• 5,078

Chương 28


Dịch giả: Phạm Hải Anh
NXB Trẻ
1982-2005
Khoản lương của sứ quán Mỹ đến đúng lúc. Allan kiếm được một ngôi nhà nhỏ màu đỏ cách nơi ông lớn lên chỉ vài dặm. Ông mua nó, trả bằng tiền mặt. Để mua được nhà, ông đã phải tranh luận với các nhà chức trách Thụy Điển rằng thực tế là ông vẫn tồn tại. Cuối cùng, họ chịu thua và bắt đầu trả lương hưu cho ông - làm Allan ngạc nhiên quá.
- Tại sao? Allan thắc mắc.
- Cụ là một người hưu trí, các nhà chức trách trả lời.
- Tôi ư? Allan hỏi.
Đương nhiên là cụ rồi, còn thừa tiêu chuẩn nữa. Mùa xuân này cụ sẽ bảy mươi tám tuổi, điều đó làm Allan nhận ra rằng mình đã già rồi, bất chấp mọi chuyện kỳ quái và chẳng hề nghĩ ngợi về tuổi tác. Rồi xem, cụ sẽ còn già hơn nhiều nữa...
Nhiều năm trôi qua nhàn nhã và Allan chẳng còn ảnh hưởng nào đến sự phát triển của thế giới. Thậm chí cụ cũng không ảnh hưởng gì đến mọi thứ ở thị trấn Flen, nơi cụ thỉnh thoảng mạo hiểm đến mua vài thứ linh tinh (chỗ cháu trai của thương gia Gustavsso, chủ siêu thị địa phương và rất may là không hề biết Allan là ai). Allan không đến thư viện công cộng ở Flen nữa vì cụ thấy có thể đặt các báo mà mình thích và họ chuyển đến tận hòm thư ở cửa nhà của mình. Thật là tiện lợi!
Khi ẩn sĩ trong ngôi nhà ngoại ô Yxhult bước sang tuổi tám ba, cụ thấy đạp xe đạp đi về Flen bắt đầu hơi oải, thế là cụ mua một chiếc xe động cơ. Trong một khoảnh khắc, cụ định mua luôn cả bằng lái xe, nhưng ngay sau khi người hướng dẫn lái xe nhắc đến ‘thử thị lực’ và ‘giấy phép tạm thời’, Allan quyết định cứ lái luôn. Khi người hướng dẫn tiếp tục nêu danh sách các ‘giáo trình’, ‘bài học lý thuyết’, ‘bài học lái xe’, và ‘thi hai vòng cuối cùng’, Allan đã ngừng lắng nghe từ lâu.
Năm 1989, Liên Xô bắt đầu tan rã thực sự, và nó không có gì là bất ngờ với cụ già ở Yxhult với máy chưng cất rượu vodka trong tầng hầm. Nhà cầm quyền mới, Gorbachev, đã bắt đầu kỷ nguyên của mình bằng một chiến dịch chống uống vodka trên cả nước. Đó là không phải là cách để lôi kéo quần chúng về phía mình, ai cũng có thể thấy thế, đúng không?
Cùng năm đó, đúng vào sinh nhật của Allan, một con mèo đói đột nhiên xuất hiện ở hiên nhà. Allan dụ nó vào bếp, cho nó sữa và xúc xích. Con mèo thấy cụ tử tế nên đến ở cùng.
Đó là một con mèo đực lông vằn vẫn sống ở sân trại, sau đó được đặt tên là Molotov, không phải để tưởng nhớ ông Bộ trưởng mà là quả bom. Molotov không nói nhiều, nhưng lại rất thông minh và biết lắng nghe. Nếu Allan cần nói gì, cụ chỉ phải gọi con mèo và nó đến ngay (trừ khi đang bận rộn bắt chuột, Molotov biết cái gì quan trọng). Con mèo nhảy vào lòng Allan, thư giãn và vểnh tai lên ra dấu rằng bây giờ Allan có thể tâm sự những gì muốn nói. Nếu Allan còn gãi gáy và cổ Molotov thì cuộc trò chuyện có thể kéo dài bất tận.
