• 357

Chương 1


Số từ: 1485
Dịch: Trịnh Lữ
Nguồn: NXB Hội Nhà Văn
Lúc ấy tôi đã ba mươi bảy tuổi, đang ngồi thắt chặt dây an toàn khi chiếc 747 kềnh càng nhào xuống qua tầng mây dày dặc về phía sân bay Hamburg. Những trận mưa tháng Mười một lạnh lẽo thấm đâm mặt đất, khiến mọi vật ảm đạm như trong một bức tranh phong cảnh Hà Lan ngày xưa: đám nhân viên mặt đất trùm áo mưa, mẳnh cờ u rũ trên nóc một toà nhà vuông vức trong sân bay, một tấm biển quảng cáo xe BMW. Chao ôi, lại nước Đức đây rồi.
Khi máy bay đang lăn bánh trên mặt đất, tiếng nhạc nhè nhẹ bắt đầu trôi ra từ hệ thống loa trên trần: một bản hoà tấu không lời ca khúc "Rừng Na-uy" của nhóm Beatles. Giai điệu ấy bao giờ cũng khiến toàn thân tôi run rẩy, nhưng lần này, nó làm tôi choáng váng hơn bao giờ hết.
Tôi cúi xuống, hai tay ôm mặt, cố giữ cho đầu mình khỏi nứt ra. Chẳng mấy chốc một chiêu đãi viên người Đức đến hỏi bằng tiếng Anh xem tôi có sao không.
"Không sao," tôi nói, "tôi chỉ hơi chóng mặt."
"Ông chắc vậy không?"
"Vâng, chỉ vậy thôi. Cám ơn cô."
Cô ta mỉm cười bỏ đi, và âm nhạc chuyển sang một điệu hát của Billy Joel. Tôi ngồi thẳng lên và nhìn qua cửa sổ về phía những đám mây đen đang lơ lửng trên Biển Bắc, nghĩ đến những mất mát trong cuộc đời mình: những thời đã qua không bao giờ trở lại, những bạn bè đã chết hoặc biệt vô âm tín, những cảm xúc mãi mãi không còn nữa.
Máy bay đã đến cửa lên xuống. Người ta bắt đầu tháo dây an toàn và kéo hành lý xuống từ khoang trên ghế ngồi, trong khi đó tôi chỉ thấy mình ngoài đồng cỏ. Tôi ngửi thấy cả mùi cỏ, cảm thấy gió mơn man trên mặt, nghe thấy tiếng chim kêu. Mùa thu 1969, lúc ấy tôi sắp hai mươi.
Cô chiêu đãi viên trở lại. Lần này thì cô ngồi xuống cạnh tôi và hỏi xem tôi có ổn cả không.
"Tôi không sao, cám ơn cô, "tôi nói và mỉm cười. "Chỉ thấy hơi bâng khuâng vậy thôi."
"Tôi hiểu chuyện đó," cô nói. "Tôi cũng thế, lâu lâu lại bị một lần."
Cô đứng lên và mỉm cười với tôi, vẻ thật đáng yêu.
"Vậy nhé, xin chúc ông một chuyến đi tốt đẹp. Auf Wiedersehen"
"Auf Wiederseben." (Tạm biệt - tiếng Đức)
Mười tám năm đã trôi qua, nhưng tôi vẫn có thể nhớ lại từng chi tiết của ngày hôm đó trên đồng cỏ. Được tắm rửa sạch sẽ bởi những ngày mưa nhẹ nhàng mùa hạ, những rặng núi xanh thăm như rõ ràng hăn lên. Làn gió nhẹ tháng Mười thổi đung đưa những ngọn cỏ trắng cao lút đầu người. Một dải mây dài lửng lơ vắt ngang vòm trời xanh im phăng phắc. Chỉ nhìn bầu trời thăm thăm ấy thôi cũng đã thấy nao núng cả cõi lòng. Một cơn gió ào qua đồng cỏ, qua mái tóc nàng, rồi lẻn vào rừng khiến cây lá xào xạc và gửi lại những âm dội ngắn của tiếng chó sủa ở rất xa - một âm thanh lung linh mờ ảo có vẻ đã vọng đến chúng tôi từ ngưỡng cửa của một thế giới khác. Chúng tôi không gặp ai. Chỉ thấy hai con chim màu đỏ giật mình nhảy lên từ giữa đồng có và bay vụt vào rừng. Trong khi chúng tôi lững thững bên nhau, Naoko nói với tôi về những cái giếng.
Ký ức thật ngộ. Khi còn ở trong cảnh thực thì tôi chẳng đề ý gì đến nó. Không bao giờ tôi nghĩ đến nó như một cái gì đó sẽ để lại một ấn tượng lâu dài, và chắc chắn là không thể tưởng tượng rằng mười tám năm sau tôi sẽ nhớ lại nó đến từng chi tiết. Ngày hôm đó tôi không quan tâm gì đến cảnh vật xung quanh. Tôi còn nghĩ đến bản thân mình, đến cô gái đẹp đang sánh bước với mình. Tôi đang nghĩ đến chuyện hai đứa với nhau, rồi lại đến bản thân mình. Tôi vẫn còn ở cái tuổi, ở cái đoạn của cuộc đời khi mọi cảnh trí, mọi cảm xúc, mọi ý nghĩ đều chỉ quay về chính bản thân mình như một chiếc boomerang.
