• 1,575

Chương 52


Số từ: 2835
Nguồn: NXB Văn Học
NGÀY THỨ NĂM
Tác giả: Umberto Eco
Cuộc tranh luận
về sự cơ nghèo của Chúa Kitô
Tim tôi bị dày vò bởi trăm ngàn nỗi khắc khoải sau cảnh tượng đêm qua, nên buổi sáng ngày thứ năm, khi tôi thức dậy, thì chuông báo Kinh Đầu đã điểm. Thầy William lắc tôi thật mạnh, đe rằng hai phái đoàn sẽ gặp nhau chốc lát nữa thôi. Tôi nhìn ra cửa sổ, chẳng thấy gì cả. Làn sương mù hôm qua, giờ vẫn là lớp màn sữa đục phủ trùm lên toàn cao nguyên.
Khi bước ra ngoài, cảnh tu viện hiện ra ngỡ như chưa từng trông thấy nó bao giờ. Từ xa xa, ta nhận ra được vài tòa nhà chính – như giáo đường, Đại Dinh, nhà nguyện – dù vẫn mờ mờ ảo ảo như bóng lồng trong bóng, còn các khu nhà khác thì đến gần mấy bước mới nhận ra. Đồ đạc và thú vật dường như đột hiện lên từ cõi hư vô; người ta hiện hình lên như những bóng ma, ban đầu màu xám, rồi dần dần, một cách khó khăn, mới nhận ra mặt.
Sinh ra từ miền Bắc, tôi không quen với loại thời tiết mù sương này. Có lẽ vào lúc khác, nó sẽ nhẹ nhàng gợi tôi nhớ đến những bình nguyên và lâu đài nơi quê hương tôi. Nhưng sáng hôm nay, thời tiết này đau đớn thay, lại giống với tâm hồn tôi quá, và nỗi buồn do nó đánh thức dậy cứ lớn dần lớn dần khi tôi chậm bước đến nhà nguyện.
Còn cách nhà nguyện vài thước, tôi thấy Bernard Gui chia tay với một người mà tôi chưa kịp nhận mặt. Khi người ấy đi qua, tôi mới biết là Malachi. Huynh ấy nhìn quanh như một người phạm tội không muốn bị ai bắt gặp.
Huynh không nhận ra tôi và bỏ đi. Bị óc hiếu kỳ thôi thúc, tôi đi theo Bernard và thấy hắn đang giở xem vài tờ giấy gì đó, có lẽ do Malachi vừa đưa. Đến cổng nhà nguyện, hắn ra dấu gọi trưởng nhóm cung thủ đang đứng gần đó đến và thầm thì vài lời với người này. Rồi hắn đi vào. Tôi tiếp tục bám theo.
Đây là lần đầu tiên tôi đặt chân đến đây. Nhìn từ bên ngoài, nhà nguyện lớn vừa phải, kiến trúc thanh nhã. Tôi nhận thấy nó vừa được xây lại trên tàn tích của một giáo đường nguyên sơ dành cho tu viện trưởng, mà một phần có lẽ đã bị hỏa thiêu.
Từ ngoài bước vào, người ta đi qua một cánh cổng kiểu mới, vòm nhọn không có trang trí, trên cùng là một cửa sổ hồng. Nhưng bên trong, người ta lọt vào một tiền sảnh xây dựng trên nền móng của một hành lang cũ. Đối diện là một cửa khác, vòm kiểu xưa, với một mạng giữa hình bán nguyệt, được chạm khắc tuyệt đẹp. Hẳn đó là cánh cửa của nhà thờ cũ, nay đã biến mất. Không có hình ảnh kỳ thú nào chạm khắc trên cánh cửa khiến người ta cảm thấy bất an, vì chúng không tượng trưng cho các tội lỗi trần thế hay nỗi khổ đau dưới địa ngục, mà chỉ muốn minh chứng rằng, Chúa Lời đã đến với toàn thế giới hữu tri và đang lan đến thế giới vô tri. Như thế, cánh cửa này là lời hứa hoan hỉ về một sự hài hòa, thống nhất, đạt được trong lời Chúa dạy, về một giáo hội tốt đẹp toàn thế giới.
