• 1,507

Chương 104


Số từ: 2367
Sau khi bè lũ Kaledin đánh tả tơi các đơn vị Cô- dắc cách mạng, Uỷ ban quân sự cách mạng sông Đông bắt buộc phải chuyển đến đóng ở Minrovô. Uỷ ban gửi cho người lãnh đạo các hoạt động quân sự chống lại Kaledin và cái Rada phản cách mạng ở Ukraina bản tuyên ngôn nội dung như sau:
"Kharkov.
Ngày 19 tháng Giêng năm 1918.
Gửi từ Lugansk, số 449, 18g20ph.
Uỷ ban quân sự cách mạng Cô- dắc sông Đông đề nghị đồng chí chuyển cho Xô viết các uỷ viên nhân dân Petrograd nghị quyết dưới đây của Quân khu sông Đông.
Chiếu theo nghị quyết của đại hội đại biểu các chiến sĩ ở mặt trận trở về họp ở trấn Kamenskaia. Uỷ ban quân sự cách mạng Cô- dắc quyết định:
1. Công nhận chính quyền Nhà nước trung ương của nước Cộng hoà Xô- viết Nga, Ban chấp hành trung ương đại hội đại biểu Cô- dắc, nông dân, binh sĩ và công nhân cùng Xô- viết các uỷ viên nhân dân do Ban chấp hành trung ương chọn ra.
2. Thành lập chính quyền biên khu của Quân khu sông Đông do đại hội đại biểu Xô viết các đại biểu Cô- dắc, nông dân và công nhân bầu ra.
Ghi chú: Vấn đề ruộng đất của Quân khu sông Đông được giải quyết trong Đại hội đại biểu đó của Quân khu".
Sau khi nhận được bản tuyên ngôn trên đây, các chi đội Xích vệ đã hành quân để chi viện cho quân đội của Uỷ ban quân sự cách mạng. Chính nhờ có sự giúp đỡ đó đã đánh tan được chi đội càn quét của Chernechev và phục hồi được tình thế trước kia. Quyền chủ động đã chuyển sang Uỷ ban quân sự cách mạng. Sau khi chiếm được Zverovo và Likbaia, các chi đổi Xích vệ của Xablin và Petrov, được sự chi viện của các đơn vị Cô- dắc thuộc Uỷ ban quân sự cách mạng đã triển khai công thế và đánh dồn địch về phía Novocherkask.
Ở sườn núi bên phải về hướng Taranroc, Xivéc 1 bị chi đội tình nguyện của tên đại tá Kutepov đánh thua ở gần Neklimovca, phải lui về Amvrosevca, mất một khẩu pháo, 24 khẩu trọng liên và một xe thiết giáp. Nhưng ở Taranroc, ngay hôm Xivéc thua trận phải rút đi, đã nổ ra cuộc khởi nghĩa ở nhà máy Ban- tích. Anh em công nhân đã đánh bật bọn Yunke ra khỏi thành phố, Xivéc chỉnh đốn được đội ngũ lại chuyển sang thế công, rồi trỉển khai, đánh dồn bọn tình nguyện đến Taranroc.
Thắng lợi rõ ràng ngả về phía quân đội Xô viết. Từ ba phía, họ khép kín vòng vây quanh Tập đoàn quân tình nguyện và bầy tàn binh bại tướng của các chi đội "giẻ rách" dưới quyền Kaledin. Ngày 28 tháng Giêng Kornilov đánh cho Kaledin một bức điện báo tin Tập đoàn quân tình nguyện bỏ Rostov và rút về vùng Kuban.
Ngày 29, lúc chín giờ sáng, trong lâu đài của viên ataman có triệu tập hội nghị bất thường các uỷ viên chính quyền sông Đông.
