• 179

Chương 7: Paris 1941


Số từ: 10833
Dịch giả: Bá Kim
NXB Công An Nhân Dân
Nguồn: Sưu tầm
Đối với một số người, Paris của năm 1941 là một kho của cải và cơ hội may mắn, còn với một số khác thì lại là một địa ngục trần gian. Gestapo trở thành một từ gieo rắc nỗi khủng khiếp và những chuyện về các hoạt động của họ trở thành đề tài chính cho những cuộc mạn đàm nho nhỏ.
Lúc đầu những cuộc tiến công nhằm vào người Pháp gốc Do Thái chỉ đơn thuần là việc phá phách một số tủ kính bày hàng của họ, sau đó được Gestapo tổ chức thành một hệ thống các hoạt động tịch thu, bài xích và cuối cùng là tiêu diệt họ.
Ngày 29 tháng Năm người ta ban bố một lệnh: "… Một ngôi sao hình sáu cánh với kích thước bằng bàn tay có một gờ màu đen. Hình đó phải làm bằng vải mang dòng chữ đen JUDEN(1). Mọi người từ sáu tuổi trở lên phải mang hình đó trên phía ngực trái, khâu chắc chắn và rõ ràng vào vải áo…"
Không phải mọi người Pháp đều dễ dàng chấp nhận đất nước họ bị gót giầy quân Đức chà đạp. Những người Maquis trong Phong trào kháng chiến bí mật Pháp đã chiến đấu ngoan cường khôn khéo và mỗi khi bị bắt, họ bị người ta giết bằng nhiều cách rất tinh vi.
Một bà Bá tước trẻ, dòng họ bà có một lâu đài ở ngoại ô Chartres, đã bị người ta ép phải cho các sĩ quan của Bộ chỉ huy Đức địa phương lập trụ sở ở mấy phòng tầng trệt trong nửa năm trời, trong khi đó bà lại giấu năm thành viên của Maquis đang bị truy nã ngay ở tầng trên của lâu đài.
Hai nhóm người này không bao giờ chạm trán nhau, song chỉ trong có ba tháng mà mái tóc bà Bá tước bạc trắng hoàn toàn.
Bọn Đức sống đúng phong cách của kẻ đi chinh phục, trong khi đó người dân Pháp bình thường thì thiếu đủ mọi thứ, trừ sự đói rét, bần cùng. Hơi đốt phải mua theo định suất vì vậy không có đủ nhiệt sưởi ấm. Người dân Paris sống qua các mùa đông lạnh lẽo bằng cách mua mùn cửa theo tấn, chưa đầy một nửa căn hộ của họ và họ dùng những bếp đun mùn cưa đặc biệt để giữ cho nửa nhà còn lại được ấm áp.
Mọi thứ đề là ersatz(2) từ thuốc lá, cà phê cho tới đồ da. Người Pháp nói đùa rằng ăn uống cũng chẳng thành vấn đề gì, vị giác đối với thứ nào mà chẳng thế. Phụ nữ Pháp, theo truyền thống vốn là những người ăn mặc đỏm dáng nhất thế giới, vậy mà nay phải vận áo làm bằng đa cừu rách sờn thay cho len, họ đi những đôi guốc gỗ cho nên bước chân phụ nữ vang trên đường phố Paris nghe lóc cóc như tiếng vó ngựa nện xuống mặt đường.
Thậm chí đến những lễ rửa tội cũng bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu kẹo hạnh nhân bọc đường là thứ kẹo truyền thống dùng trong lễ rửa tội. Các hiệu bánh kẹo quảng cáo mời khách vào mua nhưng cũng chỉ đăng ký tên cho khách kẹo hạnh nhân mà thôi. Trên đường phố chỉ có đôi ba chiếc taxi chạy, hình thức phổ biến nhất bây giờ là loại xe có hai chỗ ngồi được kéo bằng xe đạp ở đằng trước.
Cũng như trong mọi thời gian có những cuộc khủng hoảng kéo dài, hoạt động nhà hát càng trở nên phát đạt. Người ta tìm cách chạy trốn khỏi thực tại đau buồn nhức nhối của cuộc đời hàng ngày trong các rạp chiếu bóng và nhà hát.
Chẳng mấy chốc Noelle Page đã trở thành một ngôi sao rực rỡ, những người diễn viên đầy đố kỵ trong ngành kịch nghệ cho rằng sở dĩ nàng nhanh chóng được như vậy chẳng qua là nhờ sức mạnh và tài năng của Armand Gautier, song một mặt, quả thực cũng phải kể đến sự nâng dắt của Gautier cho nàng khi mới bước vào nghề, song một mặt khác, một điều hiển nhiên mà bất cứ ai trong ngành sân khấu cũng đều biết chỉ có công chúng mới xác định được diễn viên nào là minh tinh đích thực, mà khán giả thì muôn hình muôn vẻ, quan điểm bất thường, hay thay đổi, khi thẩm định số phận của một diễn viên. Vậy mà công chúng hâm mộ Noelle.
Còn về phần Armand Gautier, ông lấy làm tiếc là đã góp phần đưa Noelle vào sự nghiệp. Bây giờ nàng không còn yêu cầu gì ở ông nữa, mối quan hệ gắn nàng lại với ông chỉ có tính chất tùy hứng. Ông sống trong tình trạng nơm nớp lo sợ đến một ngày nào đó nàng sẽ bỏ rơi ông. Gautier đã từng làm việc ở nhà hát gần suốt cuộc đời, thế nhưng ông chưa từng gặp một người nào như Noelle cả. Nàng như một chiếc bọt biển hút nước không biết dừng, nàng học hết mọi thứ ông dạy cho nàng mà vẫn cứ đòi hỏi nhiều thêm. Thật hết sức lý thú khi ông được theo dõi sự hoá thân của nàng từ lúc ban đầu còn ngỡ nàng chỉ nắm được những biểu hiện bề ngoài của vai kịch cho đến khi nàng nắm chắc nhân vật một cách đầy tự tin. Ngay từ đầu ông Gautier đã nhận ngay ra rằng Noelle sẽ trở thành một ngôi sao (Điều này không còn gì là nghi ngờ nữa). Song ông càng hiểu nàng hơn, ông càng thấy ngạc nhiên rằng mục tiêu của nàng lại không phải trở thành minh tinh. Thực ra Noelle cũng không quan tâm đến kịch nghệ chút nào.
Lúc đầu Gautier thấy không thể tin được chuyện đó. Việc trở thành ngôi sao chính là bậc thang danh vọng cao nhất, là sine qua non(3). Thế mà đối với Noelle kịch nghệ cũng chỉ là một hòn đá để đặt bước mà thôi. Gautier không có một chút cơ sở nào để tìm ra mục tiêu cuối cùng của nàng là gì. Nàng đúng là một câu đố hóc hiểm, và Gautier càng tìm hiểu sâu, ông càng thấy câu đố thêm phức tạp, chẳng khác gì một chiếc hộp của Trung Quốc lại phát hiện ra bên trong còn vô số những chiếc hộp khác. Gautier tự phụ rằng ông nắm rất nhanh tâm lý người, đặc biệt là phụ nữ, thế mà ông hoàn toàn không biết gì về người đàn bà mà ông chung sống và yêu tha thiết, điều đó khiến ông phát điên lên. ông ngỏ ý cưới Noelle thì nàng đáp: "Đồng ý anh Armand ạ". Song ông biết là nàng không chú ý gì trong đó cả, cũng giống như trường hợp nàng hứa hôn với Philippe Sorel trước đây, hoặc Chúa biết có bao nhiêu người đàn ông đã qua trong đời nàng. Ông biết rằng cuộc hôn nhân của ông sẽ không bao giờ xảy ra. Khi Noelle đã đủ lông đủ cánh, nàng sẽ bay vù đi tiếp.
Gautier tin rằng gã đàn ông nào từng gặp nàng cũng cố tìm cách gạ gẫm nàng ngủ với hắn. Qua những người bạn đầy đố kỵ, ông được biết rằng chưa một ai thành công.
Một người bạn ông thuật rằng:
- Anh thật là một thằng khốn nạn đầy may mắn. Anh đáng bị treo lên như un taureau(4)Tôi đã gợi ý tặng nàng một chiếc thuyền buồm, một tòa nhà lâu đài và cả một đội đầy tớ ở Cap d Antibes, thế mà nàng chỉ cười và chế nhạo tôi.
Một người bạn khác là chủ nhà băng có kể cho ông nghe.
- Cuối cùng tôi đã phát hiện ra có một thứ tiền bạc không thể mua được.
- Noelle?
Chủ nhà băng gật đầu.
