Hồi 19: Ngũ Minh lầu, Lưu Khuê Bích bị hành thích; Côn Minh Trì, Tô Yến Tuyết chịu trầm châu
-
Tái Sanh Duyên
- Khuyết Danh
- 4935 chữ
- 2020-01-29 02:01:10
Dịch giả: Nguyễn Đỗ Mục
Nguồn: NXB Văn Hóa Thông Tin
Tô Yến Tuyết khóc lóc nức nở, chắp tay thưa trong tiếng uất nghẹn:
- Lưu Khuê Bích là kẻ đại gian đại ác đã nhẫn tâm âm mưu hãm hại cả nhà họ Hoàng Phủ, nay lại làm cho tiểu thơ phải bỏ nhà trốn đi, không biết rồi đây tiểu thơ phải sống chết như thế nào. Tôi là kẻ đã thọ ơn lão gia và phu nhơn rất nhiều, nhưng tiếc vì thân liễu yếu phận hèn, không thể trả thù cho tiểu thơ được, nay lại còn mặt mũi nào có thể kết duyên với quân thù nghịch. Vả chăng, Hoàng Phủ Thiếu Hoa là người trung hậu, thế nào cũng có Hoàng thiên phù hộ; rồi đây người sẽ xuất hiện giết giặc cứu phụ thân về triều. Đến lúc ấy bao nhiêu mưu gian của họ Lưu đểu bị bại lộ tất nhiên toàn gia bị trừ diệt, vậy bây giờ tôi dại gì chui vào cửa tử? Xin lão gia hãy dâng biểu về triều bảo rằng tiểu thơ đã thủ tiết trốn đi chớ việc này chắc tôi không thể nào vâng lời được.
Mạnh Sĩ Nguyên nghe nói toát mồ hôi, bảo:
- Ta đã lỡ nhận sính lễ của họ Lưu rồi, nếu nay có tâu lên vua, người cũng cho ta là dối trá đem con giấu đi và khép ta vào tội khi quân, nguy lắm! Xét ra tài mạo của ngươi cũng tương đương với Mạnh Lệ Quân, nếu ngươi vui lòng thay thế để cứu lấy tính mạng của nhà ta thì ơn ấy rất trọng. Vậy bây giờ vợ chồng ta sẽ nhận ngươi làm con gái, ngươi chớ nên chối từ.
Tô Đại nương nghe nói, nghĩ thầm:
Đây là một cơ hội tốt cho con ta mà trăm ngàn người khác cầu xin cũng không được, thế sao con ta lại dại dột chối từ là nghĩa lý gì?
.
Nghĩ rồi, bà lên tiếng nói:
- Mẹ con ta chịu ơn lão gia rất nặng, ngày nay lão gia rủi vướng lấy tai nạn như vầy, con chớ nên chối từ.
Rồi bà kề tai nói nhỏ với Yến Tuyết:
- Phận mình là hạng dân giã, nay gặp được cuộc lương duyên thế này là hạnh phúc lắm, sao con lại chối từ?
Bà giục Tô Yến Tuyết bảo phải lạy lão gia và phu nhơn để nhận làm cha mẹ.
Lúc ấy Tô Yến Tuyết bầm gan tím ruột, nàng nghĩ thầm:
Mẹ ta chỉ muốn làm sui nhà họ Lưu cho được vinh hiển với đời, song người có biết đâu, rồi đây người sẽ mất một đứa con gái! Nhất định phen này ta về nhà họ Lưu sẽ mang theo một con dao nhỏ đặng giết chết Lưu Khuê Bích báo thù cho Hoàng Phủ Thiếu Hoa và Mạnh Tiểu thơ, rồi sau đó ta sẽ tự sát cho toàn danh tiết
.
Nghĩ rồi, nàng tươi tỉnh nét mặt lại thưa:
- Thưa lão gia, tôi đâu dám chối từ, nhưng việc lương duyên này là của tiểu thơ, nay nhân lúc xảy ra tai biến tôi lại đi tranh cướp như vậy sao phải lẽ.
Vợ chồng Mạnh Sĩ Nguyên đồng thanh nói:
- Nay tiểu thơ đã bỏ nhà trốn đi, nếu giải quyết không xong tất nhiên chúng ta bị tội với triều đình. Ngươi chịu thay thế tức là cứu mạng chúng ta, cũng là người báo ơn cho ta, sao lại bảo là tranh cướp?
Tô Yến Tuyết cúi lạy và thưa:
- Nếu vậy, con xin lạy lão gia và phu nhơn để nhận làm cha mẹ.
