• 1,507

Chương 185


Số từ: 6256
Ngày mười chín tháng năm, Miska Kosevoi được Gumanovsky, trưởng ban tham mưu lữ đoàn tiễu phạt thuộc Tập đoàn quân số 9 phái đi tìm ban chỉ huy của trung đoàn 32 để trao một công văn hoả tốc. Theo những tin tức mà Gumanovsky nắm được thì trung đoàn nầy đang đóng ở thôn Gorbanovsky.
Ngay hôm ấy, lúc trời đã về chiều, Miska phóng ngựa tới thôn Gorbanovsky, nhưng ban chỉ huy trung đoàn 32 không có ở đấy.
Trong thôn rộn lên vô số những xe cộ của đoàn vận tải tuyến hai của sư đoàn 23. Các xe nầy đang từ sông Dones chạy về hướng Ust- Medvedicha, có hai đại đội bộ binh yểm hộ.
Miska lang thang trong thôn vài tiếng đồng hồ, cố hỏi dò xem trung đoàn bộ kia đang đóng ở đâu. Cuối cùng có một chiến sĩ kỵ binh Hồng quân cho anh biết rằng hôm qua ban chỉ huy trung đoàn 32 đã ở thôn Elanchevsky, gần thị trấn Bokovskaia.
Miska cho ngựa ăn rồi ngay đêm ấy tới Elanchevsky, nhưng cả ở đấy anh cũng không gặp trung đoàn bộ. Lúc đã nửa đêm, Miska đang trên đường trở về Gorbanovsky thì gặp một đội trinh sát của Hồng quân trên đồng cỏ.
- Ai? - Từ xa họ đã hỏi Miska.
- Người mình đây.
- Nhưng anh là người mình như thế nào mới được chứ? - Người đội trưởng cho ngựa tiến tới gần, khẽ hỏi giọng trầm như phải cảm, anh ta đội chiếc mũ lông trắng kiểu Kuban và mặc một cái áo kiểu trec- ket màu lam - Đơn vị nào?
- Lữ đoàn tiễu phạt thuộc Tập đoàn quân số Chín.
- Có giấy tờ của đơn vị không?
Miska đưa trình giấy tờ chứng minh. Người đội trưởng trinh sát xem giấy tờ dưới ánh trăng rồi hỏi vặn vẻ không tin:
- Thế ai là lữ đoàn trưởng của các anh?
- Đồng chí Lozovsky.
- Lữ đoàn ấy bây giờ ở đâu?
- Bên kia sông Đông. Nhưng còn đồng chí, đồng chí thuộc đơn vị nào? Có phải trung đoàn Ba mươi hai không?
- Không. Chúng tôi thuộc sư đoàn Ba mươi ba Kubanskaia.
- Thế anh ở đâu đến đây?
- Ở Elanchevsky.
- Thế đi đâu?
- Đi Gorbanovsky.
- Hừ! Hiện nay bọn Cô- dắc đã ở thôn Gorbanovsky rồi.
- Không thể được! - Miska kinh ngạc.
- Tôi bảo cho anh biết rằng ở đấy đã có những thằng Cô- dắc phiến loạn rồi. Chúng tôi vừa trông thấy chúng nó đấy.
- Thế thì tôi đi Bobrovsky bằng cách nào bây giờ? - Miska hốt hoảng nói.
- Ai làm thế nào biết được.
Người đội trưởng trinh sát thúc con ngựa huyền mông xuôi bỏ đi, nhưng rồi anh ta quay lại nửa người trên yên, khuyên Miska:
- Đi với chúng tôi thôi, nếu không anh sẽ bị chúng nó "béng cái đầu" đi đấy!
Miska sẵn lòng đi theo đội trinh sát. Ngay đêm ấy, anh đã cùng các chiến sĩ Hồng quân tới thôn Krugilin, nơi trung đoàn 294 Taranrocsky đóng quân. Anh trao bức công văn cho trung đoàn trưởng, trình bày rõ lý do vì sao mình không đem được công văn tới địa điểm rồi xin phép ở lại trung đoàn, gia nhập đội trinh sát kỵ binh.
Sư đoàn 33 Kubanskaia mới được biên chế gần đây gồm một số đơn vị thuộc Tập đoàn quân Tamanskaia và những chiến sĩ tình nguyện vùng Kuban. Sư đoàn nầy đã được điều từ Astrakhan về khu vực Voronez - Lisky. Một lữ của sư đoàn nầy, gồm ba trung đoàn Taranrocsky, Derbensky và Vaxinkovsky, đã được điều đi đánh quân phiến loạn. Chính nó đã tấn công và đánh bật sư đoàn của Grigori Melekhov sang bên kia sông Đông.
Lữ đoàn vừa chiến đấu vừa hành quân cấp tốc tiến theo bờ bên phải sông Đông từ khu du mục của trấn Kazanskaia đến những thôn đầu tiên về phía tây của trấn Ust- Khopesky. Mãi sau khi cánh bên phải của nó chiếm được những thôn ven sông Tria, lữ đoàn mới lộn trở về, sau khi nán lại chừng hai tuần ở vùng ven sông Đông.
