• 57

Chương 11 - Kết -


Số từ: 7329
Dịch giả: Nguyễn Thị Kim Hiền
NXB Trẻ
Nguồn: Sưu tầm
Vậy là tôi đã viết đến hồi kết quyển sách của mình. Có thể, độc giả thông minh từ lâu đã quả quyết rằng câu chuyện của tôi đã kết thúc và để nó sang một bên. Đã có lúc cả tôi cũng từng nghĩ sau khi viết xong tôi sẽ ném vào xó nhà những trang sách này để không bao giờ phải đọc lại nữa. Bấy giờ tôi từng mơ ước dành cả đời mình để viết nên những câu chuyện, không phải để dâng lên Padishah, mà cốt cho bản thân mình tiêu khiển, tôi đã ao ước viết nên những câu chuyện tình yêu xảy ra ở những xứ sở mà tôi chưa từng thấy bao giờ, nhưng sẽ đặt chân tới với tư cách một thương gia, trên những sa mạc hoang vắng không người và những khu rừng âm u giá lạnh; nhưng riêng câu chuyện này thì tôi muốn quên hẳn. Có thể tôi đã làm được điều đó, mặc dù tôi hiểu rằng, sau tất cả những điều đã trải qua, sau chừng ấy những câu chuyện và lời thêu dệt gièm pha, tôi chẳng dễ mà thực hiện được ý định ấy; nhưng rồi hai tuần trước, có một vị khách tìm đến gặp tôi và thuyết phục tôi quay trở lại với cuốn sách này. Bây giờ, đây là quyển sách tôi yêu quý nhất, và tôi sẽ kết thúc nó như cần thiết, như là tôi mong muốn và theo cách mà tôi đang hình dung.
Tôi ngồi xuống sau chiếc bàn cũ kĩ để viết nốt phần kết của cuốn sách, và hình dung một chiếc thuyền buồm bé nhỏ đang đi từ Jennethisar đến Istanbul, chiếc cối xay giữa vườn ôliu xa xôi, những đứa trẻ nô đùa trong khu vườn trồng cây vả, con đường bụi bặm từ Istanbul đến Gebze. Mùa Đông, những con đường tuyết phủ vắng teo, nhưng khi Xuân đến hoặc Hè tới, tôi lại thấy những đoàn cara- van đi về phương Đông, đến tận Baghdad và Damascus. Những cỗ xe ngựa cũ kỹ cót két đi ngang qua nhà, thỉnh thoảng tôi lại hồi hộp dõi theo bóng người kỵ sĩ trong bộ trang phục nom không rõ khi còn ở xa, nhưng khi người ấy tới gần thì tôi hiểu đó không phải là khách của mình: thời gian gần đây không ai đến thăm tôi, và tôi biết rằng tới đây cũng chẳng có ai đến.
Nhưng tôi chẳng phàn nàn và cũng không đau khổ vì cô độc: khi còn đương chức đại sư chiêm tinh, tôi đã tích cóp được khối tiền, tôi cưới vợ, sinh bốn người con; tôi từ quan - bằng kinh nghiệm nghề nghiệp của mình, tôi tiên đoán là sắp xảy ra tai họa; tôi chạy tới Gebze này trước khi quân đội của Padishah tiến về thành Vienna, trước khi đám công thần đê tiện của Padishah điên khùng vì thất trận đã chặt đầu vị đại sư chiêm tinh kế nhiệm tôi, trước khi người ta phế truất Padishah - vị hoàng đế yêu động vật. Tôi xây ngôi biệt thự này, chuyển đến định cư ở đây cùng những quyển sách yêu quý, vợ con và vài tên đầy tớ. Người phụ nữ tôi cưới làm vợ khi còn đương chức đại sư chiêm tinh trẻ hơn tôi nhiều, nàng trông nom nhà cửa chu đáo, giúp tôi trong những việc vặt và tôn trọng sự cô độc của tôi - ở độ tuổi thất thập tôi có thể ngồi một mình, viết sách và mơ ước. Cho nên tôi tha hồ nghĩ về Người Ấy, để rút ra kết luận thích hợp cho quyển sách và cho cả cuộc đời mình.
Tuy vậy, những năm đầu tiên tôi đã cố không làm việc đó. Mấy lần Padishah toan hỏi về Người Ấy, nhưng thấy chủ đề này khiến tôi khó chịu nên Ngài thôi không hỏi nữa. Tôi nghĩ rằng, chính Ngài cũng hài lòng về điều đó, đơn giản là Ngài chỉ tò mò, nhưng tò mò về điều gì và ở mức độ nào thì tôi không thể hiểu được. Padishah lập tức nói rằng tôi không nên xấu hổ vì chịu ảnh hưởng của Người Ấy và những kiến thức học được từ anh ta. Ngay từ đầu, Padishah đã đoán ra rằng, tất cả mọi quyển sách, mọi tấm lịch và những lời tiên đoán được dâng lên Ngài đều do Người Ấy viết ra - ngay từ khi tôi ngồi nhà nghiên cứu chế tạo vũ khí, Padishah đã nói điều phỏng đoán này với Người Ấy. Ngài tin là nhất định Người Ấy đã kể lại với tôi, bởi vì có chuyện gì mà Người Ấy chẳng kể với tôi, cũng như tôi có chuyện gì cũng kể với Người Ấy vậy. Chắc là vào thời điểm đó, hai chúng tôi - cả tôi và Padishah - đều hơi láu cá một chút, nhưng tôi cảm thấy Ngài có vẻ tự tin hơn. Khi ấy, tôi chợt nghĩ rằng Padishah thông minh hơn tôi và những gì cần biết thì Ngài đều đã biết, nhưng Ngài vẫn tham dự vào trò chơi của mình, cốt để khống chế tôi. Có thể, ý kiến của tôi chịu ảnh hưởng bởi lòng tri ân đối với Ngài, chẳng gì thì Ngài đã cứu tôi thoát khỏi cơn cuồng nộ của các võ tướng sau trận thất thủ trên đầm lầy. Khi đó, biết bọn dị giáo thắng trận, một số người trong bọn họ đòi chặt đầu tôi. Và trong những năm đầu tiên ấy, nếu như Ngài hỏi thẳng, chắc tôi đã thú nhận tất cả. Hồi ấy vẫn chưa có những lời đồn đại rằng tôi không phải là tôi, hơn nữa tôi cũng muốn chia sẻ với ai đó và buồn nhớ Người Ấy vô cùng.
