• 5,078

Chương 23


Dịch giả: Phạm Hải Anh
NXB Trẻ
Năm 1968
Nhiệm vụ của Allan tại Đại sứ quán Indonesia tại Paris chẳng cam go gì. Đại sứ mới, bà Amanda Einstein, dành cho ông một phòng riêng với một chiếc giường và nói bây giờ Allan tự do làm gì tùy thích.
- Nhưng nếu anh làm phiên dịch giúp cho thì tốt quá, phòng khi chẳng may em phải gặp gỡ người từ các nước khác.
Allan đáp, xét tính chất công việc thì không thể loại trừ tình huống xấu như vậy. Người nước ngoài đầu tiên chắc đang đợi ngay ngày hôm sau, nếu Allan hiểu đúng.
Amanda đã văng tục khi bị nhắc phải đến điện Élysée để nhận chức. Buổi lễ tất nhiên kéo dài không quá hai phút nhưng thế là quá đủ cho một người có thiên hướng buột mồm nói điều ngu ngốc, và Amanda chắc chắn mình có thiên hướng đó.
Allan đồng ý rằng thỉnh thoảng cô hay nhỡ mồm, nhưng chắc chắn sẽ chẳng sao trước mặt Tổng thống de Gaulle, miễn là cô chỉ nói tiếng Indonesia trong hai phút, còn nếu không chỉ cần mỉm cười và tỏ vẻ thân thiện.
- Anh vừa nói tên ông ta là gì nhỉ? Amanda hỏi.
- Indonesia, chỉ nói tiếng Indonesia, Allan đáp. Hay thậm chí tốt hơn là tiếng Bali.
Rồi Allan ra ngoài đi dạo ở thủ đô nước Pháp. Phần vì ông thấy sau mười lăm năm trên ghế sofa, duỗi chân ra một tí cũng chẳng hại gì, phần vì ông vừa thấy mình qua tấm gương ở Đại sứ quán và nhớ ra mình đã không cắt tóc, cạo râu từ sau vụ núi lửa phun năm 1963.
Tuy nhiên hóa ra không thể tìm thấy tiệm cắt tóc nào mở. Hoặc bất cứ thứ gì khác. Tất cả đều khóa chặt, có vẻ như mọi người đang đình công, chiếm cứ các tòa nhà, biểu tình, đẩy các xe ôtô sang bên, la hét, chửi rủa và ném đồ vật vào nhau. Hàng rào chống bạo động đã dựng lên dọc ngang trên phố, nơi Allan đang đi bộ và gắng giữ mình.
Y như Bali nơi ông vừa rời khỏi. Chỉ có lạnh hơn thôi. Allan bỏ đi dạo, quay lại đại sứ quán.
Ở đó, ông đụng đầu ngay phải bà đại sứ đang nổi đóa. Họ vừa gọi điện từ điện Élysée nói rằng buổi lễ nhậm chức dài hai phút đã được thay thế bằng một bữa trưa dài, bà đại sứ được mời cùng với chồng và tất nhiên cả phiên dịch riêng của bà, về phần mình, Tổng thống de Gaulle cũng mời Fouchet, Bộ trưởng Bộ nội vụ và cả Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson nữa.
Amanda tuyệt vọng. Cô có thể gắng qua hai phút với tổng thống mà không sợ bị trục xuất ngay lập tức, nhưng ba tiếng đồng hồ, lại còn với một tổng thống khác vào bàn.
- Chuyện gì thế này, Allan? Làm sao mà thành ra như thế được? Chúng ta sẽ phải làm gì? Amanda hỏi.
Nhưng ngay cả Allan cũng không hiểu vì sao từ một cái bắt tay trong vài phút nó lại phát triển thành một bữa trưa dài với cả hai vị tổng thống. Và cố gắng hiểu những điều không thể hiểu được không phải là bản tính của Allan.
- Chúng ta nên làm gì ấy à? Tôi nghĩ rằng ta nên tìm Herbert và uống gì với nhau. Chiều rồi còn gì.
Một buổi lễ nhậm chức giữa Tổng thống de Gaulle với đại sứ một quốc gia xa xôi và không quan trọng thường kéo dài nhiều nhất là sáu mươi giây, nhưng có thể được gấp đôi thời gian nếu nhà ngoại giao đó thích rườm lời.
