• 955

Chương 14


Số từ: 4957
CHƯƠNG XIV
NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA THỜI GIAN ÔLIVƠ Ở NHÀ CỤ BRAOLÂU, VỚI LỜI TIÊN ĐOÁN ĐÁNG CHÚ Ý MÀ MỘT ÔNG GRIMUYCH NÀO ĐÓ ĐÃ NÓI VỀ NÓ KHI NÓ ĐƯỢC SAI ĐI LÀM MỘT SỐ VIỆC VẶT
Một lúc sau, Ôlivơ tỉnh dậy khỏi cơn hôn mê gây nên bởi tiếng kêu đột ngột của cụ Braolâu và cả cụ già lẫn bà Betuyn đều hết sức tránh né không đến bức tranh trong câu chuyện trao đổi kế tiếp sau đó. Họ không hề nhắc tới cuộc đời của Ôlivơ hay tương lai của nó mà chỉ thu hẹp vào những đề mục có thể làm nó thích mà không bị xúc động. Nó còn yếu quá, chưa thể ngồi ăn sáng được, nhưng hôm sau, khi bước vào căn phòng của người giữ nhà, hành động đầu tiên của nó là đưa mắt háo hức nhìn lên tường, hy vọng lại được thấy gương mặt của người đàn bà xinh đẹp. Nhưng những chờ đợi của nó bị thất vọng vì bức tranh đã được cất đi.

, người giữ nhà nói khi đưa mắt nhìn theo hướng cặp mắt của Ôlivơ. "Bức tranh đã được đem đi rồi, cháu thấy đấy".
"Thưa bà, cháu thấy ạ", Ôlivơ đáp, "Sao lại mang nó đi ạ?"
"Vì cụ Braolâu bảo, hình như nó làm phiền cháu, có thể nó sẽ làm cho cháu lâu hồi phục, cháu ạ", bà cụ nói tiếp.
"Ồ, không đâu, không đâu. Thưa bà, nó không làm phiền cháu đâu ạ", Ôlivơ nói. "Cháu thích ngắm bức tranh ấy. Cháu rất yêu nó".
"Được, được
, bà cụ vui vẻ nói, "cháu cố mau chóng phục hồi sức khoẻ, cháu ạ, rồi bức tranh sẽ được treo lại như cũ. Bà hứa với cháu đấy. Bây giờ chúng ta hãy nói về một chuyện gì khác".
Đó là tất cả những tin tức mà Ôlivơ có thể biết được về bức tranh vào lúc ấy. Vì bà cụ đã tỏ ra dịu dàng đối với nó trong khi ốm, cho nên nó cố gắng không nghĩ đến điều đó nữa, và chú ý lắng nghe rất nhiều câu chuyện mà bà cụ kể cho nó nghe, về cô con gái xinh đẹp và dễ thương của bà, đã lấy một con người xinh đẹp và dễ thương và sống ở nông thôn; về một cậu con trai là viên cho một thương nhân ở Oet Inđi, cậu con cũng là một người tử tế đã viết những bức thư đầy hiếu thảo, mỗi năm một bức, làm cho cụ rưng rưng nước mắt mỗi khi nói đến những bức thư ấy. Khi bà cụ đã nói suốt một thời gian dài về những cái hay cái tốt của các con mình, cũng như về đức tính của ông chồng hiền lành và tốt bụng - ông này đã chết, tội nghiệp, được đúng hai mươi sáu năm - thì đã đến lúc uống trà. Sau khi uống trà, bà cụ bắt đầu dạy cho Ôlivơ đánh bài kipbi. Ôlivơ học cách đánh cũng nhanh như bà có thể dạy, và hai người chơi trò chơi này rất hào hứng và nghiêm trang, cho đến khi người ốm phải uống một ít rượu vang nóng với nước, ăn một khoanh bánh mì khô, và sau đó thoải mái lên giường ngủ.
