• 1,117

Hồi 24: Ngô Đạo Am tinh mắt biết người tài; Lệ Minh Đường văn hay được trúng tuyển


Dịch giả: Nguyễn Đỗ Mục
Nguồn: NXB Văn Hóa Thông Tin
Ngô Đạo Am hỏi Khương Nhược Sơn:
- Chẳng hay lão huynh đi buôn chuyến này có phát tài không?
Khương Nhược Sơn đáp:
- Buôn bán là nghề chuyên môn của tôi mà! Vì vậy đã đi buôn tất nhiên phải phát tài.
Ngô Đạo Am hỏi:
- Nghe nói lão huynh vừa mới nhận một nghĩa tử mà người ấy là một danh sĩ, chẳng hay tài học của người ấy thế nào?
Khương Nhược Sơn đáp:
- Cứ theo con mắt tinh đời của tôi, tôi đoán chắc nghĩa tử tôi là hạng thông minh xuất chúng, nhưng còn tài học thì thật ra tôi không biết nổi, mong tiên sinh hãy thử xem mới rõ được.
Ngô Đạo Am nói:
- Con mắt của lão huynh châu báu xem không lầm thì đời nào lại không thấy rõ kẻ chân tài?
Khương Nhược Sơn nói:
- Chỉ vì chữ nghĩa tôi quá kém cỏi nên phải cậy tiên sinh thử sức hắn.
Ngô Đạo Am nói:
- Đã là nghĩa tử của lão huynh tức là nghĩa điệt của tôi rồi, để tôi ra đó thăm người một chút mới được.
Nói xong cả hai đều dắt nhau ra huê viên. Lệ Minh Đường vừa thoáng thấy vội chạy ra nghinh tiếp.
Khương Nhược Sơn đưa tay chỉ Lệ Minh Đường giới thiệu cùng Ngô Đạo Am:
- Đây là nghĩa tử của tôi đó.
Nói xong truyền gia nhơn dọn tiệc lên, ba người cùng nhau ngồi uống rượu. Rượu được vài tuần, Ngô Đạo Am hỏi đến việc văn chương sử sách Lệ Minh Đường ứng đáp xuôi như nước chảy, có khi Ngô Đạo Am hỏi chỉ một câu mà Lệ Minh Đường đáp đến mười câu, từ lý sâu sắc, tỏ ra là một bậc kỳ tài, khiến Ngô Đạo Am khủng khiếp không dám hỏi nữa.
Ngô Đạo Am nghĩ thầm:

Ngày nay mới biết tài học của ta chưa thấm vào đâu, chẳng khác nào cầm sào dò biển, khó mà dò đặng chỗ sâu, chỗ cạn
.
Lệ Minh Đường thấy Ngô Đạo Am tuy ít học nhưng ông ta giỏi về thuốc, nên hỏi qua mạch lý thì ông ta giảng giải rất thông suốt.
Sau đó, ba người uống rượu trò chuyện mãi đến chiều mới ta cuộc. Khi Ngô Đạo Am đi khỏi rồi, Khương Nhược Sơn nói với Lệ Minh Đường:
- Ngô Tiên sanh chính là bậc lão thành có tiếng là một nhà học rộng, nếu trên vấn đề văn chương có chỗ nào con chưa thông suốt hãy hỏi người, người sẽ chỉ cho.
Lệ Minh Đường đáp:
- Về văn chương thì con chẳng dám phiền hỏi người, chỉ xin nghĩa phụ nói với người, nhờ người truyền dạy mạch lý cho thì ân ấy rất sâu.
Khương Nhược Sơn nghe nói cười hỏi:
- Không làm thuốc mà tìm học mạch lý làm gì?
Lệ Minh Đường đáp:
- Nghề làm thuốc có thể cứu được tánh mạng con người, một việc vô cùng quan trọng, nếu cần phải học hỏi, dầu không làm thuốc cũng có thể cần dùng khi nguy biến, hay lắm chớ!
Khương Nhược Sơn nói:
- Tưởng con muốn điều chi, chứ điều ấy rất dễ.
Nói rồi vào nhà để thương nghị với Ngô Đạo Am. Ngô Đạo Am vừa trông thấy Khương Nhược Sơn liền bái và nói:
- Tôi rất khâm phục lão huynh có con mắt tinh đời chọn người nghĩa tử ấy.
Khương Nhược Sơn nghe nói mừng rỡ, hỏi:
- Tiên sanh nói như vậy thì chắc Lệ Minh Đường là một bậc kỳ tài nhưng tiên sanh đoán thử sau này có thể thành danh không?