Trường hợp với đại sứ Indonesia đột nhiên trở nên hoàn toàn khác, vì những lý do chính trị lớn lao mà Allan Karlsson không bao giờ lần ra được, dù có cố gắng.
Sự thật là Tổng thống Lyndon B. Johnsson đang ngồi trong Đại sứ quán Mỹ ở Paris, khát khao một thành công chính trị. Các cuộc biểu tình trên toàn thế giới chống chiến tranh ở Việt Nam giờ đang hoành hành như cơn bão và biểu tượng của chiến tranh, Tổng thống Johnsson, có thể nói là bị tẩy chay khắp nơi.
Từ lâu, Johnson đã bỏ rơi các kế hoạch của mình để cố gắng tái đắc cử vào tháng Mười, ông muốn người ta nhớ đến mình tốt đẹp hơn là ‘kẻ sát nhân’ và các từ khó nghe khác giờ đây đang được gào thét khắp nơi. Vì vậy, đầu tiên, ông tạm dừng đánh bom Hà Nội và với động thái đó, đã có một hội nghị hòa bình được tổ chức thật. Thế mà ngay trên các đường phố ở thành phố nơi tổ chức hội nghị lại xảy ra một cuộc bán-chiến tranh, Tổng thống Johnson thấy nó khá là hài hước. Có một cái gì đó mà de Gaulle đã nhúng tay vào.
Tổng thống Johnson nghĩ de Gaulle là một kẻ đốn mạt, rõ ràng đã
quên
khuấy ai là người từng xắn tay áo lên cứu đất nước mình từ tay Đức. Tuy nhiên, trong trò chơi chính trị thì rốt cuộc, tổng thống Pháp và Mỹ không được phép ở cùng thành phố mà không ít nhất là ăn trưa với nhau.
Vì vậy, bữa ăn trưa được đặt ra, và sớm phải chịu đựng thôi. Nhưng may mắn thay, người Pháp hiển nhiên đã nhầm lẫn (Johnson chẳng ngạc nhiên) đặt trùng lịch cho tổng thống của mình. Do đó mà tân đại sứ của Indonesia - lại là phụ nữ nữa! - cũng sẽ có mặt tại bàn. Tổng thống Johnson thấy rất tuyệt, vì thế thì ông có thể trò chuyện với bà ta thay vì với de Gaulle.
Nhưng thực ra nó không phải bị trùng lịch. Thay vào đó, chính Tổng thống de Gaulle vào phút cuối đã nghĩ ra sáng kiến vờ trùng lịch này. Như thế, bữa trưa sẽ có thể chịu đựng được, ông có thể trò chuyện với đại sứ Indonesia - lại là phụ nữ nữa! - thay vì với tay Jonhson đó.
Tổng thống de Gaulle không thích Johnson, nhưng vì lí do lịch sử hơn là cá nhân. Vào cuối cuộc chiến tranh, Mỹ đã đặt Pháp dưới quyền quân sự của Mỹ - họ định lấy cắp đất nước ông! Làm sao de Gaulle có thể tha thứ cho họ chuyện đó, cho dù không biết tổng thống đương nhiệm thực sự có dính líu vào hay không? Tổng thống đương nhiệm, về vấn đề đó... Johnson... tên ông ta là Johnson. Người Mỹ thật chẳng có phong cách gì cả.
Charles André Joseph Marie de Gaulle nghĩ.
Amanda bàn bạc với Herbert về bữa trưa rồi nhất trí rằng tốt nhất là trong cuộc gặp các tổng thống ở điện Élysée thì Herbert nên ở nhà (tại Đại sứ quán). Cả hai cùng nghĩ như thế sẽ giảm được một nửa nguy cơ nếu có chuyện gì xấu xảy ra. Allan có nghĩ thế không?
Allan im lặng một lát, nghiền ngẫm câu trả lời, rồi cuối cùng chốt hạ:
- Herbert, anh nên ở nhà.

Các vị khách tới ăn trưa đã tề tựu và chờ chủ nhà, trong khi chủ nhà cũng đang ngồi tại văn phòng mình, chờ kéo dài thời gian chờ đợi. Ông định tiếp tục chờ thêm vài phút, hy vọng như thế sẽ khiến Johnson khó chịu vừa đủ.
