• 1,507

Chương 121


Số từ: 5734
Đến tháng Tư năm 1918 trên vùng sông Đông đã hoàn thành một sự phân hoá lớn: bọn cựu chiến binh các khu miền Bắc: Khopesky, Ust- Medvedisky và một phần Đông Thượng đi theo các đơn vị Hồng quân rút lui. Còn bọn Cô- dắc các khu phía dưới thì truy kích họ, dồn họ về phía địa giới Quân khu.
Dân Khopesky theo Hồng quân gần hết, dân Ust- Medvedisk theo một nửa, còn dân Đông Thượng thì chỉ theo một số không đáng. Mãi đến năm 1918, lịch sử mới dứt khoát tách rời dân miền trên với dân miền dưới. Nhưng mầm mống của sự phân hoá nầy đã có từ mấy trăm năm trước, hồi những người Cô- dắc ít của ăn của để ở các khu miền Bắc, không có những vùng đất màu mỡ ở ven biển Azov, cũng không có những vườn nho, những khu săn bắn và đánh cá giàu có, thỉnh thoảng lại rời bỏ Cherkask, ngang ngạnh tràn vào những vùng đất của Đại Nga để cướp phá và trở thành dinh luỹ hết sức chắc chắn của tất cả các cuộc nổi loạn, từ Radin tới Xecat.
Ngay đến thời gian gần đây, trong khi toàn Quân khu chỉ âm ỉ phẫn nộ dưới bàn tay đàn áp của kẻ thống trị, người dân Cô- dắc các khu trên đã công khai nổi lên bạo động, và dưới sự lãnh đạo của các ataman, họ đã làm lung lay nền tảng của ngai vàng: họ chiến đấu chống lại quân đội nhà vua, cướp những đoàn thuyền trên sông Đông, tràn sang vùng sông Vônga, kích động vùng Zaproroge đã bị đánh bại nổi dậy.
Đến cuối tháng Tư, Hồng quân phải bỏ hai phần ba vùng sông Đông. Sau khi mọi người đã thấy rõ là cần phải thành lập một chính quyền Quân khu, những tên chỉ huy các nhóm vũ trang chiến đấu ở miền Nam bèn đề nghị triệu tập hội nghị Cơ- rúc. Chúng quyết định đến ngày 28 tháng Tư sẽ triệu tập các uỷ viên Chính phủ lâm thời sông Đông cùng đại biểu các trấn và các đơn vị quân đội đến họp đại hội ở Novocherkask.
Thôn Tatarsky nhận được thông tin của ataman trấn Vosenskaia báo cho biết là ngày 22 tháng nầy ở Vosenskaia sẽ họp đại hội đại biểu nhân dân toàn trấn để bầu đại biểu đi họp Cơ- rúc Quân khu.
Miron Grigorievich Korsunov đọc tờ thông tri trước đại hội thôn. Thôn đã cử lão, lão Bogatyrev và ông Panteley Panteley Prokofievich cũng được bầu đi họp Cơ- rúc. Ngay hôm ấy ở Vosenskaia về và hôm sau quyết định cùng với thông gia lên Minlerovo để có thể tới Novocherkask kịp ngày (Grigorievich cần đi Minlerovo để mua dầu lửa, xà phòng và vài thứ khác cần dùng cho công việc trong nhà, nhân tiện lão cũng muốn kiếm chác chút ít bằng cách giúp lão Mokhov mua những cái rây và hợp kim babit 1 cho nhà máy xay).
Hai người ra đi lúc trời vừa rạng. Cặp ngựa huyền của Miron Grigorievich kéo chiếc xe bốn bánh chạy băng băng. Hai ông thông gia ngồi bên nhau trong cái thùng xe sơn hoa lòe loẹt. Sau khi xe chạy lên gò, câu chuyện mỗi lúc một thêm mê mải. Đang có quân Đức đóng ở Minlerovo, vì thế Miron Grigorievich không khỏi có phần lo lắng. Lão hỏi:
- Thế nào, ông thông gia, quân Đức chúng nó có làm phiền gì chúng ta không nhỉ? Cái quân ấy tồi tệ lắm đấy, tọng cho chúng nó cái gọng xe vào mồm!
- Không đâu, - Ông Panteley Prokofievich nói cho lão kia yên lòng. - Hôm kia bác Matvey Kasulin lên trên ấy về, có bảo là quân Đức nhát như cáy… Chúng nó sợ không dám động đến người Cô- dắc đâu!
- Ông nghĩ cũng hay đấy nhỉ! - Miron Grigorievich cười gằn sau chòm râu đỏ như lông cáo, nghịch nghịch một lát cái roi ngựa có cái cán bằng gỗ anh đào. Rồi lão chuyển sang chuyện khác vì xem ra đã vững tâm - Ông nghĩ sao, chúng ta sẽ lập nên một chính quyền như thế nào bấy giờ.
