• 1,117

Hồi 36: Núi Hoàng Hạc, thầy trò giã biệt; Chốn Xuy Đài, mẫu tử trùng phùng.


Dịch giả: Nguyễn Đỗ Mục
Nguồn: NXB Văn Hóa Thông Tin
Nhắc lại Hoàng Phủ Thiếu Hoa cùng Hùng Hiệu ở tại Hoàng Hạc sơn, ngày đêm chăm lo luyện tập võ nghệ, không một phút lãng xao.
Hôm ấy Hoàng Hạc ông đang ngồi, xảy thấy một luồng gió thổi tạt qua mặt , ông ta biết ngay là điềm lạ, liền ngửa tay đoán quẻ rồi gọi Hoàng Phủ Thiếu Hoa và Hùng Hiệu vào bảo:
- Hiện nay giặc Phiên đang đánh phá dữ dội nên triều đình treo bảng cầu hiền, định đến tháng hai sang năm thì mở khoa thi võ đặng chọn một vì võ Trạng nguyên làm Đại Nguyên soái lãnh binh đi bình giặc. Vậy bây giờ đây là lúc thời vận hai người đã đến, hãy trở về đặng đến kinh đầu quân lập công kẻo lỡ cơ hội tốt.
Hùng Hiệu chắp tay thưa:
- Bẩm sư phụ, đệ tử thường dạo chơi trông thấy xung quanh đây toàn là biển cả mênh mông thì làm sao về cho được.
Hoàng Hạc Tiên ông mỉm cười nói:
- Điều ấy người chớ lo. Ta đã bảo , tất nhiên có lối cho ngươi đi chớ!
Hùng Hiệu và Hoàng Phủ Thiếu Hoa đồng thưa:
- Quân Phiên có yêu thuật , làm sao chúng con đối địch nổi?
Tiên ông thản nhiên đáp:
- Ta sẽ có bửu bối cho các người để phá phép chúng mà lập công.
Nói dứt lời, Hoàng Hạc Tiên ông sai tên tiểu đồng vào phòng lấy ra bốn món bửu bối, rồi Tiên ông cầm từng món giải thích:
- Đây là Phi diện chùy, hễ ra trận gặp Thần Võ Đại Nhơn cứ việc dùng chùy này mà đánh với hắn , còn đây là Pha Lãnh cảnh , khi thấy đối phương ném yêu thuật ra cứ việc lấy chiếu ra thì dù cho sóng gió hay khói lửa đều tiêu tan mất hết. Hai món này ta giao cho Thiếu Hoa sử dụng.
Rồi Tiên ông trao cho Hùng Hiệu hai món bảo:
- Cây kiếm này gọi là Trảm xà kiếm và cây roi này gọi là Hóa Long tiên, người hãy cất kỹ, khi ra trận gặp yêu thuật lấy ra sử dụng có hiệu quả ngay.
Hai người cúi đầu lạy tạ rồi lãnh bửu bối. Tiên ông còn phát cho mỗi người một đạo bùa hộ thân. Hoàng Phủ Thiếu Hoa lại hỏi:
- Thưa sư phụ, chẳng hay Thần Võ Đại Nhơn ấy vốn là chi mà tác oai tác quái nguy hiểm quá vậy?
Hoàng Hạc Tiên ông nói:
- Hắn chính là đồ đệ của Long Sơn Lão tổ và cũng là độ đệ của ta đấy, vì hắn có tánh tham lam sắc dục nên Long Sơn Lão tổ mới đuổi xuống núi. Nay hắn ra giúp chúa giặc dấy loạn là do máy trời sắp đặt.
Nói đến đây, Tiên ông lấy ra một cái cẩm nang trao cho Hoàng Phủ Thiếu Hoa và căn dặn:
- Con đi dẹp giặc phen này, tất nhiên Thần Võ Đại Nhơn phải thua và khi hắn đã thua, nhất định thừa đêm tối đến hành thích, vậy ta cho con cái Hồng cẩm sách này để dùng bắt nó, nhưng bắt đặng rồi con chớ nên giết chết. Con hãy giở cẩm nang này ra lấy một phong thơ trao cho nó, bảo nó đem về dâng cho Long Sơn Lão tổ. Chừng ấy nó sẽ khuyên chúa giặc đầu hàng trả Hoàng Phủ Kính và Vệ Hoán cho con, và nó sẽ trở về núi tu luyện lại.
