• 391

Có một chút Paris...


Số từ: 1412
Tác giả: Nhiều tác giả - Tạp chí Sai Gon CityLife
Phương Nam phát hành
NXB Hội Nhà Văn
Nguyễn Huy Tưởng


Những ký ức xúc động dưới đây về một quán café nổi tiếng từ những năm 50 của thế kỷ trước sẽ cho bạn ít nhiều hình dung về lối sống tao nhã và thanh lịch của người Sài Gòn.

Bất chợt,
một ngọn gió dập dềnh từ phía sông Sài Gòn thổi dọc theo đoạn đường ngắn Catinat[1] cuốn về phía quảng trường Quốc Tế với nhà thờ Đức Bà, nhà Bưu Điện, bạn bắt gặp một làn hương thật dịu dàng, quyến rũ và sang cả. Và làn hương ấy (hình như) chỉ quẩn quanh trong nội khu vùng đất được xây dựng theo đường nét Gothic riêng biệt rất Tây phương, đó là khu Sài Gòn Centre, mà điển hình là nhà thờ Notre Dame, Hôtel Continental, Caravelle, thương xá Tax và rạp ciné Eden, hoặc như khách sạn có sân khấu bằng gỗ Majestic...
[1] Đường Đồng Khởi ngày nay.

Nhưng với tôi, những hình ảnh đồ sộ mà hoành tráng ấy không ghi đậm trong tâm trí bằng những hàng quán đầy phong vị Latin, những café terrace như Pagode, Givral, Brodard... luôn phảng phất nét thảnh thơi mà trầm mặc nghệ sĩ của một trích đoạn phố Monmartre. Ở La Pagode, bạn có thể ngồi hàng giờ với những văn, họa sĩ, nhạc sĩ, vừa tợp từng ngụm café hay ly rượu nhỏ để tranh biện hoặc bàn soạn một
dự phóng
nghệ thuật, vừa đưa cánh mũi phập phồng ra ngoài hiên quán để hít thở chút hương vị tinh khôi một buổi sáng sang mùa. Ở Givral, bạn có thể vừa chứng kiến tận mắt vừa lánh nạn một trận bom hơi cay hung hãn đang giải tán biểu tình tranh đấu trước Hạ Nghị Viện (nhà hát lớn ngày nay), vừa nghe ngóng, trao đổi, bình luận nhiều tin tức nóng hổi với các phóng viên của nhiều hãng thông tấn như UPI, Reuters, T.T.X... luôn rộn rịp nóng bỏng thời sự.
Còn ở bên góc đường Nguyễn Thiệp khiêm tốn: Brodard, sự cộng hợp của La Pagode và Grivral, nhưng nền nã, sang trọng và đằm thắm hơn.

Thật khó thể nào quên được cái cảm giác lần đầu bước vào Brodard. Đó là một buổi chiều tháng 8, những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước. Khách Việt ngồi cả với khách Tây nói năng từ tốn, những cô đầm thơm phức líu lo qua lại. Quán không lớn nhưng có nét vẻ bề thế đến kỳ lạ, nó gợi lên và khắc họa cho bạn cái ý nghĩ mơ hồ mà dằng dặc bấy lâu: ấy là màu âm của không và thời gian, khi chiếc máy chọn nhạc (mua bài hát bằng ticket) to kềnh nằm cạnh comptoir, phát ra những tiếng hát đương thời như Nat King Cole, Dalida, C. Richard, F. Sinatra... và nhất là
tiếng kèn đồng giẫy giụa
điệu Blue trầm thiết mà rạo rực của L. Amstrong làm lay động rập rền các ô cửa kính.
Và buổi chiều tháng 8 ấy, đã thật sự xô dạt tôi chìm hẳn vào một góc quán nào đó của Paris trong sách giáo khoa
Cours De Langue
thời trung học, khi ánh đèn đường vàng úa mệt mỏi tỏa chụp lên cuối phố với lừng lững hình ảnh
người con gái dựa cột đèn, châm điếu thuốc
.
Brodard ngày ấy đơn giản mà nhẹ nhàng, sang trọng. Ngồi trong quán vừa thưởng thức các món ăn đặc vị Pháp vừa có thể dõi mắt chiêm ngưỡng những dung nhan điệu đà, thanh thoát bên ngoài, đong đưa theo những bước chân bát phố nhàn tản, tự tin.
Bạn có thể ngồi ở đó suốt buổi để nghỉ ngơi hay viết lách một cái gì, một feuilleton cho nhật báo chẳng hạn, sau cuộc đàm đạo nghệ thuật có phần gay go với những nghệ sĩ ở La Pagode, hoặc nóng bỏng tin tức chiến trường ở Givral. Và rồi, bạn sẽ được đón tiếp những nhân vật trên tay đầy những sách báo ngoại văn vừa mới tậu được từ nhà sách Xuân Thu sẽ trao cho bạn những thông tin sốt dẻo, như kết quả giải thưởng văn học Goncourt, cuốn sách mới nhất của F. Sagan, mục sư Luther King bị sát hại như thế nào, bài diễn văn không chê vào đâu được của W. Faulkner vừa đọc tại Stockholm... Họ cập nhật liên tục và khinh khoái là được nguời đưa tin văn nghệ và thời sự thế giới sớm nhất. Và thế cho nên, họ rất ngại rời xa Sài Gòn, vì chỉ cần vắng mặt một tuần lễ thôi thì bạn đã... quá lạc hậu rồi.

