• 1,116

Hồi 71: Trước mặt cha, Mạnh Lệ Quân tạ tội; Giữa triều chính, Lệ Thừa tướng tâu bàỵ


Dịch giả: Nguyễn Đỗ Mục
Nguồn: NXB Văn Hóa Thông Tin
Khi Tố Hoa lui ra, Lệ Minh Đường liền sai Vinh Phát ra mời Mạnh Thượng Thơ và Mạnh Gia Linh vào.
Vinh Phát lắc đầu đáp :
- Tôi không dám ra đó đâu !
Lệ Minh Đường gắt :
- Thì mi cứ việc nghe lời ta, không sao đâu mà sợ !
Vinh Phát cực chẳng đã phải vâng lời bước ra nhà khách Mạnh Gia Linh Thoáng thấy, đưa mắt ra dấu bảo Mạnh Sĩ Nguyên . Mạnh Sĩ Nguyên nhìn thấy cũng biết là con Vinh Lang, so với năm xưa có phần lớn hơn và xinh đẹp hơn nhiều.
Vinh Phát chắp tay nói:
- Thừa tướng tôi dạy mời Mạnh Lão gia và Mạnh Học sĩ vào nhà trong.
Hai cha con Mạnh Sĩ Nguyên liền theo chân Vinh Phát vào thơ phòng, Lệ Minh Đường mới ngồi rồi quỳ xuống thưa:
- Đứa con Mạnh Lệ Quân bất hiếu này thọ tội bấy lâu, xin thân phụ và thân huynh tha thứ cho.
Con Vinh Lang cũng lạy thưa :
- Con đây không phải là Vinh Phát mà là Vinh Lang, xin yết kiến lão gia và công tử.
Mạnh Sĩ Nguyên hầm hầm sắc giận, nghiến răng nói:
- Ngày trước giữa triều đình mi tranh biện với ta, miệng lưỡi sắc như đao, thiếu chút nữa là thân già này vương phải tội rồi. Ngày nay, thân mẫu mi vì việc Mạnh Lệ Quân giả ở Vân Nam đến mà bịnh cũ lại tái phát, thế thì muôn sự do tại mi đó .
Lệ Minh Đường nói:
- Trước kia, khi tương nhận, con có dặn rằng nếu cho Hoàng Phủ Thiếu Hoa hay thì nhất định con không thừa nhận. Huống chi ở lúc ở trong triều, giữa đủ mặt bá quan mà bảo con nhận làm sao được? Nhưng bây giờ con định sáng mai con sẽ dâng biểu xin xải trang. Con đoán biết thế nào Thánh thượng cũng giận dữ, khó mà bảo toàn tánh mạng. Vậy xin thân phụ cà thân huynh hãy ráng sức cứu con.
Mạnh Sĩ Nguyên nói:
- Thánh thượng là người nhân từ, chắc không hề chi đâu, duy chỉ có Lương Thừa tướng là nguy hiểm hơn cả, vì con đã làm dang dở cuộc đời con gái của người, thế nào người cũng làm khó dễ. Hơn nữa, môn sanh của Lương Thừa tướng chiếm đại số trong triều đình mà bảo ta chống trả làm sao cho nổi?
Lệ Minh Đường nói:
- Việc ấy không hề chi, xin thân phụ chớ lo. Vì con gái Lương Thừa tướng chính là Tô Yến Tuyết đó! Nguyên khi trước chị Tô Yến Tuyết hành thích Lưu Khuê Bích thất bại, nên gieo mình xuống Côn Minh trì, may gặp bà Cảnh Phu nhơn vớt lên, nhận làm nghĩa nữ. Chị đính ước cùng con sẽ cùng nhau nâng khăn sửa tráp cho Hoàng Phủ Thiếu Hoa .
Lệ Minh Đường nói chưa dứt lời thì Tô Yến Tuyết từ ngoài bước vào cúi lạy Mạnh Sĩ Nguyên và thưa:
- Xin lão gia chớ lo, vợ chồng Lương Thừa tướng yêu tôi như con ruột, để tôi cầu xin người, thế nào người cũng thứ dung. Xin lão gia chỉ đề phòng phần Thánh thượng mà thôi.
Mạnh Sĩ Nguyên mừng rỡ, lật đật đỡ Tô Yến Tuyết dậy, rồi nói:
- Nàng đã vì tiện nữ mà liều thân, chịu thiệt thòi một kiếp hồng nhan, nay lại vì tiện nữ mà kêu cầu cứu nữa, ân đức ấy kể sao cho xiết.
Tô Yến Tuyết nói:
- Mẹ con tôi chịu ơn lão gia ngót mười sáu năm trời, làm sao báo đáp cho vừa? Xin lão gia chớ dạy quá lời!
Mạnh Sĩ Nguyên nói:
- Nếu được Lương Thừa tướng dung tình thì ắt xuôi việc, còn Thánh thượng vốn tánh nhơn từ, ta tin chắc người không bắt tội đâu, con hãy an tâm.
