Phần 11 - Chương 38: Thái Thượng Cảm Ứng Thiên và những câu chuyện
-
Thái Thượng Cảm Ứng Thiên
- Đức Thái Thượng Lão Quân
- 1297 chữ
- 2020-05-09 04:18:09
Số từ: 1282
Thái Thượng Cảm Ứng Thiên Hội Biên
Việt dịch: Cư Sĩ Vô Tri
BẠI NHÂN MIÊU GIÁ. PHÁ NHÂN HÔN NHÂN. CẨU PHÚ NHI KIÊU. CẨU MIỄN VÔ SỈ.
Làm thất bại việc cày cấy của người khác. Phá hoại hôn nhân của người khác. Mới giàu có chút đỉnh đã kiêu căng. Chạy tội, không biết xấu hổ.
1. Hạt giống mới nẩy mầm gọi là miêu, mạ sắp trưởng thành cây gọi là giá. Dân quê thường lấy nghề nông làm chủ, đầu năm làm lụng vất vả và mong cuối năm được mùa.
Khi lúa mạ bị phá thì cuối năm bị thất thu, nếu hoàn cảnh gia đình không khá thì sinh hoạt phải lâm vào cảnh túng thiếu. Bại nhân miêu giá dù là vô tâm (như sơ ý để trâu bò đạp ruộng của người), hay cố ý (vì tranh chấp thù hằn mà dẫn nước ngập ruộng người…) đều tổn phúc tổn thọ.
2. Hôn nhân là sự hòa hợp giữa đôi nam nữ của hai họ, là khởi đầu của sự nhân luân. Vợ chồng dù xấu hay đẹp, hiền hay ngu, phú quý hay bần tiện đều là duyên tiền định. Duyên của người đã trồng từ kiếp trước lẽ nào lại đi phá hoại, để duyên cầm sắt của người không thành.
Nếu vì thù oán mà tìm cách phá hoại để trả thù, vì tham tài sắc mà tìm kế hãm hại để người chia ly và sau đó chiếm đoạt, đều là tội lỗi, luật Trời khó dung.
3. Vào niên hiệu năm thứ hai của vua Hiếu Đế đời Minh, có nàng Tiểu Nga, vợ của một chàng thư sinh tên Hóa Chiêu, là người có nhan sắc đương thời. Tuy gia cảnh không khá, phải sống trong cảnh bần cùng túng thiếu, nhưng tình nghĩa vợ chồng lúc nào cũng đậm đà thắm thiết.
Trong làng có người nhà giàu tên là Háo Sắc, thấy nàng Tiểu Nga có sắc đẹp nên sinh lòng tà, và lập mưu để chiếm đoạt. Thấy gia đình Hóa Chiêu thường lâm vào cảnh túng thiếu, Háo Sắc đến làm quen với Hóa Chiêu, lại đóng vai một người bạn thân và mang tài vật giúp đỡ hai vợ chồng nghèo.
Hai năm sau, Háo Sắc rủ Hóa Chiêu ra ngoài đi buôn. Trên đường đi, Háo Sắc lấy rượu phục say Hóa Chiêu, sau đó đẩy Hóa Chiêu xuống sông.
Khi bị đẩy xuống sông, Hóa Chiêu bị nước sông làm tỉnh, cố bơi lên thuyền, Háo Sắc thấy vậy bèn lấy cây sào thọc chết Hóa Chiêu ở giữa lòng sông. Khi Hóa Chiêu chết, Háo Sắc trở về báo cho Tiểu Nga hay là trên đường đi, thuyền bị bão đánh đắm, Hóa Chiêu không may bị chết chìm.
Háo Sắc lại giả lòng tự trách mình:
Cũng là lỗi của ta, nếu không rủ Hóa Chiêu đi buôn thì đâu có gặp nạn này. Nói xong lại tỏ lòng thương xót cho người bạn quá cố và an ủi Tiểu Nga. Háo Sắc lại hứa sẽ lo liệu về sinh hoạt của nàng và người mẹ chồng già.
Vì biết đóng kịch, nên người nhà của Hóa Chiêu tưởng Háo Sắc là người tốt. Ba năm sau, khi Tiểu Nga mãn tang chồng, Háo Sắc sai người mai mối đến hỏi cưới Tiểu Nga.
Thân mẫu của Hóa Chiêu vì được sự giúp đỡ của Háo Sắc, lại không nỡ con dâu mình thủ tiết trong lúc còn trẻ, nên khuyên nàng dâu tái giá để làm lại cuộc đời. Tiểu Nga trong trường hợp bất đắc dĩ nên phải làm vợ của Háo Sắc.