Kaledin ở nhà đến sau tất cả mọi người. Hắn nặng nề ngồi vào bàn và quơ một số giấy má về phía mình. Phần trên hai bên má hắn vàng ra vì mất ngủ, hai đám quầng thâm hiện rõ dưới cặp mắt âm thầm bạc màu. Có cảm tưởng như khuôn mặt của hắn gầy rộc đi và vàng ra vì bắt đầu thối rữa. Hắn từ từ đọc bức điện của Kornilov và các bản báo cáo của những tên chỉ huy các đơn vị đang chống lại cuộc tấn công của Xích vệ ở phiá bắc Novocherkask. Hắn đưa bàn tay trắng hếu rất to vuốt cẩn thận xấp điện tín rồi nói bằng một giọng âm thầm, hai cái mí mắt xưng húp và xám ngoét vẫn xùm xụp.
- Tập đoàn quân tình nguyện đang rút đi. Để bảo vệ quân khu và Novocherkask chỉ còn một trăm bốn mươi bảy tay súng.
Mi mắt bên trái của hắn nháy lia lịa, hai bên mép cặp môi mím chặt giật giật như chuột rút. Hắn cất cao giọng nói tiếp:
- Tình thế của chúng ta không còn hy vọng gì nữa. Dân chúng không những không ủng hộ chúng ta mà còn có một thái độ thù địch. Chúng ta không còn có thực lực, chống cự cũng vô ích. Tôi không muốn những sự hy sinh vô ích, không muốn có đổ máu vô ích. Tôi xin từ chức để trao quyền cho người khác. Tôi từ bỏ chức vụ ataman Quân khu.
Bogaevsky nhìn ra một khung cửa sổ rất rộng, sửa lại cái kính kẹp mũi và cứ đứng như thế mà nói, đầu không buồn quay lại:
- Tôi cũng xin từ chức.
- Tất nhiên toàn thể Chính phủ cũng sẽ từ chức. Nhưng có một vấn đề được đặt ra là chúng ta sẽ chuyển giao chính quyền cho ai?
- Cho Duma thành phố 2 - Kaledin lạnh lùng trả lời.
- Cần phải làm thủ tục về việc nầy, - tên uỷ viên chính quyền Kariev ngập ngừng góp ý.
Một phút chết lặng nặng nề, rất khó chịu. Làn ánh sáng bềnh bệch của một buổi sáng tháng Giêng u ám toả xuống một cách mệt mỏi bên ngoài những khung cửa sồ đẫm hơi nước. Thành phố mơ màng nằm lịm dưới tấm màn mây mù và sương muối. Tai không còn nghe thấy tiếng mạch đời đập như ngày thường nữa. Tiếng hoả lực pháo binh ầm ầm, vọng tới từ những trận chiến đấu đang diễn ra ở một nơi nào đó gần nhà ga Xulin, đã bóp chết mọi hoạt động và trùm lên thành phố một mối đe doạ âm ỉ không sao tả xiết.
Vài con quạ đen bay qua bay lại bên ngoài những khung cửa sổ kêu lên những tiếng khô khan rành rọt. Chúng lượn vòng trên cái gác chuông trắng loá như trên thây một con thú chết. Một lớp tuyết mới màu tím ngát phủ lên quảng trường Nhà thờ. Trên đó thỉnh thoảng mới có một người đi bộ và năm thì mười hoạ mới có một chiếc xe trượt tuyết đưa khách chạy qua, để lại phía sau hai cái vạch sẫm.
Bogaevsky phá tan bầu không khí chết lặng lạnh lẽo, đề nghị làm chứng từ chuyển giao chính quyền cho Duma thành phố.
- Có lẽ cần phải có một buổi họp chung với họ để bàn giao.
- Lúc nào họp thì tiện nhất?
- Muộn một chút thì hơn, khoảng bốn giờ.
Các uỷ viên chính quyền tựa như lấy làm sung sướng vì bầu không khí nặng nề do tất cả mọi người đều ngậm tăm đã bị xua tan.