Những ngày Ôlivơ bình phục là những ngày sung sướng. Mọi vật đều im lặng, ngăn nắp và sạch sẽ, mọi người đều dịu dàng và tử tế, đến nỗi sau cảnh ồn ào và xúc động của cuộc đời mà trước đây luôn luôn nó phải chịu đựng, nó cảm thấy đây như là thiên đường. Nó còn chưa có đủ sức khỏe để mặc quần áo thì cụ Braolâu đã sai mua một bộ quần áo mới tinh, một cái mũ lưỡi trai mới, sai đóng cho nó một đôi giày mới. Và người ta bảo Ôlivơ rằng nó có thể làm gì với bộ quần áo cũ cũng được, và nó trao bộ quần áo này cho một chị đầy tớ rất tử tế đối với nó và yêu cầu chị bán cho một người Do Thái rồi giữ lấy tiền. Chị đầy tớ rất sẵn sàng làm điều này, và khi Ôlivơ nhìn ra cửa sổ phòng khách và thấy người Do Thái quấn tròn quần áo của mình trong cái túi của ông ta và ra đi thì nó cảm thấy hoàn tòan thích thú vì nghĩ rằng quần áo này thế là đã ra đi yên ổn, và bây giờ nó không lo sợ gì phải mặc lại bộ quần áo ấy nữa. Thực ra, đó là thứ giẻ rách bẩn thỉu, và Ôlivơ trước đấy chưa bao giờ có một bộ quần áo mới.
Một buổi chiều, khoảng một tuần sau câu chuyện bức tranh, khi nó đang ngồi nói chuyện với bà Betuyn, cụ Braolâu sai người đến bảo là nếu Ôlivơ Tuýt cảm thấy thực sự khỏe mạnh thì cụ muốn gặp nó trong phòng đọc sách của mình và nói chuyện một lát.
"Lạy Chúa cứu chúng con và ban phúc cho chúng con! Cháu hãy rửa tay để bà rẽ ngôi cho cháu rất xinh đẹp, cháu ạ!
, Bà Betuyn nói. "Lạy Chúa! Nếu chúng ta biết trước là cụ ấy muốn gặp cháu thì bà đã cho cháu mặc một cái áo sạch sẽ và tô điểm cho cháu xinh xắn như một bông hoa!".
Ôlivơ làm tất cả mọi điều bà cụ bảo nó, và mặc dầu trong lúc này bà than phiền khổ sở là bà thậm chí không có thì giờ để gấp lại cái diềm xếp nếp nhỏ ở trên cổ áo sơ mi của nó, nhưng trông nó vẫn xinh xắn và dễ thương, mặc dầu thiếu cái ưu điểm quan trọng này, đến nỗi khi nhìn nó bà đã bảo rằng bà rất hài lòng, rằng quả thực bà khó lòng có thể làm cho xinh đẹp hơn nữa.
Được khuyến khích như vậy, Ôlivơ gõ cửa phòng đọc sách. Sau khi được cụ Braolâu cho phép nó bước vào, nó thấy mình đứng trong một phòng nhỏ ở phía sau, đầy những sách là sách, có một cửa sổ nhìn ra những khu vườn con xinh xắn. Có một cái bàn kéo lại trước cửa sổ, và cụ Braolâu đang ngồi đọc sách ở đấy. Thấy Ôlivơ, cụ đẩy quyển sách ra một bên, đoạn bảo nó lại gần và ngồi xuống. Ôlivơ vâng lời, ngạc nhiên không biết có thể tìm thấy ở đâu những con người để đọc nhiều sách như vậy, những quyển sách tựa hồ như được viết ra để làm cho thế giới khôn ngoan hơn. Cho đến nay điều đó vẫn còn là một điều ngạc nhiên cho những người có kinh nghiệm hơn Ôlivơ Tuýt trong tất cả những ngày của cuộc đời họ.
"Này cháu, sách nhiều quá, phải không cháu?" Cụ Braolâu nói vì nhận thấy Ôlivơ tò mò nhìn những giá sách chạy từ sàn nhà lên trần.
"Thưa cụ nhiều lắm ạ", Ôlivơ đáp, "cháu chưa bao giờ thấy nhiều sách như thế.
"Cháu sẽ được đọc những quyển sách ấy nếu như cháu ngoan", cụ già dịu dàng nói, "và cháu sẽ thích hơn nữa so với khi nhìn ở bên ngoài, trong một vài trường hợp là thế, bởi vì có những quyển sách mà cái bìa và vẻ bên ngoài của nó lại là những bộ phận có giá trị nhất
.