Nghe Tiên ông nói, Thiếu Hoa mừng quá hỏi:
- Nói vậy thì thân phụ con hiện nay còn sống sao?
Tiên ông gật đầu:
- Đúng đấy, thân phụ của ngươi trọn lòng thủ tiết, bấy lâu nay chỉ bị giặc giam cầm mà thôi.
Thế là nỗi vui mừng của Hoàng Phủ Thiếu Hoa không biết kể sao cho xiết, chàng vội vã lạy tạ Hoàng Hạc Tiên ông , rồi cùng Hùng Hiệu lo thu xếp hành trang xuống núi.
Lạ thay, khi xuống đến chân núi thì không còn trông thấy biển rộng mênh mông như trước nữa mà xung quanh toàn là đất liền cỏ cây xanh mịt
Hùng Hiệu mừng rỡ nói:
- Ta cứ xem nội việc này đủ biết sư phụ ta pháp thuật thân thông đến bực nào rồi!
Hoàng Phủ Thiếu Hoa cũng nức tiếng khen, rồi cả hai tìm lối lần đi.
Nói qua việc nhà của Hùng Hiệu, từ ngày Hùng Hiệu ra đi tầm sư học đạo, Từ thị ở nhà đến ngày mùng ba tháng tư trổ sanh được một đứa con trai đặt tên là Hùng Hoài, tự là Khởi Phụng, nhưng Từ thị lâm sản được ít lâu thì lâm bịnh nặng qua đời, may có vợ chồng Từ Nguyên Thiện qua trông nom công việc nhà cửa và mướn hai người vú về nuôi Khởi Phụng. Mãi đến tháng chạp năm ấy, Hùng Hiệu và Thiếu Hoa mới về đến nhà.
Cả nhà vừa trông thấy mừng rỡ chạy ra tiếp đón và hỏi thăm:
- Ôi chao, sao mãi đến hôm nay chủ nhơn mới về? Thôi thế là chủ nhơn không còn thấy mặt phu nhơn nữa rồi!
Hùng Hiệu nghe qua thất kinh , hỏi:
- Có phải phu nhơn tạ thế trong khi lâm sản không?
Gia nhơn nói:
- Thưa không phải thế. Sau khi lâm sản, phu nhơn lâm trọng bịnh mãi nữa năm mới qua đời, hiện nay linh cữu còn quàng nơi nhà trong đợi chủ nhơn về mới mai táng.
Hùng Hiệu nghe qua như đứt từng khúc ruột, còn Thiếu Hoa thì âu sầu buồn bã vô cùng. Cả hai đi thẳng vào nhà trong.
Đến nơi, trông thấy một cỗ quan tài bên trên có tấm linh vị đề một hàng chữ:
Hùng môn chánh thất phu nhơn chi linh vị

Hùng hiệu quá đỗi thương tâm, nhào lăn ra ôm chiếc quan tài khóc rống lên, nói:
- Khi ta bước chân ra đi, những tưởng tìm cách làm cho vợ chồng đặng hiển vinh sau này, ngờ đâu ngày nay vợ chồng âm dương cách biệt. Ôi! Trong cơn đau yếu ta chẳng đặng gần gũi thuốc thang, đến khi tạ thế lại không thấy mặt ta, nỗi đau đớn này kể sao cho xiết.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa cũng động lòng khóc than:
- Hiền tẩu ơi! Việc này cũng do bởi kẻ bất tài nên khiến cho hiền tẩu phải vợ chồng xa cách. Ôi! Kẻ bất tài này xin cam thọ tội, nếu hiền tẩu có linh thiêng , xin thương tìng tình dung thứ.