- Chính thế. Tôi bảo nàng cứ đặt giá đi, thế mà nàng vẫn phớt đều. Vậy anh sẽ tặng cho nàng cái gì, anh bạn?
Chính Armand Gautier cũng không biết đó là cái gì?
Gautier nhớ mãi lần đầu tiên ông tìm cho nàng một vở diễn đọc chưa hết mười trang kịch bản, ông nhận ra ngay đây đúng là vở kịch ông đang định tìm cho nàng. Vở kịch gây ấn tượng mạnh, kể lại người đàn bà có chồng đi chiến trận. Một hôm có một người lính xuất hiện ở nhà chị ta, cho biết y là một chiến hữu của chồng chị, y đã phục vụ mặt trận ở bên Nga. Chuyện kịch mở rộng dần, người đàn bà đâm ra yêu gã lính kia và không biết y là một tên tâm thần, thích chém giết người và tính mạng chị bị đe doạ nghiêm trọng. Đây là một vai diễn lớn cho ai đóng người vợ kia. Gautier nhận làm đạo diễn vở kịch này ngay lập tức với điều kiện là Noelle Page sẽ sắm vai chính. Các ông bầu không muốn đưa một diễn viên vô danh tiểu tốt vào vai chính, song cũng đồng ý để nàng đóng thử cho họ xem.
Gautier vội về báo ngay Noelle biết tin đó Noelle chỉ ngẩng lên nhìn ông nói:
- Tuyệt quá, cảm ơn anh Armand Gautier - Vẫn bằng cái giọng mà nàng thường ngỏ lời cảm ơn ông khi ông cho nàng biết chính xác là mấy giờ hoặc khi ông châm thuốc lá cho nàng.
Gautier ngắm nhìn nàng hồi lâu, ông có một cảm giác kỳ lạ là Noelle không được bình thường, rằng những cảm xúc trong nàng hoặc đã chết dần hoặc không ai làm chủ được nàng. Ông cảm thấy như vậy, tuy nhiên ông cũng không thực tin, bởi vì đứng trước ông là một thiếu nữ kiều diễm, khả ái, sẵn sàng chiều theo mọi tình cảm thất thường của ông và không hề đòi hỏi được đền bù cái gì. Bởi yêu nàng quá nên Gautier đã dẹp mọi hoài nghi sang một bên và họ bắt tay vào tập vở kịch.
Noelle rất xuất sắc trong buổi biểu diễn thử và được nhận vai không còn ai gây khó dễ gì nữa, đúng như Gautier đã đoán. Hai tháng sau vở kịch được công diễn tại Paris, chẳng mấy chốc Noelle trở thành minh tinh vô cùng rực rỡ ở nước Pháp. Các nhà phê bình đã lập trận tuyến để công kích vở kịch và Noelle, bởi họ biết rằng Gautier đã đưa cô nhân tình của mình, một diễn viên còn non nớt vào vai chính. Họ chắc mẩm rằng họ dễ dàng nắm được cơ hội rồi. Thế nhưng chính nàng lại hoàn toàn thu hết hồn vía của họ. Họ phải cất công tìm những mỹ từ mới mẻ thật kêu để miêu tả tài nghệ và sắc đẹp của nàng. Nhà hát bán hết sạch vé.
Tối nào, sau buổi diễn buồng hoá trang của Noelle cũng chật ních khách đến chào mừng. Nàng gặp đủ mọi loại người, từ chủ tiệm giày dép cho đến các binh lính, nhà triệu phú, cô bán hàng. Với ai nàng cũng giữ một thái độ kiên nhẫn, lịch thiệp. Gautier thường quan sát và lấy làm lạ. Nàng thật chẳng khác gì một Công chúa đón tiếp các thần dân vậy, ông nghĩ.
Trong thời gian một năm Noelle nhận được ba lá thư từ Marseille gửi tới. Nàng cứ để nguyên không mở mà xé tan những lá thư đó đi, cuối cùng không thấy thư nào gửi đến nữa.
Đến mùa xuân Noelle đóng vai chính trong một bộ phim do Armand Gautier đạo diễn. Khi phim được đưa ra chiếu, tiếng tăm của nàng càng nổi như cồn. Gautier rất lạ vì Noelle giữ kiên nhẫn trong khi trả lời phỏng vấn và để cho người ta chụp hình. Đa số các ngôi sao thích làm việc này, mà có làm thì chẳng qua cũng chỉ muốn tạo cơ hội tăng thêm số khán giả hoặc vì lý do muốn quảng cáo cho cá nhân họ. Trong trường hợp của Noelle nàng tỏ ra thờ ơ với cả hai động cơ trên. Nàng lảng tránh câu chuyện khi Gautier gặng hỏi nàng về việc tại sao nàng lại sẵn sàng bỏ qua một cơ hội đi nghỉ ở vùng miền nam nước Pháp, ở lại Paris trong những ngày lạnh lẽo mưa gió để cho các báo Le Matin, La Petite Parisienne hoặc tờ L Illustration săn chụp những tư thế hết sức chán ngán. Động cơ của việc làm Noelle hết sức giản đơn, mà nếu Gautier biết chắc ông sẽ vô cùng sửng sốt.
Tất cả những việc nàng làm đều vì Larry Douglas.
Khi Noelle làm điệu bộ trước ống kính để chụp ảnh, nàng tưởng tượng ra người tình cũ cầm lên một tạp chí và nhận ra hình của nàng. Mỗi khi nàng đóng một trong cảnh phim, nàng lại như thấy Larry Douglas một đêm nào đó sẽ ngồi trong một phòng khán giả ở một nước nào đó rất xa xôi và ngắm nàng. Công trình của nàng là nhắc lại cho chàng nhớ, là một thông điệp từ quá khứ, một tín hiệu để đến một ngày nào đó sẽ mang chàng trở về với Noelle. Nàng chỉ muốn đạt được điều đó thôi, chàng sẽ quay lại với nàng để rồi nàng sẽ tiêu diệt chàng.
Nhờ có Christian Barbet, Noelle ngày một thu thập được nhiều tin tức về Larry. Ông thám tử bé nhỏ đã chuyển những văn phòng tồi tàn, sang một nơi rộng rãi, sang trọng ở phố Richer, gần Folies - Bergère. Lần đầu tiên Noelle gặp ông trong dãy văn phòng mới, Barbet toét miệng cười khi thấy nàng ngạc nhiên lộ rõ trên nét mặt:
- Tôi mua được chỗ này rất rẻ. Trước đây dãy phòng này là của một gã Do Thái.
- Ông nói ông đã kiếm được thêm tin tức cho tôi - Noelle hỏi thẳng thừng.
Vẻ vui mừng vụt biến mất trên nét mặt Barbet.
- À, phải rồi.
Quả là ông ta có tin mới. Việc tìm kiếm tin tức từ nước Anh là một việc làm không dễ dàng gì ngay trước mũi bọn Nazi, song Barbet đã tìm được trăm phương ngàn kế. Ông đã mua chuộc được những thủy thủ trên các con tàu của những nước trung lập lén chuyển các thư từ của một công ty thu thập tin tức ở London. Song đó cũng chỉ là một nguồn tin của ông. Ông còn kêu gọi lòng yêu nước của các tổ chức hoạt động ngầm người Pháp, kêu gọi lòng nhân đạo của Hội chữ thập Đỏ quốc tế và sự hám lợi của bọn buôn bán chợ đen có quan hệ với nước ngoài. Đối với từng loại người khác nhau ông kể ra một chuyện khác và dòng thông tin về Larry liên tiếp chảy về.
Ông cầm ở bàn lên một bản tường trình:
- Người bạn của cô đã bị bắn rơi trên biển Manche - Ông nói không một lời mào đầu.
Ông vẫn ngầm quan sát nét mặt của Noelle, trông chờ cái phút giây và thái độ hững hờ của nàng phải tan biến và ông sẽ khoái trá trước nổi đau khổ ỏng đã gây ra cho nàng. Song vẻ mặt của Noelle không mảy may thay đổi.
Nàng nhìn thẳng vào ông và nói đầy tự tin:
- Người ta đã cứu thoát hắn?
Barbet chăm chú nhìn lại, nuốt nước bọt và miễn cưỡng đáp:
- Đúng thế. Anh ta đã được một tàu cứu sinh của Anh vớt lên - Rồi ông lại thắc mắc không hiểu là thế quái nào mà cô ả lại biết được điều đó.
Người đàn bà này đã làm ông nản lòng về mọi phương diện, dù là khách hàng của ông chăng nữa ông cũng căm ghét. Ông đã định bỏ rơi cô ả, song Barbet lại nhận thấy nếu ông làm như vậy thì ông thật ngu xuẩn.