Ngô Đạo Am nói:
- Căn cứ trên kiến thức về văn chương thì Lệ Minh Đường rất có tài khoa bảng, hơn nữa diện mạo của chàng khôi ngô, đoan chánh quá, thế nào chàng cũng là dòng dõi công hầu chẳng sai, nhưng chẳng biết vì cớ gì chàng lại chịu cùng lão huynh kết làm phụ tử?
Khương Nhược Sơn nghe hỏi liền thuật rõ lại mọi việc từ đầu đến cuối cho Ngô Đạo Am nghe.
Ngô Đạo Am lắc đầu tỏ vẻ không tin, nói:
- Tôi chắc Lệ Minh Đường là quan gia tử đệ chi đây mới có tài mạo như thế, chứ bảo rằng nông gia xuất thân thì thật là khó tin quá.
Khương Nhược Sơn lại nói:
- Tuy Lệ Minh Đường có tài cao học rộng như vậy mà còn muốn yêu cầu tiên sanh dạy cho hắn một chuyện.
Ngô Đạo Am nói:
- Tài học của Lệ Minh Đường chẳng những một mình tôi bái phục mà thôi, có thể thân sĩ khắp tỉnh Hồ Quảng này không ai bì kịp, mà bây giờ còn cần đến tôi dạy là dạy điều chi?
Khương Nhược Sơn nói:
- Tiên sanh chớ nên khen quá lời, vừa rồi hắn cậy tôi nói giùm tiên sanh làm ơn truyền dạy mạch lý cho hắn, chẳng hay tiên sanh nghĩ sao?
Ngô Đạo Am nói:
- Điều ấy không khó chi, phàm những người tinh thông văn tự rồi thì chỉ nói sơ qua là hiểu hết.
Bây giờ nhắc lại việc Nhu Nương và Đức Thơ từ khi trông thấy nhan sắc Lệ Minh Đường, đem lòng luyến ái, thường hay nhìn trộm Lệ Minh Đường, hoặc nhân khi đi ra và cố ý tạo những cuộc gặp gỡ để trò chuyện một đôi câu. Lệ Minh Đường thấy vậy đoán biết hai người đã say đắm cái dung nhan của mình nên mỗi lần gặp gỡ tươi cười vui vẻ làm cho hai nàng càng tương tư hơn nữa.
Bữa nọ Khương Nhược Sơn đi vắng, Vinh Phát cũng ra ngoài phố dạo chơi, hai nàng bồng Nguyên Lãng vào huê viên chơi, trông thấy Lệ Minh Đường đang ngồi đọc sách trong thư phòng. Nhu Nương bèn giả cách đi tránh nơi khác để cho Đức Thơ vào trước rồi mình sẽ vào sau.
Nhu Nương nói:
- Em làm ơn bồng giùm Nguyên Lãng cho chị đi có chút việc cần.
Đức Thơ mừng rỡ vội bồng Nguyên Lãng và nói:
- Thôi, chị hãy đi đi.
Nhu Nương quày quả đi liền. Đức Thơ đứng một mình liếc nhìn vào cửa sổ trông thấy diện mạo Lệ Minh Đường xinh đẹp chẳng khác Phan An tái thế, lửa tình bỗng bốc cháy trong lòng không thể nào dằn được. Đức Thơ đánh bạo bước vào đứng trước mặt Lệ Minh Đường, chúm chím cười và nói:
- Tiết trời oi bức như vầy, sao chàng không nghỉ ngơi đôi chút lại miệt mài vào sách vở mãi như vậy, tôi e hao tổn tinh thần.
Lệ Minh Đường biết ngay nàng có ý trêu ghẹo mình nên cố để thử tình xem nàng hành động gì cho biết, nên vội đứng dậy cười đáp:
- Bước công danh vô cùng quan trọng, nếu không chịu khổ như thế, làm sao có thể báo đáp được ơn sâu của nghĩa phụ? Chỗ này trông vắng vẻ chắc không can gì đâu, vậy xin mời nàng ngồi đây chơi với tôi giây lát.
Đức Thơ nghe nói trong lòng như nở hoa, chẳng khác nắng hạn gặp mưa rào, bèn giả bộ nói với Nguyên Lãng:
- Hãy ngồi đây chơi với anh nhé, ngoan lên cưng.
Nói rồi vén màn bước vào để Nguyên Lãng xuống đất. Nguyên Lãng tánh con trẻ ham chơi nên vừa để xuống, nó liền chạy tung tăng chơi khắp phòng.
