• 1,116

Hồi 14: Vệ Dõng Đạt bái nhận mẫu tử; Hùng Hữu Hạc quyết chí tầm sư


Dịch giả: Nguyễn Đỗ Mục
Nguồn: NXB Văn Hóa Thông Tin
Liếc thấy dung mạo Vệ Dõng Đạt, Doãn Phu nhơn nghĩ thầm:

Vị Đại vương này tướng mạo khôi ngô, dung nghi mỹ lệ, thế nào về sau cũng đặng đại quí. Nếu đặng đẹp duyên cùng con gái ta thì thật là xứng đôi vừa lứa
.
Trưởng Hoa Tiểu thơ t hấy mẹ mình ra vẻ suy nghĩ, sợ bà ta nhận lời chàng, nên vội vói nắm vạt áo bà kéo qua một bên, kề tai nói nhỏ:
- Con quyết không bao giờ bằng lòng kết duyên với tên lục lâm ấy đâu!
Doãn Phu nhơn khẽ hỏi:
- Ta xem nguời nầy là hạng quan gia tử đệ, lại có dung mạo phi phàm thì chắc làm gì sau này cũng đặng phú quí, vả lại, tuổi xuân của người thật xứng đôi vừa lứa với con. Nếu con bằng lòng chắc sau này người sẽ đem binh dẹp giặc cứu phụ thân con về triều chẳng là hay hơn sao?
Trưởng Hoa vẫn khư khư đáp:
- Xin mẫu thân đừng ép con, vì ý con đã quyết, thà chịu chết chứ không chịu kết duyên với tên võ phu!
Vệ Dõng Đạt liếc nhìn thái độ của hai người đoán biết tiểu thơ không bằng lòng nên mỉm cười dịu giọng nói:
- Chỉ vì dung nhan của tiểu thơ mà khiến con tim tôi xao xuyến, sao tiểu thơ nỡ lòng nào để cho tôi thất vọng như vậy? Tiểu thơ hãy xét thử tôi đây cũng dòng quan gia tử đệ xuất thân, lại thêm dung mạo không đến nỗi xấu xí, nay tôi cùng tiểu thơ sánh duyên cầm sắt chẳng phải là xứng đôi vừa lứa lắm sao?
Trưởng Hoa lắc đầu đáp:
- Dẫu cho Đại vương là quan gia tử đệ mà đã sa vào chốn lục lâm này thì thanh danh đã bị hoen ố rồi, tôi đây tuy phận gái thà chịu chết cho tròn tiếng thơm chớ không bao giờ chịu sống nhục.
Vệ Dõng Đạt cố biện minh:
- Tiểu thơ nghĩ vậy là lầm rồi! Tôi ở đây chẳng qua là tạm đỡ trong một thờigian để chiêu tập binh mã hòng ra giúp nước trở về với triều đình đó thôi.
Rồi Vệ Dõng Đạt quay qua nói với Doãn Phu nhơn:
- Xin mời phu nhơn và tiểu thơ lui vào hậu trại ngồi chơi để tôi thưa một chuyện.
Dứt lời, liền truyền lâu la đưa hai người vào hậu trại ngay, đồng thời truyền lâu la mổ heo để khao thưởng ba quân, ăn mừng lễ động phòng hoa chúc của mình.
Vào đến hậu trại, bọn lâu la bưng trà lên cung kính mời hai người uống, nhưng Trưởng Hoa đã nhứt quyết không ưng nên chịu khát chứ không dùng. Doãn Phu nhơn thấy thế tỏ lời khuyên bảo:
- Theo ý mẹ thì mẹ muốn con bằng lòng, vì việc này cũng là điều hay cho chúng ta.
Nhưng Doãn Phu nhơn nói gì Trưởng Hoa cũng vẫn một mực chối từ. Lúc hai mẹ con đang đàm luận thì Vệ Dõng Đạt bước vào ra hiệu cho bọn lâu la lui ra ngoài, rồi với tay đóng chặt cửa lại, đoạn nhìn Trưởng Hoa chúm chím cười ra chiều lả lơi và nói:
- Nay nhạc mẫu đã có lòng đoái thương đến tôi, ý muốn cho tôi đặng vầy duyên can lệ cùng tiểu thơ, cớ sao tiểu thơ lại đành tâm để cho tôi phải ôm mối tình tuyệt vọng?