Miska tham gia các trận chiến đấu đánh chiếm thị trấn Karginskaia là một loạt thôn trên sông Tria. Sáng ngày 27, đại đội trưởng trung đoàn 294 Taranrocsky tập hợp các chiến sĩ Hồng quân bên cạnh đường, ngay trên đồng cỏ, ở gần thôn Hạ Grusinsky, để đọc bản mệnh lệnh vừa nhận được. Và Miska Kosevoi đã ghi sâu vào trong lòng mấy câu: "… Phải phá tan sào huyệt của bọn phản bội và nghịch thù vô liêm sỉ. Phải diệt cho hết bọn Cain…" và "Đối với những thằng tay chân của Koltrak và Denikin thì chỉ có chì, thép và lửa!".
Sau khi Stokman bị giết, sau khi Miska được nghe tin về cái chết của Kotliarov cùng các đồng chí đảng viên cộng sản trấn Elanskaia thì niềm căm hờn đối với bọn Cô- dắc luôn luôn thiêu đốt trái tim Miska. Mỗi khi có tên tù binh là quân phiến loạn Cô- dắc rơi vào tay anh, Miska không còn đắn đo gì nữa, không còn lắng nghe tiếng nói mơ hồ của lòng thương nữa. Từ ngày ấy anh không hề đối xử khoan dung đối với một tên nào trong số đó. Anh cứ đưa cặp mắt xanh biếc và lạnh buốt như băng nhìn những tên đồng hương và hỏi: "Mày chống lại Chính quyền Xô viết à?", rồi không chờ trả lời, không nhìn vào khuôn mặt biến sắc như mặt người chết của tên tù binh, vung gươm chém luôn. Chém không thương tiếc? Và anh không những chỉ chém mà còn thả "con gà trống đỏ" 1 cho nó bay lên mái những ngôi nhà trong các thôn mà quân phiến loạn đã rút bỏ. Rồi khi những con bò đực, bò cái hoảng sợ đến phát điên phá hàng rào các sân nhà cháy, kêu rống lên chạy ra ngõ, thì Miska dùng súng trường nhằm thẳng vào chúng mà bắn.
Miska tiến hành một cuộc chiến tranh không thoả hiệp, một cuộc chiến tranh tàn khốc chống lại tầng lớp Cô- dắc sung sướng phè phỡn, chống lại sự bội tín tráo trở của dân Cô- dắc, chống lại các nếp sống thủ cựu, th trệ, chưa gì phá vỡ được, nó đã mọc rễ sâu sắc bao nhiêu thế kỷ nay dưới các mái ngôi nhà sung túc. Cái chết của Stokman và Kotliarov đã nuôi dưỡng chí căm thù của Miska, và những lời trong bản mệnh lệnh chỉ diễn đạt rành rọt đến cùng cực các tình cảm mà anh chưa biết cách nói ra. Ngay hôm ấy anh đã cùng ba đồng chí đốt chừng trăm rưởi ngôi nhà ở trấn Karginskaia. Không biết ở chỗ nào anh thấy trong nhà kho một tiệm buôn có một thùng dầu hoả, bèn đem ra quảng trường. Bàn tay đen sì của anh đã đánh hết một bao diêm và chân anh bước đến đâu là khói hắc và lửa hồng trùm lên các ngôi nhà ốp ván, sơn vẽ, trang trí đẹp đẽ của bọn lái buôn, cố đạo, của những tên Cô- dắc giàu có, những kẻ "đã có những hành vi quỷ quyệt xô đẩy đám quần chúng Cô- dắc tối tăm ngu dốt nổi lên bạo động".
Đội trinh sát kỵ binh thường là những chiến sĩ đầu tiên tiến vào các thôn mà quân địch rút bỏ. Bộ binh kéo tới thì Miska đã cho gió lửa hoành hành trên các ngôi nhà có của nhất. Anh muốn rằng dù sao cũng phải về thôn Tatarsky một lần để trả thù những người đồng hương của mình về cái chết của Kotliarov cùng các đảng viên người trấn Elanskaia, để đốt cháy nửa thôn. Anh đã lập sẵn trong óc danh sách các ngôi nhà cần phải đốt, và đã quyết định rằng nếu đơn vị anh tiến quân từ vùng sông Tria qua bên trái trấn Vosenskaia, anh sẽ nhân lúc đêm tối tự ý rời đơn vị để tạt về thôn nhà cho kỳ được.
Nhưng cũng còn một nguyên nhân nữa thúc đẩy Miska phải về thôn Tatarsky… Hai năm gần đây, qua những lần anh cùng Dunhiaska nhà Melekhov thỉnh thoảng gặp nhau, một tình cảm chưa nói ra lời đã gắn bó hai người. Chính những ngón tay ngăm ngăm của Dunhiaska đã dùng những sợi len tươi thắm thêu cái túi đựng thuốc tặng Miska. Chính Dunhiaska đã giấu mọi người trong gia đình đem đến cho Miska một đôi găng làm bằng lòng dê màu xám khói vào một ngày mùa đông. Và chiếc khăn thêu mà Miska trân trọng giữ trong túi áo ngực quân phục binh sĩ của anh trước kia vốn là của Dunhiaska. Và Miska cảm thấy không có gì quý bằng chiếc khăn thêu nhỏ xíu ba tháng nay vẫn còn lưu trong các nếp nhăn của nó mùi hương của thân hình người con gái, thoang thoảng như hương cỏ khô! Mỗi khi anh ngồi một mình, lấy chiếc khăn ra thì những hồi ức rạo rực tự nhiên ập tới: cây tiêu huyền đầy sương muối bên bờ giếng, cơn bão tuyết đổ xuống như trút từ màn trời tối đen, cặp môi mọng chắc run run của Dunhiaska và những cái ánh tinh thể lóng lánh trong những miếng tuyết nhỏ đang tan trên hai hàng mi cong của cô gái.