Đã có lần ông định gạ gẫm nàng bằng cách gợi ý là ông sẽ giảm bớt tiền thù lao dịch vụ cho nàng song Noelle đã cự tuyệt thẳng thừng khiến cho ông cảm thấy mình trở thành vụng về và ông sẽ không bao giờ tha thứ cho nàng về chuyện này. Barbet đã rủa thầm rằng cô ả khó chơi này sẽ có ngày phải trả giá.
Lúc này Noelle đang đứng trong văn phòng của ông, khuôn mặt đẹp của nàng lộ ra vẻ ghê tởm, Barbet đọc tiếp bản báo cáo với ý đồ mau tống khứ nàng đi.
- Phi đoàn của y đã chuyển về Kirton ở Lincolnshire. Họ đang bay loại phi cơ Hurricane…
Noelle quan tâm đến một chuyện khác kia, nàng hỏi:
- Việc anh ta đính hôn với con gái của viên Đô đốc đã hoãn rồi phải không?
Barbet ngạc nhiên nhìn nàng, ấp úng.
- Phải. Cô ta đã phát hiện ra hắn còn dan díu với nhiều phụ nữ khác.
Hình như Noelle đã đọc bản tường trình kia. Tất nhiên, nàng chưa đọc song điều đó cũng không thành vấn đề. Mối uất hận đã gắn Noelle với Larry Douglas mãnh liệt đến mức dường như không một sự việc quan trọng nào xảy ra với chàng mà nàng không hay biết.
Noelle cầm lấy bản báo cáo rồi ra về. Về đến nhà, nàng đọc lại chậm rãi, sau đó cẩn thận xếp vào trong đám những bản báo cáo khác và cất kỹ một nơi không ai tìm ra được.
Một buổi tối thứ Sáu, sau buổi diễn, Noelle đang ngồi trong phòng hoá trang nhà hát để tẩy trang, có một tiếng gõ cửa. Bác già Marius gác cửa sân khấu tập tễnh bước vào.
- Xin lỗi tiểu thư Page, có một ông yêu cầu tôi mang đến cho cô cái này.
Noelle liếc nhìn vào gương, thấy bác ta đang ôm một bó hoa hồng đỏ rực đặt trong một chiếc lọ rất đẹp.
- Cứ đặt ở đó, bác Marius ạ - Nàng bảo bác ta, rồi nhìn bác thận trọng đặt lọ hồng trên bàn.
Lúc này vào cuối tháng mười một, đã hơn ba tháng nay chẳng ai còn thấy một bông hồng nào ở Paris cả. Bó hoa này phải có đến bốn chục bông, cuống rất dài, màu đỏ thắm, ướt đẫm sương. Noelle thấy lạ, tiến lại gần, cầm tấm thiếp lên đọc. "Thân tặng Fraulein(5) Page khả ái. Mời tiểu thư đến dự bữa ăn đêm với tôi. Tướng Hans Scheider".
Chiếc lọ cắm hoa kia là loại sứ Hà Lan, hoa văn tinh xảo và rất đắt tiền. Tướng Scheider đã tốn nhiều công sức mới sưu tầm được.
- Ông ta muốn cô cho biết ý kiến - Bác gác của hỏi.
- Bác bảo cho ông ta biết rằng tôi không bao giờ ăn bữa đêm và ông ấy mang đám hoa này về mà tặng vợ ông ta.
Bác gác cửa trợn tròn mắt nhìn nàng:
- Nhưng tướng…
- Có vậy thôi nhé!
Marius gật đầu, cầm lọ hoa lên và bước vội ra khỏi phòng. Noelle biết thế nào bác ta cũng sẽ lao đi khắp đó đây tung cái tin nàng đã khinh miệt một ông tướng Đức cho mọi người biết. Trước đây sự việc tương tự như vậy cũng đã từng xảy ra với nhiều sĩ quan Đức khác. Người Pháp coi nàng cũng là một dạng nữ anh hùng có kém gì đâu. Kể cũng nực cười. Thực ra Noelle không có gì để chống lại những người Nazi, chỉ có điều là nàng thờ ơ đối với họ, thế thôi. Họ không tham gia vào phần cuộc đời cũng như những kế hoạch của nàng. Nàng dung thứ cho họ và chỉ ngong ngóng đến ngày nào đó họ sẽ rút hết về nước. Nàng hiểu rằng nếu nàng dính líu với bất kỳ người Đức nào nàng chỉ chuốc vạ vào thân. Có lẽ bây giờ thì chưa, không phải con người Noelle hiện tại dính líu vào mà chính là trong tương lai kia. Nàng cho rằng cái quan điểm Đệ tam Reich sẽ thống trị lâu dài đến hàng ngàn năm là cái thứ merde(6)
Bất kỳ một học sinh học lịch sử đều biết rõ là cuối cùng những kẻ đi chinh phục sẽ bị chinh phục. Trong lúc nàng sẽ không có một hành động nào khả dĩ để cho các đồng bào Pháp của nàng sẽ đập lại nàng một khi cuối cùng quân Đức đã bị quân đội Nazi chiếm đóng đụng tới và mỗi khi vấn đề ách chiếm đóng đặt ra mà thường xuyên là như vậy - Noelle tìm mọi cách lảng tránh việc thảo luận chuyện đó.
Armand Gautier rất thích thú với thái độ của nàng, ông cố tìm cách lôi kéo nàng vào vấn đề.
- Thế em không quan tâm đến việc những người Quốc xã đã chinh phục nước Pháp? - Ông thường hỏi.
- Thế em không quan tâm thì đã sao nào?
- Vấn đề không phải như vậy. Nếu ai cũng có cảm giác như em thì chúng ta là một lũ khốn nạn.
- Dù sao chúng ta cũng là lũ khốn nạn.
- Không đâu, nếu như chúng ta tin ở ý chí tự do. Em có cho rằng cuộc đời chúng ta đã phải tuân theo số mệnh ngay từ lúc chúng ta chào đời không?
- Chừng mực nào đó thôi. Chúng ta được trao cho một thân xác, một nơi sinh, một bến đỗ trong cuộc đời, song như thế không có nghĩa là chúng ta không thể đổi thay.
- Chúng ta có thể trở thành bất kỳ loại người nào như chúng ta muốn.
- Quan điểm của anh đúng là như vậy. Chính vì thế chúng ta phải chống lại bọn Quốc xã.
Nàng nhìn thẳng vào ông.
- Bởi lẽ chúa ủng hộ chúng ta?
- Phải - Ông đáp.
- Nếu như có một Đức Chúa - Noelle lý sự - thì Người cũng tạo ra họ cơ mà, vậy thì Người cũng sẽ ủng hộ họ chứ sao.
Vào tháng mười, kỷ niệm một năm Noelle ra trình làng vở kịch đầu tiên, các nhà bảo trợ đã tổ chức một bữa tiệc tại Tour d Argen!… Hôm đó có cả các diễn viên, các chủ ngân hàng và những nhà doanh nghiệp thần thế tới dự. Khách đa phần là người Pháp, nhưng cũng có độ một tá người Đức, vài người vận quân phục và chỉ trừ một người, còn tất cả đều đi kèm mỗi người một cô gái Pháp. Trường hợp ngoại lệ làm một sĩ quan Đức ở tuổi ngoại tứ tuần, có bộ mặt gầy gò, dài nhưng thông minh, cặp mắt xanh sâu và một thân hình lực sỹ gọn ghẽ. Một vết sẹo hẹp chạy dài từ gò má xuống cằm. Noell biết rằng y đã ngắm nhìn nàng suốt cả buổi tối mặc dù y không hề tiến lại gần nàng.
- Người kia là ai vậy? - Nàng hờ hững hỏi một vị chủ tiệc.
Ông ta đưa mắt liếc về phía viên sĩ quan đang ngồi một mình một bàn, nhấm nháp ly sâm banh, sau đó ngạc nhiên quay lại phía Noelle:
- Cô hỏi gì mà lạ vậy. Tôi tưởng ông ấy là một người bạn của cô chứ. Tướng Hans Scheider đấy. Ông ta ở trong Bộ Tổng tham mưu.
Noelle nhớ ra lọ hoa hồng và tấm thiếp:
- Làm sao ông ta lại có thể cho rằng ông ta là bạn của tôi? - Nàng hỏi.
Người bảo trợ đỏ mặt:
- Một cách tự nhiên tôi cho rằng… ý tôi muốn nói là mọi vở kịch hoặc bộ phim được dựng ở nước Pháp lúc này đều phải được Người Đức tán thành. Một khi ban kiểm duyệt cố tìm cách ngăn trở không cho cô dựng một bộ phim mới thì bản thân ông tướng kia sẽ đứng ra can thiệp, đưa ra lời tán thành của ông ta.