De Gaulle có thể nghe tiếng ồn của các cuộc biểu tình vọng đến từ xa, với các cuộc bạo loạn hoành hành ở Paris yêu quý của ông. Nền Cộng hòa Pháp Thứ Năm bắt đầu chao đảo, đột ngột và không biết từ đâu. Đầu tiên là một số sinh viên đòi tình dục tự do và chống chiến tranh Việt Nam, đấy là lý do họ trút sự bất mãn của mình với các luật lệ. Nếu cứ thế thì tổng thống thấy cũng không sao, vì sinh viên thời đại nào mà chẳng kiếm chuyện để phàn nàn.
Tuy nhiên, các cuộc biểu tình ngày càng phình to và bạo lực hơn, rồi đến công đoàn cao giọng đe dọa cho 10.000.000 công nhân đình công. Mười triệu! Cả nước sẽ phải đình đốn!
Người lao động muốn làm việc ít hơn mà lương cao hơn. Và de Gaulle bó tay. Ba cái hỏng cả ba, theo ý tổng thống - người đã chiến đấu và chiến thắng trong những trận chiến còn kinh khủng hơn nhiều. Chuyên gia tư vấn hàng đầu tại Bộ Nội vụ đã nghe ngóng và tư vấn cho thủ tướng phải mạnh tay để trị. Nỗ lực của cộng sản, dưới sự sắp đặt của Liên Xô, để thôn tính cả nước chắc chắn không phải là chuyện to tát gì. Nhưng, tất nhiên, Johnson sẽ suy đoán rằng chỉ chờ cơ hội thì nó sẽ bùng ra. Sau cùng thì người Mỹ nhìn bụi cây nào cũng thấy cộng sản ẩn nấp. Để an toàn, de Gaulle đã mang theo Bộ trưởng Nội vụ Fouchet và một quan chức cao cấp, rất hiểu biết của ông ta. Hai người này cùng chịu trách nhiệm xử lý các hỗn loạn hiện nay ở trong nước và vì vậy họ phải biết tự bảo vệ nếu Johnson bắt đầu thọc mũi vào mọi chuyện.
- Hừ! Trời đánh thánh vật! Tổng thống Charles de Gaulle thốt lên (bằng tiếng Pháp) và đứng lên khỏi ghế.
Họ không thể trì hoãn bữa trưa thêm nữa.
Nhân viên an ninh của Tổng thống Pháp đã kiểm tra đặc biệt cẩn thận mớ râu tóc dài của phiên dịch đại sứ Indonesia. Nhưng giấy tờ của ông ta hợp lệ và họ chắc chắn ông ta không hề mang theo vũ khí. Thêm nữa, đại sứ - lại là phụ nữ! - đã xác nhận cho ông ta. Thế là, người đàn ông râu quai nón cũng ngồi vào bàn ăn, giữa một một phiên dịch người Mỹ, trẻ và ăn mặc bảnh bao hơn nhiều, còn bên kia là một bản sao kiểu Pháp của người đầu tiên.
Phiên dịch phải làm việc nhiều nhất là người Indonesia râu quai nón. Tổng thống Johnson và de Gaulle toàn đặt câu hỏi với Nữ Đại sứ thay vì nói với nhau.
Tổng thống de Gaulle bắt đầu bằng hỏi trình độ chuyên môn của Nữ Đại sứ. Amanda Einstein đáp thực sự cô là một người ngu dốt, đã hối lộ để lên chức thống đốc Bali rồi hối lộ để tái đắc cử trong hai cuộc bầu cử tiếp theo, rằng cô kiếm tiền cho bản thân và gia đình mình trong nhiều năm cho đến khi Tổng thống Suharto tự dưng gọi điện và mời cô làm đại sứ tại Paris.
- Tôi thậm chí chẳng biết Paris là ở đâu và cứ tưởng nó là một quốc gia chứ không phải là một thành phố. Ông đã bao giờ nghe chuyện gì điên rồ thế chưa, Amanda Einstein nói và cười phá lên.
Cô nói toàn bằng tiếng mẹ đẻ và người phiên dịch râu tóc dài dịch nó sang tiếng Anh. Trong lúc đó, Allan thừa dịp thay đổi gần như mọi thứ mà Amanda Einstein nói bằng chuyện gì đó mà ông thấy phù hợp hơn.