Lệ Minh Đường nói!
- Con biết chắc thế nào Thánh thượng cũng bắt tội, xin thân phụ chớ nên thờ ơ, hãy đến nói cùng nhà Hoàng Phủ bảo mau mau báo tin cho Hoàng hậu biết, nhờ người tâu lên Hoàng Thái hậu giáng chỉ ân xá cho thì mới có thể cứu mạng con được. Nhưng thân phụ và thân huynh phải giữ cho kín, kẻo tiết lộ ra thì hư việc.
Mạnh Sĩ Nguyên hỏi:
- Nhưng vì cớ gì mà con định sáng mai này dâng biểu xin cải trang?
Lệ Minh Đường đáp:
- Con làm quan đến mực này và đã mấy lần chấp chánh chủ khảo, môn sanh khắp thiên hạ, tưởng cũng đã mãn nguyện rồi, Nay không cải trang , còn đợi đến chừng nào nữa!
Hai cha con Mạnh Thượng Thơ nhận lời, cùng nhau lên kiệu ra về.
Nhắc qua, khi cha con Hoàng Phủ Kính về phủ, Thiếu Hoa mới thuật rõ mấy lời yêu cầu của Lệ Minh Đường rồi nói:
- Lúc đầu con mới vào thơ phòng. Lệ Thừa tướng làm ra vẻ giận dữ, nhưng sau lại tỏ vẽ vui mừng . Người hứa với con rằng: Nội trong vài ba ngày nữa đây sẽ có Mạnh Lệ Quân xuất hiện. Người bảo con về thưa với thân phụ hãy thông tin vào cung nhờ Hoàng Thái hậu can thiệp hộ. Con đoán chắc hôm nay người đã hồi tâm, muốn cải trang rồi đó.
Hoàng Phủ Kính nói:
- Ta tin chắc người uống Phiên tửu đã bị tháo giày bại lộ chân tướng rồi, nên bây giờ mới có ý định như vậy. Nhưng nếu đã khám nghiệm biết Lệ Thừa tướng là nữ lưu, sao Trưởng Hoa lại khg báo tin cho ta biết?
Doãn Phu nhơn gật đầu phụ họa:
- Phải đấy, vì xét ra Lệ Thừa Tướng lâu nay có điều gì phạm pháp đâu? Hôm nay bỗng dưng người bảo rằng người sẽ mang trọng tội, thì chắc chắn là cái tội gái giả trai rồi.
Doãn Phu nhơn nói vừa dứt lời, bỗng có nữ tỳ vào báo:
- Có cha con Mạnh Thượng thơ đến.
Hoàng Phủ Kính và Hoàng Phủ Thiếu Hoa vội vàng ra nghinh tiếp vào. Trà nước xong, Hoàng Phủ Kính hỏi:
- Chẳng hay hôm nay thân ông và lịnh lang có việc chi mà lộ vẻ lo lắng lắm vậy?
Mạnh Sĩ Nguyên liền bảo Hoàng Phủ Kính đuổi người nhà ra ngoài hết, đoạn đem hết sự việc nói rõ đầu đuôi cho cha con Hoàng Phủ Kính nghe.
Cha con Hoàng Phủ Kính nghe nói Lệ Minh Đường là Mạnh Lệ Quân định cải trang, và con gái Lương Thừa tướng lại là Tô Yến Tuyết, nên lòng mừng khấp khởi:
- Thế thì cũng không đến nỗi bị Lương Thừa tướng oán trách, còn Thánh thượng vốn tánh nhân từ, chắc không sao đâu.
Mạnh Sĩ Nguyên nói:
- Xưa nay tiện nữ đoán việc gì cũng không sai. Hôm nay nó đoán thế nào Thánh Thượng cũng buộc tội thì tôi e chuyện không phải tầm thường, xin thân ông chớ nên thờ ơ, hãy tin vào cung để nhờ Thái hậu can thiệp giùm mới được.
Hoàng Phủ Kính vâng lời, cha con Mạnh Sĩ Nguyên cáo từ lui về. Hoàng Phủ Kính liền vào trong, nói rõ đầu đuôi cho Doãn Phu nhơn nghe và hối Doãn Phu nhơn phải vào cung gấp để lo việc cứu tánh mạng Mạnh Lệ Quân.
Doãn Phu nhơn nói:
- Bây giờ trời đã gần tối rồi, nếu tôi đi thì sợ không còn kịp nữa, vậy phu quân hãy gấp rút viết thư, sai người vào đó thì nhanh chóng hơn.
Hoàng Phủ Kính khen phải, rồi vội viết thư sai gia tướng đem vào cung trao cho Trưởng Hoa Hoàng hậu. Trưởng Hoa Hoàng hậu tiếp được thư liền phúc đáp ngay cho Hoàng Phủ Kính. Hoàng hậu hứa sẽ bảo tấu củng Hoàng Thái hậu, nhờ người bảo vệ tánh mạng cho nàng.