Nghe qua mấy lời, Trưởng Hoa đánh giá ngay con người của Vệ Dõng Đạt là phường tham dâm háo sắc nên nàng kinh hãi vội bước lùi ra sau, vì nàng sợ đối phương có thể giở trò bất lương thô lỗ.
Vệ Dõng Đạt thấy thế liền rót một chén nước tự tay bưng đến cho tiểu thơ miệng cười chúm chím, liếc mắt đưa tình:
- Dẫu sao tiểu thơ cũng dùng của tôi một chung trà mới phải chứ.
Bấy giờ Trưởng Hoa mặt mày biến sắc, thối lùi mãi ra sau, đôi mắt nàng xạ ra ánh sáng hận thù, hai hàm răng nghiến chặt, lưng dựa vào tường, hai tay như muốn vận nội công thủ thế để tự bảo vệ bản thân.
Vệ Dõng Đạt vẫn lướt tới, bằng cái nhìn mớn trớn. Trưởng Hoa gằn giọng nói:
- Tôi đã mang một tấm lòng sắt đá, mong Đại vương đừng tiến thêm bước nữa vô ích, nếu Đại vương một mực ép liễu nài hoa thì tôi chắc chắn một trong hai ta sẽ bỏ mạng tại đây.
Trước lời nói đanh thép của nàng, khiến Vệ Dõng Đạt phải lùi lại đặt chén nước trên bàn, thong thả nói:
- Xin tiểu thơ đừng sợ, chính tôi đây cũng là hàng nữ lưu như tiểu thơ vậy, sở dĩ tôi làm như vậy là có ý muốn thử lòng tiểu thơ đó thôi.
Doãn Phu nhơn thấy Trưởng Hoa nổi giận, bà muốn chạy đến khuyên nhủ con, nhưng lại nghe Vệ Dõng Đạt nói vậy, bà lấy làm lạ vội hỏi:
- Đại vương nói thế nghĩa là gì? Sao Đại vương lại bảo Đại vương là gái?
Vệ Dõng Đạt không đáp, cứ việc âm thầm bước đến gài thêm cánh cửa cho thật chặt rồi lại ngồi trên ghế từ từ mở chiếc giày mình ra, tháo miếng vải bó chân, để lộ bàn chân nhỏ xíu. Mẹ con Doãn Phu nhơn nửa mừng nửa sợ vội hỏi:
- Người là con gái nhà ai, sao lại dám cả gan nương thân vào chốn lục lâm cường đạo như vầy?
- Vệ Dõng Đạt chỉ mỉm cười không đáp, cứ việc lo quấn vải vào chân rồi mang giày lại, đoạn mời Doãn Phu nhơn ngồi trên rồi cùng Trưởng Hoa Tiểu thơ ngồi dưới. Sau đó Vệ Dõng Đạt mới lên tiếng nói:
- Nguyên thân phụ tôi là Vệ Hoán, tướng tiên phong của Hoàng Phủ Nguyên soái, còn tôi đây tên thật là Dõng Nga. Thân phụ tôi chỉ có một mình tôi chớ không có trai kế tự nên dạy tôi học tập võ nghệ. Chỉ vì kế mẫu của tôi bất hòa với tôi, nên thân phụ tôi lúc thi đậu võ cử nhơn đi làm quan phương xa phải đem gởi tôi cho thúc phụ tôi là Vệ Trấn Tổ nuôi dưỡng. Vừa rồi, thân phụ tôi và Hoàng Phủ Nguyên soái bị giặc Phiên bắt giam cầm cho nên triều đình nghi kỵ sai quan đi bắt gia quyến Hoàng Phủ về kinh trị tội. Lúc ấy có một người bạn đồng niên với thân phụ tôi ở tại kinh mật báo cho thúc phụ tôi biết, thành thử thúc phụ tôi sợ liên lụy không dám chứa tôi nữa. Tôi thiết nghĩ thân phụ tôi là bậc trung can không đời nào chịu đầu hàng giặc, chắc chắn việc này do gian thần mạo tấu để hại người ngay nên tôi cải nam trang cùng với tên lão bộc là Vưu Thận định sang Đăng Châu để dò la tin tức, nhưng chẳng may khi đi ngang qua núi này, Vưu Thận bị Hàn Hổ đón giết chết đoạt đồ hành lý, tôi vừa đến thấy vậy nổi giận giết ngay Hàn Hổ. Bọn lâu la khâm phục tài võ dõng của tôi nên xúm nhau nài nỉ tôn tôi lên làm chủ trại.