Lúc ấy vợ chồng Từ Nguyên Thiện hay tin anh em Hùng Hiệu về, mừng rỡ vội đến thăm. Vừa bước vào nhà đã trông thấy anh em Hùng Hiệu ôm quan tài con gái mình khóc lóc thì cả hai ông bà đau lòng không xiết, nhưng gượng bước đến khuyên giải:
- Tiện nữ tạ thế đây gẫm cũng do thiên số, nếu có hiền tế ở nhà cũng không thể nào sữa đổi số trời đưỡc, vậy chớ nên than khóc lắm làm chi.
Hùng Hiệu và Hoàng Phủ Thiếu Hoa đều gạt nước mắt ngồi xuống ghế. Kế đó, mụ vú ẵm Hùng Hoài ra, Từ Nguyên Thiện chỉ Hùng Hoài, nói:
- Con ra chào đời, mãi đến hôm nay mới gặp mặt cha đấy.
Hùng Hiệu trông thấy đứa bé mày xanh mắt sáng, dung mạo đoan trang, lại càng nhớ vợ hơn nữa, chàng vói tay bế Hùng Hoài ẵm vào lòng rồi khóc nức nở.
Từ Nguyên Thiện bèn kể lại chuyện lúc Từ thị sắp lâm chung và những lời Từ thị trối dặn lại. Hùng Hiệu cùng Thiếu Hoa nghe qua càng thêm cảm động thương xót vô cùng.
Từ Nguyên Thiện hỏi:
- Chẳng hay hiền tế và Lữ Lăng đây đã tìm học được tiên thuật chưa? Vừa rồi triều đình có treo bảng cầu hiền chọn người làm chức võ Trạng Nguyên đặng phong làm Đại Nguyên soái đi đánh giặc. Các anh hùng hào kiệt khắp nơi trong nước đua nhau đến kinh ghi tên ứng thí, nếu hiền tế và Lữ Lăng đây đã học được tiên thuật, hãy mau mau đến kinh ứng thí để lập công với đời, kẻo mất dịp may hiếm có này thì uổng lắm.
Hùng Hiệu thở dài than:
- Chúng tôi đã học được tiên thuật, nhưng thiết nghĩ con người ở đời cũng như giấc chiêm bao, còn công danh phú quí tựa đám phù vân. Bây giờ đây tôi cảm thấy chán nản, chẳng muốn điều chi nữa cả.
Từ Nguyên Thiện nói:
- Hiền tế chớ nên vì một mối tình phu phụ mà quá thương tâm nản chí sờn lòng, thiết tưởng cái chết của người đời là do nơi mạng số. Hãy xem đất mà an táng tiện nữ đi, rồi về kinh cho kịp kỳ ứng thí kẻo dở dang nước bước anh hùng, về sau hối hận không còn kịp nữa đấy.
Sau đó Hoàng Phủ Thiếu Hoa lui ra nhà khách, Lữ Trung chạy đến nắm tay, mừng rỡ kể lại sự tình cách biệt nhớ nhung một hồi và nói:
- Từ ngày công tử ra khỏi nhà này thì vợ chồng Từ Nguyên Thiện đến đây muốn xua đuổi tôi đi, đã mấy lần tôi muốn tìm chốn khác náu nương, nhưng chỉ sợ công tử về đây không gặp nữa nên ráng trì chí nhẫn nhục ở cho đến ngày nay, thật cam khổ vô cùng.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa nói:
- Hồ thị là đàn bà kiến thức hẹp hòi, chúng ta cũng chẳng nên chấp nhứt làm chi. Nhưng chẳng hay phu nhơn và tiểu thơ từ khi bị Khâm sai bắt giải về kinh ra thế nào , ngươi có hay tin tức gì không?
Lữ Trung nói:
- Việc ấy, hằng ngày tôi thường quan tâm dọ hỏi nên biết được rằng: Khi Khân sai giải phu nhơn và tiểu thơ về kinh , đi ngang qua núi Xuy Đài, xảy có tên tướng giặc là Vệ Dõng Đạt đón đường giết chết Khâm sai và cứu phu nhơn cùng tiểu thơ đem lên núi. Tôi còn biết rõ Vệ Dõng Đạt là tay thiếu niên hào kiệt năm nay tuổi độ hai mươi.
