• 57

Chương 2


Số từ: 6550
Dịch giả: Nguyễn Thị Kim Hiền
NXB Trẻ
Nguồn: Sưu tầm
Người vừa đi vào giống tôi đến kì lạ. Đích thị là tôi ! Tôi đã thoáng nghĩ vậy vào giây phút đầu tiên. Cứ như thể có ai đó muốn trêu chọc tôi, lại dẫn tôi vào phòng qua cánh cửa đối diện với cánh cửa mà tôi vừa bước vào ban nãy; rồi dường như người đó nói với tôi rằng: coi này, mày phải như thế này chứ, mày phải bước vào phòng như thế này, chân tay mày phải cử động như thế, người ngồi trong phòng phải nhìn mày như thế ! Chúng tôi chào nhau, nhìn thẳng vào mắt nhau. Tuy nhiên, xem ra anh ta không có vẻ ngạc nhiên. Lúc ấy tôi thoáng nghĩ, kì thực anh ta cũng chẳng giống tôi lắm, vì anh ta để râu hàm; cứ như là tôi đã quên mất khuôn mặt của chính mình nom ra làm sao rồi. Anh ta ngồi xuống đối diện tôi và tôi chợt nhớ ra rằng đã một năm nay, tôi chẳng soi gương lần nào.
Một lúc sau, cánh cửa mà tôi bước vào lúc nãy chợt mở ra, và anh ta được gọi đi. Tôi ngồi lại chờ và nghĩ rằng câu chuyện vừa xảy ra chẳng phải là một trò đùa bày đặt vụng về, mà chỉ là kết quả từ trí tưởng tượng đau ốm của tôi. Chả là trong những ngày ấy tôi thường thấy những ảo mộng nào đó chập chờn trước mắt: như thể tôi đã trở về nhà, người thân ùa ra đón tiếp, rồi bỗng dưng tất cả biến mất, còn tôi lại đang ở trên tàu, trong khoang của mình... Tất cả những cái đó trở thành niềm an ủi, tựa như giấc mơ trong cổ tích. Tôi còn chưa kịp nghĩ con người kia cũng bước ra từ những câu chuyện cổ tích của tôi, chỉ khác là chúng đã biến thành sự thực, thì cánh cửa xịch mở, và người ta gọi tôi.
Pasha đang đứng cách bản sao của tôi một đoạn. Ông lệnh cho tôi hôn gấu áo người ấy, rồi, khi tôi đã tuân theo, ông hỏi thăm tôi công việc thế nào. Tôi bắt đầu phàn nàn về cuộc sống nặng nề trong nhà giam, và về chuyện tôi mong mỏi được trở về Tổ quốc, nhưng ông không muốn nghe. Pasha nhắc rằng tôi đã nói với ông về chuyện tôi có những hiểu biết về khoa học, về thiên văn và kĩ thuật, vậy thì, tôi có biết gì về thuốc nổ và pháo hoa không ? Tôi lập tức trả lời là có biết, nhưng bắt gặp ánh mắt của kẻ giống hệt như mình, tôi đâm nghi là đang bị giăng bẫy.
Pasha bảo rằng đám cưới mà ông đang sửa soạn sẽ rất khác thường, sẽ có một đêm pháo hoa vượt trội tất cả những cuộc được tổ chức trước đó. Người giống hệt tôi, mà Pasha gọi đơn giản là "Hoja" (tiếng xưng hô thông dụng ở nhiều nước Hồi giáo, gốc từ tiếng Ả-rập, còn được phiên âm thành
Hajji
,
Hodja
,
Hoxha
,
Hodza
, v.v... tương tự như
thầy", thường dùng để gọi một người đàn ông Hồi giáo một cách trân trọng), đã từng làm pháo hoa để mừng sinh nhật Padishah; Hoja có đôi chút hiểu biết về nghề này, hồi đó anh ta làm việc với ông thợ thuốc nổ người Malta, nay đã quá cố, và Pasha cho rằng tôi sẽ có ích cho anh ta. Hóa ra, chúng tôi sẽ bổ sung cho nhau ! Nếu chúng tôi tổ chức được một màn pháo hoa hoành tráng vui vẻ, Pasha sẽ có thưởng. Tôi cho rằng đã đến lúc đề đạt nguyện vọng trở về Tổ quốc, nhưng Pasha hỏi từ khi đến Istanbul tôi có lần nào quan hệ với đàn bà hay không, và khi nghe câu trả lời của tôi, ông bảo tự do mà không có đàn bà thì chẳng có ý nghĩa gì. Pasha nhắc lại đúng những lời lẽ mà bọn lính canh đã nói với tôi; chắc là mặt tôi nom thộn lắm nên ông phá lên cười. Quay về phía Hoja, ông bảo anh ta phải chịu tất cả trách nhiệm. Chúng tôi đi ra.
