• 1,117

Hồi 48: Mến chủ cũ, Giang Tấn Hỉ lo lắng; Xót xa cha, Lưu Yến Ngọc đến kinh.


Dịch giả: Nguyễn Đỗ Mục
Nguồn: NXB Văn Hóa Thông Tin
Khi Giang Tấn Hỉ ở chùa về, hắn vô cùng ngạc nhiên vì thấy cửa phủ bỗng nhiên khóa chặt, trong ngoài đều vắng teo, hắn chạy trước, chạy sau kêu réo vẫn không thấy một bóng người.
Giang Tấn Hỉ đang đứng ngẩn ngơ, bỗng thấy tên bán quán Đặng Cửu Thông (bạn thân của hắn) đi ngang qua. mừng quá, hắn lật đật chạy đến hỏi:
- Thông ơi! Ngươi có biết vì cớ gì cửa phủ lại niêm khóa chặt, còn người nhà đâu mất hết không?
Đặng Cửu Thông đáp:
- Anh hãy vào quán tôi rồi tôi thuật lại cho anh nghe.
Giang Tấn Hỉ vâng lời theo gót gã bán quán.
Đặng Cửu Thông vỗ vai Giang Tấn Hỉ nói:
- Thật may phước cho anh lắm đấy, nếu không thì anh đã bị bắt rồi!
Càng ngạc nhiên hơn nữa, Giang TBác và anh gặp đại nạn mà thoát khỏi, thật là đại phước, vì vừa rồi ấn Hỉ hỏi:
- Anh nói gì lạ vậy? Tôi có tội gì đâu, và tại sao tôi lại bị bắt?
Đặng Cửu Thông không đáp, lại hỏi:
- Còn lịnh đường có trốn thoát được không?
Giang tấn Hỉ càng thắc mắc, hắn cau mày nói:
- Thân mẫu tôi mắc đi thăm dì tôi trên chùa, chớ có làm gì đâu mà phải trốn!
Đặng Cửu Thông mừng rỡ nói:
- Bác và anh gặp dại nạn mà thoát khỏi, thật là đại phước, vì vừa rồi có quan Khâm sai và quan địa phương đến đây vây bắt hết cả gia quyến họ Lưu. Lúc ấy có hai tên lính ngự lâm vào quán tôi, tôi hỏi thăm mới rõ rằng: Hoàng Phủ Thiếu Hoa đổi tên là Vương Thiếu Phủ , thi đỗ Trạng nguyên lãnh chức Chinh Đông Nguyên soái, đi đánh giặc Phiên cứu đặng Hoàng Phủ Kính về triều, còn Lưu Quốc trượng thì tư thông với quân giặc, bị Vương Thiếu Phủ bắt được phản thơ, nên Thiên tử nổi giận bắt Lưu Quốc trượng tống giam vào ngục thất, rồi mới sai quan đi tróc nã gia quyến, bắt hết về kinh để trị tội.
Giang Tấn Hỉ nghe Cửu Thông nói dứt lời, khóc òa lên nói:
- Tôi thọ trọng ơn của Lưu gia hơn mười năm nay, bây giờ tôi muốn đến đó thăm Cố Phu nhơn, ngặt trong túi không tiền, chẳng biết làm thế nào có thể vào thăm được.
Cửu Thông nói:
- Không nên đâu! Việc này là việc phản nghịch , nếu anh đến đó sẽ bị bắt và tánh mạng khó bảo toàn?
Tần Hỉ nói:
- Nếu vậy thì tôi phải đến kinh để lo liệu việc hậu sự cho Lưu Quốc trượng thì tôi mới yên lòng, ngặt nỗi không tiền, chẳng biết đi bằng cách nào đây.
Cửu Thông nói:
- Nếu anh có lòng với chủ như vậy thì để chiều nay tôi họp các bạn lại quyên tiền giúp anh nhé!
Giang Tấn Hỉ mừng rỡ nói:
- Nếu được như thế, tôi cảm đội ơn anh vô cùng, nhưng anh có định giúp, hãy giúp cho mau mau nhé!
Cửu Thông nói:
- Anh hãy yên tâm.
Sau đó Giang Tấn Hỉ vội vàng cáo từ Cửu Thông rồi chạy sang nhà họ Thôi để báo tin dữ.
Lúc ấy, mẹ Thôi Phàn Phụng và Mai Tuyết Trinh đang ngồi đàm đạo sau hậu đường, xảy thấy Giang Tấn Hỉ từ ngoài hơ hãi chạy vào kêu khóc và thưa :
- Phu nhơn ơi ! Bà tôi đã bị quan Khâm sai đến bắt đi và niêm phong nhà cửa lại hết rồi !
