• 536

Chương 11


Số từ: 4925
Dịch giả: Vũ Hương Giang
NXB Văn Học
Nguồn: Sưu tầm
Sau đó, trung đoàn có giấy gọi, tôi lại ra mặt trận.
Phải xa thằng bạn chí thân An be Cốp thật là khổ cho tôi quá. Nhưng trong đời thằng lính, cái gì rồi mà chả quen đi.
Chúng tôi không tính từng tuần nữa. Dạo trước tôi đến đây vào mùa đông và mỗi khi trái phá rơi xuống, những tảng đất lạnh cứng cũng nguy hiểm gần bằng mảnh đạn. Bây giờ, cây cối đã xanh tươi trở lại. Cuộc sống của chúng tôi hết trại lính lại đến mặt trận. Nó cũng đã quen đi được phần nào. Chiến tranh là một nguyên nhân của cái chết, cũng như bệnh ung thư hoặc bệnh lao, cũng như bệnh cúm hoặc bệnh lị. Có điều là những ca chết được thì nhiều hơn, phức tạp hơn và ác liệt hơn.
Những ý nghĩ của chúng tôi giống như một thứ đất sét nó bị ngày tháng đổi thay nhào nặn, khi chúng tôi được nghỉ ngơi, thì nó cũng tất lành sáng sủa, khi chúng tôi sống nơi lửa đạn thì nó đâm ra buồn thảm tối tăm. Có những cánh đồng hố trái phá cả ở bên ngoài lẫn ở bên trong chúng tôi.
Không riêng gì chúng tôi, mà ai ở đây cũng thế; cái gì đã qua thì không còn tồn tại và cụ thể là chúng tôi không còn nhớ gì đến quá khứ nữa. Sự cách biệt do nền giáo dục và học vấn tạo ra hầu như đã bị xóa nhòa, khó nhận ra được nữa. Đôi khi sự cách biệt ấy cũng tiện cho việc lợi dụng một hoàn cảnh nào đó, nhưng nó cũng gây ra nhiều bất tiện, tạo ra những trở ngại cần phải vượt qua. Chẳng khác gì chúng tôi trước đây là những đồng tiền của tứ xứ, rồi người ta đem nấu chảy ra, đến nay thì đồng nào cũng giống đồng nào. Nếu muốn nhận ra chỗ khác nhau, thì phải xem thật kĩ chất kim loại.
Chúng tôi là những thằng lính, sau đó mới là những con người, mà là những con người một cách kì quặc và gần như xấu hổ.
Giữa chúng tôi với nhau, có một tình ruột thịt lớn lao, bao gồm một cách lạ kì thứ ánh sáng của tình bè bạn trong những câu dân ca, một chút tình đoàn kết của những người bị tù đày và tình gắn bó tuyệt vọng giữa những kẻ tử tù với nhau.
Tất cả những cái đó đưa chúng tôi vào cùng một nếp sống làm cho giữa hiểm nguy, chúng tôi khắc phục được lo âu và thống khổ của chết chóc để vội vã cướp lấy những giờ phút chúng tôi còn sống. Và làm thế, lòng chăng mảy may xúc động. Nếu người ta muốn đánh giá cái gì đó, thì đó là một trường hợp vừa anh dũng lại vừa nhàm chán, nhưng ai đi làm việc ấy?
Chính với tâm trạng ấy mà Jađơn đã húp vội húp vàng cho đến thìa cuối cùng, món xúp đậu nấu với mỡ, khi được tin quân địch tấn công, vì nó chẳng biết là một giờ sau có còn sống hay không. Chúng tôi đã tranh cãi lâu về điểm này, xem nó đúng hay sai. Cát phản đối, vì phải tính đến chuyện có thể bị một viên đạn vào bụng, nếu ăn no thì nguy hiểm hơn lúc đói rất nhiều.