Trong khi chúng tôi đi về nhà bản sao của tôi, tôi nghĩ bụng, mình tuyệt nhiên chẳng có gì để dạy cho anh ta cả. Nhưng cả anh ta cũng chẳng biết gì nhiều hơn tôi. Chúng tôi cùng nghĩ về một điều: cốt làm sao để chế được một thứ hỗn hợp thuốc nổ tốt. Để làm được điều đó, chúng tôi phải cân đong kĩ lưỡng, trộn thuốc nổ, làm pháo và đêm đến mang ra đốt thử dưới chân tường pháo đài. Trong khi những người làm thuê cho chúng tôi đốt những quả pháo mới làm được trong ánh mắt khâm phục của bọn trẻ ngọại thành, chúng tôi ngồi dưới hàng cây, trong bóng tối, hồi hộp và tò mò chờ đợi kết quả; chúng tôi cũng làm như vậy tại các cuộc thử nghiệm những quả pháo phi thường của mình vào lúc ban ngày. Sau những cuộc thử pháo ấy, đôi khi dưới ánh trăng, đôi khi trong màn đêm dày đặc, tôi cố gắng ghi chép những điều trông thấy vào cuốn sổ nhỏ. Đến khuya, chúng tôi quay về ngôi nhà có những ô cửa sổ hướng ra vịnh Sừng Vàng của Hoja, và trước khi chia tay, chúng tôi cùng thảo luận chi tiết về các kết quả.
Ngôi nhà của anh ta bé nhỏ, tối tăm và bất tiện. Cửa chính mở ra một ngõ phố ngoằn ngoèo, với dòng nước đen ngòm chảy từ đâu ra không rõ, biến mặt đường thành một thứ đất sét có mùi chua khẳm. Trong nhà hầu như không có đồ đạc, nhưng mỗi lần bước vào tôi đều cảm thấy chật chội và trong lòng dấy lên một nỗi buồn kì lạ. Có thể, con người muốn tôi gọi anh ta một cách đơn giản là Hoja, vì không thích cái tên được kế thừa từ ông nội, đã gieo nỗi buồn đó vào lòng tôi; anh ta theo dõi tôi, tựa hồ như muốn học theo tôi một điều gì đó, nhưng không biết chính xác là điều gì. Tôi không thể nào quen với việc ngồi trên chiếc đi văng mà anh ta kê sát tường, nên khi chúng tôi thảo luận với nhau về các thí nghiệm, tôi thường đứng, đôi khi nóng nảy đi đi lại lại trong phòng. Tôi nghĩ rằng Hoja rất khoái như thế - anh ta ngồi, và có thể cứ thế mà quan sát tôi bao lâu tùy thích trong ánh sáng mờ đục của ngọn đèn.
Cảm nhận được cái nhìn của anh ta hướng vào mình, tôi chợt thấy bất an, bởi lẽ cơ hồ như anh ta không nhận ra sự giống nhau giữa hai chúng tôi. Hoặc có thể anh ta cũng nhận ra nó, nhưng cố tình lờ đi. Như thể anh ta đang giở trò với tôi: bày đặt ra một thí nghiệm nho nhỏ với tôi và rút ra những kết luận nào đó. Do vậy, những ngày đầu tiên anh ta ngắm nghía tôi đúng như thế: cứ như thể anh ta đang nghiên cứu một điều gì đó, và sau khi nghiên cứu xong thì lại càng thấy quan tâm hơn nữa. Tuy nhiên, dường như anh ta lo sợ không dám dấn lên bước nữa để củng cố sâu hơn kiến thức của mình, và điều đó khiến tôi cảm thấy buồn chán. Sự ngần ngại của anh ta khiến tôi vững dạ, nhưng không xua tan bớt nỗi bất an. Anh ta muốn vô tình kéo tôi vào cuộc tranh luận: một lần khi chúng tôi đang bàn bạc về các thí nghiệm, lần khác - khi anh ta hỏi tại sao đến giờ này tôi vẫn chưa là tín đồ Hồi giáo; nhưng tôi đoán được mưu mô của anh ta nên đánh trống lảng, nói sang chuyện khác. Anh ta cảm nhận được sự thận trọng của tôi, và tôi hiểu rằng anh ta khinh thường tôi, nên tôi lấy làm bực bội. Trong những ngày ấy, giữa chúng tôi chỉ có một điểm chung duy nhất là cả hai đều thấy khinh miệt nhau. Tôi cố gắng kềm chế, vì cho rằng nếu chúng tôi tổ chức được màn bắn pháo hoa thành công mỹ mãn, không xảy ra sự cố gì, thì có khả năng họ sẽ cho phép tôi được trở về Tổ quốc.
Một lần, giữa đêm khuya, khi quả pháo thăng thiên của chúng tôi bay vút lên đặc biệt cao, Hoja ngây ngất vì thành công nên đã nói rằng một lúc nào đó anh ta sẽ làm một quả pháo bay tận Mặt Trăng; chỉ cần tìm ra công thức pha chế thuốc nổ và đúc vỏ thích hợp để nhồi thuốc pháo. Tôi cố gắng giảng giải rằng Mặt Trăng ở rất xa, nhưng Hoja ngắt lời tôi, nói rằng anh ta cũng biết vậy, nhưng chẳng lẽ Mặt Trăng lại không phải là hành tinh gần chúng ta nhất hay sao ? Tôi tán thành, nhưng anh ta không trấn tĩnh được, mà ngược lại, càng thêm phấn khích tợn.