Tô Yến Tuyết lạy xong, vừa đứng dậy, Mạnh Gia Linh vội bước đến làm lễ anh em, nàng Phương thị cũng làm lễ chị dâu. Mạnh Sĩ Nguyên cho gọi hết tôi trai tớ gái trong nhà đến, bắt phải gọi Tô Yến Tuyết bằng Mạnh Tiểu thơ và cấm không cho ai được tiết lộ ra ngoài.
Ai nấy đều vâng mạng và nghĩ thầm:
Tô Yến Tuyết mà gặp mối lương duyên này thật là đại phước cho nàng
.
Riêng phần Tô Đại nương thì mừng rỡ khôn cùng. Hàn Phu nhơn lại nói với Mạnh Sĩ Nguyên:
- Nay Tô Yến Tuyết đã chịu thay thế con Mạnh Lệ Quân rồi, việc này tất yên. Vậy ta hãy sai người đi tìm nó về để khỏi phải tha phương lưu lạc.
Mạnh Sĩ Nguyên cũng quá thương con nên đồng ý nói:
- Phu nhơn nói rất hợp ý tôi, chắc nó đi cũng chưa xa lắm đâu, để ta cho người theo kêu lại.
Mạnh Gia Linh liền cản lại, nói:
- Không được đâu! Cha mẹ há lại không biết tánh ý của em con sao? Nếu có gặp đi nữa, chắc chắn em con không về; vả lại em con ra đi đem theo rất nhiều tiền bạc, mà đời này là đời kim tiền, có việc chi mà ngại. Em con lại là người độ lượng, tánh tình lại sâu sắc, dè dặt, không thể nào bị thiệt hại đến thân đâu.
Vợ chồng Mạnh Sĩ Nguyên nghe nói hiểu ý, gật đầu đáp:
- Lời con nói phải đấy, vậy ta cũng không nên theo đuổi làm gì, rủi lậu sự có thể mang tai họa.
Câu chuyện vừa đến đây, xảy thấy bọn gia nhơn giữ ngửa chạy vào báo:
- Đem nay trong chuồng đột nhiên mất hết một con ngựa và một bộ yên, nhưng cửa chuồng vẫn đóng y nguyên, chúng tôi không hiểu sao cả.
Mạnh Sĩ Nguyên nghe báo biết ngay con ngựa ấy do Mạnh Lệ Quân bắt, nên thản nhiên nói:
- Thôi, việc đã lỡ rồi, ta tha cho chúng bây lần đầu tiên. Từ rày về sau phải coi sóc cho cẩn thận, đừng để sơ thất nữa, không được đấy.
Bọn gia nhơn thấy chủ khoan hồng, mừng rỡ lạy tạ lui ra. Hàn Phu nhơn lại nói nhỏ với Mạnh Sĩ Nguyên:
- Dù sao con Tô Yến Tuyết cũng không phải là con ruột của ta, vậy thì của hồi môn ấy ta chọn một vài thứ nào tốt để lại dùng, chớ nên để cho nó nhiều quá.
Mạnh Sĩ Nguyên gật đầu khen phải nên Hàn Phu nhơn vội đi chọn lựa ngay.
Bấy giờ bên Lưu phủ, cả nhà lo sắm sửa rộn ràng, Lưu Khuê Bích nghĩ thầm:
Mạnh Lệ Quân vốn người văn học cho nên cuộc động phòng hoa chúc ta cần phải lập tại chốn hoa viên gần bên Côn Minh trì, trước phong cảnh nên thơ, đặng nàng có điều kiện thưởng thức cảnh thanh nhàn, làm thơ ngâm vịnh cho thỏa tình
.
Nghĩ rồi, chàng sai gia nhơn sắm sửa chỗ động phòng tại đó. Sáng hôm sau là ngày mồng hai, tức ngày lễ cưới, các quan văn võ đến chúc mừng đông đảo, duy chỉ có quan Bố chánh Tần Thừa Ân không đến. Lưu Khuê Bích mặc đồ tam phẩm, vẻ mặt hớn hở bước ra chào mừng quan khách niềm nở.
Một lát sau, Kỳ Thạnh Đức đến, Lưu Khuê Bích cùng các quan bước xuống thềm nghinh tiếp. Kỳ Thạnh Đức đáp lễ cùng mọi người rồi bước vào nhà, trà nước xong xuôi, Kỳ Thạnh Đức hỏi Khuê Bích:
- Đã sửa soạn lễ vật xong xuôi chưa?