Chúng tôi luôn bận tâm về những vấn đề như thế đấy. Đối với chúng tôi, những vấn đề ấy thực là quan trọng và không thể nào khác được. Ở đây, sát nách cái chết, cái sống có một bộ mặt đơn giản lạ lùng. Nó giới hạn trong những nhu cầu tối thiểu, còn những cái khác thì bị vùi trong một giấc ngủ triền miên; đấy chính là chỗ thô sơ thiển cận của chúng tôi, mà cũng là điều cứu sống chúng tôi; nếu chúng tôi khác biệt hơn, thì chúng tôi đã phát điên từ lâu rồi, đã đào ngũ hoặc đã chết rồi. Giống như một cuộc thám hiểm vùng địa cực. Mọi biểu hiện của sức sống đều chỉ được dùng để duy trì sự sống và bắt buộc phải đi theo hướng ấy. Ngoài ra, tất cả đều bị loại trừ, vì nó tiêu thụ năng lượng một cách vô ích. Đó là cách duy nhất để chúng tôi được cứu thoát. Thỉnh thoảng, trong những lúc yên tĩnh, tôi tưởng như đứng trước một người lạ mỗi khi tấm gương mờ đã cho tôi thấy cái phản ảnh bí ẩn của thời quá khứ, vạch ra cho tôi những đường nét của cuộc sống hiện tại; tôi ngạc nhiên khi nhìn thấy cái sự hoạt động khó tả ấy mà người ta gọi là sự sống, lại khoác lấy cái lốt này. Tất cả mọi biểu hiện khác đều bị vùi trong giấc ngủ mùa đông; cuộc sống cứ phải không ngừng cảnh giác để chống đỡ những sự dọa nạt của thần chết; cuộc sống đã biến chúng tôi thành những con vật, trao cho chúng tôi một thứ vũ khí, ấy là bản năng; nó đã làm nhụt cả nguồn xúc cảm, cốt để chúng tôi không giao động trước những sự khủng khiếp đang lao vào chúng tôi, nêu chúng tôi còn lương tri sáng suốt và rõ ràng. Nó đã khơi lên trong chúng tôi tình đồng đội, để chúng tôi thoát được cái vực thẳm của cô đơn; nó đã khiến chúng tôi có cái vẻ lạnh lùng của người man rợ, để chúng tôi có thể, bất chấp tất cả, tìm ra cái gì cụ thể và dự trữ nó chống lại những đợt tấn công của hư vô. Chúng tôi sống như thế một cuộc sống âm thầm, khắc khổ và rất là hời hợt, rất ít khi có một sự kiện làm bật lên từ đáy lòng vài tia sáng, nhưng có lúc ngọn lửa của một niềm khát khao nặng trĩu và gớm ghê bất chợt bùng lên trong chúng tôi.
Ấy là những lúc hiểm nghèo; những lúc ấy cho chúng tôi thấy rằng, dù sao, sự thích ứng cũng chỉ là giả tạo; nó không phải là sự bình tĩnh thật sự, mà chỉ là một sự cô vươn lên chỗ bình tĩnh thôi. Về hình thức bề ngoài của cuộc sống, chúng tôi chẳng khác gì những người da đen trong rừng; nhưng những người này cứ như vậy mãi cũng chẳng sao vì đó là bản chất của họ và bất quá họ có thể tiếp tục phát triền do sự cố gắng của năng khiếu, trái lại, ở chúng tới, những sứ mạng quan trọng không nghiêng về phía phát triển mà lại hướng về phía thoái hóa. Thành ra những cái gì là bình thường ở họ, thì chúng tôi phải cố gắng và phải giả tạo mới có được.
Ban đêm, khi chúng tôi bàng hoàng tỉnh dậy sau một cơn ác mộng, bị những ảo tưởng huyền hoặc lôi cuốn và thả mình vào đấy, chúng tôi nhận thấy chỗ dựa và ranh giới giữa chúng tôi và cảnh tối tăm u ám thật là mong manh biết bao.
Chúng tôi là những người buộc khăn gói thì phải.
Tôi cảm thấy một tai vạ đến nơi, bèn ngồi dậy hỏi nó.