Đúng lúc này Armand Gautier đưa một người tới gặp Noelle. Câu chuyện chuyển qua hướng khác.
Noelle cũng không còn chú ý đến tướng Hans Scheider nữa.
Tối hôm sau, khi về đến phòng hoá trang, nàng thấy có một bông hồng nhỏ trong chiếc lọ kèm một tấm thiệp nhỏ: "Có lẽ chúng ta bắt đầu từ những cái nhỏ hơn. Cô cho tôi gặp được không? Hans Scheider".
Noelle xé tan mẩu giấy và quẳng bông hoa vào sọt rác.
Sau buổi tối đó Noelle được biết là hầu như trong mọi buổi tiệc mà nàng và Armand Gautier tới dự, tướng Scheider cũng đều có mặt. Ông ta luôn luôn đứng ở phía đằng sau quan sát nàng. Sự việc xảy ra quá thường xuyên, không còn là một sự trùng hợp nữa. Noelle nhận thấy chắc chắn ông ta phải khá trầy trật mới theo dõi được các hoạt động của nàng và tìm mọi cách được mời đến những nơi mà nàng sẽ hiện diện. Nàng tự hỏi không hiểu tại sao ông ta lại quá quan tâm đến nàng như vậy, tuy nhiên thắc mắc đó cũng là thừa và thực sự không làm nàng băn khoăn nhiều lắm.
Thỉnh thoảng Noelle tự tạo cho mình một niềm thú vị bằng cách khi có ai đó mời nàng, nàng cũng nhận lời nhưng lại không tới, sau đó ngày hôm sau nàng hỏi lại bà chủ xem tướng Scheider có tới không. Câu trả lời luôn luôn khẳng định là "Có".
Bất chấp sự trừng phạt mau lẹ và tàn bạo của Quốc xã đối với những ai chống lại họ, những hoạt động phá hoại xảy ra ở Paris ngày càng nhiều. Ngoài nhóm Maquis ra còn có hàng chục nhóm nhỏ những người Pháp yêu chuộng tự do dám liều mình chống lại kẻ thù với bất kể loại vũ khí gì họ có trong tay. Một khi chộp được cơ hội bọn Đức lơ là canh phòng là họ thủ tiêu lính Đức, làm nổ tan xác đoàn xe tải tiếp tế và đặt mìn phá cầu cống, xe lửa.
Hoạt động của họ được đăng tải trên các báo chí hàng ngày xuất bản dưới sự kiểm soát và bị lên án là những hành động bỉ ổi song đối với những người Pháp yêu nước thì các hành động bỉ ổi đó lại chính là những chiến tích vẻ vang. Có một cái tên người luôn xuất hiện trên báo chí - Anh ta được gán cho cái biệt danh là Le Cafard "Con gián", bởi vì dường như anh ta chui lủi ở khắp nơi mà bọn Gestapo không tài nào lần ra được. Không ai biết rõ anh ta là ai. Có người bảo anh ta là người Anh cư trú ở Paris, một giả thuyết lại cho rằng anh ta là người của tướng De Gaulle, lãnh tụ Lực lượng nước Pháp Tự do, có người thậm chí lại còn bảo anh ta chính là người Đức chiêu hồi. Dù anh ta là ai đi chăng nữa thì vết tích của những con gián đó đã vẽ chằng chịt lên khắp thành Paris lên các toà nhà, vỉa hè, thậm chí cả bên trong sở chỉ huy của quân đội Đức.
Gestapo đang tập trung mọi cố gắng để bắt cho được anh ta. Rõ ràng có một sự thật là Le Cafard đã trở thành một anh hùng dân gian trong thời kỳ này.
Vào một buổi chiều mưa dầm dề tháng mười hai, Noelle đến dự khai mạc triển lãm nghệ thuật của một hoạ sĩ trẻ mà nàng và Armand cùng quen biết. Triển lãm được đặt tại gallery trên phố Fauboung - St. Honoré. Căn phòng chật kín người. Nhiều nhân vật tiếng tăm đến dự, phóng viên, nhiếp ảnh có mặt khắp nơi. Khi Noelle đang đi quanh phòng, ngắm hết bức tranh này qua bức tranh kia, nàng cảm thấy có ai đó chạm vào tay nàng. Nàng quay lại và bắt gặp bộ mặt của bà Rose. Phải mất một lúc nàng mới nhận ra bà. Vẫn khuôn mặt xấu xí, quen thuộc đó nhưng có lẽ già đi đến hai mươi tuổi, như có thể có một phép màu gì đó đã khiến bà thành một người đáng tuổi mẹ của bà. Bà đội một chiếc mũ đen rất to, và trong tiềm thức sâu thẳm của Noelle chợt nhận ra ngay là bà không mang ngôi sao với dòng chữ JUDEN.
Noelle định nói chuyện, nhưng bà già đã bóp mạnh tay nàng ra hiệu im lặng. Bà nói nhỏ đủ nghe:
- Cô đến gặp tôi… ở Les Deux Magots nhé?
Noelle chưa kịp đáp, bà Rose đã lẩn vào trong đám đông và Noelle bị đám phóng viên nhiếp ảnh quây kính xung quanh. Trong lúc nàng mỉm cười làm điệu bộ trước ống kính của họ, Noelle vẫn luôn luôn nhớ đến bà Rose và người cháu của bà, bác sĩ Israel Katz. Họ đã từng đối xử rất tốt với nàng trong lúc nàng gặp khó khăn, Israel Katz đã hai lần cứu mạng nàng. Noelle thắc mắc không rõ bà Rose cần gì ở nàng. Có lẽ là tiền.
Hai mươi phút sau Noelle lách ra ngoài và đi taxi tới quảng trường St. Germain des Prés. Suốt cả ngày hôm đó trời lúc mưa lúc tạnh, bây giờ chuyển sang mưa tuyết lạnh giá. Xe taxi đỗ lại trước, ngoài trời lạnh căm căm. Từ đâu bỗng có một người đàn ông xuất hiện ngay sát bên cạnh nàng. Anh ta khoác một chiếc ao mưa đầu đội mũ rộng vành, phải mất một lúc lâu nàng mới nhận ra anh ta.
Cũng giống như bà cô anh ta, Israel Katz trông già xọm hẳn đi, sự thay đổi không chỉ dừng ở lại đó. Trong anh rắn rỏi, oai vệ hơn so với lần cuối cùng nàng gặp anh, đôi mắt trũng sâu như bị mất ngủ nhiều ngày: Noelle để ý thấy anh cũng không đeo ngôi sao Do Thái sáu cánh, màu vàng trước ngực.
- Chúng ta vào trong cho khỏi bị ướt - Israel Katz bảo.
Anh khoác tay Noelle đi vào. Trong tiệm cà phê lúc này có độ năm sáu khách hàng, tất cả đều là người Pháp. Israel đưa Noelle đến một chiếc bàn ở khuất vào góc phía sau.
- Cô có uống gì không? - Anh hỏi.
- Không, cảm ơn anh.
Anh gỡ chiếc mũ ướt sũng nước mưa xuống. Noelle quan sát kỹ bộ mặt anh. Nàng hiểu ngay ra rằng anh mời nàng tới nơi này không phải để xin tiền. Anh nhìn nàng đăm đăm.
- Em vẫn đẹp, Noelle ạ - Anh nói khẽ khàng - Anh đã nhiều lần xem tất cả các bộ phim và vở kịch của em. Em quả là một diễn viên xuất sắc.
- Tại sao anh không lần nào vào hậu trường tìm em?
Israel ngập ngừng, sau đó cười thẹn thùng:
- Anh không muốn làm cho em lúng túng.
Noelle nhìn anh trân trân hồi lâu, nàng muốn nhận ra anh định nói gì. Đối với nàng, "Juden" chỉ là một từ xuất hiện trên các báo chí, sòng chẳng có nghĩa lý gì lắm đối với nàng. Nhưng đối với nhiều người, nó quan trọng lắm chứ: là Do Thái có nghĩa là sẽ bị người ta quét đi, bị người ta tiêu diệt, đặc biệt việc đó lại diễn ra ngay chính trên tổ quốc của mình.
- Tôi chọn bạn là việc riêng của tôi - Noelle nói - Không ai có quyền bắt bẻ tôi được.
Israel mỉm cười mếu máo, anh khuyên rằng.
- Đừng nên lạm dụng sự dũng cảm. Cô nên dùng nó vào việc cần thiết.
- Anh hãy kể về anh đi - Nàng bảo.