Ở Brodard, bạn sẽ bất chợt được nghe, một cách nhỏ nhẹ, đoạn thơ của A. Rimbaud, của Giả Đảo, của Appolinaire hay một bài thơ mới của các tác giả thời danh Sài Gòn. Ở đó luôn có những cuộc tranh biện sắc sảo về chiến tranh và phi lý, về các trường phái nghệ thuật, về phong trào tiểu thuyết mới, về cơ cấu luận, về các tác giả như H. Miller, Lukács, W. Saroyan, về hiện sinh với J. Sartre, A. Camus... Bên cạnh đấy các bạn trẻ đang thao thao về Kiều Phong của Kim Dung, về Ali Mc Graw và Ryan O’Neal trong Love Story của E. Segal với câu nói thời thượng ngọt ngào:
Tình yêu có nghĩa là không bao giờ nói hối tiếc!
.
Những hình ảnh tao nhã mà đáng yêu ấy là cuộc hội tụ nhẹ nhàng từ những nẻo đường văn nghệ khắp nơi. Bạn ngồi đấy, kế cận hay đối diện một nhan sắc đậm đà mà sáng láng và tận hưởng dư vị một Dạ Tâm khúc vừa được chưng cất ngọt ngào từ phía lân lý phòng trà Đêm Màu Hồng rót sang, hoặc thầm thì đầy nhựa khói của Khánh Ly, vừa đi chân đất vừa hát một vài melody còn thơm mùi mực của Trịnh Công Sơn trước sân cỏ Hội Họa sĩ trẻ của những Nguyên Khai, Trịnh Cung, Mai Chửng, Nguyễn Trung...
Ở Brodard, tôi được kết thân với nhiều nhà văn, ký giả ngoại quốc, nào Max thật dí dỏm và khả ái, nào J. Champlin bác sĩ nhà báo phản chiến, nào chàng Hero rậm râu người Nhật thông thái, nàng Tin duyên dáng, Margarette đoan trang và nhân ái... Ôi, tôi không sao kể hết ra được. Và các bạn, bây giờ ra sao rồi? Nhưng, một ngày nọ thú vị và bất ngờ vô cùng, tôi được làm quen và tiếp chuyện với tác giả Của Chuột và Người, giải thưởng Nobel Văn học 1962, John Steinbeck, nhân dịp ông sang Việt Nam để nghe và ngửi mùi vị của chiến tranh. Ở Brodard ngày ấy, bạn dễ dàng gặp được Phượng của Người Mỹ Trầm Lặng G. Green. Và bạn cũng có Phượng của mình ở đó. Tôi đã gặp Phượng của Nguyễn, Phượng của Trịnh Công Sơn, Phượng của Bùi Giáng. Và hẳn nhiên, cũng có Phượng của tôi.

Và Phượng,
Bây giờ em đã lưu lạc phương trời nào? Tôi đang về lại chốn xưa, góc ngã ba Đồng Khởi - Nguyễn Thiệp. Brodard của chúng ta giờ đây cũng đã khác xưa. Tôi không còn thấy bước chân nhàn tản của em phía bên ngoài ô cửa kính. Xin được nâng ly rượu đỏ và hát lại một đoạn thơ nhỏ mà em thích trong những lần gặp cũ, nơi đây, Brodard:
Đi! Đi!

Anh đưa em vào quán rượu
Có một chút Paris
Để anh được làm thi sĩ...

TB: Thân gửi Joel Broustail, pro. Uni of Paris - Sorbonne: Khi viết những dòng hồi ức ngắn này, tôi muốn đặc biệt ghi tặng bạn và cũng để dành tặng những người anh, những người bạn của thuở ấy. Xin được bày tỏ cùng bạn bằng lời của Christian Bobin trong La Part Manquant, rằng:
Chẳng phải để trở thành nhà văn mà người ta phải viết. Viết là để lặng lẽ trở về, về với tình yêu thiếu vắng trong tất cả tình yêu
. Xin được chào bạn và cho tôi khép lại cuốn sách của M. Proust mà bạn đã mua tặng tôi đã quá cũ kỹ với nhiều tầng năm tháng: À LA RÉSERCHE DU TEMPS PERDU!
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Sài Gòn Tản Văn – Hẻm Phố Thông Ra Thế Giới.