- Chúng ta sẽ chọn lấy một vị ataman. Một người của chúng ta! Một người Cô- dắc!
- Cầu Chúa cho được như thế! Các ông hãy cố chọn lấy người tốt nhất! Các ông tướng ấy, các ông phải sờ nắn xem xét thật kỹ, như bọn Di- gan chọn ngựa ấy. Chớ để lọt vào một của vứt đi.
- Chúng ta sẽ lựa chọn. Vùng sông Đông nầy chưa đến nỗi thiếu những đầu óc thông minh.
- Phải đấy, phải đấy, ông thông gia thân mến ạ… Người thông minh cũng như những kẻ ngu xuẩn, họ mọc lên có cần phải gieo hạt đâu - Miron Grigorievich nheo nheo mắt, bộ mặt lấm tấm tàn hương của lão thoáng vẻ buồn. - Thằng Mitka nhà tôi, vốn là tôi cũng muốn lo cho nó nên thân nên người một chút, cũng muốn nó học hành để làm sĩ quan, nhưng ngay đến trường tiểu học nhà chung nó cũng chẳng được tốt nghiệp, mới theo đuổi hơn một năm đã trốn học rồi.
Hai người cùng lặng đi một lát và cùng nghĩ tới mấy đứa con trai giờ phút nầy đang rong ruổi không biết nơi đâu theo vết người Bolsevich. Chiếc xe chạy long lên như đang cơn sốt rét trên quãng đường mấp mô. Con ngựa huyền bên phải chợt đạp móng sau lên móng trước, những cái cá sắt chạy chưa mòn kêu lách cách. Thùng xe xóc mạnh. Hai ông thông gia ngồi sát sạt cứ cọ sườn vào nhau như hai con cá mùa đẻ trứng.
- Mấy thằng Cô- dắc nhà chúng ta không biết đang ở nơi nào nhỉ? - Ông Panteley Prokofievich thở dài.
- Đã tiến dọc theo sông Khop. Thằng Fedot Kalmys vừa ở Kumyngienskaia về, con ngựa của nó đã bị giết. Nó có bảo hình như đang tiến quân tới thị trấn Chisanskaia thì phải.
Hai người lại nín lặng một lát. Gió hiu hiu thổi, rùng cả lưng. Phía sau, bên kia sông Đông, những cánh rừng, những bãi cỏ, những cái hồ, những cánh đồng xơ xác cháy rực, lặng lẽ và huy hoàng dưới ánh mặt trời hồng hồng lúc bình minh như một đống lửa. Ngọn đồi cát nằm thườn thượt như một mảng mật vàng trong tầng tổ ong. Vài cái gò nhấp nhô hơi loáng áng đồng đen, nom như những cái bướn lạc đà Mùa xuân đến không đều với muôn vật. Những cánh rừng màu ngọc lam đã thay một bộ cánh xanh lá cây sẫm rất diêm dúa. Đồng cỏ bắt đầu nở hoa. Nước lũ rút đi để lại trên bãi cỏ hoang ven sông Đông vô số những vũng nước nhấp nhoáng. Nhưng sau mùa tuyết tan, trong vài cái khe dưới chân những khoảng dốc dứng, vẫn còn những đám tuyết nham nhở trắng loá một cách rất khêu gợi, nằm áp lên mặt đất sét.
Hôm sau, lúc trời sắp hoàng hôn, hai người đến Minlerovo nghỉ đêm ở nhà một người Ukraina quen biết, ngôi nhà được xây ngay cạnh bức tường nâu xịt của kho thóc cơ giới hoá. Sáng hôm sau, ăn sáng xong. Miron Grigorievich thắng ngựa vào xe để lên tiệm. Khi vượt qua đường sắt, lão không gặp trở ngại gì nhưng đến đấy thì lần đầu tiên trong đời lão trông thấy mấy tên Đức. Ba tên Landsturm 2 chạy ra chặn đường lão. Một tên trong bọn vẫy tay gọi. Nó nhỏ bé, có bộ râu màu hạt dẻ loăn xoăn đến mang tai.
Miron Grigorievich ghìm cương, nhay nhay cặp môi có vẻ lo lắng và chờ đợi. Ba tên Đức tiến lại gần. Một tên người Phổ cao lớn, béo tốt, cười nhe hàm răng trắng nhởn, bảo bạn nó.
- Đây thật là một thằng Cô- dắc chính cống nhé! Cậu xem, nó mặc cả đồng phục Cô- dắc nữa kìa! Hoàn toàn chắc chắn là những thằng con trai nó đã nện nhau với chúng ta. Bọn mình hãy bắt sống nó, lôi về Berlin. Nó sẽ là một vật triển lãm kỳ quặc bậc nhất đấy.