Miska đã sửa soạn rất chu đáo cho chuyến về nhà. Trên bức tường trong ngôi nhà của một lão lái buôn ở trấn Karginskaia, anh đã giật xuống một tấm thảm hoa nhỏ để dùng làm áo ngựa, và anh đã có một cái áo ngựa đẹp là lùng từ những màu sắc tươi thắm, những đường hoa rất đẹp, nhìn từ xa đã thấy vui mắt. Anh lục trong một chiếc hòm Cô- dắc, lấy được một chiếc quần đi ngựa có nẹp gần như còn mới và nửa tá khăn bịt đầu của đàn bà có thể dùng làm ba đôi vải bọc chân. Còn đôi găng tay đan bằng sợi của đàn bà thì anh cất vào trong túi yên, vì anh không đeo ngay bây giờ, trong những ngày chiến tranh rầu rĩ, mà sẽ chờ đến lúc lên đến ngọn gò, sắp sửa cho ngựa tiến vào thôn Tatarsky mới dùng đến.
Từ cổ tới nay, đã có tập quán là anh lính Cô- dắc trở về thôn nhà bao giờ cũng phải ăn vận thật diện. Vì thế dù đã tham gia Hồng quân, một anh chàng chưa được giải phóng khỏi các truyền thống Cô- dắc cũ như Miska vẫn gìn giữ thiêng liêng tập quán cổ truyền đó.
Miska cưỡi một con ngựa rất khá lông mầu hạt dẻ sẫm, mũi trắng. Chủ cũ của nó là một gã Cô- dắc trấn Ust- Khopeskaia, đã bị Miska chém chết trong một trận xung phong. Ngoài chuyện là một chiến lợi phẩm, con ngựa nầy còn có những điểm khác có thể đem ra khoe: cơ thể nó đẹp, nước chạy hăng nhanh, dáng vẻ hiên ngang, nom đúng là một con ngựa chiến. Nhưng cái yên Kosevoi cưỡi lại nhỏ bé, tầm thường. Đệm yên đã mòn, có những chỗ vá, đai bụng phía sau làm bằng da dầu, bàn đạp cũ kỹ, bị rỉ bám dầy cốc không biết từ bao giờ, mài cọ thế nào cũng không sạch. Cả hàm thiếc cũng rất tầm thường, không có một đồ trang sức nào cả. Vì thế cần phải làm một việc gì đó, dù chỉ trang hoàng cho bộ hàm thiếc thôi cũng được. Miska đã đau khổ nặn óc không biết bao nhiêu ngày để tìm cách giải quyết vấn đề nầy, và cuối cùng anh chàng đã có được một giải pháp hết sức tài tình. Cạnh nhà một tên lái buôn, ngay trước quảng trưởng, có một chiếc giường mạ kền trắng loá mà những người làm công của lão đã lôi ra khỏi ngôi nhà cháy. Bốn góc giường có bốn quả cầu trắng, nắng chiếu vào nhấp nhoáng đến loá mắt. Chỉ cần tháo hay bẻ mấy quả cầu ấy, đeo vào dây hàm thiếc là bộ hàm giá thiếc nom sẽ hoàn toàn khác hẳn trước đây. Miska đã làm đúng như thế, anh vặn vít, lấy ra bốn quả cầu rỗng trên bốn góc giường, rồi dùng dây tơ đeo hai quả vào vòng hàm thiếc, hai quả hai bên dây mõm, thế là trên đầu con ngựa có bốn quả cầu sáng rực như mặt trời giữa trưa. Những khi phản chiếu ánh nắng thì lại càng choáng lộn không thể nào nhìn được. Ánh kền loá lên đến nỗi hễ con ngựa đi về hướng mặt trời là mắt nó nhíu lại, chân chốc chốc lại vấp, bước đi chẳng vững vàng chút nào. Mặc cho con ngựa nhìn không rõ vì mấy quả cầu, mặc cho nó chảy nước mắt do ánh sáng phản chiếu, Miska vẫn không tháo một quả cầu nào khỏi bộ hàm thiếc. Nhưng chẳng bao lâu đã đến ngày Miska phải rời bỏ cái trấn Karginskaia cháy dở, nồng nặc mùi tro và gạch hun. Trung đoàn có nhiệm vụ tiến về sông Đông, về hướng Vosenskaia. Vì thế Miska không khó khăn gì lắm cũng xin được đội trưởng trinh sát cho mình một ngày nghỉ phép để về thăm gia đình.