Cuộc sống đơn độc trong ngôi nhà bao nhiêu năm qua chúng tôi từng chung sống khiến tôi cảm thấy nặng nề. Túi đầy tiền bạc, tôi thường ra chợ, nơi người ta bán nô lệ, dạo quanh hàng tháng trời cho đến khi tìm được thứ mình cần. Rốt cuộc, tôi mua một đứa nô lệ, chẳng giống tôi mà cũng chẳng giống Người Ấy. Một buổi chiều, tôi bảo hắn dạy tôi tất cả những gì hắn biết, bắt hắn kể về đất nước, quá khứ và những thói xấu mà hắn có, rồi kéo hắn đứng trước tấm gương, kết quả là đã làm cho hắn hoảng sợ. Đó là một buổi tối tồi tệ, tôi thương hại kẻ khốn khổ ấy, định phóng thích hắn, nhưng lòng tham nổi lên khiến tôi lại đem hắn ra chợ nô lệ để bán đi. Sau đó, tôi loan tin trong khu phố là muốn lấy vợ. Hàng xóm láng giềng kéo đến, ai cũng vui mừng vì tôi sẽ thành một người giống như bọn họ và từ nay trở đi khu phố sẽ được yên ổn. Tôi cũng hài lòng vì sẽ giống tất cả mọi người, tôi hy vọng được sống yên ổn nhiều năm nữa để viết sử cho Padishah. Tôi chọn khá lâu mới được vợ, thậm chí chiều chiều còn bắt nàng chơi đàn oud.
Khi những lời đồn đại lan ra, thoạt đầu tôi nghĩ, chắc đây là trò chơi do Padishah bày đặt, Ngài rất thích quan sát sự bất an của tôi, thích đặt những câu hỏi bất ngờ khiến tôi bị bắt nọn. Ngay từ đầu, khi Ngài vô cớ nói một câu gì đó kiểu như: "Chúng ta có hiểu bản thân mình hay không ? Con người cần hiểu rõ mình là ai", tôi chẳng thấy lo lắng gì cho lắm, đồ rằng đó là câu hỏi do một kẻ khôn ngoan nào đó say mê triết học Hy Lạp trong đám quần thần bịp bợm mà Ngài lần nữa tập họp lại quanh mình đã mách nước cho Ngài. Ngài đề nghị tôi viết về chủ đề này, tôi dâng lên Ngài quyển sách về những con chim ác là và chim sẻ lúc nào cũng vui sống vì chúng hoàn toàn chẳng nghĩ ngợi gì về bản thân và chẳng cần biết chúng là ai. Tôi yên lòng khi biết rằng Padishah tiếp nhận quyển sách một cách nghiêm túc và hài lòng đọc nó, nhưng lời đồn đại vẫn không lắng xuống: tôi biết Padishah là một kẻ ngốc, tôi hoàn toàn chẳng giống người mà tôi thế chỗ - Người Ấy gầy, tôi thì đậm người hơn; tôi đã nói không đúng sự thật khi bảo là tôi không thể biết tất cả những gì Người Ấy biết; chẳng phải Người Ấy, mà chính tôi đã chạy trốn, sau khi bị nguyền rủa bởi vũ khí của mình. Và chính tôi đã tiết lộ bí mật quân sự cho đối phương, gây nên trận chiến bại, V.V... ! Cho rằng tất cả những điều đó đều xuất phát từ Padishah, để tránh mọi đồn đại thất thiệt, tôi cố tránh mọi cuộc tiêu khiển, hầu như không ló mặt ở những chỗ đông người, gầy hẳn đi và tìm cách dò hỏi cặn kẽ để tìm hiểu xem họ đã nói chuyện gì vào đêm cuối cùng trong lều Padishah.
Vợ tôi sinh con, đứa nọ tiếp đứa kia, thu nhập của tôi rất khá, tôi muốn quên hết những chuyện xì xào, quên cả quá khứ lẫn Người Ấy và tiếp tục yên ổn làm công việc của mình.
