Từ Ả Rập đến đồ cổ: đời sống con đường Lê Công Kiều
-
Sài Gòn Tản Văn – Hẻm Phố Thông Ra Thế Giới
- Nhiều Tác Giả
- 1604 chữ
- 2020-05-09 05:46:24
Số từ: 1584
Tác giả: Nhiều tác giả - Tạp chí Sai Gon CityLife
Phương Nam phát hành
NXB Hội Nhà Văn
Sue Hajdu
Lê Công Kiều
, một khoảnh đường ngắn cũn chạy từ Bảo tàng Mỹ thuật đến Nam Kỳ Khởi Nghĩa, là nơi thiên hạ tìm đến mỗi khi muốn lục lọi những mớ đồ cũ để tìm chút thú vui đậm màu quá khứ - một chiếc huy hiệu sắt tráng men của người cộng sản, lấp lóa ánh mạ vàng và ruby đỏ, mấy chiếc muỗng bạc của một con tàu vượt đại dương từ giữa thế kỷ trước, một cuốn album ảnh bìa da cứ chực rít lên dưới tay người mở. Hay người ta cũng tìm đến đây để tái hiện lại Đông Dương trong nhà mình, với bao nhiêu là tủ và bàn xưa, quạt điện xưa Marelli, đèn dầu
Phú lang sa.
Hay có khi chỉ vì kỳ vọng chút vận may ở cái chén sứ một trăm tuổi đời, theo lời mách của chị bán hàng.
https://i.imgur.com/9wloBcw.jpg
Thật ra thì Lê Công Kiều chính là con đường bán đồ xưa của Sài Gòn, cũng là con đường bán đồ xưa duy nhất của ba nước mà một thời từng là Đông Dương thuộc Pháp. Thế nhưng con đường chuyên kinh doanh những hiện vật từ bề dày của Sài Gòn, thì ngược lại, chính nó lại có một bề dày thật vắn tắt. Đường này thuộc loại xưa nhất vùng Sài Gòn thời Pháp thuộc nhưng lúc đầu chỉ là con hẻm. Ngày 26-4-1920 nó được mở rộng và đặt tên là đường Reims. Từ ngày 19-10-1955, chính quyền Sài Gòn đổi là đường Lê Công Kiều, theo tên của Đốc binh Kiều thời nhà Nguyễn, một chiến sĩ Cần Vương chống Pháp. Suốt bao năm tháng, đây là một con đường yên ắng với những dãy tư gia và nhiều người không hề biết đây chính là lãnh địa của cộng đồng người Ả Rập tại Sài Gòn.
Những người Hồi giáo đã đặt chân đến Champa ngay từ đầu thế kỷ XI. Trải qua nhiều thế kỷ tiếp nối, các thương nhân người Ả Rập và Hồi giáo đã an cư lạc nghiệp tại nhiều đô thị ven biển khắp vùng Đông Nam Á.
Ta có thể hình dung được cảnh tượng các thanh niên trai tráng ấy những năm 1920 và 30, bôn ba từ Yemen, Somalia hay Djibouti, chân ướt chân ráo bước lên bến cảng sông Sài Gòn, lòng bao thấp thỏm chẳng hay tương lai nào đang chờ đón trên miền đất lạ này. Một cuốc xích lô viếng đền Masjidil-Rahim chắc cũng đủ cho họ chút cảm giác an tâm với cộng đồng và cả những bè bạn mới từ Indonesia và Malaysia. Ngôi đền này xây cất năm 1885, xưa nhất tại Sài Gòn, còn đường Reims thì cách đó chẳng mấy bước, ắt hẳn một bữa ăn tươm tất kiểu đạo Hồi đang chào đón họ cùng với một chiếc giường để ngon giấc qua đêm.
Các bậc cao niên ở Lê Công Kiều vẫn còn nhớ phở Lạc Long ở nhà số 66, một quán ăn Hồi giáo nổi tiếng và ông Hussein, một mạnh thường quân Ả Rập kết duyên cùng một phụ nữ Chăm, thường cưu mang những người nhập cư mới đến. Đến khi đã có công ăn việc làm ổn thỏa, họ thường đóng góp những khoản nhỏ cho quỹ của ông Hussein để rồi quỹ này lại dùng để trợ giúp những người mới đến khác tìm chỗ trú ngụ hay việc làm. Nhiều người Ả Rập trong số này dùng tiếng Pháp lưu loát và cũng nói tiếng Việt trôi chảy. Họ thường cưới phụ nữ Việt Nam rồi sau đó các phụ nữ này cũng cải đạo theo Hồi giáo. Con cái họ lớn lên được học kinh Koran trong một ngôi đền nào đó của Sài Gòn trong khi vẫn cắp sách theo hệ thống trường lớp chung của xứ sở.
Với những con người này, kiếm sống ở Sài Gòn thoải mái hơn ở quê nhà trong điều kiện kinh tế khó khăn. Nếu ăn nên làm ra, họ sẽ sắm ngay một căn nhà phố ở đường Reims. Bất động sản khu này hầu như do Hui Bon Hoa xây dựng. Chú Hỏa, một cái tên quen thuộc với dân chúng, đã hai bàn tay trắng gây dựng cơ ngơi từ nghề ve chai. Căn nhà theo lối art nouveau của ông giờ đây là Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Ông ta cũng là người đã lập nên Bệnh viện Sài Gòn trên đường Lê Lợi, địa chỉ mà người nghèo tìm đến để được thuốc thang miễn phí.