Ngừng một lát, nàng tiếp:
- Tôi trộm nghĩ, ra đi đơn phương độc mã cũng không làm gì nên chuyện, nên tính ở lại đây chiêu tập binh mã chờ cơ hội mang quân đi cứu phụ thân về triều cho toàn trung hiếu. Nay tôi cùng tiểu thơ đây cùng chung một số phận, vậy hãy cùng nhau nương náu ở đây chờ cơ hội rửa cho sạch nỗi niềm oan khúc của thân phụ chúng ta.
Doãn Phu nhơn nghe bấy nhiêu lời, lòng mừng khấp khởi, nức tiếng khen:
- Ta không ngờ nàng là con gái lại có chí khí anh hùng như thế. Thiết tưởng trên thế gian này không có một người con gái nào lại dám nương thân vào nơi hổ huyệt như vầy, thật đáng kính phục!
Vệ Dõng Đạt nói:
- Đó chẳng qua là hoàn cảnh tạo nên, ngộ biến phải tùng quyền, xin phu nhơn chớ tiết lậu. Còn việc của phu nhơn, tôi cũng lấy làm lạ là sao phu nhơn đã biết trước mà không chịu trốn đi, còn để cho Khâm sai đến bắt là ý gì?
Doãn Phu nhơn liền đem việc Doạn Thượng Khanh cho hay tin trước, Hoàng Phủ Thiếu Hoa đã đi trốn rồi, còn mình và Trưởng Hoa bằng lòng về kinh thọ tội, đầu đuôi nói rõ cho Dõng Đạt nghe.
Vệ Dõng Đạt gật gù nói:
- Thế thì cái tiết tháo của phu nhơn cùng tiểu thơ thật hiếm có trên đời. Nhưng nay phu nhơn và tiểu thơ đã vào đây, hãy cùng tôi lập chí, chờ thời dẹp giặc, cứu cho được phụ thân chúng ta về triều, cho tròn câu cốt nhục thâm tình.
Doãn Phu nhơn ra vè lo ngại:
- Mẹ con tôi ở đây cũng được, nhưng hiện nay chúng lâu la đều đinh ninh nàng là nam tử thì sao cho khỏi tiếng thị phi chê cười?
Vệ Dõng Đạt nói:
- Việc ấy phu nhơn chớ lo, tôi sẽ có kế, tránh được tiếng thị phi.
Nói rồi Vệ Dõng Đạt kề tai nói nhỏ với phu nhơn một hồi rồi lên tiếng nói:
- Phu nhơn cứ việc làm y theo kế ấy thì không ai có thể hiềm nghi chúng ta được.
Doãn Phu nhơn gật đầu khen:
- Ờ! Thật quả là diệu kế.
Vệ Dõng Đạt cũng mỉm cười nói với Trưởng Hoa Tiểu thơ:
- Cô nương là người cương trực thật ít ai bì, đã rủi sa vào hang hùm nọc rắn mà vẫn giữ một lòng thiết thạch, đáng khâm phục thay!
Câu chuyện của ba người vừa đến đây thì bên ngoài bọn lâu la đã sửa soạn bàn hương án xong xuôi, chúng chờ đợi chủ trại ra để làm lễ động phòng hoa chúc, nhưng đợi mãi không thấy. Một đứa trong bọn nóng lòng lên tiếng nói:
- Đại vương ta thật là nôn nóng quá. Chưa làm lễ mà đã đóng cửa với nàng ấy ở miết trong phòng, chắc hai người thành thân với nhau rồi chớ gì.
Một tên khác nói:
- Sao anh lại nói lạ vậy? Tâm lý ở đời hễ trai tài gái sắc gặp nhau thì ai không vậy? Thôi, bây giờ chúng ta phải đi bẩm tấu Đại Vương kẻo trễ ngày giờ mất.