Tôi nhủ thầm, đây là một điềm báo tốt cho cuộc họp sắp xảy ra bên trong ngưỡng cửa này. Tại đây, những con người vì những lời minh giảng mâu thuẫn về phúc âm đã trở thành kẻ thù của nhau, hôm nay có thể sẽ hòa giải được các ý kiến bất đồng. Tôi tự trách mình là một kẻ tội lỗi yếu đuối, cứ mãi khóc than vì nỗi đau riêng, trong khi những biến cố quan trọng trong lịch sử Thiên chúa giáo như thế này đang sắp xảy ra. Tôi so sánh khổ đau hèn mọn của mình với lời hứa cao cả về một nền hòa bình yên lành đã được khẳng định trong viên đá của mạng giữa. Tôi xin Chúa tha thứ sự yếu đuối của tôi, và tôi băng qua thềm cửa với niềm thanh thản mới.
o0o
Vừa bước vào, tôi thấy toàn bộ các thành viên của hai phái đoàn đã đến đông đủ. Họ ngồi đối diện nhau trên các băng ghế dài được sắp theo hình bán nguyệt, hai phe ngăn cách nhau bởi một chiếc bàn, nơi Tu viện trưởng và Hồng y Bertrand đang ngồi.
Thầy William đặt tôi ngồi cùng với các tu sĩ dòng Khất thực. Ở đây, có Cha Michael cùng các môn đệ, và các tu sĩ khác của dòng Francisco trong Triều Avignon, vì cuộc gặp gỡ này không nhằm làm ra vẻ một trận chiến tay đôi giữa người Ý và người Pháp, mà chính là cuộc tranh luận giữa những người ủng hộ giáo luật dòng Francisco với những người chỉ trích nó – những người thảy đều liên kết với nhau bởi lòng trung thành Công giáo vững chắc với triều đình Giáo hoàng.
Tu viện trưởng khai mạc phiên họp và cho rằng đây là lúc thích hợp để tóm lược các biến cố trong thời gian gần đây. Cha nhắc lại rằng, trong năm 1332, Đại hội chung của các thầy dòng Khất thực, họp tại Perugia, dưới sự lãnh đạo của Cha Michael xứ Cesena, đã xác lập một suy nghĩ đúng đắn là để nêu gương cho một cuộc đời hoàn thiện, Đấng Ki-tô và các tông đồ theo lời dạy của Ngài, đã chẳng bao giờ sở hữu một vật gì, dù là của cải hay hận thù.
Sự thật này là một điều trong đức tin và giáo lý của Thiên chúa giáo, được suy ra từ nhiều đoạn khác nhau trong các kinh sách. Như thế, việc từ bỏ quyền sở hữu mọi vật là xứng đáng và thiêng liêng. Hội đồng thành Viên năm 1312 cũng đã tán thành chân lý này. Chính Giáo hoàng John trong sắc lệnh
Đòi hỏi của một số người
[1] năm 1317, về tình trạng của các thầy dòng Khất thực, đã cho rằng sự khẳng định của Hội đồng đó là đúng đắn và hợp lý. Tu viện trưởng tiếp, thế nhưng năm 1323, John đã ban hành sắc lệnh ngày nay rất nổi tiếng là
Giữa một số người
[2] trong đó hoàn toàn lên án các luận thuyết của Đại hội Perugia.
Đến đây, giáo chủ Bertrand nhã nhặn ngắt lời Tu viện trưởng và bảo rằng năm 1324, để làm sự việc phức tạp hơn và để chọc giận Giáo hoàng, Vua Louis đã khẳng định các luận thuyết của Đại hội Perugia mà chẳng hề có căn cứ nào, rồi đặt mình chống lại Giáo hoàng, gọi Giáo hoàng là kẻ gây tai tiếng và gieo mầm mất đoàn kết, và sau cùng là kẻ cầm đầu dị giáo.
Tu viện trưởng liền tiếp tục và bảo phần đầu của cuộc tranh luận nên được tiến hành giữa các sứ giả của Giáo hoàng với những người con đại diện của Thánh Francis, những người bằng việc tham gia cuộc gặp gỡ này, đã chứng tỏ mình là những đưa con trung thành nhất của Giáo hoàng. Đoạn, Tu viện trưởng mời cha Michael, hay đại biểu của Cha, chỉ rõ lập trường mà Cha định bảo vệ tại Avignon.
Cha Michael bảo ông vui mừng thấy trong số những người tham dự sáng nay có Cha Ubertino xứ Casale, người mà chính Giáo hoàng năm 1322 đã yêu cầu viết một bản tường thuật đầy đủ về vấn đề sự cơ nghèo của Chúa. Ubertino là người tốt nhất có thể tóm lược các điểm cốt yếu của các tư tưởng mà ngày nay, vẫn là những tư tưởng của dòng Francisco không hề thay đổi.
Ubertino đứng dậy, và bằng một giọng nói đầy thuyết phục, nụ cười đầy hấp lực, cách lý luận rõ ràng và liên tục, Cha đã thu hút người nghe suốt thời gian trình bày, Cha đưa ra một bản luận văn dài rất uyên bác, nêu lên các căn cứ làm nền tảng cho các luận thuyết của Đại hội Perugia.
