Phần 11 - Chương 59: Thái Thượng Cảm Ứng Thiên và những câu chuyện
-
Thái Thượng Cảm Ứng Thiên
- Đức Thái Thượng Lão Quân
- 1907 chữ
- 2020-05-09 04:18:13
Số từ: 1892
Thái Thượng Cảm Ứng Thiên Hội Biên
Việt dịch: Cư Sĩ Vô Tri
THÍ DỮ HẬU HỐI. GIẢ TÁ BẤT HOÀN.
Trước tặng cho người, sau hối tiếc. Mượn vay không trả.
1. Giúp người sau lại hối hận là không có lòng thành, làm việc nghĩa mà nghĩ đến lợi là còn tính ít kỷ, thuộc lòng tà. Người cho ta mượn tài vật giúp ta tránh được cảnh khốn, nếu mượn mà không trả quả thật là người vô nghĩa vậy.
2. Trần Hi Di Tổ Sư sau khi đắc đạo, biết được quan Thái thú Lưu Tĩnh là vị ơn nhân của mình trong ba kiếp trước. Vì muốn tìm cách dẫn độ vị ơn nhân này, nên bày một chiếc bàn trước cửa nha môn của quan Thái thú để xem tướng cho người qua lại.
Một hôm Trần Tổ thấy Lưu Tĩnh cùng với một người hầu đi ra, nên đến nói với Lưu Tĩnh rằng:
Diện mạo của đại nhân kỳ lạ lắm, mời đại nhân hãy ngồi lại đây để bần đạo xem tướng cho đại nhân.
Lưu Tĩnh thấy dáng của Trần Tổ có vẻ thoát tục, cũng muốn dừng lại nhờ Trần Tổ xem tướng, nhưng ngặt gì trong mình có nhiệm vụ nên trả lời:
Hôm nay vì bận công vụ, ngày mai xin Đạo Trưởng đến nhà Tiểu Quan chỉ giáo.
Ngày thứ hai, Lưu Tĩnh cho người mời Trần Tổ đến nhà và dùng lễ thượng khách tiếp đãi.
Lưu Tĩnh hỏi Trần Tổ:
Xin Đạo Trưởng chỉ điểm, xem con đường tương lai của tiểu quan sau này có khá chăng?
Trần Tổ nhìn qua tướng mạo của Lưu Tĩnh một lúc rồi nói:
Tướng của đại nhân hơi khác với người thường, xin đại nhân chớ nên bắt tội, để bần đạo nói thật.
Lưu Tĩnh đáp:
Không sao đâu, có gì Đạo Trưởng cứ nói thẳng, số mệnh tốt hay xấu đều là nhân đã tạo từ những kiếp trước.
Vả lại tướng do tâm chuyển, cũng có thể thay đổi được.
Trần Tổ nói:
Tướng mạo của đại nhân mặt trước rộng, mặt sau hẹp. Điểm này chứng tỏ rằng công danh phú quý của đại nhân chỉ hưởng được một nửa đời trước, khi già sẽ chịu cảnh bần cùng và cô đơn.
Lưu Tĩnh nghĩ thầm:
Ta đường đường một vị Thái Thú dù tiền bạc không có bao nhiêu nhưng đồng lương cũng đủ cho ta sống, hơn nữa với ruộng vườn của ông cha ta để lại, dù ăn cả đời cũng không hết, làm sao có thể nghèo được?
Dưới ta có nhiều người hầu hạ như vậy, làm sao mà cô đơn được?
Cho nên không mấy gì tin vào lời của Trần Tổ, nhưng trong lòng không nói ra.
Trần Tổ lại hỏi:
Đại nhân còn muốn hỏi thêm gì nữa không?
Lưu Tĩnh đáp:
Mấy câu nói của Đạo Trưởng đã định đoạt chung thân của Tiểu quan rồi, còn hỏi gì nữa.
Nói xong, liền sai người nhà đem một nén bạc cho Trần tổ để đáp lễ.
Trần Tổ nói:
Người Xuất Gia không tích tiền bạc, xin đại nhân hãy giữ lại.
Lưu Tĩnh thấy Trần Tổ không nhận tiền bèn sai một gia bộc tiễn Trần Tổ ra về. Trần Tổ nói với người gia bộc rằng:
Năm năm sau, gia đình quan Thái Thú sẽ gặp tai biến, bần đạo với quan Thái Thú có duyên, sau này khi gặp tai biến, hãy đến núi Hoa Sơn kiếm bần đạo.