Họ bắt đầu thảo luận về vấn đề bàn giao chính quyền, về thời gian triệu tập cuộc họp. Kaledin cứ lặng thinh và chỉ khẽ gõ đều đặn những móng tay phồng phồng lên mặt bàn. Dưới hai hàng lông mày mọc rủ xuống, mắt hắn như phủ một làn sương mù, với một cái ánh đùng đục như mi- ca. Sự mệt mỏi rã rời, cảm giác kinh tởm gớm ghiếc và cuộc khủng hoảng tinh thần làm cho cái nhìn của hắn có vẻ nặng nề, rất khó gần.
Để phản đối ý kiến của một tên khác, một tên uỷ viên chính quyền nói tràng giang đại hải một tràng, nghe thật chán ngấy.
Kaledin ngắt lời hắn, giọng nói chỉ hơi lộ vẻ bực tức:
- Xin các ngài nói ngắn bớt cho! Không còn có nhiều thì giờ đâu. Nên nhớ rằng nước Nga đi tới chỗ diệt vong cũng chỉ vì quá lắm mồm đấy thôi. Các ngài thảo luận đi và… sau đó sẽ phải mau chóng kết thúc các chuyện nầy.
Hắn nói xong bỏ về phòng. Bọn uỷ viên Chính phủ túm năm tụm ba xì xào bàn tán. Có người nói rằng thần sắc Kaledin nom quá hãm tài.
Bogaevsky đứng bên cửa sổ, một câu nói gần như thì thầm vẳng đến tai hắn:
- Đối với một người như ngài Aleksey Macximovich thì lối thoát duy nhất có thể chấp nhận là tự sát.
Bogaevsky rùng mình, rảo bước đi tới chỗ Kaledin ở. Chẳng mấy chốc lão đã quay ra, cùng đi có cả tên ataman.
Mọi người quyết định rằng đến bốn giờ sẽ họp một buổi liên tục với Duma thành phố để bàn giao chính quyền cho Duma và làm các thủ tục. Kaledin đứng dậy, các tên khác cũng đứng dậy theo.
Trong khi chia tay với một tân uỷ viên có vai vế trong Chính phủ, Kaledin đưa mắt theo dõi Ianov thấy hắn rỉ tai không biết những gì với Kariev.
- Có chuyện gì thế? - Kaledin hỏi.
Ianov bước tới có vẻ ngượng nghịu.
- Các vị uỷ viên Chính phủ trong số không phải là người Cô- dắc xin được cấp tiền đi đường.
Kaledin cau mày nói gay gắt:
- Tôi không có tiền… Chán ngấy được!
Mọi người bắt đầu chia tay Bogaevsky thì nghe được câu chuyện bèn gọi Ianov ra chỗ khác.
- Mời ngài cùng tôi về chỗ tôi một lát. Ngài bảo giúp Svetozarov chờ một chút ở phòng ngoài.
Hai người đi theo Kaledin đang gù gù cái lưng bước những bước rất nhanh. Về đến phòng lão, Bogaevsky đưa cho Ianov một gói tiền.
- Đây có vạn tư. Xin ngài chuyển cho họ.
Svetozarov chờ Ianov ở phòng ngoài, nhận tiền, cám ơn rồi từ biệt và đi ra cửa. Trong khi tiếp lấy cái áo ca- pôt trong tay người gác cửa, Ianov nghe thấy những tiếng ầm ầm trên cầu thang, bèn ngoái nhìn lên. Moldavsky, viên phó quan của Kaledin chạy những bước rất dài trên thang gác xuống.
- Gọi bác sĩ! Mau lên!
Ianov quăng chiếc áo ca- pôt đi, chạy bổ tới. Tên phó quan trực nhật và bọn lính hầu đứng ộn trong phòng ngoài đến vây quanh tên Moldavsky vừa chạy xuống.
- Có chuyện gì thế? - Ianov kêu lên, mặt tái mét.
- Ngài Aleksey Maximovich tự sát bằng súng rồi! - Moldavsky khóc nức nở, ngực đập xuống lan can của thang gác.
Bogaevsky chạy vội vã, môi run bần bật như tróng một cơn lạnh khủng khiếp. Lão lắp bắp:
- Cái gì thế? Cái gì thế?