Nó làm ra bộ không có gì cả, tôi bảo nó:
- Đêtơrinh, đừng có vớ vẩn đấy nhé!
- À sao? Mình không ngủ được thế thôi...
- Thế cậu bẻ những cành anh đào ấy về làm gì?
- Thì mình đi lấy cành anh đào cũng được chứ sao, - Nó trả lời lúng túng. Một lúc sau nó thêm, - Ở nhà mình, có một vườn cây rộng, trồng nhiều anh đào lắm; khi anh đào nở hoa, đứng ở bục rơm mà nhìn, y như một cái khăn trải giường thật to vì nó trắng lắm; bây giờ là đương mùa đấy.
- Có lẽ sắp có những đợt nghỉ phép đấy. Cậu là nông dân, có thể là cậu được tạm hoãn quân dịch đấy.
Nó gật đầu, nhưng óc nó để tận đâu. Những anh chàng nông dân này, khi trong lòng có cái gì day dứt là y như có dáng điệu lạ lùng, vừa lờ đờ vừa lầm lì, nửa như ngớ ngẩn, nửa như cảm động. Để lôi nó ra khỏi những ý nghĩ vớ vẩn, tôi hỏi xin nó một miếng bánh; nó cho tôi ngay chẳng chần chừ. Đó là một triệu chứng khả nghi, vì thường ngày nó keo kiệt. Vì vậy tôi không ngủ được nữa. Nhưng không có gì xảy ra sáng hôm sau. Đêtơrinh vẫn như thường. Có lẽ nó đã biết tôi theo dõi nó. Ấy thế mà, sang ngày hôm sau nữa, là nó biến mất. Tôi biết cả nhưng không nói gì, hễ nó có đủ thì giờ, may ra nó đi thoát được. Nhiều đứa đã đến được Hà Lan.
Khi điểm danh, người ta thấy thiếu nó. Một tuần lễ sau, chúng tôi được tin nó bị tụi xen đầm bắt, thuộc sở buộc khăn gói thì phải.
Người ta không thể đánh ngã ngay lập tức người lên cơn và ghì lấy hắn.
Bécgơ lại cao một thước tám mươi, người khỏe nhất đại đội.
Rõ ràng là nó điên, vì nó phải xuyên qua một bức tường lửa! Nhưng chính cái luồng chớp ấy vẫn đang rình đâu đây tất cả chúng tôi - đã đánh trúng nó và biến nó thành một thằng ma ám. Có những đứa đập phá lung tung hoặc chạy thoát được; lại có một đứa cứ lấy tay chân và mồm, cào đất ra mãi để chui xuống.
Dĩ nhiên, trong những trường hợp này, cũng có nhiều cậu giả vờ; nhưng sự giả vờ ấy tự nó đã là một triệu chứng có ý nghĩa. Người ta lôi được Bécgơ về, với một phát đạn ở hông; ngoài ra, một trong số người dìu nó về cũng bị một phát vào bắp chân.
Muynlơ đã chết. Nó bị một viên đạn lửa bắn gần vào giữa bụng. Nó còn sống thêm được nửa giờ, rất tỉnh, nhưng đau đớn một cách khủng khiếp. Trước khi chết, nó cho tôi cái ví và tặng tôi đôi ủng mà nó đã thừa hưởng của Kemơrich. Tôi đi đôi ủng rất vừa chân. Sau tôi, sẽ đến lượt Jađơn. Tôi đã hứa với nó thế.