Khuê Bích đáp:
- Thưa xong cả rồi, chỉ còn đợi lịnh Thừa tướng nữa thôi.
Kỳ Thạnh Đức gật đầu ra vẻ hài lòng rồi đứng dậy tạ từ các quan, bước lên kiệu để sang Mạnh phủ làm lễ thân nghinh.
Đến nơi, cha con Mạnh Sĩ Nguyên ra nghinh tiếp vào nhà rồi hối gia nhơn bày tiệc rượu, nhưng Kỳ Thạnh Đức đã khoác tay cáo từ:
- Thôi, tiên sanh chớ bày biện yến tiệc làm gì, vì bây giờ đã đến giờ tốt, tiên sanh hãy đưa lịnh ái khởi hành gấp mới kịp.
Mạnh Sĩ Nguyên vâng lời lui vào hậu đường truyền bảo. Lúc ấy Tô Đại nương đã sửa soạn cho Tô Yến Tuyết xong rồi, nhưng vô tình không thấy nàng có giấu con dao nhỏ trong mình.
Tô Yến Tuyết đội mão mặc áo trông dung mạo đẹp như tiên nữ. Mạnh Sĩ Nguyên sai hai con tỳ nữ vào dắt nàng ra; nàng cúi lạy vợ chồng Mạnh Sĩ Nguyên. Mạnh Sĩ Nguyên cho mời Tô Đại nương vào ngồi chỉnh tể và nói:
- Mụ đã có công nuôi nấng tiểu thơ từ bé đến lớn, vậy hãy ngồi lại đây cho nó lạy để trả ơn.
Tô Đại nương giả cácg từ chối nói:
- Thưa, tôi đây phận hèn, không xứng đáng nhận cái lạy của tiểu thơ.
Vợ chồng Mạnh Sĩ Nguyên nói:
- Không thể như thể được, hãy nhận cho tiểu thơ lạy mới phải lẽ.
Hàn Phu nhơn bước lại kéo Tô Đại nương đến ngồi tại ghế giữa và bảo Tô Yến Tuyết lạy. Tô Đại nương nói:
- Tôi nhận như thế này thật là vô lễ quá!
Nói rồi bước xuống đỡ Tô Yến Tuyết dậy, khiến Tô Yến Tuyết cảm thấy xốn xang vô cùng, nàng nghĩ thầm:
Phen này ta từ biệt mẹ ta, chẳng biết bao giờ mới được gặp người và không biết ta có còn ở dương trần để gặp người không? Ôi! Thảm thiết biết dường nào!
Lúc ấy kiệu hoa đã đem đến chờ sẵn ngoài cửa. Cực chẳng đã, Tô Yến Tuyết phải vịn hai con tỳ nữ bước đi từng bước nặng nề, Hàn Phu nhơn cũng theo đỡ nàang lên kiệu rồi mới trở vào.
Người ta thấy trước kiệu hoa có treo một tấm biển vàng đề bốn chữ
ngự tứ hoàn hôn
còn các của hồi môn thì đem theo bày la liệt. Hôm ấy dân chúng đi xem như hội, ai nấy đều trầm trồ khen ngợi.
Kiệu hoa vừa đến Lưu phủ, đã nghe bên trong tuyên bố đúng giờ hoàng đạo, nên người ta vội rước Yến Tuyết vào cùng tân lang làm lễ hoa chúc ngay tại nhà trong.
Bên ngoài, các quan viên điều nói với Kỳ Thạnh Đức:
- Xin mời ngài hãy vào xem lễ hoa chúc!
Kỳ Thạnh Đức làm bộ dụ dự, nhưng kỳ thật trong lòng cũng muốn xem, vì trước kia ông đã nghe quan Bố chánh Tần Thừa Ân thuật chuyện lại nào là việc thi tiễn, phóng hỏa, cùng việc tiến cử Hoàng Phủ Kính đi đánh Phiên tặc nên lão ta không hiểu nhan sắc của Mạnh Lệ Quân như thế nào mà Lưu Khuê Bích lại phải đắm say đến thế? Vì vậy, khi nghe các quan mời vào, Kỳ Thạnh Đức cười nói:
- Không biết lão phu vào xem mặt tân nhơn có nên không?
Các quan đều nói:
- Có việc chi mà không nên.
Kỳ Thạnh Đức đứng phắt dậy ung dung bước vào; lúc ấy tân nhơn trên đầu có phủ một chiếc khăn lụa mỏng nên không nhìn rõ được, nhưng xem qua cốt cách yểu điệu dịu dàng, mình hạc sương mai, cũng có thể biết được tân nhơn đẹp đến mức nào rồi.