Mấy tên kia đều khen phải rồi cùng nhau chạy vào phòng gõ cửa bẩm:
- Bẩm Đại vương, chúng tôi đã sửa soạn hương án xong rồi, xin Đại vương hãy ra làm lễ hoa chúc kẻo trễ giờ hoàng đạo.
Vệ Dõng Đạt nghe kêu liền mở cửa bước ra ngồi giữa tụ nghĩa đường, truyền lâu la gióng trống nhóm hết các đầu mục và lâu la đến đủ mặt, đoạn sai người đi mời Doãn Phu nhơn và Trưởng Hoa Tiểu thơ ra.
Một lát sao hai người đến, Vệ Dõng Đạt bước xuống thi lễ rồi mời Doãn Phu nhơn lên ngồi ghế trên, còn mình và Trưởng Hoa Tiểu thơ thì ngồi ngang nhau ở hai chiếc ghế phía dưới.
Vệ Dõng Đạt đứng lên trịnh trọng tuyên bố:
- Ta thấy Hoàng Phủ Tiểu thơ là một người có nhan sắc nên muốn kết nghĩa tấn tần nhưng nàng không thuận. Vả lại, ta đây cũng là hạng người đứng vào hàng quan gia tử đệ lại có tâm sự giống phu nhơn và tiểu thơ nên ta định cầm phu nhơn và tiểu thơ ở lại đây chờ cơ hội đi bình giặc, báo ơn cho Thiên tử. Nhưng hiện nay ta cùng tiểu thơ đang độ xuân xanh, nàng chỉ nhỏ hơn ta một tuổi, ta định làm lễ phát thệ nhận nàng làm em và phu nhơn làm mẹ ta để tránh khỏi sự hiềm nghi, chẳng hay ý chúng tướng nghĩ sao?
Các tướng đều khen và đồng thanh bẩm:
- Đại vương trọng nghĩa như vậy thiệt trong đời ít có.
Nhưng trong số có vài người cười thầm bàn tán với nhau:

Một người đẹp như tiên mà không muốn, lại để kết làm anh em, thật là dại dột
.
Sau đó Vệ Dõng Đạt mời Doãn Phu nhơn cùng Trưởng Hoa Tiểu thơ ra giữa sân, nơi đã đặt bàn hương án sẵn sàng để làm lễ phát hệ.
Doãn Phu nhơn và Trưởng Hoa Tiểu thơ đồng nói:
- Đại vương hậu tình trọng đãi như vậy, chúng tôi vô cùng cảm kích, song phận mẹ con tôi tài sơ đức bạc, có xứng chi mà được hân hạnh kết tình máu mủ với Đại vương.
Vệ Dõng Đạt nói:
- Nếu không làm như vậy, làm sao tránh khỏi sự hiềm nghi, xin mẫu thân chớ nên chối từ.
Rồi cả ba đều bước ra sân, Vệ Dõng Đạt cùng Trưởng Hoa Tiểu thơ đồng bước tới bàn hương án cất tiếng thề nguyền kết nghĩa đệ huynh đoạn Vệ Dõng Đạt quì lạy Doãn Phu nhơn gọi bằng thân mẫu.
Lễ tuyên thệ vừa xong, Vệ Dõng Đạt truyền thiết tiệc khao thưởng quân sĩ và thưởng riêng phần Đan Hồng mười lượng vàng ròng. Đan Hồng mừng rỡ nhận lãnh rồi lại tạ lui ra, hắn nghĩ thầm:

Số mình không đặng vợ đẹp nên Đại vương lại nhận là em gái, nhưng thôi, đành chịu chớ biết làm sao bây giờ?

Tối hôm ấy, Vệ Dõng Đạt truyền lâu la đưa Doãn Phu nhơn và Trưởng Hoa Tiểu thơ vào nghỉ nơi hậu trại, lại bảo hai con tỳ nữ Cẩm Trạch và Giao Sắc ở chung để hầu hạ.
Từ đó về sau đôi bên về ở riêng, khi nào có việc chi cần mới sang đàm luận, mỗi lần gặp nhau họ chào hỏi lễ nghi rất minh bạch.
