• 424

Chương 9: Hưởng thụ ở đời


Số từ: 14479
Dịch giả: Nguyễn Hiến Lê
Nguồn: NXB Văn Hóa Thông Tin
1. NGHỆ THUẬT NẰM NGHỈ Ở GIƯỜNG
Cơ hồ tôi tôi sắp thành một thứ triết gia
mãi võ
[1] rồi; nhưng mặc! Thường thì triết học là một môn làm cho những điều dễ hiểu hoá ra khó hiểu; nhưng tôi quan niệm được một thứ triết học làm cho những điều khó hiểu hoá ra dễ hiểu. Mặc dù mang những tên cao kì như duy vật chủ nghĩa, nhân tính chủ nghĩa, tôi cho rằng những chủ nghĩa đó không sâu sắc hơn triết học của tôi. Xét cho cùng thì đời sống là gì? Là ăn, ngủ, hội họp nhau, tiễn biệt nhau, cười khóc, nửa tháng hớt tóc một lần, mỗi ngày tưới cây kiểng một lần, và thấy ông hàng xóm té từ nóc nhà xuống. Các vị giáo sư Đại học dùng những tiếng khó hiểu, thông thái bàn về những trạng thái sinh hoạt tầm thường đó, chỉ là dùng thuật để che giấu sự cực kì nghèo nàn về tư tưởng hoặc sự mơ hồ trong tư tưởng thôi. Vì vậy mà triết học mới thành một môn càng học ta lại càng không hiểu về bản chất của chúng ta. Các vị triết gia càng giảng về một cái gì thì chúng ta lại càng không hiểu về cái đó.
Thật lạ lùng, rất ít người nhận được sự quan trọng của nghệ thuật nằm trên giường, mặc dầu, theo tôi, chín phần mười những phát minh lớn lao về triết học, khoa học đã xuất hiện trong óc các nhà bác học khi họ nằm ở giường, hồi hai giờ hay năm giờ sáng. Ai mà đồng ý với tôi rằng nằm nghỉ trên giường là một thú vui lớn trong đời thì tôi cho người đó là thành thực, không đồng ý với tôi thì tôi cho là nói dối[2].
Nghỉ ngơi trên giường là một thái độ về thể chất và tinh thần. Ta cắt hết liên lạc với thế giới chung quanh lui về thế giới tâm tư của ta trong một tư thế nghỉ ngơi, bình tĩnh hợp với sự trầm tư. Có một cách thích nghi, thư thái để nằm trên giường. Khổng Tử, một nghệ thuật gia về lối sống, không bao giờ nằm thẳng cẳng cứng đơ như một cái xác ở trên giường (tẩm bất thi), và luôn luôn nằm nghiêng, mình co quắp lại. Tôi cho rằng quắp chân lại mà nằm là một lạc thú ở đời. Tư thế của cánh tay cũng là một điều rất quan trọng để cho thân thể được khoan khoái và tinh thần được mẫn nhuệ. Tôi nghĩ, nằm ngang không bằng nằm xiên khoảng ba chục độ, trên một chồng gối, một hay hai cánh kê lên đầu. Nằm như vậy thì thi sĩ nào cũng có thể làm được những câu thơ bất hủ, triết gia nào cũng có thể cải cách được tư tưởng của nhân loại và khoa học gia nào cũng có thể tìm ra được những phát minh đánh dấu một thời đại.
Lạ thay, rất ít người nhận được giá trị của sự tĩnh mích và sự trầm tư. Ý nghĩa của nghệ thuật nằm trên giường không phải chỉ là để nghỉ ngơi sau một người làm việc mệt nhọc, hoặc để xả hơi hoàn toàn sau khi tiếp xúc với một hạng người, sau khi khôi hài, đùa cợt với bạn thân, sau khi phải nghe những lời khuyên nhủ rất bực mình của các ông anh, các bà chị, ông nào bà nào cũng muốn sửa tính nết giùm cho mình, muốn mình phải đi vào con đường ngay để khi chết đi, được cứu rỗi. Ý nghĩa có như vậy thật đấy; nhưng còn hơn như vậy thật kia. Vì nếu được luyện cho đúng phép thì nghệ thuật đó còn ý nghĩa là tự vấn lương tâm, tự tỉnh nữa. Nhiều nhà kinh doanh tự hào rằng suốt ngày chạy lăng xăng nơi này nơi khác, có tới ba máy điện thoại mà dùng không lúc nào ngớt: họ không khi nào hiểu được rằng họ có thể kiếm được nhiều tiền gắp đôi nếu họ chỉ bỏ mỗi đêm ra một giờ, vào khoảng nửa khuya hay bảy giờ sáng thì cũng được, để tĩnh mịch nằm suy nghĩ trên giường. Tám giờ mà còn nằm trên giường không phải là một cái hại. Và nếu có một gói thuốc để vừa hút vừa giải quyết các công việc trong ngày trước khi chà răng thì kết quả còn thập bội nữa. Nằm trong cái thế thoải mái như vậy, bận đồ bà ba, chẳng cần cổ còn, cà vạt, chẳng giày vớ gì cả, người ta mới xét đúng được những thành công và thất bại trong ngày hôm trước và quyết định được công việc nào là quan trọng trong ngày hôm nay. Thà mười giờ mới tới phòng giấy, bình tĩnh, tự chủ, còn hơn là tới đúng chín giờ hoặc sớm hơn mươi mười lăm phút để giám thị nhân viên như một tên áp giải nô lệ hồi xưa, rồi nổi doá lên về những cái lặt vặt.
Đối với những nhà tư tưởng, nhà phát minh, nằm yên trên giường một giờ, còn ít lợi hơn nữa. Một nhà văn nằm như vậy có thể tìm được nhiều ý cho bài báo hoặc tiểu thuyết của mình hơn là ngồi như con chó săn ở bàn giấy. Vì, nằm ở giường, khỏi phải nghe điện thoại, khỏi phải tiếp khách, khỏi phải bực mình về những tiểu tiết phàm tục hàng ngày, người ta nhìn đời như qua một ống kính viễn vọng, và thế giới hiện tại hiện lên trong một hào quang huyền ảo nên thơ, thêm được một vẻ đẹp thần kì, mà lại xác thực hơn như trong bức hoạ danh tiếng của Nghê Vân Lâm[3] hoặc Mễ Phí[4].
Khi nằm ở giường thì bắp thịt được nghỉ ngơi, mạch chạy chậm hơn, đều hơn, hơi thở nhẹ nhàng hơn, các dây thần kinh thị giác, thính giác bình tĩnh hơn, nên ta thấy thoải mái, gần như có thể tập trung tinh thần một cách tuyệt đối vào các ý tưởng hoặc các cảm giác. Vả lại, chính lúc đó những giác quan của ta như khứu giác, thính giác mẫn nhuệ nhất, cho nên phải nằm mà nghe âm nhạc thì mới thưởng thức hết cái hay. Lý Lạp Ông[5] trong thiên
Dương liễu
khuyên ta nên nằm ở giường nghe tiếng chim hót lúc bình minh. Sáng sớm tỉnh dậy nghe chim hót thì cảnh giới nào đẹp bằng nữa! Trong đa số các châu thành cũng có rất nhiều chim mà nhiều người không biết đấy[6].
Tôi còn nhớ cái vui lớn nhất của tôi suốt mùa xuân năm nọ là được nghe tiếng hót của một loài chim mà có lẽ là loài giá cô (perdix). Khúc giao duyên của nó có bốn âm giai (do, mi, ré - : - ti), âm ré kéo dài ra hai ba phách, ở giữa phách thứ ba bỗng ngưng bặt lại, một chút xíu, tiếp theo là âm ti bực thấp hơn[7]. Tiếng chim hót đó, tôi thường được nghe ở miền núi phương Nam; nó đặc biệt, khác hẳn tiếng chim khác. Chim sẻ hót trễ, lí do có lẽ đúng như Lí Lạp Ông đã nói: loài đó không sợ người ta bắn, nên dậy trễ; còn những loài chim khác vì sợ súng của người lớn và đá của trẻ con, nên đành phải thức sớm hơn bọn tàn nhẫn là chúng ta, để có thể thảnh thơi mà hót được.
2. CÁCH NGỒI CHO THOẢI MÁI
Tiết này gồm bốn trang chữ Hán, không quan trọng nên bản tiếng Pháp đã lược bỏ.
Đại ý tác giả bảo cổ nhân khi ngồi, cho thái độ cung kính là trọng; nên các ghế hồi xưa, dù là của vua chúa, tuy đẹp mà ngồi rất bất tiện, thân thể không được nghỉ ngơi. Từ cuối thế kỉ mười tám, nhờ phong trào lãng mạn ở châu Âu, người ta đã phá những truyền thống về lễ nghi, và ngày nay người ta chủ trương rằng ngồi cần được thoải mái. Mà theo tác giả muốn cho thật thoải mái, ghế nên rất thấp – càng thấp càng tốt – khi ngồi nên ngã lưng ra sao, chân gát lên một chỗ nào đó hơi cao như mặt bàn.
Tất nhiên, khi làm việc hoặc khi hầu chuyện các vị trưởng thượng thì không thể hoặc không nên ngồi như vậy; nhưng những lúc nghỉ ngơi hoặc trò chuyện với bạn bè thân thì ta có thể bỏ lễ nghi hồi xưa đi.
3. THÚ ĐÀM ĐẠO