Hai hôm sau, vào lúc nửa đêm, anh ta lại hỏi: thế tại sao tôi cứ chắc mẩm rằng Mặt Trăng là hành tinh gần chúng ta nhất ? Nhỡ đó là do thị giác bị đánh lừa thì sao ? Bấy giờ, lần đầu tiên tôi mới nói với anh ta là tôi đã nghiên cứu về thiên văn, và trình bày vắn tắt các luận điểm vũ trụ học cơ bản của Ptolemy (Tên đầy đủ theo tiếng Latỉnh là Ptoỉemaeus Claudỉus (khoảng 90- 160): nhà thiên văn học, nhà toán học người Ai Cập (hoặc Hy Lạp) thời cổ đại). Tôi nhận thấy anh ta nghe rất chăm chú nhưng lại không dám nói một điều gì đấy để biểu lộ sự quan tâm của mình. Khi tôi ngừng lời, anh ta nói là có biết học thuyết của Batlamius, nhưng điều đó không làm thay đổi sự ngờ vực của anh ta về việc liệu có hành tinh nào đó gần chúng ta hơn Mặt Trăng hay không. Đến gần sáng, anh ta nói về hành tinh đó như thể đã có những chứng cớ về sự tồn tại của nó.
Ngày hôm sau, anh ta ấn vào tay tôi một quyển sách được viết bằng nét chữ xấu khủng khiếp. Mặc dù vốn tiếng Thổ chẳng được bao nhiêu, tôi cũng nhận ra đây là bản tóm lược Almageisé (Luận văn khoa học của Ptolemy) - trong đó tôi chỉ chú ý đến cách gọi tên các hành tinh bằng tiếng Ả-rập, mà cũng chẳng phải quan tâm đặc biệt gì cho lắm. Thấy quyển sách không gây ấn tượng gì đối với tôi và thấy tôi đặt nó xuống, Hoja liền nổi giận. Anh ta bảo rằng lẽ ra tôi chớ nên tự tin như thế mà hãy thử đọc quyển sách anh ta đã phải bỏ ra tới bảy đồng tiền vàng để mua về. Hệt như một cậu học trò ngoan ngoãn, tôi giở cuốn sách ra và bắt đầu kiên nhẫn lật từng trang nhưng chỉ thấy một bản sơ đồ khá sơ sài. Trên bầu trời có vẽ các hành tinh xung quanh Trái Đất. Vị trí của các hành tinh được đánh dấu đúng, nhưng người vẽ không mảy may có chút khái niệm nào về trật tự phân bổ của chúng. Sau đó, tôi chú ý đến một ngôi sao không lớn nằm giữa Trái Đất và Mặt Trăng, nhìn kĩ thì thấy ngôi sao này về sau mới được vẽ thêm vào cuốn sách, vết mực còn mới han. Tôi lật giở cuốn sách đến tận trang cuối cùng rồi trả lại cho Hoja. Anh ta nói, giọng rất nghiêm trọng, rằng nhất định sẽ tìm ra ngôi sao đó. Tôi làm thinh không nói không rằng - sự im lặng ập đến khiến cả tôi lẫn anh ta đều cảm thấy bực bội trong lòng. Do việc không có thêm một quả pháo thăng thiên nào có thể bay cao đến mức lọt vào khoảng không giữa các vì sao, chúng tôi cũng thôi không trở lại đề tài này nữa. Thành công nho nhỏ của chúng tôi vẫn chỉ là một sự tình cờ ngẫu nhiên, chứa đựng điều bí mật mà chúng tôi không lí giải được.
Hoja kiếm được trong một tiệm nhỏ ở Istanbul thứ thuốc nổ mà ngay cả người bán hàng cũng chẳng biết gọi là gì, chúng tôi đạt được kết quả rất tốt về độ chói sáng, về công suất và mức độ rực rỡ của pháo hoa. Chúng tôi cho rằng loại thuốc nổ vàng vàng hơi lấp lánh ấy là hỗn hợp gồm diêm sinh và sulphate đồng. Với loại thuốc nổ đó, chúng tôi chế ra đủ thứ hỗn hợp có thể tưởng tượng ra để thu được những gam màu khác nhau, nhưng chúng tôi không hài lòng với gam cà phê sữa và màu xanh phớt. Hoja bảo dù sao đi nữa, so với những gì mà từ xưa tới nay Istanbul được chứng kiến thì đây cũng là thứ tốt nhất rồi.
