Chương 9
-
Pháo Đài Trắng
- Orhan Pamuk
- 6322 chữ
- 2020-05-09 02:35:34
Số từ: 6310
Dịch giả: Nguyễn Thị Kim Hiền
NXB Trẻ
Nguồn: Sưu tầm
Khi Padishah nói: "Thôi được, hãy làm thứ vũ khí phi thường của nhà ngươi có thể khiến tất cả kẻ thù của ta phải kinh ngạc đi !", có lẽ Ngài muốn thử thách Hoja, nhưng cũng có thể Ngài thấy một giấc mơ nào đó nhưng không kể với Hoja, cũng có thể Ngài muốn chứng tỏ cho mẹ và các vị Pasha thấy rằng bọn ngu muội trong đám tùy tùng quanh Ngài cũng có khả năng mang lại một lợi ích nào đó, hoặc Ngài nghĩ rằng sau trận thắng dịch hạch Hoja còn có thể tạo thêm một điều kì diệu nào đó, hoặc cũng có thể Padishah chịu ảnh hưởng của những cơn mơ về tai họa mà chúng tôi viết trong sách dâng Ngài, cũng còn có thể Padishah không sợ những tai họa đó, mà sợ những thất bại quân sự và lo người ta lật đổ ngai vàng rồi đưa em Ngài lên ngôi. Chúng tôi bối rối suy nghĩ về tất cả những điều đó trong khi tính toán các khoản thu nhập từ các ngôi làng, nhà cửa và những rừng ôliu mà Padishah ban cho chúng tôi, để có đủ chi phí chế vũ khí mới.
Mãi rồi Hoja nói: sao chúng tôi cứ ngạc nhiên trước cái điều chẳng có gì đáng ngạc nhiên, chẳng lẽ tất cả mọi câu chuyện, những lý giải và các quyển sách bao năm qua chúng tôi dâng lên Padishah không phải là sự thật hay sao, và bây giờ, khi Ngài đã tin vào những thứ đó thì chúng tôi lại bắt đầu đâm ra hoài nghi. Lại còn một chuyện nữa: Padishah bắt đầu quan tâm, muốn biết điều gì đang xảy ra trong tâm trí chúng tôi. Hoja bồn chồn hỏi: liệu có phải đó chính là thành công mà chúng tôi mong đợi trong bấy nhiêu năm hay không ?
Phải, đúng là như thế, lần này hai chúng tôi cùng chia sẻ thắng lợi đó với nhau và cùng bắt tay vào việc; tôi cảm thấy rất hạnh phúc, hơn nữa, khác với anh ta, dù kết quả công việc thế nào tôi cũng chẳng quan tâm. Sáu năm liên tiếp chế tạo vũ khí là những năm nguy hiểm nhất đối với chúng tôi. Không phải do chúng tôi tiếp xúc với thuốc nổ, cũng không phải vì chúng tôi bị khống chế dưới sự ghen ghét của những kẻ thù địch, mà bởi mọi người ai cũng nóng lòng mong chờ hoặc thành công hoặc thất bại của chúng tôi, nên chúng tôi cũng khiếp sợ đợi chờ điều ấy.
Thoạt đầu, hai chúng tôi ngồi bên chiếc bàn, tiêu phí cả mùa Đông. Chúng tôi rất hào hứng, khát khao làm việc, nhưng chẳng có gì trong tay ngoài sự hình dung mơ hồ và vô định về loại vũ khí khủng khiếp có thể đánh đuổi tất cả mọi kẻ thù. Sau đó, chúng tôi quyết định bắt đầu làm thuốc nổ. Như những ngày làm pháo hoa trước kia, chúng tôi ngồi dưới bóng mát của những cây đại thụ, những người giúp việc chế thuốc nổ theo công thức của chúng tôi rồi đem thử ở chỗ cách xa nhà. Nghe tiếng nổ và nhìn thấy khói, hầu như tất cả những người tò mò của toàn thành Istanbul kéo nhau đến xem. Đám đông những kẻ tò mò tụ tập như đi xem hội trên các bãi cỏ có dựng những tấm bia và mấy chiếc lều, nơi chúng tôi đúc khẩu đại bác có chiếc nòng dài. Đến cuối Hè thì đích thân Padishah cũng đến thị sát.
Chúng tôi tổ chức một cuộc trình diễn, bắt trời đất phải rền lên để Ngài ngự lãm, chúng tôi trình Ngài những thùng đựng hỗn hợp thuốc nổ, các quả đạn, những khẩu đại bác, các bản vẽ của những chiếc nòng súng chưa đúc và đồ án các quả đạn sẽ tự động bốc cháy. Nhưng Padishah lại quan tâm đến tôi nhất. Hoja quyết định tách tôi khỏi Padishah càng xa càng tốt, nhưng Ngài vẫn chú ý đến tôi, vì khi buổi trình diễn bắt đầu, Ngài thấy tôi cũng đưa ra những mệnh lệnh ngang với Hoja và người ta cũng nêu những câu hỏi với tôi y như với anh ta.