Một đêm đàm đạo với anh còn hơn mười năm đọc sách
(Dữ quân nhất tịch thoại, thắng độc thập niên thư), một học giả Trung Hoa nói với bạn như vậy. Lời đó đúng và ngày nay mấy tiếng
nhất tịch thoại
hoặc
nhất tịch đàm
thường được dùng để tỏ cái vui đàm đạo với bạn. Cái vui đó rất hiếm, vì như Lí Lạp Ông đã nói, bậc minh trí chân chính thường không biết nói chuyện, còn người khéo nói chuyện thì ít khi minh trí. Cho nên chơi chùa trên núi, bỗng gặp được một cao sĩ vừa hiểu đời, vừa có tài nói chuyện, thì thích không kém gì một nhà thiên văn tìm được một hành tinh mới, hoặc một nhà sinh vật học tìm được một loài cây mới.
Người ta phàn nàn rằng ngày nay đời sống gấp rút bận rộn làm mất cái nghệ thuật nhàn đàm ở chung quanh lò sưởi. Tôi cho rằng tại đời sống cũng có, mà cũng tại nhà ở ngày nay không xây lò sưởi đốt củi như hồi xưa nữa, sau cùng tại ảnh hưởng của xe hơi. Trong một xã hội biết hưởng nhàn, có tinh thần hài hước, thích những cái tế nhị thì người ta mới thích nhàn đàm. Nói và nhàn đàm là hai việc khác nhau xa, cũng như viết một bức thư thương mãi với viết một bức thư cho văn hữu. Ta có thể nói là bàn chuyện làm ăn với bất cứ ai, mà chỉ có thể đàm đạo với một số rất ít người thôi. Cho nên khi gặp được một người thực là biết đàm đạo thì nỗi vui của ta có phần hơn là được được đọc một cuốn sách thú vị vì ta còn được nghe tiếng nói, trông thấy điệu bộ của người đó.
Ban đêm là lúc thích hợp nhất để đàm đạo. Nơi chốn, theo tôi, không quan trọng: ngồi trong một phòng khách bày biện theo thế kỉ mười tám hay ngồi bên một đống rơm trong một trại ruộng cũng có thể hưởng cái thú đàm đạo được. Có thể là một đêm mưa gió, ngồi trong một chiếc tàu trôi trên sông, nhìn ngọn đèn các chiếc thuyền neo gần bờ chiếu xuống dòng nước, ta được nghe trạo phu kể chuyện một thiếu nữ thời xưa được tuyển làm hoàng hậu ra sao. Nhàn đàm thú vị là vì hoàn cảnh, nơi chốn, lúc nói chuyện và những người nói chuyện thay đổi hoài, không lần nào giống lần nào. Có khi là hai ba người, có khi là năm sáu người; có lần cụ Trần hơi quá chén, có lần cụ Nguyễn phải cảm, hơi nghẹt mũi, mà câu chuyện thêm phần hứng thú. Những lúc vui trong đời thường ngắn ngủi, trăng không tròn hoài, hoa không tươi hoài mà bạn tốt không tụ họp hoài; ta hưởng những cái vui giản dị như vậy, lẽ nào bị hoá công đố kị?
Thường thường, một cuộc nhàn đàm thú vị giống như một thiên văn chương bình tục, cả về nội dung lẫn lời lẽ. Đủ các đề tài: ma quỉ, hồ li, ruồi muỗi, cử chỉ kì dị của người Anh, điểm khác nhau giữa văn hóa phương Đông và phương Tây, quán sách bên bờ sông Sein, cuồng tính của một gã tập sự trong một tiệm thợ may, dật sử về các nhà lãnh đạo trong nước, chính trị gia cùng quân nhân, canh giữ những trái Phật thủ cho được lâu…, bất kì cái gì cũng có thể là đề mục cho một cuộc nhàn đàm được cả. Còn lời lẽ thì nhàn thích có vẻ như một thiên tiểu luận. Dù đề mục quan trọng nghiêm trang tới đâu như bàn về những sự biến chuyển nó làm cho tình hình quốc gia bi thảm, hỗn loạn hoặc vì những tư tưởng chính trị vô ý thức làm cho văn minh suy đồi, tước đoạt mất quyền tự do, sự tôn nghiêm và cả hạnh phúc của con người nữa, thì trong cuộc nhàn đàm người ta vẫn giữ cái giọng ung dung, nhàn thích, thân mật. Vì trong một thế giới văn minh, dù ta giận dữ, bực tức tới đâu đối với kẻ cướp giật quyền tự do của ta, thì ta vẫn chỉ có thể phát biểu tình cảm bằng một nụ cười hoặc bằng một ngòi bút nhẹ nhàng thôi. Chỉ khi nào ngồi với vài bạn cực thân ta mới trút hết nỗi phẫn uất một cách kịch liệt được. Điều kiện cần thiết cho một cuộc đàm đạo là chung quanh chỉ có ít bạn thân mà không có một kẻ nào mình ghét để có thể tự do, thảnh thơi phát biểu ý kiến[8].
Một bài tiểu luận giọng thân mật với một bản tuyên ngôn chính trị khác nhau ra sao thì một cuộc nhàn đàm với một cuộc trao đổi ý kiến cũng khác nhau như vậy. Mặc dù trong những bản tuyên ngôn chính trị có nhiều tình cảm cao thượng như lòng yêu chính thể dân chủ, lòng muốn phụng sự, hi sinh cho tổ quốc, lòng lo lắng cho đời sống kẻ nghèo, lòng yêu hoà bình, tình thân ái với các quốc gia khác, lòng không tham quyền, tham danh, tham lợi, mặc dầu vậy, những bản tuyên ngôn đó vẫn tiết ra một mùi gì làm cho ta phải đứng xa ra, không muốn lại gần, cũng y như ta thấy một phụ nữ ăn mặc sang trọng quá, tô son trát phấn quá. Trái lại, khi nghe một cuộc đàm đạo hoặc đọc một tiểu luận thú vị, ta có cảm tưởng thấy một thôn nữ ăn bận giản dị, giặt quần áo bên bờ suối, tóc tuy loà xoà, áo tuy mất một chút nút, nhưng trông vẫn có vẻ thân ái.
Cho nên giọng một cuộc nhàn đàm phải là cái giọng thân mật, tự nhiên; mà những người trong cuộc hoàn toàn quên hẳn mình đi, không nhớ tới y phục, ngôn ngữ, cử chỉ của mình nữa, không giữ ý chút nào cả mà cũng chẳng quan tâm tới hướng của câu chuyện. Bạn thân gặp nhau, cởi mở tấm lòng với nhau thì cuộc nhàn đàm mới thật là thú vị: người gát chân lên bàn, kẻ leo lên ngồi trên thành cửa sổ, kẻ lại kéo cái nệm trên đi-văng xuống đặt trên sàn mà ngồi. Có vậy thân thể ta mới được nghỉ ngơi, mà trong lòng mới bình tĩnh, khoan khoái. Lúc đó ta có thể ngâm hai câu thơ này:
----
Nhãn tiền nhất tiếu giai tri kỉ,
----Toạ thượng toàn vô ngại mục nhân

---- (Trước mặt cười cười đều là bạn tri kỉ,
----Bên cạnh không có người nào chướng mắt mình).
Đó là điều kiện cần thiết cho những cuộc nhàn đàm chân chính. Vì chẳng ai quan tâm đến điều mình nói, cho nên câu chuyện tiến lui chẳng theo một thứ tự, một chủ ý gì cả, và khi chia tay, ai nấy đều hoan hỉ.
Có một sự liên lạc mật thiết giữ sự đàm đạo và sự an nhàn; mà cũng có một sự liên lạc mật thiết giữa sự đàm đạo và sự phát triển của tản văn vì chỉ khi sự đàm đạo đã thành một nghệ thuật thì tản văn mới tấn bộ. Ta thấy rõ điều đó trong tản văn Hi Lạp và Trung Hoa. Mấy thế kỉ sau Khổng Tử, tư tưởng Trung Hoa phát triển mãnh liệt, theo tôi nguyên nhân chỉ là vì thời đó đã phát sinh được một giới học giả khá đông mà suốt đời chỉ có mỗi công việc là ăn rồi thì đàm đạo. Tôi xin chứng minh ức thuyết của tôi. Thời liệt quốc đó có tới năm vị hào phú rất hiếu khách, rộng rãi, lễ độ, tử tế. Vị nào cũng nuôi cả ngàn thực khách trong nhà, như Mạnh Thường Quân nước Tề có tới ba ngàn thực khách toàn là đi giày dát ngọc cả. Ta thử tưởng tượng cảnh ồn ào ra sao. Những cuộc đàm đạo của bọn thực khách thời đó nay còn chép trong những bộ Liệt Tử, Hoài Nam tử, Chiến Quốc Sách và Lữ Thị Xuân Thu. Và ta nên nhớ rằng thời đó người ta đã có một quan niệm về nghệ thuật sống rồi, đại ý là nếu không sống một cách nghệ thuật thì thà đừng sống còn hơn. Ngoài bọn học giả đó ra, còn một bọn tung hoành gia nỗi danh, tức bọn hùng biện nhà nghề, được các vua chúa dùng vào việc du thuyết các nước láng giềng, gây bè gây đảng trong cuộc chiến tranh để thôn tính lẫn nhau. Bọn tung hoành gia đó rất thông minh, mẫn tiệp, khéo dùng tỉ dụ và có khẩu tài. Những thuyết của họ chép trong bộ Chiến Quốc Sách. Trong cái không khí tranh luận tự do và hào hứng đó, xuất hiện vài đại triết gia như Dương Chu, người chủ trương thuyết
vị ngã
, Hàn Phi Tử một chính trị gia có tinh thần thực tế, tựa như Machiavel của phương Tây, nhưng ôn hoà hơn, và Yến Tử, một nhà ngoại giao nổi danh về tài biện luận mẫn tiệp.
Chỉ khi nào trong xã hội có hoàn cảnh an nhàn thì nghệ thuật đàm đạo mới phát triển, mà nghệ thuật đàm đạo có phát triển thì thể tiểu luận, tuỳ bút mới phát triển. Xét về đại thể thì cả hai nghệ thuật đó đều xuất hiện tương đối trễ trong lịch sử tấn bộ của văn minh vì chúng cần có điều kiện này: trí óc của ta phải đạt tới một trình độ mẫn tiệp, tế nhị nào đó đã, mà muốn vậy, phải, phải có một đời sống thảnh thơi đã. Ngày nay nhiều người cho rằng hưởng cảnh an nhàn, đứng vào thành phần giai cấp ăn không ngồi rồi cũng đủ là đáng ghét, là phản cách mạng rồi, nhưng tôi tin chắc rằng chính thể nào, dù Cộng Sản chân chính hay Xã Hội chân chính cũng mong rằng một ngày kia có thể làm cho mọi người trong xã hội được hưởng cảnh an nhàn. Và sự hưởng nhàn không thể là một cái tội; hơn nữa ngay sự tấn bộ của văn hóa cũng tuỳ thuộc cách khéo sử dụng những lúc nhàn, mà đàm đạo là một hình thức của sự sử dung đó. Những nhà kinh doanh bận rộn suốt ngày, ăn cơm tối xong là đi ngủ liền và ngáy như bò rống, nhất định là không giúp gì cho văn hóa được chút nào cả.
Đôi khi chúng ta không tự ý lựa được mà bắt buộc phải chịu cảnh nhàn và nhiều tác phẩm văn chương đã xuất hiện trong những trường hợp như vậy. Chúng ta còn nhớ rằng bộ Chu Dịch do vua Chu Văn Vương viết trong ngục Dữu Lí để luận về những lẽ biến dịch trong đời sống; và bộ lịch sử kiệt tác của Trung Hoa, tức bộ Sử Kí, do Tư Mã Thiên viết trong khám. Đời xưa có nhiều tác giả vì lận đận trên hoạn đồ, không thoả được chí bình sinh mà hoá ra thương tâm, thất vọng vì việc nước, về ở ẩn mà viết được những tác phẩm bất hủ. Chính vì vậy mà đời Nguyên, dưới chế độ của Mông Cổ, sản xuất được nhiều hoạ gia và hí khúc gia; và đầu đời Thanh cũng sản xuất được nhiều hoạ gia như Thạch Đào và Bát Đại Sơn Nhân. Lòng ái quốc của người dân một nước bị ngoại bang đô hộ có thể biến thành lòng hi sinh cho nghệ thuật và học vấn. Thạch Đào là một trong những hoạ gia vĩ đại nhất Trung Hoa, bị Thanh triều dìm xuống vì tinh thần bất khuất của ông; và do lẽ đó mà danh tiếng ông không vang lừng và người phương Tây không biết tới. Ngoài ra còn những người học rộng tài cao mà thi hoài không đậu, phát phẫn, tận lực sáng tác, như Thi Nại Am, tác giả bộ Thuỷ Hử và Bồ Tùng Linh, tác giả bộ Liêu Trai.
Trong bài tựa bộ Thuỷ Hử có một đoạn rất hay, tả cái thú đàm đạo với bạn thân:

Bạn của tôi mà tới đủ mặt thì được tới mười sau người, nhưng ít khi họ tới đủ, cũng ít khi không một người nào tới, trừ những ngày mưa gió. Thường thường ngày nào cũng được năm sáu người. Khi tới, họ cứ tuỳ ý, muốn uống rượu lúc nào thì uống, muốn ngừng lúc nào thì ngừng, vì họ cho rằng vui ở trong sự đàm đạo chứ không phải ở trong rượu. Chúng tôi không bàn về triều đình, không những vì lẽ chúng tôi không quan tâm tới triều đình mà còn vì lẽ đường thì xa, tin tức phần lớn là truyền khẩu cả, mà lời truyền khẩu thì không xác thực, bàn về những điều không xác thực chỉ là phí nước miếng. Chúng tôi cũng không bàn đến những lỗi lầm trong thiên hạ, thiên hạ vốn không có lỗi lầm và chúng tôi không muốn vu oan cho người ta. Chúng tôi không muốn làm kinh động ai cả, mà muốn cho người ta hiểu điều chúng tôi nói, nhưng người ta không hiểu, vì những điều đó đều thuộc về tính tình con người, mà người đời thì bận rộn quá nên không chịu nghe
.
Thi Nại Am viết bằng lối văn và những tình cảm như vậy, ông lưu lại được bộ Thuỷ Hử vì ông có nhiều lúc nhàn.
Tản văn Hi Lạp cũng phát triển trong một bối cảnh xã hội tương tự. Đọc nhan đề tập
Đàm thoại
(Dialogues) của Platon, ta cũng thấy ngay rằng tản văn Hi Lạp sở dĩ giản khiết, sáng sủa là do ảnh hưởng của nghệ thuật nhàn đàm. Trong thiên
Bữa tiệc
(Banquet), một nhóm văn nhân ngồi trên đất đàm đạo vui vẻ với nhau, chung quanh là rượu, trái cây và những thiếu niên thanh tú, vì họ luyện nghệ thuật nói cho nên tư tưởng của họ mới sáng sủa, văn của họ mới giản khiết, cho ta một cảm giác mát mẻ dịu dàng, trái hẳn với lối văn khoa trương, thông thái rởm của các văn sĩ hàn lâm ngày nay. Người Hi Lạp thời đó đã tập được cái thái độ bàn về triết học một cách nhẹ nhàng.
Trong một cuộc đàm đạo thanh nhã, nên có ít nhiều phụ nữ để gây cái không khí phù phiếm vui vẻ, không[9] thì cuộc đàm đạo sẽ nặng nề, mà ngay đến triết học cũng sẽ hoá ra vô vị, không hợp với nhân sinh. Nước nào cũng vậy, thời nào cũng vậy, hễ văn hóa quan tâm tới nghệ thuật sống thì phụ nữ được hoan nghênh trong các cuộc họp, tức như trường hợp thành Athènes thời Péciclès và trường hợp nước Pháp ở thế kỉ mười tám. Ngay ở Trung Hoa, sự giao tế giữa trai gái bị cấm chỉ mà các văn nhân cũng muốn cho đàn bà dự vào các cuộc nhàn đàm của họ. Dưới ba triều Tấn, Tống, Minh tức những triều mà nghệ thuật thanh đàm rất thịnh hành, có nhiều phụ nữ đa tài như Tạ Đạo Uẩn, Triêu Vân, Liễu Như Thị nổi bật trong xã hội. Người Trung Hoa muốn rằng vợ phải có đức, không tiếp đàn ông, nhưng chính họ thích làm bạn với những phụ nữ đa tài, cho nên trong văn học sử Trung Quốc, ta thấy nhiều dấu vết của các tài nữ và danh kĩ. Tôi cho rằng ở khắp nơi, trong cuộc nhàn đàm nào người ta cũng muốn có phụ nữ cho thêm hứng thú. Tôi đã được gặp những bà Đức có thể nói chuyện luôn từ năm giờ chiều tới mười một giờ khuya, và nhiều phụ nữ Anh, Mĩ đã làm cho tôi kinh hồn vì những hiểu biết của họ về kinh tế, môn mà không bao giờ tôi có đủ can đảm để học. Dù không có những bà có thể bàn cãi với tôi về Karl Max hoặc Engels, thì cuộc đàm thoại cũng rất thú vị, phấn khởi nếu một vài bà chịu khó ngồi nghe và tỏ vẻ trầm tư dịu dàng. Như vậy vui hơn là nói chuyện với những chàng ngốc.
4. TRÀ VÀ TÌNH BẠN
Đứng về phương diện văn hóa và hạnh phúc, tôi cho rằng trong lịch sử nhân loại không có phát minh nào quan trọng nhiều ý nghĩa và trực tiếp giúp ta hưởng cái thú nhàn, thú đàm đạo, thú giao thiệp với bạn bè bằng sự phát minh ra thuốc hút, rượu và trà. Ba thứ đó có nhiều điểm chung: trước hết cả ba đều giúp cho sự xã giao của ta; lại không làm đầy bao tử như thức ăn nên có thể dùng ngoài bữa ăn được; sau cùng đều có hương vị để cho ta hưởng bằng khứu giác. Địa vị của ba thứ đó rất quan trọng cho nên trên xe lửa, ta thấy bên cạnh những toa ăn uống còn có những toa hút thuốc và ngoài những phạn điếm ra, nước nào cũng mở rất nhiều tửu điếm, trà thất. Ở Trung Hoa và Anh, uống trà đã thành một chế độ xã giao.
Phải có một không khí thanh nhàn, vui vẻ giữa bạn bè thì mới thực là hưởng được cái thú của thuốc hút, rượu và trà. Thưởng những cái đó cũng như thưởng trăng, tuyết, hoa, cần có bạn thích đáng. Ở Trung Hoa, các nghệ sĩ về sinh hoạt thường chú trọng vào thời điểm này: chỉ ngắm những loại hoa nào đó với một hạng người nào đó, ngắm những cảnh nào đó với một hạng phụ nữ nào đó, và muốn hưởng hết cái thú nghe tiếng mưa rơi, mùa hè, họ nằm trên một chiếc chõng tre trong một ngôi chùa ở trên núi; tóm lại tâm trạng mới là cần nhất, mà những bạn bè không thích đáng có thể làm tan mất tâm trạng đó đi. Cho nên những người nào trong bọn họ - và điều này cực kì thiết yếu - cũng tìm những bạn đồng thanh đồng khí và rán giữ được tình bạn, y như đàn bà giữ chồng vậy.
Vậy không khí mới là quan trọng. Mỗi cái thú cần có một hạng bạn. Cưỡi ngựa đi chơi mà rủ một ông bạn ham học, sầu tư, thì cũng không khác gì đi nghe nhạc mà dắt theo một ông bạn không biết thẩm âm.
Một tác giả Trung Hoa đã viết:

Thưởng hoa nên lựa bạn hào nhã; tới chốn cao lâu nên lựa bạn điềm đạm; leo núi nên lựa bạn ẩn dật; dong thuyền nên lựa bạn phóng khoáng; ngắm trăng nên lựa bạn trầm tĩnh; dạo tuyết nên lựa bạn diễm lệ; uống rượu nên lựa bạn phong vận
.
Đã lựa được bạn thích đáng rồi mới lưu tâm tới hoàn cảnh. Nhà không cần phải trang hoàng rực rỡ, mà cần ở một miền đẹp, có đồng ruộng để dạo cảnh, có cây cối bên một dòng suối để nghỉ dưới bóng mát.
Nhà nên có nhiều phòng, vài mẫu ruộng. Sau một giấc êm ấm trong mền bông, sau một bữa cơm rau thanh đạm, hào khí tràng ngập trong lòng như muốn đầy cả vũ trụ. Chỗ tĩnh thất, phía trước nên trồng cây ngô đồng biếc (bích ngô), phía sau nên trồng trúc xanh. Mái nhà phái Nam nên le ra, phía Bắc nên có cửa sổ nhỏ, mùa xuân và đông khép lại để tránh mưa gió, mùa hè và mùa thu có bóng mát, ta tránh được cái nóng gay gắt như lửa
.
Không khí trong nhà phải thân mật:

Trong thư trai của tôi, không trọng hư lễ. Những người được vô đó đều là tri kỉ của tôi cả. Có gì ăn nấy, cười nói mà quên hình hài của mình đi. Không bàn đến chuyện thị phi, không màn đến chút vinh lợi. Nhàn đàm cổ kim, lặng ngắm sơn thuỷ. Trà thanh rượu thơm để thoả u tình. Cái thú giao du của tôi chỉ có bấy nhiêu
.
Trong không khí dễ chịu như vậy, ta có thể hưởng thụ cái vui hương, sắc, thanh. Lúc đó nên hút thuốc và uống rượu. Toàn thân ta sẽ hoá ra mẫn nhuệ để hưởng sự hoà hợp kì diệu của hương, sắc, thanh, vị mà tạo hoá và văn hoá tặng ta.
Chúng ta gây một lò hương trong đêm trăng, dạo ba khúc đàn cổ, bao nhiêu ưu tư tan hết, bao nhiêu vọng tưởng diệt hết. Chúng ta tìm hiểu cái vị của hương ra sao, cái màu của khói ra sao, cái bóng trăng trên cửa sổ là bóng gì, cái tiếng phát ra ở đầu ngón tay là âm nào, cái nó làm cho ta điềm đạm vui vẻ, lâng lâng quên hết mọi chuyện là cái vui nào, và cái chỗ không thể tư lường được là cảnh nào?

Tinh thần sảng khoái, tâm khí bình tĩnh, tri kỉ họp mặt, lúc đó là lúc nên uống trà. Vì trà hợp với cảnh thanh tĩnh mà rượu hợp với cảnh náo nhiệt. Trà có tính cách đưa ta vào một thế giới mặc tưởng. Trong khi trẻ khóc hét hoặc đàn bà quát tháo ở bên tai mà uống trà thì tai hại cũng như trời đương mưa hoặc u ám mà hái trà. Hái trà thật sớm một ngày tốt trời, trong lúc không khí ban mai còn trong trẻo, nhẹ nhàng trên đỉnh núi và cái hương của sương mai còn đượm trên cành lá, thì ngoài cái hương vị của trà, còn thêm cái hương vị thanh tú của sương nữa. Người Trung Hoa cho rằng khí âm và khí dương hoà hợp với nhau mà tạo thành sương, cho nên sương là cái tinh anh của trời đất, mà người nào hoặc động vật nào uống được đủ cái quỳnh tương thần bí, trong sạch nhẹ nhàng đó có nhiều hy vọng trường sinh được.
Ông De Quincey rất có lí khi bảo rằng:
trà luôn là ẩm phẩm của hạng trí thức
; người Trung hoa tiến thêm một bước, cho nó là bạn của bậc ẩn sĩ thanh cao.
Vậy trà tượng trưng cho sự thuần khiết. Tay chỉ dơ một chút, chén chỉ dính chút dầu mỡ là trà cũng mất hết hương vị. Từ lúc hái cho tới lúc sấy, lúc pha đều phải hết sức thanh khiết. Cho nên khi thưởng trà từ nhãn tiền đến tâm trung, không nên có cái cảnh tượng phồn hoa. Lúc đối diện với các kỉ nữ, người ta dùng rượu chứ không dùng trà vì nếu kỉ nữ có tư cách thưởng trà thì họ đã được thi nhân văn sĩ hoan nghênh vào hạng kì nữ rồi. Tô Đông Pha đã ví trà với một mĩ nhân, nhưng một văn nhân đời sau, Điền Nghệ Hằng, tác giả thiên
Chử tuyền
[10] bổ sung câu của Tô, bảo nếu muốn ví trà với phụ nữ thì phải ví với Ma Cô Tiên; vì bọn phụ nữ phàm trần dù có má đào mình liễu thì cũng nên che họ sau bức màn, đừng để họ làm cho suối, đá của ta vấy tục, ông còn nói:
Uống trà để quên cái huyên náo phồn hoa, trà không phải để cho hạng ăn cao lương, bận lượt là thưởng thức
.
Theo sách Trà lục thì
cái thú của trà ở sắc, hương vị và cái phép chế trà quý ở chỗ tinh khiết khô ráo
. Cho nên muốn thưởng trà cần có điều kiện thanh tĩnh; lại cần có tâm trạng của một người biết nhìn thế giới bận rộn bằng một tinh thần lãnh đạm. Từ đời Tống, các người sành uống trà đều cho rằng không gì bằng một chén trà lạt (đạm trà), nhưng khó thưởng thức được hương vị của nó nếu có điều gì bận tâm, hoặc chung quanh ồn ào quá, hoặc người ở gây lộn nhau, hoặc tiểu đồng hầu trà xấu xí thô lỗ. Uống trà đừng nên có nhiều bạn. Vì khách nhiều quá thì ồn, mà ồn thì mất nhã thú. Độc ẩm thì gọi là
u
(vắng vẻ); hai người uống thì gọi là
thắng
(thích); ba bốn người thì gọi là
thú
(hứng thú); năm sáu người thì gọi là
phiếm
(phàm tục); bảy tám người thì gọi là
thi
(thi ân bác ái).
Tác giả cuốn Trà Sớ viết:
Dùng ấm chén lớn, rót mấy tuần trà, uống một hơi một, hoặc ngưng một lát rồi hâm lại cho nóng, hoặc pha trà đậm đắng, thì có khác gì nông phu và thợ thuyền uống cho no bụng sau khi làm việc mệt nhọc; như vậy sao gọi là thưởng trà được?