Chúng mình chỉ cần hai con ngựa của nó thôi. Còn nó thì mặc mẹ nó đi đằng nó? - Thằng cha có bộ râu màu hạt dẻ và hai tay như hai cái càng cua trả lời nhưng không cười. Nó vòng tránh hai con ngựa, có vẻ sợ sợ, đi tới bên chiếc xe.
- Xuống xe ngay, lão già nầy. Chúng ta cần hai con ngựa của lão để chở một số bột mì từ nhà máy xay kia ra ga. Nào, xuống xe ngay, tao bảo kìa! Mày sẽ đến chỗ quan tư lệnh mà lĩnh lại ngựa. - Thằng Đức đưa mắt về phía nhà máy xay và giơ tay ra hiệu bảo Miron Grigorievich xuống xe, ý nghĩa các cử chỉ, điệu bộ của nó hoàn toàn rõ ràng.
Hai tên kia bỏ đi về phía nhà máy xay, vừa đi vừa ngoái đầu lại cười. Mặt Miron Grigorievich đỏ lên với những đám vàng vàng xám xám. Lão buộc dây cương vào thành gỗ ngang trước thùng xe, nhảy rất nhẹ nhàng từ trên xe xuống rồi đi tới trước hai con ngựa.
"Ông thông gia lại không có ở đây, - lão thoáng nghĩ và lạnh toát cả người. - Đến bị chúng nó lấy mất ngựa thôi? Chao ôi, bỏ mẹ rồi? Thật ma dẫn lối quỉ đưa đường mình tới đây?"
Tên Đức mím chặt môi, nắm tay áo Miron Grigorievich, ra hiệu bảo lão đi ra nhà máy xay.
- Buông ra! - Miron Grigorievich nhô người về phía trước, mặt càng tái thêm. - Đừng có động vào tao? Tao không để cho lấy ngựa đâu?
Nghe giọng nói, thằng Đức cũng đoán được ý nghĩa của câu trả lời. Nó bất thần nhe những cái răng trắng xanh nom hết sức hung tợn, đồng tử hai con mắt nó nở to đầy vẻ đe doạ, giọng nó choang choang như muốn bắt đối phương tuân lệnh ngay. Nó đã quơ tay lên dây da cây súng trường đeo trên vai, nhưng ngay trong nháy mắt. Miron Grigorievich chợt sống lại thời trai tráng của lão: gần như không cần vung tay, lão quạng luôn cho thằng cha một cái đánh hự vào quai hàm, quả đấm thật xứng đáng với một nhà quyền thủ. Miếng đòn đó làm cho đầu thằng Đức ngật ra sau, rắc một cái, dây mũ sắt đứt dưới cằm đánh phựt. Nó ngã sóng soài rồi vừa cố nhỏm dậy vừa nhổ trong miệng ra một cục máu đặc màu tiết dê. Miron Grigorievich bồi luôn cho nó một quả nữa, lần nầy vào gáy, rồi lấm lét nhìn ra bốn phía và cúi xuống giật phắt khẩu súng trường. Trong giây phút ấy, đầu óc lão hoạt động nhanh nhạy và sáng suốt lạ lùng. Lúc quay ngựa, lão biết rằng không thể bị thằng Đức bắn vào lưng mình nữa, nhưng chỉ sợ có những tên lính gác đứng sau dãy hàng rào bên kia đường sắt hay trên đường nhìn thấy.
Ngay trong các cuộc đua ngựa, cặp ngựa huyền nầy cũng chưa từng phi nước đại điên cuồng như thế nầy bao giờ? Ngay trong những buổi đón dâu, bốn cái bánh xe cũng chưa từng quay tít như thế nầy bao giờ! "Lạy Chúa tôi, lạy Chúa tôi? Nhân danh Đức chúa cha!" - Miron Grigorievich lẩm nhẩm trong bụng, chiếc roi quất liên hồi xuống lưng hai con ngựa. Cái tính tham lam keo kiệt bẩm sinh thiếu chút nữa làm lão mất mạng: lão đã định quay về chỗ trọ lấy tấm thảm đắp chân còn để lại đấy, nhưng lý trí vẫn chiếm phần thắng, vì thế lão lại cho xe chạy hướng khác. Lão thúc ngựa phi như bay hai mươi vec- xta tới làng Orekhovaya. Về sau, lão có kể lại rằng lần ấy lão đánh xe nhanh hơn cả nhà tiên tri Ilia trên chiếc xe của ngài 3. Đến Orekhovaya lão vào ngay nhà một người Ukraina quen biết, rồi trong lúc vẫn chưa hoàn hồn, lão kể đầu đuôi câu chuyện cho chủ nhà nghe và xin người ấy giấu hộ cả người lẫn ngựa. Người dân Ukraina giấu thì có giấu, nhưng vẫn dặn trước:
- Tôi sẽ giấu cho ông, nhưng nếu chúng tra khảo nhiều quá tôi sẽ khai đấy, vì ông Grigorievich ạ, lợi lộc gì mà cắn răng chịu khổ? Chúng nó sẽ đốt nhà, trói tôi, và tròng cái vòng thòng lọng vào cổ tôi cho mà xem!