Sau đó, khi Allan nuôi thêm vài con gà mái, chỉ cần nói với Molotov một lần duy nhất là đừng có đuổi gà, con mèo gật đầu và hiểu ngay. Thực ra nó đã tảng lờ những gì Allan nói và vẫn đuổi bọn gà mái đến chán thì thôi, nhưng đó là chuyện khác. Còn đòi hỏi gì hơn nữa? Cuối cùng thì nó vẫn là một con mèo thôi.
Allan nghĩ không có ai láu cá hơn Molotov, kể cả con cáo luôn lén lút rình quanh chuồng gà kiếm khe lưới hở. Con cáo cũng rình bắt cả mèo, nhưng Molotov quá nhanh.
Năm lại năm thêm vào tuổi đời của Allan. Cứ mỗi tháng, chính quyền lại gửi lương hưu đến mà Allan chẳng phải làm gì. Allan dùng tiền đó mua pho mát, xúc xích, khoai tây và thỉnh thoảng một bao đường. Ngoài ra, ông đặt mua Eskilstuna Kuriren, tờ báo địa phương, và thanh toán hóa đơn tiền điện khi nào nhận được.
Nhưng tiêu đủ thứ xong, hàng tháng tiền vẫn còn dư, chẳng biết để làm gì? Một lần, Allan thử cho chỗ tiền thừa vào phong bì gửi lại các nhà chức trách, nhưng một thời gian sau, một viên chức đến tận nhà Allan thông báo rằng cụ không thể làm thế. Allan nhận lại số tiền của mình, và phải hứa không tranh cãi với chính quyền theo cách đó.
Allan và Molotov đã sống rất hòa thuận với nhau. Hàng ngày, nếu thời tiết cho phép, họ cùng đạp xe tí chút dọc những con đường trải sỏi trong vùng. Allan đạp xe, còn Molotov ngồi trong giỏ, hưởng gió và tốc độ.
Gia đình nhỏ này đã sống một cuộc sống dễ chịu bình thường. Cứ thế cho đến một ngày hóa ra không chỉ Allan mà cả Molotov cũng già đi. Đột nhiên, con cáo bắt được con mèo, cáo và mèo chỉ ngạc nhiên nhưng Allan thì buồn.
Có lẽ trong đời mình, Allan chưa bao giờ buồn đến thế, và nỗi buồn nhanh chóng chuyển thành tức giận. Chuyên gia chất nổ già nua đứng đó trên hiên nhà mình, nước mắt đầm đìa và gào trong đêm đông:
- Mày sinh sự thì sự sinh, con cáo đáng nguyền rủa!
Lần đầu tiên và duy nhất trong đời, Allan đã nổi giận. Và nó không nguôi ngoai ngay cả bằng rượu vodka, lái xe ô tô (không phép) hay đạp xe một chuyến dài. Không nên sống để trả thù, Allan biết điều đó. Nhưng bây giờ đó chính là điều ông đang lên kế hoạch.
Allan đặt thuốc nổ bên cạnh chuồng gà, định là nó sẽ nổ khi lần sau con cáo đói và thò mũi sâu vào chuồng gà. Nhưng trong cơn tức giận, Allan quên rằng sát cạnh chuồng gà là nơi ông lưu trữ tất cả chỗ thuốc nổ của mình.
Thế là vào lúc hoàng hôn ngày thứ ba sau khi Molotov chầu trời, người ta nghe tiếng nổ lớn ở địa phận Södermanland, kể từ cuối những năm 1920 mới có lại một vụ nổ như vậy.
Con cáo đã tan xác, giống như con gà mái của Allan, chuồng gà và kho chứa gỗ. Nhưng vụ nổ còn hiệu quả hơn thế, cả ngôi nhà và kho của Allan cũng bay theo. Lúc đó, Allan đang ngồi trong chiếc ghế bành của mình, cụ bay lên không trung với ghế bành và mọi thứ rồi hạ cánh trong đống tuyết ngoài hầm khoai tây của mình. Cụ ngồi đó nhìn quanh với vẻ mặt ngạc nhiên, trước khi cuối cùng thốt lên:
- Con cáo chết rồi.