Đồng chí đội trưởng không những cho anh nghỉ phép mà còn giúp đỡ thêm:
- Cậu đã lấy vợ chưa? - Anh hỏi Miska.
- Chưa.
- Nhưng có lẽ cũng có mẻng rồi chứ gì?
- Cái gì? Mẻng là cái gì? - Miska ngạc nhiên hỏi.
- Chà nhân tình ấy mà!
- À à à. Cái chuyện ấy thì không có. Nhưng có một người yêu con nhà tử tế.
- Thế là cậu đã có đồng hồ và dây đeo chưa?
- Chưa có đồng chí ạ.
- Chà cái cậu nầy! - Đội trưởng trinh sát, người Xinvrovol, trước kia vốn là một hạ sĩ tái đăng. Hồi ở quân đội cũ, bản thân anh ta cũng nhiều lần nghỉ phép, vì thế kinh nghiệm đã cho anh ta biết rằng ở đơn vị về mà rách rưới lam lũ thì cực như thế nào. Anh ta bèn tháo trên bộ ngực nở nang một chiếc đồng hồ có sợi dây đeo to không thể tưởng tượng được và nói - Cậu là một chiến sĩ tốt! Nầy, cậu hãy đeo mà về nhà, cho bọn con gái chúng nó hoa mắt, và cậu hãy nhớ tới mình ở trung đội ba. Chính mình cũng đã sống qua thời trai trẻ, phá đời của bọn con gái cũng có, bòn của bọn đàn bà cũng có mình biết lắm… Cái dây nầy làm bằng vàng Mỹ mới đấy. Nếu có thằng nào hỏi thì cứ trả lời như thế. Nhưng nếu gặp thằng nào hỗn xược muốn hỏi dấu hiệu 2 ở đâu thì cậu cứ quạng thẳng vào mõm nó! Thường vẫn có những thằng mặt dày vô sỉ như thế, đối với chúng nó thì không cần nói năng gì cả, cứ nện vào mõm chúng nó là xong.
Trước kia đã có lần, không nhớ là trong một tiệm ăn hay ở một nơi công cộng nào đó, có một thằng văn sĩ nào đó xuất thân không biết là quản lý hay thơ lại, tự nhiên vác mẹ nó mặt đến định làm nhục mình ngay trước công chúng: "Ngài phô cái dây đồng hồ trên bụng, làm cứ như bằng vàng thật… Nhưng dấu hiệu của nó ở chỗ nào, xin ngài làm ơn cho biết?" Hôm ấy mình đã không để cho nó kịp hoàn hồn: "Dấu hiệu ấy à? Nầy thì dấu hiệu!" Rồi người đội trưởng tốt bụng của Miska nắm bàn tay nâu xịt, to bằng đầu đứa con nít, đấm ra với một sức mạnh khủng khiếp.
Miska đeo chiếc đồng hồ, rồi ngay đêm ấy anh cạo râu dưới ánh lửa và thắng ngựa ra đi. Đến khi trời rạng anh vào thôn Tatarsky.
Thôn xóm vẫn hoàn toàn như xưa. Cái gác chuông không cao lắm của toà nhà thờ xây bằng gạch vẫn vươn lên bầu trời xanh ngắt cây thánh giá mạ vàng bạc phếch. Những ngôi nhà kiên cố của bọn cố đạo và lái buôn vẫn nằm sát sin sít quanh bãi thôn. Cây tiêu huyền che bóng cho căn nhà nhỏ gần đổ dụi của Miska vẫn rì rầm với cái giọng thân thiết như xưa…
Chỉ có một điều lạ lùng chưa từng thấy trong thôn, làm Miska kinh ngạc nhất là bầu không khí chết lặng bát ngát trùm lên khắp các ngõ như một cái mạng nhện. Các phố vắng tanh không một bóng người. Cửa chớp của tất cả các nhà đều đóng im ỉm. Thỉnh thoảng mới thấy vài nhà có chiếc khoá lủng lẳng trước cửa ra vào, nhưng phần lớn cửa ngõ đều mở toang. Ôn dịch tựa như đã lê những cái chân đen sịt của nó qua khắp thôn, làm cho các sân gia súc cũng như ngoài phố đều vắng tanh vắng ngắt. Các nhà trước kia có người ở bây giờ đều trống rỗng, quạnh hiu.
Không nghe thấy một tiếng người nói, một tiếng gia súc kêu hay một tiếng gà gáy. Chỉ có bầy sẻ vẫn ríu rít kêu chim chíp dưới các mái nhà hiên nhà kho và trên những đống củi chất cho khô dần, cứ như lúc trời sắp mưa.
Miska bước vào sân gia súc nhà anh. Không một ai trong số những người thân thuộc ra đón. Cửa vào phòng ngoài mở thông thống. Bên ngưỡng cửa còn thấy vứt bừa bãi một cái xà cạp rách nát của Hồng quân, một đoạn băng nhăn nhúm, đen sì những máu và vài cái đầu gà thối rữa, ruồi bám đầy chung quanh, và những đám lông gà. Đúng là vài ngày trước đây một số chiến sĩ Hồng quân đã đến ăn trong căn nhà nhỏ nầy: trên sàn vẫn còn vung vãi những mảnh bát đĩa vỡ, những miếng xương gà đã gặm, những mẩu thuốc lá, những mảnh báo bị dẫm nát… Miska cố nén tiếng thở dài, bước vào phòng trong. Trong đó tất cả vẫn như xưa, chỉ một trong hai tấm ván nắp trên cái hầm thường cất dưa hấu về mùa thu hình như có bị nậy lên.