- Ông bạn thân mến ơi, ông cứ làm ơn giúp tôi trốn đi! Rồi ông muốn gì tôi cũng xin tạ ơn ông! Chỉ cần ông cứu tôi khỏi chết, cho tôi nấp kín vào một chỗ nào đó, tôi sẽ xin lùa đến đây cả một đàn cừu! Một chục con cừu hạng nhất tôi cũng sẽ không tiếc đâu! - Miron Grigorievich vừa đánh xe vào dưới mái hiên nhà kho vừa năn nỉ hứa hẹn.
Lão sợ bị đuổi hơn là sợ chết. Lão ở lại nhà người Ukraina đến lúc hoàng hôn, trời vừa sâm sẩm là chuồn thẳng một mạch. Lão cho ngựa phi như điên suốt chặng đường từ Orekhovaya về. Cả hai con ngựa đều sủi mồ hôi như bọt xà phòng. Chiếc xe chạy long lên ghê quá các nan hoa quay nhoang nhoáng, không còn phân biệt được cái nào với cái nào. Mãi khi về gần tới thôn Hạ Yablonovsky lão mới hoàn hồn. Lúc xe chưa chạy vào trong thôn, lão lấy khẩu súng trường cướp được giấu dưới chỗ ngồi, ngắm nghía cái dây da mặt trong có ghi đầy những chữ bằng bút chì hoá học. Lão "À hà" một tiếng, nhẹ nhõm cả người:
- Thế nào, chúng mầy có đuổi được hay không, lũ quỷ ranh kia? Bản lĩnh của chúng mầy thật là hạng bét!
Nhưng lão đâu có đem một con cừu nào đến biếu người Ukraina kia. Mùa thu năm ấy, lão có dịp qua đấy, thấy người chủ nhà nhìn mình vẻ chờ đợi, bèn nói.
- Cừu nhà chúng tôi chết sạch rồi. Nuôi cái giống ấy thật chẳng ăn thua gì… Nhưng đây có ít lê vườn nhà, tôi đem biếu ông để cảm tạ lòng tốt của ông! - Lão đổ trên xe xuống chừng hai mera 4 những trái lê đã nẫu trên đường, rồi vừa nói vừa đưa cặp mắt giảo quyệt nhìn ra chỗ khác - Lê nhà chúng tôi ngon và ngọt… lê chín cây đấy - Lão nói xong từ biệt về ngay.
Trong lúc Miron Grigorievich phóng xe chuồn khỏi Minlerovo, ông thông gia của lão đã tới nhà ga. Một tên sĩ quan Đức còn trẻ ký vào giấy thông hành, hỏi ông Panteley Prokofievich vài câu qua thông ngôn, rồi vừa châm một điếu xì gà rẻ tiền, vừa nói giọng kẻ cả:
- Ông lên xe đi, nhưng ông hãy nhớ rằng các ông cần phải có một Chính phủ khôn ngoan mới được. Các ông bầu ra một tổng thống cũng được, một ông vua cũng được, nhưng phải với điều kiện là người đó không được thiếu một đầu óc sáng suốt để quản lý quốc gia và phải biết tiến hành chính sách trung thực đối với nước chúng tôi.
Ông Panteley Prokofievich nhìn tên Đức bằng cặp mắt khá hằn học. Ông không muốn bắt chuyện với hắn nên vừa nhận được giấy thông hành là ra lấy vé ngay.
Ở Novocherkask ông rất ngạc nhiên không biết bọn sĩ quan trẻ vỡ tổ đâu ra mà nhiều thế, chúng kéo đàn kéo lũ đi lượn phố, dạo chơi với các cô tiểu thư, đi lại lăng xăng gần dinh ataman và toà nhà của pháp viện là nơi Cơ- rúc sẽ họp đại hội.
Tại nhà ký túc của các đại biểu, ông Panteley Prokofievich gặp vài người cùng trấn và một người quen ở trấn Elanskaia. Phần lớn các đại biểu là binh sĩ và dân thường, bọn sĩ quan không thấy có nhiều, vẻn vẹn chỉ được vài chục tên, đại diện cho giới trí thức các trấn. Mọi người bàn ra tán vào một cách thiếu tin tưởng về chuyện bầu chính quyền Quân khu. Nhưng chỉ có một điều rõ ràng là dứt khoát phải bầu lấy một ataman. Các đại biểu nêu tên vài viên tướng Cô- dắc có uy tín, trao đổi ý kiến về những kẻ ứng cử.