Padishah nhìn tôi, như thể ngắm một người mà hình như trước đây Ngài từng quen biết, nhưng không nhớ ra được. Ngài có vẻ mặt như một người đang nhắm mắt thử đoán xem đang ăn loại quả gì. Tôi hôn lên gấu áo của Ngài. Ngài không hề phật ý khi biết tôi ở đây đã hai mươi năm mà vẫn chưa thành người Hồi giáo. Ngài đang nghĩ gì đó về một điều khác hẳn. "Hóa ra là hai mươi năm ? Lạ thật !" Sau đó Ngài lại hỏi: "Nhà ngươi đã dạy cho hắn ta tất cả mọi thứ đó, đúng không ?" Nhưng không đợi trả lời, Ngài ra khỏi chiếc lều tả tơi, sặc sụa mùi diêm sinh của chúng tôi, tiến tới con ngựa trắng xinh đẹp của mình rồi chợt dừng lại, ngoảnh về phía chúng tôi và mỉm cười như thể Ngài vừa chiêm ngưỡng một kì quan có một không hai, chẳng gì sánh được mà Đức Allah tạo ra để dẹp bớt lòng kiêu ngạo của con người, để chỉ cho họ thấy được tất cả những cái vô tích sự của mình: hoặc một người lùn tì, hoặc là hai anh em sinh đôi giống nhau đến mức khó tin.
Đêm đến tôi nghĩ về chuyện đó, nhưng không phải như Hoja. Anh ta vẫn tiếp tục tức giận Padishah, nhưng tôi bảo không nên giận hoặc cố hạ thấp Ngài. Tôi rất thích ở Ngài vẻ ung dung tự tại, khuôn mặt đáng mến và cách xử sự của một đứa trẻ được nuông chiều, biết mình được quyền nói bất cứ điều gì chợt hiện trong tâm trí. Giá mà tôi cũng được như Ngài, trở thành bạn của Ngài. Khi Hoja đã nguôi nguôi và thiếp ngủ trên giường tôi, tôi nghĩ Padishah không đáng bị lừa dối, tôi muốn thú thật với Ngài tất cả mọi chuyện. Nhưng "tất cả" là những chuyện gì ?
Hóa ra đó là mối quan tâm hai chiều. Một hôm Hoja bảo Padishah đang chờ tôi, và cả hai cùng lên đường. Đó là một ngày thu đẹp trời, thoảng mùi biển và mùi các loài thủy sinh. Chúng tôi ngồi suốt buổi sáng bên bể nước thả hoa súng, dưới bóng những cây tiêu huyền phương Đông, dưới vòm cây lá đỏ rơi lãng đãng. Padishah muốn nói về những con ếch đang chen chúc trong bể nước. Nhưng Hoja không muốn nói về điều đó, nên chỉ buông mấy câu đãi bôi chẳng có nghĩa gì. Chuyện hỗn hào đó khiến tôi sửng sốt nhưng Padishah chẳng hề để ý. Ngài tỏ ra quan tâm đến tôi hơn.
Tôi nói khá lâu về cấu tạo của những con ếch, về sự tuần hoàn máu của chúng, về chuyện nếu cẩn thận tách tim của chúng ra khỏi cơ thể thì quả tim đó còn đập được khá lâu, về các loại ruồi muỗi và sâu họ mà chúng thường ăn. Để diễn giải về quá trình phát triển từ trứng đến những con ếch, tôi hỏi xin một tờ giấy và chiếc bút lông. Padishah thích thú quan sát tôi vẽ bằng chiếc bút bông lau lấy từ chiếc hộp khảm đá rubi vừa được mang đến. Ngài vui vẻ nghe tôi kể những chuyện cổ tích mà tôi được nghe hồi nhỏ, đến đoạn nàng công chúa cúi hôn con ếch Ngài nhăn mặt ghê sợ, nhưng không hề giống anh chàng ngốc trẻ tuổi mà Hoja thường kể lại với tôi, mà có lẽ đúng hơn là giống một cậu thiếu nhi quan tâm đến khoa học và nghệ thuật. Đến cuối cuộc mạn đàm thú vị, mặc dù Hoja liên tục cau có nhìn những bức hình vẽ ếch mà Padishah cầm trên tay, Padishah nói: "Trẫm ngờ rằng tất cả các câu chuyện là do nhà ngươi viết ra. Có nghĩa là những bức vẽ cũng của ngươi nốt !" Sau đó Ngài lại hỏi về những con ếch có ria mép.
