• 338

Chương 25


Số từ: 7422
Dịch giả: Trần Quý Dương
C.ty Nhã Nam phát hành
NXB Thời Đại
Chẳng có cách nào dễ dàng đi qua cổng kiểm tra an ninh của sân bay khi mang theo một dùi cui, một con dao và một khẩu súng lớn bằng kim loại. Thế nên tôi để chiếc áo khoác ngụy trang trong xe của Finlay và bảo ông chuyển nó sang chiếc Bentley. Đội trưởng thám tử vào sảnh xuất phát cùng tôi và bỏ gần bảy trăm đô từ thẻ tín dụng của ông để trả cho chuyến khứ hồi của tôi tới New York bằng máy bay của hãng Delta. Rồi ông ra đi để tìm motel ở Alabama còn tôi qua cổng ra máy bay tới La Guardia.
Tôi ở trên không trung mà không có ánh mặt trời hơn hai giờ đồng hồ và ngồi xe taxi ba mươi lăm phút. Có mặt ở Manhanan sau 4 giờ 30 một chút. Tôi đã ở đây hồi tháng Năm và vào tháng Chín thì noi này vẫn trông hệt như cũ. Cái nóng mùa hè đã chấm dứt, thành phố trở lại với nhịp sống cũ. Chiếc taxi đưa tôi qua cầu Triborough hướng về phía Tây theo đường 116. Vòng quanh công viên Momingside rồi thả tôi xuống lối vào chính của Đại học Columbia. Tôi đi vào tìm đường tới phòng an ninh của trường. Gõ lên tấm cửa kính. Một cảnh sát của trường kiểm tra bảng ghi và cho tôi vào. Dẫn tôi tới một phòng ở phía sau và chỉ về phía giáo sư Kelstein. Tôi trông thấy một người đàn ông nhỏ thó, rất già, quắt queo vì tuổi tác, mái tóc bạc trắng cực dày. Ông trông đúng như ông già quét dọn tôi đã thấy trên tầng ba nhà tù ở Warburton, trừ một điều ông là người da trắng.
"Hai gã gốc Tây Ban Nha đã quay lại chưa?" tôi hỏi viên cảnh sát của trường.
Anh ta lắc đầu.
"Vẫn chưa trông thấy chúng", anh ta đáp. "Văn phòng của ông già nói với chúng rằng cuộc hẹn ăn trưa bị hủy. Có lẽ bọn chúng bỏ đi rồi".
"Tôi hy vọng thế. Trong khi đó anh sẽ phải theo dõi ông già này một thời gian. Hãy làm việc này đến Chủ nhật."
"Tại sao thế? Có chuyện gì đang diễn ra?"
"Nói chính xác thì tôi không chắc chắn. Tôi đang hy vọng là ông già có thể nói cho tôi biết?
Viên cảnh sát đưa chúng tôi trở lại văn phòng riêng của Kelstein và để chúng tôi ở lại. Đây là một căn phòng nhỏ, không được sạch sẽ, sách và các cuốn tạp chí dày cao tới tận trần. Kelstein ngồi vào một chiếc ghế bành cũ rồi ra hiệu cho tôi ngồi vào chiếc phía đối diện.
"Chính xác thì điều gì xảy ra với Bartholomew?" vị giáo sư già hỏi.
"Tôi không biết chính xác. Cảnh sát Jersey nói rằng ông ấy bị đâm trong một vụ cướp xảy ra bên ngoài nhà ông ấy."
"Nhưng ông vẫn hoài nghi à?" Kelstein hỏi.
"Anh trai tôi đã lập một danh sách các mối liên hệ. Ông là người duy nhất trong số đó còn sống."
"Anh trai ông là ông Joe Reacher à?"
Tôi gật đầu.
"Anh ấy bị giết hôm thứ Năm tuần trước. Tôi đang cố gắng tìm hiểu vì sao lại thế."
Kelstein nghiêng đầu nhìn ra ngoài cửa sổ đầy bụi bặm.
"Tôi chắc chắn là ông biết vì sao", ông già nói. "Ông ấy là điều tra viên. Rõ ràng ông ấy bị giết trong khi thực hiện một cuộc điều tra. Điều ông cần biết là ông ấy đang điều tra cái gì ".
"Ông có thể nói cho tôi biết đó là gì chứ?"
Vị giáo sư già lắc đầu.
"Chỉ có thể nói những vấn đề chung nhất", ông nói. 'Tôi không thể giúp ông với các vấn đề cụ thể."
"Anh ấy không bàn những vấn đề cụ thể với ông sao?"
"Ông ấy sử dụng tôi như người nhận xét về các ý định ban đầu. Chúng tôi cùng phỏng đoán với nhau. Tôi cực kỳ thích việc ấy. Anh trai Joe của ông là một đối tác thú vị. Ông ấy có một cái đầu nhạy và sự chính xác rất hấp dẫn trong cách ông ấy trình bày ý kiến của mình. Làm việc với ông ấy thật dễ chịu."
"Nhưng các ông không bàn những vấn đề cụ thể à?" tôi hỏi lại.
Kelstein khum hai bàn tay lại như người đàn ông cầm chiếc chén không.
"Chúng tôi bàn bạc mọi vấn đề," ông nói. "Nhưng chúng tôi không đi tới kết luận nào cả."
"OK," tôi nói. "Chúng ta đi từ đầu được chứ? Cuộc bàn thảo đề cập đến vấn đề tiền giả, đúng không?"
Kelstein nghiêng cái đầu lớn về một bên. Trông vui vẻ.
"Rõ ràng là thế," ông nói. "Ông Joe Reacher và tôi tìm được gì khác để bàn chứ?"
"Tại sao lại là ông?" tôi hỏi không hề e ngại.
Vị giáo sư già nở nụ cười khiêm tốn, nụ cười chuyển thành nét lo lắng. Rồi trở thành nụ cười mỉa mai.
"Bởi tôi là tay làm giả giỏi nhất trong lịch sử," ông nói. "Tôi vừa định nói rằng tôi là một trong hai người giỏi nhất trong lịch sử, nhưng sau những gì xảy ra đêm qua ở Princeton, đáng buồn là bây giờ chỉ còn lại tôi."