Vệ Dõng Đạt muốn chiêu tập anh hùng, nên không thèm cướp giựt tiền của khách đi đường nữa, chỉ ra tay sát hại bọn tham quan ô lại và những kẻ trọc phú ác tâm để lấy của nuôi quân mà thôi. Vì thế nhân dân cảm phục vô cùng. Còn mẹ con Doãn Phu nhơn cũng mừng vì đặng chỗ yên thân, nhưng còn lo một nỗi là Hoàng Phủ Thiếu Hoa hiện giờ không biết lành dữ thế nào…
Bây giờ xin nhắc lại việc Khâm sai bị tử trận, rồi quân lính thất kinh bỏ tù xa vỡ chạy đến Thanh Châu vào báo cho quan Tổng binh tại đó hay:
- Tướng giặc tại Xuy Đài sơn tên Vệ Dõng Đạt đã đón đường giết chết Khâm sai và cứu mẹ con Doãn Phu nhơn đem về núi rồi.
Tổng binh Thanh Châu nghe báo, giựt mình nói:
- Thế thì bọn giặc Xuy Đài sơn này chính là thân đảng với Hoàng Phủ Thiếu Hoa rồi, nếu không, ai lại dám giết Khâm sai của triều đình? Việc này ta cần phải dâng biểu về triều gấp mới được.
Nói rồi liền biểu tỏ hết sự tình, sai người tức tốc đệ về kinh.
Ngày kia, vua Thành Tôn lâm triều, bá quan quì lạy tung hô vừa xong, bỗng có quan Huỳnh môn bước ra quì tâu:
- Nay có quan Tổng binh Thanh Châu là Châu Triệu Lân dâng biểu về cấp báo rằng: quan Khâm sai Trần Thiên Tích phụng mạng triều đình đi bắt gia quyến Hoàng Phủ Kính, Hoàng Phủ Thiếu Hoa biết trước trốn đi mất, chỉ bắt được vợ hắn và một người con gái mà thôi. Chẳng dè khi giải về kinh, đi ngang qua núi Xuy Đài bị tướng giặc là Vệ Dõng Đạt chận đường giết chết Khâm sai và nhiều tướng sĩ, cướp đoạt tù xa. Hiện giờ còn mấy tên hiệu úy đã về đến, chúng còn đứng ngoài Ngọ môn chờ lịnh.
Vua Thành Tôn nghe tâu, truyền đòi vào ngay. Mấy tên hiệu úy vào quì mọp trước kim giai, đem hết đầu đuôi mọi việc tâu lên cho vua rõ.
Vua Thành Tôn nghe xong, cho mấy tên hiệu úy lui ra rồi đòi quan hàn lâm học sĩ lên điện, bảo đọc tờ biểu chương cho các quan văn võ đồng nghe. Đọc xong, vua nổi giẩn lôi đình phán:
- Xưa ngay, hễ quân lục lâm cường đạo là chỉ chuyên cướp giựt của cải thôi chứ có đời nào lại dám xâm phạm đến quan quân của triều đình, nay xảy ra cớ sự này thì chắc chắn bọn Xuy Đài sơn này là thân đảng của Hoàng Phủ Kính đó. Nếu không trừ đặng chúng thì làm sao giữ yên quốc pháp! Chẳng hay chư khanh nghĩ sao? Và có ai dám cử binh đi dẹp quân cường đạo Xuy Đài sơn không?
Vua phán dứt lời, bỗng thấy hữu Thừa tướng Kỳ Thạnh Đức và tả Thừa tướng Lương Giám cùng bước ra một lượt quì tâu:
- Việc ấy không nên làm!
Vua Thành Tôn ngạc nhiên hỏi:
- Quân cường khấu dám cả gan xâm phạm đến quan quân của triều đình, cần phải tảo trừ chớ sao hai khanh lại bảo là không nên?
Hai viên Thừa tướng đồng thanh đáp:
- Vẫn biết quân cướp đã xâm phạm đến quan quân của triều đình thì cần phải trừng trị, song Xuy Đài sơn nằm trong địa phận Sơn Đông, tất nhiên khi chúng đánh không lại quân của triều đình ắt phải tư thông với quân Phiên. Lúc ấy bên ngoài có giặc xâm lăng, bên trong bọn cường khấu Xuy Đài sơn công phá thì tỉnh Sơn Đông khó bề giữ yên được, chi bằng hãy tạm để yên cho chúng, đợi khi nào dẹp yên được giặc Phiên sẽ đánh Xuy Đài sơn, thì dù chúng có cánh cũng không thoát khỏi.