Các quan xầm xì khen ngợi chẳng cùng. Kế đó tân lang và tân nhơn làm lễ thiên địa rồi cùng quay về hướng Bắc tạ ơn triều đình, đoạn vào lạy Cố Phu nhơn rồi mới dắt nhau ra Ngũ Minh lầu làm lễ hiệp cẩn. Đến đây, hai con nữ tỳ lấy cái khăn phủ trên mặt nàng xuống.
Lưu Khuê Bích nhìn rõ, quả nhiên là mỹ nhơn mình đã trông thấy trên Xuân Minh lầu lúc mình thi tiễn trước kia, lòng mừng khấp khởi, chàng cố nắn nụ cười hữu duyên nới với Tô Yến Tuyết:
- Lúc trước tôi đến thi tiễn, không phải là nghề bắn của tôi dở đâu, chỉ tại tôi trông thấy phu nhơn ở trên lầu mà mê mẩn cả tâm thần, vì vậy mà run tay bắn trật phát thứ ba, chắc khi ấy phu nhơn cũng lo cho tôi lắm phải không?
Tô Yến Tuyết ghét cay đắng cái giọng si tình ấy, nàng nói thầm:
Thằng thất phu, mi tưởng được như vầy là đắc chí lắm sao? Đừng lầm! Nội trong đêm nay mi sẽ biết tay ta
.
Lưu Khuê Bích thấy nàng không đáp, tưởng nàng hổ thẹn nên ngồi xuống mời uống rượu, nhưng Tô Yến Tuyết vẫn làm lơ. Lưu Khuê Bích không biết sao đành ngồi rót rượu uống một mình.
Khi rượu được vài tuần, xảy nghe ở dưới lầu có tiếng bẩm lớn:
- Nhà ngoài đã bày yến tiệc xong, xin mời Quốc cựu hãy ra tiếp khác.
Cực chẳng đã Lưu Khuê Bích phải xuống lầu ra đi, chớ trong lòng lưu luyến tân nhơn không muốn rời nàng một bước.
Nhắc qua Lưu Yến Ngọc, từ khi nàng nghe Mạnh Lệ Quân bằng lòng kết duyên cùng Lưu Khuê Bích, thường nghĩ thầm:
Nếu Mạnh Lệ Quân mà thất tiết như vậy thì sau này may ra Hoàng Phủ Thiếu Hoa có cứu đặng phụ thân về triều rồi, chắc ta sẽ được làm chánh thất
.
Nhưng rồi nàng lại thầm tiếc cho Mạnh Lệ Quân nên thở dài:
Tiếc thay một người hữu tài hữu học như vậy mà không biết thủ tiết thờ chồng. Nay nàng đã đến đây, để ta vào xem mặt nàng thử ra thế nào mà lại khiến cho cả nhà Hoàng Phủ Kính phải tiêu tan tận mạt
.
Nghĩ rồi, nàng rời khỏi phòng mình rón rén bước sang, nhưng khi đến nơi trông thấy Lưu Khuê Bích còn ở đó nên nàng phải trở lại. Đợi một lát sau Lưu Khuê Bích đi rồi, nàng mới sang chào Tô Yến Tuyết.
- Em xin chào chị.
Tô Yến Tuyết thấy Lưu Yến Ngọc hình dung xinh đẹp, lại lễ phép nết na nên vội đứng dậy mời ngồi. Hai người cùng nhau uống trà trò chuyện.
Lưu Yến Ngọc nói thầm trong lòng:
Ta tưởng đâu nhan sắc Mạnh Lệ Quân xinh đẹp đến nỗi chim sa cá đắm, song cũng chẳng hơn gì ta
.
Lưu Yến Ngọc nói:
- Em cũng có theo đòi nghiên bút đôi chút, song nghề văn thơ không được thạo mấy, bấy lâu nay em trộm nghe tiếng chị lẫy lừng, nay may có chị về đây, xin chị vui lòng chỉ giáo cho em.
Tô Yến Tuyết khiêm nhường:
- Tuy tôi cũng biết chút ít về văn thơ, song cũng chỉ học hỏi của người xưa mà thôi. Tiểu thơ tôn quá lời, thật tôi lấy làm hổ thẹn.
Lưu Yến Ngọc nói:
- Chị là người khuê các giai nhơn, hà tất phải khiêm nhường làm gì?