Lệ Minh Đường kéo ghế mời Đức Thơ ngồi, Đức Thơ cũng làm ra vẻ hổ thẹn rồi mới ngồi xuống vịn tay lên bàn, mắt liếc đưa tình, miệng cười chúm chím.
Cử chỉ ấy kéo dài một hồi, Đức Thơ mới trỗi giọng oanh vàng, nói:
- Tôi cùng chị Nhu Nương thường trộm khen cái dung nhan mỹ lệ của chàng, chắc chàng đang độ xuân xanh chưa có vợ con gì, lắm lúc cũng cảm thấy buồn chớ? Tôi không hiểu tại sao chủ nhân đây lại không nghĩ đến việc ấy, để cho chàng ngày đêm hiu quạnh thật là tội nghiệp.
Lệ Minh Đường nói:
- Tôi đã quyết chí, chừng nào lập được công danh mới bàn đến việc hôn nhân.
Đức Thơ lắc đầu nói:
- Nói vậy sao được. Tuy công danh là việc quan trọng nhưng khách phong lưu bao giờ cũng là kẻ đa tình, há chàng lại không nhớ chuyện ông lý Tịnh đời Đường cùng Hồng Phất Nữ, đôi bên chỉ dan díu với nhau vì một chữ tình mà sau cả hai đều được thành tiên cả sao? Theo tôi, nếu suy nghĩ cho cùng, không phải là một điều phạm đến phong hóa.
Lệ Minh Đường nghe nói, biết nàng cũng thuộc nhiều tích xưa nên đáp:
- Tư mã Tương Như gặp gỡ Trác Văn Quân cũng như Đường Bá Hổ luyến ái Thu Hương đều là một việc hay, nhưng hổ vì tôi đây phước bạc, làm gì được hưởng những sự kỳ ngộ như thế!
Đức Thơ thấy chàng có hảo ý nên vào đề ngay:
- Thật tình tôi không dám ép uổng chàng, nhưng chỉ xin tự tình đôi chút nghĩ cũng không sao. Thiết tưởng chàng là người thông minh nhất đời, hà tất phải nói chi cho nhiều. Chàng ơi! Từ khi tôi gặp mặt chàng, ngày đêm trộm dấu thầm yêu, ăn không ngon, nằm không ngủ. Nếu chàng chẳng phụ cái thân xấu hèn này thì quyết cùng chàng xin chút ái ân để thỏa tình yêu dấu.
Lệ Minh Đường nghe nói, ngẫm nghĩ cười thầm:

Cũng là bạn má hồng với nhau, sao lại say mê đến thế!
.
Lúc ấy Nhu Nương đứng rình ở ngoài thấy vậy chạy vào, vừa cười vừa nói:
- Thế nào? Đã thố lộ hết tâm tình chưa?
Đức Thơ biết không thể nào giấu giếm được, liền nắm tay Nhu Nương nói:
- Chị em mình vốn cùng chung một căn bịnh, chắc chị cũng thừa hiểu, sao chị còn hỏi làm gì?
Nhu Nương liếc nhìn Lệ Minh Đường, mỉm cười, nói:
- Chị em tôi đến với chàng như thế này ngẫm thật hổ thẹn! Song chỉ vì quá yêu cái tài mạo của chàng nên mới dám mặt dày mày dạn, tin chắc rằng chủ nhơn nhà này không nghi ngờ chi đâu, xin chàng chớ ngại.
Nói rồi hai hàng nước mắt chảy xuống ròng ròng. Lệ Minh Đường thấy vậy nghĩ thầm:

Tiếc thay, hai nàng không biết đem cái nhiệt tình ấy mà đối đãi với nghĩa phụ ta, nếu nay ta không cự tuyệt hai nàng thì làm sao cho phải đạo
.
Nghĩ rồi, Lệ Minh Đường nghiêm giọng đáp:
- Tôi rất thông cảm tấm lòng của hai nàng, tôi đây quả thiệt không phải là kẻ vô tình, nhưng vì đối với hai nàng đã có thân phận là mẫu tử không thể nào ví như Hồng Phất Nữ hay Trác Văn Quân được. Vả lại, nếu việc này có vỡ lở ra thì hai nàng bị hại không ít. Vậy xin hai nàng nghĩ lại, hãy dốc lòng lo thờ phụng nghĩa phụ tôi, làm sao cho ngày sau được đông con nhiều cháu là hơn.