Thành Tôn suy nghĩ hồi lâu rồi gật đầu đáp:
- Hai khanh nói thế nghe cũng có lý, vậy thì đợi dẹp yên giặc rồi sẽ đánh lấy Xuy Đài sơn. Nhưng tên Vệ Dõng Đạt này chắc là đồng đảng với Hoàng Phủ Thiếu Hoa, vậy quan Công bộ phải họa hình Thiếu Hoa ban hành khắp thiên hạ để sau ai bắt được thì thưởng trăm lượng vàng ròng, còn ai chấp chứa hoặc biết mà không tố cáo thì phải bị phạt nặng.
Rồi vua Thành Tôn truy tặng cho quan Khâm sai, đồng thời châu cấp tiền bạc cho vợ con những kẻ bị hại về trận Xuy Đài sơn.
Lúc ấy Doãn Thượng Khanh ở lại triều hay được tin ấy thì giận cho Doãn Phu nhơn lắm. Trách cho phu nhơn sao không biết suy nghĩ, theo làm chi với quân cường đạo tại núi non để cho nam nữ hỗn tạp, mang tiếng xấu hổ và cũng có hại cho Hoàng Phủ Thiếu Hoa, không biết bao giờ mới minh oan được.
Xin nhắc lại việc Hoàng Phủ Thiếu Hoa, từ ngày ở tại nhà Hùng Hiệu đến nay không khi nào bước chân ra khỏi cửa, cùng với Hùng Hiệu luyện tập võ nghệ, khi nào buồn lại uống rượu đánh cờ cho giải khuây.
Đêm nằm, Hoàng Phủ Thiếu Hoa thường nghĩ thầm:

Không biết hiện giờ thân mẫu và hiền tỉ ta ở nơi ngục thất khổ cực đến bực nào, và thân phụ ta bị giam cầm nơi đất địch có đặng bình an không? Còn ta đây hiện nay chắc phải phụ lòng Mạnh Lệ Quân và Lưu Yến Ngọc rồi!
.
Mỗi lần Hoàng Phủ Thiếu Hoa nghĩ vậy, nét mặt chàng âu sầu ảm đạm trông vô cùng thảm não.
Thời giờ thấm thoát quá nhanh, mới đây mà năm cũ đã tàn, năm mới sắp đến. Hôm ấy nhằm Tết Nguyên đánh, Hùng Hiệu cùng Hoàng Phủ Thiếu Hoa uống rượu vui chơi tại thơ phòng, Hùng Hiệu nói với Thiếu Hoa:
- Tôi thiết tưởng quân Phiên biết pháp thuật như vậy thì dầu cho triều đình có đem đại đội binh mã hùng mạnh đến đâu cũng khó nổi cự đương. Quân Phiên mỗi ngày mỗi dữ tợn, tôi e chúng ta đây cũng chưa dễ gì đánh được, chi bằng chúng ta đi tìm một bậc dị nhơn nào học tập tiên thuật, rồi đợi khi nào triều đình đăng bảng cầu hiền, chúng ta sẽ dẹp giặc cứu phụ thân của hiền đệ về.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa gật đầu đáp:
- Lời hiền huynh nói rất hợp ý em, nhưng chúng ta biết đi tìm đâu cho ra dị nhơn bây giờ?
Hùng Hiệu nói:
- Tôi nghe tại thành Võ Xương cách chừng trăm dặm có hòn núi tên là Hoàng Hạc Sơn, trên núi ấy có vị đạo nhơn tên Hoàng Hạc Tiên ông, người tu hành đắc đạo đã thành chánh quả, pháp thuật tinh thông có rất nhiều người đã tìm đến đó để cầu khẩn hỏi việc kiết hung, nhưng hễ ai thành tâm thì mới được gặp, bằng không thì sao tìm thấy. Vậy bây giờ hai ta cứ việc thành tâm ra đi, may ra có thể gặp người.
