• 1,507

Chương 19


Số từ: 2762
Nhà Korsunov bấn tinh bấn mù trong cảnh bận rộn lúc sắp đến ngày cưới. Người ta vội vã may nốt cho cô dâu những thứ đồ lót và mùng màn. Tối tối Natalia lại ngồi đan cho chồng chưa cưới của nàng một chiếc khăn quàng bằng len dê lồm xồm, màu xám, và một đôi găng cũng thế. Phong tục từ xưa là như vậy. Bà Lukinhitna, mẹ nàng, thì còng lưng đến khuya trên chiếc máy khâu để giúp chị thợ may mời từ trên trấn về.
Mitka vừa cùng bố và những người làm ở ngoài đồng về. Chưa kịp rửa ráy, chưa kịp lôi đôi ủng nhọn làm đồng ra khỏi hai bàn chân lên chai, nó đã vào ngay phòng trong, ngồi xuống bên cạnh Natalia. Làm khổ em gái là việc mà Mitka thích nhất.
- Mầy đan đấy à? - Nó hỏi gọn lọn, rồi nháy mắt chỉ cái khăn quàng có những cái ngù lồm xồm.
- Phải, em đan đấy, việc gì đến anh?
- Cái con dở hơi nầy, mầy cứ đan đi, cứ đan đi. Rồi nó sẽ cho mầy mấy cái bạt tai để cảm ơn mầy.
- Sao vậy?
- Chẳng vì sao cả. Thằng Griska là bạn thân của tao, tao biết nó lắm chứ. Cái con chó dái ấy, nó cắn ai có bao giờ nói trước đâu.
- Anh đừng có nói bậy, cứ làm như em chẳng biết gì về anh ấy không bằng.
- Nhưng tao còn biết nhiều hơn mày. Hai chúng tao đã cùng đi học với nhau mà.
Mitka vờ thở dài não ruột, hai con mắt cứ dán vào hai bàn tay dùng chàng nạng đến sây sứt, cái lưng dài ngoẵng của nó cong hẳn xuống.
- Natasca 1 ạ, mày lấy nó thì đến khổ một đời thôi! Tao thấy mày cứ ở nhà làm bà cô là tốt nhất. Mà mày thấy nó tốt nó hay ở chỗ nào cơ chứ? Hả? Nom chết khiếp đi được. Con ngựa thổ tả ấy mầy không cưỡi nổi đâu. Mà nó lại còn dở hơi nữa chứ… Mày thử nhìn kỹ mà xem: nó chỉ là một thằng bỏ đi!
Natalia giận lắm, nàng nuốt nước mắt và cứ cúi gục xuống chiếc khăn quàng, nom đến là tội nghiệp.
Mitka không mủi lòng, vẫn tiếp tục nói ác:
- Nhưng điều chủ yếu là cái tính nó khô khan… Mầy còn khóc cái gì nữa chứ? Sao mày xuẩn thế. Natasca. Thôi cắt đứt đi? Tao sẽ lập tức đóng yên con ngựa, phi sang bảo nó: nầy chớ có vác mặt đến nhà tao nữa nhé…
Cụ Grisaka đã cứu Natalia thoát nạn. Cụ bước vào phòng trong, một tay cầm cái chàng nạng sần sùi gõ thử xem mặt sàn có chắc không, còn tay kia vuốt vuốt bộ râu màu đay vàng rối như bòng bong. Cụ chọc chọc cái nạng về phía Mitka và hỏi:
- Thằng chết tiệt nầy, mày vác mặt đến đây làm gì hả?
- Cháu vào hỏi han xem nó thế nào thôi, ông ạ. - Mitka chống chế.
- Hỏi với han cái gì hả? Cái gì hả? Thằng chết tiệt, tao ra lệnh cho mày lập tức xéo khỏi chỗ nầy. Đi đều… bước!
Cụ vung cái nạng đi tới trước mặt Mitka, hai cái chân khô quắt như hai que củi bước chập chững.
Cụ Grisaka đã dậm chân trên mặt đất nầy sáu mươi chín năm rồi. Cụ có dự chiến dịch Thổ nhĩ kỳ năm 1877, làm cần vụ theo hầu tướng Gurko 2, nhưng sau bị ghét bỏ, phải xuống chiến đấu dưới trung đoàn. Vì có thành tích chiến đấu ở Plépna và Rossis 3, cụ đã được thưởng hai huân chương thánh Gioóc và một huy chương thánh Gioóc. Cụ về sống nốt cuộc đời với con trai và được tất cả mọi người trong thôn kính trọng vì đến già đầu óc cụ vẫn minh mẫn, tính tình lại thẳng thắn cương trực và đãi khách rất hậu. Những năm ngắn ngủi cuối đời cụ chỉ tiêu ma trong những hồi ức về thời xưa kia.