Lúc ấy, Tô Đại nương biết rõ con gái Lương Thừa tướng là Tô Yến Tuyết thì lòng mừng không xiết. Còn Lưu Yến Ngọc lại buồn rầu lo lắng, sợ lâu nay mình đối xử với Tô Đại nương không khéo, có thể khi mẹ con gặp nhau rồi báo thù mình thì nguy lắm!
Lại nói Lệ Minh Đường và Tố Hoa đợi hết canh một mới dắt nhau ra thú thật cùng Lương Thừa tướng và Cảnh Phu nhơn. Hai ông bà nghe qua , lấy làm ngạc nhiên, cho là một việc quá lạ lùng!
Lương Thừa tướng ngồi suy nghĩ hồi lâu rồi khen:
- Mạnh thị một lòng thủ tiết đến thế quả thật trên đời ít có, còn con ta đây quyết liều một kiếp xuân xanh để báo thù cho họ Mạnh, thì lý do nào ta lại không động lòng thương sao? Nếu vậy thì sáng mai đây ta phải lánh mặt không vào triều, để đợi khi nào việc này được triều đinh giải quyết ổn thỏa, ta sẽ lo liệu cho con ta.
Lương Thừa tướng nói dứt lời, rồi bảo hai người an nghỉ. Cả hai mừng quá, đứng dậy vái dài rồi đi thẳng về thơ phòng.
Cảnh Phu nhơn nói với Lương Giám:
- Mạnh Lệ Quân vì chồng mà thủ tiết, lại ra thân dầu dãi quyết một lòng bảo vệ cho chồng, nghĩ thật đáng khen, còn con gái ta đã vì họ Mạnh báo thù, cam chịu lẻ loi suốt mấy năm trường, cũng thật đáng kính phục thay.
Lương Thừa tướng mỉm cười, nói:
- Con gái ta cũng là kẻ trọng nghĩa, vậy để ta bảo họ Mạnh khi kết duyên cùng Trung Hiếu vương phải để nó ngang nhau, chớ không nên để kẻ khinh người trọng.
Cảnh Phu nhơn cười nói:
- Phu quân nói vậy sao được. Thế thường kẻ đến trước là chị mà kẻ đến sau là em, chứ có bao giờ lại ngang vai?
Lương Thừa tướng cười gằn:
- Phu nhơn nói như vậy tức là phu nhơn không biết gì về cái uy quyền của vị Thừa tướng này cả. Phu nhơn nên biết rằng, đã là con gái của quan Thừa tưóng thì không bao giờ chịu làm thứ thất ai đâu. Nhật định tôi sẽ tâu cùng Thánh thượng , xin người phê chuẩn cho con gái ta làm chánh thất để khỏi phụ lòng hiếu của nó, và ta đây mới thỏa dạ.
Lúc ấy bọn nữ tỳ cũng chạy vào trong , nói cho vợ chồng Khương Nhược Sơn hay. Khưong Nhược Sơn cười ha hả:
- Lệ Thừa tướng là nữ lưu giả dạng nam trang, hèn chi nhan sắc đẹp tuyệt vời, thế mà lâu nay ta không biết chớ!
Tôn Phu nhơn tái mặt nói:
- Nếu Lệ Thừa tướng là Mạnh Lệ Quân thì tất nhiên phải kết duyên cùng Hoàng Phủ Thiếu Hoa , thế thì công trình chúng ta xây dựng bấy lâu nay biến tan theo mây khói! Sao phu quân không lấy thế làm buồn, mà vui cười là ý gì?
Khương Nhược Sơn nói:
- Phu nhơn quả là người không có một chút kiến thức gì hết!Mạnh Lệ Quân vốn một trang kỳ nữ trong thiện hạ, nếu nàng có kết duyên cùng Trung hiếu vương thì cũng xử trí với ta ổn thỏa, chứ cần chi ta phải lo.
Tôn Phu nhơn gật đầu như thức tỉnh, trong lòng cảm thấy vui vui.
Đêm hôm ấy, hai cha con Hoàng Phủ Kính thức dậy hồi cuối canh năm, đến mời cha con Mạnh Sĩ Nguyên vào triều.
Khi vua Thành Tôn lâm triều, Lệ Minh Đường vào phủ phục trước kim giai, tâu rằng:
- Muôn tâu bệ hạ! Hạ thần là Lệ Quân Ngọc xin dâng biểu trần tình, kính trình Thánh thượng ngự lãm!
Vua Thành Tôn nghe tâu, nghĩ thầm:

Ta tin chắc không khi nào nàng dám trái ý ta đâu
.
Nghĩ đoạn, vua truyền chỉ cho đứng dậy rồi bảo nội giám đem tờ biểu trao cho quan Trực nhựt học sĩ tuyên đọc.
Quan Trực nhựt học sĩ cầm tờ biểu của Lệ Quân Ngọc ra đứng giữa triều, trỗi giọng đọc:

Thần là Hữu Thừa tướng Lệ Quân Ngọc, tức là tội thần Mạnh Lệ Quân, lấy làm lo sợ vập đầu khẩn tấu trước bệ, ngưỡng mong Thành Thượng rộng lòng ân xá.

Thần thiếp đây vốn người Vân Nam, thuộc dòng Châu thị, cũng là con nhà thế phiệt, nòi giống thơ hương, hộ phận liễu bồ, may được theo đòi nghiên bút.

Thân phụ thiếp là Mạnh Sĩ Nguyên đã mấy đời ăn lộc nước, muôn thuở chịu ơn vua, vẻ vang chức trọng quyền cao, mãn cao áo dài. Thân mẫu thiếp là Hàn thị, được phong Nhứt phẩm Phu nhơn. Thân huynh Mạnh Gia Linh được vinh thăng đến Lưỡng ban thanh tuyển.