Tôi chịu đựng được bảy năm, nếu tôi cứng vía hơn và không linh cảm thấy Padishah sắp sửa xua đuổi đám cận thần, biết đâu tôi đã đi được tới cùng; bởi khi bước vào cánh cửa mà Padishah mở ra cho mình, tôi dường như trở về hình hài cũ mà tôi đang muốn quên lãng. Thời gian đầu, khi được hỏi về nhân cách - vấn đề tôi quan tâm - tôi đáp một cách tự tin rằng nhân cách con người đâu có nghĩa lý gì, điều quan trọng chính là những hành động mà chúng ta đang và sắp thực hiện. Tôi nghĩ rằng Padishah đã đi vào tâm hồn tôi bằng chính cánh cửa đó. Có lần Ngài bảo tôi kể về Italy, xứ sở mà Người Ấy đã trốn đến, tôi đáp rằng mình chẳng biết gì nhiều về đất nước đó khiến Ngài nổi giận: Người Ấy từng nói với Ngài là đã kể cho tôi nghe mọi chuyện rồi, việc gì tôi phải hoảng hốt như vậy, chỉ cần tôi cố nhớ lại những gì Người Ấy đã kể mà thôi. Tôi lặp lại cho Padishah nghe về tuổi thơ của Người Ấy, kể tỉ mỉ về những hồi ức dễ chịu mà tôi đã viết qua loa trong quyển sách này. Thoạt đầu, Padishah nghe tôi nói như thể nghe bất cứ người kể chuyện nào, nhưng về sau Ngài bắt đầu như thể đang nghe Người Ấy kể chuyện. Ngài hỏi tôi về những gì mà chỉ Người Ấy mới biết được và yêu cầu tôi không được sợ hãi mà phải trả lời ngay lập tức các câu hỏi: tại sao trước khi chị gái bắt đầu mắc tật nói lắp, Người Ấy lại không được nhận vào trường Đại học Tổng hợp Padua, y phục của người anh trai có màu gì, lần đầu tiên hai anh em xem pháo hoa ở Venice là khi nào ? Tôi cùng Padishah hết ngao du bằng thuyền lại dạo chơi trên bờ hồ nước thả nhiều hoa súng, đầy ếch nhái, hết đi qua những chiếc lồng nhốt lũ khỉ trơ trẽn không biết xấu hổ, lại bách bộ trong khu vườn dầy kỉ niệm, nơi tôi và Người Ấy đã từng sánh bước, vốn yêu thích các câu chuyện và sự lóng lánh của những sắc màu nảy nở trong kí ức, vào những lúc như vậy, Padishah trở nên cởi mở hơn và thường nói về Người Ấy như một người bạn cũ phản bội. Ngài tuyên bố: may mà Người Ấy trốn, vì dù rằng Người Ấy mua vui cho Ngài, nhưng nhiều lần Ngài đã toan ra lệnh giết chết Người Ấy vì tội hỗn xược. Có lần, tôi không còn nhớ khi đó Padishah nói về ai trong hai chúng tôi, Ngài chia sẻ với tôi những chi tiết khiến tôi hoảng sợ, nhưng Ngài chia sẻ những điều đó không phải với sự giận dữ mà với lòng yêu mến: có những ngày Ngài đã sợ rằng sẽ ra lệnh xử trảm, vì Người Ấy thường hay quá trớn, không tự biết mình, còn đêm cuối cùng thì suýt nữa Ngài đã cho gọi đao phủ ! Sau đó, Ngài bảo tôi chẳng phải là một kẻ kiêu ngạo; tôi không cho mình là người thông minh nhất và có năng khiếu nhất trần đời; tôi không cố gắng giảng giải sự khủng khiếp của bệnh dịch hạch một cách vụ lợi; tôi không làm cho ai đó phải mất ngủ bằng những câu chuyện về vị ấu vương bị đóng cọc; tôi chẳng có ai để khi về nhà có thể mỉa mai kể về những giấc mơ của Padishah, không có ai để tôi có thể viết những câu chuyện vớ vẩn ngu ngốc cốt đánh lừa Ngài ! Nghe tất cả những điều đó, tôi như nhìn thấy bản thân mình và dường như nhìn thấy hai chúng tôi từ bên ngoài và lo sợ bởi ý thức được rằng, ngay từ thời kì ấy chúng tôi đã bỏ lỡ cơ hội ảnh hưởng đến Padishah. Trong những tháng cuối, như thể muốn làm tôi phát điên, Padishah đã kể tiếp: tôi không giống như Người Ấy, tôi không làm rối loạn đầu óc bằng những chuyện vớ vẩn để phân biệt "chúng ta" và "chúng nó" ! Nhiều năm trước, khi Padishah mới tám tuổi và chưa quen chúng tôi, Ngài đã thấy pháo hoa trên bờ vịnh Sừng Vàng mà chúng tôi tổ chức; quỷ Shaitan khi đó đã chiến thắng trên bầu trời đen tối, giờ đây quỷ Shaitan đã theo Người Ấy đến xứ sở mà nó hy vọng sẽ cùng Người Ấy tìm được sự yên bình ! Thỉnh thoảng, trong những buổi dạo chơi buồn chán và đơn điệu, Padishah thận trọng dò hỏi: không biết có cần phải là hoàng đế thì mới hiểu được có những người sống ở những nơi khác nhau trên thế giới với những khí hậu khác nhau mà lại rất giống nhau hay không. Tôi im lặng lo sợ, Ngài lại hỏi lần nữa, chẳng lẽ chuyện họ đổi chỗ cho nhau không phải là một minh chứng cho điều đó hay sao ?
Đến đây, mọi chuyện đã trở nên quá rõ ràng.
Chắc là tôi vẫn tiếp tục tham gia vào những trò chơi đó như không có gì xảy ra, vì tin rằng, cũng như tôi, Padishah sẽ quên Người Ấy, tôi vẫn hy vọng kiếm thêm nhiều tiền bạc; hơn nữa, tôi đã quen với cái khủng khiếp của sự vô định; nhưng một lần ở trong rừng, khi chúng tôi đuổi theo con thỏ rồi bị lạc đường, Padishah làm như thể dạo chơi vô mục đích, bắt đầu uy hiếp tinh thần tôi một cách không thương tiếc, hơn nữa lại trước mặt đoàn tùy tùng, trong số đó có những kẻ mưu mô xảo quyệt mà Ngài lại vừa mới thu nạp dưới trướng. Lúc đó tôi nghĩ rằng Ngài đang sắp sửa xua đuổi và tịch biên gia sản của những người thân cận - tôi linh cảm về một tai họa đang đến gần. Vào cái ngày Padishah nhắc lại với tôi về chiếc khăn bàn bằng ren trải trên chiếc bàn Người Ấy vẫn ăn sáng thời thơ ấu, về chuyện suýt nữa Người Ấy bị chặt đầu khi người ta thuyết phục Người Ấy gia nhập đạo Hồi; khi Padishah bắt tôi mô tả về phong cảnh từ cửa sổ của tôi nhìn ra khoảng vườn sau nhà và bảo tôi viết một quyển sách như thể những chuyện đó đã xảy ra với mình, tôi quyết định chạy trốn khỏi Istanbul.