Ba năm sau, vì bị người gièm pha, Lưu Tĩnh bị vua cách chức, con trai lớn bị chém, người con thứ hai bị tù và chết trong lao ngục, người con thứ ba bị bệnh nặng mà chết.
Đến năm thứ năm, người vợ cùng người thiếp và đứa con út cũng lần lượt qua đời. Những người giúp việc trong nhà thấy gia đạo của Lưu Tĩnh đã suy đồi, cũng lần lượt bỏ đi, chỉ còn lại một gia bộc thân cận trung thành bên cạnh.
Trước sự biến đổi lớn lao này, Lưu Tĩnh cảm thấy buồn rầu vô hạn và cô đơn hơn bao giờ hết, nên nói với người gia bộc trung thành:
Ta chẳng làm điều gì ác cả, sao ông Trời lại bắt hại ta đến thế?
Nghe lời than của chủ nhân mình, người gia bộc sực nhớ tới lời dặn của Trần Hi Di Tổ Sư, mới nói với Lưu Tĩnh:
Lúc trước ông Đạo Sĩ có nói với con rằng khi nào đại nhân gặp tai biến thì hãy đến núi Hoa Sơn gặp ông ta.
Lưu Tĩnh nghĩ đến lời của Trần Tổ đã từng nói với mình:
Mặt trước rộng, mặt sau hẹp, nên phú quý chỉ hưởng được một nửa, nay quả nhiên ứng nghiệm và khen thầm tướng thuật cao minh của Trần Tổ, nên đi với người gia bộc đến núi Hoa Sơn tìm Hi Di Tổ Sư.
Trần Tổ hỏi rằng:
Lâu năm không gặp đại nhân, đại nhân gần đây mạnh giỏi chứ?
Lưu Tĩnh ứa nước mắt, đem biến cố của mình kể cho Trần Tổ hay.
Trần Tổ an ủi:
Sự đã như vậy, đại nhân có khóc cũng vô ích.
Lưu Tĩnh:
Xin Đạo Trưởng chỉ điểm:
Trần Tổ nói:
Bần đạo không phải là người xem bói, chỉ vì bần đạo có duyên với đại nhân, biết phúc của đại nhân, chỉ hướng đến 60 tuổi là hết, nên muốn độ đại nhân tu đạo để thoát cảnh luân hồi. Đại nhân trong kiếp trước là một người hành thiện, đem tài vật bố thí giúp người bần cùng.
Nhưng đến năm 60 tuổi, vì gặp tai biến, làm ăn không xuôi, bắt đầu hủy báng Thánh Hiền, trách Trời không có mắt, cho nên phúc của đại nhân chỉ được hưởng đến năm 60 tuổi mà thôi. Diện mạo của đại nhân, mặt trước rộng, mặt sau hẹp tức là trước có phúc, sau gặp họa, vì hành thiện hữu thủy vô chung và hủy báng Trời Phật. Nay đại nhân còn lại một số gia sản, đại nhân hãy bán hết để lấy tiền giúp đỡ cho kẻ nghèo.
Một khi tích đủ công đức, xương ngọc chẩm sau ót của đại nhân sẽ nổi lên, lúc đó đại nhân sẽ được hưởng phúc trở lại. Nhưng hồng phúc trong thế gian không được lâu dài, mong đại nhân hãy theo bần đạo tu đạo, sau này hưởng phần thanh phúc, tiêu dao miền Cực Lạc.
Lưu Tĩnh nghe xong lời chỉ thị của Trần Tổ, bèn từ giã cùng với người gia bộc trở vể nhà.
Trong thời kỳ đó, quân Hung Nô đến quấy nhiễu nước Tống và bắt hơn ba ngàn người, gồm cả người già với trẻ con. Quân Hung Nô đặt điều kiện, phải lấy một vạn nén vàng ra chuộc mới chịu trả người, nếu không mười ngày sau số người bị bắt, bất kể già trẻ hay lớn bé đều bị giết.
Lưu Tĩnh hay được tin này, bán hết gia sản của mình lấy đủ số vàng giao cho quân Hung Nô để chuộc lại số người đã bị bắt.
Trong tối hôm đó, khi đi ngủ, đang nằm xuống giường, Lưu Tĩnh đột nhiên cảm thấy xương ngọc chẩm nơi ót sau tự nhiện lồi lên, tinh thần sảng khoái muôn phần, mới nghĩ tới lời nói của Trần Tổ:
Khi nào xương ngọc chẩm nhô ra thì phúc sẽ đến, nay quả thật linh nghiệm.