Tô Yến Tuyết nghĩ thầm:
Chẳng bao lâu đây ta sẽ đâm chết Lưu tặc, tất nhiên ta cũng phải tự vận, nhưng ta cầm dao tự đâm mình thì đau đớn lắm, vậy ta nhơn lúc này tìm cách chuẩn bị cái chết thế nào cho khỏi đau đớn thì hay hơn
.
Nghĩ rồi, Tô Yến Tuyết hỏi Lưu Yến Ngọc:
- Chẳng biết ở đây có phong cảnh chi đẹp không?
Lưu Yến Ngọc đáp:
- Phía trước Ngũ Minh lầu này là đường cái, phía sau là vườn hoa, kế đâ là hồ Côn Minh, một cái hồ rộng lớn, ghe thuyền qua lại dập dìu, vì vậy phong cảnh vô cùng thơ mộng tưởng ít nơi đẹp bằng. Nếu chị thích, em sẽ dẫn chị đến đó xem chơi.
Tô Yến Tuyết nghe nói liền nghĩ ngay một kế:
Thế thì hay lắm, sau khi hạ sát rồi, ta sẽ trầm mình xuống hồ ấy là tiện hơn cả, làm như vậy thân thể ta mới khỏi đổ máu
.
Nghĩ rồi Tô Yến Tuyết đáp:
- Thế thì tiểu thơ hãy vui lòng dẫn tôi ra đó xem qua một tý nào.
Lưu Yến Ngọc vâng lời, đứng dẫh dẫn Tô Yến Tuyết đi ra bờ hồ, hai người cùng leo lên lầu ngồi phía trong bao lơn để xem phong cảnh. Tô Yến Tuyết ngồi suy nghĩ hồi lâu rồi gọi con nữ tỳ bảo:
- Cái bao lơn che khuất bất tiện quá, chi bằng gỡ nó đi thì hay hơn.
Con tỳ nữ vội vàng mở cái bao lơn dẹp đi. Tô Yến Tuyết thấy trống trải có ý mừng thầm nên giả ý ngồi nán lại chuyện trò, nhưng trong thâm tâm nàng chờ cho Lưu Khuê Bích đến để nàng ra tay hạ sát, còn Lưu Yến Ngọc vô tình tưởng nàng vẫn là chị em ý hiệp tâm đầu nên nói nói cười cười vui vẻ.
Hôm ấy ngoài nhà, quan khách rộn ràng. Đến xế chiều, Kỳ Thạnh Đức cảm thấy mình già cả không thể ở lâu được nên đứng dậy cáo từ, Lưu Khuê Bích theo cầm lại, nhưng Kỳ Thạnh Đức quyết cáo lỗi ra về, rồi sau đó các quan cũng lần lượt về hết.
Bấy giờ, Khuê Bích mới thấm rượu say xình xoàng, chàng trở vào Ngũ Minh lầu, nhưng vào đến nơi không thấy nàng Mạnh Lệ Quân đâu cả, chỉ thấy hai con nữ tỳ. Khuê Bích ngạc nhiên hỏi:
- Tân phu nhơn ta đâu rồi?
Hai con nữ tỳ thưa:
- Tân phu nhơn cùng với Lưu Tiểu thơ đi ra phía hậu lầu để ngắm xem phong cảnh.
Nghe nói, Lưu Khuê Bích lật đật chạy thẳng ra hậu lầu, lúc ấy Tô Yến Tuyết đang ngồi trầm tư nghĩ ngợi:
Rồi đây ta sẽ trầm thân dưới hồ này, tất nhiên được trong sạch. Linh hồn ta sẽ theo phò hộ Hoàng Phủ Thiếu Hoa cùng Mạnh Lệ Quân được gặp gỡ nhau. Ôi! Nào ai có biết chốn này là nơi an giấc ngàn thu của ta
.
Vừa nghĩ đến đây, xảy thấy Lưu Khuê Bích hăm hở chạy đến, Lưu Yến Ngọc vội vã đứng dậy chào anh, Khuê Bích gằn giọng khiển trách Lưu Yến Ngọc:
- Chiều tối ở đây hơi nước lạnh lùng, mà chị em trông người yếu đuối, sao lại dẫn ra chỗ gió máy mày?
Lưu Yến Ngọc nghe nói lấy làm khó chịu, nàng nghĩ:
Chị ta cũng đồng một tuổi với ta, thế mà anh ta lại lo cho chị bị lạnh, rầy la ta như vậy thật không biết nghĩ suy tí nào cả. Thế mới biết ta đây là kẻ bị bạc đãi nhất, nào ai đoái thương đến đâu
.