Tối hôm mới đến, sau khi uống trà, ông Panteley Prokofievich về phòng ông, ngồi ăn ít đồ nguội mang từ nhà đi. Ông gỡ một khoanh cá chép khô, cắt bánh mì. Hai đại biểu trấn Migadinskaia lại chơi với ông, ngoài ra còn đến thêm vài người nữa. Câu chuyện mở đầu bằng tình hình ngoài mặt trận, rồi dần dần chuyển sang chuyện bầu chính quyền.
- Không thể kiếm đâu ra một người tốt hơn ông Kaledin vừa mồ yên mả đẹp, cầu cho ông ấy được hưởng phúc nơi thiên đường? - Một đại biểu có bộ mặt xám xịt, người trấn Migulinskaia thở dài nói.
- Có lẽ thế thật đấy, - một lão người trấn Elanskaia cũng đồng ý.
Một viên thượng uý đại biểu của trấn Besegenevskaia có mặt trong câu chuyện thấy thế bèn phát biểu, giọng không thiếu vẻ sôi nổi.
- Sao lại không kiếm được người xứng đáng? Sao các vị lại nói thế? Còn tướng Krasnov thì sao?
- Krasnov nào thế?
- Sao lại phải hỏi Krasnov 5 nào? Các vị hỏi thế mà không biết thẹn hay sao? Một vị tướng trứ danh, tư lệnh Quân đoàn kỵ binh số ba, một người rất khôn ngoan, đã được thưởng Huân chương thánh Gióoc, một nhà chiến lược đại tài đấy?
Lời phát biểu say sưa, cảm động đến nghẹn ngào của viên thượng uý đã làm một gã đại diện của một đơn vị ngoài mặt trận tức điên lên:
- Còn tôi thì tôi xin nói sự thật cho các vị hay: chúng tôi cũng đã biết thiên tài của ông ấy lắm rồi? Chẳng qua là một ông tướng hạng bét! Trong chiến tranh chống Đức, bản lĩnh của ông ta đã biểu hiện khá đầy đủ! Nếu không có cách mạng thì cũng đến lẹt đẹt với cái cấp lữ đoàn trưởng!
- Nầy ông bạn thân mến, ông chưa được hiểu rõ về tướng quân Krasnov mà lại có thể nói năng như vậy? Hơn nữa, tại sao ông lại dám dùng những lời lẽ như thế để chỉ trích một vị tướng mà tất cả mọi người đều tôn kính? Xem ra ông đã quên rằng ông chỉ là một gã Cô- dắc lính trơn.
Viên thượng uý rít răng nói ra những lời lạnh như băng miệt thị một cách không thương tiếc như thế, làm cho gã Cô- dắc kia luống cuống, hoảng lên, phải nén giận nói lúng búng:
- Bẩm quan lớn, tôi chỉ muốn nói rằng chính tôi đã đi lính dưới quyền tướng quân Krasnov. Trên mặt trận áo, chính tướng quân đã làm trung đoàn chúng tôi đâm đầu vào hàng rào dây thép gai? Vì thế chúng tôi coi tướng quân là một ông tướng hạng bét? Ngoài chuyện đó ra tướng quân như thế nào ai mà biết được… Cũng có thể là hoàn toàn không phải như thế…
- Thế người ta đem Huân chương thánh Gióoc tặng cho ông ấy làm gì? Đồ ngu! - Ông Panteley Prokofievich hóc một cái xương cá ho sặc lên một hồi rồi cũng xông vào mắng nhiếc anh chàng ở mặt trận về - Các anh cứ giữ khư khư trong đầu óc mình một mớ tư tưởng ngu xuẩn, bạ ai các anh cũng chửi, ai các anh cũng coi là không tốt… Cái kiểu gì mà lại như vậy? Nếu các anh ít lời đi một chút thì đã không đến nỗi có chuyện đổ vỡ như bây giờ. Nếu không cũng đã thông minh hơn được nhiều. Chỉ được cái trò chó sủa trăng!