Mùa hè, từ lúc mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn, cụ chỉ ngồi trên cái bục đất đắp quanh nhà, lấy nạng vẽ những cái hình gì gì trên mặt đất hoặc gục đầu suy nghĩ với những hình ảnh mung lung, những ý nghĩ phiến đoạn chập chờn hiện ra qua làn sương mù của lãng quên thành những phản quang mờ đục của hồi ức.
Cái lưỡi trai nứt nẻ của chiếc mũ cát- két Cô- dắc đã bạc màu in một cái bóng đen lên cặp mi thâm quầng của đôi mắt nhắm lại. Do cái bóng ấy, những vết nhăn trên má cụ nom như sâu hơn, bộ râu bạc phơ nhuộm thêm một ánh xám xám. Một thứ máu đen như bùn đất đen trong khe núi lừ đừ chảy trong những ngón tay bắt chéo trên cái nạng, trong hai bàn tay, trong những mạch máu đen sì sưng phồng.
Máu mỗi năm một lạnh đi. Cụ Grisaka than vãn với Natialia, đứa cháu gái yêu của cụ:
- Bít- tất len cũng chẳng làm hai bàn chân ông ấm thêm chút nào. Cháu yêu của ông, cháu lấy móc móc cho ông một đôi ấm nhé.
- Ông lạ thật đấy, ông ạ, bây giờ đang là mùa hè cơ mà! - Natalia vừa cười vừa ngồi xuống cái bục đất bên cạnh ông và cứ nhìn cái tai nhăn nheo vàng vàng rất to của ông.
- Cháu yêu của ông ạ, cũng thế thôi mà, mùa hè thì mùa hè, nhưng máu ông cứ lạnh ngắt như đất đào dưới sâu lên ấy.
Natalia nhìn cái lưới những mạch máu trên bàn tay ông và nhớ lại rằng hồi Natalia còn bé lắm, có lần người ta đã đào một cái giếng trong sân và Natalia đã lấy đất sét nhão trong cái thùng ra, để nặn những con búp bê rất nặng và những con bò có hai cái sừng đến là dễ gãy. Natalia hồi tưởng rất sống động cảm giác lúc nàng chạm tay vào chất đất không sức sống, lạnh như băng lấy từ một chỗ sâu năm xa- gien lên, và bây giờ thì nàng kinh hãi nhìn hai bàn tay ông, hai bàn tay già nua màu đất sét, đầy những vết da mồi nâu nâu.
Natalia thấy như không phải là một thứ máu đỏ vui tươi mà là chất bùn đất sét nâu xanh đang chảy trong hai bàn tay ông.
- Ông có sợ chết không hả ông? - Natalia hỏi.
Cụ Grisaka quay cái cổ ngẳng nhăn nheo, nhằng nhịt những mạch máu khô, tựa như muốn lôi nó ra khỏi cái cổ đứng của chiếc áo quân phục đã tàng, chòm râu bạc xanh rung rung.
- Ông đang chờ thần chết như một người khách quý đây. Đã đến lúc rồi còn gì… ông sống đã nhiều, đã đi lính phục vụ nhà vua, và trong đời ông, ông đã uống không biết bao nhiêu vodka rồi, - cụ mỉm cười nói thêm để lộ hai hàm răng trắng loá, hai con mắt nhăn nhúm rung rung.
Natalia vuốt vuốt tay ông rồi đứng dậy đi chỗ khác, còn cụ Grisaka thì vẫn cứ ngồi lại trên bục đất và khom lưng dùng cái nạng có chỗ tay cầm mòn bóng vẽ những hình lăng nhăng trên mặt đất.
Cụ ngồi đấy trong bộ quân phục xám xám đã vá nhiều chỗ. Mấy cái khuyết màu đỏ tươi trên cái cổ đứng chật sát lúc nào nom cũng tươi cười rất trẻ, rất linh lợi.
Bề ngoài cụ Grisaka đã nhận cái tin Natalia lấy chồng một cách khá bình tĩnh, nhưng trong thâm tâm thì cụ vừa đau lòng vừa bực mình. Ở bàn ăn, Natalia thường dành cho cụ miếng ngon nhất. Natalia giặt giũ đồ lót, đan tất, vá mạng quần áo ngoài cho cụ. Vì thế, sau khi biết tin ấy, cụ đã nhìn Natalia bằng cặp mắt nghiêm khắc trong khoảng hai ngày.
- Cái họ Melekhov có những thằng Cô- dắc khá lắm đấy. Mồ ma lão Prokofi là một tay rất dũng cảm. Không biết mấy đứa cháu của lão bây giờ như thế nào? Thế nào hả?