"Ông và Bartholomew à? Các ông là những kẻ làm tiền giả sao?"
Ông già lại mỉm cười.
"Không phải do chúng tôi chọn," ông nói. "Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, những người trẻ tuổi như Walter và tôi phải làm những nghề rất lạ. Ông ấy với tôi được coi là phát huy tác dụng trong ngành tình báo tốt hơn là chiến đấu. Chúng tôi được tuyển vào SIS, mà ông biết đó là cơ quan thời sơ khai nhất của CIA. Những người khác chịu trách nhiệm tấn công kẻ thù bằng súng và bom. Chúng tôi được giao nhiệm vụ tấn công kẻ thù bằng kinh tế. Chúng tôi đã lập ra một kế hoạch làm sụp đổ nền kinh tế của bọn phát xít bằng cuộc tấn công nhằm vào giá trị tiền giấy. Dự án của chúng tôi sản xuất ra vài trăm tỷ đồng mark giả. Các máy bay ném bom rải tiền giả đó khắp nước Đức. Chúng rơi từ trên trời xuống như hoa giấy".
"Việc đó thành công chứ?" tôi hỏi.
"Có và không. Điều chắc chắn là nền kinh tế của chúng suy sụp. Đồng tiền của chúng mất giá rất nhanh. Nhưng điều tất nhiên là phần lớn hoạt động sản xuất của chúng sử dụng lao động nô lệ. Các nô lệ chẳng quan tâm liệu tiền lương trong túi của một kẻ khác có đáng giá hay không. Và tất nhiên người ta tìm ra những loại hình tiền tệ khác. Sô cô la, thuốc lá, bất kỳ thứ gì. Tóm lại thì việc đó cũng thành công một phần. Nhưng việc ấy biến Walter và tôi trở thành hai kẻ làm giả vĩ đại nhất lịch sử. Đúng như thế, nếu ông lấy tổng lượng tiền giả làm tiêu chí đánh giá. Còn thì tôi không dám nhận là mình có tài năng xuất chúng ở khâu cuối cùng trong quá trình ấy, khâu in mực."
"Vậy nên Joe sử dụng tới trình độ của các ông phải không?"
"Walter và tôi đâm ra lại say mê công việc đó. Chúng tôi đã nghiên cứu lịch sử làm tiền giả. Việc ấy diễn ra ngay sau ngày tiền giấy xuất hiện lần đầu tiên. Nó không bao giờ chấm dứt. Chúng tôi trở thành các chuyên gia. Sau chiến tranh chúng tôi vẫn duy trì mối quan tâm ấy. Chúng tôi có một quan hệ lỏng lẻo với chính phủ. Cuối cùng, cách đây vài năm, một tiểu ban của Thượng nghị viện đề nghị chúng tôi lập một bản báo cáo. Với tất cả sự khiêm tốn, tôi có thể nói rằng nó trở thành cẩm nang chống tiền giả của Bộ Tài chính. Tất nhiên là anh trai ông biết nó rất rõ. Đó là lý do ông ấy nói chuyện với Walter và tôi."
"Nhưng ông ấy nói chuyện gì với các ông?"
"Joe là một cây chổi mới. Ông ấy được đưa về để quét sạch các vấn đề. Thực sự ông ấy là người rất tài năng. Công việc của ông ấy là xóa sạch nạn tiền giả. Giờ thì đó là công việc bất khả thi. Walter với tôi đã bảo ông ấy thế. Nhưng Joe đã gần như thành công. Ông ấy suy nghĩ rất nhiều, và đã áp dụng những biện pháp đơn giản tuyệt vời. Ông ấy gần như chặn đứng mọi hoạt động in tiền giả trong lòng nước Mỹ."
Tôi ngồi trong văn phòng chật chội lắng nghe ông già nói. Kelstein đã biết về Joe nhiều hơn tôi. Ông đã cùng chia sẻ những hy vọng và kế hoạch của Joe. Chúc mừng thành công của anh. Thông cảm với những trở ngại anh gặp phải. Họ đã nói chuyện rất cụ thể trong một thời gian dài, sinh động, tranh luận tóe lửa. Cuộc nói chuyện mặt đối mặt cuối cùng của tôi với Joe diễn ra rất ngắn, sau đám tang mẹ tôi. Khi ấy tôi đã không hỏi anh đang làm gì. Tôi chỉ nhìn nhận anh là anh trai mình. Chỉ coi anh là Joe. Tôi đã không nhìn thấy thực tế đời sống của anh là một quan chức cao cấp với vài trăm người dưới quyền, được Nhà Trắng tin tưởng giao xử lý các vấn đề lớn, đủ khả năng gây ấn tượng mạnh với một người già dặn đầy khôn ngoan như Kelstein. Tôi ngồi đó, trong chiếc ghế bành và cảm thấy đau buồn. Tôi đã đánh mất thứ gì đó mà tôi chưa bao giờ biết là mình có.
"Các hệ thống của ông ấy rất hay", Kelstein nói. "Phân tích của ông ấy rất sắc sảo. Joe tập trung vào mực và giấy. Suy cho cùng mọi thứ đều dẫn tới mực và giấy in, đúng không? Nếu bất kỳ kẻ nào mua loại mực và giấy có thể dùng để làm giả tiền, Joe sẽ biết ngay trong vòng vài giờ. Ông ấy sẽ quét sạch bọn ấy chỉ sau vài ngày. Ông ấy khiến hoạt động in tiền giả trong lòng nước Mỹ giảm chín mươi phần trăm. Và ông ấy lần theo mười phần trăm còn lại mạnh đến mức gần như tóm được hết trước khi chúng kịp phân phối những tờ tiền giả. Joe gây ấn tượng rất mạnh với tôi".
"Vậy vấn đề là gì?" tôi hỏi vị giáo sư già.
Kelstein dùng hai bàn tay nhỏ, trắng làm vài cử chỉ ngắn gọn rất chính xác, như thể ông đang gạt đi một khả năng này và giới thiệu một khả năng khác.