"Cháu chắc là những quyển sách này rất nặng; có phải không cụ
, Ôlivơ nói và chỉ mấy quyển sách khổ bốn(11), bìa mạ vàng chói lọi.
(11) Khổ của một tờ giấy xếp làm bốn.
"Không nhất thiết như vậy
, cụ già nói, vỗ vỗ lên đầu Ôlivơ và mỉm cười trong khi nói, "có những quyển sách khác cũng nặng như vậy, mặc dầu kích thước nhỏ hơn. Thế cháu có muốn lớn lên thành một con người thông minh và viết sách không nào?"
"Cháu thấy cháu thích đọc sách hơn, cụ ạ!", Ôlivơ đáp.
"Cái gì? Cháu không thích làm một nhà văn à?", cụ già nói.
Ôlivơ suy nghĩ một lát, và cuối cùng nói nó thấy làm một người bán sách thì thích hơn nhiều. Nghe nói vậy, cụ già cười giòn giã, và tuyên bố rằng nó đã nói một điều rất hay. Ôlivơ mừng rỡ, mặc dầu nó không hiểu trong lời nó nói điều hay ấy là cái gì.
"Được lắm, được lắm!", cụ già nghiêm mặt nói. "Cháu đừng sợ. Ta sẽ không bắt cháu làm một tác giả đâu, một khi còn có một cái nghề lương thiện để học, hay có thể trở thành một người thợ nề
.
"Thưa cháu xin cám ơn cụ ạ
, Ôlivơ nói.
Thấy cách trả lời nghiêm chỉnh của nó, cụ già lại phá lên cười và nói một điều gì về một bản năng kỳ lạ, điều mà Ôlivơ không chú ý đến cho lắm bởi vì nó không hiểu.
"Và bây giờ", cụ Braolâu nói, giọng dịu dàng hơn, nhưng đồng thời nghiêm chỉnh hơn điều xưa nay Ôlivơ nghe cụ nói, "ta muốn cháu chú ý cẩn thận tới những điều ta sẽ bảo cháu, cháu ạ. Ta sẽ nói chuyện với cháu không giữ gìn gì hết, bởi vì ta tin chắc rằng cháu rất có thể hiểu được ta chẳng kém gì nhiều người lớn tuổi hơn cháu
.
"Ồ, cháu xin cụ, cụ đừng bảo cháu là cụ sẽ đuổi cháu đi!
, Ôlivơ kêu lên, hoảng hốt trước giọng nghiêm trang của lời mở đầu của cụ già. "Cụ đừng đuổi cháu ra khỏi nhà để lại phải đi lang thang ngoài phố. Cụ cho cháu ở đây, làm một người đầy tớ. Xin cụ đừng bắt cháu trở lại cái nơi khốn nạn trước đây của cháu. Xin cụ thương hại một thằng bé nghèo khổ
.
"Cháu yêu quý", cụ già nói, cảm động trước nhiệt tình của lời van nài đột ngột của Ôlivơ, "cháu không cần phải sợ hãi về chỗ ta sẽ bỏ cháu, trừ phi cháu bắt ta phải bỏ cháu
.
"Thưa cụ, không bao giờ, không bao giờ cháu lại làm như vậy
, Ôlivơ ngắt lời.
"Ta cũng hy vọng như vậy
, cụ già nói tiếp. "Ta không nghĩ rằng cháu sẽ làm như vậy. Trước đây, ta đã bị những người ta làm ơn làm ta thất vọng. Nhưng ta vẫn cảm thấy rất sẵn sàng tin cậy cháu, và ta quan tâm đến quyền lợi của cháu hơn là điều ta có thể nói. Những con người mà ta đã đem lòng yêu mến nhất đều đã nằm sâu dưới mộ, nhưng mặc dầu hạnh phúc và niềm vui sướng của đời ta cũng chôn vùi ở đấy, ta vẫn không vĩnh viễn chôn vùi con tim của mình, và vĩnh viễn khóa chặt những tình cảm tốt đẹp nhất của mình. Điều buồn bã đau đớn chỉ củng cố và mài sắc những tình cảm ấy mà thôi".
