Lời nhà xuất bản
-
Ruồi Trâu
- Ethel Lilian Voynich
- 4993 chữ
- 2020-05-09 02:34:55
Số từ: 4998
NXB Văn Học
Lịch sử thế giới càng phát triển, chúng ta càng thấy rõ hơn sức hấp dẫn và ảnh hưởng to lớn của cuốn truyện
Ruồi trâu
của E.L. Voynich. Điều kỳ lạ là: khác với nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng khác, cuốn truyện này không phai nhạt đi và không giảm bớt người đọc theo thời gian, mà càng ngày nó càng có thêm ý nghĩa đậm đà, sâu sắc và càng cuốn hút số người đọc tăng lên đến mức khó tưởng tượng.
Khi
Ruồi trâu
mới chào đời, từ hè 1897 ở New York (Mỹ) và kế theo là London (Anh) sau đó vài tháng, ở cả hai nơi này, các nhà xuất bản đều đã lập tức phải tái bản cuốn sách thêm tới vài lần trong một thời gian ngắn (ở London từ 9-1897 đến 3-1898: bốn lần). Đến 1972, một nhà xuất bản Mỹ đưa ra con số
Ruồi trâu
được bán ra ở phương Tây là trên 10 triệu bản. Nhưng đến đầu 1981, một nhà nghiên cứu văn học ở Liên Xô đã đưa ra con số: không kể mười lăm lần xuất bản trước Cách mạng tháng Mười Nga, chỉ riêng ở Liên Xô đã có 186 lần xuất bản với tổng số hơn 12 triệu bản (ấy là chưa kể tới hàng triệu bản riêng tại Trung Quốc, ngoài ra còn ở các nước xã hội chủ nghĩa khác, như Việt Nam ta 1959-1975: 4 lần xuất bản, khoảng 85 nghìn cuốn, không kể đăng báo hàng ngày suốt năm 1959).
Như vậy là
Ruồi trâu
- lịch sử một người anh hùng cách mạng quyện với một thiên tình sử đẹp đẽ và xúc động được lồng trong một bản hùng ca mang tính thời đại của các dân tộc kiên cường đấu tranh cho độc lập và thống nhất mà chúng ta luôn thấy có mình ở trong - đã và sẽ không thể thiếu những thế hệ độc giả mới. Thế nhưng, tình cảm đẹp đẽ nào và hào hùng đến đâu cũng vẫn cần nuôi nấng và vun xới. Nhà xuất bản cùng dịch giả và các cơ quan đoàn thể hữu quan vẫn phải luôn cố gắng hoàn thiện chất lượng bản dịch để phục vụ tốt hơn cho các thế hệ độc giả ngày càng trẻ và mới của nước nhà.
May thay, đến nay ta đã có điều kiện tốt hơn trước để thực hiện việc này. Có trong tay hai nguyên bản
Ruồi trâu
bằng tiếng Anh - một bản xuất bản tại New York (thực tế là nơi in ra cuốn
Ruồi trâu
) đầu tiên và một bản được xuất bản tại Nga (là nơi đầu tiên đã sớm dịch
Ruồi trâu
ra tiếng nước mình) - nay dịch giả đã có điều kiện dịch
Ruồi trâu
trực tiếp từ nguyên văn tiếng Anh sang tiếng Việt được trọn vẹn và đích xác hơn. Đồng thời việc biên tập các kiến thức liên quan đến nội dung cuốn sách cũng được kỹ lưỡng và bài bản hơn, như tăng cường tra cứu, sưu tầm để chú thích tỉ mỉ, hòng cung cấp tài liệu và dữ kiện đầy đủ hơn cho sự lĩnh hội và xét đoán độc lập của các bạn độc giả rộng rãi.
Hy vọng rằng các bạn đọc, nhất là đông đảo các bạn đọc thanh niên, sẽ có nhiều thuận lợi hơn nữa trong việc thưởng thức và tìm hiểu những điều bổ ích cho mình, đồng thời có niềm say mê mới, khám phá thêm những khía cạnh mới tiềm ẩn trong
Ruồi trâu
, cuốn tiểu thuyết mà một nhà báo phương Tây nổi tiếng đã phải thừa nhận là
một câu chuyện về niềm say mê và lòng quả cảm đã từng làm thế giới phải say đắm
và
đã cuốn hút được trí tưởng tượng của vô số người đọc, đến nỗi đã tác động rõ nét cả đến tiến trình lịch sử
.