Những cuộc gặp gỡ của tôi với Padishah đã bắt đầu như thế. Giờ đây tôi luôn luôn đi với Hoja vào cung. Thời gian đầu Hoja chủ yếu là im lặng, chỉ có tôi và Padishah nói chuyện với nhau. Đàm đạo với con người thông minh thích bông đùa đang ngồi đối diện về những giấc mơ, những nỗi lo âu, sợ hãi, về quá khứ và tương lai, tôi nghĩ Ngài đâu có giống vị ấu vương mà bao nhiêu năm nay Hoja đã kể cho tôi nghe. Qua những câu hỏi khôn ngoan mà Padishah đặt ra, qua những kiểu ranh vặt của Ngài, tôi hiểu được trong khi đọc những quyển sách của chúng tôi Ngài đã cố đoán xem, trong Hoja có mấy phần là của Hoja và mấy phần là của tôi, còn trong tôi có mấy phần là của tôi và mấy phần của Hoja. Hoja dường như không để ý đến sự tò mò mà anh ta cho là ngốc nghếch đó, thời kì ấy anh ta đang mải mê bận bịu với những khẩu đại bác nòng dài.
Sau khi bắt đầu làm vũ khí được sáu tháng, Hoia lo lắng nghe nói vị chỉ huy pháo binh của triều đình tức giận vì chúng tôi thò mũi vào chuyện không phải của mình, ông ta đòi Padishah hoặc cách chức ông ta hoặc tống cổ khỏi Istanbul mấy thằng điên rồ đang mượn cớ cải tiến để phá phách nghề làm đại bác; viên võ tướng này có thời tìm cách kết thân với Hoja nhưng anh ta không chịu đáp lại. Một tháng sau, khi Padishah lệnh cho chúng tôi không cải tiến đại bác nữa mà chế tạo loại vũ khí khác, Hoja cũng chẳng lấy thế làm buồn lòng. Cả hai chúng tôi đều hiểu những khẩu đại bác chúng tôi mới đúc được chẳng hơn gì loại trước đây từng sử dụng.
Hoja cho rằng chúng tôi lại một lần nữa chuyển sang giai đoạn mới, chúng tôi sẽ có thêm những hoài bão mới và cần phải suy tính mọi chuyện lần nữa. Tôi đã quen với những cơn giận dữ bột phát và cả những điều tưởng tượng hão huyền của anh ta; đối với tôi, chỉ có sự làm quen với Padishah là mới mẻ. Padishah cũng hài lòng vì quen với chúng tôi. Một ông bố chu đáo phân xử hai anh em cãi nhau khi chơi đùa, tranh nhau những hòn bi: "cái này của anh, cái này của em" như thế nào, thì Ngài cũng xử sự như thế khi nghe chúng tôi nói và quan sát chúng tôi. Tôi thấy những nhận xét của Ngài khá thú vị, đôi khi ngây thơ một cách trẻ con, đôi khi thông minh theo kiểu người lớn; tôi tin là, cố không để chúng tôi nhận thấy, Ngài thầm tách cá tính của tôi ra khỏi con người tôi, gắn nó với cá tính của Hoja, lấy cá tính của Hoja gắn với cá tính của tôi, và tôi có cảm tưởng rằng Ngài hiểu chúng tôi hơn cả bản thân chúng tôi, khi liên kết chúng tôi trong trí tưởng tượng của Ngài.
Khi chúng tôi giải mộng cho Ngài hoặc nói về vũ khí mà khi đó chúng tôi chỉ mới mơ tưởng đến, Padishah bỗng ngắt lời và nói: "Không, đó không phải là ý nghĩ của ngươi, mà là của hắn." Thỉnh thoảng Ngài nói: "Ngươi đang nhìn như thể hắn nhìn, hãy nhìn theo cách của ngươi đi chứ !" Thấy tôi mỉm cười ngạc nhiên, Ngài bèn nói thêm: "Phải thế chứ, khá lắm ! Các ngươi không bao giờ cùng soi gương chung với nhau hay sao ?" Ngài hỏi, khi chúng tôi cùng soi gương thì từng người một bảo tồn được bản thể của mình tới mức nào. Một hôm, Ngài sai rải trước mặt mình tất cả những quyển sách về động vật, những luận văn, những bảng lịch mà chúng tôi đã dâng Ngài suốt bấy nhiêu năm qua, rồi Ngài lần giở những trang sách và phán rằng đoạn này do tôi hay Hoja viết, đoạn này là do ai, vì sao mà chúng tôi lại đổi chỗ cho nhau. Lần khác, Ngài cho gọi một người có tài bắt chước đến để nhại chúng tôi, khiến Hoja tức giận, còn tôi thì rất thán phục.
Về thân hình và vẻ mặt, người này hoàn toàn chẳng có gì giống chúng tôi, ông ta tầm thước và hơi béo, quần áo mặc cũng khác hẳn, nhưng khi ông ta cất tiếng nói, tôi giật mình kinh hãi: người đang nói không phải ông ta, mà chính là Hoja. Y như Hoja, ông ta cũng cúi sát vào tai Padishah, như thể đang thổ lộ một điều bí mật, cũng nói một cách chăm chú với vẻ mặt đăm chiêu như Hoja, cũng hạ thấp giọng như Hoja khi đi vào chi tiết, cũng khua mạnh tay để thuyết phục người ngồi đổi diện, có điều ông ta không nói về các ngôi sao như Hoja, cũng không nói về vũ khí mới, mà liệt kê các món ăn cung đình và các gia vị cần thiết để nấu các món đó. Paishah mỉm cười, còn kẻ bắt chước thì vừa nhìn vẻ mặt thay đổi của Hoja, vừa tiếp tục kể tên các thành phố trên đường từ Istanbul đến Aleppo (một thành phố ở Syria). Sau đó Padishah bảo người nhại giỏi bắt chước tôi. Trong diễn tả của ông ta, tôi giống như một thằng ngốc đang há mồm kinh ngạc. Khi Padishah bảo người này vừa bắt chước tôi vừa bắt chước Hoja, tôi vô cùng thán phục. Nhìn theo cử động của ông ta, tôi thầm ghi nhận:
"Đây là mình, đây là Hoja", - nhưng chính người nhại đã dùng ngón tay lần lượt trỏ vào người mà ông ta bắt chước. Padishah khen ngợi ông ta và bảo chúng tôi hãy suy nghĩ về chuyện này.