Vì cụ già nói câu này trong khi hạ thấp giọng, chủ yếu nói cho mình hơn là cho anh bạn của cụ nghe, và vì sau đó cụ ngồi im lặng một lát, cho nên Ôlivơ ngồi im phăng phắc.
"Được rồi, được rồi!", cụ già cuối cùng nói, giọng tươi tỉnh hơn, "ta chỉ nói rằng vì cháu là một người ít tuổi và biết ta đã phải chịu đựng những nỗi buồn và những tổn thất đau đớn, cháu phải cẩn thận hơn để đừng làm cho ta phải phiền lòng nữa. Cháu nói cháu là một thằng bé mồ côi, không có ai thân thiết trên đời, tất cả những điều ta điều tra đều xác nhận lời nói đó. Cháu hãy kể cho ta nghe câu chuyện của cháu: cháu từ đâu đến, ai đã nuôi cháu, làm sao mà cháu lại gia nhập cái bè lũ mà ta đã tìm thấy cháu ở đấy. Cháu cứ nói thực, và cháu sẽ không phải lo không có ai thân thiết hễ ta còn sống".
Tiếng nức nở của Ôlivơ cản trở không cho nó nói lên lời trong vài phút; khi nó sắp sửa kể lại câu chuyện được nuôi nấng như thế nào ở trại, và được ông Bâmbân mang đến nhà tế bần, bỗng có hai tiếng gõ cửa khe khẽ kỳ quặc vang lên ở ngoài cổng, và người đầy tớ, chạy lên gác, báo tin ông Grimuych đến.
"Có phải ông ta đến không?", cụ Braolâu hỏi.
"Thưa ông, vâng ạ", người đầy tớ gái đáp, "ông ấy hỏi trong nhà có còn bánh nướng xốp không, và khi con bảo là có, thì ông nói đến uống trà".
Cụ Braolâu mỉm cười, đoạn quay về phía Ôlivơ, nói rằng ông Grimuych là bạn cũ của mình, và Ôlivơ không được thắc mắc về chỗ ông ta là một người có cử chỉ hơi thô lỗ, nhưng thực ra, trong thâm tâm là một người tốt bụng.
"Cháu có phải xuống nhà dưới không cụ?", Ôlivơ hỏi.
"Không
, cụ Braolâu đáp, "ta thích để cháu ngồi đây hơn".
Vừa lúc ấy, một ông già mập mạp bước vào phòng, chống một cây gậy to tướng, một chân hơi khập khiễng. ông mặc áo ngoài màu lam, áo gilê kẻ sọc, quần vàng nhạt, và đi ghệt, đội mũ trắng rộng vành, viền xanh. Một chiếc áo sơ mi có cổ lá sen gấp nếp lộ ra ngoài áo gilê, ông mang một sợi dây chuyền đồng hồ rất dài bằng thép, nhưng ở đằng cuối không có đồng hồ mà chỉ có một chiếc thìa khóa treo lủng lẳng. Hai đầu chiếc khăn quàng trắng muốt xoắn lại thành một quả tròn to bằng quả cam, còn về vẻ mặt linh hoạt thay đổi luôn của ông thì không sao có thể diễn tả được. Trong khi nói chuyện, ông có cái lối vừa nghiêng đầu sang một bên, vừa nhìn người ta bằng khóe mắt, khiến cho ai nhìn ông cũng phải bất giác nghĩ tới một con vẹt. Ông đứng với thái độ như thế, ngay vào lúc xuất hiện, và tay ông giơ ra một miếng vỏ cam, rồi thốt lên giọng càu nhàu khó chịu.
"Xem này! Ông có thấy cái này không? Một điều thực kỳ lạ và phi thường là đặt chân đến nhà nào, tôi cũng vớ được cái của này ở cầu thang, - kẻ giúp đỡ tội nghiệp cho ông thầy thuốc. Tôi đã một lần bị què vì một miếng vỏ cam, và tôi biết thế nào cuối cùng vỏ cam cũng sẽ làm tôi chết. Nhất định là thế, vỏ cam sẽ làm tôi chết, nếu không phải thế thì tôi có mà phải ngốn cả cái đầu của mình!".