Thiếu Hoa nghe nói nghĩ thầm:

Tại sao thân mẫu ta lại không suy lượng, thế thường những quân cường sơn thảo khấu bao giờ lại có lòng trọng nghĩa đâu. Nay hắn đem chị ta lên núi, gái trai hỗn, tạp như vậy, sau này tiếng tăm ấy thấu đến tai thiên hạ thì tiếng xấu ấy biết mấy sông rửa cho sạch?
.
Thiếu Hoa còn đang suy nghĩ, Lữ Trung nói tiếp:
- Vừa rồi đây triều đình có treo bảng cầu hiền, cũng may công tử về kịp , xin công tử mau mau về kinh ứng thì kẻo lỡ cơ hội.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa nói:
- Đó chính là mối hy vọng của ta mong tưởng bấy lâu nay
Hai người trò chuyện với nhau mãi đến canh ba mới đi nghỉ.
Sáng hôm sau, Hùng Hiệu mua đồ làm lễ tế Từ thị, Hoàng Phủ Thiếu Hoa cũng lạy khóc rất thảm thê, tế xong , Từ Nguyên Thiện, Thiếu Hoa cùng Hùng Hiệu đồng uống rượu.
Thiếu Hoa hỏi Hùng Hiệu:
- Hiền huynh định an táng cho hiền tẩu xong rồi thì ngày nào cùng em đến kinh kỳ để ghi tên ứng thí?
Hùng Hiệu nghe nói, thở dài than:
- Tôi nghĩ hiền thê tôi đây mới có hai mươi mốt tuổi đầu mà đã hóa ra người thiên cổ. Thế thì con người ở trên đời này như kiếp phù du, tôi không còn thiết gì đến công danh phú quí nữa. Vả lại nay việc gia đình tôi rất đơn chiếc, trong ngoài không quản thủ thì đi làm sao được. Duy việc lập công cứu thân phụ của hiền đệ rất cần thiết, vậy hiền đệ hãy sửa soạn kịp ra đi kẻo lỡ cơ hội mất.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa nghe nói thất Kinh:
- Nếu hiền huynh không đi cùng với em để giúp sức thì làm sao thành công được.
Hùng Hiệu lắc đầu nói:
- Bây giờ tâm trí của tôi đang rối bời, nếu có đi cũng không làm nên chuyện đâu.
Từ Nguyên Thiện thấy Hùng Hiệu quyết chí như vậy, vội khuyên giải:
- Từ lúc tiện nữ thọ bệnh thường bảo hiền tế là người tướng mạo phước hậu , thế nào sau này cũng phú quí vinh hoa. Ngày đêm tiện nữ cứ than thân trách mình sao phước bạc, không được hưởng phú quí về sau. lại khi tiện nữ sắp lâm chung còn trối lại rằng: sau khi tiện nữ thác rồi thì hiền tế lo tìm người chấp nối để coi sóc việc nhà, mới có điều kiện đi lập công danh. Nếu hiền tế được hiển vinh , tiện nữ dưới suối vàng cũng ngậm cười sung sướng. Hơn nữa ta đây năm nay tinh thần vẫn còn tráng kiện, cũng có thể sang đây trông hộ việc nhà cho hiền tế. Hiền tế hãy cùng bạn lo sắp sửa hành lý, lướt dặm đến kinh may ra lập đặng công danh để khỏi phụ lòng ao ước của linh hồn tiện nữ dưới suối vàng. Và nếu được như vậy lão phu đây cũng được chút thơm lây.
Hoàng phủ thiếu Hoa cũng xen vào nói:
- Nếu hiền tẩu đã trối lại muốn cho hiền huynh lập công danh thì thiết tưởng hiền huynh cũng nên gắng công đeo đuổi , để khỏi phụ lòng người quá cố đang mong ước dưới suối vàng .
Hùng Hiệu nghe nói, trong lòng ngần ngại , Từ Nguyên Thiện phải khuyên giải mãi mới chịu nghe lời.
Sau đó Hùng Hiệu rước thầy địa đi xem đất để cất táng hài cốt Từ thị. Việc ma chay tiến hành đến mười ngày sau mới xong. Hùng Hiệu sắp đặt công việc, đồng thời thưởng bạc cho hai mụ vú và giao phó việc chăm sóc Hùng Hoài cho hai người, còn việc nhà thì giao cho Từ Nguyện Thiện cai quản.