"Vấn đề nằm ở nước ngoài", ông nói. "Bên ngoài nước Mỹ. Tình hình bên ngoài rất khác. Ông biết rằng bên ngoài nước Mỹ có lượng đô la nhiều gấp đôi trong nước chứ?"
Tôi gật đầu. Tôi tóm lại những điều Molly đã nói cho tôi về những khoản tiền giữ ở nước ngoài. Niềm tin và sự tin tưởng. Nỗi lo sợ nhu cầu đối với đồng đô la bất ngờ sụp đổ. Kelstein đang gật gật đầu như thể tôi là sinh viên của ông và ông thích khóa luận của tôi.
"Quả là thế," ông nói. "Chuyện này liên quan nhiều tới chính trị hơn là pháp luật. Cuối cùng thì nhiệm vụ chính của chính phủ là bảo vệ giá trị đồng tiền của mình. Chúng ta có hai trăm sáu mươi tỷ đô la ở nước ngoài. Đồng đô la là loại tiền tệ không chính thức của vài chục quốc gia. Chẳng hạn, ở nước Nga mới, đô la Mỹ còn nhiều hơn đồng rúp. Trên thực tế, giống như Washington đã vay một khoản nợ nước ngoài khổng lồ. Nếu huy động bằng bất kỳ cách nào khác, riêng tiền lãi của khoản nợ ấy sẽ ngốn của chúng ta mỗi năm hai mươi sáu tỷ đô la. Nhưng bằng cách này chúng ta chẳng phải mất gì trừ chi phí in hình ảnh của các chính trị gia đã chết lên những mảnh giấy nhỏ. Tất cả là thế đấy, ông Reacher. In tiền bán cho người nước ngoài là việc tốt nhất chính phủ có thể làm. Thế nên công việc trên thực tế của Joe đóng góp cho đất nước này mỗi năm hai mươi sáu tỷ đô. Và ông ấy làm việc đó bằng nguồn lực phù hợp với những yêu cầu to lớn đó."
"Vậy vấn đề nằm ở đâu? Do địa lý à?"
"Hai nơi chính," Kelstein giải thích. "Trước hết là Trung Đông. Joe tin rằng có một nhà máy ở thung lũng Bekaa sản xuất ra những tờ một trăm đô giả hoàn hảo. Nhưng ông ấy khó có thể ngăn việc đó. Ông từng tới đó rồi chứ?"
Tôi lắc đầu. Tôi từng đóng quân ở Beirut một thời gian. Tôi biết một số người tới thung lũng Bekaa vì lý do này hay lý do khác. Không nhiều người quay trở về.
"Vùng đất của Libăng do Syria kiểm soát," Kelstein tiếp. "Joe gọi đó là miền đất dữ. Ở đó họ làm mọi chuyện. Trại huấn luyện cho những tên khủng bố trên thế giới, phòng thí nghiệm điều chế ma túy, ông nêu tên được thứ gì thì chúng có thứ đó. Kể cả bản sao tuyệt vời của Cục In khắc của chúng ta!
Tôi suy nghĩ về điều này. Suy nghĩ về thời gian tôi từng ở đó.
"Được những ai bảo vệ?" tôi hỏi.
Kelstein mỉm cười với tôi lần nữa. Gật đầu.
"Một câu hỏi rất nhạy bén," ông nói "Rõ ràng ông đã nhận thức rằng hoạt động ở quy mô ấy rất lộ liễu, rất phức tạp, rằng bằng cách nào đó nó phải được bảo trợ. Joe tin rằng hoạt động này được bảo vệ, hoặc thậm chí chính là hoạt động của chính phủ Syria. Vì vậy sự can thiệp của ông ấy rất hạn chế. Ông ấy kết luận rằng giải pháp duy nhất là đường ngoại giao. Nếu thất bại, ông ấy ủng hộ các cuộc không kích để ngăn chặn hoạt động đó. Có lẽ chúng ta sẽ sống để chứng kiến giải pháp ấy vào một ngày nào đó."
"Còn nơi thứ hai thì sao?"
Vị giáo sư già trỏ ra ngoài cửa sổ phòng bám đầy bụi. Hướng về phía Nam, theo đại lộ Amsterdam.
"Nam Mỹ," ông nói. "Nguồn thứ hai là Venezuela. Joe đã xác định được vị trí của nơi đó. Đó là mục tiêu ông ấy đang nhắm vào. Những tờ bạc một trăm đô giả cực kỳ chất lượng đang chảy đi từ Venezuela. Nhưng là một doanh nghiệp tư nhân hoàn toàn. Không có dấu hiệu nào cho thấy sự dính líu của chính phủ sở tại."
Tôi gật đầu.
"Chúng tôi đã suy đoán được tới đó," tôi nói. "Một gã tên Kliner ở Georgia, nơi Joe bị giết."
"Quả là thế. Tay Kliner mưu mẹo này. Hoạt động này của hắn. Hắn đang điều hành toàn bộ. Chúng ta biết chắc điều đó. Bây giờ hắn thế nào?"
"Hắn đang hoảng sợ," tôi nói. "Hắn đang giết người."
Kelstein gật đầu buồn bã.
"Chúng tôi nghĩ có thể Kliner hoảng sợ," ông nói. "Hắn đang bảo vệ hoạt động rất hiệu quả. Là hoạt động tốt nhất chúng tôi từng chứng kiến."
'Tốt nhất hả?"
Kelstein gật đầu một cách nhiệt tình.
"Rất hiệu quả," ông nhắc lại. "Ông biết đến mức nào về sản xuất tiền giả?"
Tôi nhún vai.
"Biết nhiều hơn tuần trước. Nhưng tôi cho là không đủ."
Vị giáo sư già gật đầu và dịch cơ thể mỏng manh của mình trên ghế. Hai mắt ông sáng lên. Ông chuẩn bị bắt đầu một bài giảng về chủ đề ông ưa thích.
"Có hai loại người làm tiền giả", Kelstein bắt đầu. "Là loại giỏi và loại dốt. Những người giỏi biết làm việc ấy đúng cách. Ông biết sự khác biệt giữa thuật in đá và in khắc lõm chứ?"