Khi bữa trưa gần xong, hai vị tổng thống thực ra đã có một điểm đồng ý với nhau, dù họ không ý thức rằng mình có. Vì cả hai đều nghĩ rằng Nữ Đại sứ Einstein thật vui tính, thông thái, thú vị và khôn ngoan. Chỉ có mỗi cách chọn phiên dịch của cô lẽ ra nên tốt hơn, vì gã đó nhìn hoang dã hơn là thuần hóa.
Claude Pennant, quan chức cấp cao của Bộ trưởng Nội vụ Fouchet là người rất uyên bác. Ông sinh năm 1928 tại Strasbourg. Cha mẹ ông là những người cộng sản uy tín và đầy nhiệt huyết, đã sang Tây Ban Nha chiến đấu chống phát xít khi chiến tranh nổ ra năm 1936. Họ mang theo Claude, đứa con trai tám tuổi của mình.
Cả gia đình sống sót sau chiến tranh và theo một con đường phức tạp chạy trốn sang Liên Xô. Ở Moskva, họ xin được tiếp tục cống hiến vì lợi ích của quốc tế cộng sản. Và họ đưa con trai mình ra, lúc này cậu mười một tuổi, tuyên bố rằng cậu nói được ba thứ tiếng: Đức và Pháp từ hồi còn ở nhà tại Strasbourg, và giờ là tiếng Tây Ban Nha. Có lẽ điều này, về lâu về dài giúp ích được cho cách mạng?
Và đúng thế. Năng khiếu ngôn ngữ của cậu Claude đã được kiểm tra cẩn thận, thêm vài cuộc kiểm tra trí thông minh nói chung nữa. Sau đó, cậu đã được theo học trường ngôn ngữ-kiêm-tư tưởng và chưa đầy 15 tuổi, cậu đã nói thành thạo tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nga, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Anh và tiếng Trung Quốc.
Năm 18 tuổi, ngay sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai, Claude nghe cha mẹ bày tỏ nghi ngờ về đường lối cách mạng được dùng dưới thời Stalin. Claude báo cáo quan điểm này với cấp trên của mình và chẳng bao lâu, cả Michel và Monique Pennant đều bị kết án và xử tử vì hành động phản cách mạng. Nhờ thế, cậu Claude đã đoạt giải thưởng đầu tiên của mình, một tấm huy chương vàng cho học sinh giỏi nhất trong năm 1945-46.
Sau năm 1946, Claude bắt đầu được chuẩn bị nhận nhiệm vụ ở nước ngoài. Mục đích là cài anh ta ở phương Tây, để anh ta tự tiến thân trên hành lang quyền lực, nếu cần thiết thì như một điệp viên nằm vùng hàng chục năm. Claude nằm dưới đôi cánh che chở của Nguyên soái Beria và được cẩn thận tránh tất cả các ký kết chính thức để khỏi để lại một bức ảnh chụp nào. Họa hoằn lắm Claude mới được phép làm một công việc duy nhất là phiên dịch, và chỉ khi nào đích thân nguyên soái có mặt.
Năm 1949, ở tuổi 21, Claude Penchant trở về Pháp, nhưng lần này là đến Paris. Anh ta thậm chí còn giữ lại tên thật, dù lý lịch đã được viết lại. Anh ta bắt đầu con đường sự nghiệp của mình tại Đại học Sorbonne.
Mười chín năm sau, tháng 5 năm 1968, Claude đã lọt vào tận vòng thân cận của chính Tổng thống Pháp. Hai năm vừa rồi, ông là cánh tay phải của Bộ trưởng Nội vụ Fouchet và với tư cách ấy, giờ đây ông phục vụ cuộc cách mạng quốc tế hơn bao giờ hết. Ông đã khuyên Bộ trưởng Nội vụ - và qua đó đến Tổng thống – phải phản ứng gay gắt với cuộc nổi dậy của sinh viên và công nhân. Để an toàn, ông cũng đảm bảo những người cộng sản Pháp gửi tín hiệu giả rằng họ không đứng đằng sau các yêu cầu của giới sinh viên và công nhân. Cuộc cách mạng cộng sản Pháp chỉ còn nhiều nhất là một tháng nữa sẽ nổ ra, mà de Gaulle và Fouchet không biết tí gì.

Sau khi ăn trưa, mọi người có dịp đi lại tí chút trước khi cà phê được phục vụ trong phòng khách. Lúc này, hai vị tổng thống không có lựa chọn nào khác là phải lịch sự trao đổi với nhau. Đúng lúc đó, gã phiên dịch râu tóc dài bất ngờ đến chỗ họ.