Nhu Nương và Đức Thơ nghe nói biến sắc mặt, hối hận vô cùng, bèn năn nỉ xin lỗi:
- Chàng còn trẻ tuổi mà biết trọng đường nghĩa tiết như vậy, quả trên đời hiếm có. Chị em tôi nay được lời chàng khuyên nhủ nên mới khỏi phải thất tiết, thật chị em tôi cảm ơn rất sâu, nhưng những hành động xấu xa của chúng tôi xin chàng làm ơn giữ kín, chớ nên thố lộ mà tội nghiệp.
Lệ Minh Đường nói:
- Tôi đã biết cầm quyển sách lên đọc, tất nhiên không khi nào biết nói xấu ai, vậy hai nàng chớ nên nghi ngại điều ấy.
Hai nàng nghe nói mừng rỡ:
- Chúng tôi không ngờ chàng lại có tình nghĩa chu toàn đến thế, thật chị em chúng tôi cam chịu tội.
Lệ Minh Đường nói:
- Hai nàng cùng tôi đã là mẫu tử rồi, nếu nay tôi đi làm như vậy chẳng hóa ra tôi là kẻ không biết điều sao?
Hai nàng nghe nói khen ngợi chẳng cùng, liền bồng Nguyên Lãng từ tạ lui ra. Từ đó hai nàng rất kính phục Lệ Minh Đường và đối với Khương Nhược Sơn cũng được mặn nồng hơn xưa.
Đến tháng bảy năm ấy, các vị khảo quan phụ trách trường thi tại Hồ Quảng đã lần lượt đến nơi. Viên chánh chủ khảo là Viên Dung Hàn lâm Đại học sĩ, phó chủ khảo là Mạnh Chiêu Lễ bộ Lang trung.
Khi khảo quan vừa đến trường thi, các quan địa phương đều ra tiếp rước trọng thể.
Ngô Đạo Am vốn đã đậu tú tài nên đã có tên thi, chỉ có một mình Lệ Minh Đường phải trông mong vào tên gia nhơn đến kinh để quyên giám mới được vào trường. Lệ Minh Đường đợi mãi đến hôm nay vẫn không thấy tin tức tên gia nhơn, trong lòng bứt rứt lắm, chàng chỉ sợ phải đợi đến khoa sau thì muộn mất. Khương Nhược Sơn cũng lo lắng không yên. Lại thấy học bộ ra tờ bố cáo dạy đến ngày hai mươi bốn thì nạp quyển, khiến Khương Nhược Sơn lại càng nôn nóng hơn nữa.
Đợi mãi đến ngày mười bảy mới thấy hai tên gia nhơn ở Bắc Kinh về đến, Khương Nhược Sơn nổi giận mắng:
- Hai người đi thế nào mà mãi đến nay mới về? Công việc ra thế nào?
Hai tên gia nhơn liền mở gói lấy giám đơn và phong thư của người bạn gởi trao cho Khương Nhược Sơn. Khương Nhược Sơn mừng như kẻ lượm được vàng, vội vã cầm tiếp được giám đơn thì chạy ra huê viên trao cho Lệ Minh Đường và nói:
- Giám đơn đã có rồi đây, con có thành danh hay không cũng do nơi cái này đây!
Lệ Minh Đường mừng rỡ tạ ơn rồi lo sửa soạn nạp quyển đặng vào ứng thí.
Trước ngày chưa ra bảng đỗ, Khương Nhược Sơn đem các quyển giám của Lệ Minh Đường trao cho Ngô Đạo Am xem và hỏi:
- Tiên sanh hãy xem thử văn của Lệ Minh Đường ra sao? Nhắm có thể đỗ được không?
Ngô Đạo Am nói:
- Văn này quả là một bực nhơn tài, lời lẽ như châu ngọc, tôi thiết tưởng ít ai bì kịp.
Ngô Đạo Am lại hỏi thăm Lệ Minh Đường:
- Chàng hãy xem giùm văn của tôi thử ra thế nào?
Lệ Minh Đường lắc đầu từ chối:
- Sức học tôi còn kém, không dám bình phẩm.
Đến ngày hai mươi sáu tháng tám là ngày yết bảng, ba người ở nhà đang đợi tin mừng, xảy thấy một bọn đi báo hỉ đánh thanh la inh ỏi, kéo đến trước nhà Khương Nhược Sơn nói lớn:
- Chúng tôi xin chúc mừng tại nhà này có một vị trúng cử.
Ngô Đạo Am và Khương Nhược Sơn vội hỏi:
- Lệ Quân Ngọc đỗ thứ mấy?