Bà mẹ của Miska có thói quen đem táo khô giấu xuống dưới đó, để trẻ con khỏi lấy ăn. Miska nhớ lại chuyện ấy bèn bước tới chỗ tấm ván, bụng bảo dạ: "Chẳng nhẽ mẹ đã không chờ mình? Có lẽ mẹ có giấu cái gì xuống ấy cũng chưa biết chừng?" Rồi anh rút gươm, lấy mũi gươm nạy tấm ván. Tấm ván rít lên, bật ra. Mùi ẩm mốc dưới hầm xông lên.
Miska quỳ xuống nhìn. Mắt anh còn chưa quen với bóng tối nên một lúc lâu chẳng nhận được ra một vật gì. Cuối cùng anh nhìn thấy một tấm khăn bàn cũ bên trên đặt nửa chai rượu, một cái xoong trong có một miếng trứng tráng mốc meo, mẩu bánh mì đã bị chuột gặm mất nửa, một cái hũ bịt kín bằng một cái chén gỗ… Bà mẹ già đã chờ con trai về. Bà đã chờ con như chờ một người khách quý nhất!
Trong lúc Miska lần xuống hầm, lòng anh run lên vì yêu thương và sung sướng. Mới vài ngày trước đây, hai bàn tay ân cần chăm chút của bà mẹ đã chạm vào tất cả các vật xếp trên chiếc khăn bàn cũ sạch sẽ nầy? Ngay cạnh đấy có một cái túi bằng vải đay trắng treo trên một cái khấc. Miska vội lấy ngay cái túi xuống, thấy trong đó có một đôi quần áo lót của mình, đã cũ, nhưng được vá víu cẩn thận, giặt sạch và là phẳng phiu bằng chầy. Thức ăn bị chuột vấy hỏng cả. Chỉ có rượu và sữa còn chưa bị đụng đến. Miska uống hết chỗ rượu và sữa mát lạnh rất ngon vì đế lâu dưới hầm, lấy đôi quần áo lót rồi leo lên trên.
Có lẽ bà mẹ đã sang bên kia sông Đông. "Mẹ sợ không dám ở lại, mà như thế còn hơn, nếu không đã bị bọn Cô- dắc giết chết cũng chưa biết chừng. Chỉ sợ mẹ đã vì mình mà bị chúng nó rung như cây lê mất thôi…" - anh vừa nghĩ thầm vừa từ từ bước ra ngoài. Anh tháo ngựa nhưng không quyết định sang nhà Melekhov ngay: nhà họ ở ngay bên bờ sông Đông, và từ bên kia sông, một tên thiện xạ nào đó có thể dễ dàng bắn Miska bằng một viên đạn chì không có vỏ của quân phiến loạn. Vì thế Miska quyết định tạt sang nhà Korsunov, chờ đến lúc trời nhá nhem sẽ quay ra bãi và dựa vào bóng tối để đốt nhà Mokhov cùng những ngôi nhà khác của những tên lái buôn và cố đạo.
Anh cho ngựa đi qua các sân sau, tới đám nhà phụ rộng thênh thang của nhà Korsunov, rồi qua cái cổng mở toang, đến buộc ngựa ở bên thềm. Anh vừa định bước vào trong nhà thì thấy cụ Grisaka đi ra thềm. Cái đầu cụ lắc lư với bộ tóc trắng như tuyết, hai con mắt loà già quá đến hết cả màu sắc nheo nheo. Chiếc áo quân phục Cô- dắc màu xám mặc còn chưa rách cài tất cả các khuy, trên cổ áo bẩn thỉu đính hai cái lon đỏ loé, nhưng cái quần đi ngựa rộng thùng thình chạy xệ chỉ muốn tụt xuống làm ông cụ cứ phải giữ bằng cả hai tay.
- Chào cụ? Miska đứng bên thềm, vung roi chào.
Cụ Grisaka nín thinh. Trong cặp mắt nghiêm khắc của cụ hiện rõ cả một vẻ vừa thù ghét vừa kinh tởm.
- Chào cụ, tôi chào cụ đấy! - Miska nói giật giọng.
- Lạy Chúa tôi! - Ông già miễn cưỡng trả lời.
Nhưng cụ vẫn nhìn Miska với một vẻ chú ý đầy phẫn nộ. Còn Miska thì cứ đưa một chân sang bên, đứng rất thung dung. Anh ngoáy ngoáy cái roi ngựa, cau mày, mím chặt cặp môi mọng như môi con gái.
- Cụ Grisaka, sao cụ không rút sang bên kia sông Đông?
- Anh làm thế nào mà biết tên tôi hử?
- Tôi chôn rau cắt rốn ở đây, làm gì mà chẳng biết?
- Thế anh là con cái nhà ai?
- Kosevoi.