Thôi Phu nhơn và Mai Tuyết Trinh hoảng kinh hỏi :
- Trời ơi ! Tại sao ra nông nổi , hãy cho ta biết nào ?
Giang Tấn Hỉ vừa thở vừa thuật lại y như lời của Cửu Thông . Thôi Phu nhơn nghe qua, khóc rống lên nói :
- Cảm thương thay cho hiền muội ta, nay đã tuổi già sức yếu, chịu tai nạn như vậy thì đau đớn biết bao !
Mai Tuyết Trinh cũng khóc lóc một hồi rồi nói với Giang Tấn Hỉ :
- Ngươi hãy mau mau qua báo tin cho nhà họ Cố biết, vì họ Cố là nhà quan chứng, không biết chừng có thể vào thăm viếng phu nhơn được đấy.
Giang tấn Hỉ nghe nói, lật đật đi ngay. Khi đến nơi, Giang Tấn Hỉ vào báo cáo việc cho họ Cố hay. Cả nhà họ Cố , ai nấy đều khóc rống lên, Cố Hoằng Nghiệp vội vã lên kiệu ra đi. Lát sau Cố Hoằng Nghiệp về thuật lại :
- Quả thật việc này Lưu Quốc trượng tư thông cùng quân giặc. Ta có vào ngục thăm xá muội, quan Khâm sai bảo ba hôm nữa sẽ giải xá muội về kinh. Ta thấy việc này là việc phản nghịch đã quả tang, chắc chắn không thể nào cứu ra được.
Giang tấn Hỉ khóc lóc thưa :
- Tôi thọ ơn Quốc trượng quá nặng, thế nào tôi cũng phải đến kinh thăm dò tin tức, tôi mới an lòng.
Cố Hoằng Nghiệp nói :
- Ngươi thật có lòng trung nghĩa, trên đời ít có.
Sau đó Giang Tấn Hỉ cáo từ Cố Hoằng Nghiệp lui ra, thẳng đến chùa Vạn Duyên . Tấn Hỉ đem hết mọi việc thuật lại cho Lưu Tiểu thơ và Giang Tam Tẩu hay.
Lưu Yến Ngọc khóc rống lên nói :
- Chỉ vì ta thủ tiết với Hoàng Phủ Công tử mà phải chịu khổ cực trên hai năm trời. Hay đâu hôm nay công tử cứu đặng thân phụ người hồi triều, lại nỡ giết cả nhà ta như vầy. Hơn nữa , anh ta tuy là phạm trọng tội nhưng dù sao công tử cũng nghĩ chút tình xưa chớ. Than ôi ! Nếu cha mẹ ta chết hết rồi đối với Hoàng Phủ Công tử , ta là kẻ thù không đội trời chung, làm sao mà kết duyên cho được?
Lưu Yến Ngọc khóc ngất một hồi rồi quay qua nói với Giang Tam Tẩu:
- Lúc trước thân mẫu tôi báo mộng , người có dạy tôi hể cứu đặng quý nhơn và đính ước tơ duyên thì sau này có thể cứu thoát cả nhà. Vậy bây giờ tôi muốn đến kinh xin vào yết kiến công tử, xin người tha hết, chỉ trị một mình anh tôi thôi. Nếu công tử đoạn tình không thuận thì chừng ấy tôi liều thân vào tâu xin với triều đình. Bằng đến đó Thánh thượng không tha, tôi nguyện quyên sinh giữa triều cho đặng thơm danh muôn thuở, chẳng hay ý mụ nghĩ sao?
Giang Tấn Hỉ xen vào nói:
- Lúc nãy tôi có lượm chút ít đồ vật trong phủ, nếu đem bán chắc cũng có ít tiền, nhưng ngặt vì tiểu thơ yếu đuối, nếu có đi thì phải đi đường thủy, mà đường thủy thì đắt tiền lắm, biết kiếm tiền đâu cho đủ?
Lưu Yến Ngọc nói:
- Bao nhiêu đồ đạc của tôi đều bị kẻ trộm lấy hết, nhưng may mắn còn sót lại một cây trâm và một đôi xuyến bạc, nay đem đi bán chắc trên mười lượng đấy.
Giang tấn Hỉ nói:
- Từ đây đến kinh ba người phải tốn ít nhứt ba bốn chục lượng, mà nay mới có hai chục lượng thì làm sao cho đủ?
Lưu Yến Ngọc nghe nói như vậy, chỉ ngồi gục mặt khóc ròng. Lúc ấy xảy có Phạm Như bước vào thấy vậy mới hỏi rõ đầu đuôi rồi nói:
- Nếu tiểu thơ đến được kinh thành thì thế nào Hoàng Phủ Công tử cũng vị tình mà dung thứ. Vậy tôi đây cũng có số bạc trên mười lượng do phu quân tôi để lại , thôi để tôi theo tiểu thơ đến kinh quyên hóa luôn thể, chứ ở đây mãi cũng chẳng ích gì.
