2020-05-09 02:56:06
Số từ: 2120
LỜI TỰA CỦA TÁC GIẢ
Có một thời người ta cho rằng chọn một vài nhân vật trong quyển truyện này từ cái cư dân tội lỗi nhất và sa đọa nhất của Luân Đôn là một chuyện thô bạo và chướng tai gai mắt.
Nhưng khi viết quyển sách này, vì tôi thấy không có lý do gì cản trở không cho những cặn bã của xã hội (miễn là lối nói năng của họ nghe không chướng tai) giúp ích cho con người chẳng kém gì cái phần tinh hoa của nó, cho nên tôi dám tin chắc rằng cái thời đó sẽ không phải là
muôn đời
hay thậm chí sẽ không phải là một thời gian dài. Tôi đã nhìn thấy nhiều lý do vững chắc để tiếp tục con đường đã đi. Tôi đã đọc hàng chục quyển sách nói về bọn trộm cắp: những con người hấp dẫn (phần lớn đáng yêu) ăn mặc chải chuốt, túi đầy tiền, sành sỏi về ngựa, cử chỉ táo bạo, may mắn trong chuyện tán tỉnh, hát hay, đánh bài, uống rượu hay chơi xúc xắc đều cừ cả và đáng mặt làm bạn với những người anh dũng nhất. Nhưng tôi chưa bao giờ gặp (trừ phi ở Hôgac) (1)cái hiện thực thảm hại. Tôi cho rằng vẽ lên một lũ đã cấu kết với nhau gây tội ác như chúng tồn tại trong thực tế, miêu tả chúng trong tất cả tình trạng xấu xa, trong tất cả tình trạng khốn nạn của chúng, trong tất cả cuộc sông nghèo khổ thảm hại của chúng, nêu chúng lên hệt như trong thực tế, luôn luôn lo lắng lẩn tránh qua những con đường nhơ bẩn nhất của cuộc đời, và dù có quay mặt về phía nào thì cái giá treo cổ đen ngòm cũng vẫn chặn đứng mọi hy vọng, tôi cho rằng làm thế sẽ là cố gắng làm một điều cần thiết và sẽ giúp ích cho xã hội. Và tôi đã cố hết sức làm thế.
(1) Uyliam Hôgac (1687 - 179) - họa sĩ Anh nổi tiếng, người sáng lập hội họa châm biếm đạo đức, đã vẽ những bức tranh miêu tả sinh hoạt và phong tục xã hội thế kỷ XVIII không tô vẽ và điều đó cắt nghĩa tại sao Đickenx cho Hôgac là ngoại lệ trong số những người đã lý tưởng hóa những người phạm tội.
Trong tất cả những quyển sách tôi được biết, miêu tả những tính cách như vậy, bao giờ họ cũng khoác cho chúng cái vẻ lôi cuốn và hấp dẫn. Ngay cả trong Nhạc kịch của người ăn xin (2), bọn trộm cắp đã được miêu tả như là sống một cuộc đời đáng được thèm muốn nữa kia: Machit với tất cả cái vẻ hấp dẫn của người chỉ huy và do giành được lòng tận tụy của người con gái xinh đẹp nhất và là nhân vật duy nhất trong trắng trong vở kịch, đáng được cho các khán giả yếu lòng thán phục và noi gương chẳng kém bất cứ ông lớn nào khoác lễ phục đỏ, đã mua được - như Vônte nói - cái quyền chỉ huy vài ba ngàn người và cầm đầu họ để đương đầu với cái chết. Câu hỏi của Jônxơn nêu lên, liệu có kẻ nào dám trở thành trộm cắp vì Machit được hoãn xử án không, theo tôi là không đúng vấn đề. Tôi tự hỏi liệu có ai nản chí không dám trở thành trộm cắp vì Machit bị kết án tử hình, và vì có Pitsâm và Lôckit không, và khi nhớ lại cuộc đời náo động của viên đại uý, cái vẻ ngoài lộng lẫy, những thành công rực rỡ, những lợi thế mạnh mẽ của y, tôi dám chắc rằng những kẻ thiên về lối sống này không ai xem đó là một lời cảnh cáo, hay có thể nhìn thấy trong vở kịch này cái gì khác ngoài một con đường đầy hoa và thú vị, tuy với thời gian sẽ đưa cái tham vọng đáng kính ấy đến giá treo cổ.