- Xin lỗi đã làm phiền quí vị Tổng thống, nhưng tôi có chuyện khẩn cấp phải nói với ngài Tổng thống de Gaulle.
Tổng thống de Gaulle suýt nữa thì gọi bảo vệ, vì chắc chắn tổng thống Pháp không dễ giao tiếp với bất kỳ ai theo cách đó. Tuy nhiên, gã râu tóc dài vẫn cư xử lịch thiệp nên được phép nói.
- Được, nếu cần thì anh cứ nói nhưng nói ngay đi. Tôi còn đang bận rộn với những thứ khác hơn là với một phiên dịch.
Ồ vâng, Allan hứa sẽ không nói dài. Sự thật đơn giản là Allan nghĩ tổng thống nên biết rằng cố vấn đặc biệt của Bộ trưởng Nội vụ Fouchet là một điệp viên.
- Xin lỗi, nhưng anh nói cái quỉ quái gì thế? Tổng thống de Gaulle nói lớn, nhưng không lớn đến mức Fouchet và cánh tay phải của mình đang hút thuốc trên sân thượng, có thể nghe thấy.
Allan tiếp tục kể gần như đúng hai mươi năm trước, ông đã có dịp khó tin là được ăn tối với chính Stalin và Beria, và cánh tay phải của ngài Bộ trưởng Nội vụ khá chắc chắn đã là phiên dịch viên cho Stalin hôm đó.
- Tất nhiên đó là chuyện hai mươi năm trước, nhưng ông ta trông vẫn thế. Còn tôi thì nhìn khác nhiều. Hồi đó tóc tai tôi không xù ra đủ hướng như bây giờ. Tôi có thể dễ dàng nhận ra gã gián điệp đó nhưng hắn không nhận ra tôi vì tôi còn suýt chẳng nhận ra mình khi soi gương.
Mặt Tổng thống de Gaulle đỏ lựng lên, ông cáo lỗi và lập tức đề nghị nói chuyện riêng với Bộ trưởng Nội vụ của mình (
Không, tôi đã nói là trò chuyện riêng, không có cố vấn đặc biệt của ông!
).
Tổng thống Johnson và phiên dịch Indonesia còn đứng đó. Johnson có vẻ rất hài lòng. Ông quyết định bắt tay người phiên dịch, như gián tiếp cảm ơn anh ta đã làm Tổng thống Pháp bị mất cái mặt nạ tinh tướng của mình.
- Rất vui được gặp anh, Tổng thống Johnson nói. Tên anh là gì?
- Tôi là Allan Karlsson, Allan đáp. Tôi đã từng được biết người tiền nhiệm của người tiền nhiệm ngài, cựu Tổng thống Truman.
- Chà, anh biết hay thật! Tổng thống Johnson nói. Harry sắp 90 nhưng ông ấy còn sống và khỏe mạnh. Chúng tôi là bạn tốt.
- Xin cho tôi chuyển lời hỏi thăm tới ông ấy, Allan nói và cáo lui để tìm Amanda (ông muốn kể với cô những gì cô đã nói với hai tổng thống ở bàn ăn).

Bữa trưa với hai vị tổng thống kết thúc nhanh chóng, mọi người trở về nhà. Nhưng Allan và Amanda vừa mới về đến sứ quán thì đích thân Tổng thống Johnson gọi điện mời Allan ăn tối tại Đại sứ quán Mỹ lúc 8 giờ tối hôm ấy.
- Thế thì hay quá, Allan nói. Tôi đã định tối nay ăn một bữa thịnh soạn, vì ai nói gì về đồ ăn Pháp thì nói chứ đĩa sạch trơn rồi mà thực ra bụng vẫn còn trống.
Nhật xét đó hoàn toàn đúng ý Tổng thống Johnson, và ông mong đến tối trong tâm trạng vui vẻ.
Tổng thống Johnson có ít nhất ba lý do hợp lý để mời Allan Karlsson ăn tối. Trước tiên, để tìm hiểu thêm về tên gián điệp đó và về cuộc gặp gỡ của Karlsson với Beria và Stalin. Thứ hai, Harry Truman đã kể với ông trên điện thoại Allan Karlsson đã làm gì ở Los Alamos năm 1945. Riêng chuyện đó thôi đã đáng giá một bữa ăn tối rồi.