Lưu Yến Ngọc nói:
- Nếu có mụ cùng đi nữa thì càng hay. Để khi đến kinh , tôi sẽ nói với Hoàng Phủ Công tử lập một ngôi chùa lớn cho mụ ở tu hành. Vậy mụ hãy lấy tiền trao cho Giang Tấn Hỉ để hắn mướn thuyền cho chúng ta đi kẻo trễ.
Phạm Như gật đầu khen phải rồi về phòng lấy bạc trao cho Giang Tấn Hỉ, còn Giang Tam Tẩu thì đi rang cơm nguội cho Tấn Hỉ ăn.
Cơm xong, Giang tân Hỉ xách gói ra đi. Vừa đi vừa nghĩ:

Họ Thôi vốn là thông gia cùng Cố Phu nhơn ta. Hơn nữa nhờ có Cố Phu nhơn đứng ra gả Mai Tuyết Trinh nên ngày nay mới sanh quý tử, cả nhà được vui vẻ. Thôi, bây giờ ta đến đó nói rõ tình trạng thế nào người cũng giúp cho chút ít bạc tiền để có đủ lộ phí đến kinh
.
Giang Tấn Hỉ nghĩ vậy rồi lập tức đến nhà họ Thôi khóc lóc kể lể sự tình. Thôi Phu nhơn động lòng thương lấy ra cho ba lượng bạc, còn Mai Tuyết Trinh cũng đem cho sáu lượng .
Giang tấn Hỉ lãnh bạc tạ ơn lui ra rồi thẳng đến nhà họ Cố, nhưng đến nơi không có Cố Hoằng Nghiệp ở nhà, chỉ có hai bà phu nhơn thôi, Giang Tấn Hỉ cũng khóc lóc kể lể sự tình, hai bà lấy ra cho mỗi bà năm lượng . Giang tấn Hỉ bái tạ lui ra rồi, chạy thẳng đến nhà Đặng Cửu Thông .
Tấn Hỉ vừa bước vào quán đã thấy Cửu Thông đang họp bạn bè đủ mặt để thuật lại sự tình của Giang tấn Hỉ. Ai nấy đều vui lòng giúp đỡ kẻ ít người nhiều. Cửu Thông tính hết được hai chục lượng, nên khi Giang Tấn Hỉ vào thì Cửu Thông trao số bạc ấy ra và trao sổ quyên
góp cho Tấn Hỉ xem.
tấn Hỉ lấy làm cảm động , vội vã quỳ lạy tạ ơn và lói:
- Các bạn đã thương tôi giúp một số tiền khả dĩ, nếu sau này tôi làm ăn khá, tôi sẽ lo đáp đền.
Mấy người anh em bạn xúm đỡ Tấn Hỉ dậy và nói:
- Xin anh chớ nói đến sự báo đáp làm gì, vì chỗ anh em chúng mình giao du với nhau, nay anh có việc chúng tôi nghèo quá nên góp nhóp không có là bao, thật thấy làm hổ thẹn. Vậy chẳng hay anh định bao giờ mới khởi hành?
Giang Tấn Hỉ nói:
- Tôi định đi gấp nay mai, nhưng đi theo còn có mẹ tôi, dì tôi và một người em gái nữa , nên cần phải đì đường thủy.
Lúc ấy trong đám bạn bè có một người tên Lưu Phước nói:
- Về việc mướn thuyền thì tôi thạo lắm, chẳng hay anh đã mướn thuyền nào chưa? Nếu chưa thì tôi xin đi mướn hộ cho.
Giang Tấn Hỉ nghe nói mừng rỡ, vội vàng lấy ra sáu lượng bạc trao cho Lưu Phước và nói:
- Tôi chưa mướn thuyền nào hết, vậy xin phiền anh mướn hộ cho tôi một chiếc.
Lưu Phước lãnh bạc ra đi, trong giây lát trở về hớn hở nói:
- Thật là dịp may hiếm có! Hiện có hai người phú thương ở Bắc Kinh đến đây mua thuốc, mướn hai chiếc thuyền lớn chở về. Hai ông ấy tuổi đã ngũ tuần, trông người trông nguời rất thành thật. Người bảo thuyền còn dư một khoang sau nên cho phép chủ thuyền chở thêm bốn hoặc năm người hành khách nữa. Thuyền ấy sắp nhổ neo. Vậy anh hãy cùng tôi đến đó xem thử, vì ông ta bảo mỗi người một ngày chỉ nạp hai tiền thôi.