Vì lẽ đó, các văn nhân Trung Hoa khi bàn về phép pha trà, đều nhấn mạnh vào điểm phải đích thân pha lấy hoặc tập cho hai tiểu đồng pha trà đúng cách và tinh khiết.
Người ta thường dùng một cái hoả lò nhỏ đặt ở xa bếp mà gần chỗ uống trà. Trà đồng (tiểu đồng pha trà) phải được huấn luyện, pha trà trước mặt chủ phải tinh khiết, phải rữa chén vào mỗi buổi sáng (đừng bao giờ dùng khăn bẩn để chùi), tay phải thường rửa, nhất là móng tay. Khi có ba người uống thì một hoả lò và một ấm nước cũng đủ, nhưng khi có năm sáu người thì phải dùng hai hoả lò và hai ấm nước, mỗi trà đồng trông nom một cái lò, để cho khỏi chậm trễ
. Tuy nhiên, người sành uống trà cho sự đích thân pha lấy là một cái thú riêng. Cách pha trà ở Trung Hoa không biến thành một qui tắc nghiêm túc như ở Nhật Bản, nhưng vẫn là một việc hứng thú, quan trọng và cao thượng. Cái vui pha trà cũng bằng cái vui uống trà[11].
Muốn hưởng cái thú uống trà cần theo những qui tắc sau đây:
1. Hương trà rất dễ bay[12], cho nên phải giữ gìn sạch sẽ, đặt nó xa những vật có mùi nồng như rượu, hương... và xa những người tiếp xúc thường những vật đó.
2. Nên cất trà vào một chỗ khô ráo và mát; mùa ẩm thấp, lấy ra một số đủ dùng chứa trong một hộp nhỏ bằng thiếc, còn bao nhiêu chứa trong những bình lớn, khi nào cần thiếc lắm mới mở ra; nếu trà hơi ẩm, muốn mốc thì phải sấy trên lửa nhỏ, vừa sấy vừa quạt nhè nhẹ cho cánh trà khỏi biến sắc.
3. Biết lựa nước nấu là đã hiểu được nửa nghệ thuật pha trà rồi; nước suối tốt nhất, rồi tới nước sông, sau cùng mới tới nước giếng.
4. Khách không nên nhiều mà cần phải là người văn nhã, biết thưởng cái thú uống trà.
5. Chính sắc của trà là màu vàng lạt mà trong; nếu nước trà mà đỏ đậm thì phải pha thêm chất gì cho bớt chát đi, chẳng hạn như chanh, bạc hà, sữa.
6. Trà có một dư vị, uống được nửa phút, các chất hoá học trong trà tác động vào tân dịch rồi mới thấy dư vị đó được.
7. Trà nên pha xong uống liền, đừng để trong ấm lâu quá, e mất vị.
8. Pha trà nên dùng nước sôi đã già.
9. Nên trừ tuyệt những hương liệu có thể làm hỗn tạp cái hương vị của trà, cùng lắm là có thể thêm một chút xíu hương quế hoặc hương lài, nếu muốn cho hợp với khẩu vị.
10. Cái vị của thứ trà quí nhất phải từa tựa như cái hương
da thịt em nhỏ
.
Dưới đây tôi trích dẫn những đoạn trong cuốn Trà Sớ bàn về nghệ thuật uống trà.
NHỮNG LÚC NÊN UỐNG TRÀ

Lúc tinh thần và tay chân nhàn nhã.
Lúc ngâm thơ đã mệt rồi.
Lúc ý tưởng lộn xộn.
Lúc nghe ca hát.
Lúc hết một khúc ca.
Lúc gảy đàn cầm mà ngắm tranh.
Ban đêm, trong một cuộc đàm đạo nghiêm trang.
Lúc ngồi ở một cửa sổ sáng sủa và bàn ghế sạch sẽ.
Lúc có bạn thân và người đẹp thanh nhã.
---

Khi trời đẹp, gió hây hẩy.
Khi trời hơi u ám, mưa nhỏ.
Trong một chiếc thuyền sơn đẹp bên một chiếc cầu nhỏ.
Trong một khu rừng tre rậm rạp.
Mùa hè trời xanh, ngồi trong một nhà mát thưởng sen.
Sau khi đã đốt hương trong một phòng sách nhỏ.
Khi bữa tiệc đã tàn, khách đã về.
Khi trẻ con đương học ở trường.
Trong một ngôi chùa tịch mịch.
Trước cảnh suối đá kì dị
.
NHỮNG LÚC KHÔNG NÊN UỐNG

Khi làm việc.
Khi coi tuồng.
Khi mở thư ra coi.
Khi mưa lớn hoặc đổ tuyết.
Trong bữa tiệc đông người uống rượu.
Những ngày bận việc.
Khi bận coi nhiều giấy tờ, sách vở
.
Và xét chung, trong tất cả những hoàn cảnh trái với đoạn ở trên
.
KHÔNG NÊN DÙNG

Nước dơ.
Thìa bằng đồng.
Ấm bằng đồng.
Thùng gỗ (để xách nước).
Củi để đun (vì có khói).
Than xấu, xốp.
Trà đồng thô lỗ.
Người ở gái gắt gỏng.
Giẻ bẩn.
Các thứ trái cây và hương liệu, vị thuốc
.
KHÔNG NÊN GẦN

Những phòng ẩm thấp.
Nhà bếp.
Những đường phố huyên náo.
Những trẻ con la hét.
Những kẻ tính tình thô lỗ.
Những người ở gây lộn nhau.
Những phòng nóng quá
.
5. KHÓI THUỐC VÀ HƯƠNG
Thế giới ngày nay gồm hai hạng người: hạng hút thuốc và hạng không hút thuốc. Có nhiều người không hút thuốc mà thấy ai cũng mặc, không can thiệp vào và nhiều bà vợ chịu cho chồng nằm ở giường mà hút thuốc; vợ chồng như vậy thì chắc chắn là có hạnh phúc trong hôn nhân. Nhưng cũng có một số người cho rằng không hút thuốc là có đạo đức, đáng để tự hào; họ không ngờ rằng họ không được hưởng một cái thú lớn nhất của nhân loại. Tôi sẵn sàng chịu nhận rằng hút thuốc lá là một nhược điểm về phương diện đạo đức, nhưng chúng ta cũng phải đề phòng những người không có một nhược điểm nào; không thể hoàn toàn tín nhiệm ở họ được. Họ có thể lúc nào cũng điều độ, không mắc một lầm lẫn nào cả. Thói quen của họ rất đều đặn, họ hoạt động như cái máy và lúc nào cũng để trí óc khống chế tâm tình. Tôi mến những người biết điều bao nhiêu thì ghét những người hoàn toàn hợp lí bấy nhiêu. Cho nên vô nhà nào không thấy gạt tàn thuốc lá thì tôi luôn kinh hoảng và khó chịu. Phòng tiếp khách sạch sẽ và ngăn nắp, nệm đặt đúng chỗ, ngay ngắn, chủ nhà thì nghiêm trang mà vô tình. Thấy vậy, tôi phải xốc áo lại cho ngay ngắn, tỏ vẻ lễ độ, chẳng được thư thái chút nào.
Những con người đàng hoàng, chính trực và vô tình cảm, tầm thường đó làm sao biết hưởng cái thú hút thuốc? Vì bọn hút thuốc chúng tôi thường bị người ta công kích về phương diên đạo đức chứ không phải về phương diện nghệ thuật, cho nên trước hết cho tôi xin bênh vực đạo đức của chúng tôi đã, mà xét về đại thể tôi cho là cao hơn đạo đức hạng người không hút thuốc. Người nào ngậm ống điếu là hợp ý tôi. Người đó có tài hơn, vui tính hơn, dễ cởi mở nỗi lòng hơn, đôi khi nói năng bặt thiệp hơn; và dù sao tôi cũng có cảm tưởng rằng người đó mến tôi cũng như tôi mến người đó. Tôi đồng ý với Thackeray[13] khi ông viết:
Triết gia mà ngậm ống điếu thì minh trí hơn lên, còn kẻ ngu độn mà ngậm ống điếu thì câm cái miệng lại; ống điếu làm cho cuộc đàm thoại có cái phong cách trầm tư, thâm thúy, nhân từ mà giản dị
. Hơn nữa, một người ngậm ống điếu thì luôn luôn sung sướng mà không có đức nào lớn bằng hạnh phúc.
Muốn nhận đúng được cái giá trị nghệ thuật của thuốc lá thì phải tưởng tượng một người nghiện thuốc mà bỏ trong môt thời gian ngắn. Người nghiện thuốc nào cũng đã có lần điên khùng muốn thoát li được nàng Yên-thảo-tinh (Nicotine), nhưng sau khi chiến đấu với cái lương tâm tưởng tượng của mình rồi lại khôi phục được lí trí mà
đào điếu lên
. Tôi cũng đã có lần ngưng hút trong ba tuần và sau thời kì đó lương tâm của tôi đã nhất định kéo tôi trở lại chánh đạo. Hễ còn chút nghị lực là tôi thề sẽ không mắc lại cái lỗi điên khùng đó nữa mà sẽ suốt đời sùng bái nàng Yên-thảo-tinh. Sự phát minh vô cùng hữu ích đó giúp cho tinh thần ta được sảng khoái, minh mẫn, mà lại cự tuyệt nó thì quả là một hành vi vô đạo đức. Theo Haldane, môt sinh vật-hóa học gia danh tiếng của Anh, thì hút thuốc là một trong tứ đại phát minh của nhân loại có ảnh hưởng lớn đến văn hóa, về phương diện sinh vật tính[14].
Ta không thể viện một lí do xã hội, chính trị, luân lí, sinh lí hay tài chính nào để cấm ta đạt được tình trạng sảng khoái tinh thần đó, nó làm cho sức tưởng tượng của ta phong phú lên, năng lực sáng tác của ta sung mãn và kích động mạnh lên để có thể hưởng hết cái thú đàm đạo với bạn thân ở bên lò sưởi, cái thú đọc môt áng cổ văn hoặc để tìm nổi một tiếng diễn đúng cái ý của ta trong khi sáng tác. Những lúc đó, ai cũng tự nhiên thấy rằng chỉ đốt một điếu thuốc mới là một hành động thích hợp, chứ bỏ một cục kẹo cao su vào miệng thì là một trọng tội.
Văn học Trung Quốc ít bàn về thuốc lá, vì mãi đến thế kỉ mười sáu các thuỷ thủ Bồ Đào Nha mới truyền vào Trung Hoa cái thói hút thuốc. Tôi đã tra khảo trong các cổ thư sau thời đại đó, chỉ kiếm được có vài hàng không có giá trị gì cả. Tuy nhiên dân tộc Trung Hoa thời nào cũng rất thích hương thơm. Không có thuốc lá thì họ đốt hương mà trong văn học, hương được đặt ngang hàng với trà và rượu. Từ đời Hán, đế quốc Trung Hoa đã lan tới bán đảo Đông Dương, và các hương liệu do phương Nam tiến cống, được dùng ở triều đình và trong các gia đình sang trọng. Trong các cuốn bàn về nghệ thuật sống, luôn luôn có những chương giảng về các loại hương, về tính chất của mỗi loại và cách đốt hương. Trong cuốn
Khảo bàn dư sự
của Đồ Long, có một đoạn tả cái thú đốt hương như sau:

Dùng hương có nhiều lợi. Các ẩn sĩ bàn về đạo đức mà đốt hương lên thì thấy tinh thần sáng suốt, vui vẻ. Canh tư, trăng tàn, lòng thấy lạnh lẽo, buồn rầu, đốt hương lên thì thấy lòng khoan khoái muốn huýt sáo. Dưới cửa sổ sáng, vẽ phóng những tấm thiếp, hoặc cầm cây phất trần, nhàn nhã ngâm thơ, hoặc ban đem đọc sách dưới ánh đèn, đốt hương lên thì đuổi được con ma ngủ. Cho nên có thể gọi hương là
bạn cũ của trăng
. Khi một thiếu nữ áo gồng kề vai thì thầm chuyện riêng, tay ta ôm cái lư hương, đốt lên vài nén thì lòng nồng nàn mà ý thêm đằm thắm. Cho nên bảo nó là
giúp tình
cũng được. Trời mưa, cửa đóng, ngủ trưa mới dậy, ngồi bàn tập viết, thưởng cái vị thanh đạm của trà trong lúc lư hương bắt đầu nóng, hương thơm phưng phúc toả ra, bao bọc ta, thú biết mấy. Càng hợp hơn nữa là những lúc khách đã tỉnh rượu, đêm thanh trăng tỏ, tay vuốt dây đàn miệng huýt sáo trên lầu vắng, nhìn núi xanh ở chân trời, lư hương chưa tàn, mà khói toả quanh rèm như sương. Hương lại có thể trừ tà uế, đi đâu mang theo cũng có lúc dùng. Thứ hương tốt nhất là là thứ già-nam, rất khó kiếm, người miền núi không sao có được. Sau già-nam thì không gì bằng trầm. Trầm có ba hạng, hạng tốt nhất, khí vị rất nồng, có phần quá cay; hạng xấu nhất thì quá khô, ít dầu, đốt lên toả nhiều khói quá; duy có hạng trung bình, rất dịu và thơm, đáng coi là diệu phẩm. Nấu nước pha trà rồi, còn dư than hống, gắp vài cục cho vào đỉnh hương, để hương cháy từ từ. Lúc đó trong lòng khoan khoái như lên cõi tiên, sống chung với tiên mà quên hẳn kiếp trần. Ôi! Khoái thay! Ngày nay những người đốt hương, không biết cái chân vị của hương, chỉ hiếu danh, trộn nhiều thứ hương để đua nhau tranh khéo, không biết rằng trầm là vật thiên nhiên, u nhã bình đạm, có cái hương kì diệu không thể tả được
.
5. UỐNG RƯỢU VÀ NHỮNG TRÒ CHƠI TRONG TIỆC RƯỢU
Tôi không sành rượu, vậy không đủ tư cách để bàn về rượu. Tửu lượng của tôi rất kém: ba chén Thiệu Hưng (một thứ rượu nếp), có khi chỉ có một cốc bia cũng say rồi. Đó là vấn đề thiên phú. Vài ông bạn của tôi tửu lượng rất cao mà hút chưa hết nửa điếu xì gà đã thấy chóng mặt, còn tôi, hút suốt ngày cũng chẳng làm sao, mà rượu thì uống không được. Lí Lạp Ông quả quyết rằng những người nghiện trà không thích uống rượu, mà những người nghiện rượu cũng không thích uống trà. Chính Lí là người sành trà mà cũng nhận rằng không biết uống rượu.
Tuy tôi không có tư cách uống rượu, nhưng không thể không nghiên cứu về vấn đề đó vì rượu giúp cho văn học còn hơn các vật khác nữa, và cũng như thuốc hút, nó làm tăng năng lực sáng tác của ta lên rất nhiều. Cái thú uống rượu, đặc biệt là cái thú
tiểu ẩm
(uống một li nhỏ) mà trong văn học Trung Hoa người ta thường nhắc tới, trước kia tôi vẫn cho là một bí mật không hiểu nổi, mãi đến khi một nữ sĩ diễm lệ ở Thượng Hải, trong lúc ngà ngà, hăng hái ca tụng mĩ đức của rượu, tôi mới chịu tin rằng lời bà ta có lí. Bà bảo:
Trong lúc nửa say, người ta nói huyên thuyên, nói hoài không ngừng; không có gì thú hơn, sướng hơn nửa
. Người ta có cảm giác hăng hái, dương dương đắc ý, cơ hồ như trở ngại nào cũng thắng nổi, giác quan mẫn nhuệ lên, mà khả năng sáng tác, nó ở giữa ranh giới hiện thực và ảo tưởng, đạt tới một trình độ cao hơn lúc bình thường. Cơ hồ ta có thêm năng lực, thêm lòng tự tin, có ý thoát li qui củ cùng những sự trói buộc của kĩ thuật.
Có người nói rằng những nhà độc tài ở châu Âu như Franco, Hitler, Mussolini[15], nguy hại cho nhân loại vì họ không biết uống rượu. Lời đó đáng gọi là có kiến giải. Tôi không ưa các nhà độc tài vì lối sống của họ có cái gì bất cận nhân tình, mà cái gì bất cận nhân tình đều là xấu cả. Một tôn giáo bất cận nhân tình không phải là một tôn giáo, chính trị bất cận nhân tình là một chính trị điên khùng[16], một nghệ thuật bất cận nhân tình là một nghệ thuật dở, và một lối sống bất cận nhân tình là lối sống của loài vật. Tiêu chuẩn bất cận nhân tình đó rất phổ biến và có thể áp dụng vào tất cả các lối sống, tất cả các hệ thống tư tưởng. Lí tưởng cao nhất mà ta có thể hướng tới là thành một người
cận nhân tình
, khả ái, biết phải trái, chứ không phải là thành một người nộm để phô trương các đạo đức.
Người Trung Hoa có thể dạy người phương Tây về cách thưởng trà, nhưng người phương Tây có thể dạy lại người Trung Hoa về cách uống rượu. Người Trung Hoa vào một cửa hàng bán rượu phương Tây, tất phải ngạc nhiên vì thấy bày bán biết bao nhiêu về nhãn rượu; ở xứ họ tới đâu cũng chỉ thấy người ta uống độc nhất thứ rượu Thiệu Hưng. Có sáu bảy thứ rượu khác nữa như Mạch Mễ, rượu thuốc, nhưng kể ra hết thì cũng chẳng được bao nhiêu. Người Trung Hoa không biết cái thú dùng một thứ rượu riêng tuỳ mỗi món ăn. Mà rượu Thiệu Hưng thì rất phổ thông đến nỗi ở huyện Thiệu Hưng[17] nhà nào sanh con gái thì cha mẹ gây ngay một hủ rượu rồi cất giữ, khi con gái xuất giá cho nó mang theo với những thứ đồ tư trang, như vậy nó được một món quí, một thứ rượu cũ đã hai chục năm. Trên cái hũ đó, người ta vẽ hoa cho đẹp, vì vậy mà hũ có tên là
hoa điêu
.
Tuy người Trung Hoa có ít thứ rượu, mà nghệ thuật uống rượu của họ cũng tình lắm. Họ rất chú trọng đến lúc uống và đến hoàn cảnh. Phải có một tâm trạng nào đó mới hợp với sự uống rượu, cho nên họ đã phân biệt trà và rượu như sau:
Trà như ẩn sĩ, rượu như hào sĩ. Rượu để kết bạn, trà để hưởng tĩnh
. Một tác giả Trung Hoa còn kể ra những tâm trạng và địa điểm hợp với sự uống rượu:
Trong cuộc lễ nên uống khoan thai; trong cuộc họp bàn, uống nên nhã; người đau nên uống từng chút một; người sầu muộn nên uống cho đến say. Mùa xuân nên uống ở sân, mùa hè nên uống ngoại ô một châu thành; mùa thu nên uống ở trong thuyền; mùa đông nên uống ở trong nhà; mà ban đêm nên uống dưới bóng nguyệt