Lúc bấy giờ đã gần cuối tháng chạp, ngày giờ quá cận, nên khi sắp đặt mọi việc vừa xong thì khởi hành chứ không coi ngày gì cả .
Hùng Hiệu với Hoàng Phủ Thiếu Hoa cỡi ngựa, còn Lữ Trung thì già yếu cỡi ngựa không tiện nên gánh hành lý lội bộ theo sau. Trên đường đi, Thiếu Hoa nói với Hùng Hiệu:
- Không biết vì cớ chi mẹ và chị tôi lại đem thân vào ở chốn lục lâm, thật tôi vô cùng lo ngại nên tôi muốn thẳng đến Xuy Đài sơn để xem cớ sự thế nào cho biết.
Hùng Hiệu đáp :
- Hiền đệ nghĩ như vậy phải lắm, nhưng tôi thiết nghĩ phu nhơn là một vị mạng phụ của triều đình thì khi nào lại chịu hạ phẩm giá mình theo bọn lục lâm , chắc việc này phải có duyên cớ chi đây, chúng ta nên đến đó xem sao, và tiện đường thẳng tới kinh sư cũng tiện.
Hai người vừa đi vừa chuyện vãn, chẳng mấy chốc đã đến Xuy Đài sơn, Hùng Hiệu và Thiếu Hoa gò cương ngựa lại và đứng ngắm xem địa thế. Thấy núi cao chớm nở, đá dựng chầm chồng, chim kêu vượn hú, vắng vẻ không có một bóng người . Lữ Trung nói:
- Lạ thật, đây là quả núi Xuy Đài , nhưng sao lại lại không có một ai thấp thoáng cả.
Lữ Trung nói dứt lời, xảy thấy từ trong bụi nhảy ra một tốp lâu la, binh khí trên tay sáng ngời, chúng hét to:
- Các ngươi ở đâu, đến đây có việc gì, phải nói cho minh bạch, bằng không chúng ta không dung mạng cho đấy.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa hỏi:
- Tại trên núi này có Vệ Dõng Đạt ở phải không?
Lâu la nói:
- Vệ Dõng Đạt là Đại vương của chúng ta, ngươi muốn chết hay sao lại hỏi thăm ?
Thiếu Hoa nói :
- Các ngươi hãy về thưa lại với Đại vương các ngươi biết rằng có ta là Hoàng Phủ Thiếu Hoa đến đây muốn xin vào yết kiến.
Lâu la nghe nói cười và hỏi :
- Nói vậy người là Hoàng Phủ Công tử đó sao ? Bấy lâu nay Đại vương chúng tôi thường nhắc nhở đến công tử hoài, vậy xin phiền công tử hãy đứng đây để chúng tôi chạy về thông báo.
Dứt lời, bọn lâu là chạy thẳng vào tụ nghĩa đường , phi báo cùng Vệ Dõng Đạt :
- Bẩm Đại vương, hiện dưới chân núi có hai hào kiệt, một trong hai người ấy xưng là Hoàng Phủ Thiếu Hoa muốn xin lên yết kiến Đại vương.
Vệ Dõng Đạt nghe nói mừng rỡ, vội lên ngựa xuống núi nghinh tiếp.
Khi Vệ Dõng Đạt xuống vừa lưng chừng núi, bọn lâu la ở dưới đưa tay chỉ và nói cùng Hoàng Phủ Thiếu Hoa :
- Kia kìa, Đại vưong chúng tôi thân hành xuống tiếp công tử đấy.
Hùng Hiệu và Thiếu Hoa ngước mắt nhìn lên trông thấy Vệ Dõng Đạt thì thất kinh nói nhỏ với nhau :
- Lạ thật ! Ai mà ngờ được trong chốn lục lâm này lại có người tài mạo thế kia.
Rồi người liền xuống ngựa đứng chờ. Thiếu Hoa thầm nghĩ:

Nếu thân mẫu có đem chị ta gả cho người này cũng đẹp đôi vừa lứa lắm

Vệ Dõng Đạt xuống đến chân núi nhìn thấy Thiếu Hoa có gương mặt giống Trưởng Hoa Tiểu thơ như đúc, còn Hùng Hiệu thì lẫm lẫm oai phong , biết ngay hai người này đều là những trang anh hùng tuấn kiệt, bèn nhảy xuống ngựa vái chào.