Nói dứt lời, Lưu Phước lấy sáu lượng bạc giao cho Tấn Hỉ rồi hai người cùng đến đó bàn tính với hai vị phú thương.
Hai vị phú thương nói:
- Thuyền chúng tôi sắp nhổ neo, vậy ngươi hãy về kêu người xuống đi kẻo trễ.
Giang Tấn Hỉ mừng rỡ, vội tạ từ Lưu Phước rồi lật đật chạy thẳng về chùa Vạn Duyên.
Khi đến nơi, Giang Tấn Hỉ giao tất cả đồ tư trang lại, đồng thời trao bốn chục lượng bạc ra và kể lại chuyện quyên góp của mình. Mọi người nghe qua mừng rỡ lắm. Lưu Yến Ngọc nói:
- Ngươi quả là con người đảm đương! Thôi , hãy đi ăn cơm nhanh lên rồi còn đi mướn kiệu.
Nói rồi, Lưu Yến Ngọc cùng Giang Tam Tẩu và Phạm Như lo đi thu xếp đồ đạc. Lát sau đã thấy Giang Tấn Hỉ về, lại thấy trên tay hắn có cầm bó nhang để cho Lưu Yến Ngọc làm lễ Phật.
Lưu Yến Ngọc tiếp lấy bỏ nhang, đi đến trước bàn Phật đốt lên rồi quỳ lạy xin Phật hộ trì cho nàng về kinh cứu đặng thân phụ ra khỏi cơn tai ách.
Nàng vái rồi, lấy năm phân bạc gói trong tờ giấy đỏ định đem ra tạ ơn sư Thiện Linh . Giang Tam Tẩu liền cản lại:
- Chúng ta ở đây bị người khinh bỉ hành hạ khổ cực trăm bề, ngày nay may đặng thoát khỏi còn tạ ơn nỗi gì?
Lưu Yến Ngọc nói:
- Tánh người đã tham của mà ta không cho tiền thì làm gì sau này người cũng đặt điều nói xấu chúng ta chớ chẳng không?
Giang tấn Hỉ nói:
- Tiểu thơ nói phải lắm, cứ cho lão ta chút ít cũng chẳng hề chi.
Sau đó, Phạm Như vào lạy tạ từ sư Thiện Linh cùng các tăng chúng, kế Lưu Yến Ngọc vào để gói bạc trên bàn rồi lễ phép nói với sư Thiện Linh:
- Lâu nay tôi mang ơn sư phụ rất nhiều, nay ra đi xin dâng chút ít của mọn , mong sư phụ nhận cho.
Sư Thiện Linh nghe nói mừng rỡ, vội lấy bỏ túi ngay.
Rồi Lưu Yến Ngọc cáo từ lên kiệu, hai chị em Giang Tam Tẩu theo sau, còn Giang Tấn Hỉ đi trước dẫn đường.
Đến nơi, mọi người xuống thuyền chào hai vị phú thương rồi đem đồ ra khoang sau mà ở.
Tên lái thuyền thấy hành khách xuống rồi, liền nhổ neo trương buồm nhắm Bắc Kinh thẳng tiến.
Lời Bình:
- Không ai bảo rằng xã hội tiến bộ sẽ không còn nhân đạo . Cũng không ai hiểu rằng nhân đạo một ngày nào đó sẽ mất. Không ai rõ nhân đạo có từ bao giờ , mà tại sao muôn đời mến chuộng.
Giang Tấn Hỉ trước kia cứu Hoàng Phủ Thiếu Hoa không phải vì phản chủ, cũng không phải vì thương Hoàng Phủ Thiếu Hoa, mà chỉ vì lòng nhân đạo. Rồi đến ngày gia đình Lưu Tiệp bị tai nạn. Giang Tấn Hỉ vẫn tận tình lo lắng, đó cũng chỉ vì lòng nhân đạo. Một kẻ biết sống trên nhân đạo, ai cũng mến. Một kẻ nô bộc sống trong một gia đình mưu mô độc ác, thế mà Giang Tấn Hỉ giữ được lòng mình, thật hiếm có.
Đến như Lưu Yến Ngọc dù cha nàng , anh nàng có lầm lỗi đi nữa, thì cũng không vì cái lầm lỗi ấy mà tình cha con , anh em bị mất đi.
Trong lúc tác giả diễn tả những nhân cách cao thượng hoặc hèn mạt, thì tác giả cũng đã cho chúng ta thấy những cái gì cao quý, thiêng liêng về tình cảm. Cho nên Tái Sanh Duyên là một bộ truyện gần gũi với xã hội, với tâm trạng con người trong thời ấy.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Tái Sanh Duyên.