Một tác giả khác viết:
Nên lựa lúc và nơi mà say. Say với hoa thì nên vào ban ngày để hưởng hết màu sắc, ánh sáng; say với tuyết thì nên lựa ban đêm để tâm tư được thanh tĩnh; say lúc đắc ý thì nên ca hát cho lòng được hợp cảnh; say lúc li biệt thì nên hát lúc du dương để nâng đỡ tinh thần; say với văn nhân thì nên cẩn thận, lễ độ để khỏi bị khinh nhờn; say với võ tướng thì nên dùng cái chén bằng sừng, thêm cờ xí cho thêm lẫm liệt; say trên lầu thì nên lựa mùa hè để hưởng gió mát; say trên sông nước thì nên lựa mùa thu cho thêm phóng lãng sảng khoái. Tâm trạng và cảnh phải thích nghi, không vậy thì mất thú
.
Thái độ của người Trung Hoa đối với rượu và hành vi của họ trên tiệc rượu theo tôi, có thể đáng chê mà cũng có chỗ đáng khen. Đáng chê ở chỗ họ có thói quen ép người khác uống quá tửu lượng. Ở Phương Tây không có thói đó hoặc có mà rất hiếm. Người uống rượu thường tự hào về tửu lượng, chê những kẻ tửu lượng kém mình. Đáng khen ở chỗ tiệc rượu của họ rất huyên náo. Ăn trong một khách sạn Trung Hoa, ta có cảm tưởng như dự một cuộc đá banh vì tiếng la hét không lúc nào dứt.
Điểm đó cho ta hiểu tạo sao một bữa tiệc Trung Hoa kéo dài như vậy được, tại sao họ dọn ra nhiều thức ăn như vậy được, dọn đã nhiều lần mà lâu lâu mới đem ra một món. Họ ngồi vào tiệc không phải để ăn uống mà để vui đùa như kể chuyện xưa, kể chuyện hài hước, giải câu đố, chơi những trò gọi là
tửu lệnh
[18]. Người ta bày ra một trò chơi, vừa chơi vừa ăn và cứ năm mười phút đem ra một món ăn. Kết quả là: một mặt cười giỡn, tranh nhau nói, làm cho cơ thể tiêu hoá được chất rượu; mặt khác, bữa tiệc kéo dài ra hằng giờ, ăn tới đâu, tiêu hoá tới đó, mà càng ăn càng thấy đói. Xét cho cùng, ăn uống mà làm thinh, không trò chuyện thì là một tật xấu vì không hợp vệ sinh. Người ngoại quốc nào không tin rằng họ buồn rầu, trầm tĩnh vô tình, thì cứ coi họ ăn uống, sẽ biết rằng mình lầm. Chỉ trong lúc ăn, người Trung Hoa mới biểu lộ thiên tính cùng đạo đức của họ. Nếu họ không được vui sướng trong lúc ăn thì còn lúc nào cho họ hưởng thú ở đời nữa?
Người Trung Hoa đặt ra rất nhiều trò chơi để giúp vui bữa tiệc. Đại đa số tiểu thuyết Trung Hoa đều tả kĩ lưỡng các món ăn và các tửu lệnh trong mỗi bữa tiệc; như trong bộ Kinh Hoa Duyên mà phụ nữ Trung Hoa rất ưa đọc, có chép nhiều chuyện cũ về những tửu lệnh liên quan đến thanh vận học của một nhóm phụ nữ trí thức.
Một tửu lệnh giản dị nhất là
xạ phúc
. Người chơi lựa hai chữ, cắt đầu cắt đuôi đi, còn lại hai bộ phận; ghép lại với nhau thành một chữ khác bảo đối phương đoán xem những bộ phận đã bị cắt đó là gì[19].
Có rất nhiều tửu lệnh tao nhã về văn tự, lưu hành nhất là trò
liên cú
: người thứ nhất ngâm một câu thơ, người thứ nhì ngâm tiếp câu nữa, cứ như vậy cho hết vòng. Người ta thường lấy nhân vật hay phong cảnh làm đề tài, nhưng nhiều khi chỉ vài câu đầu còn hợp đề tài, càng về cuối bài, đề tài càng bị bỏ xa đến vạn dặm, thực tức cười.
Nhờ vậy mà bữa tiệc dễ kéo dài tới trên hai giờ, mục đích không phải để ăn uống, mà để vui đùa ồn ào. Cho nên không nên uống say mèm, chỉ nên ngà ngà say thôi. Đào Uyên Minh gẩy đàn cầm không dây mà vẫn thấy thú, thì người uống rượu cũng chỉ nên mượn rượu để mà vui. Quan trọng là cái vui chứ không phải rượu. Như vậy thì người tửu lượng kém cũng có thể hưởng thú uống rượu.
Có những người không biết chữ mà biết cái thú của thơ; có những người không biết tụng kinh mà biết cái thú của tôn giáo; có những người không biết uống một giọt rượu, mà biết cái thú của rượu; có những người không biết gì về đá, mà biết cái thú của họa
. Những người đó đều là tri kỉ của thi nhân, thánh hiền, ẩm giả[20] và hoạ sĩ.
7. THỰC PHẨM VÀ DƯỢC PHẨM
Một quan niệm rộng rãi về thực phẩm tất phải coi bất kì vật gì nuôi sống ta đều thực phẩm cả, cũng như một quan niệm rộng rãi về nhà cửa tất phải bao quát tất cả những vật gì liên quan tới sự cư trú. Chúng ta đã là những động vật thì chúng ta phải nhận rằng chúng ta ra sao là tuỳ thức ăn cả. Sinh mệnh chúng ta không phải ở trong tay Thượng Đế mà ở trong tay những người làm bếp. Các bậc thân sĩ Trung Hoa đều ưu đãi người làm bếp vì phần lớn lạc thú sinh hoạt của họ tuỳ thuộc bọn người này. Bậc cha mẹ Trung Hoa – rất trọng đãi người vú vì họ biết rằng sức khoẻ của con cái họ tuỳ thuộc tính tình, hạnh phúc và cách sống của người vú. Nếu chúng ta thành thực thì buổi sáng khi tỉnh dậy rồi mà còn nằm trên giường, đếm trên đầu ngón tay những vật tạo cho ta các lạc thú chân chính trong đời, thì nhất định ta phải nhận rằng thực phẩm đứng vào hàng đầu. Cho nên muốn biết một người khôn hay không thì cứ coi thức ăn của họ có tinh mĩ hay không.
Cái tốc độ của sinh hoạt ngày nay làm cho chúng ta có ít thì giờ lo đến vấn đề nấu nướng, ăn uống. Một bà nội trợ đồng thời là một nhà báo có tài, mà chỉ dọn cho chồng một món xúp với đậu hộp thì cũng không đáng trách. Vì bà ta không có thì giờ. Nhưng ăn để làm việc chứ không phải làm việc để ăn, quả là một lối sống không hợp tình, hợp lí. Đối với bản thân, ta cũng cần chút nhân từ, khoan dung rồi mới có thể nhân từ, khoan dung với người khác được. Một người đàn bà tận tâm lo cải thiện tình hình xã hội, lo công việc cho thành phố, mà nấu ăn sơ sài rồi nuốt vội bữa cơm trong mười phút, thì có lợi gì cho bà ta đâu. Cụ Khổng tất đuổi bà ta về nhà cha mẹ cũng như cụ đã đuổi cụ bà vì nấu bếp rất dở.
Sử không chép rõ là bà vợ Khổng Tử bị chồng đuổi hay tự ý ra đi vì ông chồng khó tính quá, gạo muốn cho thật trắng, thịt phải băm cho thật nhỏ (thực bất yếm tinh, khoái bất yếm tế), thịt không có thứ nước chấm thích hợp thì không ăn, sắc không tươi cũng không ăn, mùi hơi nặng cũng không ăn (bất đắc kì tương bất thực, các bất chính bất thực, sắc ác bất thực, xú ác bất thực); quả thật là một nghệ sĩ trong cách sống. Tôi chắc rằng chỉ có vậy thôi thì cụ bà cũng chiều cụ ông được; nhưng một lần bà không tìm ra thịt tươi, bất đắc dĩ phải sai con trai là Lý lại tiệm mua rượu và món ăn nấu sẵn để cung phụng ông chồng, cụ ông bảo
rượu thịt mua ở tiệm thì không ăn
(cô tửu thị bô bất thực), đến nước vậy thì cụ bà chỉ còn cách cuốn khăn gói chứ còn biết làm gì nữa bây giờ? Tâm lí bà Khổng đó, do tôi bịa ra, nhưng những qui điều nghiêm khắc của ông đặt ra về ăn uống thì chép rành rành trong bộ Luận ngữ đấy, tôi không nói thêm.
Người Trung Hoa có một quan niệm rộng rãi về thực phẩm[21] cho nên không phân biệt thực phẩm và dược phẩm. Phàm cái gì bổ ích cho cơ thể thì là một dược phẩm mà đồng thời cũng là một thực phẩm. Mãi tới thế kỉ trước khoa học mới nhận đúng được sự quan trọng của thực phẩm trong cách trị bệnh, và may mắn thay, ngày nay các y viện tối tân đều có đủ các nhà chuyên môn về khoa ăn uống. Nếu các y sĩ ngày nay muốn tiến xa hơn nữa mà gởi các nhà chuyên môn đó qua tu nghiệp bên Trung Hoa thì chắc họ đỡ phải dùng thuốc men hơn. Một y sĩ Trung Hoa thế kỉ thứ sáu, Tôn Tư Mặc, bảo:
Gọi là y sĩ thì trước phải tìm nguyên nhân bệnh, biết nguyên nhân rồi, trước hết trị bằng thực phẩm, nếu không bớt thì sau mới dùng thuốc
. Vì vậy mà bộ Thực phổ (sách dạy nấu ăn) đầu tiên của Trung Hoa, do một quan Thái y đời Nguyên soạn năm 1330, bảo rằng ăn uống là phép dưỡng sinh căn bản. Trong bài tựa có đoạn như sau:

Người nào khéo nhiếp sinh thì ăn uống điều độ, giảm bớt lo lắng, tiết chế thị dục, ngăn những cảm xúc quá mạnh, giữ gìn nguyên khí, ít nói năng, coi nhẹ thành công và thất bại, tránh ưu tư và những trở ngại, trừ những vọng tưởng, xa những hiếu ố, cho tai mắt được yên tĩnh mà chăm giữ nội tâm của mình. Không làm mệt tinh thần, không làm mệt hình hài, tinh thần và hình hài đã yên thì bệnh hoạn do đâu mà tới nữa? Cho nên khéo giữ cái tính của mình thì đợi đói rồi mới ăn, ăn không quá no, đợi khát rồi mới uống, uống không quá nhiều. Ăn mỗi lần nên ít và cách xa nhau, đừng nên nhiều và gần nhau. Nên còn đói một chút sau bữa ăn và nên no một chút thôi trong khi đói. Vì khi no thì hại phổi mà đói thì hại khí
.
Bộ đó cũng như các bộ sách dạy nấu bếp khác của Trung Hoa có thể coi là những bộ dạy về các phương thuốc.
Bạn tản bộ trên đường Hà Nam ở Thượng Hải, ngó các tiệm Trung Hoa sẽ khó mà nhận được họ bán nhiều thực phẩm hơn dược phẩm hay nhiều dược phẩm hơn thực phẩm. Vì bạn thấy họ bày gần nhau nào là quế chi, đùi thịt muối, hổ cân (gân cọp), hải cẩu thận, hải sâm, lộc nhung, cùng với nấm và chà là. Tất cả những vật đó đều ích cho cơ thể và có nhiều chất bổ. Ngoài ra còn rượu hổ cốt, rượu mộc qua (một loại cây có quả: cognassier), như vậy thì làm sao mà phân biệt được là thực vật hay dược vật? Thuốc bổ Trung Hoa may thay khác hẳn thuốc bổ phương Tây, không có những thành phần chẳng hạn: ba gam hypophosphate và 0,02 gam tín thạch (arsenic). Nó là một tô cháo gà giò nấu với hoài sơn, thảo quả[22]. Thuốc phương Tây chế thành hoàn hay phiến, thuốc Trung Hoa sắc thành thang, như món canh. Sắc thuốc cũng y như nấu canh, phải đúng phân lượng cho đủ mùi, đủ vị, thường là bảy tám vị, có khi tới hai chục vị, mà công dụng chẳng phải chỉ để trị bệnh mà còn để bổ dưỡng cơ thể. Vì Trung Y[23] hoàn toàn đồng ý với Tay Y hiện nay mà cho rằng khi gan yếu chẳng hạn thì chẳng phải chỉ riêng bộ phận đó đau mà cả cơ thể đều đau. Tất cả Trung Y dựng trên nguyên tắc căn bản này là phải tăng cường sinh lực khiến cho những cơ quan rất phức tạp trong thân thể tăng gia sức chống với bệnh mà thân thể sẽ tự điều trị lấy chỗ đau. Y sĩ Trung Hoa không cho người bệnh uống aspirine mà cho uống một thang thuốc phát hãn, không cho uống những viên kí ninh mà cho uống một tô cháo thịt rùa nấu với nấm và vỏ cây có chất kí ninh. Tôi tin rằng sau này phòng dinh dưỡng trong một y viện sẽ được mở rộng và y viện sẽ biến thành một cao lâu kiêm liệu dưỡng viện (restaurant sanatorium). Trong khi chờ đợi có những y viện như vậy, ta phải bỏ sự phân biệt thực phẩm (để nuôi cơ thể) và dược phẩm (để trị bệnh) đi đã.
Khoa học ngày nay nên nghiên cứu các phương thuốc của Trung Hoa. Mãi đến thế kỉ trước, Tây Y mới biết rằng gan có công dụng bổ huyết mà ở Trung Hoa thì từ thời cổ đã cho nó là một món bổ cho các người già. Tôi lấy làm lạ sao các đồ tể phương Tây bỏ hết cả bộ lòng, xương, tuỷ và óc của heo, bò hay gà vịt đi, vì những bộ phận đó có nhiều chất bổ. Tuỷ là chỗ chế tạo ra hồng huyết cầu, sao không biết dùng nó nấu một món xúp cực bổ mà bỏ phí nó như vậy? Còn bộ lòng thì ai cũng biết rằng có nhiều vị trấp, vừa ngon lại vừa dễ tiêu.
Tôi ưa nhiều thức ăn phương Tây, nhất là trái dưa bở. Và nếu một vị Đạo gia mà được ăn trái bưởi thì chắc là tưởng chừng như được uống thuốc trường sinh. Nước cà chua đáng kể là một phát minh lớn của thế kỉ hai mươi vì người Trung Hoa cũng như người phương Tây cách đây một thế kỉ, không cho rằng cà chua ăn được. Thức ăn nào cũng ngon cả nếu khéo nấu, ăn ngay tại xứ sản xuất ra nó và ăn đúng mùa.
Phép nấu bếp của Âu, Mĩ rõ ràng có nhiều khuyết điểm. Họ rất tấn bộ về món làm bánh, về các món điểm tâm, tráng miệng, ngoài ra món ăn của họ hình như khó tiêu, vô vị, ít biến hoá. Ba tuần ở trong một lữ quán hoặc một nhà trọ, hoặc trên một chiếc tàu, quanh đi quẩn lại chỉ có mấy món thịt gà, sườn bò, sườn cừu, thịt thăn, ăn mãi muốn ngấy lên. Họ dở nhất là về món rau. Họ có rất ít loại rau mà chỉ biết nấu canh, nấu chín quá, mất cả màu sắc của rau đi. Gan gà vịt được coi là một món ngon ở phương Tây, trái thận của cừu cũng vậy; nhưng còn biết bao thức khác cũng trong những loại đó chưa ăn thử lần nào.
Món xúp của họ không biến đổi mấy. Do hai nguyên nhân. Trước hết họ không biết thí nghiệm, trộn các thứ rau, các thứ thịt. Nếu biết hỗn hợp, thay đổi, chỉ cần năm sáu thức ăn như tôm khô, nấm, măng, bí, thịt bò… họ có thể nấu được hàng trăm thứ xúp. Họ không biết ăn canh bí, mà bí nấu với tôm khô, mùa hè ăn vào, thật tuyệt. Nguyên nhân thứ nhì là họ ít dùng cá để nấu xúp.
Dưới đây, tôi trích một đoạn trong cuốn Nhàn tình ngẫu kí của Lí Lạp Ông bàn về cua để độc giả thấy ý kiến của người Trung Hoa về thức ăn:

Về nghệ thuật ăn uống, bất kì thức nào tôi cũng hiểu biết và cũng tả được kĩ lưỡng. Duy có loài cua, lòng tôi yêu nó, miệng tôi nếm nó, suốt đời tôi không sao quên được nó. Nhưng về cái lẽ tại sao tôi thích nó, nếm nó và không quên được nó thì tôi không diễn tả nổi. Đó là một sự si tình của tôi trong sự ăn uống mà con cua là một con vật lạ trong trời đất. Suốt đời tôi, tôi thích nó. Mỗi năm tôi để dành một số tiền để đợi tới mùa cua; người nhà cười tôi là coi cua như sinh mệnh, vì vậy tôi dùng số tiền để dành mua cua đó là
tiền chuộc sinh mệnh
… Từ đầu mùa tới cuối mùa, không tối nào tôi không ăn cua. Bạn thân tôi biết tôi nghiện cua, mời tôi lại ăn cua, cho nên tháng chín tháng mười tôi gọi là
mùa thu tháng cua
… Trước kia tôi có một người ở gái khéo nấu cua, tôi gọi chị ta là
chị cua
. Nay chị ta đi rồi! Ôi, cua, cua! Đời của ngươi và đời của ta liên kết nhau từ lúc sinh tới lúc chết chăng?
.
Lí Lạp Ông xưng tụng cua như vậy vì nó có đủ ba cái đặt tính của thực phẩm: màu, hương và vị.
Theo tôi
triết học thực phẩm
có thể tóm tắt vào ba điểm này: tươi, ngon miệng và nấu vừa đúng. Người bếp giỏi nhất thế giới cũng không thể nấu một món ngon được nếu thức ăn không tươi, và người bếp giỏi nào cũng nhận rằng nửa nghệ thuật làm bếp là biết lựa thức ăn cho tươi.
Những gia đình trung lưu không thể mướn người bếp giỏi được, nhưng họ có điều này để tự an ủi là thực phẩm nào ăn cũng ngon cả, miễn là ăn đúng mùa: nghệ thuật không hơn được Thiên nhiên trong việc cung cấp lạc thú cho ta nên những người có một khu vườn hoặc sống ở thôn quê được ăn những thức ăn ngon hơn cả, mặc dù là không có người bếp giỏi. Cũng vì lẽ đó mà ta nên nếm các món ăn ở chính nơi sản xuất ra nó. Nhưng đối với một người đàn bà không biết lựa những món tươi hoặc một người đàn ông chỉ thích ăn đồ hộp thì giảng về cách hưởng các món ăn ngon làm gì cho uổng công.
Khẩu vị của món ăn, khi thì cần mền, khi thì cần dẻo, khi thì cần giòn, phần nhiều là do cách nấu nướng. Có món phải nấu ở tiệm mới được vì ở nhà không có thứ lò thích hợp. Còn về hương vị thì có hai loại thức ăn: loại mà bản vị của nó đã ngon rồi, chỉ thêm chút muối chứ không cần những đồ gia vị; và loại phải thêm gia vị mới ngon. Sau cùng người Trung Hoa rất quí một vài món tự nó không có vị gì cả, nhờ sự điều hoà các gia vị mà hoá ra ngon.
Những món rất đắt tiến của Trung Hoa có ba đặt điểm này: không màu, không có hương, không có vị; tức như ngư sí (cánh cá), yến sào, ngân nhĩ (một thứ nắm bạc). Cả ba đều tự như chất keo, chẳng có màu sắc, hương vị gì hết mà ăn rất ngon nhờ khéo nấu với một thứ nước xốt riêng.
8. VÀI TỤC KÌ DỊ CỦA PHƯƠNG TÂY
(Trong tiết này mà bản tiếng Pháp lược bỏ, tác giả chê tục bắt tay và ngả mũ khi chào hỏi nhau là tàn tích của thời đại Trung Cổ - thời mà các võ sĩ gặp nhau muốn tỏ rằng mình không có khí giới gì trong tay, muốn hoà hiếu, nên lột nón bao trùm cả mặt và chìa tay không ra -; tục đó nay nên bỏ vì không hợp thời, vô nghĩa lí, đã không đẹp lại không hợp vệ sinh).
9. TÂY TRANG KHÔNG HỢP NHÂN TÌNH
(Bản tiếng Pháp cũng lược bỏ trọn tiết này. Theo tác giả, Tây trang (y phục phương Tây) có ưu điểm là làm lộ đường cong của cơ thể, rất hợp với những người trẻ, thân thể cân đối, mà không hợp với người già hoặc gầy ốm. Ông thích y phục Trung Hoa hơn, rộng rãi, thoải mái, che được những nét không đẹp của thân thể. Nó lại có lợi là mùa lạnh bận bao nhiêu lớp cũng được, lạnh nhiều thì thêm lớp, lạnh ít thì bớt lớp đi. Ông ghét nhất cái cổ cồn cứng ngắc và những cái đai ngực, đai lưng làm cho người ta bực bội).
10. NHÀ Ở VÀ CÁCH BÀY BIỆN
Danh từ nhà ở nên bao quát cả những đồ đạc, cách bày biện, và các hoàn cảnh vật chất ở chung quanh nhà. Vì ai cũng biết rằng khi lựa một ngôi nhà, nên chú ý tới nội bộ trong nhà. Tôi biết nhiều phú ông ở Thượng Hải rất hãnh diện rằng có được một miếng đất nhỏ, một cái hồ rộng ba bốn thước, và một cái đồi nhân tạo leo độ ba phút đã tới ngọn; mà họ không biết rằng có những người nghèo cất chòi lá ở sườn núi mà được hưởng một cảnh đẹp tuyệt vời, như cả vũ trụ là cái vườn riêng của mình. Hai hạng người đó ai sướng hơn ai, chẳng cần phải so sánh làm gì. Có những căn nhà cất trên núi trong những cảnh đẹp đến nỗi chẳng ai nghĩ tới việc rào dậu làm chi, vì bước ra khỏi cửa là một vùng trời đất hiện ra trước mắt, nào núi xanh mây trắng, nào thác đổ ào ào, chim kêu ríu rít. Người nào sống trong cảnh đó mới thực là phú ông mà hạng triệu phú ở thành thị không sao bì kịp. Một người sống nơi thành thị có thể thấy mây bay ngang qua, nhưng ít khi họ biết ngắm mây mà có ngắm thì cũng chẳng thú gì, vì có mây trắng mà không có núi xanh[24]. Bối cảnh không thích nghi chút nào cả.
Người Trung Hoa có quan niệm rằng nhà ở chỉ là một bộ phận nhỏ trong cảnh thiên nhiên và phải hoà hợp với cảnh như một viên ngọc trong một hộp kim ngân. Vì vậy tất cả những nét nhân tạo đều phải che khuất đi càng nhiều càng tốt, những đường thẳng của tường phải cắt bằng những chỗ nhô ra. Nhà máy có thể cất vuông vức như một cái hộp vì cần tiện lợi trước hết. Nhưng nhà ở mà như vậy thì coi sao được. Một văn nhân Trung Hoa đã tả một ngôi nhà lí tưởng như sau:

Bước qua khỏi cổng là tới một lối đi, lối đi nên khuất khúc. Tới khúc quẹo của lối đi một bức bình phong, bình phong nên nhỏ. Sau bình phong là một cái sân, sân nên phẳng. Ở bên cái sân có hoa, hoa nên tươi. Sau dẫy hoa có bức tường, tường nên thấp. Gốc tường có cây thông, thông nên già. Dưới gốc thông có đá, đá nên kì quái. Trên đá có cái đình (nhà mát), đình nên giản phác. Sau đình có trúc, trúc nên nhỏ và thưa. Hết các bụi trúc tới nhà ở, nhà nên u tịch. Bên nhà có đường đi, đường nên rẽ ra hai ngả. Chỗ rẽ có cầu, cầu nên cao. Bên cầu có cây, cây nên lớn. Dưới bóng cây có cỏ, cỏ nên xanh. Trên bãi cỏ có hào (rãnh), hào nên hẹp. Cuối hào có ngọn suối, suối nên róc rách. Phía trên dòng suối nên có núi, núi nên cao. Chân núi có cái trang, trang nên vuông vắn. Một bên cái trang có vườn rau, vườn nên rộng. Trong vườn có hạc, hạc phải múa. Hạc báo có khách tới, khách không phàm tục. Khách tới bày rượu, khách không được từ chối; uống rượu rồi say, khách say mà không đòi về
.
Nhà ở nên có tích cách độc lập. Lí Lạp Ông, trong một cuốn bàn về nghệ thuật sống, để ra mấy chương xét vấn đề nhà cửa. Trong bài tựa, ông đặc biệt nhấn vào hai điểm
tự tại