Tôi nhún vai lắc đầu. Kelstein lấy một cuốn tạp chí đưa cho tôi. Đó là một cuốn tạp chí ra hằng quý của một hội sử học.
"Mở ra đi," ông già nói. "Bất kỳ trang nào cũng được. Miết ngón tay trên mặt giấy. Nó nhẵn, phải không? Đó là in đá. Đó là cách in hầu hết mọi thứ. Sách, tạp chí, báo, mọi thứ. Một con lăn dính mực lăn qua phần giấy trắng. Nhưng in khắc lõm thì khác."
Vị giáo sư già đột nhiên vỗ hai tay vào nhau. Tôi giật mình. Trong căn phòng yên tĩnh của ông, tiếng động ấy thật to.
"Đó là in khắc lõm", ông nói. "Một bản kim loại được ép vào giấy với lực đáng kể. Nó để lại cảm giác gờ lên rõ ràng ở sản phẩm in. Hình ảnh in ra trông như hình ba chiều. Nó có cảm giác ba chiều. Không thể nhầm lẫn được."
Kelstein nhổm người lên để lấy ví trong túi quần ra. Lôi ra một tờ mười đô la. Đưa qua cho tôi.
"Ông có thể cảm nhận được nó chứ?" giáo sư hỏi. "Bản kim loại làm bằng niken phủ một lớp crôm. Các đường rất mảnh được khắc vào lớp crôm, rồi những đường này được đổ mực vào. Bản kim loại ép vào giấy, mực được in vào bề mặt trên cùng của nó. Hiểu chứ? Mực nằm ở các rãnh của bản kim loại nên chúng được truyền sang các gờ trên giấy. In khắc lõm là cách duy nhất tạo được những hình ảnh nổi như thể. Cách duy nhất khiến cho các tờ tiền giả có cảm giác như tiền thật. Đó chính là phương pháp sản xuất tiền thật mà."
"Thế còn mực?"
"Có ba màu," Kelstein nói. "Đen, hai sắc xanh lá cây. Phần sau của tờ tiền được in trước, bằng mực xanh lá cây đậm. Rồi tiền được để khô, ngày hôm sau mặt trước của nó được in bằng mực đen. Phần đó khô đi và mặt trước được in một lần nữa, bằng mực xanh lá cây sáng hơn. Đó là thứ ông trông thấy trên mặt trước đồng tiền, trong đó có số xê ri.
Nhưng màu xanh sáng được in bằng một quy trình khác gọi là in khuôn nổi. Nó cũng hệt như in khắc lõm song mực được đóng vào các rãnh trên giấy chứ không phải các gờ"

Tôi gật đầu nhìn tờ mười đô la, cả mặt trước và mặt sau. Vuốt các ngón tay lên tờ tiền một cách cẩn thận. Thực sự thì trước đây chưa bao giờ tôi nghiên cứu tờ tiền nào.
"Như vậy là bốn vấn đề," vị giáo sư nói. "Máy in, bản kim loại, mực, giấy. Máy in thì có thể mua ở bất kỳ đâu trên thế giới, mới hoặc đã qua sử dụng. Có vài trăm nguồn cung cấp. Hầu hết các nước in tiền, trái phiếu, kỳ phiếu bằng các máy đó. Thế nên có thể mua máy in ở nước ngoài. Thậm chí có thể chế tác được chúng. Joe từng phát hiện một vụ in khắc lõm ở Thái Lan sử dụng máy chế biến cá mực được cải tiến. Những tờ một trăm đô của chúng không chê vào đâu được."
"Thế còn những bản kim loại?" tôi hỏi.
"Các bản kim loại là vấn đề thứ hai. Nhưng đây là vấn đề tài năng. Trên thế giới có những người có thể làm giả tranh của các danh họa nổi tiếng thời xưa, có những người có thể chơi một bản công xéc tô của Mozart sau khi chỉ được nghe một lần. Và chắc chắn có những thợ khắc có thể làm ra các tờ tiền. Đó là một nhận định hoàn toàn lôgic, đúng không? Nếu một người ở Washington có thể khắc ra bản gốc thì chắc chắn có một người ở một nơi khác có thể sao chép nó. Nhưng số đó hiếm. Các chuyên gia sao chép thực sự giỏi thậm chí còn hiếm hơn. Ở châu Mỹ có vài người. Điểm in tiền giả bằng máy chế biến cá mực ở Thái Lan đã dùng một người Malaysia chế ra các bản kim loại."
"Được rồi," tôi nói. "Như vậy Kliner đã mua một máy in, và hắn đã tìm được một chuyên gia khắc. Thế còn mực thì sao?"
"Các loại mực là vấn đề thứ ba. Anh không thể mua thứ gì hiếm như thế ở Mỹ. Joe đảm bảo được việc ấy. Nhưng ở nước ngoài thì có thể mua được. Như tôi đã nói, hầu hết mọi nước trên thế giới đều có cơ sở in tiền của riêng mình. Và rõ ràng là Joe không thể áp dụng các hệ thống của mình ở mọi nước trên thế giới. Thế nên các loại mực thì chẳng khó tìm. Hai loại mực xanh lá cây chỉ là vấn đề về màu. Bọn chúng pha thử cho tới khi có đúng màu cần thiết. Loại mực đen là mực từ tính, ông biết điều đó chứ?"
Tôi lắc đầu lần nữa. Quan sát tờ tiền kỹ hơn. Kelstein mỉm cười.
"Ông không thể thấy được đâu," giáo sư nói. "Một loại hóa chất dạng lỏng có chứa sắt được pha với mực đen. Đó là kiểu hoạt động của các máy đếm tiền điện tử. Chúng quét hình khắc ở giữa chân dung, rồi máy đọc tín hiệu nó phản hồi lại, giống như đầu từ đọc âm thanh của một chiếc cassene."
"Và bọn chúng có loại mực đó à?"
"Bất kỳ nơi nào trên thế giới. Mọi người đều sử dụng nó. Chúng ta tụt hậu so với các nước khác. Chúng ta không thích thừa nhận rằng ta lo lắng về tình trạng tiền giả".
Tôi nhớ lại những điều Molly đã nói. Tín nhiệm và sự tin tưởng. Tôi gật đầu.