(2) Hài kịch của nhà thơ Jôn Gây (1685 - 1732), miêu tả những
cặn bã
của Luân Đôn, những người ăn xin và những người sống ở các nhà hang chuột, để chế nhạo xã hội thị dân Anh đương thời.
Thực ra, trong khi châm biếm xã hội một cách dí dỏm. Gây nhằm một đối tượng chung, và điều đó khiến cho ông không hề nghĩ đến chuyện nêu gương cho ai về mặt này; trái lại ông nhằm những mục tiêu khác quan trọng hơn. Ta cũng có thể nói như vậy về quyển tiểu thuyết tuyệt diệu và có sức lôi cuốn mạnh mẽ của huân tước Êđuôc Bunvơ là Pôn Klipfơt (3), một tác phẩm không thể nào xem là mảy may liên quan với cái phần của chủ đề tôi đề cập ở trên.
(3) Một trong những quyển tiểu thuyết đầu tiên (1830) của Eđuốc Bunvơ, huân tước Littơn (1803 - 1873), tác giả nhiều quyển tiểu thuyết thuộc những thể loại khác nhau nhưng không có giá trị văn học. Trong quyển tiểu thuyết được Đickenx nhắc đến, tác giả miêu tả nhân vật chính là Klipfơt, nạn nhân của cái môi trường đã thúc đẩy anh ta phạm những tội ác. Bunvơ
cứu
nhân vật của mình bằng cách cho anh ta được hưởng một tình yêu, tình yêu đó làm cho anh ta hối hận, nên trở thành một con người đáng trọng.
Trong những trang đó, cuộc sống hàng ngày của một thằng ăn cắp được miêu tả thành một lối sống như thế nào? Nó có gì là hấp dẫn đối với những người trẻ và có thiên hướng xấu; có gì là lôi cuốn đối với những thanh niên đầu óc ngốc nghếch nhất? Ở đây không có chuyện phi ngựa trên những bãi cỏ hoang vu dưới ánh trăng, không có tiệc tùng gì trong những hang đá ấm cúng nhất đời, không có y phục hấp dẫn thêu hoa, viền đăng ten, không có giày ủng, không có áo ngoài đỏ thẫm, viền đăng ten tổ ong, không có gì là táo tợn và tự do nhan nhản trên
đường đi
từ thời xa xưa. Những đường phố Luân Đôn lạnh lẽo, ướt át, đêm khuya không nơi trú ẩn, những nhà ổ chuột hôi thối, bẩn thỉu, ở đấy những con người hư hỏng chen chúc nhau chặt cứng không có chỗ để cựa mình, nơi trú ẩn của đói khổ và bệnh tật những bộ quần áo bệ rạc, rách rưới cứ chực toạc ra, những điều ấy có gì là hấp dẫn kia chứ?
Tuy vậy, có những con người bản tính tế nhị và thanh lịch đến nỗi không tài nào có thể ngắm nhìn những cảnh khủng khiếp như vậy. Không phải họ quay lưng với tội ác một cách bản năng, nhưng những nhân vật phạm tội, muốn hợp với thị hiếu của họ, phải được tô điểm tế nhị cũng như những món ăn của họ. Một anh chàng Matxarôni mặc gilê nhung xanh (4) là một nhân vật lôi cuốn, nhưng một gã Xaikit mặc áo vải bông thô là không thể chịu đựng nổi. Một bà Matxarôni do mặc váy lót và y phục cải trang ngộ nghĩnh, nên xứng đáng được bắt chước trong những hoạt cảnh và được miêu tả trong những tranh in đá tô điểm những bài hát thú vị; nhưng một cô Nenxi vì mặc áo dài bằng vải và quàng khăn rẻ tiền cho nên không thể chấp nhận được. Người ta ngạc nhiên tại sao Đạo đức lại lẩn tránh những cái tất bẩn thỉu và Tội lỗi một khi kết hợp với đăng ten và bộ cánh hấp dẫn liền thay đổi tên chẳng khác các cô gái khi lấy chồng, trở thành câu chuyện lãng mạn.
(4) Biệt hiệu của những người ăn diện ở Luân Đôn trong những năm bảy mươi, thế kỷ XVIII. Họ đã tổ chức
Câu lạc bộ Matxarôni
ngay ở Luân Đôn, biệt hiệu này gắn liền với một danh từ văn học, với cái gọi là thơ Matxarôni, hay Makarôni thế kỷ XVI, tiêu biểu bởi sự lẫn lộn tiếng La Tinh với những ngôn ngữ dân tộc và thành trò đùa bỡn về ngôn ngữ.