- NHÀ XUẤT BẢN VĂN HỌC -
https://i.imgur.com/BiGiVwp.jpg
Chân dung nữ sĩ Ethel Lilian Voynich
(Ảnh chụp tháng 1-1888, một năm trước khi bắt đầu viết truyện
Ruồi trâu
)
TIỂU SỬ
ETHEL LILIAN VOYNICH
Nữ văn sĩ Anh E.L.Voynich vốn tên là E.L.Boole, sinh ngày 11 tháng 5 năm 1864 ở Cork (Ireland), trong một gia đình không phải quý tộc hoặc giàu có, nhưng lại có học vấn rất cao.
Bố là George Boole, sinh năm 1815 tại Lincoln (Anh) trong gia đình thợ đóng giày, nhưng từ nhỏ đã rất thông minh, biết tới bốn ngoại ngữ, mười sáu tuổi đã dạy toán và tiếng Latinh trong một trường tư, sau tự mở trường để dạy học, say mê cả làm thơ và dịch thơ Hy Lạp và La Mã cổ đại, nghiên cứu triết học, và từ sớm đã chú ý phát hiện các định luật của tư duy. Năm hai mươi sáu tuổi đã công bố các công trình nghiên cứu toán học đầu tiên, năm ba mươi tư tuổi đã được mời dạy toán tại trường tư thục Queens College (Cork). Đến 1858 đã được bầu vào Học hội Hoàng gia (Royal Society) gồm các nhà khoa học nổi tiếng nhất nước Anh, những năm sau lại được bầu làm hội viên danh dự Học hội triết học Cambridge. Tác phẩm khoa học lớn nhất của ông là về
lôgic toán tượng trưng
, được coi là đã phát khởi một ngành khoa học mới, đặt cơ sở cho điều khiển học (cybernetics) sau này[1].
[1] Từ điển Larousse (Pháp) 2005, xác nhận George Boole (1815-1864) là nhà toán học và lôgic học, đặt nền móng cho Khoa lôgic toán hiện đại (
Đại số học Boole
)
Mẹ là Mary Everest, con gái của Theodore Everest, hiệu trưởng trường Đại học Gloucester. Anh ruột của bố bà, George Everest, lại là một kỹ sư và nhà địa lý học lớn, được coi là người đầu tiên năm 1852 đã công bố phát hiện đỉnh núi cao nhất thế giới mang tên ông: đỉnh Everest (8848 m)[2]. Bà Mary Everest là người nhân hậu, tận tâm giúp chồng và nuôi dạy con cái. Bà sinh hạ năm cô con gái, Ethel Lilian là út (sinh ngày 11 tháng 5 năm 1864), thể chất yếu hơn, nhưng có vẻ thông minh, sáng dạ hơn cả. Rất không may, chỉ tám tháng sau khi cô út Ethel Lilian (gọi tắt là Lily) ra đời, ông George Boole đột ngột qua đời do bị sưng phổi nặng trong chuyến lặn lội dưới trời mưa tầm tã đi thăm một người bạn đang cơn hoạn nạn. Mất người cột trụ trong gia đình, bà Mary đành đưa các con về kinh đô London, cố đi dạy và viết báo… làm kế sinh nhai cho cả nhà.