- Con thằng Akim à? Cái thằng trước kia làm công cho nhà tôi ấy à?
- Đúng đấy.
Như thế đúng là anh đấy à, anh Akim con? Hôm làm lễ rửa tội sơ sinh, người ta đã đặt tên cho anh là Miska chứ gì? Hay lắm? Thật cha nào con nấy? Cái thằng ấy cũng đã ăn cháo đái bát, qua sông đấm buồi vào sóng, còn anh thì có lẽ cũng thế chứ gì?
Miska tháo chiếc găng khỏi một bên tay, hai hàng lông mày anh càng cau lại.
- Người ta gọi tôi là gì và tôi như thế nào thì không can gì đến cụ. Tôi chỉ muốn hỏi tại sao cụ không sang bên kia sông Đông?
- Không muốn đi thì không đi. Còn anh thì làm gì hử? Đi làm chó săn cho quân phản Chúa phải không? Đã đính ngôi sao đỏ lên mũ rồi phải không? Đồ chó đẻ, đồ khốn nạn, thế là mày chống lại người Cô- dắc chúng tao à? Chống lại đồng bào cùng thôn với mầy à?
Cụ Grisaka chập chững bước trên thềm xuống. Sau khi cả nhà Korsunov đều bỏ sang bên kia sông Đông, xem ra cụ ăn uống chẳng ra thế nào. Bị con cháu bỏ lại, cụ gầy yếu xiêu vẹo, càng thêm già xọm, quần áo lôi thôi lếch thếch. Cụ đứng lại trước mặt Miska, nhìn anh với một vẻ vừa ngạc nhiên vừa căm phẫn.
- Tôi chống lại đấy, - Miska trả lời. - Và đã sắp tiêu diệt chúng nó rồi đấy?
- Nhưng trong Kinh Thánh đã nói như thế nào mày có biết không? Các người muốn người ta làm cho mình thế nào, hãy làm cho người ta thế ấy 3! Có phải thế không?
- Thôi cụ cụ đừng đem những điều viết trong Kinh Thánh ra làm mê muội đầu óc tôi. Tôi đến đây không phải để nghe những chuyện ấy đâu Bây giờ cụ hãy lập tức ra khỏi nhà ngay… - Giọng Miska nghiêm lại.
- Sao lại như thế được?
- Thế mà vẫn phải thế đấy.
- Nhưng mày muốn giở trò gì hử?
- Chẳng có chuyện gì quan trọng đâu! Cụ đi chỗ khác ngay, tôi bảo kìa?
- Tao không đi khỏi nhà tao. Tao đã biết có chuyện gì và để làm gì rồi… Mầy làm đầy tớ cho quân phản Chúa, cái dấu của chúng nó đã đóng lên cái mũ của mầy kia kìa? Đấng tiên tri Gieremi đã nói về chúng mày như thế nầy nầy: "Ta sẽ cho dân nầy ăn ngải cứu và uống mật đắng, và làm cho chúng nó bị ô nhục trên khắp mặt đất 4)". Bây giờ thật đến lúc con phản lại cha, em phải lại anh rồi…
- Nầy cụ đừng có làm rối óc tôi! Đây không phải là chuyện anh em gì cả. Cái việc tính toán nầy cũng rất giản đơn: cha tôi đã làm việc cho nhà cụ đến chết, và cả tôi nữa, hồi trước chiến tranh tôi cũng đã phải đập thóc cho nhà cụ, cái sườn của tôi còn non yếu như thế mà đã bị những túi thóc nhà cụ làm vẹo đi rồi. Bây giờ đã đến lúc phải tính sổ rồi dây. Ra khỏi nhà đi, tôi sẽ lập tức đốt nhà nầy ngay! Chúng mầy đã sống mãi trong nhà cao cửa rộng, bây giờ đi mà sống như chúng tao đã sống: ra lều đất mà ở. Đã hiểu chưa, lão già nầy?
- Đấy - đấy! Thật đã đến lúc đúng như thế rồi! Trong sách của đấng tiên tri éxai đã viết: "Khi dân sự ra ngoài, sẽ trông thấy xác của những kẻ nghịch cùng ta. Ròi bọ trên xác chúng nó không bao giờ hết, lửa thiêu chúng nó không bao giờ tắt, và chúng nó sẽ làm sự gớm ghiếc cho mọi xác thịt"… 5
- Thôi tao không có thì giờ mà đấu khẩu với mày nữa rồi? - Miska nói bằng một giọng phẫn nộ lạnh như tiền. - Có ra khỏi nhà không?
- Không! Mày cút đi, đồ quân thù quân hằn?
- Chính vì những thằng ngoan cố như mày nên mới có chiến tranh đấy? Chính chúng mày đã khuấy động dân chúng, xui dân chúng phản lại cách mạng… - Miska hấp tấp hạ khẩu súng trường kỵ binh trên vai xuống.
Phát súng nổ, cụ Grisaka ngã ngửa ra. Cụ nói rất rành rọt:
- Tựa như… không phải là lòng ta muốn… mà là ý của Đức Chúa lời ta muốn thế… Lạy Chúa tôi, xin Người hãy thu nạp kẻ nô lệ của Người… trong bình yên… - Rồi cụ rên rỉ, máu rỉ ra dưới chòm râu trắng loá.