- Mấy thằng cháu ông cụ cũng không đến nỗi gì, - Miron Grigorievich trả lời qua loa cho xong chuyện.
- Nhưng thằng Grisaka là một thằng mất dạy, chẳng biết lễ phép là gì cả. Mấy hôm trước tao ở nhà thờ ra, nó gặp cũng chẳng thèm chào. Ngày nay người già cả không còn được quý trọng lắm nữa rồi.
- Thằng bé ấy cũng ân cần chu đáo đấy cha ạ. - Bà Lukinhitna chống chế cho con rể tương lai.
- Sao hử? Mày bảo là nó ân cần chu đáo à? Thế thì cũng được, trăm sự nhờ Chúa thôi. Chỉ cần nó vừa ý con Natalia là được…
Cụ Grisaka gần như chẳng dự gì vào buổi lễ đính hôn. Cụ ở nhà trong ra, ngồi vào bàn một lát, vất vả lắm mới nuốt trôi được một chén vodka qua cái cuống họng như tắc lại. Rồi cụ nóng người lớn, cảm thấy mình đã chuếnh choáng, bèn bỏ đi ngay. Trong hai ngày liền, cụ cứ nhay nhay miệng, rung rung bộ râu nửa trắng nửa xanh, lặng lẽ theo dõi cái vẻ vừa mừng vừa lo của Natalia. Nhưng sau đó xem ra cụ cũng nguôi nguôi.
- Natasca? - Cuối cùng cụ gọi cô cháu gái.
Natalia lại gần ông.
- Thế nào cháu, cháu yêu của ông, bây giờ thì có lẽ cháu vui lắm đấy nhỉ? Có phải thế không?
- Chính cháu cũng chẳng biết nữa, ông ạ, - Natalia thú nhận.
- Hừ- hừ… hừ- hừ… con bé nầy… Thôi, cầu Chúa che chở cho cháu, cầu Chúa. - Rồi cụ buồn bực mắng Natalia, giọng chua xót - Con bé nầy tệ thật, mày cũng chẳng chờ ông chết rồi hãy đi lấy chồng… Không có mày ở nhà, ông sống cũng đến khổ.
Mitka ở trong bếp nghe trộm câu chuyện, đến lúc nầy mới nói chõ ra:
- Ông ạ, có lẽ ông còn sống hàng trăm năm nữa, thế mà nó cứ phải chờ đấy chắc? Ông đùa dai bậc nhất đấy?
Cụ Grisaka giận tái xanh tái tím, thở không ra hơi nữa. Cụ gõ cái nạng xuống đất, giậm chân:
- Câm ngay, đồ chết tiệt, đồ chó đẻ! Xéo! Xéo đằng nào thì xéo! À cái thằng nầy, mày là đồ quỷ dữ! Quân nghe trộm, đồ nghịch tặc nghịch tử!
Mitka cười hì hì chạy ra sân. Cơn phẫn nộ của cụ Grisaka thì còn kéo dài rất lâu. Cụ chửi Mitka không ngớt miệng, hai cái chân đi bít tất len ngắn cổ của cụ cứ run bần bật, nhất là ở chỗ đầu gối.
Natalia có hai đứa em gái là Maritka chừng mười hai tuổi và Gripka tám tuổi. Gripka là một con bé rất ranh mãnh, tinh nghịch. Cả hai đều mong mau chóng đến ngày cưới chị.
Hai người làm công thường xuyên cho nhà cô cũng không giấu nổi vẻ vui mừng. Họ chỉ mong được chủ cho chén một bữa tuý luý và trong thời gian cả nhà vui chơi sẽ được nghỉ hai ngày. Một người thì cao lêu đêu như cái cần kéo nước giếng. Anh ta vốn là dân Ukraina, vùng Bôgutra, và có cái họ hết sức kỳ quặc: Get- Baba.
Năm nào anh ta cũng phải có hai lần tuý luý càn khôn, lần nào cũng tiêu hết tiền công, bán sạch đồ đạc. Từ lâu Get- Baba đã có cái cảm giác ngao ngán buồn nôn quen thuộc của kẻ sắp đến thời kỳ lên cơn rượu, nhưng anh ta vẫn cố nhịn để ngày mở màn thời kỳ chai bố chai con của mình ăn khớp với lễ cưới.