[2] Có tài liệu cho biết George Everest là Tổng thanh tra trắc địa ở Ấn Độ, thuộc địa Anh bấy giờ, đã điều khiển cuộc Đại khảo sát lượng giác (GTS) năm 1819, và đã phát hiện đỉnh Everest với sự cộng tác của các kỹ sư trắc địa bản địa. Chiều cao của đỉnh núi này có lúc đã được coi là 8846 m (1993), 8850 m (1999), 8844 m (2005)… và về tên gọi sau này - khi Nêpan độc lập, do dãy Himalaya nằm giữa Nêpan và Trung Quốc - còn có tên Tây Tạng là Chomo Lungma (Nữ thần mẹ thế giới)
Lily càng tỏ ra cẩn thận và say mê học hành, có khiếu về khoa học và ngoại ngữ, lúc năm tuổi còn bộc lộ cả khiếu âm nhạc, nhưng cũng thỉnh thoảng lắm mới học được một buổi nhạc do gia đình luôn thiếu thốn, có bữa còn phải nhịn đói. Khi lên tám, Lily ốm nặng, bà Mary đành phải gửi cho ông anh thứ hai của bố mình (quản đốc tại mỏ than ở Lancashire[3]) nuôi hộ, nhưng ông này là con người u mê, cuồng tín và khắc nghiệt, đã để lại cho Lily những ký ức không hay. May thay, đến năm 1882, do được nhận một phần di sản nhỏ, Lily đã quyết ý sang học tại Nhạc viện Berlin (Đức), và sau ba năm đã tốt nghiệp Khoa Fortepiano, ngoài ra còn có dịp tham quan nhiều thành phố Tây Âu (ở Paris gần một năm), tiếp thu nhiều kiến thức mới mẻ và rộng rãi từ cuộc cách mạng khoa học và công nghệ châu Âu tiếp nối cuộc cách mạng công nghiệp Anh trong thế kỷ trước, và cả từ cao trào cách mạng giải phóng dân tộc và tiến bộ xã hội, từ các cuộc đấu tranh cho độc lập và thống nhất đất nước vang dội ở hàng loạt nước châu Âu, suốt từ thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX.
[3] Một quận ở Tây Nam nước Anh, trông ra biển Ireland.
Năm 1886 Ethel Lilian trở về London lập thân trong lúc thủ đô Anh đang trở thành nơi tập trung, lai vãng, gặp gỡ và thậm chí nơi lưu vong của nhiều nhà hoạt động nổi tiếng thuộc các lĩnh vực khác nhau trên thế giới, như G.Mazzini, A.Hertzen, S.M. Kravtsinski (Stepniak), K.Marx… và sau này cả F.Engels, B.Shaw, G.Brandes, G.V. Plekhanov v.v… Không trở thành một nghệ sĩ đàn piano do không đủ sức khỏe, Ethel Lilian đã dấn thân mình vào các hoạt động chính trị - xã hội đang rất sôi nổi đương thời. Ngay trong năm 1886 Ethel Lilian đã quen biết một nhà cách mạng dân túy Nga (gốc Ukraina), nổi tiếng về tài năng cũng như đức độ và ý chí chiến đấu kiên cường là S.M.Kravtsinski với bút danh Stepniak. Nhờ sự giúp đỡ của ông và những người cách mạng Nga khác, tháng 4 năm 1887 Ethel Lilian đã qua Paris, Vacsava mà đến thăm Peterburg và chứng kiến những cảnh chính quyền chuyên chế Nga (như vụ 8-5-1887 bí mật xử treo cổ năm sinh viên, trong đó có người anh ruột của Lênin). Để tiện việc tìm hiểu tình hình nước Nga, Ethel Lilian đã phải làm gia sư tiếng Anh và đàn piano trong trang trại của một bà quả phụ Nga giàu có ở gần Vôrônegiơ (vùng sông Đông, phía Nam Nga), nhưng qua một thời gian không sống nổi, đành trở lại Peterburg, và suốt năm 1888 đến 5-1889, sau hơn hai năm tìm hiểu tình hình nhờ sự giúp đỡ của những người cách mạng Nga, Ethel Lilian đã từ giã nước Nga trở về Anh.