Đấy là cách nói quen thuộc mà ông Grimuych vẫn dùng để bênh vực và xác nhận mọi lời khẳng định của mình. Trong trường hợp của ông, câu nói này lại càng ngộ nghĩnh, bởi vì ngay dù cho người ta chấp nhận giả thiết rằng khoa học tiến bộ đến nỗi cho phép một người có thể nhai cái đầu của mình nếu như anh ta thích thì cái đầu của ông Grimuych lại thuộc loại đặc biệt lớn đến nỗi con người tham lam nhất cũng khó lòng có hy vọng ngốn được nó trong một bữa ăn, đó là không kể đến chỗ cái đầu ấy phủ một lớp phấn rất dày.
"Tôi có mà ngốn cái đầu của tôi, ông ạ
, ông Grimuych nhắc lại, gõ mạnh cây gậy xuống đất. "À này! Cái gì thế?
.
Mắt ông nhìn Ôlivơ và bước lùi lại một hai bước.
"Đây là cháu Ôlivơ Tuýt mà chúng ta đã nói đến
, cụ Braolâu nói.
Ôlivơ cúi chào.
"Có phải ông muốn nói đây là thằng bé đã lên cơn sốt không?" Ông Grimuych nói, bước lùi lại thêm một bước nữa. "Hãy đợi một phút! Khoan nói đã! Im...
Ông Grimuych đột nhiên nói tiếp, quên cả nỗi sợ bệnh sốt vì đắc chí trước điều phát hiện của mình. "Chính thằng bé này đã ăn quả cam! Nếu không phải là thằng bé này đã ăn quả cam rồi vứt những vỏ này trên cầu thang thì tôi có mà ngốn cái đầu của tôi, và cả cái đầu của nó
.
"Không, không, nó không ăn đâu
, cụ Braolâu nói, rồi cười khanh khách. "Ông bạn lại đây! Đặt mũ xuống, và nói chuyện với anh bạn trẻ của tôi
.
"Tôi rất lo lắng về vấn đề này, ông ạ
, ông già cáu kỉnh nói và tháo đôi găng tay. "Bao giờ cũng có những vỏ cam ở trên lề đường phố chúng ta, và tôi biết thằng con ông thầy thuốc ở góc phố vứt đấy. Tối qua một người đàn bà trẻ tuổi đã ngã vì giẫm phải một vỏ cam, và gục người vào hàng chấn song sắt của vườn tôi. Ngay sau khi bà ta đứng lên, tôi thấy bà ta nhìn về phía ngọn đèn đỏ đáng ghét (12)với cái ánh sáng quỷ quái của nó. "Đừng đến nhà ông ta
, tôi lớn tiếng gọi to từ cửa sổ, "nó là thằng giết người đấy! Nó chăng bẫy đấy!". Đúng là thế. Nếu không thì có mà...". Đến đây, ông già cáu kỉnh lại lấy cây gậy gõ mạnh xuống đất. Điều đó các bạn của ông bao giờ cũng hiểu nó thay câu nói quen thuộc, khi câu nói ấy không được biểu hiện bằng lời. Sau đó, tay vẫn cầm gậy, ông ngồi xuống, lấy ra một cặp kính kẹp sống mũi mang buộc vào một cái dải màu đen to tướng và đưa mắt nhìn Ôlivơ. Ôlivơ cảm thấy mình là đối tượng được quan sát cho nên đỏ mặt và lại cúi đầu.
(12) Biển hàng của thầy thuốc thời Đickenx có ngọn đèn đỏ.
"Thằng bé ấy đấy, có phải không nào?", cuối cùng ông Grimuych nói.
"Thằng bé ấy đấy", cụ Braolâu đáp.
"Cậu bé, sức khỏe cậu thế nào?", ông Grimuych hỏi.
"Thưa ông, đỡ lắm rồi ạ, cảm ơn ông
, Ôlivơ đáp.
Cụ Braolâu cảm thấy ông bạn ngộ nghĩnh của mình sắp nói một điều gì khó chịu, liền bảo Ôlivơ xuống nói với bà Betuyn rằng hai người đã sẵn sàng uống trà. Ôlivơ rất vui vẻ vâng lời, bởi vì nó không thích cử chỉ của ông khách.