Rồi Lưu Khuê Bích quay qua nói với Tô Yến Tuyết:
- Em nó khờ dại nên khiến cho phu nhơn bị lạnh, vậy phu nhơn hãy cùng ta đi về phòng dùng rượu cho ấm.
Nói rồi trỗi lên một giọng cười mơn trớn, vói nắm tay Tô Yến Tuyết dắt đi.
Lưu Yến Ngọc thấy vậy cười gằn, nghĩ thầm:
Anh ta thật không biết hổ thẹn tí nào, còn ta ở đây mà hành động quá sỗ sàng!
.
Nghĩ rồi Yến Ngọc liền bỏ đi chỗ khác, còn Tô Yến Tuyết thì lửa giận phừng gan, nàng nghiêm giọng mắng:
- Lưu Khuê Bích. Mi quả là con người vô liêm sỉ. Khi đến thi bắn thua người ta đã không biết thẹn, còn đem lòng tàn ác đốt Tiểu Xuân đình ám hải bạn thân, may ra người ngay có trời phò hộ nên mới thoát khỏi tai họa. Sau đó mi vẫn chưa vừa lòng, còn thông mưu với cha mi lập kế tiến cử Hoàng Phủ Nguyên soái đi đánh giặc, để rồi tàn hại cả nhà họ Hoàng Phủ. Bây giờ mi còn thông mưu với chị, tâu cùng Thánh thượng giáng chỉ tứ hôn. Tội ác mi kể sao cho xiết! Chỉ có cái chết của mi mới có thể đền tội được thôi. Mi đừng tưởng lầm rằng đã cưới ta được về đây là đắc chí vênh mày vác mặt, không đời nào ta chịu thất thân với mi đâu.
Bị nàng mắng xối xả, Khuê Bích cảm thấy nóng ran cả mặt mày, nhưng bởi chàng quá say mê sắc đẹp trước mặt, nên chàng đứng trân ra nghĩ thầm:
Ta đã gầm chiếm được thể xác của nàng, nếu ta nóng giận thì hỏng cả, chi bằng nhẫn nhục đi là hơn
.
Vì nghĩ vậy nên Khuê Bích cố gượng cười nói:
- Nay Thánh thượng đã giáng chỉ tứ hôn là vinh hạnh lắm, sao phu nhơn lại nói thế? Hay phu nhơn chưa có phước được làm một bà mạng phụ của triều đình? Dầu sao phu nhơn cũng còn son trẻ, ta không chấp nhứt đâu, thôi hãy cùng ta về loan phòng đi.
Dứt lời, Khuê Bích xáp tới toan nắm tay Tô Yến Tuyết lần nữa. Tô Yến Tuyết nhìn ánh mắt dâm đãng của anh chàng họ Lưu, nàng cảm thấy rùng mình nghĩ thầm:
Ta định phục rượu cho hắn thật say rồi hạ thủ cho chắc chắn, nhưng hắn hành động theo cái lối này ta e không thể thi hành được, chi bằng ta đâm phứt tại đây rồi luôn tiện nhảy xuống Côn Minh trì cho rồi
.
Nghĩ đoạn, nàng giơ tay chỉ thẳng vào mặt Khuê Bích lớn tiếng mắng:
- Kìa Lưu tặc! Mi chính là kẻ thù không đội trời chung của ta, nay ta quyết vì phu quân của ta mà liều sống thác với mi một phen.
Vừa dứt lời, Tô Yến Tuyết nhanh như chớp rút con dao ra nhằm ngay yến hầu Lưu Khuê Bích đâm tới. Khuê Bích hoảng kinh, nhưng chàng ta cũng không kém phần lanh lẹn, vội gục đầu xuống tránh né, nhưng lưỡi dao phóng tới quá nhanh, đâm phập vào trán mé bên tả bóc ra một miếng thịt, mũi dao ghim vào tận xương.
Khuê Bích rú lên một tiếng, đưa tay vuốt trán thấy máu tuôn lai láng, chàng nổi giận hét lớn:
- Con tiện tỳ kia, sao mi dám cả gan giấu dao trong mình hành thích ta? Ta đố mi chạy đường nào thoát khỏi tay ta!
Vừa hét, Khuê Bích vừa nhảy tới chộp bắt Tô Yến Tuyết, nhưng Tô Yến Tuyết đã chạy vụt lại phía lầu tung mình nhảy ùm xuống hồ Côn Minh.