Trở lại London, Ethel Lilian càng quan hệ mật thiết với Stepniak và những người cách mạng Nga lưu vong khác, có nhiều hoạt động, kể cả vận động về tài chính, để giúp đỡ họ, đầu 1890 đã trực tiếp giúp Stepniak tổ chức nhóm những người Anh có khuynh hướng tự do để lập ra
Hội những người bạn của quyền tự do Nga
, tiến tới xuất bản tạp chí
Nước Nga tự do
tại London, mà sau này Ethel Lilian đã làm việc trong Ban biên tập của tờ báo đó, và Xuân 1892 đã được bầu vào Ban chấp hành
Hội những người bạn của quyền tự do Nga
kể trên. Chính trong thời gian này, đã có hai sự kiện
bước ngoặt
trong cuộc đời Ethel Lilian. Sự kiện thứ nhất là ngày 5-10-1890, Ethel Lilian Boole đã gặp nhà cách mạng Ba Lan trẻ tuổi Wilfrid Voynich, chưa đầy hai mươi tuổi đã bị chính quyền Nga hoàng bắt và đày sang Xibir từ 1885, nhưng đã được các đồng chí cách mạng bố trí cho vượt ngục chạy được sang Đức, trôi giạt qua cả vùng Scandinavia (Bắc Âu) để đến London gặp và cộng tác với Stepniak. Anh đã làm việc tại Ban biên tập tạp chí
Nước Nga tự do
cùng với Ethel Lilian, từ 6-1891 lại được cử vào ủy ban quản trị
Quỷ báo chí Nga tự do
với sự cộng tác của Ethel Lilian, và tuy tính tình có phần trái ngược, nhưng hai người đã yêu nhau thắm thiết và thành hôn vào hè 1892, và từ đó đã xuất hiện tên Ethel Lilian Voynich, nữ sĩ nổi danh trên thế giới sau này.
Sự kiện thứ hai còn mang tính bước ngoặt lớn hơn nhiều. Qua những bức thư đi công tác Ethel Lilian gửi về cho mình, Stepniak đã nhận ra tài năng của một cây bút tương lai và trong thư đề ngày 22-8-1889, ông khuyên cô nên
thử sức mình trong văn chương
. Vốn từ lâu đã nuôi nấng chí hướng đó, thì nay E.L. Voynich đã có một định hướng mới: ấp ủ một cuốn tiểu thuyết về phong trào đấu tranh của nhân dân Ý và những nhà cách mạng Ý. Điều này cũng dễ hiểu, bởi vì tình hình phong trào cách mạng Nga cho tới thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XX vẫn chưa có lực lượng lãnh đạo mới, chưa có cương lĩnh chính trị và phương thức đấu tranh mới, rơi vào cảnh chia rẽ, tan rã và thoái trào cho tới khi xuất hiện sự lãnh đạo của V.I. Lênin, Đảng Bôn-sê-vích và cuối cùng là Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917. Trong khi đó, tình hình cách mạng Ý tuy lúc đầu rất phức tạp (bị chia cắt thành nhiều vương quốc và lãnh địa, có đủ thứ thù trong giặc ngoài, kể cả Giáo hội và Giáo hoàng câu kết với nước ngoài và những đế quốc lớn nhảy vào xâm lấn và chia cắt…), nhưng đã có những cương lĩnh chính trị rõ rệt (phong trào Risorgimento (Hồi sinh)[4] bao gồm các mục tiêu Độc lập và Thống nhất, trong thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX; Đảng
Nước Ý trẻ
do G.Mazzini[5] thành lập năm 1831 cũng với những phương châm tư tưởng đó…), có những phương thức đấu tranh kiên quyết và khôn khéo (kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, kết hợp đấu tranh trong nước với đấu tranh ngoại giao), cả G.Mazzini và G.Garibaldi[6] đều đấu tranh vũ trang rất oanh liệt nhưng G.Mazzini hoạt động mạnh hơn vì chính trị, đã tham gia tuyên bố nền Cộng hòa ở Roma và đã tham gia ban lãnh đạo ba người (tam đầu chế) ở đây (1849), G.Garibaldi đã giành lấy chính quyền ở Vương quốc hai Sicilia (1860), và cả hai đều đã bôn ba ở hải ngoại, tích cực tham gia các cuộc đấu tranh của các dân tộc khác, còn riêng B.Cavour[7] thì đã ra sức lợi dụng những mối mâu thuẫn giữa các nước lớn, tích cực đấu tranh ngoại giao, đã đàm phán đúng lúc, tranh thủ sự ủng hộ của hoàng đế Pháp Napôlêông III đưa quân sáng giúp quân Ý (vùng Piemonte) đánh đuổi quân Áo ra khỏi bờ cõi (1858-1859)…, và tất cả đã khiến cho nước Ý có được những ngọn cờ, những lãnh tụ cực kỳ anh dũng, kiên cường và rất tiêu biểu chẳng những ở trong nước được coi là anh hùng dân tộc mà còn vang danh cả trên thế giới lúc bấy giờ[8].