'Tiền tệ phải có vẻ ổn định," Kelstein nói. "Đó là lý do chúng ta khá lưỡng lự trong việc thay đổi. Phải tỏ ra đáng tin cậy, chắc chắn, không thay đổi. Cứ lật tờ mười đô ấy lên mà xem."
Tôi nhìn bức hình màu xanh lá cây ở mặt sau tờ mười đô. Tòa nhà Bộ Tài chính đứng ở một con phố không người. Chỉ có một chiếc xe hơi chạy qua. Nó trông giống chiếc Ford dòng T.
"Gần như không thay đổi từ năm 1929," Kelstein nói. "Xét về mặt tâm lý, điều đó rất quan trọng. Chúng ta chọn đặt hình ảnh đáng tin cậy lên trên vấn đề an toàn. Điều ấy khiến cho công việc của Joe trở nên rất khó khăn."
Tôi gật đầu lần nữa.
"Đúng", tôi nói. "Thế là chúng ta đã bàn về máy in, bản kim loại, các loại mực. Thế còn giấy in?"
Gương mặt Kelstein bừng sáng, ông vỗ hai bàn tay nhỏ nhắn vào nhau tỏ ý chúng tôi đã đi đến phần thực sự thú vị.
"Giấy là vấn đề thứ tư," ông nói. "Thực ra chúng ta nên nói đó là vấn đề số một. Cho tới nay là vấn đề lớn nhất. Nó là nguyên nhân Joe và tôi không thể hiểu về hoạt động của Kliner."
"Tại sao không?"
"Bởi giấy của bọn chúng hoàn hảo," vị giáo sư già đáp. "Nó hoàn hảo trăm phần trăm. Giấy của chúng tốt hơn kỹ thuật in. Và đó là điều tuyệt đối tôi chưa nghe nói".
Kelstein bắt đầu lắc lư cái đầu lớn bạc trắng đầy ngạc nhiên. Như thể ông đang chìm vào sự ngưỡng mộ đối với những thành tựu của Kliner. Chúng tôi ngồi yên lặng đối diện nhau trên hai chiếc ghế bành cũ.
"Hoàn hảo à?" tôi mớm lời cho vị giáo sư già.
"Chưa từng thấy," ông nhắc lại. "Giấy là công đoạn khó khăn nhất trong toàn bộ quy trình. Đừng quên nhé, bây giờ chúng ta không nói tới chuyện làm kiểu nghiệp dư. Chúng ta nói tới chuyện làm tiền giả quy mô lớn. Trong một năm, bọn chúng in ra những tờ một trăm đô la giả có tổng giá trị bốn tỷ đô."
"Nhiều thế sao?" tôi ngạc nhiên hỏi.
"Bốn tỷ," Kelstein nhắc lại. "Tương đương với mức ở Libăng. Đó là các con số của Joe. Ông ấy có cách biết được con số đó. Song chuyện này không thể giải thích nổi. Bốn tỷ toàn tiền mệnh giá một trăm đô là bốn mươi triệu tờ. Đó là lượng giấy rất lớn. Đó là số lượng giấy hoàn toàn không lý giải nổi, ông Reacher. Và giấy của chúng là loại hoàn hảo."
"Bọn chúng cần loại giấy nào?"
Vị giáo sư nhoài người lấy lại tờ mười đô la trên tay tôi. Vò, kéo, búng tờ tiền.
'Tờ tiền này là tập hợp các sợi bông và lanh", ông nói. "Rất thông minh và rất độc đáo. Khoảng tám mươi phần trăm bông và hai mươi phần trăm lanh. Trong đó không có chút bột gỗ nào. Kiểu như nó có nhiều thành phần giống với chiếc sơ mi ông đang mặc hơn một tờ báo. Trong thành phần có một loại màu hóa chất rất tinh vi, tạo nên màu kem rất độc đáo. Và nó có những sợi polyme ngẫu nhiên màu đỏ và xanh nước biển mỏng như tơ. Giấy để in tiền là giấy tuyệt vời. Bền, tồn tại được nhiều năm, không tan trong nước dù nóng hay lạnh. Độ thấm hút tuyệt đối chính xác, có khả năng tiếp nhận những hình khắc mảnh nhất mà các nhà sản xuất bản kim loại có thể tạo ra."
"Vậy là khó bắt chước giấy sản xuất tiền à?" tôi hỏi.
"Gần như không thể. Ở góc độ nào đó, giấy này khó bắt chước đến mức ngay cả nhà phân phối chính thức cho chính phủ cũng không thể bắt chước được. Chỉ giữ cho chất lượng ổn định từng mẻ đã là việc rất khó khăn với họ, và cho đến nay họ là nhà sản xuất giấy tinh vi nhất thế giới."
Tôi điểm lại tất cả trong đầu. Máy in, bản kim loại, giấy, mực.
"Như vậy nguồn cung cấp giấy thực sự là chìa khóa cho toàn bộ quy trình à?" tôi hỏi.
Kelstein rầu rĩ gật đầu.
"Đó là kết luận của chúng tôi," ông nói. "Chúng tôi nhất trí rằng nguồn cung cấp giấy là vấn đề sống còn, và chúng tôi đều không biết chúng xoay xở việc này thế nào. Đó là lý do tôi không thể thực sự giúp gì ông. Tôi đã không thể giúp được Joe, và tôi không thể giúp ông. Tôi vô cùng lấy làm tiếc".
Tôi nhìn giáo sư già.
"Chúng có một nhà kho chứa đầy thứ gì đó," tôi nói. "Đó có thể là giấy không?"
Kelstein xì mũi vẻ chế nhạo.
"Ông không nghe tôi nói à?" ông hỏi. "Giấy sản xuất tiền không thể kiếm được. Tuyệt đối không kiếm được. Ông chẳng thể kiểm nổi bốn chục tờ giấy sản xuất tiền chứ nói gì tới bốn mươi triệu tờ. Toàn bộ chuyện này là điều hoàn toàn bí ẩn. Joe, Walter và tôi đã nghĩ nát óc suốt cả năm nhưng không suy ra được gì."