Anh nhún vai:
- Cuộc đời tôi không lấy gì làm hấp dẫn cho lắm. Tôi đã trởành một phẫu thuật viên. Tôi học tập dưới sự hướng dẫn của bác sĩ Angibouste. Cô có biết ông này không?
- ông.
Ông ấy là một chuyên gia tim nổi tiếng đấy. Ông đã bảo lãnh cho tôi. Sau đó những người Quốc xã đã tước mất giấy phép hành nghề của tôi - Anh giơ đôi bàn tay đẹp như tạc ra ngắm nghía như thuộc về ai khác chứ không phải của anh - Và thế là tôi xoay ra làm nghề thợ mộc.
Nàng nhìn anh một lúc rất lâu, nàng hỏi:
- Có vậy thôi ư?
Israel ngạc nhiên nhìn lại nàng:
- Hết, tất nhiên.
- Thế sao?
Noelloe xua đuổi ý nghĩ đó ra khỏi đầu óc.
- Không có gì cả. Thế vì sao anh lại muốn gặp tôi?
Anh ghé sát vào tai nàng, hạ giọng.
- Tôi cần cô giúp cho một việc. Có một người bạn…
Đúng lúc đó, cửa bật mở, bốn người lính Đức vận quân phục xanh xám bước vào quán rượu, đi đầu là một hạ sĩ.
Viên hạ sĩ lớn tiếng ra lệnh:
- Achtung(7)! yêu cầu cho xem thẻ căn cước.
Mặt Israel Katz đanh lại như thể đeo lên một chiếc mặt nạ. Noelle thấy bàn tay phải của anh luồn nhanh vào túi áo khoác. Đôi mắt anh liếc về phía lối đi hẹp tới một cửa ra phía sau, song một tên lính đã tiến đến, đứng chặn ở đó rồi, Israel hạ giọng nói nhanh.
- Cô tránh xa tôi ra. Cô hãy đi lại phía trước cửa. Đi ngay đi.
- Tại sao? - Noelle hỏi.
Bọn lính Đức đang xem xét thẻ căn cước của mấy người khách ngồi ở chiếc bàn gần cửa ra vào.
- Đừng hỏi han gì nữa. Đi đi.
Noelle ngập ngừng giây lát, rồi đứng lên, tiến ra phía cửa. Mấy người lính chuyển sang chiếc bàn bên cạnh.
Israel đẩy chiếc ghế lùi lại để anh có khoảng trống để hành động. Động tác của anh ngay lập tức khiến cho hai người lính chú ý. Họ tiến lại phía anh.
- Giấy căn cước.
Đến lúc này Noelle hiểu ra rằng người mà bọn lính đang truy tìm chính là Israel, trong khi anh đang cố tìm cách lẩn trốn. Chúng sẽ giết anh. Anh không còn cơ hội nào nữa.
Nàng quay lại, gọi to về phía anh:
- François! Ta về nhà thôi kẻo trễ quá rồi. Anh trả tiền đi, rồi ta đi về thôi.
Bọn lính ngạc nhiên nhìn nàng. Noelle quay trở lại bàn.
Hạ sĩ Schultz tiến tới chỗ nàng. Y mới ngoài hai mươi, tóc vàng, má hồng hây hây như trái táo.
- Fraulein đi với người đàn ông này?
- Tất nhiên rồi. Các anh không còn việc gì làm ngoài chuyện gây rắc rối cho những công dân Pháp trung thực hay sao? - Noelle giận dữ hỏi.
- Xin lỗi quý tiểu thư, song…
- Tôi không phải là quý tiểu thư của nhà anh! - Noelle đáp lại - Tôi là Noelle Page. Tôi là diễn viên của Nhà hát tạp kỹ, còn người này là diễn viên nam cùng diễn với tôi. Tối nay, khi tôi ăn tối với ông bạn quý của tôi là tướng Hans Scheider, tôi sẽ thông báo cho ông ấy biết về hành vi của các anh chiều hôm nay, chắc chắn ông sẽ nổi đoá với các anh đấy.
Noelle nhận thấy trong ánh mắt của viên hạ sĩ y tỏ ra công nhận điều đó, không biết là do nhận ra tên tuổi của nàng hay cái tên tướng Scheider. Nàng không rõ vì lý do gì.
- Tôi… tôi xin lỗi, tiểu thư - Y lắp bắp - tất nhiên là tôi nhận ra tiểu thư - Rồi y quay sang Israel Katz đang ngồi im lặng, một bàn tay vẫn đặt trong túi - Tôi không biết ông này là ai.
- Bọn ngoại nhân các anh biết gì nhà hát mà nói. - Noelle tỏ ý khinh miệt - Chúng tôi sẽ bắt đi hay được ra về đây?
Viên hạ sĩ trẻ nhận thấy mọi người đều đổ dồn cả về nhìn y. Y phải quyết định mau chóng.
- Tất nhiên tiểu thư và anh bạn đây không thể bị bắt được - Y nói - Tôi cũng xin lỗi nếu có điều gì đã gây phiền hà cho tiểu thư, tôi sẽ…
Israel Katz nhìn viên hạ sĩ, điềm tĩnh nói:
- Bên ngoài trời đang mưa to. Lính của ngài có ai tìm giúp chúng tôi một chiếc xe taxi được không?
- Được thôi. Có ngay.
Israel cùng Noelle chui vào xe taxi, trong lúc viên hạ sĩ Đức vẫn đứng ngoài trời mưa nhìn theo cho đến lúc họ đi khuất. Khi xe taxi dừng lại đợi đèn giao thông chuyển màu cách đó ba khối nhà, Israel mở cửa xe, một lần nữa nắm lấy bàn tay nàng rồi không một lời, anh biến vào trong đêm tối.
Tối hôm đó, lúc bảy giờ khi Noelle bước vào phòng hoá trang đã thấy có hai người đàn ông đứng đợi nàng. Một trong hai người chính là viên hạ sĩ trẻ nàng đã gặp chiều nay tại quán rượu. Người kia mặc thường phục. Anh ta người trắng trẻo, nhẵn nhụi, đôi mắt hồng, y khiến cho Noelle nghĩ đến một đứa con nít mới chào đời. Anh ta ở vào tuổi ba mươi, khuôn mặt tròn vành vạnh, giọng cao và trong, nghe như tiếng phụ nữ cười cợt, song ở y có một phẩm cách lạ khó tả, sự độc ác ở y thật lạnh lùng.
- Cô là Noelle Page?
- Phải.
- Tôi là đại tá Kurt Mueller, Gestapo. Chắc cô đã gặp Hạ sĩ Shcultz?
Noelle quay lại viên hạ sĩ, vẻ ngạc nhiên:
- Không, tôi không tin là tôi đã gặp.
- Ở Kaffchause chiều nay - Viên hạ sĩ tỏ ra mau mắn bảo.
Noelle quay lại Mueller:
- Tôi gặp không biết bao nhiêu là người.
Viên đại tá gật đầu:
- Kể cũng khó mà nhớ được hết thảy mọi người, bởi cô có bao nhiêu là bạn bè, Fraulein ạ.
Nàng gật đầu:
- Đúng thế?
- Chẳng hạn người bạn đã đi cùng với cô chiều nay ấy mà - Y ngừng lại, nhìn thẳng vào mắt Noelle - Cô nói với Hạ sĩ Shultz rằng anh ta đang diễn với cô phải không?
Noelle ngạc nhiên nhìn viên sĩ quan Gestapo:
- Chắc là ông hạ sĩ đã hiểu lầm tôi.
- Không đâu, thưa tiểu thư - Người hạ sĩ phẫn nộ đáp - Cô nói rằng…
Viên đại tá đưa mắt lạnh lùng nhìn anh ta, lập tức người hạ sĩ quan ngậm quay miệng lại, chưa kịp nói hết câu.
Kurt Mueller tỏ vẻ thân mật bảo:
- Có lẽ tình hình tương tự như vậy đễ dàng hay xảy ra một khi người ta cố tìm cách giao tiếp bằng một thứ tiếng nước ngoài.
- Chính thế- Noelle nói nhanh.
Từ trong tiềm thức nàng có thể nhận ra bộ mặt người hạ sĩ quan đang giận dữ đỏ bừng, song y vẫn lặng thinh không nói gì.
- Xin lỗi tôi đã làm phiền cô vì một chuyện không đâu vào đâu - Kurt Mueller nói.
Noelle cảm thấy đôi vai nàng trút được một gánh nặng, đột nhiên nàng nhận ra là tâm trạng của mình vừa rồi là quá căng thẳng.
- Hoàn toàn đúng như vậy đấy - Nàng nói tiếp - Có lẽ tôi xin tặng hai ông vé vào xem buổi diễn của tôi.