Những lời đó ngụ ý gì ? Chiều hôm đó tôi nói với Hoja là Padishah thông thái hơn rất nhiều so với những gì anh ta vẫn kể tôi nghe, Padishah sẽ đi theo con đường mà Ngài muốn thuyết phục chúng tôi, nhưng Hoja vẫn cứ nổi giận. Tôi rất hiểu Hoja, khi bị bắt chước thì quả là ai cũng cảm thấy không thể nào chịu nổi. Sau sự việc đó Hoja bảo là nếu không đặc biệt cần thiết thì anh ta sẽ chẳng bao giờ thèm đặt chân đến cung điện nữa. Khi mà rốt cuộc anh ta có được cơ hội đã mong chờ bấy nhiêu năm, anh ta lại không muốn hiện diện giữa đám người ngu xuẩn và đem thân ra làm trò cười cho họ. Nếu như tôi đã biết Padishah ham thích những gì, nếu như tôi hâm mộ những trò đùa cợt, thì tôi cứ việc thế chỗ anh ta mà vào cung cấm. Khi tôi nói Hoja bị ốm, Padishah không tin.
'Thôi cứ để hắn ta làm vũ khí", Ngài nói.
Vậy là trong khoảng thời gian bốn năm, khi Hoja làm vũ khí, tôi thế chân anh ta vào cung điện, còn anh ta thì ở nhà cùng những mơ ước của mình, giống như tôi trước đây.
Trong bốn năm đó, tôi biết được rằng đời tôi không chỉ là chờ đợi, mà còn là hoan lạc. Những người khác thấy tôi được Padishah sủng ái không kém Hoja đã tranh nhau mời mọc tôi tới dự các buổi lễ lạt và tiệc tùng liên miên hầu như ngày nào cũng được tổ chức. Khi thì con gái quan đại thần lấy chồng, khi thì Padishah vừa sinh thêm hoàng tử, rồi các con Ngài chịu lễ cắt da quy đầu, hôm sau lại là ngày đánh chiếm được thành trì người Hung, tiếp đến là lễ mừng thế tử bắt đầu đi học, rồi đến tháng chay Ramadan, sau đó hội hè lại tiếp tục. Trong những cuộc chè chén liên miên ấy tôi ăn quá nhiều thịt mỡ, pilar ((hoặc plov, pilat, pulao, pulav... tùy mỗi nước): món ăn của nhiều nước Trung Đông, Trung Á và Nam Á, gồm cơm nấu với thịt cửu và cà rốt băm nhỏ), những con sư tử, đà điểu, những nàng tiên cá nặn bằng đường, và hạt hồ trăn tử, nên chẳng bao lâu tôi trở nên béo quay. Nhiều ngày liền tôi ở lại xem các trận so tài đọ sức giữa các võ sĩ cho đến tận khi ngã ngũ thắng bại, những nghệ sĩ cầm sào đi trên sợi dây chăng giữa hai ngọn tháp giáo đường, những lực sĩ dùng răng cắn nát chiếc móng sắt đóng chân ngựa, những nghệ sĩ phóng dao, những nhà quỷ thuật lôi ra từ trong áo quần của mình những con rắn, bồ câu và khỉ, những nhà ảo thuật lấy cắp chiếc chén từ tay ta hoặc tiền từ túi ta nhanh như chớp, hoặc xem những trận đâu khẩu do Karagoz và Harvat (các nhân vật dân gian quen thuộc trong nhà hát bóng Thổ Nhĩ Kỳ) trình diễn mà tôi rất mê. Đêm đến, nếu không có pháo hoa, như mọi người khác, tôi cùng những người bạn mới quen đến một trong các cung điện hoặc biệt thự để tiêu khiển, uống rượu raki (một loại rượu Anis của Thổ Nhĩ Kỳ, khi pha thêm nước thì ngả màu trắng, nên còn có tên là "sữa sư tử") và rượu vang hàng giờ liền, nghe nhạc và vừa ngắm những vũ nữ tuyệt đẹp đang bắt chước những con linh dương ngái ngủ, hoặc những chàng trai và các cô gái đáng yêu múa ba lê, nghe các nhạc sĩ đến từ Venice biểu diễn và sung sướng với tiếng tăm ngày càng nổi của mình.