Và thứ ba là, cá nhân Tổng thống Johnson vô cùng hài lòng với những gì đã xảy ra tại điện Elysee. Ở cự ly rất gần, ông đã có thể khoan khoái quan sát vẻ sững sờ của De Gaulle, và ông phải cảm ơn Allan Karlsson vì điều đó.

- Chào ông Karlsson, Tổng thống Johnson chào đón Allan với một cú bắt tay kép. Để tôi giới thiệu ông Ryan Hutton, ông là... chà… có thể nói ông là một bí mật ở Đại sứ quán này. Tư vấn Pháp lý, ông ấy được gọi thế.
Allan bắt tay với viên cố vấn bí mật rồi cả ba đi đến bàn ăn. Tổng thống Johnson gọi bia, còn vodka phục vụ kèm với đồ ăn, vì rượu vang Pháp gợi nhớ đến người Pháp mà tối nay thì phải thật vui.
Trong khi họ đang ăn món đầu tiên, Allan kể vài câu chuyện của mình cho tới bữa ăn tối đã bị phá hỏng ở điện Kremlin. Hôm đó, cánh tay phải của Bộ trưởng Nội vụ Fouchet đã ngất xỉu thay vì dịch câu cuối đầy xúc phạm của Allan cho Stalin lúc đó đã tức giận lắm rồi.
Tổng thống Johnson không còn thích thú với phát hiện rằng Claude Pennant hóa ra lại là một điệp viên Liên Xô cài cắm trong vòng thân cận của Tổng thống Pháp, vì Ryan Hutton vừa mới báo cáo với ông rằng chuyên viên Pennant cũng bí mật là người cung cấp tin cho CIA. Thực tế, Pennant đã trở thành nguồn tin chính của CIA, về thông tin rằng chẳng có cuộc cách mạng cộng sản nào sắp xảy ra ở Pháp hay bị cộng sản cài vào cả. Bây giờ toàn bộ tin này phải được xem xét lại.
- Tất nhiên đó là thông tin không chính thức và bí mật, Tổng thống Johnson nói, nhưng tôi có thể tin ông Karlsson sẽ giữ bí mật chứ?
- Tôi không chắc lắm đâu, thưa Tổng thống, Allan đáp.
Rồi Allan kể trong chuyến đi tàu ngầm ở Baltic mình đã uống với Yury Borisovich Popov, một người đàn ông cực kỳ dễ mến, nhà vật lý hạt nhân hàng đầu của Liên Xô, và trong lúc cao hứng đã nói quá nhiều đến các chi tiết về hạt nhân.
- Ông đã nói với Stalin cách chế tạo quả bom? Tổng thống Johnson hỏi. Tôi tưởng ông bị đưa vào trại tù vì ông từ chối chứ.
- Tôi từ chối nói với Stalin. Dù sao ông ta cũng chẳng hiểu được. Tuy nhiên, ngày trước đó, có lẽ tôi đã tiết lộ chi tiết quá mức cần thiết với nhà vật lý hạt nhân. Khi uống quá nhiều vodka thì nó hay bị thế, ngài Tổng thống ạ. Và nó chẳng phải dễ dàng gì với tôi khi biết ngày hôm sau Stalin có thể khó chịu đến thế nào.
Tổng thống Johnson vò tóc, nghĩ thầm rằng tiết lộ cách chế tạo bom nguyên tử đâu phải là chuyện cứ thế xảy ra, cho dù uống bao nhiêu rượu đi nữa. Allan Karlsson thực tế... thực tế anh ta là... một kẻ phản bội. Có phải không nhỉ? Nhưng... anh ta không phải là công dân Mỹ, thế thì phải làm gì nhỉ? Tổng thống Johnson cần thời gian để suy nghĩ.
- Rồi chuyện gì xảy ra sau đó? Ông hỏi, vì cần phải nói gì đó.
Allan nghĩ khi tổng thống đã hỏi thì tốt nhất là không nên bỏ sót quá nhiều chi tiết. Vì vậy, ông kể về Vladisvostok, về Tư lệnh Meretskov, về Kim Il Sung, về Kim Jong Il, về cái chết may mắn của Stalin, về Mao Trạch Đông, về số đôla nhiều khủng khiếp mà Mao đã tử tế tặng cho mình, về cuộc sống bình yên và không bình yên nữa ở Bali và cuối cùng về hành trình của mình đến Paris.