Chúng tôi đã chôn cất được Muynlơ, nhưng chắc nó không nằm yên được lâu đâu. Phòng tuyến của chúng tôi bị rút về phía sau. Trước mặt chúng tôi, có quá nhiều quân Anh và Mỹ vừa mới xuất trận, chúng có nhiều thịt bò ướp quá, nhiều đại bác và máy bay quá. Còn chúng tôi thì gầy gò và đói ăn. Lương thực tồi quá, làm toàn bằng thế phẩm, đến nỗi ăn phát ốm. Trong khi bọn chủ nhà máy ở bên Đức bụ bẫm thì chúng tôi bị bệnh kiết lị hành hạ, cháy ruột cháy gan. Những hố đại tiện lúc nào cũng đầy những khách hàng ngồi xổm. Cần phải cho những người ở hậu phương nhìn thấy những bộ mặt xám ngoét, vàng vọt, khốn khổ và nhẫn nhục này, những thân hình gầy gập xuống mà bệnh đau ruột đã hút hết cả máu một cách ghê gớm, những bộ mặt nhìn nhau chỉ biết mỉm cười chua chát, nói với nhau qua đôi môi mím chặt và run lên vì đau đớn:
Mặc quần lại làm quái gì cho mất công...

Pháo binh của chúng tôi đã phải bó tay rồi, đạn dược quá ít, nòng súng mòn đến nỗi đường đạn đi không chính xác nữa, thậm chí nện xuống cả quân mình. Chúng tôi có ít ngựa quá; những đơn vị mới xuất trận đều là những đứa trẻ xanh xao thiếu máu, cần được nâng niu, chúng nó không mang nổi ba lô, nhưng lại biết chết hàng nghìn một lúc. Chúng nó chẳng hiểu gì về chiến tranh cả, chỉ biết có đi lên phía trước để kẻ địch nấp một chỗ mà bắn cho bằng thích. Một thằng phi công đã nghịch ngợm hạ thổ một lúc được hai đại đội tân binh, ngay lúc bọn này vừa ở trên tàu xuống, chưa tìm được chỗ trú ẩn.
- Chẳng mấy chốc, nước Đức sẽ hết cả người. - Cát nói.
Chúng tôi chẳng hi vọng những chuyện như thế. Có rất nhiều chuyện đại loại như thế, lắm khi còn chua chát gấp mấy nữa. Tuy nhiên, những chuyện ấy chẳng có liên quan gì đến việc nổi loạn hoặc phá kỉ luật; đó chỉ là những câu chuyện thật thà, có thế nào nói thế ấy, vì trong đời sống nhà binh, có lắm cái lừa bịp, bất công và ti tiện. Bất chấp mọi gian nguy, trung đoàn nọ theo gót trung đoàn kia, bằng lòng đi vào cuộc chiến đấu ngày càng tuyệt vọng, và hết đợt này đến đợt khác tiếp nhau tấn công vào một phòng tuyến ngày càng phải lùi lại và bị đập nát vụn; cái đó không vĩ đại sao? Những chiếc xe tăng, trước kia chỉ là một vật để chế giễu, nay trở thành những vũ khí ghê gớm.
Chúng dàn ra thành những tuyến thiết giáp dài dằng dặc và hơn bất cứ cái gì khác, chúng là hiện thân của chiến tranh khủng khiếp đối với chúng tôi.
Những khẩu đại bác trút hỏa lực dồn dập xuống chúng tôi. Chúng tôi không nhìn thấy chúng; những tuyến xung phong của địch gồm những con người bằng xương bằng thịt như chúng tôi; nhưng những chiếc xe tăng ấy là những cái máy; vòng xích của chúng quay bất tận y như cuộc chiến tranh vậy. Chúng mang đến sự tiêu diệt, khi chúng lạnh lùng bò xuống những hố trái phá, rồi lại bò lên ngay lập tức, thật là cả một hạm đội bọc thép, luôn luôn gầm thét và khạc lửa, những con quái vật bằng thép bất khả xâm phạm, nghiến nát cả người chết lẫn người bị thương… Trước mặt chúng nó, chúng tôi phải hết sức co rúm cái thân hình yếu ớt của mình lại. Trước sức mạnh khổng lồ của chúng, cánh tay chúng tôi chỉ là những cọng rơm và lựu đạn chúng tôi chỉ là những que diêm. Trái phá, hơi ngạt, xe tăng: những vật nghiến nát anh, xâu xé anh và giết chết anh. Bệnh lị, bệnh cúm, bệnh chấy rận: những cái làm anh nghẹt thở, đốt cháy anh và giết chết anh.