Sau màn trình diễn pháo hoa vào đêm thứ hai trong hôn lễ, thành công của chúng tôi được hết thảy mọi người công nhận, ngay cả những kẻ thù địch đã từng bày mưu tính kế ngáng trở công việc của chúng tôi. Tôi đâm ra lo lắng, khi nghe nói từ bờ bên kia vịnh Sừng Vàng, Padishah cũng sẽ chiêm ngưỡng đêm pháo hoa; tôi sợ rằng sẽ xảy ra điều gì đó không ổn, và tôi sẽ chẳng bao giờ được trở về quê cũ nữa. Khi hiệu lệnh mở màn đêm pháo hoa được ban ra, tôi lẩm nhẩm đọc kinh cầu nguyện. Thoạt đầu, để chào mừng các vị quan khách, chúng tôi bắn những trái pháo thăng thiên đủ sắc màu; tiếp đến là một loại pháo nổ theo vòng tròn - chúng tôi gọi nó là "Cối xay gió"; trong khoảnh khắc, cả bầu trời rực lên những sắc đỏ, sắc vàng và thiên thanh, kèm theo tiếng nổ kinh hồn và đẹp lộng lẫy trên cả kỳ vọng của chúng tôi; những trái pháo được bắn lên càng nhiều thì vòng tròn càng xoáy nhanh hơn, nhanh hơn nữa, rồi đột nhiên nó chói lóa, soi sáng mọi thứ vằng vặc như giữa ban ngày và ngừng lại. Tôi chợt tưởng như mình đang ở Venice; tôi mới tám tuổi, lần đầu tiên được đi xem pháo hoa, và cũng như bây giờ, lúc ấy tôi thấy mình thật bất hạnh - tôi không được mặc chiếc áo khoác màu đỏ mới tinh của mình, mà anh trai tôi đang diện nó, vì áo của anh ấy đã bị rách toạc vào buổi tối hôm qua khi hai đứa tôi choảng nhau; những trái pháo nổ vào đêm hôm ấy cũng đỏ hệt như màu chiếc áo khoác mới đính hàng dãy cúc của tôi mà tôi không được mặc và đã thề sẽ không bao giờ mặc nữa, đối với anh tôi thì nó hơi chật.
Tiếp đến, chúng tôi bắn một loạt pháo kiểu khác gọi là "Đài phun nước"; từ dưới những mái nhà cao chừng năm thân người lửa bắt đầu tuôn ra; những người đứng ở bên kia bờ vịnh chắc sẽ nom thấy ngọn lửa rõ hơn chúng tôi; và cũng như chúng tôi, họ hẳn cũng phải rất hân hoan khi từ đài phun nước những trái pháo bắt đầu vọt lên cao; nhưng chúng tôi còn muốn khiến họ hân hoan hơn nữa kia - bởi những chiếc bè mảng đã tròng trành chao đảo trên mặt nước. Từ những ngọn tháp pháo đài bằng bìa các tông tượng trưng cho các chiến công trong quá khứ được gắn vào các bè, những trái pháo phát nổ và bay vút lên bầu trời. Tiếp đó, chiếc thuyền buồm mà trên đó tôi đã bị bắt làm tù binh lướt đến và các chiến thuyền khác giã pháo như mưa vào nó. Vậy là tôi được sống lại thêm lần nữa cái ngày tôi bị bắt làm tù binh. Khi những con tàu bằng bìa các tông bắt đầu bốc cháy và chìm dần xuống làn nước, cả hai bên bờ vịnh dậy lên những tiếng hô lớn: "Sáng danh Đức Allah ! Sáng danh Đức Allah !" Sau đó chúng tôi kích hoạt lũ rồng, từ mõm, từ lỗ tai và mũi chúng những ngọn lửa phụt ra. Những con rồng bắt đầu vờn đấu với nhau. Theo chủ ý ban đầu, chúng tôi không định để cho con nào được thắng cả, nhưng khi trời đã sẩm tối, người của chúng tôi trên các bè mảng cho quay các bánh xe guồng nước thì đàn rồng bắt đầu từ từ vươn cao lên bầu trời trong tiếng hò reo huyên náo vừa thán phục vừa kinh hoàng của người xem. Khi những con rồng lại một lần nữa ầm ầm lao thẳng vào nhau như sấm động, những quả pháo trên các bè bùng lên; tất cả mọi ngòi nổ mà chúng tôi bố trí trên mình những con quái vật cần được đốt lên đúng vào thời điểm đã định, để tất cả mọi thứ xung quanh, như chúng tôi đã suy tính, nom y hệt như cảnh trong địa ngục. Tôi nhận ra là chúng tôi đã thành công, khi nghe tiếng nức nở của một thằng bé đứng cách chúng tôi một quãng: cha nó đã quên bẵng cả con mình, cứ ngửa mặt, há hốc mồm mà nhìn lên bầu trời dữ dội. Giờ thì ta sẽ được trở về xứ sở, tôi nghĩ bụng. Trên một chiếc bè màu đen mà khán giả không nhìn thấy, một tạo vật chúng tôi gọi là
quỷ Shaitan" (quỷ sứ - theo truyền thuyết Hồi giáo, tương ứng quỷ Satan trong Thiên Chúa giáo) bắt đầu bay lên bầu trời địa ngục; chúng tôi gắn vào nó nhiều pháo đến nỗi đâm lo sợ rằng nó sẽ bay lên bầu trời cùng cả chiếc bè lẫn người được bố trí trên đó, nhưng mọi sự đã diễn ra yên ổn: sau khi bốc cháy, những con rồng biến mất, "quỷ Shaitan" bay vọt lên trời, những trái cầu lửa từ thân nó không ngớt tuôn ra kèm theo tiếng nổ đì đoàng. Có một thoáng chốc tôi đột nhiên thấv lo lắng, bởi nghĩ rằng không khéo chúng tôi làm cho cả Istanbul khiếp vía; ngay chính bản thân tôi cũng gần như hoảng sợ; tôi có cảm tưởng rằng rốt cuộc tôi đã bắt tay vào thực hiện điều cốt yếu mà tôi muốn làm trong đời mình, và chẳng có ý nghĩa gì chuyện tôi đang ở thành phố nào: tôi muốn "Quỷ Shaitan' bay lượn và phun lửa trên trời như vậy suốt đêm. Nó hơi chao đảo một chút rồi lao xuống vịnh Sừng Vàng trong tiếng reo hò phấn khích từ cả hai bờ. Rơi xuống nước rồi, nó vẫn tiếp tục cháy bùng bùng.