Nhìn chung thì lịch sử cộng đồng Ả Rập tại Sài Gòn cũng hao hao lịch sử của người Ấn nơi đây. Thật ra thì cả hai cộng đồng đều thường xuyên bị gộp làm một trong tiếng cửa miệng của người bản xứ khi nhắc đến những người da sậm: Chà Và. Khi người Pháp rời khỏi sau 1954, nhiều người Ả Rập cũng ra đi, nhưng cũng như người Ấn, họ đi khỏi nhiều nhất vào 1975. Một năm sau, hầu hết người Ả Rập tại Sài Gòn đã xong giấy tờ. Có người đã bán được nhà, có người cứ bỏ trống và đi khỏi.
Hồi giữa thập niên 1970 thành phố có nhiều nhà trống, do những người nước ngoài về nước hoặc những gia đình rời xứ sở để lại. Các gia đình người Bắc dọn đến. Khi kinh tế trở nên khó khăn, vì chật vật cho bữa ăn hoặc lo liệu những chuyện khác, người ta lại gom đồ trong nhà để bán ra ngoài.
Phút chốc Lê Công Kiều trở thành con đường buôn bán, bon chen cùng mấy con đường lân cận như Hàm Nghi và Lê Thị Hồng Gấm. Bất cứ thứ gì có giá trị thị trường đều được bày bán - bàn ghế xưa, đồ sứ Trung Quốc và Nhật, sách và tạp chí, quạt trần, đồ pha lê, quần áo, đồng hồ. Khu chợ tùy tiện này tràn kín con đường, xe cộ không lưu thông được. Không khí mua bán tiếp diễn đến giữa những năm 1980 với dụng cụ nhà bếp, đồ điện và dụng cụ thể thao. Tất tần tật đều là hàng second-hand vì thời bấy giờ xứ này không có hàng nhập khẩu. Cảnh mua bán kiểu này ngày nay vẫn còn diễn ra ở đầu đường Lê Công Kiều giáp Nam Kỳ Khởi Nghĩa.
Nhắc đến chuyện thời ấy một cách tường tận, lời kể mỗi người một khác, nhưng dường như có lúc chính quyền không chấp nhận kiểu mua bán chợ trời này. Mong giải tỏa gọn ghẽ khu này, nhà nước đã bố trí cho những người bán hàng vào các khu chợ lân cận như Yersin, Bến Thành và Tôn Thất Đạm. Đời sống chợ búa của Lê Công Kiều lặng đi vài năm, cho đến khi những người bán hàng lại được phép quay về. Rồi đến những năm 90, công việc mua bán có vẻ ổn định lâu dài khi chủ hàng dần dần dọn từ các sạp ngoài đường vào trong phòng mặt tiền của các căn phố.
https://i.imgur.com/W1edT9Q.jpg
Thời ấy, Lê Công Kiều vẫn còn đầy những thứ đồ xưa cũ. Con đường đậm đà không khí ngẫu nhiên, đồ đạc tích cóp hơn bây giờ. Cảm giác về nó là sờ sợ, mốc meo, bụi bặm. Người ta có cảm giác như chực bắt gặp một cuốn Americana đích thị, một cái máy ảnh Leica kiểu cổ, hay là một cái đồng hồ thập niên 60 hàng hiệu. Vẫn còn một vài người phương Tây lui tới, nhưng người Campuchia và Thái thì đến để mua vét lấy một chút vụn vặt quá khứ của Sài Gòn. Một vài cửa hiệu ngày nay vẫn còn những mớ hàng hóa hỗn độn một cách hấp dẫn, nhưng chắc là mỗi ngày một khó hơn để tìm ra nguồn hàng như thế.
Những sạp cuối cùng trên đường phố đã gọn ghẽ vào giữa những năm 90, khi du lịch bắt đầu bùng nổ cùng lúc với các gia đình người Bắc dọn đến đường này. Mấy năm nay, phong vị Hà Nội ngày càng gia tăng nơi đây với những chiếc lá vàng điểm xuyết trên sơn mài, tủ kệ gỗ sậm màu bày tinh tươm trong mấy cửa hiệu đầu chợ. Không tránh khỏi Lê Công Kiều đang dần mất đi không khí ngao du mua bán lạc-xoong để nhường chỗ cho sản phẩm sao chép, chế tạo hàng loạt.
Tuy nhiên vẫn còn có thể tìm thấy nhiều thứ xưa cũ, có thể là đồ cổ hay là đồ xưa thế kỷ XX. Hàng hóa được thu mua bởi những thương lái đi khắp Việt Nam, rồi bán lại cho các cửa hiệu chuyên biệt về một vài mặt hàng. Thế nhưng dù có mỏi mắt trong mớ đồng xu tiền Việt hay tiền Pháp, chai lọ thập niên 70 hay chậu gỗ những năm 30, vali hay lọ nước hoa, khung trang gỗ chạm hay tem xưa thế giới cũng chẳng ai tìm thấy dấu vết gì của cộng đồng Ả Rập ngày trước ở Sài Gòn. Đến Lê Công Kiều sẽ chẳng ai được nghe những cái tên như Aarif, Abdul hay Mohammed. Những âm thanh ấy chỉ còn vang vọng trong ký ức vài ông lão.