• 529

Chương 6 - Phần 2


Số từ: 3354
Dịch giả: Vũ Hương Giang
NXB Văn Học
Nguồn: Sưu tầm
Bên cạnh có nhiều buồng. Tôi vừa bước vào, đã thấy Lia nói bô bô với cô nàng tóc vàng và tiến hành một cách táo bạo. Thực ra nó đã thông thạo cái khoản ấy; nhưng tôi, tôi bị lạc vào một cõi xa lạ, vừa dịu dàng lại vừa mãnh liệt, và tôi cứ thả mình vào đó. Tôi cảm thấy trong tôi có một cái gì vừa khát khao lại vừa chìm đắm. Đầu óc tôi quay cuồng. Ở đây chẳng có gì để bấu víu cả. Chúng tôi để ủng ngoài cửa; các cô đã thay cho bằng những đôi dép ngủ và thế là bây giờ tôi chẳng còn cái gì là tư thế mã thượng và lấc xấc của anh lính nữa: không súng, không thắt lưng, không quân phục, không mũ. Tôi rơi vào chốn lạ lùng này, thôi thì muốn ra sao thì ra, vì dẫu sao tôi cũng hơi rờn rợn.
Cô nàng tóc nâu nhíu đôi lông mày lại, mỗi khi nàng suy nghĩ. Khi nàng nói thì đôi lông mày không động đậy.
Cũng có đôi lúc, điều nàng nói chỉ thốt ra nửa chừng, bị nghẹn lại hoặc lướt nhẹ trên đầu tôi; thật như một cánh cung, một đường đạn, một ngôi sao chổi. Tôi hiểu như thế nào? Những lời lẽ của cái tiếng ngoại quốc mà tôi chỉ biết lõm bõm, ru ngủ tôi, dìm tôi vào một cảnh tĩnh mịch, trong đó căn buồng gần như biến đi cùng với những bóng tối và ánh sáng của nó, trong đó chỉ còn rõ nét, chỉ còn sống có mỗi cái mặt người phía trên tôi.
Thật khó hiểu biết bao, cái khuôn mặt mới một giờ trước đây còn lạ lùng, thế mà bây giờ cúi xuống với một dáng điệu âu yếm, cái dáng điệu không phải tự nó mà có, mà từ bóng đêm, từ vũ trụ, từ dòng máu như đang tỏa ánh sáng trên nó. Những đồ vật chung quanh đều bị ảnh hưởng và biến dạng bởi cái môi trường này, chúng khoác một hình thù đặc biệt và nước da trắng trẻo của tôi gần như gây cho tôi một cảm giác tôn sùng, khi ánh sáng ngọn đèn chiếu vào nó và khi bàn tay nâu và mát rượi vuốt ve nó.
Tất cả cái này khác xa biết bao cảnh nhà thổ lính mà chúng tôi được phép đi, và chúng tôi phải đứng nối đuôi thành hàng dài! Tôi không muốn nghĩ đến chuyện đó nữa, nhưng kỉ niệm ấy vẫn ám ảnh tôi và làm tôi phát khiếp, vì có lẽ chúng tôi không bao giờ có cách gì rũ sạch nó đi được.
Nhưng lúc này tôi cảm thấy đôi môi của nàng tóc nâu mảnh khảnh và tôi vươn về phía đôi môi ấy; tôi nhắm mắt lại và qua đó, tôi muốn xóa bỏ tất cả, chiến tranh, những sự kinh khủng, những sự nhục nhã của nó, để khi tỉnh dậy sẽ trẻ trung và sung sướng. Tôi nghĩ đến hình ảnh cô thiếu nữ ở tờ quảng cáo và trong chốc lát, tôi tưởng cuộc đời tôi chỉ tuỳ thuộc có một điều: chinh phục được nàng. Tôi càng ghì người vào trong đôi cánh tay đang ôm chặt lấy tôi: có lẽ sẽ xảy ra một sự kì diệu chăng... Sau cùng, tôi không hiểu sao cả ba đứa tôi lại trông thấy nhau. Lia có dáng điệu đắc thắng. Chúng tôi chia tay các cô nàng một cách đằm thắm và đi ủng vào.
Không khí ban đêm xoa dịu những tấm thân nóng bừng của chúng tôi. Những cây bạch dương đứng sừng sững và rì rào trong bóng tối. Vầng trăng lấp lánh trên trời và trên dòng nước của con kênh. Chúng tôi không chạy, chúng tôi rảo bước cạnh nhau.