Nhưng lại nghĩ thầm:
Tuổi mình đã ngoài sáu mươi rồi, còn phúc gì mà hưởng nữa. Chi bằng đến núi Hoa Sơn theo Trần Hi Di học đạo còn hơn.
Sáng hôm sau, khi thức dậy, Lưu Tĩnh thấy có cả ngàn người đang đứng trước cửa nhà mình.
Lưu Tĩnh ngạc nhiêu hỏi:
Các ngươi đến đây có việc gì chăng?
Những người đứng trước cửa đều là người bị quân Hung Nô bắt, khi thấy Lưu Tĩnh, tất cả đều quỳ xuống, đồng thanh nói rằng:
Chúng tôi đều là người bị giặc Hung Nô bắt, may nhờ đại nhân cứu giúp nên mới bảo tồn được tính mạng, nay chúng tôi kẻ ít người nhiều, góp tiền giao trả cho đại nhân.
Lưu Tĩnh không nhận và nói rằng:
Đó là sức của ta làm được, mấy người chớ nên làm như vậy
Có một người, vì thấy vợ con của quan Thái Thú đều đã chết, bèn đem người con gái của mình gả cho Lưu Tĩnh.
Lưu Tĩnh từ chối, xong quần chúng quỳ xuống và nói:
Đại nhân không biết, thầy Mạnh Tử có nói:
Không con nối dõi Tông đường là một điều đại bất hiếu, xin đại nhân chớ nên khước từ.
Lưu Tĩnh trong trường hợp đó không từ chối được, nên mới tục huyền. Năm sau người vợ trẻ sinh được hai đứa con sinh đôi, một trai và một gái.
Nghĩa cử lấy vàng chuộc người của Lưu Tĩnh truyền đến tai Vua Tống, nhà Vua ra lệnh phục chức cho Lưu Tĩnh. Hai người con của Lưu Tĩnh sau này, người con trai đỗ trạng nguyên, con gái được tuyển làm cung phi, cả hai đều hưởng cảnh vinh hoa phú quý.
Đến năm bảy mươi, Lưu Tĩnh từ chức về hưu, và lên Hoa Sơn theo Trần Hi Di Tổ Sư học đạo.
3. Vào mùa thu năm Mậu Ngọ đời Khang Hy, thành Yên Kinh có người tên Trương Nguyên, nuôi một con lừa, một ngày có thể chạy hai trăm dặm. Lừa này rất kỳ lạ, ngoài ba cha con Trương Nguyên ra không một người nào có thể cưỡi được, người cưỡi đều bị lừa cắn và hất cẳng đá.
Một hôm có chàng Dương Sinh mượn lừa của Trương Nguyên cưỡi chơi, lừa tỏ vẻ hiền lành, chịu cho Dương Sinh cưỡi.
Đêm hôm đó Dương Sinh nằm mơ thấy một người mặc áo đen đến nói rằng:
Ta là con lừa của Trương Nguyên, sinh thời thiếu ông ba trăm đồng không trả, nay cho ông cưỡi để trả nợ trước. Hôm qua ông cưỡi tôi 280 dặm mong sáng mai ông sẽ cưỡi tôi thêm 20 dặm cho đủ số.
Dương Sinh hỏi:
Ông nợ Trương Nguyên bao nhiêu tiền.
Người áo đen đáp:
Nhiều lắm, không thể đếm được.
Dương Sinh cảm thấy giấc mơ kỳ lạ, sáng hôm sau qua mượn lừa của Trương Nguyên để cưỡi chơi, đi được 20 dặm, lừa không đi nữa mà nhảy tung tăng, Dương Sinh bị lừa hất xuống đất.
Thấy hợp với lời của người áo đen nói trong giấc mộng, nên Dương Sinh nói với lừa rằng:
Ta đã biết rồi, ngươi đã không còn thiếu nợ của ta nữa, nhưng phải đi bộ 20 dặm đường về nhà thật là một việc khó cho ta.
Nay ta lấy mười đồng tiền mua cỏ cho ngươi ăn, ngươi chịu đưa ta về chăng?
Lừa như hiểu được ý người, hai mắt nhìn Dương Sinh tỏ vẻ bằng lòng và đưa Dương Sinh về nhà.
Về sau Dương Sinh mượn lừa của Trương Nguyên để cưỡi, lừa vẫn hất cẳng đá Dương Sinh như mọi người khác.