Sáng hôm sau, hệt như trong truyện cổ tích, Pasha ban cho Hoja một túi nhỏ đầy tiền vàng. Ông nói rất hài lòng về màn biểu diễn pháo hoa, nhưng thấy hoảng sợ về chiến thắng của quỷ Shaitan. Chúng tôi còn tổ chức bắn pháo hoa hàng chục lượt nữa. Ban ngày, chúng tôi sửa chữa những mô hình bị cháy sém, nghĩ thêm những trò mới. Các tù binh từ nhà giam được gửi đến giúp chúng tôi nhồi thuốc vào các trái pháo. Một nô lệ bị cháy thui cả mặt và mù mắt khi mười bao thuốc nổ tung.
Hôn lễ kết thúc, và tôi thôi không gặp Hoja nữa. Tôi lấy làm mừng vì thoát khỏi ánh mắt ghen tỵ của con người lúc nào cũng theo dõi tôi, nhưng đồng thời cũng nhớ lại một cách chẳng phải là không hài lòng về những ngày sôi nổi đã cùng bên nhau. Khi nào được trở về nhà, tôi sẽ kể với tất cả mọi người về nhân vật có bề ngoài giống hệt tôi nhưng chẳng bao giờ anh ta nhắc tới chuyện đó. Ngồi trong phòng giam, để giết thì giờ, tôi cứu chữa bệnh nhân, và một lần, khi được Pasha cho gọi, tôi hồi hộp, hầu như cảm thấy được hạnh phúc, vội vã đến gặp ông. Ông lập tức tỏ lời khen ngợi, ông nói, rằng tất cả mọi người đều vui thích thỏa thuê và hài lòng với màn trình diễn, rằng tôi rất có năng khiếu, v.v... Rồi ông đột ngột bảo nếu tôi chịu cải đạo thành người Hồi giáo thì ông phóng thích tôi ngay. Tôi sửng sốt vì quá bất ngờ, líu cả lưỡi vì luống cuống và bỗng xử sự như một đứa trẻ ngốc nghếch, tôi bảo rằng tôi muốn được về nhà, và chuyển sang nói về mẹ, về vị hôn thê. Làm như không nghe thấy những tiếng lắp bắp của tôi, Pasha nhắc lại lời mình lần nữa. Tôi làm thinh. Không hiểu bởi đâu tôi bỗng nhớ tới bạn bè thuở thơ ấu - những kẻ vô công rồi nghề dám xúc phạm cả bố đẻ, có những đứa tôi không chịu nổi. Khi tôi nói không đồng ý cải đạo, Pasha nổi giận. Tôi quay về phòng giam.
Ba ngày sau, Pasha lại cho gọi tôi. Ông đang trong tâm trạng phấn khởi. Tôi vẫn chưa thể nhận định được liệu tôi cải đạo thì có thoát khỏi nơi đây không. Pasha hỏi tôi đã suy nghĩ về đề nghị của ông chưa, và hứa rằng sẽ thân chinh cưới cho tôi cô gái đẹp nhất Istanbul. Ông kinh ngạc khi nghe tôi tuyên bố một cách dũng cảm rằng tôi không muốn cải đạo, và bảo tôi đúng là thằng ngu. Ông nói, quanh đây chẳng có ai để tôi phải hổ thẹn vì đã từ bỏ tôn giáo của mình cả. Ông giảng sơ qua về đạo Hồi. Rồi sai đưa tôi về nhà giam.
Lần thứ ba, người ta không đưa tôi đến gặp Pasha nữa. Viên kiahia hỏi tôi quyết định thế nào rồi. Biết đâu tôi có thể chịu cải đạo, nếu như người chất vấn tôi không là kiahia. Tôi nói, hiện tại tôi chưa sẵn sàng làm việc đó. Viên kiahia dẫn tôi ra khỏi nhà và giao cho một người khác. Một người cao gầy, giống hệt những người mà tôi thường thấy trong mơ, thận trọng cầm tay tôi như thể dắt người bệnh, đưa tôi ra vườn; rồi một người khác xuất hiện, người này cao lớn và hiện thực đến nỗi khó có thể mơ thấy. Đến gần bức tường, họ trói tay tôi lại. Cả hai đều vác rìu - Pasha đã ra lệnh chém đầu tôi, nếu tôi vẫn không chịu trở thành một người Hồi giáo. Tôi đờ người vì khiếp sợ.