Thoạt tiên, chúng tôi chuyển đến một ngôi nhà khác. Thời gian đầu tôi sợ triều đình sẽ cho người tới bắt, nhưng rồi chẳng có ai hỏi han, tò mò về thu nhập của tôi, có thể do tôi đã bị quên lãng, hoặc tôi đang bị Padishah bí mật theo dõi. Theo nhu cầu nội tâm của mình, tôi bận bịu suốt ngày, tôi xây nhà, trồng cây ở vườn sau như ý muốn; thỉnh thoảng tôi đọc sách, viết sử, không phải để kiếm tiền mà cốt tiêu khiển, đôi khi tôi tiếp các vị khách đến xin lời khuyên, với tư cách là cựu đại sư chiêm tinh. Chính vào thời kì ấy tôi đã tìm hiểu được nhiều nhất về đất nước mà tôi từng sống từ thời còn trẻ: trước khi đoán tương lai cho những người tàn tật, những người bị chấn động tinh thần sau khi mất con trai hoặc em trai, những người mắc bệnh nan y, những ông bố có con gái ế chồng, những người lùn mong được cao lớn, những ông chồng ghen tuông, những người khiếm thị, các chàng thủy thủ yêu đương vô vọng - bao giờ tôi cũng bắt phải kể thật tỉ mỉ cho tôi biết về cuộc đời họ, rồi đêm đến tôi ngồi chép lại những lời kể đó vào vở, để sau này có dịp thì sử dụng cho các câu chuyện của mình.
Vào những năm ấy, tôi làm quen với một ông già mà mỗi khi ông ta đến, căn phòng tôi lại ngập tràn một nỗi buồn sâu sắc. Ômg ta già hơn tôi chừng mươi, mười lăm tuổi, tên là Evliya (Evliya Chelebi (khoảng 1611-1682): tác giả cuốn Sách về Du lịch nổi tiếng; Seyahatnâme - nhan đề cuốn sách - là một thuật ngữ Ba Tư, dùng dưới thời Ottoman thế ký XVII). Nhìn những dấu ấn đau khổ trên mặt ông ta, tôi tưởng nỗi đau khổ ấy là hệ quả của sự cô đơn, nhưng tôi đã nhầm: suốt cuộc đời mình, ông ta dấn thân vào những cuộc chu du đây đó để rồi mô tả những chuyến xê dịch đó trong một công trình đồ sộ mười tập; trước khi chết, ông ta dành thời gian hành hương tới những nơi gần gũi nhất với tâm hồn ông là Mecca và Medina và viết về những vùng đất thánh đó. Nhưng trong những quyển sách của ông có những phần còn để trống mà ông rất quan tâm - ông ta rất muốn kể với độc giả về những cây cầu và đài phun nước ở Italy, những danh lam thắng cảnh mà ông đã nghe nói rất nhiều, ông ta chủ định đến gặp tôi vì nghe đồn về tiếng tăm của tôi, may ra tôi có thể giúp ông ta được gì chăng ? Khi tôi bảo rằng cũng như mọi người khác, tôi chưa bao giờ đến Italy, Evliya nói ông cũng biết điều đó, nhưng nhỡ đâu tôi đã được nghe người nô lệ kể chuyện, và nếu như tôi kể cho ông ta biết những gì tôi đã nghe, thì đổi lại, Evliya cũng có câu chuyện để kể cho tôi biết: chẳng lẽ kể lại và được nghe những câu chuyên hấp dẫn như thế không phải là công việc thú vị nhất trên đời hay sao ? Ông ta lấy trong túi ra một tấm bản đồ Italy nhàu nhĩ, và tôi quyết định kể.
Với bàn tay mũm mĩm như tay con nít, ông ta ghi dấu trên bản đồ, đánh vần và cẩn thận chép lại những câu chuyện tưởng tượng của tôi. Ông ta nhất định muốn biết một câu chuyện lạ lùng nào đó về mỗi thành phố. Bằng cách như vậy, chúng tôi đi khắp nước Italy từ Bắc chí Nam và đã đến ba mươi thành phố, sau đó lại quay về Istanbul trên một con thuyền. Công việc đó chiếm của chúng tôi hết cả buổi sáng, ông ta rất hài lòng về những câu chuyện của tôi, và tỏ ý mua vui cho tôi, ông ta kể cho tôi nghe chuyện những người đi trên dây đã bị lạc trên bầu trời thành phố Acre (thành phố ở Israel), chuyện người đàn bà đã sinh ra một con voi ở thành phố Konya (thành phố phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ), về đứa con của bà này, về những con bò có đôi cánh màu xanh da trời trên bờ sông Nile, về lũ mèo hồng, ông ta nhoẻn cười phô ra những chiếc răng cửa được trồng cho ở thành Vienna, khi kể về cái hang biết nói trên bờ biển Azov, về những con kiến lửa đỏ chót ở châu Mỹ. Không hiểu sao những câu chuyện của ông ta đánh thức trong tôi một nỗi buồn kỳ dị đến chừng muốn khóc. Mặt trời đã lặn, Livliya hỏi tôi có biết câu chuyện kỳ ảo nào không; tôi bảo ông ta và những người đi theo hãy nghỉ lại ở nhà tôi, tôi có thể kể cho ông ta nghe một câu chuyện mà có lẽ ông ta sẽ thích thú - về hai con người đã thế chỗ cho nhau.