Thuở bệ hạ vừa lên ngôi cửu ngũ thì thân phụ thiếp đang về hưu, an dưỡng tấm thân già. Lúc ấy, thần thiếp xuân xanh vừa độ cập kê, tuổi ngọc đang thì đợi giá. Thì có Khuê Bích, thứ tử họ Lưu, cùng với Thiếu Hoa, trưởng Nam nhà Hoàng Phủ, cùng đến xin đính ước kết nghĩa châu trần. Quan Bố chánh Tần Thừa Ân và quan Hoàn lộ tự khanh Cố Hoằng Nghiệp đến trao lời môi chước, đứng làm mai kết thân cho hai họ.

Thân phụ thiếp là Mạnh Sĩ Nguyên, thấy hai nhà đến thỉnh cầu một lúc, khó quyết đoán việc tơ tóc trăm năm. Bởi thế mới bày ra cuộc thi tiễn cho hai vị tài tử đua nghề. Cậy ba mũi tên thần, duyên nợ rũi may do thiên định. Hoàng Phủ Thiếu Hoa bắn trúng cả ba, chứng tỏ đáng mặt anh tài, chỉ nợ đã về tay, thân phụ thiếp mới thuận vầy duyên Tần Tấn.

Ngờ đâu Lưu Khuê Bích đem lòng oán hận, sắp đặt mưu gian, làm cho Thiếu Hoa suýt thiệt mạng, nát cửa tan nhà, lưu linh cực khổ; lại cậy thế Lưu Hoàng hậu, nhờ thân phụ cậy người xin giáng chỉ tứ hôn, khiến thần thiếp hổ phận nữ nhi, câu
tùng nhứt nhi chung
vắn cổ kêu trời sao thấu? Thần thiếp đành phải cải dạng trốn đi. Tuy đã liều thân dấn bước lưu linh, nhưng còn sợ trái mạng vua, gây tai nạn cho thân phụ, nên thần thiếp phải tìm người thay. Nào hay nàng họ Tô đã không chịu se duyên, lại quyết liều thân báo oán. Hổ vì sức liễu bồ vốn yếu, nên mũi bạc kia không giết được kẻ thù, đành giữ vẹn tấm băng trinh , đem sanh mạng phó cho dòng nước bạc.

May cho người ngay trời chẳng phụ, khiến Cảnh Phu nhơn vớt đặng đem về, Lương Thừa tướng thương tình nhận làm nghĩa nữ. Lúc bấy giờ thần thiếp như chiếc nhạn lạc bầy, bơ vơ nơi khách địa. Áo Du Tử mịt mờ muôn dặm, mong Cao Đường thổn thức năm canh. Phải chăng với Thiếu Hoa kia, kiếp trước có nợ ba sanh, hy vọng sẽ có ngày tái ngộ, nên tấc dạ đinh ninh, hiểm nguy không nản, lao khổ chẳng sờn.

May thay, đất Hồ Quảng có vị phú thương Khương thị, vốn lòng mến kẻ nho sanh, nên nhận thần thiếp cho làm nghĩa tử, mới có điều kiện rèn luyện sử kinh, rồi may mắn liên trúng tam nguyên, rồng gặp hội thanh vân đắc lộ. Vì mến tài, Lương Thừa tướng mời đến, gả cho thứ nữ Tố Hoa; thần thiếp tưởng tình sư đệ, chẳng dám trái lờinên phải lãnh đồng sàng phận rễ.

Ngờ đâu khi hiệp cẩn, tình cờ lại gặp cố nhơn, ơn cũ nghĩa xưa, mới khỏi điều tiết lộ. Từ đó, thần thiếp thong thả ra vào cửa các, vì thấm chịu rất nhiều nên cố đáp đền ân nghĩa, không dám xuất hiện nguyên hình. Thần thiếp tự thấy mình vô nhân vô tước, lại thêm trí thiển tài sơ, nên chẳng bao giờ tự cao tự mãn. Bấy lâu nay vẫn định tâm xây dựng sơn hà, đáp ơn Thánh thượng, đợi lúc về hưu sẽ tố trần sự thật. Nay bỗng dưng chân tình bại lộ, thần thiếp tự thấy thân này mang trọng tội, chiếu luật nước khó bao dung. Chỉ còn biết nhờ lượng biển trời soi xét, dung thứ phận hèn; muôn thuở đội ơn, bằng không , búa rìu xin cam chịu?