[4] Trong tiếng Ý có ba khái niệm dịch ra tiếng Việt hơi giống nhau, nhưng là về ba chuyện rất khác nhau: Lễ Phục sinh (của Chúa Giêsu): Pasquetta; Thời kỳ Phục hưng (về nghệ thuật, văn học và tư tưởng ở châu Âu trong các thế kỷ XV – XVI): Rinascimento; Cương lĩnh Hồi sinh (về chính trị, của nước Ý, trong các thế kỷ XIX – XX): Risorgimento
[5] Giuseppe Mazzini (1805-1872): Xem trong truyện
Ruồi trâu
.
[6] Giuseppe Garibaldi (1807-1882): Năm 1849 định bảo vệ nền cộng hòa ở Roma nhưng không thành, phải lưu vong; 1854 trở về chống sự xâm chiếm của Áo, rồi chống các vương quốc và Giáo hoàng cát cứ (dùng
1000 quân
đổ bộ lên đảo Sicilia đánh chiếm được Vương quốc Napoli và Vương quốc hai Sicilia để hợp nhất vào với lực lượng dân tộc của một vương triều Ý tại Piemonte…).
[7] Tức Bá tước di Cavour (1810-1861): Nhà chính trị tích cực bảo vệ các tư tưởng tự do; 1847 sáng lập báo Il Risorgimento; 1848-1852 liên tục là nghị sĩ Torino, bộ trưởng và thủ tướng, kiên quyết đấu tranh để thống nhất nước Ý; 1858-1859 góp phần đấu tranh đánh đuổi được quân Áo ra khỏi nước Ý; 1860-1861: góp phần thống nhất Lombardia với Trung Ý và thành lập Vương quốc Ý.
[8] Sau khi Pháp xâm chiếm và đô hộ nước ta, phong trào văn thân và các phong trào yêu nước khác trong nửa cuối thế kỷ XIX, ở nước ta cũng đã từng biết rất sớm về G.Mazzini. Tới nay còn lưu lại đôi câu đối chữ Nho hồi bấy giờ:
- Toàn quốc vô Thái Tây chi nam, toại linh nữ kiệt trầm mai, chí tử bất đăng Do thái bút.
- Đồng bào dĩ Việt Nam di mẫu, đương thử anh hùng khấp khốc, cư tang ưng trước Mã ni y.
Câu trước chưa rõ nghĩa lắm, còn câu sau ý là: Đồng bào lấy Việt Nam làm mẹ, đương lúc anh hùng gào khóc, ở tang nên mặc áo Mã-ni, tức Mã-di-ni (Mazzini). Tương truyền rằng Mazzini đi làm cách mạng, được tin mẹ mất, có bộ đồ đen cứ mặc để tang mãi. Ai hỏi thì trả lời:
Để tang mẹ rồi, nhưng vẫn còn phải để tang nước Ý nữa
.
Kết quả, như đã thấy là sau thời kỳ khó khăn gian khổ 1830-1840, đến năm 1849 đã thiết lập được chế độ cộng hòa tại Roma; 1859: đã đánh đuổi được kẻ đô hộ Áo, giải phóng được Lombarfia (Bắc Ý); 1860: giải phóng được Vương quốc Napoli và Vương quốc hai Sicilia để sáp nhập lại với Piemonte; 1861: tuyên bố thành lập Vương quốc Ý (mới đầu thủ đô là Torino, rồi Firenze); 1866: sáp nhập nốt được Veneto; 1870: thu hồi được Roma (do đó giới hạn được quyền lực của Giáo hoàng chỉ trong một phạm vi ở Roma và cuối cùng chỉ còn là khu Vatican); 1871: Roma chính thức thành thủ đô chung; và như vậy, các mục tiêu độc lập, thống nhất đã hoàn thành khá trọn vẹn[9].
[9] Vương quốc độc lập, thống nhất này tồn tại từ 17-3-1861 cho tới tận 1946 thì chuyển sang chế độ cộng hòa do kết quả thắng lợi của cuộc trưng cầu dân ý ngày 13-6-1946.