Khi mọi người đã tản về những chỗ dành cho họ, và sự tĩnh mịch mong đợi từ lâu ập đến, chúng tôi trở vào căn phòng của tôi. Bấy giờ, tôi đã quyết định sẽ kể hết ngọn ngành câu chuyện mà các bạn đang đọc nốt đây ! Những gì mà tôi đã kể không hề là chuyện hư cấu, mà dường như có ai đó thầm thì nói vào tai tôi, câu nọ nối tiếp câu kia: "Khi bị những chiến thuyền Thổ Nhĩ Kỳ chặn lại, chúng tôi đang trên đường từ Venice đi Naples..."
Đến tận khuya, khi kể xong câu chuyện của mình, tôi chợt cảm thấy rằng, giống như tôi, ông khách cũng đang nghĩ về Người Ấy. Nhưng hình dung của Evliya về Người Ấy nhất định sẽ hoàn toàn khác. Tôi chẳng mảy may nghi ngờ rằng ông ta cũng đang nghĩ về cuộc đời mình ! Tôi thì nghĩ về cuộc đời tôi, về Người Ấy, về việc tôi thích câu chuyện của tôi, tôi tự hào về những gì mình đã trải qua, những điều từng mơ ước. Căn phòng mà chúng tôi đang ngồi tràn ngập những hồi ức u buồn về chuyện tôi và vị khách của tôi đã từng mơ ước ra sao và chúng tôi đã thành những con người như thế nào. Vào chính khoảnh khắc đó, tôi chợt ngộ ra hết sức rõ ràng rằng tôi sẽ không thể quên Người Ấy, và điều này sẽ biến tôi thành kẻ bất hạnh cho đến tận những tháng ngày cuổi cùng của cuộc đời tôi; nhưng giờ đây tôi đã biết là mình sẽ không bao giờ sống trong cô độc: như thể cùng với câu chuyện của tôi, có một bóng ma nào đầy sức quyến dụ đã bước vào căn phòng này, khiến hai chúng tôi cùng tò mò, lo ngại. Đến gần sáng, thoạt đầu vị khách nói rằng ông ta rất thích câu chuyện của tôi, khiến tôi rất phấn khởi, sau đó ông ta bổ sung thêm là muốn phát biểu một vài nhận xét. Tôi chăm chú lắng nghe ông ta, để gạt bỏ những hồi tưởng khiến cả hai chúng tôi ưu tư và nhanh chóng chuyển sang một cuộc đời mới.
Ông ta nói rằng chúng tôi cần phải tìm ra một điều gì đó lạ lùng và đáng kinh ngạc nhất trong câu chuyện của tôi, thôi được, có thể, đó là điều duy nhất mà chúng tôi có khả năng thực hiện để vượt qua nỗi ưu phiền trĩu nặng của thế giới này; bởi vì từ những tháng năm thơ ấu ông đã biết đến vòng luân hồi bất tận của hết thảy mọi sự trên cõi thế, ngay cả trong ý nghĩ ông ta cũng không hề có ý định giam mình trong bốn bức tường; chính vì lẽ ấy mà suốt đời ông đã lao vào những chuyến phiêu du bất tận để kiếm tìm những câu chuyện lạ lùng. Và thứ đáng kinh ngạc mà ta phải tìm kiếm lại ở trong thế gian này, chứ không ở trong chính bản thân ta ! Một cuộc kiếm tìm nội tại, những suy tư quá sức dai dẳng về bản thể khiến chúng ta trở thành bất hạnh. Chính điều đó đã xảy ra với các nhân vật trong câu chuyện của tôi, do vậy họ chẳng thể nào mong muốn trở thành chính mình, do vậy mà họ đã ấp ủ mong muốn trở thành kẻ khác. Sau đó, ông ta hỏi tôi: "Cứ cho tất cả mọi điều trong câu chuyện đó là sự thật đi. Thế thì, liệu tôi có tin được rằng những người đổi chỗ cho nhau có thể sống sung sướng hạnh phúc được hay không ?" Tôi im lặng. Không hiểu sao ông ta nhắc tôi về một chi tiết trong câu chuyện mà tôi đã kể: chúng ta không nên gieo hy vọng cho những kẻ giống như người nô lệ Tây Ban Nha bị cụt tay ! Evliya nói tiếp: khi dựng nên những câu chuyện như thế và tìm kiếm sự kì ảo trong ta, chúng ta sẽ trở thành người khác, cầu xin Đức Allah giải cứu chúng ta và độc giả thoát khỏi điều đó ! Thậm chí, ông ta không muốn nghĩ về cái thế giới kinh khủng, nơi người ta thường xuyên nói về bản thân và những điều gàn dở, kỳ quặc của mình, đã thế lại còn viết những quyển sách, những câu chuyện kể về điều đó nữa.