- Tôi đã xem rồi - Viên sĩ quan Gestapo nói tiếp - Hạ sĩ Schultz cũng đã mua vé vào xem tối nay. Dù sao cũng xin cảm ơn cô.
Ông ta đi về phía cửa, rồi dừng lại.
- Khi cô gọi hạ sĩ Schultz là một kẻ lỗ mãng, anh ta quyết định mua vé vào xem cô biểu diễn tối hôm nay. Khi anh ta xem hình của các nam diễn viên ở ngoài sảnh, anh ta không thấy hình ảnh của anh bạn đi với cô đến Kaffchause. Vì thế anh ta mới báo cáo cho tôi rõ.
Tim Noelle bắt đầu đập dồn dập.
- Xin cô cho biết đôi chút để đưa vào hồ sơ. Nếu người kia không phải là bạn diễn của cô, thì hắn là ai vậy?
- Một… một người bạn.
- Tên hắn? - Cái giọng thanh của y vẫn êm ái song đã trở nên dữ dằn.
- Thì có gì khác? - Noelle hỏi?
- Người bạn cô có những nét trùng với một tên tội phạm mà chúng tôi đang truy nã. Có tin báo là y xuất hiện ở gần quảng trường St. Germain des Prés chiều hôm nay.
Noelle nhìn y chăm chú, đầu óc quay cuồng.
- Tên anh bạn của cô là gì? - Giọng đại tá Mueller vẫn lì lợm.
- Tôi… tôi không biết.
Vậy hắn là một kẻ lạ mặt?
- Phải.
Y lại nhìn nàng, đôi mắt màu hồng nhạt lạnh lẽo nhìn như khoan vào mắt nàng.
- Thế mà cô ngồi cùng với hắn. Cô lại ngăn cản không cho binh lính xét hỏi giấy tờ của hắn. Tại sao vậy?
- Tôi cảm thấy thương hại cho người ta- Noelle đáp - Anh ta tiến lại gần tôi…
- Ở đâu?
Noelle nghĩ rất nhanh. Có thể ai đó đã trông thấy họ đi vào quán rượu.
- Ở ngoài quán café. Anh đã cho tôi biết binh lính Đức đang truy lùng anh ta vì anh ta đã ăn cắp ở một cửa hàng thực phẩm lấy thức ăn về cho vợ con đang bị đói. Tôi cảm thấy tội lỗi đó không có gì ghê gớm cho nên… - Nàng nhìn thẳng vào Mueller vẻ thách thức… - Cho nên tôi đã giúp đỡ anh ta.
Mueller quan sát nàng một lúc nữa rồi gật gù vẻ thán phục.
- Giờ thì tôi mới thực hiểu tại sao cô là một minh tinh xuất sắc - Nụ cười trên môi y vụt biến mất đi và khi y nói tiếp, giọng y càng tỏ ra nhũn hơn - Để tôi khuyên cô một điều, cô Page ạ. Chúng tôi rất muốn có quan hệ tốt với những người Pháp như cô. Chúng tôi muốn các người là bạn đồng thời còn là đồng minh nữa. Thế nhưng kẻ nào tiếp tay cho kẻ thù của chúng tôi thì cũng trở thành kẻ thù của chúng tôi. Chúng tôi nhất định sẽ tóm được tôi sẽ thẩm vấn hắn và tôi hứa với cô rằng hắn sẽ phun ra hết sự thật.
- Tôi chẳng có gì phải lo ngại - Noelle đáp.
- Cô lầm - Y tuyên bố thẳng thừng - Cô sẽ phải sợ tôi đấy Nói rồi, đại tá Mueller gật đầu ra hiệu cho người hạ sĩ và đi ra phía cửa. Y quay lại một lần nữa - Nếu cô có được tin tức gì về người bạn của cô, cô hãy báo ngay cho tôi biết. Nếu cô không làm như vậy… - Y mỉm cười với nàng.
Rồi cả hai gã đàn ông bỏ đi.
Noelle ngồi sụp xuống ghế tựa, mệt lả. Nàng nhận thấy những điều nàng nói ra không có sức thuyết phục, song nàng hoàn toàn không chuẩn bị. Nàng những tưởng sự kiện xảy ra đã bị người ta lãng quên rồi. Bây giờ nàng nhớ lại một số chuyện nàng được nghe nói về Gestapo và tự dưng nàng bỗng rùng mình. Giả thử họ bắt được Israel Katz và anh khai ra thì sao? Anh sẽ khai rằng họ vốn là chỗ bạn bè cũ với nhau, rằng Noelle đã nói xạo rằng nàng không biết gì về anh. Song có lẽ điều đó cũng chẳng lấy gì làm quan trọng. Trừ phi… đó chính là người có cái tên mà lúc ngồi trong tiệm rượu nàng thoáng nghĩ tới, La Cafard chăng.
Nửa giờ sau Noelle bước lên sân khấu, nàng cố gạt mọi chuyện trên ra khỏi tâm trí để tập trung vào nhân vật nàng đang đóng. Khán giả là loại sành sỏi cho nên khi nàng ra chào khán giả cuối buổi diễn nàng được hoan nghênh rầm rộ. Tiếng hoan hô vẫn còn văng vẳng cho đến khi nàng đi trở về phòng hoá trang. Nàng mở cánh cửa phòng bước vào thì thấy tướng Hans Scheider đã ngồi trên ghế tựa. Ông ta đứng dậy, nói lịch thiệp:
- Tôi được báo là chúng ta sẽ cùng ăn với nhau đêm nay.
Họ ăn tại nhà hàng Fruit Perdu bên cạnh sông Seine cách trung tâm Paris khoảng hai mươi dặm. Người lái xe của viên tướng Đức đã lái chiếc xe ô tô đen sáng bóng đưa họ tới. Mưa đã tạnh, trời đêm mát mẻ, dễ chịu. Cho đến khi họ ăn xong, tướng Scheider không hề đả động gì đến sự việc xảy ra ban ngày. Lúc đầu Noelle không muốn đi cùng ông ta, song nàng thấy cần phải biết rõ những người Đức nắm được sự việc của nàng đến mức nào và liệu nàng sẽ bị rắc rối ra sao.
Tướng Scheider nói:
- Chiều nay tôi nhận được một cú phôn từ bên sở chỉ huy Gestapo báo cho tôi biết rằng cô đã thông báo cho Hạ sĩ Schultz biết tối nay cô sẽ đi ăn với tôi.
Noelle nhìn ông, lặng thinh. Ông nói tiếp:
- Tôi cho rằng nếu tôi bảo "không" thì chẳng thú vị gì cho cô, còn nếu tôi bảo "phải", thì sẽ thật thú vị cho tôi - Ông ta mỉm cười - Và thế là tôi đến đây.
Noelle phản đối:
- Thực hết sức lố bịch. Tôi chỉ có giúp đỡ cho một người mắc tội ăn cắp ở cửa hàng lương thực…
- Thôi đi nào - Giọng viên tướng sắc lạnh.
Noelle ngạc nhiên nhìn ông ta.
- Cô chớ nên mắc sai lầm tin bậy là tất cả bọn Đức chúng tôi đều ngu xuẩn cả. Và cũng chớ đánh giá thấp Gestapo đấy.
Thưa tướng quân, họ chẳng có gì liên can đến tôi - Noelle đáp.
Ông ta mân mê chân đế chiếc ly rượu vang.
- Đại tá Mueller nghĩ rằng cô đã giúp đỡ một tên mà ông ấy đang tầm nã ráo riết. Nếu quả đúng như vậy thì cô sẽ còn gặp rắc rối to. Đại tá Mueller luôn luôn ghi nhớ và không biết tha thứ bao giờ - Ông nhìn thẳng vào nàng, nói thận trọng. Mặt khác nếu như cô không gặp người bạn của cô nữa thì toàn bộ chuyện vừa rồi coi như là cho qua.
- Cô có uống cognac không?
- Vâng - Noelle đáp.
Ông ta gọi hai ly rượu Napoléon.
- Cô sống với Armand Gautier đến nay đã bao lâu rồi?
- Tôi tin rằng ông biết rõ câu trả lời - Noelle đáp.
Tướng Scheider mỉm cười.
- Quả thực tôi biết rõ lắm. Đúng ra là tôi muốn biết lý do tại sao trước đây cô lại từ chối không đi ăn tối với tôi. Có phải tai Gautier ngáng chân không?
Noelle lắc đầu:
- Không phải.
- Ra vậy - Giọng ông ta đanh lại khiến nàng đâm ngạc nhiên.
- Paris thiếu gì phụ nữ. Tôi tin là ông có thể tìm được người như ý - Nàng bảo.