Khuê Bích kinh hãi lật đật chạy xuống mé hồ toan nhảy theo vớt lên nhưng bỗng dưng một ngọn cuồng phong ầm ầm thổi đến làm mặt hồ nổi sóng đập vào bờ ầm ầm cuốn nước dâng lên đến trên lầu khiến Khuê Bích ướt cả áo quần, tối tăm mặt mày không thấy đường nào nữa cả.
Hồi lâu Khuê Bích trấn tĩnh tinh thần, nghĩ thầm:
Nguy thay! Nàng nhảy xuống hồ, nếu ta không vớt lên được, thế nào Mạnh Sĩ Nguyên cũng buộc tội ta đã giết chết con gái của y rồi giấu biệt thi thể, ta biết lấy lý lẽ gì để gỡ tội?
.
Nghĩ đến đây Khuê Bích biến sắc mặt không còn để ý đến thương tích của mình nữa, vội chạy thẳng xuống lầu kêu gia tướng bảo:
- Tân nhơn đã nhảy xuống hồ rồi, các ngươi hãy mau mau đem thuyền đi vớt, kẻ nào vớt được ta thưởng trăm lượng bạc, bằng không vớt được ta cũng thưởng công.
Bọn gia tướng nghe Quốc cựu tuyên bố phần thưởng quá lớn lao nên chúng đổ xô chèo thuyền đi kiếm tưng bừng.
Khi Tô Yến Tuyết nhảy xuống hồ, Lưu Yến Ngọc vẫn còn ờ trên lầu nên câu chuyện giữa Yến Tuyết cùng Khuê Bích nàng được mục kích từ đầu đến cuối. Nàng thầm ngợi khen cho Mạnh Lệ Quân rồi vội vã chạy ra đứng trên lầu nhìn xuống mặt hồ, nàng chỉ thấy làn sóng bạc mênh mông còn thi thể Mạnh Lệ Quân biến đâu mất dạng.
Lưu Yến Ngọc thở dài than thầm:
Tiếc thay cho một liệt nữ, chỉ vì cuộc tình duyên quá éo le mà phải gieo ngọc trầm châu
.
Rồi nàng tử nhủ lấy mình:
Ta đây cũng quyết không bao giờ phụ lời thề, nếu sau này song thânta có ép gả cho ai, nhất định ta cũng liều mình như vậy thôi
.
Lúc ấy bọn gia nhơn lập tức chạy đi phi báo với Cố Phu nhơn. Cố Phu nhơn nghe nói Khuê Bích bị hành thích trọng thương thì hoảng kinh, bươn bả chạy lên lầu, vừa trông thấy quần áo Khuê Bích vấy đầy những máu, bà tái mặt la lên:
- Con ôi! Con bị thương tích nặng quá sao không đi lấy thuốc băng bó, lại cứ lo cứu vớt hắn làm gì mà ráng chịu đau đớn như vậy.
Rồi Cố Phu nhơn hối bọn nữ tỳ chạy đi lấy thuốc đem đến bó rịt vào vết thương cho Lưu Khuê Bích.
Khuê Bích thở dài nói:
- Thân mẫu nên biết rằng Mạnh Sĩ Nguyên chỉ có một người con là Mạnh Lệ Quân thôi, nay lão ta chỉ sợ thánh chỉ mà gả cho con chớ thật ra trong lòng không thích, nếu nay con không tìm ra thi thể nàng thì chắc lão họ Mạnh kia thế nào cũng vu họa cho nhà ta chớ chẳng không.
Cố Phu nhơn nghe nói nổi giận quát:
- Sao con lại nhát gan đến thế? Nó đã xúi con đến đây hành thích, tội ấy tày trời còn ai dám sanh sự nữa? Nếu sau này Mạnh Sĩ Nguyên có đến đây làm khó dễ, để mẹ cãi lý cho con chớ lo.
Rồi Cố Phu nhơn dịu giọng khiển trách:
- Con thật khéo nhiều chuyện! Việc gì vợ mới cưới mà đem nó ra đây làm chi, lại gỡ hàng bao lơn đi để cho nó nhảy xuống hồ một cách dễ dàng. Cái tai họa này quả do con gây ra đó.
Lưu Khuê Bích cũng nghe mẹ rầy, nổi giận chỉ Lưu Yến Ngọc nói:
- Cũng tai cái con nhỏ này đây, lúc tôi đang tiếp khách ở nhà ngoài, nó ở trong này bày đặt dắt dẫn ra đây nên mới có chuyện.