- Rồi Chúa sẽ thu nạp! Cái con quỷ già nầy, mày thì đáng bị tống cổ về đấy từ lâu rồi!
Kosevoi đi vòng tránh chỗ ông cụ đang nằm sóng sượt với vẻ mặt kinh tởm rồi chạy lên thềm.
Vỏ bào khô bị gió thổi bay vào phòng ngoài cháy bùng lên với những ngọn lửa hồng hồng. Cái vách bằng ván ghép ngăn căn để đồ với phòng ngoài bén lửa rất nhanh. Khói bốc lên đến trần, bị một làn gió thổi thông thống lùa vào phòng.
Miska bước ra ngoài và trong khi anh đốt nhà kho, nhà thóc, những ngọn lửa ở nhà trên đã cháy ra đến ngoài, rào rào thè lưỡi liếm một cách thèm khát các khung cửa sổ bằng gỗ thông và vươn những cánh tay dài nghêu leo lên mái nhà…
Miska vào cánh rừng bên cạnh thôn đánh một giấc cho đến khi trời hoàng hôn, dưới những cây mận dại có những dây hốt bố leo quấn quít. Ngay cạnh đấy, con ngựa của anh lười nhác bứt những sợi cỏ thê mục mọng nước. Nó đã được tháo yên, hai chân sau bị chằng vào nhau. Đến tối, con ngựa khát không chịu được nữa đã hí lên đánh thức chủ.
Miska đứng lên buộc cái áo ca- pốt vào dây yên, cho con ngựa uống nước ở cái giếng ngay trong rừng, rồi đóng yên, cưỡi ngựa vào trong ngõ.
Những cái cọc cháy thành than đen xì vẫn còn bốc khói quanh sân trước nhà Korsunov, những làn khói khét lẹt lan ra mù mịt. Cả ngôi nhà chính rộng thênh thang chỉ còn lại cái nền đá rất cao và cái bếp lò gần đổ dụi với cột ống khói đen ngòm vươn lên trời.
Miska đi thẳng tới sân gia súc của nhà Melekhov.
Bà Ilinhitna đang ở dưới nhà kho đùm ít gỗ vụn vào tạp dề để nhóm bếp trong lúc Miska vẫn chễm chệ trên yên, mở cửa xép cho ngựa đi thẳng vào trong sân.
- Chào bác ạ! - Anh chào bà già, giọng âu yếm.
Nhưng bà Ilinhitna đã sợ hết hồn hết vía, bà buông thõng hai tay, không nói được câu nào để trả lời, những mảnh củi vụn rơi lả tả từ chiếc tạp dề…
- Bác có khoẻ không bác?
- Ơn… ơn Chúa, - bà Ilinhitna ngập ngừng trả lời.
- Bác vẫn còn sống, vẫn khoẻ chứ?
- Sống thì còn sống, nhưng chuyện sức khoẻ thì chớ có hỏi.
- Các ông Cô- dắc nhà bác đâu cả rồi? - Miska xuống ngựa, bước tới nhà kho.
- Ở bên kia sông Đông…
- Bác ở lại chờ bọn "Kadet" à?
- Tôi chỉ lo công việc của đàn bà… Các chuyện kia thì tôi không biết…
- Thế cô Evdokaia Pantelevna 6 có nhà không?
- Cả nó cũng sang bên kia sông Đông rồi.
- Ma quái đã đưa họ sang bên ấy? - Cơn tức tối làm giọng Miska run lên, trở nên cứng rắn hơn. - Bác ạ, tôi nói với bác thế nầy nhé: thằng Grigori, thằng con trai bác ấy, nó là một kẻ thù hung ác nhất của Chính quyền Xô viết đấy. Chúng tôi mà sang tới bờ bên kia thì sẽ lồng cái dây thòng lọng đầu tiên vào cổ nó. Còn bác Panteley Prokofievich mà bỏ chạy thì thật là không cần thiết. Con người vừa già vừa thọt như bác ấy thì cứ ngồi ở nhà là tốt nhất…
- Để chờ chết à? - Bà Ilinhitna hỏi bằng một giọng nghiêm khắc rồi lại bắt đầu nhặt những mảnh gỗ vụn bỏ vào trong tạp dề.
- Chà chết thì không đến nỗi phải chết đâu. Có thể cũng phải ăn roi chút ít, nhưng giết người thì người ta không giết bác ấy đâu. Nhưng tất nhiên tôi đến thăm bác không phải là vì chuyện ấy. - Miska sửa lại cái dây đồng hồ trên ngực, đưa mắt nhìn xuống. - Tôi đến là để thăm cô Evdokaia Pantelevna. Tôi hết sức lấy làm tiếc vì cô ấy cũng đi theo đám rút lui, nhưng bác là mẹ đẻ cô ấy nên tôi xin thưa với bác. Tôi xin thưa với bác như thế nầy: tôi đã đau khổ vì cô ấy từ lâu rồi, nhưng bây giờ thì chúng tôi chẳng làm gì có thì giờ để đau khổ vì các cô gái. Chúng tôi đang chiến đấu chống bọn "phản" và sẽ tiêu diệt chúng nó một cách không thương tiếc. Nhưng hễ hoàn toàn tiêu diệt được chúng nó, thành lập được Chính quyền Xô viết hoà bình trên toàn thế giới là bác ạ, tôi sẽ nhờ ông mối đến xin bác cô Evdokaia đấy.