Lia nói:
- Cũng đáng một cái bánh lính đấy!
Tôi không biết nói gì; tôi cũng chẳng vui nữa.
Bỗng, có tiếng chân bước, chúng tôi liền ẩn sau một bụi rậm. Bước chân mỗi lúc một gần và bây giờ đến sát chúng tôi. Chúng tôi thấy một gã trần truồng cũng đi ủng, y hệt bọn tôi nó cắp một gói ở cánh tay và chạy lồng lên. Đúng Jađơn, cu cậu đang vội quá.
Cu cậu đã biến mất.
Chúng tôi cười. Ngày mai thế nào nó chả chửi om lên!
Chúng tôi về ổ rơm, chẳng ai biết tí gì cả.
Tôi được gọi lên văn phòng, viên chỉ huy đại đội chìa cho tôi một cái giấy phép và một tờ giấy đi đường, rồi ông ta chúc tôi lên đường bình an. Tôi nhìn xem được bao nhiêu ngày phép: mười bảy ngày. Mười bốn ngày nghỉ và ba ngày đi đường. Đi đường như vậy thì ít quá. Tôi liền hỏi liệu có xin được năm ngày không. Béctinh ra hiệu bảo tôi nhìn kĩ tờ giấy; tôi nhận ra là sẽ không phải trở về ngay mặt trận. Hết hạn phép, tôi sẽ đi dự lớp học ở trại Lăng.
Nhiều đứa ghen với tôi. Cát mách cho tôi nhiều nước hay, bảo tôi cách xoay xở để có thể lẩn được.
Nếu cậu láu thì cậu sẽ ở lì đấy.

Nói tình thực, tôi chỉ thích độ tám ngày nữa hãy đi, vì chúng tôi còn ở đây trong suốt thời gian ấy và ở đây thật là khoái. Dĩ nhiên, tôi phải đãi một chầu căng tin. Mấy đứa chúng tôi đều ngà ngà say cả. Tôi đâm ra buồn. Tôi sẽ ở lại hậu phương trong sáu tuần lễ, cái đó hẳn là sướng rồi, nhưng lúc trở lại thì ra sao? Liệu có còn gặp nhau đủ mặt không? Hai và Kemơrich đã không còn nữa; đến lượt ai bây giờ đây?
Chúng tôi uống rượu và tôi lần lượt nhìn kĩ từng thằng bạn của tôi. An be ngồi cạnh tôi, hút thuốc và rất vui, hai đứa tôi lúc nào cũng có nhau. Cát ngồi trước mặt, hai vai xuôi thõng, ngón tay cái to bè và giọng nói trầm tĩnh. Rồi đến Muynlơ với bộ răng vẩu và tiếng cười như lệnh vỡ. Jađơn với đôi mắt chuột nhắt. Lia để bộ râu trông đến bốn mươi tuổi.
Trên đầu chúng tôi khói bay đặc sệt. Không thuốc lá, đời thằng lính còn ra sao nữa. Căng tin là nhà an dưỡng của hắn, bia không phải chỉ là một thứ đồ uống, mà còn là dấu hiệu có thể nằm dài, ruồi tay ruổi chân không sợ gì nguy hiếm. Sự thực về mặt này chúng tôi chẳng đứa nào ngại tí gì cả. Chúng tôi nằm thẳng cẳng và khạc nhổ bằng thích ra khắp chung quanh, hẵng tạm nói thế đã! Tất cả những cái này ghi vào lòng kẻ ngày mai ra đi một ấn tượng sâu sắc biết bao!
Đêm ấy chúng tôi còn sang bên kia kênh một lần nữa. Tôi hầu như sợ sệt phải nói với cô nàng tóc nâu mảnh khảnh là tôi sẽ đi và khi trở về, tất nhiên lại ở chỗ khác và như thế là vĩnh biệt nhau; nhưng nàng chỉ gật gật đầu và không có vẻ cảm động lắm. Đầu tiên tôi không thể nào hiểu được, nhưng sau tôi vỡ nhẽ. Lia nói có lí, nếu tôi ra chiến hào thì người ta còn nói:
Chàng trai khốn khổ!
Nhưng một anh lính đi phép thì còn sơ múi gì nữa, các cô nàng chết tiệt này. Quỷ bắt cô ta đi với cái giọng ỏn ẻn và những lời ăn tiếng nói của cô ta! Cứ tưởng là chuyện kì diệu, nhưng rút cục, chỉ có bánh lính.