"Tôi nghĩ rằng Bartholomew đã phát hiện ra gì đó."
Kelstein buồn bã gật đầu. Ông chầm chậm nâng người lên khỏi ghế bước tới bàn làm việc. Bấm nút chạy lại trên máy trả lời điện thoại. Căn phòng vang lên tiếng bíp rồi tới tiếng nói của một người đã chết. "Kelstein à?" giọng ấy nói. "Bartholomew đây. Bây giờ là đêm thứ Năm, khuya rồi. Sáng mai tôi sẽ gọi cho ông và sẽ cho ông biết câu trả lời. Tôi biết là tôi đã tới đích trước ông. Chúc ngủ ngon, ông bạn già."
Trong giọng nói có sự phấn khích. Kelstein đứng đó chăm chú nhìn vào khoảng không như thể hồn của Bartholomew vẫn lơ lửng trên đó. Trông ông buồn. Tôi không thể biết lý do bởi là đồng nghiệp già của ông đã mất hay người đồng nghiệp đó đã tìm ra câu trả lời trước ông.
"Tội nghiệp Walter," ông nói. "Tôi đã quen ông ấy năm mươi sáu năm."
Tôi ngồi yên lặng một lúc. Rồi tôi cũng đứng lên.
"Tôi sẽ tìm ra," tôi nói.
Kelstein nghiêng đầu về một bên nhìn tôi sắc lẹm.
"Ông thực sự nghĩ là ông sẽ tìm ra à?" vị giáo sư hỏi. 'Trong khi Joe không thể làm việc đó?"
Tôi nhún vai với ông.
"Có lẽ Joe đã tìm ra. Chúng tôi không biết anh ấy đã phát hiện ra chuyện gì trước khi chúng tóm được anh ấy. Dù gì thì ngay bây giờ tôi sẽ quay về Georgia. Tiếp tục tìm kiếm".
Kelstein gật đầu thở dài. Ông trông căng thẳng.
"Chúc may mắn, ông Reacher", giáo sư nói với tôi. "Tôi hy vọng ông sẽ hoàn thành công việc của anh trai mình. Có lẽ ông sẽ làm được. Joe thường nói tới ông. Ông ấy quý ông, ông biết đấy."
"Anh ấy nói về tôi à?"
"Thường xuyên," ông già nói. "Joe rất quý ông. Ông ấy tiếc là nghề nghiệp của ông khiến ông phải ở xa."
Trong chốc lát tôi chẳng thể nói nên lời. Tôi cảm thấy mình tội lỗi không thể chịu nổi. Năm tháng qua đi, tôi không nghĩ về Joe. Nhưng anh nghĩ gì về tôi?
"Ông ấy lớn tuổi hơn nhưng ông lại lo lắng cho ông ấy," Kelstein tiếp. "Đó là điều Joe kể với tôi. Ông ấy nói rằng ông rất dữ. Rất rắn. Tôi đoán là nếu Joe cần ai đó để lo vụ nhà Kliner, ông ấy sẽ đề cử ông."
"Tôi đi đây," tôi nói.
Tôi bắt bàn tay mỏng manh của vị giáo sư già và để ông lại cùng các cảnh sát trong phòng an ninh.

Tôi đang cố gắng tìm hiểu xem Kliner lấy loại giấy in hoàn hảo ở đâu, cũng cố tìm hiểu liệu khẩn trương thì mình có thể kịp chuyến bay lúc sáu giờ để trở lại Atlanta không, và tôi cố gắng lờ đi điều Kelstein đã kể rằng Joe nói tốt về tôi. Phố xá đầy người, tôi bận nghĩ về những chuyện kia và tìm một chiếc taxi không có khách, đó là lý do tôi không nhận ra hai gã gốc Tây Ban Nha đang bước về phía mình. Nhưng thứ tôi nhận ra là khẩu súng mà tay đi đầu hé ra cho tôi thấy. Đó là một khẩu tự động loại nhỏ nắm trong bàn tay nhỏ, giấu dưới áo choàng ka ki mà người thành phố hay cầm trên tay trong tháng Chín. Gã cho tôi thấy vũ khí còn tên đồng bọn ra hiệu cho một chiếc xe đang chờ ở rìa đường cách chúng tôi hai mươi mét. Chiếc xe chồm tới, tên đồng bọn đứng sẵn sàng mở cửa như những anh chàng đội mũ chóp vẫn làm bên ngoài các căn hộ đắt tiền ở đây. Tôi nhìn khẩu súng rồi nhìn chiếc xe tính toán những lựa chọn.
"Vào xe," tên cầm súng nói khẽ. "Không tao bắn".
Tôi đứng yên, tất cả những gì lướt qua suy nghĩ là tôi có thể lỡ một chuyến bay. Tôi cố gắng nhớ xem chuyến bay thẳng tiếp theo cất cánh lúc nào. Tôi nghĩ là lúc bảy giờ.
"Vào xe," gã đàn ông nhắc lại.
Tôi chắc chắn rằng gã sẽ không nổ súng trên phố. Đó là một khẩu súng nhỏ song không gắn thiết bị giảm thanh. Nó sẽ gây tiếng động lớn, mà phố lại đông người. Hai tay gã còn lại không có gì. Có thể hắn đút súng trong túi. Trong xe chỉ có tài xế. Có lẽ trên ghế ngồi cạnh hắn có một khẩu súng. Tôi thì không có vũ khí. Chiếc áo khoác của tôi cùng cây dùi cui, con dao và khẩu Desert Eagle lại nằm cách xa tám trăm dặm, ở Atlanta. Phải lựa chọn.
Tôi chọn cách không vào xe. Tôi chỉ đứng yên trên phố, lấy tính mạng mình ra đánh cược rằng gã đàn ông sẽ không nổ súng trước mặt bao nhiêu người. Hắn đứng đó, cầm chiếc áo mưa giơ về phía tôi. Chiếc xe dừng lại cạnh chúng tôi. Tên đồng bọn đứng phía bên kia xe. Hai tên này thuộc loại nhỏ con. Cả hai tên này cộng lại cũng không to bằng tôi. Chiếc xe vẫn nổ máy chờ bên rìa đường. Chẳng ai cử động. Chúng tôi chỉ đứng sững như hàng trưng bày ở quầy kính cửa hàng. Như các loại đồ mốt mới cho mùa thu, đồ dã chiến cũ của quân đội kết hợp với áo mưa hãng Burberry.