Chiến hào, nhà thương và nấm mồ công cộng: không có gì khác.
Béctinh, người chỉ huy đại đội của chúng tôi đã chết trong một trận tấn công. Ông ta là một trong những sĩ quan ưu tú của mặt trận, khi gặp nguy hiểm, luôn luôn xông lên hàng đầu. Ông ta ở với chúng tôi đã hai năm mà chưa bị thương lần nào. Tất nhiên cuối cùng thế nào cũng gặp một cái gì. Chúng tôi đang nấp trong một hố trái phá, bốn phía quân địch vây kín cả. Hơi thuốc súng mù mịt phả vào chúng tôi, lại thêm cái mùi dầu, mỡ và ét-xăng nồng nặc. Chúng tôi phát hiện ra hai tên địch mang một khẩu súng phun lửa; một tên đeo cái bình sau lưng, còn tên kia cầm cái ống phun. Nếu chúng nó lại gần được, thì chúng tôi bị nướng chín hết, vì trong tình huống hiện thời, chúng tôi không còn đất rút lui nữa.
Chúng tôi nhắm bắn tới tấp. Nhưng chúng vẫn tiến lại gần được, thật là nguy quá. Béctinh nằm trong hố cùng với chúng tôi. Khi thấy chúng tôi bắn không trúng vì trước hỏa lực ác liệt của địch, chúng tôi còn mải lo ẩn nấp, ông ta bèn lấy một khẩu súng, bò ra ngoài hố trái phá, rồi tì lên khuỷu tay, nhằm bắn. Phát súng nổ; nhưng đồng thời ông cũng bị trúng đạn. Tuy vậy, ông ta vẫn nằm nguyên chỗ cũ và tiếp tục nhắm. Ông ta hạ súng xuống một lát rồi lại đưa lên vai; phát đạn nổ, Béctinh để rơi khẩu súng xuống và nói:
Tốt!
, sau đó ông ta lại bò xuống hố. Tên lính mang súng phun lửa đứng xa đã bị thương; nó ngã xuống, thằng kia không chụp được cái ống phun, lửa cháy bùng bùng tứ phía, và thế là tên kia bị chết cháy.
Béctinh bị đạn trúng ngực. Một lát sau, cằm ông ta lại bị vỡ nát vì một mảnh đạn trái phá. Cái mảnh đạn ấy còn đủ sức hất văng cả xương hông của Lia đi.
Lia rên rỉ và gục xuống hai cánh tay. Nó mất máu rất nhanh… Không ai có thể cứu được nó nữa. Chỉ vài phút sau, người nó rúm lại như một cái ruột cao su hết hơi. Hồi trước đi học, nó giỏi toán đến thế, nay có ích gì cho nó không?
Tháng nọ tiếp tháng kia, mùa hè năm 1918 này gay go và đẫm máu hơn tất cả. Ngày trôi qua như những vị thiên thần mặc áo giáp vàng và ngọc lưu li, thản nhiên bay lượn trên cảnh chiến trường khốc liệt.
Chúng tôi, ai cũng biết rằng sẽ thua trận.
Nhưng không ai nói nhiều về chuyện đó. Chúng tôi lùi; sau trận tấn công lớn ấy, chúng tôi không đủ sức công kích nữa; chúng tôi chẳng còn lính, cũng chẳng còn đạn dược. Tuy nhiên, cuộc chiến đấu vẫn tiếp tục và người ta vẫn tiếp tục chết…
Mùa hè năm 1918... Chưa bao giờ, cuộc sống với cái hình dáng thảm hại của nó lại làm cho chúng tôi thèm khát như bây giờ, những bông hoa mào gà đỏ chói của đồng nội, lả lướt trên ngọn cỏ, những buổi chiều ấm áp trong những căn phòng mát mẻ, tranh tối tranh sáng; những cây cối đen ngòm và bí mật trong hoàng hôn, những ngôi sao và những dòng nước, những giấc mơ và những giấc ngủ triền miên, ôi cuộc sống, cuộc sống, cuộc sống!...