"Thằng bé xinh xắn, có phải không nào?", cụ Braolâu hỏi.
"Chả biết nữa", ông Grimuych đáp càu nhàu.
"Tại sao lại không biết?"
"Không. Tôi không biết. Tôi không thấy bọn trẻ con có gì khác nhau cả. Tôi chỉ biết có hai loại trẻ con. Những thằng bé xanh xao, và những thằng bé mặt béo phị".
"Thế Ôlivơ thuộc loại nào?"
"Loại xanh xao. Tôi biết một ông bạn có một thằng bé mặt béo phị, người ta cho nó là một thằng bé xinh xắn: đầu tròn, má đỏ, mắt sáng. Một thằng bé kinh khủng, thân hình và chân tay nó có vẻ thòi ra ngoài đường may bộ quần áo màu lam của nó, giọng nói của nó là giọng của một người hao tiêu và nó háu ăn như chó sói. Tôi biết thằng ấy! Một thằng khốn nạn!".
"Được rồi
, cụ Braolâu nói, "những đặc tính này không phải là của thăng Ôlivơ Tuýt, cho nên nó không thể nào làm anh nổi giận
.
"Đồng ý
, ông Grimuych nói. "Có thể nó có những đặc tính tệ hơn
.
Đến đây, cụ Braolâu dặng hắng có vẻ sốt ruột, và điều đó xem ra làm cho ông Grimuych vô cùng thích thú
"Này, nó có thể có những đặc tính còn tệ hơn nữa
, ông Grimuych lặp lại. "Nó từ đâu đến? Nó là ai? Nó là cái gì? Nó lên cơn sốt. Cái đó có gì quan trọng? Cơn sốt không phải là đặc điểm của những người tốt, có phải không nào? Những người xấu đôi khi cũng lên cơn sốt, đúng chưa nào? Tôi có biết một thằng cha bị treo cổ ở Jamaica vì đã giết chủ nó. Nó đã lên cơn sốt sáu lần, nhưng không phải vì thế mà nó được ân xá. Ôi chao! Thực là vô nghĩa!".
Sở dĩ như vậy là vì trong thâm tâm, ông Grimuych rất sẵn sàng thừa nhận rằng vẻ bên ngoài và cử chỉ của Ôlivơ đều hết sức dễ thương, nhưng ông có một thói quen rất mạnh là nói ngược lại ý định của người khác, thói quen này trong dịp này lại được nhấn mạnh bởi việc tìm thấy cái vỏ cam, và trong bụng nghĩ rằng không một người nào có thể bắt ông phải thừa nhận rằng một thằng bé là xinh đẹp hay không xinh đẹp, cho nên ngay từ đầu ông đã quyết định chống đối lại ông bạn. Khi cụ Braolâu thừa nhận rằng hiện nay chưa đưa ra được một câu trả lời nào làm cụ hài lòng về bất cứ vấn đề nào, và phải hoãn việc điều tra về cuộc đời trước đây của Ôlivơ cho đến khi thằng bé khá vững vàng để có thể chịu đựng được, ông Grimuych cười khúc khích một cách tinh quái. Và mỉm một nụ cười chế nhạo, ông Grimuych hỏi xem người giữ nhà có thói quen đếm lại các bát đĩa bằng bạc vào buổi tối không, bởi vì nếu bà ta không tìm thấy một hai cái thìa trà vào một sáng đẹp trời nào đấy thì ông ta có mà...
Cụ Braolâu vốn biết tính tình kỳ quặc của ông bạn, cho nên mặc dầu là người dễ nổi nóng, cụ vẫn chịu đựng được tất cả một cách vui vẻ. Vì ông Grimuych trong lúc uống trà ân cần tỏ ra hoàn tòan tán thưởng những chiếc bánh nướng xốp, cho nên cuộc nói chuyện diễn ra êm đẹp, và Ôlivơ được tham dự vào cuộc uống trà trước mặt ông già dữ tợn kia, bắt đầu cảm thấy mình thoải mái hơn trước.