Mười năm sau, vào lúc tiết hạ, hồ sen nở đầy hoa, Háo Sắc rủ Tiểu Nga ra ngoài hồ ngoạn cảnh. Khi đến bờ hồ, dưới hồ sen có con ếch nổi lên, Tiểu Nga thấy vậy lấy cây ra thọc. Ếch bị người thọc liền lặn xuống, trong chốc lác lại nổi lên, Tiểu Nga thấy ếch nổi lên lại lấy cây thọc nữa, ếch lại lặn xuống.
Và cứ thế, người thọc ếch lặn ếch nổi người thọc… Háo Sắc thấy cảnh này, tựa như cảnh mình đã đẩy Hóa Chiêu xuống sông rồi lấy sào thọc cho chết nên hứng cảnh ngâm hai câu thơ:
Hồi ức thập tam niên tiển sử,
Huyền tựa hà mô lạc thủy trời.
Hồi tưởng sự việc mười ba năm trước,
Tựa như cảnh ếch nhảy lặn xuống hồ.
Tiểu Nga nghe hai câu thơ của Háo Sắc, mường tượng được một phần nào sự việc đã xảy ra cho người chồng trước của mình vào mười ba năm trước, nên yêu cầu Háo Sắc viết lại để hòa theo. Háo Sắc sao lại nguyên văn của hai câu thơ cho Tiểu Nga. Tiểu Nga đọc xong hai câu thơ, quả quyết đoán rằng chồng mình đã bị Háo Sắc làm hại, nên nắm lấy Háo Sắc mà kêu oan.
Quan Phủ nghe người kêu oan, liền bắt Háo Sắc đem về huyện đường tra khảo. Háo Sắc nhận tội và bị xử tử về tội giết người đoạt vợ. Tiểu Nga khi lo việc ma chay và chôn cất Háo Sắc xong, nghĩ vì nhan sắc của mình mà hại chết hai người chồng, bèn tự vẫn mà chết.
4. Tục ngữ có câu:
Bần tiện sinh cần kiệm, cần kiệm sinh phú quý, phú quý sinh kiêu ngạo, kiêu ngạo sinh dâm dật, dâm dật lại sinh bần tiện. Đó là nhân và quả của phú quý, bần tiện. Nếu phú quý mà háo lễ, khiêm tốn nhã nhặn, thương người như tay chân, dù ở địa vị cao nhưng vẫn không có người đố kỵ, phú quý vì thế mà giữ được lâu dài.
Trần Nghiêu Tư là một vị quan đời Tống, có tài thiện xạ, người đương thời không ai bằng ông, ông ta vì thế mà sinh lòng kiêu căng. Ông thường hay tập bắn trong vườn nhà. Một hôm có ông lão bán dầu đi qua thấy ông đang tập bắn, liền đặt gánh xuống, nghấp nghé xem tiễn thuật của ông. Thấy ông bắn mười phát trúng được tám chín, lão bán dầu gật đầu mỉm cười.
Trần Nghiêu Tư gọi ông vào hỏi:
Lão cũng biết bắn à?
Ta bắn chưa được giỏi hay sao?
Lão bán dầu đáp:
Đó chẳng phải là giỏi, chẳng qua là quen tay mà thôi.
Trần Nghiêu Tư giận nói:
Lão dám khinh ta, như thế thì hãy bắn thử xem.
Lão bán dầu:
Lão không biết bắn, nghề của lão là bán dầu, lão chỉ biết rót dầu mà thôi.
Lão già nói xong, bèn lấy một cái bầu đặt xuống đất, để một đồng tiền lên miệng, lấy cái muôi từ từ rót dầu qua lỗ đồng tiền, mà không dây một tí dầu nào vào đồng tiền cả.
Trần Nghiêu Tư thấy vậy, tâm đắc khen lão bán dầu.
Lão nói:
Lão cũng chẳng giỏi gì, chẳng qua vì nghề nghiệp, làm lâu rồi quen mà thôi.
5. Trần Nghiêu Tư cười, cho là phải. Từ đó không còn kiêu căng và khoe tài thiện xạ của mình nữa.
Cẩu chỉ sự bất đáng, miễn nói về sự thoát miễn. Khi đã có lỗi đáng lẽ là sẽ chịu phạt, nhưng người chấp pháp luôn luôn nghĩ rằng, lòng khoan dung rộng lượng là một cơ hội tốt để người phạm pháp biết ăn năn hối cải mà tự sửa mình, nên không bắt tội. Được dịp may mắn như thế mà không biết thẹn, vẫn ngựa quen đường cũ thì quả là người vô liêm sỉ vậy.