Mùa hè năm 1918. Chưa bao giờ chúng tôi phải cắn răng chịu đựng nhiều nỗi khổ tâm khi bước ra hỏa tuyến như lúc này. Những tin đồn đại náo nức biết bao, về đình chiến, về hòa bình bắt đầu xuất hiện; chúng nó giao động lòng người và khiến cho những cảnh ra đi nặng nề hơn bao giờ hết.
Mùa hè năm 1918... chưa bao giờ đời sống ở mặt trận lại cay đắng và khốc liệt hơn những giờ phút nằm dưới lửa đạn khi những bộ mặt tái nhợt úp vào bùn và những bàn tay co quắp lại, thốt ra một lời phản kháng duy nhất:
Không, không, không, không phải lúc này! Không phải lúc này, vì gần chấm dứt rồi!

Mùa hè năm 1918...
Luồng gió hi vọng mơn trớn những cánh đồng bị lửa đạn tàn phá, cơn sốt hầm hập của chờ mong và thất vọng, cái rùng mình đau đớn của chết chóc, vấn đề không sao hiểu nổi:
Tại sao? Tại sao người ta không chấm dứt đi cho? Và tại sao lại có những tin đồn là sắp chấm dứt?
Sao mà lắm thằng lái máy bay thế, bọn chúng tự tin đến cái mức săn đuổi cả những người lính đi lẻ loi, như săn thỏ vậy. Cứ một máy bay Đức thì ít ra có đến năm máy bay Anh và Mỹ. Cứ một người lính Đức mệt mỏi và đói khát nằm trong chiến hào thì phải có đến năm tên khỏe mạnh, lực lưỡng ở chiến hào đối diện.
Cứ một cái bánh lính của Đức, thì phía trước mặt chúng tôi, phải có năm mươi hộp thịt. Chúng tôi chưa bị đánh bại, vì là lính mà nói, thì chúng tôi mạnh hơn và có kinh nghiệm hơn họ; chúng tôi bị đè bẹp và đánh lui chẳng qua vì họ hơn quá nhiều về số lượng.
Mấy tuần mưa rả rích; trời xám, đất xám và nhão nhoét, cái chết xám. Khi chúng tôi lên xe ra tiền tuyến, áo khoác ngoài và quần áo chúng tôi đã ướt sũng và ướt như thế suốt cả thời gian chúng tôi ở chiến hào. Người chúng tôi chả lúc nào khô cả. Ai còn đi ủng thì lấy những túi đất nhét quanh phía trên ủng để cho nước bùn không vào được quá nhanh.
Súng ống bê bết những bùn, quân phục nhoét ra, rữa nát ra; tất cả đều là một khối đất đầm đìa, nhầy nhụa với những cái áo màu vàng trong đó những vũng máu vẽ thành những hình trôn ốc đỏ thẫm. Những người chết, những người bị thương, những người sống sót, từ từ lút ngập xuống đấy.
Bão táp gầm thét điên cuồng trên đầu chúng tôi.
Những mảnh trái phá bắn ra như mưa làm nổi lên từ cái khoảng hỗn loạn xám ngoét và vàng khè ấy những tiếng gào thét xé ruột xé gan, những tiếng kêu như tiếng trẻ con của những người bị đạn và trong đêm tối, cuộc sống bị vò xé đã cất lên tiếng rên rỉ, rồi tận cùng một cách đau đớn bằng sự im lặng ngàn đời.
Hai bàn tay chúng tôi toàn là đất; khắp người chúng tôi toàn là đất sét, mắt chúng tôi là những cái ao nước mưa. Chúng tôi cũng chẳng biết là mình còn sống hay không.
Rồi hơi súng tràn xuống các hố của chúng tôi. Nó ẩm thấp, lầy nhầy như một con sứa, và, một ngày cuối mùa hè, Cát đã ngã ngựa khi đi lấy lương thực.