Việc này gây ra vấn đề lớn cho hai gã đàn ông. Trong tình huống như thế, chỉ có cơ hội dài một phần nhỏ giây để thực hiện lời đe dọa. Nếu ta nói ta sẽ bắn, ta phải bắn. Nếu không, sức mạnh của ta đã hết. Ta bị lừa. Nếu không bắn, ta chẳng là gì cả. Và gã đàn ông đã không siết cò. Gã chỉ đứng đó, người vặn vẹo vì do dự. Trên vỉa hè nhộn nhạo, người ta xoáy quanh chúng tôi. Xe hơi bóp còi xua gã đàn ông dừng bên rìa đường.
Chúng là những tay khôn ngoan. Đủ khôn ngoan để không bắn tôi trên một con phố bận rộn của New York. Đủ khôn ngoan để biết rằng tôi đã lừa chúng. Đủ khôn ngoan để không bao giờ lặp lại lời đe dọa mà chúng không thực hiện. Nhưng không đủ khôn ngoan để bỏ đi. Chúng chỉ đứng đó.
Thế nên tôi lắc người về phía sau, như thể tôi sắp bước đi. Khẩu súng dưới chiếc áo mưa chọc lên phía tôi. Tôi để ý động tác này liền dùng bàn tay trái túm lấy cổ tay gã đàn ông nhỏ con, kéo cho khẩu súng vòng ra sau lưng tôi và dùng cánh tay phải quàng qua hai vai gã, ôm gã sát người mình. Trông chúng tôi như đang nhảy điệu van với nhau hay như những đôi yêu nhau ở ga tàu. Rồi tôi ngã người về phía trước ép gã vào chiếc xe. Tôi dùng hết sức bình sinh liên tục bóp mạnh cổ tay gã, các móng tay bấm sâu vào thịt. Dù dùng tay trái nhưng việc ấy cũng khiến đối thủ đau đớn. Trọng lượng của tôi đè lên khiến gã vất vả mới thở nổi. Tên đồng bọn vẫn đặt tay trên cửa xe. Mắt gã đảo qua đảo lại. Rồi bàn tay còn lại của gã lần xuống túi. Thế nên tôi bật người đứng thẳng lại, vặn bàn tay cầm súng của gã tôi đang ôm và ném hắn vào xe. Và rồi tôi chạy như ma đuổi. Sau năm sải chân tôi đã biến vào đám đông. Tôi lắt léo xô đẩy qua đám người dày đặc. Chui vào rồi lại chui ra các cửa, chạy băng ngang phố giữa dòng xe phanh rít bóp còi inh ỏi. Hai gã đàn ông đuổi theo tôi một lát nhưng rốt cuộc dòng xe cộ đã ngăn chúng lại. Chúng không dám mạo hiểm như tôi đang làm.
Chạy hết tám khu nhà thì tôi bắt một chiếc taxi và kịp lên chuyến bay thẳng lúc sáu giờ, từ La Guardia về Atlanta. Vì lý do nào đó mà trở lại mất nhiều thời gian hơn. Tôi ngồi máy bay hai tiếng rưỡi đồng hồ. Suốt thời gian bay trên bầu trời Jersey, Maryland và Virginia tôi đều nghĩ về Joe. Trên bầu trời bang Carolina và bay vào bang Georgia, tôi nghĩ về Roscoe. Tôi muốn cô trở lại. Tôi nhớ Roscoe như điên. Chúng tôi hạ cánh xuyên qua những đám mây giông dày tới mười dặm. Bóng tối của Atlanta bị những đám mây biến thành màu đen như hắc ín. Như thể một hệ thời tiết khổng lồ đang từ đâu đó kéo tới. Khi chúng tôi rời máy bay, không khí trong hành lang dẫn ra dày và nặng, có mùi dông lẫn mùi dầu hỏa.
Tôi lấy chìa khóa xe Bentley ở quầy thông tin của sảnh đến. Nó được đặt trong một chiếc phong bì cùng phiếu đậu xe. Tôi bước ra tìm chiếc Bentley. Cảm nhận được làn gió ấm thổi từ phía Bắc lại. Cơn giông sắp lớn dần lên. Tôi có thể cảm thấy điện đang tích tụ dần thành sét. Tôi thấy chiếc xe trong khu đỗ ngắn hạn. Các cửa sau đều đã sơn đen. Rốt cuộc tay thợ sửa xe đã không sơn cửa bên hay kính chắn gió. Việc đó khiến chiếc xe trông như xe hoàng gia có thể dùng, có tài xế chạy. Áo khoác tôi đặt trong cốp. Tôi mặc vào và lại cảm thấy sức nặng của các món vũ khí trong túi khiến tôi vững dạ. Tôi ngồi vào tay lái, chạy ra khỏi bãi đỗ hướng về phía Nam, chạy trong bóng tối theo quốc lộ. Đã chín giờ tối thứ Sáu. Có lẽ còn khoảng ba mươi sáu giờ trước khi bọn chúng bắt đầu chuyển hàng đi vào ngày Chủ nhật.