Nhưng bởi vì mục đích của quyển sách này một phần là để nêu lên cái sự thực khắc nghiệt, ngay dù cho nó nói đến những hạng người rất được tán dương trong tiểu thuyết, cho nên tôi không vì các độc giả như thế mà che giấu dù chỉ là một lỗ thủng ở cái áo ngoài: cuả Cáo hay một đoạn dây uốn tóc trên đầu tóc bơ phờ của Nenxi. Tôi hoàn tòan không tin vào đầu óc tế nhị của những kẻ không tài nào có thể nhìn những con người như thế. Tôi không hề muốn làm cho họ tán thành ý kiến của mình. Tôi không tôn trọng ý kiến của họ, dù đó là khen hay chê; tôi không trông đợi họ tán thành, và tôi không viết để giải trí cho họ.
Người ta đã nói về Nenxi rằng lòng tận tuy của cô đối với tên ăn trộm tàn nhẫn có vẻ không tự nhiên. Và người ta cũng chê bai Xaikit như vậy - tôi thiết nghĩ lời chê trách cũng phần nào mâu thuẫn - rằng hắn ta chắc chắn là được cường điệu bởi vì ở hắn xem ra không hề mảy may có đặc điểm nào giảm bớt tội cho hắn, những đặc điểm mà ở người yêu của hắn thì lại bị chê là trái tự nhiên. Về lời chê trách này, tôi chỉ xin nhận xét: tôi sợ là ở trên đời có những bản tính nhẫn tâm và rõ ràng đã trở thành hoàn tòan hư hỏng không thể nào sửa chữa được. Dù điều đó có thực hay không tôi vẫn tin chắc một điều; có những con người như Xaikit, những người mà nếu như người ta theo dõi họ kỹ càng trong cùng một khoảng thời gian và cùng những hoàn cảnh như nhau, sẽ thấy họ không mảy may biểu lộ một hành vi, một dấu hiệu của một bản tính tốt đẹp hơn. Phải chăng mọi tình cảm dịu dàng hơn của con người đều chết trong những trái tim như thế, hay là cái sợi dây đàn cần phải gẩy đã han gỉ và khó tìm, tôi không dám cho là mình đã biết, nhưng sự thực chính là như thế, tôi tin chắc như vậy.
Bàn cãi về hành vi và tính cách của cô gái có vẻ tự nhiên hay không tự nhiên, có thể có hay không thể có, đúng hay sai thì cũng là vô ích. Đó là sự thực. Bất kỳ ai đã quan sát những hình bóng ảm đạm này của cuộc đời đều phải biết rằng đó là sự thực. Ngay từ khi cô gái bất hạnh này xuất hiện lần đầu tiên, cho đến khi cô gục cái đầu máu me lên ngực của tên ăn trộm, không có một lời nào là quá hay cường điệu. Đó là sự thực rành rành của Chúa bởi đó chính là cái sự thực Chúa để lại trong những lồng ngực hư hỏng và khốn khổ như thế, ở đấy vẫn còn thấp thoáng hy vọng, giọt nước trong cuối cùng ở dưới đáy cái giếng đã bị cỏ dại lấp kín. Nó bao hàm những khía cạnh tốt đẹp nhất và xấu xa nhất của bản tính chúng ta; phần lớn những sắc thái xấu xa nhất và một ít những gì đẹp đẽ nhất của nó, đó là một mâu thuẫn, mốt điều khác thường, có vẻ như không thể có được; nhưng đó lại là sự thực. Tôi vui sướng về chỗ người ta đã ngờ vực hiện tượng này, bởi vì đó là một lời chứng minh đầy đủ (nếu như tôi cần một lời chứng minh) rằng điều đó cần được kể lại.
Vào năm một ngàn tám trăm năm mươi, một ủy viên hội đồng thành phố nổi tiếng đã công khai tuyên bố ở Luân Đôn rằng không có và không hề có Đảo Jacốp. Đảo Jacốp vẫn còn tồn tại (vẫn còn là một nơi đầy tội lỗi như xưa) vào năm một ngàn tám trăm sáu mươi bảy, tuy nó đã được cải thiện và đã thay đổi nhiều.