Chúng tôi chỉ có hai đứa; tôi buộc vết thương cho anh ta ở xương ống chân có lẽ bị gãy; tóm lại phát đạn đã trúng vào xương chân.
Cát rên rỉ một cách tuyệt vọng:
Lúc này… đúng lúc này…
Tôi an ủi anh ta:
Ai biết được cái trò giết chóc nhau này còn kéo dài đến tận bao giờ? Thế là cậu thoát đấy…
Vết thương bắt đầu chảy máu dữ. Không thể nào để Cát nằm một mình trong khi tôi đi lùng cáng. Hơn nữa, tôi cũng không biết quanh đây có bộ phận tải thương nào không.
Cát không nặng lắm, tôi cõng anh ta lên vai và đi về phía trạm cấp cứu.
Chúng tôi dừng lại hai lần. Cõng như thế, anh ta đau lắm. Hai đứa chẳng nói năng gì cả. Tôi cởi khuy cổ áo ra và thở hồng hộc. Mồ hôi đầm đìa, mặt nặng ra vì phải dùng quá sức; tuy vậy, tôi vẫn nhất quyết tiếp tục đi vì khu vực này nguy hiểm lắm.
- Chúng mình lại đi, Cát nhé?
- Đành phải đi thôi, Pôn ạ.
- Nào ta đi!
Tôi xốc anh ta lên. Anh ta đứng bằng cái chân lành và tựa vào thân cây; tôi gượng nhẹ đỡ cái chân bị thương của anh; anh ta rùng mình một cái và tôi đưa tay quặp lấy đầu gối cái chân lành.
Con đường mỗi lúc một gay go. Thỉnh thoảng một quả đại bác lại rít lên.
Tôi cố sức đi thật nhanh, máu Cát rỏ từng giọt xuống đất. Chúng tôi tránh đại bác không ra làm sao cả vì trước khi ẩn nấp được thì viên đạn đã đi quá lâu rồi.
Chúng tôi xuống một hố trái phá nhỏ để đợi một chút; tôi rót nước chè trong bi đông của tôi cho Cát uống. Hai đứa hút một điếu thuốc lá.
- Cát nhỉ, tôi buồn rầu nói, thế là phen này hai đứa mình lại mỗi đứa một nơi.
Anh ta lặng yên và nhìn tôi.
- Cát này, cậu còn nhớ không, con ngỗng chúng mình bắt được ấy mà? Cậu còn nhớ cái hồi mình còn là tân binh và bị thương lần đầu, cậu cứu mình thế nào không? Dạo ấy, mình còn khóc; ấy thế mà gần ba năm rồi đấy Cát nhỉ.
Anh ta gật đầu.
Nghĩ đến lúc còn lại mỗi một mình, tôi thấy sợ.
Khi Cát chuyển đi nơi khác là tôi sẽ không còn một thằng bạn nào ở đây nữa.
- Cát này, nếu quả thật đình chiến trước khi cậu trở lại đây, thì thế nào chúng mình cũng phải gặp nhau mới được.
- Cậu tưởng cái chân như thế này mà còn ra trận được à? - Cát nói đầy vẻ cay đắng.
- Cứ nghỉ ngơi là khỏi thôi. Khớp xương còn tốt, có lẽ không việc gì đâu.
- Cho mình một điếu nữa.
- Có lẽ sau này, hai đứa chúng mình sẽ cùng nhau làm một việc gì, Cát nhỉ.
Tôi buồn lắm. Cát, bạn Cát thân yêu của tôi, với đôi vai xuôi và bộ ria mép nhỏ, Cát mà tôi hiểu hơn bất cứ người nào ở trên đời này, Cát đã cùng tôi chia bùi sẻ ngọt mấy năm nay, không thể nào tôi không gặp Cát được nữa.
- Cát này, cứ cho mình cái địa chỉ, để khi nào mình trở về nhà. Còn địa chỉ của mình, mình viết cho cậu đây. Tôi bỏ mảnh giấy vào trong túi cho Cát. Tôi cảm thấy trơ trọi biết bao, dù rằng Cát vẫn còn ngồi bên tôi! Tôi có nên bắn ngay một phát vào bàn chân để được ở bên anh ta không? Đột nhiên Cát nấc lên một cái và tái xanh cả người.