Sáng hôm sau, bắt rận tinh tươm rồi, tôi đi ra phía đường sắt. An be và Cát đi tiễn tôi. Ở nhà ga, người ta nói mấy giờ nữa tàu mới chạy. Hai bạn tôi phải trở lại, vì có công tác; chúng tôi chia tay nhau:
- May mắn! Cát nhé! May mắn, An be nhé!
Chúng nó đi khỏi và còn vẫy tôi nhiều lần. Bóng chúng nó nhỏ dần. Mỗi bước đi, mỗi cử chỉ của chúng nó đều quen thuộc đối với tôi, từ xa tôi có thể dễ dàng nhận ra chúng nó. Thế là chúng nó đã đi khuất hẳn.
Tôi ngồi trên ba lô và đợi. Đột nhiên, tôi nóng ruột như điên đi.
Tôi đã dừng lại ở nhiều ga; tôi đứng trước nhiều cái nồi để người ta phát xúp, tôi đã ngả lưng trên nhiều tấm ván. Nhưng rồi sau đó, phong cảnh những nơi con tàu chạy qua dần dần trở nên xao xuyến lòng người, vừa khơi nỗi ưu tư, vừa đượm tình ruột thịt; phong cảnh lướt trên mặt kính chiều với những đàng mạc - có mái tranh úp chụp xuống những ngôi nhà trát vữa và có vách ngăn, như những chiếc mũ ca lô với những cánh đồng lúa, dưới ánh nắng xiên khoai, lấp lóe như ánh xà cừ, với những vườn cây ăn quả, với thùng kho lúa, với những gốc bồ đề già cỗi.
Tên các nhà ga trở nên những điều làm rung động lòng tôi. Con tàu chạy, chạy mãi, rập rình lúc lắc, tôi ngồi cạnh cửa sổ và tì vào thành tàu. Những cái tên đó chứa đựng cả thời niên thiếu của tôi. Đồng cỏ phẳng lì, đồng ruộng, trang trại. Một cỗ xe ngựa cô đơn chạy qua trên nền trời, trên con đường song song với chân trời. Đây kia, một chỗ chắn ngang đường, phía trước chắn có những bác nông dân đứng đợi, những thiếu nữ giơ tay vẫy vẫy, những em bé chơi dọn đường, những con đường chạy về tận thôn xóm, những con đường rất bằng phẳng, không có pháo binh.
Buổi chiều, nếu con tàu không kêu ầm ầm chắc tôi phai hét lên. Đồng ruộng trải ra bát ngát; xa xa bóng những dãy núi xiên ngang một màu xanh nhạt bắt đầu nổi lên. Tôi nhận ra cái nét đặc biệt của đỉnh Đôđenbe lởm chởm, đột ngột buông xuống trên ngọn khu rừng. Chính sau ngọn núi đó, thành phố sẽ hiện ra.
Ánh sáng màu vàng son chảy trên mặt đất và hòa với đất; con tàu chạy vào một khúc lượn, kêu rít lên, rồi lại một khúc lượn nữa và xa tít, những cây bạch dương thẳng tắp có vẻ hư ảo, mơ hồ, mờ mịt, cây nọ nối cây kia thành một hàng dài như toàn bằng bóng tối, ánh sáng và ưu tư.
Đồng quê từ từ xoay tròn với hàng cây, con tàu lượn quanh chúng, các khoảng cách giảm dần, những bóng cây chập lại chỉ còn một khối và một lát sau, tôi chỉ còn nhìn thấy một cây. Rồi những cây khác lại xuất hiện sau cây đầu tiên, chúng đứng cô đơn như vậy rất lâu, trên nền trời, cho đến lúc chúng bị những ngôi nhà đầu tiên che lấp.
Đây là chỗ đường sắt chạy ngang phố. Tôi ngồi yên cửa sổ không thể rời ra được. Mọi người sửa soạn hành lí để xuống, còn tôi, tôi thầm thì đọc tên phố đi qua:
Phố Brem, phố Brem Brem…
Dưới đường có người đi xe đạp, có xe cộ: có người ta. Đấy là một phố màu xám và một cái cầu chui màu lam, thế mà nó làm tôi cảm động khác nào chính mẹ tôi. Rồi con tàu dừng lại, nhà ga đây rồi, với tiếng ồn náo, tiếng gọi nhau và những bảng yết thị. Tôi nhắc ba lô đeo lên vai, xách khẩu súng trường và bước xuống những bậc tàu, gần như loạng choạng. Đứng trên sân ra, tôi nhìn quanh. Tôi chẳng quen một ai trong đám người đang chen chúc ấy. Một bà Hồng thập tự mời tôi uống. Tôi lảng ra. Bà ta cười với tôi một cách ngớ ngẩn, tưởng mình quan trọng lắm (xem, tôi cho anh lính uống cà phê đây!) Bà ta nói với tôi:
Anh bạn ơi
, y như tôi cần đến cái tiếng ấy lắm.