Từ thuở nhỏ Ethel Lilian được nghe bà mẹ kể chuyện có chiếc tàu chở các nhà cách mạng Ý bị đi đày đã từng trôi dạt vào bờ biển quê bà, đến năm tám tuổi đã được nghe cô chị cả đọc báo cho biết tin G.Mazzini tạ thế, và mười lăm tuổi bản thân đã đọc sách về cuộc đời nhà cách mạng Ý kiên cường ấy, nay E.L.Voynich càng ra sức đi theo định hướng của mình: từ năm 1889 đã bắt đầu tập trung viết đề tài này, tăng cường đến Bảo tàng Anh (British Museum) nghiên cứu mọi mặt tình hình Ý, suốt mùa hè 1895 đã sang Ý để điều tra thực tế, sưu tầm tài liệu trong các Cục lưu trữ ở Firenze, Bologna… và khoảng 11-1895 đã xong bản thảo đầu tiên. Về đến Anh, cả hai ông bà không may đều ngã bệnh, riêng E.L.Voynich đã bị suy nhược do làm việc quá căng thẳng, và đặc biệt gặp khó khăn trong tài chính gia đình. Rồi Stepniak, đang háo hức chuẩn bị đọc tác phẩm đầu tay của E.Lilian thì đã bất ngờ qua đời trong một tai nạn xe lửa do mải suy nghĩ khi đi ngang qua đường sắt - như thế lại mất thêm một nguồn trợ giúp và khuyến khích cho nữ sĩ. Nhưng cuối cùng, may thay, cũng đã có một nhà xuất bản thuận in cuốn truyện. Họ dự tính phát hành sách vào Hè 1897 đồng thời cả ở London và New York. Chẳng ngờ hè năm này lại vướng vào lễ kỷ niệm 60 năm trị vì của Nữ hoàng Victoria[10] nên việc phát hành ở London phải hoãn đến mùa thu (9-1897). Đây chính là cuốn truyện
Ruồi trâu
, đứa con văn học đầu lòng của nữ sĩ Ethel Lilian Voynich sau tám năm thai nghén. Trong tác phẩm bà đã xây dựng hình tượng một chiến sĩ đấu tranh cách mạng kiên trinh, bất khuất cùng với một mối tình đẹp đẽ và trong sáng, trong khung cảnh đấu tranh giành độc lập và thống nhất hết sức hào hùng của nhân dân Ý đang ở giai đoạn gay go nhất (1830-1840). Ngay khi ra đời, tác phẩm đã gây tiếng vang lớn ở cả New York và London. Riêng ở London từ 9-1897 đến 3-1898 đã xuất và tái bản đến bốn lần, đã được B.Shaw[11] biên kịch cho ca kịch công diễn vào ngày 31-3-1898 tại Victoria Hall… Ở New York, báo chí đã đưa tin rất giật gân về cuốn tiểu thuyết, gọi đó là
cuốn sách gây chấn động nhất thời đại hiện nay
(New York Herald).
[10] Nữ hoàng Victoria (1819-1901): Nữ hoàng Anh và Ireland (1837-1901), được coi là có cống hiến lớn cho sự cường thịnh của đế quốc Anh nói chung, là triều đại thịnh trị (Victoria era)
[11] Bernard Shaw (1856-1950): Nhà văn lớn người Ireland, tác giả của các tiểu thuyết và kịch nổi tiếng, được Giải Nobel 1925.