Tôi thường đến các tòa biệt thự của các đại sứ quán, nơi người ta cũng chú ý đến tôi, để xem các vũ công mặc giả đàn bà, vừa chạm cốc cùng các nghệ sĩ đang hát những bài cảm động hoặc vui nhộn bằng giọng ca mùi mẫn.
Chiều chiều tôi từ các dinh thự và chốn cung đình trở về nhà với cái đầu ngây ngất rượu vang, tâm trí còn lởn vởn dáng hình những tấm thân tuyệt đẹp được chiêm ngưỡng, và thường gặp Hoja đang làm việc sau chiếc bàn đóng từ hai mươi năm trước của chúng tôi. Anh ta làm việc với tốc độ ghê gớm mà trước đây tôi chưa từng thấy, chiếc bàn xếp đầy những vật lạ lùng mà tôi chẳng biết để làm gì, những tờ giấy có các hình vẽ hoặc ghi chép bằng nét chữ kích động. Anh ta đề nghị tôi kể lại những gì tôi đã thấy và làm trong ngày hôm ấy, đôi khi bất bình ngắt lời tôi, gọi những thứ giải trí ấy là bất nhã và ngu xuẩn, rồi bắt đầu nói về "chúng ta", "chúng nó", và giảng giải cho tôi hiểu về dự án của mình.
Hoja lặp lại lần nữa rằng tất cả mọi điều này đều liên quan tới những gì chứa đựng trong đầu chúng tôi, anh ta dựa vào đó để đặt cơ sở cho dự án của mình. Anh ta xúc động nói về bộ óc như một cái tủ chất đầy các thứ lặt vặt một cách đối xứng hoặc lộn xộn, nhưng tôi không thể hiểu được thứ vũ khí chứa đựng tất cả mọi hy vọng của anh ta, tất cả mọi hy vọng của chúng tôi sẽ có hình thù như thế nào. Tôi không nghĩ rằng trên đời này có ai đó lại có thể hiểu được điều ấy, thậm chí đôi lúc tôi có cảm tưởng rằng chính bản thân Hoja cũng chẳng hiểu được. Anh ta bảo đến một lúc nào đó sẽ có ai đó bổ đầu chúng tôi ra và chứng minh rằng những ý nghĩ của anh ta có lý. Hoja nói về sự thật vĩ đại mà anh ta đã đoán ra khi chúng tôi cùng nhìn vào tấm gương trong thời kỳ dịch hạch, bây giờ anh ta cảm thấy mọi thứ đã sáng tỏ và đang vạch ra cách hoàn thiện vũ khí bằng cách dựa vào sự thật ấy ! Khi thấy những lời xúc động của anh ta không thấu tai tôi, anh ta trỏ ngón tay vào tờ giấy, chỉ cho tôi xem một vệt đen có hình thù kì quặc.
Mỗi lần xem, dường như hình dạng của vệt đen ấy lại hơi thay đổi, gợi cho tôi nhớ về một điều gì đó. Nhìn vào bức vẽ, có lúc tôi chợt liên tưởng đến hình ảnh quỷ Shaitan, tôi giật mình thoáng nghĩ có lẽ mình có thể kể lại những gì đã thấy, nhưng có lí do nào đó ngăn không cho tôi thực hiện điều ấy ngay lập tức, và tôi nghĩ chắc đó chỉ là trò đùa lạ lùng của trí tưởng tượng của mình mà thôi. Trong suốt bốn năm tôi đã nhìn đồ án với những chi tiết phác vẽ lộn xộn trên những tờ giấy khác nhau và phát triển dần dần để có được hình dạng cuối cùng; khi được thực hiện, có thể dự án này sẽ ngốn hết tất cả khoản tiền chúng tôi gom góp được trong những năm qua, và tất cả sức lao động chúng tôi đổ vào cho nó. Tôi gắn đồ án này với những gì chúng tôi đã luận bàn từ nhiều năm trước, khi biết bao nhiêu lần chúng tôi đã chia sẻ với nhau những hồi tưởng của mình, đôi khi là hiện thực, đôi khi tự bịa ra, nhưng ý nghĩ của tôi không thành hình được, và tôi đã uổng công vượt qua sự mơ hồ đó, khi cố hy vọng là rốt cuộc điều bí mật của vũ khí sẽ tự mình bộc lộ. Sau bốn năm, các chi tiết nhỏ đã biến thành một vật quái dị khủng khiếp có kích thước bằng cả một ngôi giáo đường lớn, khiến cho cả thành Istanbul xôn xao bàn tán và so sánh với đủ thứ trên đời. Hoja quả quyết đây là một loại vũ khí đặc biệt, không sánh được, còn tôi thì cố tìm cách đi sâu vào những chi tiết cụ thể của đề án mà Hoja thường nói đến, khi tiên đoán về thành công trong tương lai của loại vũ khí mà anh ta đang chế tạo.