Phía ngoài trước ga, một dòng sông lấp lánh chảy cạnh dãy phố. Ra khỏi cửa cổng của chiếc cầu nhà máy xay, con sông reo lên trắng xóa. Ngọn tháp vuông cổ kính đứng sừng sững ngay gần đó; trước tháp, có cây bồ đề thật to màu sắc rực rỡ, và sau tháp là cảnh hoàng hôn.
Nơi đây chúng tôi thường hay ngồi chơi - ngày ấy lâu quá rồi!
Chúng tôi thường đi trên cầu, ngửi mùi mát rượi và khăm khẳm của mặt nước im lìm. Chúng tôi thường hay cúi xuống ngắm dòng nước bình thản phía bên này cống, nơi bao nhiêu cây leo xanh và rong rêu bám lòng thòng ở chân cầu và phía bên kia cống, những ngày nóng nực chúng tôi vừa hướng luồng hơi mát rượi của bọt nước bắn tung vừa tán gẫu về chuyện các thầy giáo.
Tôi đi qua cầu, nhìn về phía bên phải và bên trái, nước vẫn đầy rong rêu, vẫn lao xuống ầm ầm làm thành một vòng cung trắng xóa. Trong ngọn tháp cổ, các cô thợ là vẫn như ngày trước, cánh tay trần đứng trước đống quần áo trắng và hơi nóng bàn là đang tỏa ra ngoài cửa sổ mở tung. Lũ chó chạy lon ton trong phố hẹp trước cửa nhà, có những người nhìn tôi đi qua, bẩn thỉu và tay xách nách mang như một anh phu khuân vác. Trong cái hiệu bánh này, chúng tôi đã uống nước đá và tập hút thuốc lá. Trong dãy phố tôi đang đi, tôi thuộc lòng từng ngôi nhà, từng cửa hàng tạp hóa, hiệu thuốc, hiệu bánh và đây, tôi đến trước cái cửa màu nâu với chiếc then đã mòn; bàn tay tôi cứng đờ ra. Tôi mở, một luồng không khí mát mẻ lạ lùng đón lấy tôi; nó làm tôi mờ cả mắt.
Cầu thang cọt kẹt dưới gót ủng. Phía trên, một cánh cửa rít lên, có ai nhìn qua lan can. Đấy là cửa nhà bếp vừa mở. Người ta đang rán bánh khoai, mùi thơm bay tỏa khắp nhà. Phải, hôm nay là thứ bảy; có lẽ chị tôi đang đứng trên ấy nhìn xuống. Trong khoảng khắc, tôi ngượng ngùng và cúi đầu. Rồi tôi bỏ mũ và ngước mắt lên. Đúng, đúng là chị tôi:
Pôn! Pôn!
, chị tôi kêu lên.
Tôi vẫy. Cái ba lô của tôi đụng phải lan can; khẩu súng sao mà nặng thế!
Chị tôi mở toang cửa và kêu lên:
Mẹ. mẹ, Pôn đây này!
Tôi không bước thêm được nữa.
Mẹ, mẹ, Pôn đây này!

Tôi dựa vào tường và run run ôm chặt cái mũ và cây súng, tôi ôm chặt với tất cả sức lực của tôi, nhưng tôi không sao đi thêm được một bước nữa. Trước mắt tôi, chiếc cầu thang mờ đi. Tôi thúc một bảng súng vào chân, tôi nghiến răng lại một cách giận dữ, nhưng không sao cưỡng lại được mỗi một câu nói ấy của chị tôi; không làm thế nào được. Tôi tự giày vò, bắt mình phải cười, phải nói, nhưng không tài nào thốt ra được một tiếng, cứ thế, tôi đứng sững ở cầu thang, khổ sở, bối rối, như bị một cơn biến chứng ghê gớm; tôi cố trấn tĩnh lại, nhưng nước mắt cứ trào ra, ướt đẫm cả mặt. Chị tôi trở ra và hỏi:
- Em sao thế?