Trong khi đó, Wilfrid Voynich đã hoàn toàn chuyển sang kinh doanh, chủ yếu tập trung sưu tầm và bán các sách và di cảo cổ xưa ở các nước Pháp, Ý, Tây Ban Nha, và ông cũng đã gặp may, phát hiện được một vài di vật cổ rất có giá trị, trong đó có tấm bản đồ đích thực của Magellan[12]. Nhưng cả hai ông bà vẫn thi nhau ốm yếu, theo lời khuyên của thầy thuốc, hè 1898 họ phải sang nghỉ ở Pháp, Ý. Tại đây, E.L.Voynich đã lại bắt tay vào viết cuốn tiểu thuyết thứ hai, nhưng được tin ở New York người ta đã biên kịch và chuẩn bị công diễn vỡ
Ruồi trâu
buổi đầu tiên vào 9-1899, bà bèn sang Mỹ vào hè 1899. Trước việc ban kịch trắng trợn bóp méo cả tính cách lẫn tinh thần của Ruồi trâu, kịch liệt phản đối cũng không ăn thua, bà đành một lần nữa để lại thư kháng nghị mà bỏ về, đến tiền nhuận bút cũng quyết không nhận. Cuốn truyện thứ hai của bà có tựa đề là
Jack Raymond
xuất bản năm 1901, cũng phát hành đồng thời ở London và Mỹ. Cuốn thứ ba mang tên
Olivia Latham
đã nối tiếp vào năm 1904, cũng được xuất bản ở cả hai nơi. Hai tác phẩm này, theo đánh giá của dư luận, đều đã tách xa ra khỏi những đề tài vốn dĩ của E.L.Voynich cả về nội dung và tinh thần căn bản, nên đã không có tiếng vang gì nhiều. Trước tình hình đó, E.L.Voynich bèn trở lại với đề tài Ruồi trâu bằng hai cuốn tiểu thuyết, cuốn
Tình bạn dang dở
(1910, về thời kỳ Rivarez ở Nam Mỹ, về lịch sử gia đình Martel, và tuy cũng có viết cả chuyện Rivarez đã gặp gỡ bản thân G.Mazzini, đã tham gia cuộc khởi nghĩa ở Ý năm 1843…, thế nhưng hình ảnh hào hùng và lẫm liệt của Ruồi trâu đã không còn nữa), và cuối cùng là cuốn thứ năm
Hãy cởi bỏ giầy ra, cháu ạ!
[13] (5-1945, kể lại dòng tộc của Ruồi trâu từ đời các cụ tổ cho đến đời chắt Arthur - Ruồi trâu), song cả hai tác phẩm này, theo dư luận nhận xét, cũng đã xa rời cuộc sống lầm than khổ sở của các dân tộc bị áp bức vẫn đang hừng hực khí thế đấu tranh trong nửa đầu thế kỷ XX với hai cuộc đại chiến thế giới, nên đã không đem lại niềm say mê gì mới cho độc giả.
[12] Ferdonando di Magellan (1480-1521): Nhà hàng hải Bồ Đào Nha, năm 1520 định đi về phía tây qua eo biển cực nam ở Nam Mỹ (sau gọi là eo biển Magellan) để đến quần đảo Moluques (Inđônexia ngày nay), nhưng mới đi đến quần đảo mà nay gọi là Philippin thì bị giết; đoàn thuyền vẫn đến được Moluques vào 11-1521 và về được Tây Ban Nha (1522), hoàn thành cuộc thám hiểm trên biển vòng quanh thế giới đầu tiên. Báo KTNN, số 387 (10-5-2001) có dựa vào báo Le Monde (Pháp), số ra ngày 20-12-2000, đưa tin Wilfrid Voynich còn đã phát hiện bản di cảo
bí ẩn nhất thế giới
mã số MS108, hiện chưa rõ xác thực ra sao.
[13] Tựa đề này được trích từ một câu trong Kinh Thánh mà toàn văn là
Con hãy cởi bỏ giày ra, vì dưới chân con là một vùng đất thiêng liêng!
, cũng chính là lời nhân vật Beatrice (cụ bà đẻ ra bà của Arthur - Ruồi trâu) đã căn dặn cô cháu của mình (Gladys, sau này là mẹ của Arthur - Ruồi trâu).