Sáng nào cũng vậy, khi đến cung điện, tôi kể cho Padishah nghe một cách tỉ mỉ về sáng chế của chúng tôi, như thể cố nhớ lại giấc mơ tối qua đang nhòa dần trong ý thức. Tôi nói về những bánh xe, những khối, những tháp, về thuốc nổ và tay gạt mà Hoja bền bỉ giảng giải cho tôi nghe. Lời lẽ không phải của tôi, và trong chúng không có sự hào hứng bốc lửa của Hoja, nhưng tôi thấy chúng gây cho Padishah những ấn tượng mạnh. Tôi cũng cảm thấy xúc động chứng kiến con người tôi coi là thông thái ấy tràn ngập hy vọng khi nghe bài thơ trác việt của Hoja về chiến thắng và sự giải thoát qua lời thuật lại không chính xác của tôi. Padishah bảo anh chàng Hoja đang ở nhà chính là tôi. Tôi đã quen với trò đánh đố trí tuệ mà trước đây từng khiến tôi luống cuống. Khi Ngài nói tôi là Hoja, tôi nghĩ tốt hơn hết là đừng cố hiểu làm gì, vì ngay sau đó ắt Ngài sẽ bảo tất cả những thứ đó là tôi dạy cho Hoja. Cái người uể oải là tôi hôm nay, đó không phải là tôi, mà là cái thằng tôi ngày trước đã làm thay đổi Hoja ! Sẽ tốt hơn nếu chúng tôi nói về các thú tiêu khiển, về những con vật, về cuộc tuần hành của thợ thủ công sắp tới, tôi nghĩ bụng. Sau đó Padishah nói mọi người đều biết tôi mới là kẻ đứng đằng sau dự án về vũ khí này.
Điều khiến tôi lo ngại nhất chính là chuyện đó. Một thời gian dài Hoja chẳng đi đâu, hầu như mọi người đã quên lãng anh ta, họ thường thấy bản thân tôi bên cạnh Padishah trong các biệt thự, các cung điện, trong thành phố, và tôi bắt đầu bị người ta ghen ghét ! Ngày này qua ngày khác, những chuyện đàm tiếu ấy càng lan rộng, mà hoàn toàn không phải vì chúng tôi thu được nhiều lợi tức từ các ngôi làng, các khu vườn trồng ôliu và nhà cửa được cấp để chi tiêu cho việc làm vũ khí, cũng không phải vì tôi gần gũi Padishah, mà bởi tôi là kẻ ngoại đạo, và bởi cùng với thứ vũ khí ấy chúng tôi đã chúi mũi vào những công việc không phải của mình. Khi tôi không còn sức để nghe tất cả những điều đó, tôi đã nói về lo ngại của mình với Hoja và Padishah.
Nhưng họ chẳng mảy may chú ý đến những lời tôi nói. Hoja thì để hết tâm trí vào công việc. Tôi ghen tỵ với anh ta, như người già ghen tỵ lòng say mê của cánh thanh niên. Mấy tháng gần đây, khi anh ta chuyển sang trực tiếp chế tạo thứ vũ khí đáng sợ như một con quái vật và ném vào đó những khoản tiền không thể tin được, và đúc chiếc nòng súng có kích thước mà không một quả đạn nào có thể bay qua, anh ta không muốn nghe bất cứ điều gì về những lời đàm tiếu của thiên hạ mà tôi kể lại. Hoja chỉ quan tâm đến mỗi chuyện duy nhất: trong các tòa đại sứ người ta có bàn tán gì về chuyện ấy không, các vị đại sứ là người như thế nào ? Đầu óc của họ làm việc ra sao ? Họ nghĩ gì về vũ khí này ? Và điều chính yếu: tại sao Padishah không cử đại sứ thường trực đến các quốc gia ấy ? Tôi cảm thấy anh ta sẵn lòng nhận chức vụ ấy để thoát khỏi bọn ngu xuẩn ở đây, nhưng anh ta không nói thẳng ra chuyện đó, thậm chí ngay cả khi gặp khó khăn trong việc thực thi dự án, khi tấm thép anh ta đúc ra bị gãy, hay khi rơi vào tuyệt vọng vì lo sợ không đủ kinh phí. Chỉ có mấy lần anh ta buột miệng: giá mà liên hệ được với các nhà khoa học "của họ"; biết đâu họ sẽ hiểu được sự đúng đắn trong các ý tưởng của chúng tôi. Anh ta muốn trao đổi thư từ với các nhà khoa học ở Venice, ở Florence, anh ta nêu tên một số quốc gia ở xa hơn vừa chợt nhớ ra. Không biết trong số những nhà khoa học ấy, những ai là người xuất sắc nhất, họ sống ở đâu, có thể viết thư cho họ được không, liệu tôi có thể hỏi về những điều ấy trong các tòa đại sứ ? Nhưng tôi quá mải mê với các trò tiêu khiển và chẳng còn quan tâm đến việc chế tạo vũ khí, nên quên mất lời đề nghị có phần buồn chán đó, những lời mà kẻ thù của chúng tôi nghe được ắt phải phấn khởi vô cùng.