Nhưng tôi thì tôi lại muốn nghe ! Và sáng ra, khi ông già nhỏ thó mà vừa gặp tôi đã cảm mến kia ngủ dậy, sửa soạn cùng đoàn người của mình ra phố để khởi hành đi Mecca và biến nhanh như thể bốc hơi trên đường, tôi lập tức ngồi vào bàn viết nốt quyển sách của mình. Chắc là để hình dung về những con người của thế giới tương lai kinh khủng được tốt hơn, tôi càng viết nhiều thêm về bản thân hoặc về Người Ấy, người mà tôi không tách biệt khỏi mình. Nhưng hôm nay, khi đọc lại quyển sách ấy, quyển sách mà tôi xếp xó từ mười sáu năm trước, tôi nghĩ những gì tôi đã làm được hóa ra cũng không phải là nhiều lắm. Vì vậy, tôi xin lỗi các vị độc giả không ưa những người hay nói về bản thân mình, nhất là khi những người này ngả theo những cảm xúc dâng trào, tôi xin được bổ sung cho quyển sách của mình thêm mấy trang nữa:
Tôi yêu quý Người ấy, như yêu quý hình ảnh kỳ lạ, đáng thương của chính bản thân mình, hình ảnh vẫn thường hiện lên trong những giấc mơ, khi tôi nghẹt thở vì giận dữ, vì lỗi lầm hay buồn chán và cảm thấy xấu hổ trước con dã thú ấy, con thú đã chết trong đau buồn; với một sự ghê tởm không hiểu được và một nỗi vui mừng không hiểu được. Tôi yêu mến và dường như nhận thấy trong Người Ấy hình ảnh của mình; mà có thể tôi đã gắn bó quen thuộc với hình ảnh Người Ấy, như quen với cử động của đôi tay mình, khó nhận thấy giống tầm bay một con côn trùng, hoặc như thể quen với những suy tư không hề được nuôi dưỡng bằng bất cứ thứ gì từ bên ngoài, dội từ những bức tường ý thức của tôi mà quay về cùng tôi và tàn lụi đi mỗi ngày; hoặc như đã quen với cái mùi ẩm mốc đặc biệt của tấm thân đáng thương, mái tóc dễ gãy, cái miệng xấu xí, cái tay cầm bút lông vàng vọt của tôi. Sau khi tôi viết xong quyển sách và cất nó đi, hy vọng là sẽ quên được Người Ấy, tôi chưa một lần nào tin những lời đồn đại và các mánh khóe bẩn thỉu của những kẻ muốn sử dụng danh tiếng của chúng tôi ! Họ quả quyết rằng, dường như Người Ấy đang chế tạo loại vũ khí mới ở Cairo dưới sự bảo trợ của Pasha ! Trong thời kì chiến bại ở ngoại ô thành Vienna, Người Ấy có mặt trong thành phố và dạy cho kẻ thù cách làm sao nhanh chóng thắng được chúng tôi ! Có kẻ nhìn thấy Người Ấy ở Edirne, trong bộ dạng hành khất, đang xúi giục những người thợ thủ công ẩu đả lẫn nhau. Người Ấy đâm dao vào người thợ chần chăn và lẩn mất trong đám đông ! Ở một trong những khu dân cư Anatoly, Người Ấy trở thành thầy Imam tại một giáo đường nhỏ, xây xong một tháp đồng hồ - những người kể chuyện này đập đầu thề thốt là nói đúng sự thật. - Người Ấy lại bắt tay quyên tiền xây tháp đồng hồ nữa ở Tây Ban Nha, nơi Người Ấy đến sau trận dịch hạch, Người Ấy viết sách và trở nên giàu sụ !
Họ còn đồn rằng Người Ấy bày ra những âm mưu chính trị, hậu quả là vị Padishah tội nghiệp của chúng ta bị phế truất ! Tại các khu dân cư Slave, Người Ấy thu thập những lời thú tội chân thành của những kẻ tôn xưng Người Ấy là cha linh hồn đáng kính, rồi dựa trên cơ sở đó để viết nên những quyển sách điên rồ ! Người Ấy lang thang ở Aluttoly kêu gọi phế truất những vị Padishah ngu ngốc, đi theo sau là hàng đoàn người mê hoặc bởi những lời tiên tri và những câu thơ của mình. Người ấy cũng kêu gọi cả tôi đến với mình ! Trong khoảng thời gian mười sáu năm qua, khi tôi viết các câu chuyện để quên được Người Ấy và cố khuây khỏa bằng thế giới tương lai khủng khiếp mà tôi dựng lên trong tưởng tượng, tôi đã nghe bao điều đồn đại nhưng chưa bao giờ tin một chuyện nào trong số đó. Tôi không biết đã có ai gặp chuyện như vậy chưa nhưng khi chúng tôi biến ngôi nhà không xa vịnh Sừng Vàng thành nhà tù giam nhau, đợi chờ vô vọng để một trong hai người được mời đến dinh thự hoặc cung điện, đôi khi căm ghét nhau, đôi khi vừa giễu nhại vừa viết những luận đề dâng lên Padishah, đã có lúc chúng tôi tập trung chú ý vào những chi tiết nhỏ nhặt: con chó ướt mưa mà chúng tôi nhìn thấy vào buổi sớm, sự kết hợp giữa màu sắc và đường nét hình học dường như được tạo nên một cách cố ý từ bộ quần áo phơi trên sợi dây căng giữa hai cái cây mà chúng tôi bất ngờ phát hiện ta sự so sánh ngôn ngữ, bỗng đột ngột bộc lộ cái cân xứng của đời sống ! Giờ đây, tôi buồn nhớ biết bao về những điều đó ! Chính vì lẽ ấy mà tôi đã trở lại với quyển sách về người đồng hành - bóng ma của mình, mà không hề quan tâm là nhiều năm hoặc nhiều thế kỷ sau, khi Người Ấy đã chết, liệu có ai đọc quyển sách này và suy ngẫm không chỉ về chúng tôi, mà về cả cuộc đời của bản thân mình hay không, nhưng cho dù không có ai đọc quyển sách này thì tôi cũng chẳng bận tâm cho lắm. Dù chẳng mấy thận trọng, tôi cố gắng giấu kín tên tuổi Người Ấy để lần nữa hình dung lại về những buổi tối trong thời dịch hạch, về tuổi thơ tôi ở Edirne, về những giờ phút tuyệt vời mà tôi được đi dạo trong các khu vườn của Padishah, về nỗi khiếp sợ mà tôi cảm nhận bằng tấm lưng của mình, khi lần đầu tiên nhìn thấy khuôn mặt không có râu hàm của Người Ấy bên khung cửa nhà Pasha. Dĩ nhiên, cần phải hồi tưởng mọi điều một lần nữa, để lấy lại cuộc đời đã mất: tôi tin vào câu chuyện của mình !