Hùng Hiệu và Thiếu Hoa cũng lễ phép chào lại. Thiếu Hoa nói:
- Thân mẫu và gia tỷ tôi được người ra tay cứu mạng, ân ấy thật ví bằng công biển.
Vệ Dõng Đạt nói:
- Hiện tôi đã nhận phu nhơn làm mẹ rồi nên đối với hiền đệ cũng là anh em một nhà, xin chớ đề cập đến việc ân nghĩa làm chi.
Vệ Dõng Đạt liếc nhìn Hùng Hiệu rồi hỏi Thiếu Hoa :
- Chẳng hay vị anh hùng này là ai vậy?
Hoàng Phủ Thiếu Hoa nói:- Người này họ Hùng tên Hiệu tự là Hữu Hạc, đã thi đỗ võ Cữ nhơn, lại là một phú hộ, quê ở huyện Bình Giang , tỉnh Hồ Quảng khi tôi đi lánh nạn, may gặp người cứu giúp và cùng nhau đi tầm tiên học thuật. Hôm nay chúng tôi định xuống kinh ứng thí.
Vệ Dõng Đạt nghe qua gật đầu ra vẻ thán phục nói với Hùng Hiệu :
- Nếu vậy thì ngài quả là một bậc đại danh hào kiệt, đáng cho mọi người kính trọng.
Hùng Hiệu mỉm cười nói bằng giọng khiêm nhường :
- Tôi đây học thiển tài sơ, đỗ được cái chức Võ Cử nhơn là nhờ sự may mắn đó thôi, tôi đâu dám bì với Đại vương được.
Rồi ba người cùng Lữ Trung dắt nhau lên núi, vào ngồi đàm đạo tại tụ nghĩa đường.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa nói:
- Xin nhị vị hãy ngồi đây chuyện vãn, để tôi vào bái yết thân mẫu và gia tỷ tôi một chút.
Vệ Dõng Đạt nghe nói liền sai người đưa Thiếu Hoa và hậu đường? Lúc ấy, Doãn Phu nhơn và Trưởng Hoa Tiểu thơ đang ngồi trò chuyện, xảy thấy Thiếu Hoa chạy vào khóc rống lên, nói:
- Bấy lâu nay con mãi đi lánh nạn phương xa, không được sớm khuya hầu hạ thân mẫu, thiệt là tội lỗi tày trời!.
Doãn Phu nhơn và Trưởng Hoa trông thấy Thiếu Hoa cũng vô cùng xúc động, tủi nghẹn không nói nên lời. Thiếu Hoa quì xuống lạy phu nhơn và tiểu thơ. Kế đó Lữ Trung cũng chạy vào mừng rỡ thưa:
- Lão nô không ngờ ngày nay lại được gặp phu nhơn và tiểu thơ nơi đây, nỗi vui mừng này thật là vô hạn.
Doãn Phu nhơn nói:
- Người đã hết lòng vì ta lo dìu dắt công tử, chịu biết bao nhiêu nỗi khổ nhọc trên bước đường luân lạc, công ơn ấy ta nguyện không bao giờ quên.
Dứt lời, Doãn Phu nhơn liền bảo nữ tỳ dắt Lữ Trung ra ngoài dọn rượu thịt đãi đằng tử tế. dau đó , Doãn Phu nhơn bày tỏ dầu đuôi mọi việc, từ khi bị Khâm sai đến bắt cho đến việc nhờ Vệ Dõng Đạt cứu thoát đem về rồi chịu làm nghĩa tử v..v..
Hoàng Phủ Thiếu Hoa nói:
- Vệ Dõng Đạt quả là người tài mạo hiếm có trên đời, nhưng chẳng biết là trang hào kiệt đang độ xuân xanh sao lại đến chốn lục lâm này làm kẻ lục lâm thảo khấu như vậy?