Họ nhìn tôi vẻ thương xót. Tôi im lặng. Tôi nghĩ bụng, mong sao họ đừng cật vấn thêm, nhưng một lúc sau họ lại hỏi một lần nữa. Tôn giáo là thứ mà vì nó người ta dễ mất mạng nhất, tôi nghĩ thầm; tôi yêu quý và thương xót bản thân mình cũng giống như hai con người đang đặt ra cho tôi những câu hỏi kia và bắt tôi phải từ bỏ tín ngưỡng của mình. Tôi buộc mình không nghĩ về những gì đang xảy ra, cố hồi tưởng trước mắt bức tranh mà tôi nhìn thấy từ cửa sổ nhà mình trông ra vườn: trên bàn có chiếc khay khảm trai đựng những quả đào và anh đào, sau bàn là chiếc ghế sofa bằng mây đan, trên ghế có những chiếc gối lông điệp màu với khung cửa sổ màu xanh, xa hơn chút nữa là vành giếng có những con chim sẻ đang đậu, rồi đến những cây anh đào, cây ôliu. Giữa những bụi cây ấy, một gốc dẻ cao vượt lên, chiếc võng buộc vào cành nó đung đưa khe khẽ trong làn gió thoáng. Các đao phủ lại hỏi một lần nữa, tôi đáp là không từ bỏ tôn giáo của mình. Họ liền bắt tôi quỳ trước đoạn đầu đài và ấn đầu tôi xuống đó. Tôi nhắm mắt nhưng lập tức mở ra. Một người đã vung rìu lên, nhưng người kia ngăn lại, nói là có thể tôi đã đổi ý. Họ xốc tôi dậy và bảo tôi nghĩ lại.
Tôi suy nghĩ, còn họ thì bắt tay đào một cái hố ngay bên cạnh đoạn đầu đài. Tôi đoán chắc họ sẽ chôn tôi ngay tại đây, và thấy hoảng sợ, không những trước cái chết, mà cả trước sự kiện tôi sẽ bị lấp đất chôn. Tôi hiểu rằng cần phải quyết định ngay trước khi họ đào xong huyệt; vừa lúc họ đào được một cái hố chưa sâu lắm và lại gần tôi. Tôi nghĩ thầm phải chết ở đây thật là ngu ngốc. Tôi liền nói là chưa sẵn sàng để thành một tín đồ Hồi giáo, nhưng nếu như tôi được về phòng giam yêu dấu mà tôi đã thấy rất quen thuộc, để suy nghĩ suốt một đêm, thì có thể đến sáng mai tôi sẽ có quyết định cải đạo, nhưng tuyệt nhiên không phải ngay bây giờ, một cách tắp lự như vậy.
Họ tóm lấy tôi, kéo tôi lại gần đoạn đầu đài và lại bắt tôi quỳ xuống. Trước khi đặt đầu lên thớt, tôi chợt thấy một bóng người lướt giữa hàng cây và kinh ngạc thấy chính là tôi đang đi ở đó không một tiếng động, hầu như chân không chạm đất, có điều là trên mặt tôi có bộ râu. Tôi định lên tiếng gọi cái bóng của mình, nhưng nói không nên lời, vì đầu đã bị ấn xuống thớt chém. Tôi phục tùng đao phủ và nghĩ điều vừa thấy không phải là giấc mơ, lưng và gáy lạnh toát. Rốt cuộc tôi bị lôi dậy và họ nói rằng thể nào Pasha cũng nổi giận. Họ vừa cởi trói vừa chửi rủa, gọi tôi là kẻ thù của Đức Allah và Muhammad. Họ điệu tôi lên dinh thự của Pasha.
Khi đến gần Pasha, tôi hôn gấu áo ông, rồi ông nói rằng ông rất thích chuyện tôi thà chết chứ không từ bỏ tín ngưỡng của mình, nhưng rồi ngay lập tức ông bảo tôi đã ngoan cố một cách không cần thiết, vì đạo Hồi là tôn giáo vĩ đại nhất. Xét theo cách ông nói, mỗi lúc ông càng thêm tức giận và càng quyết tâm trừng phạt tôi. Sau đó, ông nói là đã hứa với một người, và tôi nghĩ chắc nhờ người đó mà tôi thoát được những chuyện không may, và người đó, theo cách diễn đạt của Pasha, là một nhân vật lạ lùng, và chính là Pasha. Nhưng đến đây Pasha nói thêm là ông tặng tôi cho Hoja. Thoạt đầu tôi chẳng hiểu gì cả; Pasha giải thích, bây giờ tôi là nô lệ của Hoja, có một văn tự chứng nhận điều đó, và kể từ bây giờ tự do của tôi phụ thuộc vào Hoja, anh ta muốn làm gì tôi thì làm. Nói xong điều đó, Pasha ra khỏi phòng.
Hoja đã ở trong dinh thự Pasha và đợi tôi. Tôi đoán chắc là mình đã nhìn thấy anh ta trong vườn, giữa đám cây cối. Chúng tôi cùng về nhà Hoja. Trên đường về anh ta nói rằng ngay từ đầu đã biết là tôi sẽ không chịu từ bỏ tôn giáo của mình. Anh ta thậm chí đã chuẩn bị cho tôi một phòng trong nhà mình. Rồi Hoja hỏi tôi có đói không. Tôi vẫn chưa hoàn hồn và chẳng muốn ăn uống gì cả. Nhưng rồi tôi vẫn ăn một chút sữa chua và bánh mì. Hoja nhìn tôi nhai bánh với vẻ hài lòng. Anh ta ngắm tôi như thể gã nông dân đang cho con ngựa tốt mới tậu được ngoài chợ ăn cỏ và đang suy tính xem sẽ sử dụng nó như thế nào trong việc đồng áng. Tôi thường hay nhớ lại ánh nhìn ấy của Hoja, nhưng sau đó anh ta quên khuấy tôi và chìm đắm vào những suy tính về chiếc đồng hồ mà anh ta muốn trình Pasha và những vấn đề cụ thể về vũ trụ học.