Tôi sẽ kết thúc quyển sách của mình vào cái ngày định kết thúc: hai tuần trước, khi ngồi bên bàn và cố nghĩ ra câu chuyên nào đó, tôi nhìn thấy một người kỵ sĩ đang từ phía Istanbul đi tới. Thời gian gần đây chẳng có ai đến để mang tới cho tôi tin tức của Người Ấy, chắc bởi tôi chẳng có phản ứng gì đối với những thông báo của họ, và tôi cũng không nghĩ rằng sẽ xuất hiện một ai đó nữa, nhưng khi thấy người lữ hành khoác cái áo choàng ngắn và chiếc ô trong tay, tôi lập tức hiểu là người đó đang đến gặp mình. Tôi nghe thấy người khách lên tiếng trước khi ông ta bước vào phòng. Không hẳn như Người Ấy, nhưng người lữ hành nói tiếng Thổ với những lỗi sai kiểu Người Ấy, khi vào phòng tôi rồi, ông ta bắt đầu nói bằng tiếng Italy. Thấy tôi không đáp lại, ông ta nói tưởng tôi biết một ít tiếng Italy. Rồi giải thích là qua Người Ấy, ông ta biết tên tuổi tôi và biết được tôi là người như thế nào. Sau khi về nước, Người Ấy viết một loạt sách về những cuộc phiêu lưu giữa những người Thổ, về vị Padishah cuối cùng - người yêu động vật, về những giấc mơ của Ngài, về trận dịch hạch, về triều đình và cách thức điều binh khiển tướng của chúng ta. Bởi giới quý tộc, đặc biệt là các bà các cô có học vấn bắt đầu tỏ ra quan tâm đến phương Đông bí ẩn, những quyển sách của Người Ấy rất được chú ý, Người Ấy đi giảng bài tại Viện Hàn lâm và trở nên giàu có. Xúc động vì những câu chuyện của Người Ấy, vị hôn thê xưa kia, cho dù tuổi tác khá cao, bèn ly hôn với chồng, hai người cưới nhau, mua ngôi nhà cũ sắp đổ của dòng họ, dọn đến ở rồi phục hồi lại ngôi nhà và khuôn viên như trước. Vị khách của tôi biết tất cả những điều đó, vì đã đến thăm Người Ấy, do đọc sách của Người Ấy rồi sinh
lòng cảm mến. Người Ấy rất lịch lãm, suốt ngày thù tiếp vị khách của tôi, trả lời những câu hỏi, kể lại lần nữa những câu chuyện đã viết trong các quyển sách của mình. Người Ấy kể rất nhiều về tôi và nói rằng sẽ viết một quyển sách về tôi nhan đề là Một người Thổ mà tôi biết rõ. Người Ấy định kể với độc giả hiếu kỳ Italy về tuổi thơ của tôi ở Edime, toàn bộ cuộc đời tôi cho đến tận ngày chia biệt, củng cố thêm bằng những nhận xét sắc sảo về những đặc tính của người Thổ. Ông khách của tôi nói: "Ngài đã kể cho ông ấy nghe nhiều chuyện thế !" Rồi để tôi kinh ngạc, ông khách thuật lại những chi tiết tỉ mỉ trong quyển sách mà ông ta đã đọc: thuở nhỏ tôi rất thông minh, bị bọn trẻ con hàng xóm đánh đập dã man, tôi rất xấu hổ vì điều đó và thường khóc một cách cay đắng, chỉ qua sáu tháng là tôi đã học hết toàn bộ môn thiên văn do Người Ấy dạy, tôi rất yêu chị gái của mình, tôi ngoan đạo và lúc nào cũng cầu nguyện đúng thể thức namaz, tôi thích ăn mứt anh đào, đặc biệt rất quan tâm đến công việc chần chăn, vốn là nghề kiếm sống của cha dượng, v.v... và v.v... Tôi biết là sau những câu chuyện như vậy mình khó lòng có thể dửng dưng với con người ngu ngốc này, tôi dẫn ông ta đi xem nhà mình, hết phòng này đến phòng khác, vì rằng những người như thế thường rất hiếu kì. Sau đó, ông ta hỏi han về những trò chơi mà mấy đứa con nhỏ của tôi đang chơi với bạn ngoài vườn, ông ta không chỉ ghi vào quyển vở trò đánh khăng, mà còn ghi chép cả trò bịt mắt bắt dê, riêng trò nhảy cừu thì ông ta không thích. Vào lúc đó, ông ta nói Người Ấy là bạn của những người Thổ. Ông ta nhắc lại câu đó sau bữa ăn trưa, khi được tôi dẫn ra xem vườn, rồi chẳng còn gì để làm, tôi đưa ông ta đi xem ngôi nhà mà tôi cùng Người Ây đã chung sống từ nhiều năm trước. Ông ta đi trong hầm kho của chúng tôi, giữa những chiếc lọ đựng mứt và dưa muối, những chai dầu ôliu và giấm. Sau đó, khi dạo trong những căn phòng, ngắm bức chân dung của tôi do người họa sĩ Venice vẽ, như thể tiết lộ một điều bí mật, ông khách nói: thật ra, trên thực tế, Người Ấy không hẳn là một người bạn lớn của người Thổ, vì đã viết nhiều điều không hay về họ, chẳng hạn, Người Ấy bảo chúng tôi đang tuột dốc, hoặc nói đầu chúng tôi là những chiếc tủ chất đầy những thứ đồ đạc cũ rích, phục sinh là điều không tưởng, và chúng tôi không có con đường nào khác