- Đi thôi, - Anh ta lắp bắp.
Tôi điên cuồng chồm lại đỡ anh ta, tôi cõng anh ta lên lưng và bắt đầu chạy, chạy đều đều, chầm chậm để cho cái chân anh ta khỏi bị lắc mạnh.
Cổ họng tôi khô cháy, tôi cắn răng cứ đi văng mạng, gần như lảo đảo, cuối cùng khi đến được trạm cứu thương thì mắt tôi hoa cả lên. Đến nơi, đầu gối tôi khuỵu xuống, nhưng tôi cũng còn đủ sức ngã về bên cái chân lành của Cát. Mấy phút sau, tôi từ từ nhỏm dậy, chân tay run lên bần bật; mãi tôi mới tìm thấy cái bi đông để uống một ngụm. Trong khi uống, môi tôi nai lên. Nhưng tôi mỉm cười: Cát đã đến nơi an toàn rồi.
Một lát sau, tôi thấy cả một đám tiếng nói mơ hồ, láo nháo, đập vào tai tôi:
- Việc gì cậu phải mất công như thế này? - Một gã y tá nói.
Tôi nhìn hắn, không hiểu gì cả. Hắn ta chỉ Cát và nói thêm:
- Cậu xem đấy. Nó chết rồi còn gì nữa.
Tôi không hiểu hắn nói gì.
- Anh ấy bị đạn vào chân mà, - Tôi nói.
Gã y tá không nhúc nhích:
- Còn chỗ khác nữa chứ…
Tôi quay lại. Mắt tôi vẫn còn hoa lên. Lúc này, mồ hôi lại vã ra, chảy ròng ròng trên mi mắt, tôi lau mồ hôi và nhìn kĩ Cát; anh ta nằm, không động đậy.
- Bị ngất đấy, - Tôi nói nhanh.
Gã y tá khẽ huýt sáo:
- Tớ biết hơn cậu chứ? Nó chết rồi; muốn cuợc gì thì cuợc?
- Không thể như thế được, mình vừa mới nói chuyện với anh ấy cách độ mươi phút thôi mà; anh ấy ngất đấy thôi.
Bàn tay Cát còn nóng, tôi đỡ vai Cát lên, định lấy nước chè xoa cho anh ta. Nhưng tôi thấy những ngón tay tôi ươn ướt, khi rút tay ra khỏi đầu Cát, tôi thấy bàn tay tôi đầy những máu. Gã y tá lại huýt sáo khe khẽ.
- Cậu thấy không?
Thì ra, trên đường đi, Cát đã bị một mảnh đạn trái phá bắn vào đầu mà tôi không biết gì cả; chỉ là một lỗ rất nhỏ một mảnh đạn bé tẹo thôi. Một mảnh đạn lạc, nhưng thế cũng đủ rồi. Cát đã chết.
Tôi thong thả đứng dậy.
- Cậu có muốn lấy quân bạ và những đồ dùng của nó không? - Gã hạ sĩ quan hỏi tôi.
Tôi gật đầu và hắn ta đưa cho tôi.
Gã y tá tỏ vẻ ngạc nhiên:
- Các cậu không có họ hàng gì với nhau kia mà?
- Không, chúng tôi chẳng có họ hàng gì với nhau cả. Không, chẳng có một tí gì...
Liệu tôi có đi nổi không? Tôi có còn chân nữa không? Tôi ngước mắt lên, đưa mắt nhìn quanh, tôi xoay người một vòng theo tầm mắt, cho đến lúc tôi dừng lại.
Tất cả vẫn như thường: chỉ trừ có anh quân nhân dự bị Stanitlat Catdinxki đã chết mà thôi.
Sau đó, tôi chẳng biết gì nữa.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Phía Tây Không Có Gì Lạ.