"Khi nào ông định nghe kể lại đầy đủ, chân thực và chi tiết về cuộc đời và những chuyện phiêu lưu của Ôlivơ đấy?". Ông Grimuych hỏi cụ Braolâu khi bữa ăn kết thúc, mắt nhìn nghiêng về phía Ôlivơ, trong khi ông quay trở lại câu chuyện.
"Đến sáng mai", cụ Braolâu đáp. "Lúc bấy giờ tôi muốn ngồi một mình với thằng bé. Sáng mai vào lúc mười giờ cháu lên gặp ta nhé!".
"Thưa cụ vâng ạ", Ôlivơ đáp. Nó trả lời lưỡng lự đôi chút, bởi vì nó hơi lúng túng thấy ông Grimuych cứ nhìn chằm chặp vào mặt nó.
"Tôi bảo ông cái này nhé", ông Grimuych thì thầm với cụ Braolâu, "sáng mai nó không đến gặp ông đâu. Tôi thấy nó chần chừ. Ông bạn quý hóa ơi, nó đang đánh lừa ông đấy
.
"Tôi thề là nó không lừa", cụ Braolâu đáp, giọng sôi nổi.
"Nếu như nó không lừa ông", ông Grimuych nói, "thì có mà..." và cây gậy gõ mạnh xuống đất.
"Tôi lấy cuộc đời tôi cam đoan là thằng bé này không lừa đâu
, cụ Braolâu nói, lấy tay đấm xuống bàn.
"Còn tôi thì lấy cái đầu cam đoan là nó lừa đấy!", ông Grimuych trả lời, cũng lấy tay đấm xuống bàn.
"Chúng ta cứ thủ xem", cụ Braolâu nói, cố nénn giận đang tăng lên.
"Ừ, thì cứ thử xem", ông Grimuych trả lời với một nụ cười khiêu khích, "cứ thử xem".
Dường như số phận run rủi, ngay vào lúc ấy bà Betuyn bỗng đem đến một gói sách nhỏ mà cụ Braolâu sáng hôm ấy đã mua cũng ở quầy hàng sách hôm nọ đã nói đến ở trong câu chuyện này. Sau khi đã đặt sách lên bàn, bà chuẩn bị rời khỏi phòng.
"Bà Betuyn, hãy giữ thằng bé lại"', cụ Braolâu nói, "tôi có một điều cần phải gọi nó lại đây!".
"Thưa ông, nó đã đi rồi
, bà Betuyn trả lời. "Hãy gọi nó lại đây
, cụ Braolâu nói, "rõ thực kỳ quặc. Ông ta là một người nghèo, và những quyển sách này tôi chưa trả tiền. Lại còn một vài quyển sách nữa cần phải trả lại cho ông ấy
.
Cánh cửa đi ra phố được mở ra. Ôlivơ chạy một đàng, và cô đầy tớ gái chạy một hướng khác, và bà Betuyn đứng ở bậc thềm gọi thằng bé, nhưng không thấy thằng bé nào cả. Ôlivơ và cô đầy tớ gái quay trở lại, thở hổn hển, nói rằng không có dấu vết gì của thằng bé đưa sách.
"Trời ơi, tôi rất buồn vì việc đó
, cụ Braolâu thốt lên. "Tôi rất muốn trả lại những quyển sách này ngay tối nay
.
"Thế thì cứ bảo Ôlivơ đem đến", ông Grimuych nói với một nụ cười chế giễu, "ông biết là nó sẽ đem sách đến rất an tòan cơ mà".
"Phải đấy, xin cụ để cho cháu mang đi, cụ cứ để mặc cháu
, Ôlivơ nói. "Cháu sẽ chạy nhanh ở trên đường, cụ ạ".
Cụ già đang định nói rằng dứt khoát Ôlivơ không được đi với bất cứ giá nào, bỗng một tiếng ho tinh nghịch của ông Grimuych khiến cụ quyết định rằng Ôlivơ phải đi. Bằng cách thực hiện nhanh chóng công việc giao phó, Ôlivơ sẽ chứng minh cho ông Grimuych thấy sự ngờ vực của ông ta là bất công, ít nhất là về điều này, và sẽ chứng minh ngay lập tức.