Cố Phu nhơn vốn ghét Lưu Yến Ngọc nên khi nghe Lưu Khuê Bích nói vậy, nổi giận lôi đình chỉ vào mặt Yến Ngọc, nghiến răng mắng:
- Thì ra mi đã bày đặt đem Mạnh Lệ Quân đến đây để hắn nhảy xuống hồ. Nếu mai đây Mạnh Sĩ Nguyên có đến, ta sẽ bắt mi đem thường nhơn mạng đó.
Lưu Yến Ngọc còn trẻ tuổi, có biết pháp lý như thế nào, nên nàng vừa nghe hai tiếng
thường mạng
thì hoảng hốt run rẩy, lạy lục thưa:
- Chỉ vì anh con bảo phải đến tiếp chị dâu nên con mới dám đến, khi anh con đi tiếp khách, chị ấy lại đòi đi xem phong cảnh, con thật có lòng kính trọng nên mới dẫn đến đây, chớ có ngờ đâu lại có việc này, mong thân mẫu nghĩ tình cốt nhục tha thứ cho con một phen.
Cố Phu nhơn nghe nói được thể lại càng tỏ thái độ giận dữ hơn nữa, bà ta gằn từng tiếng:
- Hừ! Nhơn mạng sát nhơn không phải là chuyện chơi đâu. Đi đến nước này thì mi phải đền nhơn mạng cho người ta chứ còn nói lôi thôi gì nữa?
Nói rồi bà hầm hầm sắc mặt bỏ đi xuống lầu. Lưu Yến Ngọc lo sợ quá năn nỉ Lưu Khuê Bích:
- Em dắt chị ấy ra đây chỉ vì vâng lời anh dạy đó thôi, mong anh nghĩ tình huynh đệ cứu em với.
Lưu Khuê Bích đã không xót thương còn nổi giận, chàng xoe tròn đôi mắt nhìn thẳng vô mặt Yến Ngọc, hét to:
- Mày đã làm hại ta chút nữa vong mạng, may nhờ ta lanh lẹ tránh né nên chỉ bị thương như thế này thôi. Nay ta chưa đủ sức lo cho cái thân ta, có đâu lại lo cho mày được.
Dứt lời, Lưu Khuê Bích cũng bỏ xuống lầu, một mình Lưu Yến Ngọc đứng lững thững, hai hàng nước mắt tuôn rơi, nàng sợ hãi lủi thủi đi về Hiển Vân các.
Lời Bình:
- Tô Yến Tuyết nghèo thật, song tài sắc không kém Mạnh Lệ Quân, tấm lòng khí phách của nàng lại có phần trội hơn Mạnh Lệ Quân nữa là khác.
Nàng đã vì đền ơn trả thảo mà vui lòng bước lên xe hoa để rồi lập tâm giết Lưu Khuê Bích trả thù cho họ Hoàng Phủ, quả là một hành động phi thường hiếm có ở thời bấy giờ. Thế mà Hàn Phu nhơn tưởng lầm rằng nàng được ưng Lưu Khuê Bích là hạnh phúc lắm nên lấy bớt của hồi môn. Đọc đến đây nghĩ mà nực cười cho cái tư tưởng phong kiến, họ chuyên đánh giá con người trên tiền tài và địa vị thôi, chứ thật ra mối tình thiêng liêng trên trần thế này không thể dùng tiền tài hay địa vị chinh phục được.
Tô Yến Tuyết đã liều mình chết không kể tấm thân thì còn thiết gì đến của cải nữa mà lấy thêm lấy bớt? Sở dĩ Tô Yến Tuyết không giết chết được Lưu Khuê Bích là vì nàng quá ghê tởm con người của Khuê Bích, nàng không còn đủ nghị lực để nhẫn nhục gần gũi con người ấy một giây phút nào nữa cả. Có người bảo Tô Yến Tuyết vì không sâu sắc nên việc làm bị thất bại. Nếu ta nhận xét như vậy thì thật là phiến diện.
Ta nên biết rằng: Lễ giáo trong thời ấy là nam nữ thọ thọ bất thân. Làm thân con gái muốn giữ tròn trinh tiết mà để cho người ta nắm lấy tay mình, coi như bị mất trinh rồi. Vì Tô Yến Tuyết muốn bảo vệ tiết danh, nàng đành phải ra tay ngay, tuy vẫn biết với võ lực của Khuê Bích, nàng không đủ sức hạ thủ trong lúc ấy.