- Tôi nghĩ mọi chuyện là thế, Allan đáp. Nhưng nói suốt làm tôi thực sự khô cả miệng.
Tổng thống gọi thêm bia ra bàn, nhưng nói thêm rằng một người vì say mà tiết lộ hết cả bí mật nguyên tử thì cũng nên nghĩ đến chuyện kiêng rượu. Rồi, ông ngẫm nghĩ về câu chuyện khó tin của Karlsson và hỏi:
- Ông đã có một kỳ nghỉ suốt 15 năm, do Mao Trạch Đông tài trợ à?
- Vâng. Hoặc... đại loại thế. Thực ra đó là tiền của Tưởng Giới Thạch nhận được từ người bạn chung của chúng tôi là Harry Truman. Bây giờ ngài Tổng thống nói thế, có lẽ tôi nên gọi điện cho Harry và cảm ơn ông ấy.
Tổng thống Johnson rất khó chịu khi biết rằng người đàn ông tóc dài, râu quai nón đang đối diện với mình đã tặng bom nguyên tử cho Stalin. Và đã sống một cuộc sống sung sướng bằng tiền viện trợ nước ngoài của Mỹ. Thêm vào đó là những tiếng la hét văng vẳng vọng tới từ đám người biểu tình trên đường phố bên ngoài đại sứ quán:
Mỹ cút khỏi Việt Nam! Mỹ cút khỏi Việt Nam!
Johnson ngồi im lặng, mặt đầy đau khổ.
Trong khi đó, Allan nốc cạn ly của mình và ngắm khuôn mặt lo lắng của tổng thống Mỹ.
- Tôi có thể có giúp đỡ gì chăng? Ông hỏi.
- Ông nói gì nhỉ? Tổng thống Johnson sực tỉnh từ cơn trầm tư của mình.
- Tôi có thể có giúp đỡ gì chăng? Allan lặp lại. Trông Tổng thống khủng khiếp quá. Có lẽ ông ta cần giúp đỡ?
Tổng thống Johnson suýt nữa định nhờ Allan Karlsson giành chiến thắng trong chiến tranh Việt Nam cho mình, nhưng rồi ông trở về thực tại và lại thấy trước mắt mình người đàn ông đã tặng bom cho Stalin.
- Vâng, ông có thể giúp tôi, Tổng thống Johnson đáp bằng giọng mệt mỏi. Ông có thể đi được rồi.

Allan cảm ơn về bữa tối, và đi về. Để lại đằng sau Tổng thống Johnson và Giám đốc CIA châu Âu Ryan Hutton.
Lyndon B. Johnson choáng váng vì chuyến thăm của Allan Karlsson đã biến thành như thế. Nó khởi đầu tốt đẹp... nhưng rồi Karlsson ngồi đó và thừa nhận mình đã chế tạo bom không chỉ cho Mỹ mà còn cho Stalin. Stalin! Cộng sản của cộng sản!
- Này, Hutton, Tổng thống Johnson hỏi. Chúng ta nên làm gì nhỉ? Hay là đón tay Karlsson đáng nguyền rủa đó một lần nữa và đun hắn trong dầu?
- Phải đấy, điệp vụ Hutton đáp. Hoặc là... hoặc chúng ta có thể chắc chắn rằng mình sẽ sử dụng anh ta tốt nhất.
Điệp vụ Hutton không chỉ là điệp viên, ông cũng đọc hầu hết những chiến lược chính trị từ quan điểm của CIA. Ví dụ, ông biết rất rõ về sự tồn tại của nhà vật lý mà Allan Karlsson đã uống say cùng trong chiếc tàu ngầm đi từ Thụy Điển đến Leningrad. Yury Borisovich Popov đã khá thành công trong sự nghiệp từ năm 1949 trở đi. Và cú đột phá lớn lao đầu tiên của ông rất có thể là nhờ vào các thông tin Allan Karlsson đã tiết lộ, trên thực tế gần như chắc chắn là thế. Bây giờ, Popov đã 63 tuổi và là giám đốc kỹ thuật của toàn bộ kho vũ khí nguyên tử của Liên Xô. Những kiến thức ông ta có đối với Mỹ là vô giá.