- Cô không hiểu tôi - Viên tướng Đức nói khẽ khàng - Cho nên cô mới nói như vậy - Giọng ông ta lúng túng - Tôi đã có vợ và một con ở Berlin. Tôi yêu vợ con lắm, song tôi đã xa họ hơn một năm rồi, tôi cũng không biết đến bao giờ được gặp lại.
- Ai bắt các ông đến Paris làm gì? - Noelle bốp chát vặn lại.
- Tôi không tìm được sự đồng cảm. Tôi chỉ muốn tự lý giải cho bản thân tôi chút đỉnh. Tôi không phải là loại người lẫn lộn vàng thau. Lần đầu tiên trông thấy cô trên sân khấu, tôi thấy tình cảm lạ lùng nảy ra trong tôi. Tôi cảm thấy cần phải hiểu cô rất nhiều. Tôi muốn chúng ta là bạn tốt của nhau. - Cách nói của ông ta mang vẻ mặt nghiêm trang trầm tĩnh.
- Tôi không thể hứa với ông điều gì - Noelle nói.
- Tôi hiểu - Ông ta gật gù.
Song thật ra ông ta không hiểu bởi Noelle không có ý định sẽ gặp ông ta thêm một lần nào nữa. Tướng Scheider tế nhị chuyển sang chuyện khác và họ nói về nghệ thuật diễn xuất, về nhà hát. Noelle kinh ngạc vì ông ta rất am hiểu nghệ thuật, Scheider có đầu óc cân bằng và một trí tuệ sâu sắc ông ta thường xuyên chuyển hết đề tài này sang đề tài khác, và chỉ ra những mối quan tâm chung giữa hai người. Đây là một nghệ thuật phô diễn điêu luyện khiến Noelle lấy làm thích thú. Ông đã mất rất nhiều công sức để tìm hiểu lý lịch nàng. Bề ngoài ông có đầy đủ tư thế của viên tướng Đức vận quân phục màu xanh ôliu, rắn rỏi, oai vệ, nhưng sự dịu dàng lại thể hiện một dạng người khác với một khả năng trí tuệ thuộc tầng lớp độc giả hơn là binh nghiệp. Tuy nhiên vẫn còn một cái sẹo dài chạy ngang mặt ông khiến nàng chú ý.
- Ông bị sẹo trong trường hợp nào vậy? - Noelle hỏi.
Ông ta đưa tay lần theo vết hằn sâu:
- Tôi dự một cuộc thách đấu cách đây nhiều năm rồi - Ông ta nhún vai - Tiếng Đức chúng tôi gọi chuyện như vậy là Wildffeisch, có nghĩa là "mảng da tự hào".
Rồi họ trao đổi về triết học Đức.
- Chúng tôi không phải là những con quái vật - Tướng Scheider tuyến bố - Chúng tôi cũng không có ý muốn thống trị thế giới. Song chúng tôi không có ý định ngồi yên một chỗ và bị trừng phạt vì cuộc chiến tranh chúng tôi đã thua cách đây hai chục năm. Hiệp ước Versailles là một cái ách mà nhân dân Đức chúng tôi muốn bẻ gãy.
Họ nói về việc chiếm đóng Paris.
- Lỗi không phải là ở chỗ những người lính Pháp đã tạo điều kiện dễ dàng cho chúng tôi. Trách nhiệm chủ yếu là ở Napoleon Đệ tam.
- Ông nói đùa gì vậy? - Noelle bảo.
- Tôi nói hoàn toàn nghiêm túc đấy - Ông khẳng định - Thời kỳ Napoleon trị vì, đám dân hạ lưu thường dùng những phố xá ngoằn ngèo, rối rắm của Paris làm chiến luỹ và nơi phục kích chống lại quân đội của ông ta. Để ngăn chặn bọn họ, ông đã cử Bá tước Cugene Georges Hausmann nắn thẳng lại các phố xá, xây dựng những đại lộ rộng rãi, xinh đẹp ông mỉm cười - Thế là quân đội chúng tôi cứ hành tiến dọc theo các đại lộ đó. Tôi e rằng lịch sử sẽ không tử tế gì với nhà hoạch định kế hoạch Hausmann.
Sau bữa tối, trên đường trở lại Paris, ông hỏi:
- Cô có yêu Armand Gautier không?
Giọng ông có vẻ vô tình, song Noelle nhận thấy câu trả lời của nàng sẽ có ý nghĩa rất quan trọng với ông.
- Không - Nàng đáp chậm rãi.
- Tôi cũng nghĩ như vậy. Tôi tin rằng tôi có thể làm cho cô rất hạnh phúc.
- Cũng hạnh phúc như vợ anh chứ?
Scheider cứng đờ người như thể bị sét đánh, rồi ông quay sang nhìn Noelle.
- Tôi sẽ là bạn tốt của em - Ông nói nhỏ nhẹ - Mong rằng hai chúng ta sẽ không bao giờ trở thành kẻ thù của nhau.
Noelle về đến nhà, lúc đó đã gần ba giờ sáng. Armand Gautier đang ngồi đợi nàng, tâm trạng xúc động.
- Cô vừa mới ở chỗ quái quỷ nào về vậy? - nàng vừa bước vào phòng, ông hỏi luôn.
- Em có một cuộc hẹn hò.
Noelle đưa mắt nhìn quanh toàn bộ căn phòng phía sau ông. Cứ như cảnh vừa có một trận cuồng phong nổi qua. Các ngăn kéo bị mở tung, mọi thứ vứt bừa bãi trong phòng. Các tủ đựng đều bị lục soát, một chiếc đèn bị lật ngược, chiếc bàn con bị lật nghiêng, một chân bị gãy.
- Chuyện gì thế này? - Noelle hỏi.
- Gestapo đã tới đây? Lạy chúa, em đã gây ra chuyện gì vậy, Noelle?
- Đâu có gì.
- Vậy tại sao chúng lại làm như vậy?
Noell đi quanh phòng, xếp dọn đồ đạc, vừa làm vừa suy nghĩ. Gautier nắm lấy đôi vai nàng và xoay người nàng lại.
- Anh muốn biết chuyện gì đang xảy ra với em.
Nàng hít một hơi thật sâu:
- Được em sẽ kể.
Nàng thuật lại nàng đã gặp Israel Katz nhưng nàng không nhắc đến tên anh và cuộc trao đổi sau này với đại tá Mueller.
- Em không rõ anh bạn đó có phải là Le Cafard không, song rất có thể lắm chứ.
Gautier ngồi sụp xuống ghế tựa kinh ngạc.
- Lạy Chúa tôi? Anh không cần biết hắn là ai. Anh không muốn em có liên hệ gì thêm với hắn. Cả hai chúng ta sẽ bị tiêu diệt vì chuyện này. Anh cũng căm ghét bọn Đức như em… - Ông ngừng lại vì không biết chắc có thực Noelle căm ghét người Đức hay không - Chérie ạ, chừng nào người Đức còn nắm luật pháp ở đây, chúng ta phải sống dưới sự thống trị của họ, cả hai chúng ta không một người nào được gây rắc rối với Gestapo. Cái gã Do Thái đó em nói tên hắn là gì nhỉ?
- Em có nói tên hắn ra đâu.
Ông nhìn nàng trân trân một lát:
Hắn có phải là nhân tình của em không?
- Không đâu, anh Armand ạ.
- Thế hắn là gì đối với em?
- Chẳng là gì cả.
- Vậy ư? - Gautier thở phào nhẹ nhõm- Chúng ta chẳng việc gì phải bận tâm nhiều. Họ sẽ không buộc tội gì cho em được một khi em chỉ tình cờ gặp hắn có một lần. Nếu em không gặp lại hắn lần nào nữa thì họ sẽ quên hết mọi chuyện.
- Rồi họ sẽ quên thôi - Noelle bảo.
Tối hôm sau trên đường Noelle tới nhà hát, nàng bị hai nhân viên Gestapo bám theo.
Từ hôm đó trở đi nhất cử nhất động của Noelle đều bị theo dõi. Ngay từ đầu nàng đã có linh cảm là nàng luôn luôn bị người ta để mắt tới. Cứ mỗi khi Noelle quay lại, nhìn vào giữa đám đông, thể nào nàng cũng thấy một thanh niên trai trẻ có nét mặt Teutonic, vận thường phục vờ vẫn như không để ý gì đến nàng. Người đi theo dõi nàng luôn luôn thay đổi, song dù họ có mặc thường phục thì họ vẫn có một điều khiến cho nàng dễ nhận ra, đó là thái độ khinh miệt, ngạo mạn và tàn ác, và phong thái bề ngoài không thể nào lầm được.