"Được cháu sẽ đi", cụ già nói. "Những quyển sách ấy nằm trên một cái ghế cạnh bàn của ta. Cháu cứ lấy xuống
.
Ôlivơ sung sướng được sai bảo, hối hả mang những quyển sách xuống, cặp dưới nách, và một tay cầm chiếc mũ lưỡi trai, chờ đợi xem cụ Braolâu sẽ dặn nó những gì. Cụ Braolâu nói, nhìn thẳng vào mặt ông Grimuych.
"Cháu nói với ông ấy, cháu phải nói với ông ấy rằng cháu mang những quyển sách kia trả lại cho ông ấy, và cháu đến để trả bốn bảng mười silinh mà ta mắc nợ ông ấy. Đây là một tờ giấy bạc năm bảng, và như vậy cháu phải mang về cho bác mười silinh còn thừa".
"Thưa bác điều đó mất không đầy mười phút ạ
, Ôlivơ hăng hái đáp. Sau khi đã nhét tờ giấy bạc vào túi áo chẽn rồi cài cúc lại, và cắp sách cẩn thận ở dưới nách, nó kính cẩn cúi chào và bước ra khỏi phòng. Bà Betuyn đi theo sau nó đến cổng, dặn dò về con đường gần nhất, tên người bán sách và tên đường phố. Tất cả những điều này Ôlivơ nói nó đều biết rõ. Sau khi đã nói thêm một vài lời dặn để tin chắc là nó không cảm lạnh, cuối cùng bà cụ cho phép nó ra đi.
"Lạy Chúa, mặt thằng bé dễ thương quá!". Bà cụ nói, đưa mắt nhìn theo. "Không hiểu sao, mình cứ nhìn nó không biết chán".
Ngay vào phút ấy, Ôlivơ vui vẻ đưa mắt nhìn quanh và gật đầu ra hiệu với bà trước khi nó rẽ sang đường khác. Bà cụ mỉm cười đáp lại lời chào của nó và đóng cửa lại, quay trở về phòng mình.
"Ta cứ thử xem, nó sẽ quay trở lại nhiều nhất là trong hai mươi phút
, cụ Braolâu nói, kéo chiếc đồng hồ ra và đặt trên bàn. "Lúc đó trời sẽ tối".
"Ôi chao! Quả thực ông nghĩ rằng nó sẽ trở về sao?", ông Grimuych hỏi.
"Thế ông không nghĩ thế à?", cụ Braolâu hỏi, mỉm cười.
Tinh thần chống đối lúc bấy giờ rất mạnh ở trong óc của ông Grimuych, và nụ cười tự tin của ông bạn mình làm cho thái độ này càng mạnh mẽ hơn.
"Không
, ông nói, lấy tay đập xuống bàn, "tôi nói là không. Thằng bé mặc một bộ quần áo mới trên người, dưới nách cắp quyển sách có giá trị, trong túi lại có một tờ giấy bạc năm bảng. Nó sẽ trở về với những thằng bạn ăn cắp trước đây của nó và sẽ cười chế nhạo ông. Nếu như thằng bé quay trở về cái nhà này ông ạ, thì tôi có mà ngốn cái đầu của mình".
Nói đoạn, ông kéo chiếc ghế lại gần bàn hơn nữa; và hai ông bạn ngồi im lặng chờ đợi, chiếc đồng hồ ở giữa hai người
Một điều đáng lưu ý là do muốn minh họa tầm quan trọng mà chúng ta thường dành cho các xét đoán của mình và sự kiêu hãnh mà chúng ta thường biểu lộ đối với những kết luận liều lĩnh vội vàng nhất, nên mặc dù ông Grimuych hoàn tòan không phải là một con người tâm địa độc ác, và mặc dầu ông ta sẽ thành thực buồn bã khi thấy ông bạn đáng kính của mình bị lừa dối và bị bịp, nhưng quả thực vào lúc này ông tha thiết mong rằng Ôlivơ Tuýt không trở về.
Trời đã tối đến nỗi những con số trên mặt đồng hồ khó lòng nhìn thấy được, nhưng hai ông lão vẫn cứ ngồi im lặng, với chiếc đồng hồ ở giữa họ.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Oliver Twist.