Các đại biểu ở Novocherkask và các vùng dưới đều hết sức ủng hộ Krasnov. Viên tướng đeo huân chương thánh Gióoc nầy rất hợp ý bọn bô lão. Nhiều lão đã chịu quyền chỉ huy của hắn trong cuộc chiến tranh với Nhật. Quá khứ của Krasnov cũng làm mê mẩn tâm thần bọn sĩ quan: một sĩ quan đơn vị ngự lâm, xuất thân trong giới thượng lưu, một vị tướng có trình độ học vấn cao, trước kia đã từng phục vụ trong hoàng cung, tham gia đoàn hộ giá hoàng đế. Đối với giới trí thức tự do thì có một điều thoả mãn họ là Krasnov không những là một viên tướng, một tay vũ biền quẩn quanh với những phương pháp huấn luyện và chỉ huy khắc nghiệt, mà dù sao cũng còn là một nhà văn, đã có những truyện ngắn viết về sinh hoạt của giới sĩ quan đăng trong phụ trương của tờ "Niva" xưa kia đã từng có người thích đọc. Mà đã là nhà văn thì tất nhiên là một con người có văn hoá.
Ở nhà ký túc, người ta tích cực vận động ủng hộ Krasnov. Tên tuổi các tướng lĩnh khác đều mờ nhạt bên cạnh cái tên của hắn. Về African Bogaevsky thì những tên sĩ quan trung thành với Krasnov thì thầm truyền đi những tin đồn nói rằng Bogaevsky vốn là bạn nối khố của Denikin, vì thế nếu bầu Bogaevsky làm ataman thì hễ tiêu diệt được người Bolsevich, tiến vào Moskva là tất cả đặc quyền và quyền tự trị của người Cô- dắc đều đi đời nhà ma.
Nhưng ngay Krasnov cũng không khỏi có những kẻ phản đối. Một gã đại biểu là giáo viên cố bôi tro trát trấu lên tên tuổi của viên tướng, nhưng không thu được kết quả. Gã chạy lăng xăng khắp các phòng đại biểu, dùng một giọng hiểm độc, vo ve như con muỗi bên những cái tai lông lá của bọn Cô- dắc.
- Krasnov ấy à? Tướng thì tướng vô tài, mà nhà văn thì nhà văn vứt đi. Một cái thùng rỗng chốn cung đình, một kẻ liếm gót. Có thể nói ông ta là một con người vừa muốn lôi kéo các phần tử tư bản dân tộc, lại vừa muốn có cái thanh danh là theo chủ nghĩa dân chủ. Rồi các ngài xem, hễ có kẻ nào muốn mua là ông ta bán rẻ ngay vùng sông Đông! Một kẻ tiểu nhân. Tài chính trị của ông ta chỉ là một con số không. Phải bầu Ageev mới được! Ageev lại hoàn toàn là chuyện khác.
Nhưng anh chàng giáo viên nầy đã chẳng thu được kết quả gì. Đến ngày mồng một tháng Năm, khi Cơ- rúc họp đến ngày thứ ba thì nghe thấy những tiếng hò la:
- Xin mời tướng quân Krasnov!
- Xin ngài làm ơn…
- Chúng tôi hết sức thành tâm…
- Xin mời ngài!
- Ngài là niềm tự hào của chúng tôi!
- Mời tướng quân lên nói cho chúng tôi rõ về cuộc sống hiện nay?
Khắp căn phòng họp rộng thênh thang rộn hẳn lên. Bọn sĩ quan vỗ tay, tiếng vỗ trầm trầm. Bọn Cô- dắc thấy thế cũng ngượng nghịu bắt chước khẽ vỗ lộp bộp. Song những bàn tay đen đủi da như bị thuộc cứng vì lao động, chỉ vỗ lên những tiếng khô khan, nghe như tiếng nứt rạn, có thể nói là rất khó nghe, khác hẳn tiếng nhạc êm tai phát ra từ những bàn tay chau chuốt, mịn như đệm bông của các vị tiểu thư, các bà quí phái, các ngài sĩ quan, các cậu sinh viên đứng đầy hành lang và các lối đi.
Đến khi viên tướng đẹp lão, cao lớn đã có tuổi mà người vẫn còn cân đối, hùng dũng bước lên sân khấu như trong khi duyệt binh, thì toàn hội trường đều vỗ tay như sấm và gầm lên từng đợt. Hắn mặc chiếc áo quân phục đeo nhằng nhịt cơ man nào huân chương, huy chương, ngù vai cùng mọi cái gì khác đặc trưng cho một cấp tướng.
Tiếng vỗ tay mỗi lúc một to rồi chuyển thành những tiếng hô vang dậy. Tinh thần hân hoan phấn khởi lan khắp các hàng đại biểu như một trận bão. Nhiều người nhìn thấy cái uy vũ của thời đế chế lờ mờ hiện ra trong viên tướng có bộ mặt bồi hồi xúc động đứng với tư thế như người trong tranh nầy.
Ông Panteley Prokofievich cảm động chảy nước mắt và cứ hỉ mũi vào chiếc khăn tay màu đỏ rút ra từ trong chiếc mũ cát- két.