Sau đó, Hoja nói rằng tôi có nhiệm vụ dạy cho anh mọi điều, vì mục đích đó mà anh ta đã xin Pasha cho tôi về ở cùng, anh ta chỉ thả tôi ra khi tôi đã truyền lại tất cả những gì tôi biết. Mấy tháng trôi qua, tôi mới hiểu được, cái từ "tất cả" ấy bao gồm thiên văn, y học, kĩ thuật, khoa học - những thứ mà tôi đã học được ở Tổ quốc. Tiếp đến là tất cả những gì được viết trong các cuốn sách mà anh ta lấy về từ phòng giam của tôi, tất cả những gì tôi nhìn thấy và nghe được, tất cả những gì tôi suy nghĩ về sông hồ, mây mù, những gì tôi biết về nguyên do các trận động đất và sấm chớp. Đến khuya, anh ta nói rằng cái mà anh ta quan tâm nhiều nhất là các ngôi sao và hành tinh. Nhìn ánh trăng tràn qua cửa sổ, anh ta bảo tôi cần phải xác định chính xác liệu ngôi sao đó có tồn tại ở giữa Trái Đất và Mặt Trăng hay không. Trong khi tôi bất giác bực bội để ý sự giống hệt nhau giữa hai chúng tôi, sau khi chạm trán với Thần Chết trong ngày hôm ấy, Hoja thôi không dùng đến từ "dạy" nữa, mà bắt đầu nói: nếu như chúng ta cùng nghiên cứu, nếu như chúng ta cùng phát minh được, nếu chúng ta cùng làm việc với nhau...
Chúng tôi đã bắt đầu làm việc với nhau như thế, như hai anh em, như hai người học trò ngoan ngoãn, chăm chỉ làm bài tập ngay cả khi không có người lớn ở nhà và theo dõi sau cánh cửa để ngỏ. Thoạt đầu, tôi có cảm tưởng mình là người anh, tình nguyện ôn lại bài cũ để giúp thằng em lười nhác hơn có điều kiện đuổi kịp mình; Hoja cư xử như đứa em út sáng ý, cố chứng minh rằng kiến thức của ông anh trai chẳng có ý nghĩa gì đặc biệt. Anh ta cho rằng sự khác biệt về vốn kiến thức giữa chúng tôi được xác định bởi khối lượng sách vở mà tôi đã đọc, những quyển sách mà anh ta đã lấy về từ phòng giam của tôi và rải trước mặt mình. Anh ta rất thông minh và có khả năng làm việc phi thường, không những học được tiếng Italy rất nhanh, mà còn có ý định hoàn thiện hơn nữa thứ ngoại ngữ này; qua sáu tháng anh ta đã đọc hết tất cả những quyển sách của tôi, nhắc lại tôi nghe những gì tôi đã kể cho anh ta nghe theo trí nhớ, và cho rằng tôi không còn điểm nào trội hơn anh ta nữa. Anh ta xử sự như thể mình là chủ nhân của những kiến thức độc đáo, xuất chúng, vượt hẳn nội dung chứa đựng trong những quyển sách mà bản thân anh ta vẫn coi là vô bổ. Qua sáu tháng học tập, chúng tôi đã không còn ỉà một cặp cùng học với nhau và cùng đạt được thành tích. Anh ta nói thành tiếng những suy luận của mình, còn tôi thì chỉ nhắc về một số chi tiết, để anh ta có thể tiếp tục phát triển ý tưởng của mình, giúp anh ta ôn lại những gì anh ta đã biết.
Những "ý tưởng" mà phần lớn tôi đã quên hết, thường đến với anh ta vào ban đêm, lúc chúng tôi đã dùng xong bữa tối đạm bạc, còn trong khu phố ánh đèn tắt dần và tất cả xung quanh chìm vào im lặng. Buổi sáng, anh ta đi dạy ở trường tiểu học ngay trong giáo đường, cách nhà hai khu phố, một tuần hai lần vào tháp đồng hồ (Nguyên văn muvakithan - địa điểm trong giáo đường Hồi giáo, nơi đặt chiếc dồng hổ báo giờ chính xác cho các tín đồ đọc kinh câu nguyện trong ngày) của ngôi giáo đường ở một khu phố khá xa, nơi tôi chưa đến bao giờ. Thời gian còn lại chúng tôi hoặc cùng nhau chuẩn bị cho những "ý tưởng" mà anh ta đã bày tỏ chiều hôm ấy, hoặc bàn luận về ý tưởng đó. Vào những buổi chiều như vậy tôi thường hy vọng sắp tới tôi sẽ được thả về nhà. Tôi cho rằng những cuộc tranh luận về ý tưởng của Hoja mà tôi không đi sâu một cách nghiêm túc, ngăn cản cuộc hồi hương của tôi, nên tôi chẳng bao giờ tỏ ý phản đối điều gì.