Padishah không để ý đến những câu chuyện đơm đặt của bọn thù ghét chúng tôi. Khi tôi phàn nàn với Ngài rằng trong thời gian Hoja tìm kiếm những người to gan sẽ chui vào con quái vật bằng thép ấy và sẽ quay chiếc bánh xe trong mùi gỉ sắt nồng nặc thiêu đốt lỗ mũi, người ta đã thêu dệt đủ chuyện về anh ta, Padishah thậm chí không buồn nghe tôi kể lại. Như thường lệ, Ngài nhắc lại cho tôi về những lời Hoja nói. Cũng như Hoja, Ngài nói về những gì chứa đựng trong đầu người ta, và đồng thời, cũng như Hoja trước đây, Ngài hỏi người dân ở quê cũ của tôi sinh sống như thế nào.
Tôi kể cho Ngài nghe về những điều tưởng tượng của mình. Tôi thường nói về điều đó nhiều đến nỗi chính bản thân tôi cũng tin vào những điều tưởng tượng của mình và không còn hiểu được đó có phải là những sự kiện mà tôi đã trải qua thời trẻ hay không, hay là những câu chuyện bịa đặt, do ngòi bút tôi hư cấu ra khi tôi ngồi bên bàn viết sách; đôi khi tôi mua vui cho Ngài bằng những điều tưởng tượng chợt đến với tôi; đôi khi tôi kể lại những chuyện cổ tích cũ hay sáng tác những câu chuyện mới. Bởi Padishah rất thích chi tiết cụ thể, tôi nhất thiết nhắc đi nhắc lại rằng quần áo của tất cả mọi người ở quê tôi đều đơm rất nhiều cúc, chính bản thân tôi cũng đã không thể hiểu được, những chi tiết nào tôi đã gạn lọc từ trong kí ức và những chi tiết nào do tôi tưởng tượng ra. Nhưng có một số hồi ức thực tế không bị xóa nhòa sau hai mươi năm, chẳng hạn câu chuyện của tôi với mẹ, bố và mấy người anh em trai khi ăn sáng dưới bóng những cây bồ đề trong vườn. Padishah rất thích những câu chuyện đó. Một hôm, Ngài bảo tôi rằng phần nhiều tất cả các cuộc đời đều giống nhau. Không hiểu sao, những lời ấy khiến tôi hoảng sợ, chắc tại Padishah có vẻ mặt ranh mãnh mà tôi chưa từng thấy bao giờ. Tôi muốn hỏi xem những lời ấy có nghĩa là gì. Tôi lo sợ nhìn Ngài và muốn nói rằng: 'Thần chính là thần đây." Dường như, nếu mà tôi dám nói mấy lời rỗng tuếch đó, tôi sẽ vô hiệu hóa mọi âm mưu của bọn ngồi lê đôi mách, của Hoja và của Padishah, những người muốn biến tôi thành người khác, và tôi sẽ yên ổn sống trọn cuộc đời mình. Nhưng tôi sợ hãi im lặng, như tất cả những ai sợ hãi bất kì lời nói khó hiểu nào của Ngài, vì không muốn đánh mất cuộc sống yên ổn của mình.
Điều đó xảy ra vào mùa Xuân, khi Hoja kết thúc việc chế tạo vũ khí nhưng chưa tiến hành thử nghiệm bởi chưa kiếm được đủ số người cần thiết. Chúng tôi sửng sốt khi biết một tuần sau đó Padishah đã cùng quân đội hành binh đi Ba Lan. Tại sao Ngài không mang theo thứ vũ khí mới chế tạo có thể quét sạch mọi kẻ thù, tại sao Ngài không đưa tôi đi cùng, tại sao Ngài không tin cậy chúng tôi ? Giống như những ai ở lại Istanbul, chúng tôi nghĩ chắc là trên thực tế Padishah không những ra trận, mà còn làm một chuyến đi săn. Hoja hài lòng vì còn những một năm trì hoãn, còn tôi thì chẳng biết làm gì. Và chúng tôi lại cùng nhau hoàn thiện vũ khí.
Phải vất vả lắm chúng tôi mới kiếm được đủ người để thử nghiệm. Chẳng ai muốn chui vào bên trong công trình có vẻ ngoài đáng sợ và khó hiểu ấy. Hoja phải hứa trả nhiều tiền, chúng tôi cho người rao tìm khắp bến tàu, nhà máy đúc súng, tìm kiếm giữa đám thất nghiệp ở các tiệm cà phê, trong đám trộm cướp và bọn thích phiêu lưu. Phần lớn những người chúng tôi tìm được đều cố trấn áp nỗi sợ hãi để chui vào trong bụng cái công trình lạ lùng ấy, nhưng chẳng ai chịu đựng nổi vì họ phải quay bánh xe trong cái nóng đáng sợ, và rốt cuộc họ bỏ trốn hết thảy. Dưới ánh nhìn sợ hãi và kinh ngạc của những người tò mò, trong tiếng reo hò đắc thắng, vũ khí của chúng tôi vụng về nhúc nhích, rung lên, các khẩu đại bác phóng đạn về phía pháo đài giả định rồi đứng ì ra. Tiền bạc từ các làng và những vườn ôliu vẫn tiếp tục đổ về, nhưng do tiêu pha quá tốn kém nên Hoja đành giải tán nhóm người mà khó khăn lắm chúng tôi mới tuyển mộ được.