Noelle không kể những điều này với Gautier bởi nàng thấy không cần phải báo động cho ông biết thêm điều gì. Chỉ nguyên sự kiện của Gestapo gây ra ở căn phòng ngủ đã đủ làm cô hoảng hốt lắm rồi. Ông sẽ không có được ý kiến gì hơn ngoài việc nhắc lại những việc người Đức có thể gây khó dễ cho sự nghiệp của cả ông và Noelle một khi họ đã muốn làm như vậy. Noelle cũng thấy rằng ông nói có lý. Chỉ cần liếc qua các nhật báo là nàng đủ thấy là những người Nazi đã không hề dung tha cho những ai là kẻ thù của họ. Tướng Scheider đã nhắn nàng mấy lần qua điện thoại, song Noelle vẫn cứ làm ngơ. Nếu như nàng không muốn mua thù chuốc oán gì với họ thì đồng thời nàng cũng chẳng thích kết bạn với họ. Nàng quyết định giữ một thái độ trung lập như Thuỵ Sĩ. Còn những ai có thái độ như Israel Katz trên đời này, họ phải tự lo giữ lấy mạng sống của họ. Noelle cũng đã có ý muốn biết xem anh cần nàng giúp đỡ việc gì, song nàng không có ý định dính dáng với anh.
Nửa tháng sau khi Noelle gặp Israel Katz, các báo có đăng tải trên trang nhất câu chuyện Gestapo đã bắt được một nhóm người phá hoại do Le Cafard cầm đầu. Noelle đọc toàn bộ bài tường thuật rất cẩn thận, song nàng không thấy có chỗ nào nhắc tới việc Le Cafard đã bị bắt. Nàng nhớ lại nét mặt của Israel Katz khi bọn lính Đức tiến lại gần phía anh, và nàng biết chắc chắn là anh sẽ không chịu để cho chúng bắt sống. Noelle cũng tự nhủ: có lẽ mình tưởng tượng ra vậy thôi. Chứ cứ theo anh nói, có lẽ anh chỉ là một người thợ mộc bình thường hiền lành mà thôi. Thế nhưng nếu anh quả là người hiền lành, vậy cớ gì mà Gestapo quan tâm đến anh như vậy? Phải chăng anh chính là Le Cafard. Anh đã bị bắt chưa, hay trốn thoát rồi? Noelle ra đứng bên cửa sổ căn phòng, trông ra Đại lộ Martigny. Có hai bóng người mặc áo mưa đen đứng dưới ngọn đèn đường chờ đợi, Họ chờ đợi gì? Noelle bỗng cảm thấy thảng thốt cũng giống như Gautier vậy, nhưng nàng đồng thời còn thấy căm giận nữa, nhưng nàng nhớ lời đại tá Mueller: "Cô sẽ phải sợ tôi". Đúng là một lời thách thức.
Noelle có linh cảm rằng nàng sẽ còn biết tin thêm về Israel Katz.
Sáng hôm sau nàng nhận được một tin nhắn, lại không phải qua ai xa lạ mà chính là qua người gác cửa.
Ông già này đã ngoài bảy mươi tuổi, người nhỏ quắt, mặt choắt choeo, nhăn nheo, hàm dưới móm mém cho nên khi lão nói, nàng phải lắng nghe mãi mới hiểu ra.
Lúc Noelle bấm chuông gọi thang máy, ông già đã chờ sẵn trong đó rồi. Họ đi xuống thang và khi tới gần sảnh, ông lão lẩm bẩm nói:
- Chiếc bánh sinh nhật mà cô đặt đã xong rồi, mời cô đến hiệu bánh ở phố Passy mà lấy.
Noelle nhìn ông chòng chọc, không tin rằng ông lão vừa nói chính xác điều gì, cô hỏi lại.
- Tôi không đặt bánh nào cả.
- Phố Passy cô ạ - Ông ta cứ khăng khăng nói.
Bỗng nhiên Noelle chợt hiểu ra. Giá như nàng không bị hai tên Gestapo đợi nàng bên kia đường, bám gót như một tên tội phạm mới khó chịu làm sao. Hai tên kia đang mải nói chuyện, chúng chưa trông thấy nàng. Noelle thấy khó chịu, nàng quay lại chỗ ông lão gác cổng, hỏi:
- Cổng phụ ở chỗ nào?
- Cô đi theo tôi.
Noelle theo ông lão qua một hành lang phía sau xuống một cầu thang vào nhà hầm rồi lại đi ra một đường hẻm. Ba phút sau nàng đã lên một chiếc taxi tới chỗ gặp Israel Katz.
Hiệu bánh đó trông ngoài rất bình thường, nằm ở khu vực của giới trung lưu đã tàn tạ. Dòng chữ trên cửa sổ "Boulangerie" cũng đã tróc sơn. Noelle mở cửa bước vào. Ra đón nàng là một phụ nữ vận một chiếc tạp dề trắng tinh, không có một vết ố.
- Cô cần gì ạ.
Noelle lưỡng lự. Vẫn còn dư thời gian để rút lui trở lại, đủ thời gian để không dính líu vào một công chuyện mà nàng biết là nguy hiểm và chẳng liên can gì đến nàng.
Người đàn bà đứng đợi.
- Bà… bà đã là xong chiếc bánh sinh nhật cho tôi chưa? - Noelle thốt lên lời, nàng cảm thấy thật là ngốc ngếch khi tham gia vào trò đùa này, nàng thấy có một sức hấp dẫn của những sự kiện đang diễn ra, bị những mưu xảo ấu trĩ làm giảm giá trị đi rất nhiều.
Người đàn bà gật đầu:
- Xong rồi ạ, thưa cô Page- Bà lấy tấm biển "Đóng cửa" treo lên cửa, khoá cửa kỹ càng và bảo nàng.
- Mời cô theo tôi.
Anh đang nằm trên một chiếc giường nhỏ đặt ở phòng nhỏ phía sau hiệu bánh, nét mặt anh tỏ ra đau đớn rõ rệt, mồ hôi vã ra đầm đìa. Tấm chăn cuốn quanh người anh đẫm máu. Ở đầu gối bên trái có một chiếc nẹp garô rất lớn.
- Israel!
Anh quay mặt nhìn ra phía cửa, tấm chăn rớt xuống để lộ ra một đám thịt và xương nát đỏ hoẻn ở chỗ trước đây là đầu gối.
- Có chuyện gì vậy? - Nàng hỏi.
Anh cố gượng cười mà không nói. Giọng anh khàn, lộ vẻ đau đớn căng thẳng.
- Chúng đã tiến công Le Cafard, song dễ gì đã diệt nổi bọn anh.
Điều nàng phỏng đoán là chính xác, nàng nói:
- Em có đọc báo biết tin này. Anh sẽ lành chứ?
Israel hít một hơi thở sâu, gật đầu. Anh vừa nói vừa thở hổn hển:
Bọn Gestapo đang cày xới tung cả Paris lên để truy lùng anh. Anh phải thoát ra ngoài thành phố này mới có cơ sống nổi… Nếu anh đến được cảng Le Havre, sẽ có người bạn giúp anh lên một con tàu thoát ra một đất nước khác.
- Không có ai đưa anh đi bằng xe ra khỏi Paris sao? Anh có thể trốn ở thùng sau xe tải…
Israel lắc đầu yếu ớt:
- Mọi ngả đường đều bị chặn rồi. Đến một con chuột cũng không lọt ra khỏi Paris được.
Noell nghĩ, thậm chí đến một con gián cũng không thoát.
- Anh có thể đi với cái chân đau kia không?
Nàng hỏi vậy, song chủ yếu là nấn ná để tìm ra một phương án nào đó.
Anh ta lại cố gượng cười, nói:
- Không thể đi với cái chân như thế này được.
Noelle nhìn anh, không hiểu. Đúng lúc đó cửa bật mở, một người đàn ông to lớn, để râu với đôi vai vuông vức, bước vào. Ông ta cầm ở tay mõt chiếc rìu. Ông ta tiến đến giường, kéo chăn xuống, Noelle cảm thấy mặt mình lạnh toát không còn máu chảy. Nàng nghĩ đến tướng Đức Scheider và tên bạch tạng nhẵn nhụi ở sở Gestapo và những việc họ sẽ làm một khi họ bắt được nàng.
- Tôi sẽ giúp anh - nàng bảo.
Chú thích:
(1) Do Thái
(2) Thế phẩm, nhân tạo (tiếng Đức).
(3) Điều kiện tất yếu.
(4) Một con bò đực (tiếng Pháp)
(5) Tiếng Đức: Người đẹp.
(6) Cứt (tiếng Pháp).
(7) Chú ý (tiếng Đức).
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Phía Bên Kia Nửa Đêm.