"Đây mới là một ông tướng ra ông tướng. Vừa nhìn một cái đã biết ngay là một nhân vật vĩ đại rồi! Nom cứ như là hoàng đế ấy, cả đến tướng mạo cũng y hệt. Có cái gì đến là giống mồ ma đức Alexandr!" - Ông đã nghĩ thầm như thế trong khi xúc động ngắm Krasnov đứng sát dãy đèn đặt ở ngay viền trước sâu khấu.
Tuy lấy tên là "Cơ- rúc cứu nguy sông Đông", nhưng Cơ- rúc lần nầy họp chẳng có chút gì vội vã. Theo lời đề nghị của viên chủ tịch Cơ- rúc là đại uý Ianov, đại hội thông qua nghị quyết về việc đeo lon cùng tất cả các phù hiệu quân hàm. Krasnov lên phát biểu một bài rất đặc sắc, sắp xếp rất khéo léo. Bằng một giọng đầy nhiệt tình, hắn nói về "Nước Nga bị quân Bolsevich lăng nhục", về "Sự hùng cường trước kia" của nước Nga, về vận mệnh của vùng sông Đông.
Hắn phác ra những nét chính của tình thế hiện nay, đả động đôi chút tới sự chiếm đóng của quân Đức, và cuối cùng khi hắn nói say sưa về cuộc sống độc lập của Quân khu sông Đông sau khi người Bolsevich bị đánh bại, thì hội trường ầm ầm tỏ ý đồng tình.
- Một Cơ- rúc Quân khu có đầy đủ quyền lực sẽ nắm chính quyền ở quân khu sông Đông! Người Cô- dắc được cách mạng giải phóng sẽ khôi phục lại toàn bộ nếp sống cổ truyền tốt đẹp của người Cô- dắc, và cũng như tổ tiên chúng ta xưa kia, chúng ta sẽ nói thật to, thật kiên quyết: "Kính chào Hoàng đế Trắng, xin ngài cứ ở trong cái thành Moskva bằng đá của ngài, còn chúng tôi, những người Cô- dắc, chúng tôi cứ ở sông Đông êm đềm!"
Ngày mồng ba tháng Năm, trong buổi họp tối, thiếu tướng Krasnov đã được bầu làm ataman Quân khu với một trăm linh bảy phiếu thuận, ba mươi phiếu chống và mười phiếu trắng. Hắn không nhận ngay chiếc gậy ataman trong tay viên đại uý chủ tịch Cơ- rúc Quân khu mà còn đặt điều kiện: trước hết phải thông qua các điều luật cơ bản mà hắn đã đề ra với Cơ- rúc và trao cho hắn quyền hành vô hạn trong cương vị ataman.
- Đất nước chúng ta đang đi tới bước diệt vong! Tôi chỉ nhận chiếc gậy ataman với điều kiện ataman được tuyệt đối tin tưởng.
Các tình huống hiện nay đang đòi hỏi phải làm việc với đầy đủ tín tâm và với ý thức hân hoan trước nhiệm vụ hoàn thành, khi người ta biết rõ rằng Cơ- rúc, cơ quan tối cao, nói lên ý chí của vùng sông Đông, đã tín nhiệm mình, khi đã sắp định ra những tiêu chuẩn pháp trị vững vàng, chắc chắn, trái hẳn vớl cái thói hỗn loạn vô Chính phủ của bọn Bolsevich.
Các điều luật mà Krasnov kiến nghị chỉ là những điều luật của đế quốc Nga được thay hình đổi dạng đang vội vã và có sửa chữa chút ít. Làm gì mà Cơ- rúc chẳng thông qua! Các đại biểu đã vui vẻ chấp thuận. Tất cả đều nhắc nhở thời xưa, ngay đến lá cờ được cải lại một cách vụng về: ba cái băng nằm ngang màu lam, màu đỏ và màu vàng (dân Cô- dắc, dân ngụ cư, dân Kalmys), chỉ có quốc huy là bị thay đổi hẳn chiều theo tinh thần Cô- dắc thay cho con đại bàng hai đầu hung dữ cánh vươn móng duỗi, người ta đã vẽ một gã Cô- dắc trần như nhộng đội mũ lông, đeo gươm súng và toàn bộ vũ trang cưỡi trên một thùng rượu.
Một tên đại biểu đầu óc giản đơn, chuyên xu nịnh, khúm núm nêu câu hỏi:
- Có lẽ trong số các điều luật cơ bản vừa được thông qua, quan lớn sẽ còn đề nghị thay đổi hoặc sửa chữa điều gì nữa chăng?