Nhưng đến đây, Jean d’Anneaux phía đối diện đã đứng dậy tuyên bố rằng, ông nghĩ các lập luận của Ubertino là trái ngược với sự suy luận đúng đắn lẫn sự minh giảng đúng đắn về Thánh kinh.
Bên dòng Khất thực, Jerome, Giám mục xứ Kaffa, đã nóng nảy đứng dậy. Hàm râu Huynh run lên vì tức giận, mặc dù đã cố nói giọng hòa hoãn. Huynh đưa ra các lập luận hơi lộn xộn. Thế nhưng các lý lẽ trái ngược của Jean de Baunine, phe Giáo hoàng, giờ đã điên tiết lên, nghe còn lộn xộn hơn. Cuộc tranh luận càng lúc càng gay gắt, và đã có thêm sự tham gia của Giám mục dòng Dominic xứ Alborea. Rồi Alborea đuối lý, bèn lao ngang qua khoảng ngăn cách dòng Khất thực và đoàn Giáo hoàng, la toáng lên và dùng những lời lẽ tôi chẳng dám nhắc lại, đe dọa sẽ bứt râu Giám mục xứ Kaffa, nhét râu ông vào đâu đó, để trừng phạt theo kiểu ăn miếng trả miếng.
Các tu sĩ dòng Khất thực vội chạy tới quây thành một vòng cản, bảo vệ người anh em của mình; bên Avignon nghĩ rằng nên tiếp tay với giám mục Dominic, người cùng phe mình, và thế là một trận cãi lộn ầm ĩ liền nổ ra. Tu viện trưởng và Hồng y phải cố hết sức mới dẹp yên, nhưng trong trận đấu võ mồm hỗn loạn tiếp theo đó, các tu sĩ dòng Khất thực và tu sĩ dòng Dominic mắng nhau hết sức nặng lời, như thể mỗi người là con chiên của của Chúa chống lại bọn Saracen[3]. Hai người duy nhất còn ngồi trên ghế là William phía bên này và Bernard Gui phía bên kia. Thầy William lộ vẻ buồn, còn Bernard lại ra mặt vui, khẽ nhếch mép cười.
Khi Alborea nắm lấy hàm râu của Giám mục xứ Kaffa, tôi hỏi thầy:
- Chẳng lẽ không có cách tranh luận nào để chứng minh hay phản bác sự cơ nghèo của Chúa tốt hơn ư?
- À, con có thể xác nhận cả hai lập trường, Adso ạ. Nhưng vấn đề không phải Chúa nghèo hay không nghèo mà chính là Giáo hội có buộc phải nghèo hay không, và
nghèo
không có nghĩa là có hay không sở hữu một cung điện. Thực ra, nó có nghĩa là xác nhận hay phủ nhận các quyền hợp pháp được sở hữu của cải trần gian.
- Thế thì tại sao Hoàng đế lại rất chú ý đến những gì dòng Khất thực nói về sự cơ nghèo.
- Đúng thế. Dòng Khất thực đang về hùa với Hoàng đế chống lại Giáo hoàng. Nhưng Marsilius và thầy xem đó là con dao hai lưỡi, và muốn triều đình ủng hộ quan điểm của chúng ta và phục vụ lý tưởng vì nhân loại.
- Thầy sẽ nói như thế khi người ta mời thầy phát biểu chăng?
- Nếu thầy nói như vậy, thầy sẽ hoàn thành sứ mệnh của mình là giải thích các quan điểm của những nhà thần học triều đình. Nhưng đồng thời, thầy cũng không chu toàn nhiệm vụ, vì thầy phải tạo điều kiện dẫn đến một cuộc gặp gỡ khác ở Avignon, và thầy e rằng Giáo hoàng John sẽ không nhất trí cho thầy đến đó, nếu thầy nói những điều này.
- Vậy thì…?
- Vậy thì thầy bị kẹt giữa hai thế lực đối nghịch nhau, như một con lừa loay hoay không biết nên ăn bao rạ nào. Thời điểm chưa chín muồi. Marsilius kêu gào phải có một cuộc đổi mới cấp tốc, nhưng không thể thực hiện được. Còn Hoàng đế Louis đâu có khá hơn các vị tiên vương, mặc dù hiện nay Ngài là thành trì duy nhất chống lại một tên xấu xa như John. Nếu họ không giết sạch nhau, thì thầy sẽ phải lên tiếng. Dầu sao, con cũng phải ghi lại tất cả những lời phát biểu: tối thiểu, chúng ta cũng lưu lại được biên bản của cuộc họp hôm nay.