Tuy nhiên, ta hãy trở lại những năm sau 1910 (sau cuốn
Tình bạn dang dở
) để thấy từ những năm này E.L.Voynich còn sáng tác cả nhạc (như viết khúc diễn ca (oratorio) quy mô lớn về Babylone[14] hoàn thành năm 1948, mà bà cho là
tác phẩm có ý nghĩa nhất trong đời mình
…), và cũng lúc này Wilfrid Voynich đã mở rộng được việc buôn bán sách và các di cảo cổ xưa ở Paris, Varsava, Florence và cả New York, nhưng đến thời gian cuộc đại chiến I (1914-1918), một mặt việc làm ăn sinh sống ở châu Âu gặp khó khăn lớn, và mặt khác cả hai ông bà đều đau ốm lâu dài (E.L.Voynich bị suy tim), khi đã tạm bình phục, họ đã quyết định chuyển sang Mỹ di trú từ năm 1920. Tại đây, ông vẫn tiếp tục quản lý hãng buôn bán sách cổ và di cảo, còn bà, tiếp tục sáng tác nhạc và dạy nhạc. Chẳng bao lâu Wilfrid Voynich qua đời (3-1930), bà lại kiêm thêm việc tư vấn cho những người làm công việc doanh nghiệp do ông để lại. Và mặc dù người bạn nữ giúp việc cho bà khẳng định rằng việc quan trọng nhất của bà lúc này là âm nhạc, nhưng, như đã biết, bà đã chỉ có thể cố gắng để hoàn thành được tác phẩm văn học thứ năm, vào 11-1944, xuất bản đúng vào tháng và năm sinh tám mươi mốt tuổi (5-1945) của mình.
[14] Thành phố rất cổ xưa, nơi đã diễn ra nhiều sự kiện lớn về văn hóa và tôn giáo thời cổ đại ở Mesopotamia, trên sông Euphrate (Irắc hiện nay).
Mặc dù cuộc đời bôn ba và không kém phần bươn trải, E.L.Voynich đã sống đến tuổi 96. Bà mất ngày 27-7-1960 trong một căn hộ đơn sơ trên tầng 17 một tòa nhà cũ kỹ ở Phố 24, một khu phố nghèo tại New York. Bà đã sống đến tuổi đại thọ, chắc hẳn không chỉ do thể chất bẩm sinh, mà còn vì vào những năm cuối đời, càng ngày bà đã càng
thấy những sự kiện vĩ đại
[15] đến gần. Năm 1955 (bà chín mươi mốt tuổi), do nhận được tờ tạp chí đầu tiên của Liên Xô và sau đó qua cuộc thăm viếng đầu tiên của đoàn các nhà báo Xô viết, bà mới biết thêm những tin tức mới. Chỉ riêng ở Liên Xô lúc bấy giờ đã ấn hành tới 2 triệu cuốn
Ruồi trâu
, té ra còn cả một nửa thế giới nữa đã đọc sách của bà, quý mến bà. Còn sau năm 1960, bà đã không thể biết rằng đến 1972 số cuốn sách này được bán ra ở phương Tây là trên 10 triệu bản, nhưng tới đầu năm 1981 con số đó chỉ riêng ở Liên Xô đã là hơn 12 triệu bản, ấy là chưa kể hàng triệu bản ở Trung Quốc và các nước khác nữa trong đó có Việt Nam. Bà cũng không thể biết rằng cho tới cuối thế kỷ vừa qua, một nhân vật như Bertrand Russell[16] đã thừa nhận rằng:
Đây là cuốn tiểu thuyết xúc động nhất mà tôi đã được đọc trong tiếng Anh
, và một nhà báo Mỹ khẳng định rằng:
Đó là một trong những cuốn sách bán chạy một cách phi thường nhất của thế kỷ XX
. Không nghi ngờ gì rằng: theo tiến trình lịch sử, vẫn sẽ có những thế hệ độc giả ngày càng mới và trẻ, nối tiếp nhau say mê đọc và soi mình trong
Ruồi trâu
- một viên ngọc quý giá E.L.Voynich đã để lại cho nhân loại.
[15] Lời Ruồi trâu trong bức thư tuyệt mệnh gửi Gemma.
[16] Bá tước Bertrand Russell (1872-1970): Triết gia và nhà lôgic học người Anh, sáng lập ra Khoa luận lý học (Logicism) và lý thuyết loại hình (Principia mathematica, với sự cộng tác của A.N.Whitehead). Nổi tiếng cả về các hoạt động chính trị, đạo đức và nhân đạo; năm 1966 lập ra
Tòa án Russell
lên án các tội ác chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam.
Ngày 16-10-2005
H.N.
https://i.imgur.com/O9H1Dyl.jpg
Bút tích của nữ sĩ Ethel Lilian Voynich
(Ảnh chụp trang đầu tiên trong bản thảo viết tay truyện
Ruồi trâu
của E.L.Voynich, năm 1889)