Krasnov mỉm một nụ cười khoan dung, quyết định nói đùa một câu. Hắn nhìn khắp lượt bọn uỷ viên Cơ- rúc một cách đầy hứa hẹn rồi nói bằng cái giọng của một kẻ quen được tất cả mọi người nuông chiều:
- Có thể lắm. Mấy điều bốn mươi tám, bốn mươi chín và năm mươi về quốc kỳ, quốc trưng và quốc ca. Các ngài có thể đề ra cho tôi bất kỳ một lá cờ nào, ngoài lá cờ đỏ, bất kỳ một kiểu quốc trưng nào ngoài ngôi sao năm cánh của bọn Do Thái hay một phù hiệu nào khác của bọn Tam điểm 6, và bất kỳ bài quốc ca nào ngoài bài "Quốc tế ca".
Cơ- rúc vừa cười vừa thông qua các điều luật cơ bản. Và sau đó câu nói đùa của ngài ataman còn được truyền miệng trong một thời gian rất lâu.
Ngày mồng năm tháng Năm, Cơ- rúc giải tán. Mấy bài diễn văn cuối cùng đã được phát biểu nốt. Viên đại tá Denisov, cánh tay phải của Krasnov, tư lệnh Binh đoàn miền Nam, lên hứa rằng trong một thời gian hết sức ngắn, hắn sẽ nhổ rễ xong cuộc phiến loạn Bolsevich. Bọn uỷ viên Cơ- rúc ra về, yên tâm và sung sướng trước việc bầu ataman tiến hành có kết quả cũng như những tin nhận được từ mặt trận.
Ông Panteley Prokofievich rời khỏi thủ phủ Quân khu sông Đông ra về, trong lòng bồi hồi xúc động, niềm hân hoan bên trong chỉ muốn nổ tung ra. Ông tin như đinh đóng cột rằng chiếc gậy ataman đã được trao tay một người đáng tin cậy, chẳng bao lâu nữa người Bolsevich sẽ bị đánh bại và hai đứa con trai ông sẽ lại được quay về với công việc đồng áng. Ông già ngồi bên cửa sổ toa xe, hai khuỷu tay tì trên chiếc bàn con, trong tai còn văng vẳng những dư âm như từ biệt của bài quốc ca sông Đông, lời ca đầy sinh khí thấm tới đáy lòng ông, và ông có cảm tưởng như thật quả "sông Đông êm đềm, sông Đông chính giáo" đang "ầm ầm chuyển động, sóng cuộn ào ào.
Nhưng tàu vừa chạy ra khỏi Novocherkask được vài vec- xta, ông Panteley Prokofievich nhìn qua cửa sổ đã thấy những tiền tiêu của bọn kỵ binh Bavaria. Một nhóm kỵ binh Đức đang cho ngựa chạy hai bên đường sắt, tiến từ phía trước đoàn tàu tới. Chúng gù gù cái lưng ngồi trên yên một cách rất bình an vô sự, những con ngựa béo tốt, mông to bè bè, ve vẩy những cái đuôi cắt ngắn cũn, lông ngựa loáng nhoáng dưới ánh nắng chói chang. Ông Panteley Prokofievich ngả hẳn người về phía trước, cong một bên lông mày lên nom hết sức đau khổ, nhìn những vó ngựa của quân Đức nhún nhảy dày xéo lên mảnh đất Cô- dắc với dáng vẻ của nhủng kẻ chiến thắng. Ông xoay cái lưng cánh phản ra cửa sồ, gù hẳn xuống và cứ gục đầu như thế rất lâu mà thở phì phì.
--- ------ ------ ------ -------
1 Hợp kim đồng, kẽm, thiếc dùng để giảm mức hao mòn Mazarin sát cho các trục.
2 Một loại dân quân theo chế độ quân dịch trước kia của người Đức (ND).
3 Theo Kinh thánh, Ilia là một nhà tiên tri Israel, được Đức chúa trời trao cho sứ mệnh đi khuyên dân Israel đừng theo tà đạo. Làm nhiều phép mầu. Sau bị nữ hoàng nước đó hành hạ, phải chạy ra xa mạc, cuối cùng cười một chiếc xe phụt lửa bay lên trời (ND).
4 Một mera bằng 26, 24 lít (ND).
5 Krasnov (1869 - 1947) một viên tướng của Nga hoàng. Tháng 5- 1915 làm ataman Quân khu sông Đông, dựa vào quân Đức chiếm đóng để đàn áp cách mạng. Năm 1919 chạy sang Đức, sau trở thành gián điệp của Hitle. 1947 bị Toà án tối cao của Liên Xô kết án treo cổ (ND).
6 Một cuộc vận động tôn giáo, chính trị trong thế kỷ 18 dưới hình thức một tổ chức quốc tế bí mật với những nghi thức mê tín và mục đích "hoàn thiện đạo đức", xây dựng "những tôn giáo đường của việc thiện" (do đó mới có cái tên Pháp là francs macons (những người thợ nề tự do) (ND).
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Sông Đông Êm Đềm.