Tôi trở về Margrave lúc 10 giờ. Còn ba mươi lăm giờ nữa. Tôi đã dùng một giờ nghĩ về một số điều chúng tôi học được hồi còn ở trường Tham mưu. Chúng tôi nghiên cứu triết học quân sự, chủ yếu viết bởi những ông già Đức, người yêu những thứ ấy. Hồi ấy không chú tâm nhiều nhưng tôi vẫn nhớ một nội dung quan trọng là sớm muộn ta cũng phải chiến đấu với lực lượng chính của kẻ thù. Ta không thể thắng cuộc chiến trừ phi ta làm việc ấy. Sớm muộn ta cũng tìm ra lực lượng chính của chúng, thách thức, rồi phá hủy nó. Tôi biết rằng lực lượng chính của chúng bắt đầu với mười người. Hubble đã nói với tôi điều đó. Rồi còn chín, sau khi chúng khử Morrison. Tôi biết về hai cha con Kliner, Teale, và Baker. Như thế tôi còn năm cái tên nữa cần xác định. Tôi mỉm cười với chính mình. Rời con tỉnh lộ chạy vào bãi đỗ xe rải sỏi của tiệm ăn Eno. Đỗ xe ở hàng cuối cùng rồi ra khỏi xe. Duỗi chân tay và ngáp trong bầu không khí của đêm. Cơn giông đã dừng lại song nó sắp nổ ra. Không khí vẫn đặc và nặng. Tôi vẫn có thể cảm nhận được dòng điện trong các đám mây. Tôi vẫn có thể cảm nhận được gió ấm thổi vào lưng mình. Tôi chui vào băng ghế sau xe. Duỗi người ngủ trên chiếc ghế dài bằng da. Tôi muốn ngủ một hoặc một tiếng rưỡi.
Tôi bắt đầu mơ về John Lee Hooker. Vào những ngày tháng xa rồi, trước khi ông lại trở nên nổi tiếng. Ông có một cây ghi ta cũ dây bằng thép, ngồi chơi đàn trên một chiếc ghế nhỏ chân cao. Chiếc ghế đặt trên một tấm gỗ vuông. Hooker thường ép các nắp chai bia vào đế giày để chúng có thể gây ồn ào. Như giày mũi kim loại tự chế. Ông ngồi trên chiếc ghế của mình chơi cây ghi ta đó với phong cách mạnh mẽ, thô ráp. Lúc nào cũng giậm đôi giày ồn ào xuống tấm gỗ. Tôi đang mơ cảnh ông dùng đôi giày giậm trên tấm gỗ cũ đó thành các giai điệu.
Nhưng không phải John Lee đang gây ra tiếng ồn. Mà có người nào đó đang gõ vào kính chắn gió của chiếc Bentley. Tôi choàng tỉnh lồm cồm bò dậy. Thượng sĩ Baker đang đứng nhìn tôi. Chiếc đồng hồ lớn bằng crôm trên bảng điều khiển báo 10 giờ 30. Tôi đã ngủ nửa tiếng. Đó là tất cả thời gian tôi có thể ngủ.
Việc đầu tiên tôi làm là thay đổi kế hoạch. Một kế hoạch hay hơn nhiều đã tình cờ xuất hiện trước mặt tôi. Các ông già Đức đã nhất trí. Sự linh hoạt chiến thuật là điều rất quan trọng với họ.
Việc thứ hai tôi làm là thò tay vào túi mở khóa an toàn khẩu Desert Eagle. Rồi tôi ra cửa xe bên đối diện nhìn Baker dọc theo nóc xe. Hắn đang nhăn nhở nở nụ cười thân thiện, lộ răng vàng cùng mọi thứ.
"Ông thế nào rồi?" Baker hỏi. "Ngủ ở nơi công cộng quanh đây là ông có thể bị bắt về tội lang thang đấy."
Tôi cũng đáp lại ngay bằng một điệu cười nhăn nhở đầy thân thiện.
"Đảm bảo an toàn trên quốc lộ," tôi nói. "Người ta bảo ông đừng lái xe nếu thấy mệt. Tấp vào lề đường làm một giấc ngắn, đúng không?"
"Thôi vào đi, tôi sẽ mua cho ông một cốc cà phê. Ông cần tỉnh táo, cà phê tiệm Eno sẽ làm việc ấy cho ông".
Tôi khóa cửa xe. Vẫn thọc tay trong túi. Chúng tôi lạo xạo đi trên sỏi vào tiệm ăn. Vào ghế cuối cùng. Người phụ nữ đeo kính mang cà phê tới cho chúng tôi. Chúng tôi đã gọi đâu. Dường như cô ta biết trước rồi.
"Vậy ông thế nào rồi?" Baker lại hỏi. "Cảm thấy không ổn về chuyện anh trai ông à?"
Tôi nhún vai với viên cảnh sát. Dùng tay trái uống cà phê. Bàn tay phải vẫn nắm khẩu Desert Eagle trong túi.
"Chúng tôi không gần gũi nhau lắm", tôi nói.
Baker gật đầu.
"Roscoe vẫn ở ngoài giúp Cục chứ?" hắn hỏi.
"Tôi đoán thế."
"Thế đêm nay ông già Finlay ở đâu vậy?" Baker hỏi tiếp.
"Jacksonville. Ông ấy phải đi Florida để xác minh chuyện gì đó."
"Jacksonville à? Ông ấy cần xác minh gì ở Jacksonville?"
Tôi lại nhún vai. Nhấp cà phê.
"Tôi chịu," tôi nói. "Ông ấy chẳng bảo tôi gì cả. Tôi không nằm trong biên chế. Chỉ là một chân sai vặt. Giờ ông ấy bắt tôi chạy đến nhà Hubble để lấy cho ông ấy một thứ."
"Nhà Hubble hả? Ông lấy gì ở đó?"
"Vài thứ giấy tờ cũ. Tôi cho là bất kỳ thứ gì tôi có thể tìm được."
"Rồi gì nữa?" Baker tiếp tục. "Ông cũng đi Florida à?"
Tôi lắc đầu. Nhấp thêm cà phê.
"Finlay bảo tôi cho vào thư gửi đi. Địa chỉ nào đó ở Washington. Tôi sẽ ngủ ở nhà Hubble rồi đến sáng thì gửi đi."
Baker khe khẽ gật đầu. Rồi hắn lặp lại điệu cười nhăn nhở và thân thiện rất nhanh. Nhưng gượng gạo. Chúng tôi uống nốt chỗ cà phê. Baker thả xuống bàn vài đô la, chúng tôi ra khỏi ghế rồi rời tiệm. Hắn vào chiếc xe tuần tra. Vừa lái đi vừa vẫy tay chào tôi. Tôi để Baker đi trước sau đó mới bước trên bãi rải sỏi tới chỗ chiếc Bentley. Tôi chạy về hướng Nam, tới rìa tối tăm của thị trấn và rẽ phải vào phố Beckman Drive.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Reacher báo thù.