Mùa Đông trôi qua trong chờ đợi. Padishah trở về sau chuyến đi săn và ngự lại trong tòa lâu đài yêu quý ở Edirne; chẳng ai gọi tôi vào cung, nên tôi cùng Hoja ngồi ở nhà. Chẳng có ai để mà kể những câu chuyện li kì, tối đến, trong biệt thự chẳng có ai để cùng giải trí cho khuây khỏa, cũng chẳng có việc gì để làm. Tôi cố giết thì giờ bằng cách thuê một họa sĩ đến từ Venice vẽ bức chân dung của tôi và học chơi đàn oud (một loại đàn dây cổ); Hoja thì thỉnh thoảng lại đến Kuledibi, nơi anh ta cất giữ vũ khí và cắt cử người canh gác. Anh ta vẫn tiếp tục hoàn thiện sáng chế của mình, bổ sung thứ này thứ nọ, nhưng chẳng bao lâu sau điều đó khiến anh ta chán ngấy. Trong những ngày đông cuối cùng mà chúng tôi sống cùng nhau, anh ta không nói với tôi về vũ khí và về chuyện anh ta sẽ làm gì với vũ khí đó. Hoja rơi vào một trạng thái uể oải chán ngán, nhưng không phải vì lòng hăng hái đã nguội lạnh, mà do tôi không hưởng ứng sự quan tâm của anh ta đối với vũ khí vừa sáng chế xong.
Và thế là các buổi tối của chúng tôi lại trôi đi trong chờ đợi: khi thì chờ đến lúc mưa tạnh hay gió ngừng, khi thì chờ đến khi người bán ngẫu tượng đến, khi thì chờ đến lúc phải bỏ thêm củi vào lò. Chờ cho đến khi ngọn đèn lay lắt cuối cùng phía bên kia vịnh Sừng Vàng tắt hẳn, chờ khi nào giấc ngủ kéo đến mà mãi nó không chịu đến cho, chờ tiếng chuông Azart gọi giờ cầu kinh buổi sáng... Vào một buổi tối, khi chúng tôi hầu như không nói năng gì với nhau mà cùng đắm chìm trong mơ tưởng, Hoja đột ngột bảo là tôi đã thay đổi rất nhiều và đã trở thành một người hoàn toàn khác hẳn. Tôi bỗng thấy choáng váng, thậm chí toát mồ hôi hột, tôi muốn phản đối và nói là anh ta đã nhầm. Tôi vẫn y như trước kia đấy chứ, tôi và anh ta vốn giống nhau, cần phải làm sao để tôi quan tâm đến anh ta như trước, chúng tôi còn nhiều chủ đề để luận bàn với nhau. Nhưng khi người họa sĩ mang tấm chân dung đến cho tôi vào buổi sáng ấy và treo lên tường, tôi biết Hoja nói đúng: tôi đã thay đổi nhiều, đã trở nên đẫy đà hơn sau các bữa tiệc chiêu đãi, cằm tôi đã xuất hiện vòng ngấn thứ hai, bắp thịt nhão hơn, cử động chậm chạp, tệ nhất là khuôn mặt tôi trở nên khác hẳn, bởi các nụ hôn mà hai mép tôi in dấu sự trơ trẽn, vì ngủ nghê không giờ giấc mà mắt tôi có vẻ mệt mỏi, còn ánh nhìn thì trở nên đờ đẫn, như thường thấy ở những kẻ đần độn luôn bằng lòng với cuộc sống, thế giới xung quanh và bản thân. Nhưng tôi cảm thấy hài lòng với diện mạo mới của mình, nên tôi im lặng.
Sau này, khi chúng tôi được báo tin là Padishah cho gọi chúng tôi đem vũ khí đến Edirne, tôi thường mơ thấy mỗi một giấc mơ ấy: dường như chúng tôi đang tiêu khiển tại một vũ hội giả trang ở Venice, có vẻ giống như những cuộc chơi ở Istanbul; tôi thấy mẹ và vị hôn thê của mình, khi họ bỏ tấm mặt nạ giả làm người hạ lưu xuống, tôi cũng bỏ mặt nạ của mình để họ thấy tôi, nhưng họ không biết rằng tôi - chính là tôi. Họ lấy chiếc mặt nạ đính vào chiếc que để trỏ ai đó; tôi ngoảnh lại và trông thấy Hoja - người mà họ nhầm tưởng là tôi. Để giúp mẹ và vị hôn thê nhận ra mình, tôi lao về phía Hoja với niềm hy vọng, nhưng khi anh ta tháo mặt nạ ra, tôi đã thấy lại hình ảnh của bản thân hồi còn thanh niên và giật mình tỉnh dậy với sự kinh hãi và cảm giác có lỗi.