Mọi người chạy rầm rập trên thang gác, xô nhau lên tầng trên. Tiếng những bước chân chạy rung lên ầm ầm.
Bogaevsky há hốc miệng thở lấy thở để, hơi thở khò khò. Lão là người đầu tiên đẩy cánh cửa đánh rầm, chạy qua phòng ngoài vào phòng làm việc của Kaledin. Cái cửa thông từ phòng làm việc vào căn phòng nhỏ để mở toang. Từ trong đó trườn ra một làn khói nhẹ xanh xanh hăng hắc, kèm theo có mùi thuốc súng cháy.
- Ơi giời ôi là giời! ư- ư- ư- hư- hư! Anh Aliusa? Anh yêu quí… - Mụ vợ của Kaledin gào lên, giọng thất thanh không nhận ra được nữa, nghe rợn cả người.
Như bị nghẹt thở, Bogaevsky giật từng cổ áo sơ- mi, chạy vào trong đó. Bên cửa sổ, Kariev gù lưng xuống, bám tay vào cái nắm đấm mạ vàng xỉn xỉn. Trên lưng cái áo lễ phục của hắn, hai cái xương bả vai hết co vào lại dãn ra như bị chuột rút, thỉnh thoảng người hắn lại run lên một cơn rất mạnh. Tiếng gào khóc của một kẻ có tuổi, trầm trầm, nghe như tiếng hú của thú rừng, thiếu chút nữa thì làm Bogaevsky không đứng vững được nữa.
Kaledin nằm thẳng cẳng trên chiếc giường hành quân của sĩ quan, hai tay đặt trên ngực, đầu hơi vẹo sang một bên, mặt quay vào trong tường. Cái áo gối trắng càng làm nổi bật vừng trán xám ngoét đẫm mồ hôi và bên má áp xuống gối. Hai con mắt he hé như buồn ngủ, cặp môi khắc nghiệt trễ mép xuống nom đến là đau khổ. Vợ hắn quỳ xuống vật vã dưới chân hắn. Tiếng mụ gào man rợ the thé như chọc vào tai. Trên giường có một khẩu súng ngắn kiểu "Côn". Một dòng máu rất nhỏ mầu đỏ sẫm chảy ngoằn nghoèo từ trên chiếc áo sơ- mi xuống bên cạnh khẩu súng.
Chiếc áo quân phục cổ đứng mắc rất cẩn thận trên lưng cái ghế dựa, trên cái bàn nhỏ có đặt một chiếc đồng hồ đeo tay.
Bogaevsky nghiêng người lảo đảo quỳ xuống, áp tai vào bộ ngực mềm nhũn còn ấm. Một mùi mồ hôi đàn ông nồng nặc như mùi dấm xông vào mũi hắn. Tim Kaledin không đập nữa. Trong lúc nầy toàn bộ sự sống của Bogaevsky tập trung cả vào thính giác, lão hết sức thèm khát lắng nghe, nhưng chỉ nghe tiếng tích tắc rành rọt của chiếc đồng hồ đeo tay đặt trên bàn và tiếng sụt sịt ấm ức của mụ vợ lão ataman vừa quá cố. Và ngoài ra, bên ngoài cửa sổ có những tiếng quạ kêu chói tai báo tin chết chóc.
--- ------ ------ ------ -------
1 Xi- véc R. Ph - trước kia là chuẩn uý bộ binh. Đảng viên Bolsevich. Năm 1917, làm chủ bút tờ "Sự thật trong chiến hào" của đảng Bolsevich. Là một trong những người lãnh đạo cuộc đấu tranh vũ trang chống Bạch vệ và bè lũ can thiệp ở Ukraina và vùng sông Đông. Qua đời vi bị thương nặng tháng Mười hai năm 1918 (Lời chú của bản tiếng Nga).
2 Một thứ hội đồng dân biểu dưới chính quyền tư sản địa chủ ở nước Nga trước kia (ND)
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Sông Đông Êm Đềm.