Và tệ hơn nữa, tôi đang yêu. Mối tình đầy khúc mắc. Đầu óc tôi không thể để ý đến cảnh vật xung quanh được.
Ấy vậy mà giờ đây cái đầu tiên trở lại với tôi lại là cảnh trí đồng cỏ ngày hôm đó. Mùi cỏ, cảm giác hơi giá lạnh của ngọn gió, đường viền của những dải đồi, tiếng sủa của một con chó: đó là những thứ đầu tiên, và chúng hiện ra cực kì rõ ràng, tưởng như tôi có thể giơ tay ra và vuốt ve chúng. Thế nhưng, cho dù cảnh trí có rõ ràng đến mấy, vẫn không có ai trong đó cả. Không ai hết. Naoko không có ở đó, và cả tôi cũng vậy. Chúng tôi có thể biến đi đâu được chứ? Làm sao chuyện đó có thể xảy ra được?
Tất cả những gì ngày đó còn có vẻ quan trọng - Naoko, cái bản ngã tôi có lúc bấy giờ, và cái thế giới tôi có lúc ấy: chúng có thế biến đi đâu được chứ? Thật sự là ngay cả gương mặt nàng tôi cũng không thể nhớ lại được - không ngay lập tức, ít nhất là thế. Tôi chỉ còn nắm giữ được một cái phông, đơn thuần cảnh trí, không có một người nào ở cận cảnh hết.
Nói thật là nếu có thời gian, tôi vẫn có thể nhớ lại gương mặt nàng. Tôi phải chắp nối các hình ảnh vào với nhau - bàn tay lạnh tí xíu của nàng; mái tóc đen và duỗi thẳng của nàng, sờ vào thật mịn và thật mát; một cái thuỳ châu tròn trịa mềm mại và một nốt ruồi bé tí tẹo ngay bên dưới; chiếc áo khoác lông lạc đà nàng mặc mùa đông; thói quen nhìn thẳng vào mắt tôi mỗi khi nàng hỏi; giọng nói thỉnh thoầng lại hơi run run của nàng (như thể nàng đang nói trên một đỉnh đồi lộng gió) - và rồi gương mặt nàng bỗng ở đó, lúc nào cũng bắt đầu trong tư thế nhìn nghiêng, vì Naoko với tôi luôn có lối sánh bước bên nhau. Rồi nàng sẽ quay sang tôi, mỉm cười, hơi nghiêng đầu một chút, bắt đầu nói, và nhìn sâu vào mắt tôi như đang cố dõi theo một con cá nhỏ vừa bơi vụt qua một vùng nước của một con suối trong vắt.
Dù sao, nhớ lại gương mặt Naoko là một việc mất thời gian. Và khi năm tháng cứ qua đi, quãng thời gian ấy cứ kéo dài mãi ra. Sự thật đáng buồn là cái mà tôi có thể nhớ lại được trong năm giây chẳng mấy chốc đã phải mất mười, rồi ba mươi giây, rồi trọn cả một phút - giống như bóng đổ cứ dài mãi ra cùng hoàng hôn vậy. Sẽ đến ngày, tôi nghĩ vậy, những bóng đổ ấy sẽ bị màn đêm nuốt chửng hết. Không có cách gì khác: kí ức tôi đang ngày càng xa cách cái điểm mà Naoko thường đứng - nơi cái bản ngã xưa cũ của tôi cũng thường ở đó. Và chỉ còn có cảnh trí, cái cảnh đồng cỏ tháng Mười ấy, là còn trơ lại với tôi, lần này qua lần khác, như khuôn hình tiêu biểu của một bộ phim. Mỗi lần xuất hiện, nó lại kích dộng một chỗ nào đó trong tâm trí tôi. Tỉnh dậy đi, nó nói, tôi vẫn ở đây mà. Hãy tỉnh dậy và suy nghĩ: Hãy nghĩ xem tại sao tôi vẫn ở đây. Những kích động ấy không bao giờ làm tôi đau đớn. Không có tí đau đớn nào. Chỉ có một âm thanh trống rỗng vọng lại tử mỗi lần kích động ấy. Và thậm chí cả cái đó nữa cũng sẽ phôi pha một ngày nào đó. Nhưng ở sân bay Hamburg, những kích động ấy lại mạnh hơn và lâu hơn thường lệ. Và đó chính là lý do tại sao tôi viết cuốn sách này. Để suy nghĩ. Để hiểu. Chẳng qua là cái tạng tôi nó thế. Tôi phải viết hết mọi thứ ra giấy để cảm thấy rằng mình thực thấu hiểu chúng.
Bây giờ, hay xem hôm đó Naoko đang nói những chuyện gì?
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Rừng Na Uy.