Doãn Phu nhơn nói:
- Người cũng là hạng quan gia tử đệ, song người đến đây làm đầu đảng một số lâu la như vầy chẳng qua là vì hoàn cảnh nên ngộ biến tùng quyền đó thôi, còn phần con thì từ đó đến nay luân lạc phương nào và bây giờ định đi đâu đây?
Hoàng Phủ Thiếu Hoa bèn thuật lại từ lúc ra khỏi nhà đến khi gặp được vị bằng hữu bảo tâm Hùng Hiệu , rồi cùng nhau đi tầm sư học thuật. Chàng nói:
- Hùng Hiệu quả là người bạn tốt, người đã một lòng vì bạn quên nhà, người dìu dắt con đi tầm tiên học đạo, để đến nỗi vợ nhà lâm chung mà không hay biết, đến nay người còn theo giúp đỡ con ra đầu quân dẹp giặc đặng cứu thân phụ con về triều. Thật cái ơn cao dày ấy chẳng biết đến bao giờ con mới báo đáp được.
Doãn Phu nhơn và Trưởng Hoa Tiểu thơ nghe rõ lấy làm cảm kích Hùng Hiệu muôn phần, nên muốn ra lạy tạ ơn Hùng Hiệu , Thiếu Hoa liền ra nói trước cho hùng Hiệu biết.
Hùng Hiệu nghe qua thất kinh, nói:
- Ôi chao! Tôi có công lao gì đâu mà phu nhơn đòi ra lạy tạ tôi như vậy?
Hùng Hiệu nói vừa dứt lời thì Doãn Phu nhơn và Trưởng Hoa Tiểu thơ ra đến. Phu nhơn nói:
- Chẳng may nhà tôi lâm đại nạn, lại làm lâm lụy đến tiên sanh, làm cho tiên sanh phải lìa vợ con, bỏ nhà cửa sản nghiệp cùng với tiện nhi ra đầu quân giết giặc để cứu phu quân tôi về nước. Thất cái ơn sâu ấy dầu tôi có kết cỏ ngậm vành cũng không đền đáp nổi.
Nói dứt lời, Doãn Phu nhơn cùng Trưởng Hoa Tiểu thơ liền thụp lạy Hùng Hiệu để tỏ lòng biết ơn. Hùng Hiệu hỏng kinh vội bước trái sang một bên rồi giơ tay đỡ phu nhơn dậy.
Doãn Phu nhơn bảo Vệ Dõng Đạt:
- Con hãy vì mẹ mà thết một tiệc rượu để tỏ lòng biết ơn người.
Vệ Dõng đạt nói:
- Việc ấy chính là bổn phận của con, xin thân mẫu và hiền muội chớ lo. Xin thân mẫu hãy về phòng an nghĩ.
Doãn Phu nhơn cùng Trưởng Hoa Tiểu thơ từ giã lui ra. Độ một lát sau, lâu la đã dọn xong tiệc rượu, ba người cùng nhau ăn uống và đàm luận võ nghệ, trông thật tương đắc.
Tiệc rượu vui say mãi đến hết canh mới tan. Hoàng Phủ Thiếu Hoa liền xin phép Hùng Hiệu đặng vào hậu trại nói chuyện với phu nhơn . Hùng Hiệu vâng lời , lâu la đốt đèn đưa Thiếu Hoà vào trong; còn Vệ Dõng Đạt tuy có lòng quí mến Hùng Hiệu, song chẳng dám cầm ở lại chung một phòng với mình, vì sợ ngày sau mang tiếng, nên sai người đưa Hùng Hiệu ra nghỉ nơi nhà khách.
Đêm hôm ấy, Vệ Dõng Đạt nằm trằn trọc ngủ không yên giấc, nàng trộm nghĩ:
-
Chẳng biết duyên nợ ta ngày sau ra thế nào? Ôi ! Việc trăm năm là do trời đã định sẵn, dù thế nào ta cũng phải cam. Nhưng ...Nếu mai sau ta được kết duyên cùng Hoàng Phủ Thiếu Hoa hay được cùng Hùng Hiệu thì ta cũng thỏa lòng
.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa vào đến hậu trai, nói với phu nhơn:
- Chị con nay đã trưởng thành rồi mà con thấy Vệ Dõng Đạt tài mạo kiêm toàn, lại là người ơn của nhà ta nữa, vậy thân mẫu cũng nên gả chị cho người, con thấy rất đẹp đôi vừa lứa đấy.