Muôn tâu Thánh thượng!

Nay thân phụ thần thiếp, tuổi hạc đã cao, ngày tháng chờ mong gặp mặt trẻ thơ, còn thân mẫu thần thiếp thì nhớ thương, lâm bịnh thang thuốc biết cậy vào ai? Thương lấy cảnh già, tình ô liễu đáp đền trong muôn một. Nếu được thứ dung, thân khuyến mã này nguyện khắc cốt ghi tâm. Thần thiếp cúi đầu khiếp sợ cầu xin, tánh mạng này còn mất là nhờ lượng trên soi xét
.
Nghe xong mấy lời bảo tấu của Mạnh lệ Quân, vua Thành Tôn nghĩ thầm:

Vì quá yêu nàng, ta đã hạ mình dãi gió dầm mưa, nhịn đói nhịn khát đến nhà nàng, hết lời khuyên bảo có một lời mà nàng quyết không chịu nghe, nhẫn tâm phụ bạc. Than ôi! Ta đã khổ công, té ra vô ích

Nghĩ đến đây, máu hận sôi lên, vua Thành Tôn nghiến răng trợn mắt, vỗ long án, nạt to:
- Hay cho Mạnh Lệ Quân cả gan thật! Phận liễu bồ nhược chất dám cải dạng nam nhi, khi quân phạm thượng , hí vũ đại thần, tội kia dù banh thây cũng chưa đáng? Nay lại dám múa bút tâu liều, tưởng đâu trẫm không noi theo phép nước mà hành tội ngươi được sao?
Dứt lời, vua lập tức truyền võ sĩ áp lại trói Mạnh Lệ Quân đem ra pháp trường xử trảm.
Lời Bình:
Lúc này Mạnh Lệ Quân đứng ra tạ tội với Mạnh Sĩ Nguyên, tất nhiên bị quở trách. Nàng viện lý do là tại song thân không giữ bí mật để cho bại lộ, thành thử nàng mới có thái độ bất hiếu như vậy. Lý do này không vững vàng chút nào cả, chắc nàng cũng thừa hiểu việc bại l ộlà ngoài ý muốn của song thân. Hơn nữa, đã là kẻ sanh thành thì dù c ólàm gì đối với con, con cũng không nên viện lý do để trách cứ; mà đã trách cứ tức là bất hiếu rồi, không còn chối cãi đằng nào được nữa!
Khi được biết Mạnh Lệ Minh Đường là Mạnh Lệ Quân cải trang, vợ của Khương Nhược Sơn biến sắc mặt nói:
Thế thì công của ta bỏ ra xây dựng bấy lâu nay đều mất hết
.
Vợ chồng Khương Nhược Sơn bỏ tiền của ra nuôi Lệ Minh Đường , có phải là do họ thấy anh chàng thư sanh nghèo nàn sống lưu lạc nên bảo bộc hay không? Xin thưa: Không phải thế?
Khương Nhược Sơn là một nhà phú thương , tất nhiên làm việc gì cũng tính vốn, tính lời, nên việc nuôi nấng Mạnh Lệ Quân chẳng qua là muốn phóng tiểu hao để thu đại lợi. Trong lúc người ta có của tiền vinh dự thì muốn cầu địa vị danh vọng nữa là đủ; mà xét con rể của ông ta là những hạng bất tài, làm gì nhờ vả được. Vì vậy, ta cũng khá khen cho ông Khương Nhược Sơn có con mắt tinh đời, chỉ thoáng nhìn qua đã biết Mạnh lệ Quân là người tài nên mạnh dạn bỏ tiền ra nuôi nấng , quả là một tay buôn gian hùng.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Tái Sanh Duyên.