Lúc ấy, tôi cố trấn tĩnh, đi thẳng đến phòng đợi, vừa đi vừa vấp. Tôi dựng khẩu súng vào một góc, đặt ba lô sát tường rồi để cái mũ lên trên. Tôi phải cởi ngay thắt lưng và những thứ móc vào đấy ra mới được. Rồi tôi nói một cách giận dữ:
Đưa tôi cái khăn tay nào.
Chị tôi lấy cái khăn tay trong tủ ra cho tôi, tôi lau mặt. Phía trên đầu tôi, vẫn còn nguyên một cái hộp thuỷ tinh treo trên tường, trong đựng đủ các thứ bươm bướm nhiều màu sắc mà ngày trước tôi sưu tầm. Lúc này, tôi chờ mẹ tôi lên tiếng. Tiếng nói ấy vọng ra từ buồng ngủ. Tôi hỏi chị tôi:
- Mẹ chưa dậy sao?
- Mẹ ốm... - Chị tôi trả lời.
Tôi bước đến bên mẹ tôi, đưa tay cho mẹ tôi cầm và nói với mẹ tôi bằng một giọng cố hết sức bình tĩnh:
- Con đây, mẹ ạ.
Mẹ tôi nằm im lặng, trong chỗ tranh tối tranh sáng. Mẹ tôi hỏi tôi một cách lo lắng, trong khi ấy tôi cảm thấy như đôi mắt mẹ đang sờ nắn người tôi.
- Con có bị thương không?
- Không, con được về phép.
Mẹ tôi xanh quá, tôi sợ không dám để ánh sáng vào nhiều.
- Thế mà đáng lẽ phải vui mừng thì mẹ lại cứ nằm đây mà khóc, - Mẹ tôi nói.
- Mẹ ốm hả mẹ?
- Hôm nay mẹ sẽ dậy một tí.
Rồi mẹ tôi quay về phía chị tôi, chị tôi cứ chốc chốc lại phải nhảy vào bếp, sợ cháy mất cái món đang làm.
- Mày mở cả cái lọ mứt quất ra nhé. Con thích quất phải không? - Mẹ tôi hỏi.
- Vâng, mẹ ạ, đã lâu con không được ăn quất.
Y như là cả nhà đã biết trước cậu về? - Chị tôi vừa nói vừa cười. - Vừa đúng nhà làm cái món cậu thích, món bánh rán khoai, lại thêm cả mứt quất nữa nhé.
- Nhưng phải nói hôm nay là thứ bảy, - Tôi nói.
- Ngồi xuống bên mẹ, con, - Mẹ tôi nói.
Mẹ nhìn tôi, tay mẹ tôi trắng nhợt, ốm yếu và so với bàn tay tôi thì gầy bé quá. Hai mẹ con nói với nhau rất ít và tôi rất biết ơn mẹ tôi vì mẹ không hỏi gì cả. Vả lại tôi biết trả lời ra sao? Rốt cuộc tôi cũng chẳng có gì đáng than phiền vì tôi đã về đây, khỏe mạnh, ngồi cạnh mẹ và trong bếp, chị tôi vừa hát vừa làm bữa ăn chiều. - Con yêu quý của mẹ ơi! - Mẹ tôi nói khe khẽ.
Gia đình tôi không bao giờ âu yếm nhau một cách lộ liễu quá. Đó không phải là thói quen của người nghèo khổ phải lam lũ vất vả và quá nhiều lo lắng.
Thậm chí họ cũng không hiểu nổi những kiểu cách ấy nữa và họ không thích nhắc đi nhắc lại những cái mà họ đã biết rồi. Khi mẹ tôi nói với tôi:
Con yêu quý của mẹ ơi
, thì cũng có nghĩa như một bà mẹ nói những lời đằm thắm cảm động nhất. Tôi biết lọ mứt quất là lọ mứt duy nhất của nhà tôi đã để từ lâu, mẹ đã để phần tôi, cũng như bánh bích quy mà mẹ đang cho tôi ăn bây giờ, cũng đã để từ lâu.
Chắc hẳn những cái bánh này đã do một sự tình cờ đặc biệt nào mà có và mẹ tôi đã cất ngay đi để dành cho tôi.
Tôi ngồi xuống cạnh giường mẹ tôi; qua cửa sổ, những cây dẻ trong vườn, cái quán cà phê trước mặt, ánh lên những tia nâu sẫm và vàng rực. Tôi thở hít thong thả, thật thoải mái và tự nhủ:
Mình đang ở nhà, mình đang ở nhà.
Nhưng tôi vẫn chưa hết ngượng nghịu, tôi chưa thích nghi được với tất cả những cái này...
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Phía Tây Không Có Gì Lạ.