Cứ như vậy, năm đầu tiên chúng tôi sử dụng khoa học cho thiên văn, cố gắng chứng minh sự tồn tại hoặc không tồn tại của một ngôi sao giả tưởng nào đó. Khi làm việc với những kính viễn vọng đặt mua ở Florence, với các thiết bị thiên văn khác hoặc với các sơ đồ, Hoja quên bẵng hành tinh giả tưởng; anh ta nói rằng cần phải giải quyết vấn đề sâu sắc hơn và chúng tôi sẽ tranh luận về hệ thống Ptolemy, nhưng thực ra chúng tôi không hề tranh cãi, chỉ có anh ta nói, còn tôi thì lắng nghe. Anh ta suy luận rằng thật ngu ngốc khi nhận định về môi trường trong suốt nơi những hành tinh bám vào, vì rất có thể chúng được một thứ khác nào đó treo giữ: có thể là một thế lực vô hình hoặc một lực hấp dẫn; sau đó anh ta nêu ý tưởng rằng có thể Trái Đất xoay quanh một thiên thể nào đó kiểu như Mặt Trời, cũng như các tinh cầu khác xoay quanh trung tâm nào đó của chúng mà ta chưa biết. Rồi Hoja lại tuyên bố rằng anh ta suy luận quy mô hơn Ptolemy nhiều, bởi vì anh ta nghiên cứu sự hội tụ mới của các tinh tú và tìm ra một lý thuyết mới: chắc là Mặt Trăng xoay quanh trái đất, còn Trái Đất thì xoay quanh Mặt Trời; có thể trung tâm là sao Kim cũng nên. Nhưng rồi Hoja nhanh chóng chán ngấy tất cả những cái đó. Anh ta nói vấn đề không phải ở chỗ đề xuất những ý tưởng mới, mà ở chỗ làm thế nào để giới thiệu với người đương thời về các vì sao và sự chuyển động của chúng, và người đầu tiên cần giới thiệu là Pasha. Đến lúc đó chúng tôi mới được biết Pasha Sadik đã bị đày đi Erzurum (thành phố ở Đông Bắc Thổ Nhĩ Kỳ). Nghe nói ông tham gia một cuộc chính biến không thành.
Trong khi chờ đợi Pasha trở về từ chốn lưu đày, Hoja dự định viết luận văn về các dòng chảy ở Bosphorus, và thế là hàng tháng trời chúng tôi đi đo dòng chảy và nhiệt độ các con sông đổ vào vịnh này, theo dõi mực nước biển lên xuống, mang chai lọ đi dọc theo các thung lũng quanh Bosphorus, nơi gió thổi buốt tận xương tủy.
Để chuẩn bị công trình dành cho Pasha, ba tháng ròng chúng tôi ở Gebze, sự chênh lệch thời gian namaz (giờ cầu nguyện cố định hàng ngày của người Hồi giáo; ba lần một ngày (đối với người Hồi gỉáo dòng Shỉa) hoặc năm lần một ngày đối với người Hồi giáo dòng Sunni) trong các giáo đường khác nhau gợi cho Hoja một ý tưởng: anh ta muốn chế tạo một loại đồng hồ hoàn hảo không chê vào đâu được để báo giờ cầu nguyện. Chính khi đó tôi đã bảo cho anh ta biết thế nào là một cái bàn. Khi vật dụng do bác thợ mộc làm theo bản vẽ của tôi được mang vào nhà anh ta nói nó chẳng khác nào một phiến đá mai táng và sẽ mang theo tai họa, nhưng rồi sau đó anh ta quen dần với cả những chiếc ghế lẫn cái bàn và bảo ngồi sau bàn thì dễ suy nghĩ và dễ viết hơn. Khi chúng tôi quay về Istanbul để thuê làm chiếc bánh răng hình elip tương ứng với vòng quay của Mặt Trời nhằm xác định giờ namaz, chiếc bàn gỗ cũng về theo chúng tôi trên lưng một con lừa.
Trong những tháng làm việc đầu tiên, lúc chúng tôi ngồi đối diện nhau bên bàn, Hoja cố tìm cách xác định giờ cầu nguyện và tuần chay ở các nước khác, nơi mà do quả đất tròn nên có sự chênh lệch lớn về giờ giấc. Một vấn đề khác khiến chúng tôi quan tâm là liệu trên Trái Đất này, ngoài Mecca (Thánh địa của người Hồi giáo) còn có một nơi nào mà cho dù anh có ngoảnh mặt về đâu thì vẫn cứ nhìn về phía kibla ((tiếng Ả-rập): hướng nhìn thiêng liêng của người Hồi giáo khi cầu nguyện, từ thế kỉ VII là Mecca) hay không ? Thấy tôi thờ ơ với những vấn đề đó, Hoja nhìn tôi vẻ khinh khỉnh, trong những khoảnh khắc như vậy, tôi cho là anh ta nhận ra chỗ vượt trội của tôi, và cũng có thể, anh ta tức giận bởi thấy tôi đoán ra điều đó. Cho nên, Hoja nói rất lâu về khoa học và trí tuệ: anh ta hy vọng đề án của mình sẽ gây ấn tượng đối với Pasha, khi ông ấy quay về Istanbul. Đây là lí thuyết mới về vũ trụ học, dễ hiểu hơn nhờ có sơ đồ hoàn thiện về các hành tinh - một chiếc đồng hồ kiểu mới, anh ta sẽ gieo những hạt giống phục sinh khoa học, khêu gợi sự quan tâm chú ý của toàn thể mọi người. Hàng ngày, cả hai chúng tôi sống trong chờ đợi.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Pháo Đài Trắng.