ngoài việc phải phục tùng họ. Để ông ta không kéo dài câu chuyện, tôi nói: "Nhưng Người Ấy muốn cứu giúp chúng tôi." Ông khách liền đáp rằng, đúng thế, thậm chí ông ta đã chế tạo ra vũ khí để làm điều đó, nhưng chúng tôi đã không hiểu ông ta, vũ khí ấy bị chìm nghỉm trong đầm lầy vào một buổi sáng sương mù dày đặc và nằm lại nơi ấy, như con tàu của quân cướp biển bị bão tố quăng lên núi đá. Rồi bổ sung thêm: đúng vậy, Người Ấy muốn, rất muốn cứu giúp chúng tôi. Người Ấy không coi vũ khí đó là quỷ dữ. Tất cả các vĩ nhân đều như thế ! Ông khách nâng bức chân dung của tôi lên tay, nhìn chăm chú và lẩm bẩm điều gì đó về thiên tài: nếu Người Ấy không bị rơi vào vòng nô lệ mà sống ở cố quốc suốt đời, ông ta có thể trở thành một Leonard của thế kỷ XVII. Rồi quay về chủ đề cái Ác mà xem ra ông rất quan tâm, vị khách của tôi kể một vài câu chuyện đồn thổi liên quan với tiền bạc còn đọng lại trong trí nhớ về Người Ấy. "Lạ thật, - ông ta nói thêm, - sao mà Ngài lại không chịu ảnh hưởng của ông ta nhỉ." Giờ đây, sau khi được làm quen với tôi, sau khi tôi đã khiến ông ta yêu mến và ngưỡng mộ, ông ta vẫn không thể nào hiểu được, tại sao lại có chuyện hai người sống bên cạnh nhau ngần ấy năm mà lại có thể khác nhau đến mức như vậy. Ông ta không hỏi xin tấm chân dung như tôi lo ngại, mà treo nó về chỗ cũ rồi hỏi, liệu có thể xem những tấm chăn được không ? "Chăn nào nhỉ ?" - tôi hỏi một cách ngây ngô. Ông ta kinh ngạc: chẳng lẽ tôi không chần chăn vào những lúc rỗi rãi hay sao ? Lúc ấy, tôi quyết định cho ông ta xem quyển sách mà tôi không cầm lên tay đã mười sáu năm ròng.
Ông ta vô cùng xúc động, nói là có thể đọc bằng tiếng Thổ, và dĩ nhiên, được đọc quyển sách viết về Người Ấy thì thật thú vị. Chúng tôi cùng đi lên căn phòng có cửa sổ trông thẳng ra vườn của tôi ở trên gác. Ngồi xuống chiếc bàn của tôi và Người Ấy, tôi lập tức tìm thấy quyển sách tại nơi mà tôi đã đặt nó từ mười sáu năm về trước và đưa cho ông khách. Ông ta đọc quyển sách viết bằng tiếng Thổ, nhưng hơi khó khăn một chút. Ông ta mải mê chìm đắm vào quyển sách của tôi, mong đọc được những gì lạ thường, đáng kinh ngạc nhưng lại không mâu thuẫn với thế giới lành mạnh và tin cậy của ông ta, một nguyện vọng khó chịu đối với tôi, mà tôi nhận thấy các vị du khách đều có. Để mặc vị khách ngồi một mình, tôi ra vườn ngồi trên chiếc sofa, sao cho vẫn nhìn thấy ông ta qua ô cửa sổ để ngỏ. Thoạt đầu ông ta vui vẻ nói vọng ra: "Mới đọc đã thấy rõ là Ngài chưa đến Italy bao giờ !" Nhưng rồi ông ta quên bẵng cả tôi. Thỉnh thoảng lắm mới nhìn về phía cửa sổ, tôi ngồi trong vườn ba tiếng đồng hồ, chờ cho ông ta đọc hết quyển sách. Khi đọc xong, khuôn mặt vị khách thoáng chút tần ngần - ông ta đã hiểu tất cả; ông ta thốt lên mấy lần tên gọi của lâu đài trắng và khu đầm lầy đã nuốt mất vũ khí của chúng tôi; thậm chí ông ta còn nói với tôi điều gì đó bằng tiếng Italy. Sau đó, để suy ngẫm về những gì vừa đọc và tránh bối rối, ông ta đưa mắt nhìn mãi ra phía cửa sổ. Tôi lặng im ngồi theo dõi, thấy ông ta nhìn đâu đó rất xa xăm bằng ánh mắt mông lung, như không nhận thấy gì, hệt như những người khác trong trường hợp như vậy, rồi sau đó, như tôi dự đoán, ánh nhìn của ông ta bừng tỉnh: cảnh vật bên ngoài ô cửa sổ dường như khiến ông ta mê đắm. Không, chắc các độc giả thông tuệ đã hiểu ra rằng ông ta không hề ngu si như tôi đã thoáng nghĩ. Ông ta nôn nóng lật giở những trang sách, tìm kiếm gì đó và đọc lại khi đã tìm được. Rồi ông ta ngước mắt nhìn qua cửa sổ ra vườn: có thể thấy những gì từ ô cửa đó ? Dĩ nhiên, tôi biết rõ ông ta tìm gì: trên bàn có chiếc khay khảm trai đựng những trái đào và anh đào, sau bàn là chiếc ghế sofa bằng mây đan, trên ghế có những chiếc gối nhồi lông điệp màu với khung cửa sổ màu xanh, xa hơn chút nữa là vành giếng có những con chim sẻ đang đậu, rồi đến những cây anh đào, cây ôliu. Giữa những bụi cây ấy, một gốc dẻ cao vượt lên, chiếc võng buộc vào cành nó đung đưa khe khẽ trong làn gió thoảng...
HẾT.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Pháo Đài Trắng.