- Bây giờ không phải là lúc nói chuyện ấy!
- Không, đúng lúc lắm! - Miska cau mày giữa hai hàng lộng mày của anh hằn lên một vết nhăn rất bướng bỉnh. - Mối manh thì chưa phải lúc, nhưng nói về chuyện ấy thì có thể được. Mà tôi cũng không chọn một lúc nào khác để nói đâu. Hôm nay tôi còn ở đây, nhưng đến mai chưa biết chừng đã bị điều sang bên kia sông Dones rồi. Vì thế tôi muốn báo để cho bác biết: cô Evdokaia, bác chớ có gả bừa gả bậy cho ai, nếu không nhà bác sẽ gặp chuyện chẳng hay gì đâu. Chỉ sau khi đơn vị tôi gửi tới bức thư báo tin tôi đã bị giết, bác hãy để cho người khác đến mối manh, còn bây giờ thì không được. Vì tôi và cô ấy đã yêu thương nhau rồi. Quà tặng cô ấy tôi chẳng đem gì về cả, vì quà biếu thì chẳng kiếm đâu ra. Nhưng nếu bác cần đến thứ gì trong số tài sản của những thằng tư sản, lái buôn, bác cứ bảo, tôi sẽ đi lôi về ngay.
- Cầu Chúa cứu vớt? Tôi vốn dĩ không lấy cái gì của người khác bao giờ.
- Thôi được nếu thế thì tuỳ ý bác. Nếu bác được gặp cô Evdokaia trước tôi thì nhờ bác chuyển giúp cho lời tôi tha thiết hỏi thăm. Thôi chào bác và xin bác chớ quên những lời tôi nói.
Bà Ilinhitna không trả lời, bỏ vào trong nhà, còn Miska thì lên ngựa, ra bãi thôn.
Đến đêm, các chiến sĩ Hồng quân từ trên núi kéo xuống thôn.
Tiếng họ chuyện trò nhộn vang lên trong các ngõ. Ba người mang một khẩu trung liên ra đặt vọng tiêu ở bờ sông Đông. Họ hỏi Miska, đòi kiểm tra giấy tờ. Anh đi đến trước căn nhà nhỏ của gã Semion "Đầu gang" thì gặp thêm bốn người nữa, hai người chở lúa yến mạch trên một chiếc xe có mui, còn hai người kia cùng mụ vợ nhỏ bé ho hen của gã "Đầu gang" khiêng một chiếc máy khâu đạp chân và một túi bột.
Mụ vợ gã "Đầu ngang" nhận ra Miska, chào hỏi anh:
- Thím kéo cái gì đấy thím? - Miska tò mò hỏi.
- Chúng tôi đang giúp một chị thuộc giai cấp bần nông xây dựng cơ nghiệp đây. Chúng tôi đem đến cho chị ấy một chiếc máy khâu của bọn tư sản và bột mì. - Một chiến sĩ Hồng quân trả lời liến thoắng, giọng rất hoạt bát.
Miska đốt liền một lúc bảy ngôi nhà của mấy tên đã rút sang vùng sông Dones: hai tên lái buôn Mokhov và Atepin "Cha - cha" tên cố đạo Visarion, lão cha tư tế Pankrati và ba tên Cô- dắc giàu có khác. Xong đâu đó anh mới ra khỏi thôn.
Anh lên đến gò thì quay ngựa nhìn lại. Bên dưới, trong thôn Tatarsky, những đám lửa đỏ rực cháy bùng bùng với những ngọn lửa vươn dài như đuôi cáo trên nền trời đen như đá lợp nhà. Lửa lúc thì vụt cao, ánh cả xuống mặt sông Đông chảy cuồn cuộn lăn tăn như những mắt lưới, lúc thì hạ thấp xuống, ngả về phía tây, đốt ngấu nghiến nhưng ngôi nhà.
Từ phía đông, một luồng gió hiu hiu thổi từ đồng cỏ tới, càng làm lửa cháy to thêm và đưa những đám khói đen lấp loáng như than của đám cháy đi rất xa…
--- ------ ------ ------ -------
1 Ý nói "châm lửa đốt" (ND).
2 Hình khắc tên hiệu kim hoàn trên đồ vàng để chứng thực là không phải của giả (ND).
3 Tân ước. Tin lành theo Luca, chương VI, tiết 31.
4 Cựu ước, sách của Gieremi, chương IX, tiết 15, 16. Đúng trong Kinh Thánh viết là: "Nầy, ta sẽ cho dân nầy ăn ngải cứu và cho uống mật đắng. Ta sẽ làm cho chúng tan lạc trong các dân tộc mà chúng nó và tổ phụ chúng chưa từng biết… (ND).
5 Cựu ước. Sách của Exai. Chương LXVI, tiết 24 (ND).
6 Cách xưng hô long trọng để gọi Dunhiaska (ND).
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Sông Đông Êm Đềm.