Khi hai thầy trò tôi nói chuyện thì cuộc tranh cãi đã lên đến tột đỉnh gay gắt. Quả thực, tôi cũng không hiểu làm thế nào mà chúng tôi lại nghe giọng nói của nhau được. Bernard Gui bèn ra hiệu cho các cung thủ vào để tách hai phe ra. Nhưng, như những người bao vây và bị bao vây ở hai bên chiến lũy, họ vẫn chửi bới, lăng nhục nhau, người này không đợi người kia nói dứt lời như thường xảy ra trong các vụ tranh luận ở quê tôi, mà theo kiểu dân trời biển, câu này lấp câu kia, như những làn sóng của một đại dương cuồng nộ. Tôi ghi lại đây một cách lộn xộn, không rõ người nào nói câu nào.
- Phúc âm nói rằng, Chúa có một túi tiền!
- Câm mồm! Chính các người đã vẽ các túi ấy lên cả thánh giá. Thế ngươi sẽ nói sao về việc Chúa khi đến Jerusalem phải trở về nghỉ đêm ở Bethany[4]?
- Nếu Chúa muốn ngủ ở Bethany thì ngươi là cái thứ gì mà thắc mắc?
- Không, đồ ngu. Chúa về Bethany vì Ngài không có tiền trả phòng trọ ở Jerusalem!
- Quỉ thần ơi, nhà ngươi thật ngốc như lừa. Thế Chúa ăn gì ở Jerusalem?
- Thế thì một con ngựa được chủ cho ăn lúa để sống có phải là chủ của lúa không?
- Thấy chưa? Ngươi so sánh Chúa với con ngựa…
- Không, chính ngươi là kẻ đã so sánh Chúa với tên Giám mục buôn thần bán thánh của triều đình ngươi, đồ đống cứt!
- Thế ư? Đã bao nhiêu lần giáo hội phải vác chiếu hầu tòa để bảo vệ tài sản của các ngươi?
- Tài sản của giáo hội chớ không phải của chúng tôi. Chúng tôi chỉ sử dụng nó thôi!
- Sử dụng để tiêu pha, để xây dựng nhà thờ đẹp, có tượng vàng, đồ đạo đức giả, mồ cha cố tổ những tên xấu xa đê hèn. Ngươi thừa biết không phải sự cơ nghèo mà chính là việc từ thiện mới thực là nguyên tắc của một đời toàn thiện.
- Đó chính là những lời của tên Thomas háu đói của các ngươi!
- Đồ du côn, hãy giữ lời ăn tiếng nói. Người mi gọi là
tên háu đói
chính là một vị thánh của giáo hội La Mã!
- Thánh đếch gì! Được John phong thánh để chọc quê dòng Francisco! Giáo hoàng của các ngươi không thể tạo ra thánh, vì hắn chính là một tên dị giáo! Tên đầu sỏ dị giáo!
- Bọn ta đã nghe điều đó rồi. Những lời phun ra từ bọn ngụy Bavaria ở Sachsenhausen, được Ubertino của các ngươi nhai đi nhai lại!
- Chớ hàm hồ, đồ lợn, mày là con của con mụ điếm Babylon và những con đượi khác! Ngươi biết năm đó Ubertino không ở với Đức vua mà ở ngay tại Avignon để phục vụ Giáo chủ Orsini, và Giáo hoàng đã phái cha đến Aragon làm sứ giả!
- Biết quá rồi, tại bàn ăn của giáo chủ, lão thề sẽ sống đời nghèo nàn, mà nay lại ở trong tu viện giàu nhất của bán đảo nước Ý này! Ubertino, nếu ngươi không ở đấy thì ai đã ở đấy thúc giục vua Louis sử dụng tác phẩm của ngươi?
- Nếu vua Louis đọc tác phẩm của ta thì ta có lỗi gì? Chắc chắn vua không thể đọc sách của các ngươi, đồ vô học.
- Ta mà vô học ư? Chẳng phải Thánh Francis của các ngươi là đồ vô học, đi nói chuyện với ngan ngỗng sao?
- Đồ báng bổ!
- Mi mới chính là đồ báng bổ.
Đến đây, Hồng y Bertrand và Tu viện trưởng đồng thanh hét lên:
- Thôi đi, thôi đi các huynh kính mến!
Chú thích:
[1] Quorundam exigit
[2] Cum inter nonnullos
[3] Người Hồi giáo chống lại Thập Tự Quân
[4] Một thành phố cổ gần Jerusalem, trên núi Olives
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Tên Của Đóa Hồng.