Lúc đó, Allan đã chín mươi chín tuổi và bàng hoàng vì cảm thấy mình không đứng lên nổi. Nhưng xe cứu thương, cảnh sát và cứu hỏa không khó khăn gì tìm đường tới đó, vì ngọn lửa bốc cao lên tận trời. Và khi họ xác định rằng cụ già ngồi trong chiếc ghế bành trên đống tuyết cạnh hầm khoai tây không bị thương, thì dịch vụ xã hội được gọi đến.
Trong vòng chưa đầy một tiếng, nhân viên xã hội Henrik Soder đã tới nơi. Allan vẫn đang ngồi trong chiếc ghế bành của mình, nhân viên cứu thương đã quấn vài cái chăn bệnh viện quanh người cụ nhưng thực ra nó không cần thiết vì ngọn lửa từ ngôi nhà cháy rụi vẫn còn nóng lắm.
- Cụ Karlsson, theo tôi hiểu thì cụ đã làm nổ tung ngôi nhà của cụ? Soder, nhân viên xã hội hỏi.
- Vâng, Allan đáp. Đó là một thói quen xấu của tôi.
- Thế thì chắc cụ, cụ Karlsson ạ, không còn sở hữu chỗ nào để ở? Nhân viên xã hội tiếp tục.
- Nói thế cũng đúng, Allan nói. Anh có gợi ý nào không, anh nhân viên xã hội?
Nhân viên xã hội chẳng nghĩ được gì, nên Allan - với chi phí của dịch vụ xã hội - đã được chở bằng xe bò đến khách sạn ở trung tâm Flen, nơi tối hôm sau, trong không khí lễ hội, Allan đến để ăn mừng Năm Mới với vợ chồng Soder nhân viên xã hội và những người khác. Lâu lắm rồi Allan không được ở trong môi trường ưa thích như vậy kể từ sau chiến tranh, khi ông ở khách sạn sang trọng Grand Hotel tại Stockholm. Thực ra, lần ấy ông trả tiền hóa đơn, vì trong lúc vội vã đi, chẳng ai thanh toán.
Vào đầu tháng Giêng năm 2005, nhân viên xã hội Soder đã tìm thấy một chỗ ở khả dĩ cho cụ già đáng mến đột nhiên bị vô gia cư một tuần trước đó.
Thế là Allan đến ở Nhà Già Malmköping, nơi phòng số 1 vừa trống. Cụ được chính bà quản lý, Xơ Alice ra đón. Quả thật Xơ có mỉm cười thân thiện, nhưng lại làm đời Allan mất hết cả vui khi kể ra tất cả các quy tắc của Nhà Già. Xơ Alice nói rằng cấm hút thuốc, cấm rượu, và truyền hình cũng bị cấm sau mười một giờ tối. Xơ cho biết bữa sáng được phục vụ lúc 06.45 ngày thường và muộn hơn một tiếng vào cuối tuần. Ăn trưa lúc 11.15, cà phê lúc 15.15 và ăn tối lúc 18.15. Nếu ra ngoài mà không để ý thời gian nên trở về nhà quá muộn, cụ có thể bị cấm vào nhà.
Rồi Xơ Alice nói tới các quy tắc liên quan đến tắm rửa và đánh răng, người đến thăm và đi thăm các cụ khác ở đây, khi nào phát các loại thuốc và giờ nào cụ được phép làm phiền Xơ Alice hoặc một đồng nghiệp của Xơ trong trường hợp khẩn cấp, mà theo Xơ Alice thì rất hiếm hoi, vì nói chung các cụ ở đây rất hay phàn nàn.
- Thế lúc buồn ỉa có được phép đi ỉa không? Allan thắc mắc.
Thế là mới chưa đầy 15 phút gặp gỡ, Allan và Xơ Alice đã cọ xát với nhau rồi.
Allan không hài lòng với bản thân vì đã gây chiến với con cáo hồi còn ở nhà (mặc dù ông đã thắng). Nóng giận vốn không phải là bản tính của cụ. Lúc này cụ ăn nói theo kiểu mà bà quản lý nhà này có thể đáng bị, nhưng đó vẫn không phải là phong cách của Allan. Thêm vào đó là danh sách dài cả mét các quy tắc và quy định mà Allan phải nhớ...