Nghe nói, Hoàng Phủ Thiếu Hoa mừng rỡ nói:
- Nếu quả có bậc dị nhân như vậy. Để một mình em đi cũng được, chớ như hiền huynh cửa nhà to tát, tiền của rất nhiều mà bỏ ra đi bất tiện lắm. Hơn nữa, gia tẩu còn trẻ tuổi lại đang mang thai, chắc người không bằng lòng cho hiền huynh đi đâu.
Hùng Hiệu bảo:
- Không hề gì đâu! Công việc trong nhà đã có người cai quản nếu ta đi vắng, sổ sách đã có Lữ Trung. Vả lại, nhạc phụ ta là Từ Nhơn Thiện tuy năm nay tuổi đã ngoài năm mươi song vẫn còn tráng kiện. Gia tư giàu có lại nhiều con cháu; ta sẽ qua đó yêu cầu người thường xuyên đến kiểm soát, còn việc trong nhà đã có nội nhơn tôi, người vốn hiểu thông đại nghĩa thế nào cũng bằng lòng cho đi chứ không ngăn cản như hiền đệ tưởng vậy đâu.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa nói:
- Thế thì hiền huynh hãy đi bàn thử với gia tẩu xem sao?
Hùng Hiệu khen phải vội đi thẳng vào nhà trong nói với Từ thị:
- Tôi có việc vô cùng trọng yến muốn bàn với hiền thê.
Từ thị hỏi:
- Chẳng hay phu quân muốn bàn việc chi xin cứ dạy.
Hùng Hiệu thong thả ngồi xuống ghế, thuật hết tình hình giặc Phiên lợi hại thế nào cho Từ thị nghe và nói:
- Tôi muốn cùng nghĩa đệ Lữ Lăng đi tầm tiên học thuật, chờ sau này có cơ hội đi dẹp giặc lập công cho đặng phong thê ấm tử, nhưng Lữ Lăng lại sợ e hiền thê không bằng lòng nên tôi phải vào bàn với hiền thê xem ý kiến của hiền thê như thế nào.
Từ thị nói:
- Phận nam nhi việc tang bồng hồ thỉ tôi đâu dám ngăn trở. Nhưng nay tôi đang mang thai nghén trong mình, chẳng biết ngày nào hoa nở nhụy, chỉ sợ không ai trông nom, lại thêm việc nhà vô cùng bận rộn không biết ủy thác cho ai đó thôi.
Hùng Hiệu nói:
- Khi nào hiền thê lâm sản, đã có nhạc mẫu trông nom, còn việc trong nhà ta đã có Lữ Trung coi sóc, lão ta là một tay đắc lực lại trung thành, có lo chi. Tuy vậy, tôi ra đi cũng phải nhờ đến nhạc phụ thường lui tới kiểm soát thì chắc được vẹn toàn.
Từ thị nói:
- Phu quân tính vậy cũng khéo léo lắm, song cần phải thưa lại với song thân thiếp để các người góp phần liệu định mới xong.
Hùng Hiệu gật đầu đáp:
- Hiền thê nói phải lắm, thế nào tôi cũng mời nhạc phụ và nhạc mẫu để thưa cho hai người rõ mọi việc rồi mới khởi hành.
Rồi Hùng Hiệu gọi gia nhơn sai đi mời vợ chồng Từ Nhơn Thiện đến.
Lời Bình:
- Thời bấy giờ con gái Trung Hoa, quanh năm ở trong phòng khuê không bước ra khỏi cửa. Những kẻ con nhà phiệt duyệt danh gia đều bó chân lại từ lúc còn bé, nên khi lớn lên đôi chân nhỏ xíu đi đứng không vững mà bảo cải dạng nam trang ra tay giết loài cường bạo làm chủ một nhóm lâu la, thật là khó tin vậy.
- Hùng Hiệu cùng Thiếu Hoa đều là những tay võ dõng cao cường, nhưng nhận thấy rằng dù có luyện tập khổ nhọc đến đâu cũng không sao chống nổi tà thuật quân Phiên. Đã biết mình biết địch như vậy quả là một kẻ trí thức, nhưng dắt nhau đi tầm tiên học thuật quả là một việc làm táo bạo. Những kẻ có óc thực tiễn không bao giờ dám nghĩ đến việc ấy.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Tái Sanh Duyên.