Doãn Phu nhơn phì cười, nói:
- Con lầm rồi! Vệ Dõng Đạt chính là nữ lưu cải dạng nam trang đấy, chứ nếu quả là nam nhơn thì mẹ đây đã tự vận từ lâu rồi chứ dâu có thể chịu nhẫn nhục cho đến ngày nay, vì mẹ con ta đây đều là hạng thế phiệt danh gia nào lại chịu cái cảnh nam nữ hỗn tạp sao?
Thiếu Hoa nghe mẹ nói vậy, thất kinh nói:
- Ôi chao! Ai ngờ đâu trên đời này lại có hạng gái mạo hiểm đến thế ! Thân liễu bồ mà dám cả gan nương tựa chốn sài lang, lại có cử chỉ anh hùng xưa nay chưa từng thấy. Chẳng những nàng đứng đầu trong giới nữ lưu mà thôi, con dám chắc hàng nam tử cũng khó bì kịp. Thưa mẫu thân, nàng là con gái của ai vậy ?
Doãn Phu nhơn nói :
- Nàng tên là Dõng Nga, con gái của tiên phong Vệ Hoán đấy.
Rồi bà kể hết tình cảnh của nàng và lý do nàng đến cầm đầu bọn lâu la chốn Xuy Đài sơn này. Trong khi kể chuyện , bà không quên giới thiệu lòng can đảm và chí khí anh hùng của nàng.
Rồi bà hạ giọng nói :
- Năm nay Vệ Dõng Nga mới mười chín tuổi, vả lại ngày nay mạnh Lệ Quân đã chết rồi, nếu ngày sau con cứu được thân phụ con về triều rồi thì con hãy cưới nàng làm vợ, mẹ đây mới thỏa tấm lòng. Mẹ biết rõ ràng nàng là người hiền đức, đáng làm dâu nhà ta.
Lời bình :
- Những cuộc cướp ngôi, nhiều lớp hưng phế do hoàng thân ngoại thích, hoặc do những quyền thần từ triều đại này dến thời đại khác không bao giờ dứt. Nhưng những bộ truyện viết về tình ái rất ít. Vì các chế độ vua quan không ai muốn bươi móc những cái thối tha trong cung vàng điện ngọc để cho người sau thấy được.
- Về thời Nguyên, những khuôn khổ của các nữ lưu tuy vẫn còn nằm trong khuôn vàng thước ngọc, nhưng ý thức dân chúng , chuyền hình qua tác giả đã bắt dầu phá vỡ quan niệm « khuê môn bất xuất ». Giới nữ lưu đã bắt đầu sánh vai với nam tử đem tài năng mình phụng sự quốc gia. Một Mạnh Lệ Quân làm đến Binh Bộ Thượng thơ, một Vệ Dõng Nga, trở thành tên chủ tướng cướp...Phủ dưới lớp áo ngụy trang , chẳng phải là ý thức phá bỏ bức tường « khuê môn » sao ?
Như vậy ý thức bình đẳng giữa nam, nữ đã có từ thuở ấy, chứ không phải đợi đến thế kỷ này ý thức nam nữ bình đẳng mới phát sinh.
Tuy nhiên, thời bấy giờ dù có một tư tưởng mới, nhưng nẩy nở trong chỗ phôi thai, thế nào cũng bị nguồn lễ giáo cổ truyền chèn ép.
Việc cải nam trang điển hình cho khuôn phép thời xưa, bên trong chứa đựng một ý thức đua tài giữa chốn ba quân, đó là triệu chứng của lớp nữ lưu muốn cởi bỏ xiềng xích lễ giáo của mình.
Cho nên mặc dù câu chuyện bịa đặt, nhưng không phải vô căn cứ, nó bắt nguồn ở một ý thức nào đó, mà chúng ta không thể từ chối việc tiến bộ của tư tưởng và xã hội thời bấy giờ.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Tái Sanh Duyên.