Allan nhớ con mèo của mình. Cụ đã chín mươi chín tuổi tám tháng. Cụ e mình không còn kiểm soát được tâm trạng bản thân, và bị Xơ Alice dùng quyền lực đàn áp.
Quá đủ rồi.
Allan đã xong một đời, vì cuộc đời dường như chấm hết với cụ, và cụ thì luôn luôn là người không muốn ép bản thân phải gắng sức.
Thế là Allan nghiêm chỉnh nhận phòng 1, ăn tối lúc 18.15 rồi tắm rửa, mặc đồ ngủ mới, ga trải giường sạch sẽ - cụ sẽ vào giường và chết trong giấc ngủ của mình, được đưa đi, chôn xuống đất và bị lãng quên.
Allan thấy một niềm vui râm ran như điện truyền khắp cơ thể mình vào lúc tám giờ tối, khi lần đầu tiên và cũng là lần cuối chui vào tấm khăn trải giường của mình tại Nhà Già. Còn gần bốn tháng nữa, tuổi của cụ sẽ đạt tới ba con số. Allan Emmanuel Karlsson nhắm mắt lại và cảm thấy hoàn toàn chắc chắn rằng mình sẽ ra đi mãi mãi. Cả cuộc hành trình này đã thật thú vị, nhưng không có gì tồn tại mãi, có lẽ chỉ trừ sự ngu ngốc nói chung.
Sau đó Allan không nghĩ gì được nữa. Mệt mỏi đã thắng cụ. Mọi thứ chìm vào bóng tối.
Cho đến khi trời lại sáng. Một màu trắng lóa. Chỉ cần tưởng tượng rằng cái chết giống như đang ngủ. Liệu cụ có thời gian để suy nghĩ trước khi tất cả kết thúc? Và cụ có đủ thời gian để nghĩ rằng mình đã nghĩ thế không? Nhưng gượm đã, người ta phải suy nghĩ bao lâu trước khi nghĩ xong?
- 6 giờ 45 rồi, Allan, đã đến lúc ăn sáng. Nếu cụ không ăn, chúng tôi sẽ mang cháo của cụ đi và cụ chẳng có gì ăn cho đến tận bữa trưa, Xơ Alice nói.
Ngoài những thứ khác, bây giờ Allan có thể thấy càng già mình càng ngây thơ. Người ta không thể đơn giản là chết theo yêu cầu được. Có một nguy cơ đáng kể là hôm sau cũng thế, cụ sẽ bị bà quản lý kinh khủng kia đánh thức và cho món cháo cũng khủng khiếp như bà.
Ồ, thôi được. Vẫn còn vài tháng để tới trăm tuổi, chắc chắn cụ sẽ tìm được cách chết trước lúc đó.
Rượu giết người!
là câu Xơ Alice luôn viện ra cho chủ trương
nói không với rượu
ở các phòng. Nghe có vẻ đầy hứa hẹn, Allan nghĩ. Cụ phải chuồn ra ngoài và lẻn thật nhanh đến cửa hàng rượu quốc doanh.

Ngày biến thành tuần. Đông đã sang xuân và Allan ao ước được chết cũng nhiều như bạn của cụ, Herbert, từng mong năm mươi năm trước. Ước nguyện của Herbert đã không thành cho đến khi ông đổi ý. Đó không phải là điềm tốt.
Và thậm chí còn tồi tệ hơn: các nhân viên tại Nhà Già đã bắt đầu chuẩn bị cho ngày sinh nhật sắp tới của Allan. Như một con thú bị nhốt, cụ sẽ phải ăn mặc chỉnh tề, nghe hát và bị nhét cho một chiếc bánh sinh nhật. Đó chắc chắn không phải điều cụ muốn.
Và bây giờ cụ chỉ còn một đêm duy nhất để ra đi và chết.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Ông Trăm Tuổi Trèo Qua Cửa Sổ Và Biến Mất.