Bọn ấy đáp:
- Chúng tôi không hiểu Lệ Quân Ngọc chỉ biết có Ngô Đạo Am tiên sinh đây trúng cử nhơn số ba mươi hai nên mới đến báo hỉ.
Khương Nhược Sơn hỏi:
- Các người không biết Lệ Quân Ngọc sao?
- Đúng, thiệt tình chúng tôi không biết.
Khương Nhược Sơn nghe nói biết là Lệ Quân Ngọc rớt rồi, bèn lấy tiền thưởng cho bọn báo hỉ. Ngô Đạo Am nói với Lệ Minh Đường:
- Văn của chàng như thế mà đánh hỏng, trái lại văn của tôi như thế mà đậu, quả khảo quan không có mắt. Vậy chàng cũng không nên thối chí ngã lòng, ráng đợi khoa sau sẽ giựt khôi nguyên.
Lệ Minh Đường đỏ mặt đáp:
- Văn bài của tôi xét cũng có nhiều chỗ bất thông, không đỗ được cũng là phải đó.
Vinh Phát thấy thế nói:
- Thôi để tôi ra tại đó xem lại bảng cho rõ ràng thử thế nào.
Nói rồi nó cắm đầu chạy một mạch đến cửa trường. Đến đây nó trông thấy người ta xúm xít chen nhau đông lắm không tài nào chen vào để xem bảng được.
Vinh Phát hỏi thăm một người đứng gần:
- Anh có biết được ai đỗ giải nguyên không?
Người ấy đáp:
- Lệ Quân Ngọc đỗ giải nguyên. Ông giải nguyên này lạ lắm, thuở nay không có ai quen biết cả!
Vinh Phát hỏi vặn:
- Quả thật Lệ Quân Ngọc đỗ giải nguyên sao?
Thấy thái độ mừng rỡ của Vinh Phát, người ấy đoán biết Vinh Phág là người của Lệ Quân Ngọc nên mới hỏi:
- Lệ Quân Ngọc là ai đó? Người ấy quê ở đâu vậy?
Vinh Phát được tin chủ mình đỗ rồi, mừng quá, trống ngực đánh thình thịch, phải nghỉ cho khỏe hồi lâu mới lên tiếng đáp được:
- Người đỗ giải nguyên này chính là nghĩa tử của ông Khương Nhược Sơn ở đây.
Bọn báo hỉ nghe Vinh Phát nói vậy, mừng rỡ vội vàng kéo nhau đi báo hỉ để kiếm tiền, còn Vinh Phát đã hỏi rõ rồi cũng lật đậy chạy dông về nhà mệt thở hào hển.
Lệ Minh Đường trông thấy thái độ Vinh Phát có ý sợ sệt, vội hỏi:
- Thế nào mà mi hoảng hốt như vậy?
Lời Bình:
- Vẫn biết hai nàng hầu thiếp của Khương Nhược Sơn còn trẻ tuổi, so với Lệ Minh Đường rất xứng đôi vừa lứa, song Lệ Minh Đường đã là nghĩa tử của Khương Nhược Sơn rồi, tất nhiên vợ của Khương Nhược Sơn phải là nghĩa mẫu của chàng, dầu muốn dầu không cũng phải bị một bức tường lễ giáo ngăn cách đôi bên, nếu mạo hiểm vượt qua bức tường ấy tất nhiên đã làm một hành động loạn luân. Nhưng than ôi! Một khi họ đã say mê rồi, tình cảm ngự trị cả lương tri khiến họ không còn kể gì đến lễ giáo nữa. Để đến lúc bị Lệ Minh Đường cự tuyệt, hai nàng mới thấy hổ thẹn ăn năn, rồi lại sợ đổ bể ra thì mang tiếng xấu.
Lại có những trường hợp trai tài gái sắc, xứng đôi vừa lứa, đã thầm yêu nhau mà không dám thổ lộ cho nhau biết, để phải ôm ấp mối tình thầm kín suốt đời thì thật là ngu xuẩn đến tột cùng.
- Hoạt Toàn cũng là một tên học trò thi đậu tú tài, nhưng lại là một anh học trò dốt, may mắn được trúng tuyển trong một trường hợp hi hữu, nên khi thấy người học giỏi thường hay ganh ghét. Trái lại, Ngô Đạo Am quả là nhà học giả nên khi nghe kẻ học giỏi thì lần đến kết thân để có dịp hỏi thêm, khi thấy Lệ Minh Đường có sức học uyên thâm thì một lòng khâm phục. Cho hay ở đời không nên đánh giá lực học của mỗi người trên mảnh bằng có khi bị lầm to.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Tái Sanh Duyên.