độc lập tính
. Tôi cho rằng điểm
tự tại
quan trọng hơn điểm
độc lập tính
vì nhà cửa dù rộng rãi, đẹp đẽ đến bực nào, bao giờ cũng có một gian mà ta thích nhất, và chỉ ở trong gian đó ta mới thấy khoan khoái; luôn luôn nó là một gian nhỏ, giản dị, thân mật.
Lí viết:

Người ta không thể không có nhà cũng như cơ thể không thể không có áo. Mùa hè phải mát, mùa đông phải ấm, thì nhà cũng vậy. Nhà cao vài chục thước, rui mè nhô ra vài thước, lớn thì lớn thật, nhưng hợp với mùa hè mà không hợp với mùa đông. Vô nhà một bực quí nhân, không lạnh mà cũng run: tuy cái thế khiến nên như vậy, nhưng cũng tại nhà rộng lớn quá, như ta bận cái áo cừu rộng quá mà không thắt lưng nên vẫn lạnh. Vô một căn nhà tường chỉ ngang vai, hẹp chứ không có chỗ đặt chân, kiệm thì kiệm thật, nhưng hợp với chủ mà không hợp với khách… Tôi muốn rằng các nhà quan lớn đừng rộng quá, phòng với người nên xứng với nhau. Vẽ sơn thuỷ, người ta theo qui tắc này: Núi cao một trượng thì cây cao một thước, ngựa cao một tấc, người bằng hạt đậu[25]. Núi cao một trượng mà cây cao hai, ba thước, hoặc ngựa cao một tấc, mà người thì nhỏ bằng hạt thóc, hạt kê, thử hỏi có xứng không? Nếu các ông lớn cao chín mười thước thì ở ngôi nhà cao vài chục thước là hợp[26]; nếu không vậy thì nhà càng cao, người hoá ra càng lùn, nhà càng rộng thì thân hình hoá ra càng nhỏ. Như vậy sao bằng cất nhà nhỏ bớt đi cho thân hình có vẻ lớn ra? Tôi thường thấy các ông lớn hoặc họ hàng của họ bỏ ra hàng ngàn hàng vạn đồng để xây vườn, bảo người thợ:
Đình (nhà mát) thì đúng kiểu của ông này, tạ (nhà thuỷ tạ) thì theo đúng cách thức của ông nọ, đừng sai một li nhé
. Khi xây cất xong, hãnh diện khoe rằng, từ cửa cái, cửa sổ đến cái hiên, cái gác nhất thiết đều giống các vườn danh tiếng, không sai phép tắc chút nào cả. Ôi! Bỉ lậu thay bọn đó.

Trong việc kiến trúc, phải tránh sự xa xỉ và cầu kì. Chẳng những hạng dân thường cần phải kiệm phác mà đến bậc vương công đại nhân cũng nên trọng điều đó. Vì nhà để ở, quí thuần giản chứ không quí rực rỡ, quí tân kì nhã nhặn chứ không quí tiêm xảo, lạn mạn. Người ta thích khoe sang trọng rực rỡ, không phải vì thích cái đó mà vì không có sáng kiến mới mẻ; bỏ cái sang trọng rực rỡ đi thì không có gì để khoe nữa
.
Trong bộ sách của ông, Lí Lạp Ông còn bàn về cách bố trí các phòng, các cửa, cách bày biện đồ đạt, từ cái bàn cái ghế đến cái giường, tủ và các đồ trang hoàng lặt vạt. Ông có rất nhiều sáng kiến và rất đa tài: vừa là nhà soạn tuồng, nhà âm nhạc, vừa là kiến trúc gia, mĩ dung chuyên gia[27].
Về cách bày biện trong nhà, quan niệm của người Trung Hoa gồm hai nguyên tắc: giản dị và khoảng khoát. Đồ đạc trong phòng không nên nhiều, nên làm bằng loại dữu mộc (acajou), đánh bóng, nét giản dị, góc cong. Sát tường nên bày một cái bàn dài không có hộc, trên bày một bình lớn. Góc tường nên bày vài cái giá đặt chậu hoa hoặc đồ cổ. Phía khác trong phòng kê một kệ sách có những ngăn cao thấp khác nhau. Ở tường treo một vài bức tranh hoặc liễn, nét vẽ thì nên đậm, thưa, nét chữ thì nên hùng kính, mà sự bày biện trong phòng cũng nên đạm, thưa như bức tranh. Nét đặc biệt nhất của nhà cửa Trung Hoa là cái sân lát đá có vẻ vừa an ninh vừa u tĩnh như những cái sân Y Pha Nho vậy.
Chú thích:
[1] Tức bọn Sơn Đông mãi võ, huynh hoang quảng cáo những món thuốc tầm thường. Pháp văn: philosophe
de foire
:
triết gia chợ phiên
. [Nguyên văn tiếng Anh:
market philosopher
.]
[2] Đoạn này tác giả dùng một phép chơi chữ: Tiếng Anh lying có hai nghĩa: nằm, và nói dối. Cả bản tiếng Pháp và bản tiếng Trung Hoa đều không dịch nỗi lối chơi chữ đó: cho nên tôi nghĩ lượt bớt đi cho dễ hiểu.
[3] Một hoạ sĩ danh tiếng đời Nguyên.
[4] Một hoạ sĩ danh tiếng đời Tống, bạn của Tô Đông Pha.
[5] Một văn sĩ ít ai biết, coi trong bài tựa của tác giả.
[6] Tôi cắt một đoạn Lâm tả những tiếng ông nghe được một buổi sáng ở Thượng Hải trong khi ông đã tỉnh dậy mà vẫn nằm ở trên giường.
[7] Chúng tôi không rõ loài chim giá cô này, tiếng Việt gọi là gì. Nhưng ở Bắc Việt, chúng tôi được nghe một loài chim mà chúng tôi không được biết tên: tiếng hót giống như tác giả đã tả. Theo tai chúng tôi, thì nó hót: chè xôi chuối – thịt; tiếng thịt đổ xuống thật mau. Trong Nam này hình như vào mua xuân, ở đồng quê và ngay của Sài Gòn, có một loài chim hót nghe cũng rất thích. Hỏi ra cũng không ai biết tên, có người gọi nó là chim bồ côi vì tiếng hót nghe y nghe: père, frère, mẻre tout est perdu (cha, anh, mẹ, mất cả rồi), sau mỗi tiếng père, frère, mère ngừng lại một chút rồi tout est perdu dồn một hơi rất gấp.
[8] Chúng tôi không hiểu rõ ý của tác giả trong đoạn này. Mấy hàng trên mới nói cái thú nhàn đàm là giữ được cái giọng ung dung, nhàn thích, thân mật. Đây lại nói là cần được trút hết nỗi phẫn uất một cách kịch liệt. Phải chăng nhàn đàm tặng ta cả hai thú đó?
[9] Tôi tạm thêm chữ
không
(có lẽ sách in thiếu), vì nguyên tác tiếng Anh như sau:
There is no question but we need the presence of women in a cultured conversation, to give it the necessary frivolity which is the soul of conversation. Without frivolity and gaiety, conversation soon becomes heavy and philosophy itself becomes foolish and a stranger to life.
[10] Về tên tác giả của tiểu phẩm Chử tuyền 煮泉小品, trong Sinh hoạt đích nghệ thuật chép là Điền Nghệ Hằng 田藝恆, nhưng có tài liệu chép là Điền Nghệ Hành 田藝衡.
[11] Ở đây tôi bỏ một đoạn dài hơn một trang nói về cách nấu nước và pha trà mà nhiều người đã viết, chẳng hạn Nguyễn Tuân trong
Vang bóng một thời
.
[12] Ý nói trà rất dễ nhiễm (hấp phụ) mùi hương. Nguyên văn tiếng Anh:
tea, most susceptible to contamination of flavors
.
[13] Tiểu thuyết gia Anh (1811-1863), viết loại nào cũng thành công, có vẻ châm biếm, cay độc hơn Dickens.
[14] Bỏ một đoạn trên ba trang, trong đó tác giả kể lại một lần bỏ thuốc lá.
[15] Trong nguyên tác tiếng Anh, là Stalin, Hiller và Mussolini (trang 241).
[16] Sách in là:
Một tôn giáo bất cận nhân tình là một chính trị điên khùng
, và tôi tạm sửa lại như trên. Nguyên văn tiếng Anh:
An inhuman religion is no religion, inhuman politics is foolish politics
.
[17] Ở tỉnh Chiết Giang, nổi danh vì thứ rượu hoàng tửu. Gần đó có Lan Đình, nơi mà Vương Hi Chi thường lại chơi. Coi bài Lan Đình tập tự.
[18] Lệnh có nghĩa là làm chủ, ra lệnh. Trong bữa tiệc, cử một người làm chủ, ra lệnh (chẳng hạn làm thơ) thì các người khác phải nghe, không thì bị phạt rượu, cho nên gọi là tửu lệnh.
[19] Tác giả viết sách cho người phương Tây đọc, nên đưa ra những tỉ dụ trong tiếng Anh. Chẳng hạn lựa hai chữ Humdrum và Drumstick; cắt cái đuôi drum của chữ thứ nhất và cái đầu, cũng drum, của chữ thứ nhì; còn lại ghép thành Hum-Strick, phải đoán ra bộ phận đã bị cắt. Tác giả còn đưa ra nhiều thí dụ nữa. Trong bản tiếng Hán, người dịch theo đúng nguyên văn mà lại không đưa thêm một vài thí dụ trong Trung Hoa, thành tử chúng ta chỉ hiểu một cách mơ hồ thôi.
[20] Người uống rượu.
[21] Sách in là thực vật, tôi tạm sửa lại là thực phẩm. Nguyên văn cả câu trong bản tiếng Anh là:
Taking then the broader view of food as nourishment, the Chinese do not draw any distinction between food and medicine
.
[22] Theo nguyên tác thì là món súp gà ác nấu với sinh địa:
…black-skinned chicken soup, cooked with rehmannia lutea
.
[23] Ta thường gọi là Đông y.
[24] Tác giả hơi khó tính. Ở Sài Gòn này nhìn mây trắng trôi sau một rặng dương (phi lao) trên nền trời xanh, nhiều khi tôi cũng thấy thú lắm.
[25] Nguyên văn tiếng Anh:
Ten-feet mountains and one-foot trees; one-inch horses and bean-sized human beings
.
[26] Nguyên văn tiếng Anh:
It would be all right for officials to live in halls twenty or thirty feet high, if their bodies were nine or ten feet
.
[27] Bỏ đoạn nói về một kiểu cửa sổ của Lí Lạp Ông và vài kiểu ghế.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Sống Đẹp.