Nếu Mỹ có thể tìm ra những gì Popov biết và từ đó xác minh một thực tế rằng phương Tây đã tiến trước phương Đông về vũ khí nguyên tử - thì Tổng thống Johnson có thể chủ động giải trừ vũ khí giữa đôi bên. Và con đường đến với kiến thức này phải đi qua Allan Karlsson.
- Ông muốn biến Karlsson thành một điệp viên của Mỹ ư? Tổng thống Johnson vừa hỏi vừa nghĩ đến chuyện giải trừ vũ khí sẽ thực sự khiến ông được vinh danh như một tổng thống vĩ đại, bất kể cuộc chiến đáng nguyền rủa tại Việt Nam.
- Vâng, chính là như thế, điệp vụ Hutton đáp.
- Thế tại sao lại là Karlsson?
- À... bởi vì... anh ta có vẻ phù hợp. Và vừa mới đây, anh ta còn ngồi đó, hỏi liệu có thể làm gì để giúp đỡ tổng thống không.
- Phải, Tổng thống Johnson đáp. Anh ta đúng là đã nói thế. Đúng rồi.
Sau đó, tổng thống im lặng một lúc khá lâu. Rồi, ông nói:
- Chắc tôi cần uống thứ gì nặng đô.

Thái độ cứng rắn ban đầu của chính phủ Pháp trước sự bất mãn của quần chúng quả thực đã khiến đất nước bị tê liệt. Hàng triệu người Pháp đã đình công. Các bến tàu ở Marseilles đóng cửa, sân bay quốc tế, mạng lưới đường sắt, cũng như, và vô số các cửa hàng bách hóa đủ loại đã đóng cửa.
Ngừng cả phân phối xăng dầu lẫn thu gom rác. Khắp nơi đòi hỏi hết chuyện này đến chuyện kia. Đòi mức lương cao hơn, tất nhiên. Giờ làm việc ngắn lại. Bảo hiểm việc làm tốt hơn. Và ảnh hưởng nhiều hơn.
Thêm nữa là đòi hỏi một hệ thống giáo dục mới. Và một xã hội mới! Nền Cộng hòa thứ Năm đang bị đe dọa.
Hàng trăm ngàn người Pháp đã biểu tình trên đường phố và không phải lúc nào cũng hòa bình. Xe bị đốt, cây bị chặt, đường phố bị đào lên, dựng rào chắn... có cả hiến binh, cảnh sát chống bạo động, hơi cay và lá chắn...
Đó là lúc Tổng thống, Thủ tướng và chính phủ Pháp đã có một bước ngoặt nhanh chóng. Cố vấn đặc biệt của Bộ trưởng Nội vụ Fouchet không còn chút ảnh hưởng nào (về vấn đề này, ông ta đang bị bí mật giam giữ tại cơ sở của cảnh sát mật và rất khó khăn để giải thích lý do tại sao ông ta lại có một máy phát vô tuyến điện đặt trong phòng tắm của mình). Người lao động tham gia cuộc Tổng đình công đột nhiên được phê duyệt tăng cao mức lương tối thiểu, tăng tiền lương lên 10%, giảm ba giờ làm việc trong tuần, tăng phụ cấp gia đình, tăng quyền của công đoàn, đàm phán về thỏa thuận tiền lương nói chung và chỉ số mức lương. Một số bộ trưởng của chính phủ đã phải từ chức, trong đó có Bộ trưởng Nội vụ Fouchet.
Với hàng loạt biện pháp này, chính phủ và Tổng thống đã làm dịu các phe phái cách mạng nhất. Quần chúng không được hỗ trợ để tiếp tục đấu tranh. Công nhân trở lại làm việc, các cuộc chiếm đóng giải tán, cửa hàng mở lại, giao thông vận tải bắt đầu hoạt động. Tháng Năm 1968 đã sang tháng Sáu 1968. Và Nền Cộng hòa thứ Năm vẫn còn đó.
Tổng thống Charles de Gaulle đích thân gọi đến Đại sứ quán Indonesia tại Paris và mời Allan Karlsson đến để trao tặng huy chương. Nhưng, tại Đại sứ quán, người ta nói rằng Allan Karlsson không còn làm việc ở đó và không ai, kể cả chính bà đại sứ, có thể nói ông đã đi đâu.

Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Ông Trăm Tuổi Trèo Qua Cửa Sổ Và Biến Mất.