Người thứ hai là một gã Cô- dắc gầy gò, đen thủi, người trấn Migulinskaia, tên là Mikhey. Mikhey mới đến ở cho nhà Korsunov chưa bao lâu. Cơ nghiệp bị cháy ra tro, Mikhey phá sản phải đem thân đi làm mướn. Sau khi kết bạn với Getko (người ta thường gọi tắt Get- Baba là Getko), Mikhey bắt đầu thỉnh thoảng cũng có chén chú chén anh. Mikhey là một anh chàng mê ngựa như điếu đổ. Một hôm rượu vào, anh ta khóc rống lên, rồi vừa lau nước mắt trên khuôn mặt nhọn hoắt chẳng có sợi lông mày nào, vừa sán đến bên cạnh Miron Grigorievich mà lải nhải:
- Ông chủ ơi! Ông chủ yêu quý của tôi ơi? Hôm cưới cô nhà ta, ông cho thằng Mikhey nầy cầm cương trong đoàn xe đưa dâu nhé. Ông sẽ được xem Mikhey nầy đánh xe như thế nào! Mikhey nầy có thể cho xe xông qua đám cháy mà ngựa không bị xém mất sợi lông nào đâu. Xưa kia Mikhey nầy cũng đã từng có ngựa riêng đấy…
Chao ôi!
Không hiểu sao cái anh chàng lầm lì cau có, quen sống cô độc như Getko lại quấn quít với Mikhey. Getko thường chỉ có một câu nói đùa để trêu Mikhey:
- Nầy Mikhey, cậu có nghe thấy không? Cậu người trấn nào thế?
Getko vừa hỏi vừa chùi hai bàn tay dài quá đầu gối, rồi lại đổi giọng tự trả lời: "Migulinskaia". - Nhưng tại sao cậu lại ăn nhiều làm biếng như thế nhỉ? - "Cái giống người vùng tớ nó vốn dĩ như thế đấy". Lần nào Getko cũng vỗ tay đen đét vào hai cẳng chân dài ngoẵng, khô đến vang lên như chuông, cười đến khản cả tiếng về câu nói đùa nhắc đi nhắc lại mãi không chán ấy. Còn Mikhey thì căm hờn nhìn khuôn mặt nhẵn thín cùng với chỗ lộ hầu rung rung trên cổ Getko, chửi Getko là "đồ cú vọ", là "cái vảy ghẻ".
Lễ cưới được quyết định cử hành vào thời kỳ ăn mặn đầu tiên. Chỉ còn ba tuần nữa thôi. Ngày Đức Mẹ lên trời 4, Grigori đến thăm vợ chưa cưới của chàng. Grigori ngồi một lát bên cái bàn tròn trong căn phòng nhỏ, ăn hạt hướng dương và quả óc chó cùng với vài cô gái, bạn của Natalia, rồi ra về. Natalia đưa tiễn Grigori. Ra đến hiên nhà kho chỗ con ngựa của Grigori thắng một cái yên mới toanh rất đẹp được cho ăn trong máng. Natalia luồn nhanh tay vào trong ngực áo, đỏ mặt ngước hai con mắt đắm đuối nhìn Grigori, rồi nhét vào tay chàng một nắm vải vo tròn còn ấm hơi cặp vú đồng trinh của mình.
Grigori nhận quà, nhe hàm răng trắng loá như răng chó sói ra hỏi:
- Cái gì thế nầy?
- Anh xem thì sẽ biết… em thêu cái túi đựng thuốc đấy.
Grigori ngập ngừng kéo Natalia vào lòng, định hôn nàng nhưng Natalia hết sức ấn hai tay vào ngực Grigori, mềm mại ưỡn người ra, và hốt hoảng đưa mắt về phía mấy cái khung cửa sổ:
- Người ta trông thấy đấy?
- Mặc cho họ trông thấy.
- Ngượng chết đi được…
- Lần đầu tiên thế thôi, - Grigori giải thích.
Natalia giữ dây cương. Grigori cau mày đưa chân đón lấy cái bàn đạp khía răng cưa. Chàng ngồi lại cho thật thoải mái trên cái đệm yên, rồi cho ngựa ra khỏi sân. Natalia mở cổng lớn, đưa tay lên mắt nhìn heo: Grigori cưỡi ngựa theo kiểu Kalmys, người hơi vẹo sang bện trái, cái roi vung vẩy nom rất ngang tàng.
"Còn mười một ngày nữa", - Natalia thầm nhẩm tính, rồi thở dài và mỉm cười.
--- ------ ------ ------ -------
1 Tên dùng để gọi Natalia một cách thân mật (ND).
2 (1828 - 1901) Thống soái của quân đội Nga hoàng trong cuộc chiến tranh Nga - Thổ 1877 (ND).
3 Hai thành phố bị quân Nga đánh chiếm trong cuộc chiến tranh Nga- Thổ, 1877 (ND).
4 Ngày 15 tháng tám (ND).
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Sông Đông Êm Đềm.