• 954

Chương 36 - Quyết chiến thầy trò Kim Luân Pháp Vương.


Số từ: 9111
Nguồn : sưu tầm
Hoắc Đô đưa mắt nhìn Dương Qua biểu diễn những đường gươm kỳ diệu, đẹp như tung hoa trước gió, chập chờn như chớp giật lúc mưa đông, cũng tự nhận là mình còn kém xa, trong thâm tâm lo lắng suy nghĩ:
- Không ngờ hôm nay lại gặp thằng oắt con tuổi nhỏ tài cao lung lạc, chịu bề thua sút một cách nhục nhã như thế này! Từ nay về sau còn xưng danh cùng ai được nữa để hòng xây dựng cơ đồ Vương bá nữa!
Trong lúc đang ngẩn ngơ đưa mắt nhìn theo đường gươm của Dương Qua phô diễn, bất thình lình thấy một lưỡi gươm phóng mạnh về phía hông mình ba nhát liên tiếp. Hoắc Đô thất kinh hồn vía, vội vã phi thân nhảy lùi ra đằng sau mấy bước rồi xoè quạt ra chống đỡ.
Giằng co được chừng ba hiệp, Hoắc Đô chợt nghĩ:
- Xem tài nghệ hắn có vẻ cao cường lắm, nếu cứ để giằng co mãi thì sẽ bất lợi cho mình, âu là ta dùng ám khí hại hắn cho rồi.
Dự định như vậy, Hoắc Đô bất thình lình hét lên một tiếng như sấm động, xoè quạt ra quạt liên tiếp không ngừng, áp dụng thuật "cuông phong lôi công" để mở đường cho cuộc tấn công Dương Qua.
Cứ tay phải quạt lia lịa, tay trái dùng tay áo rộng phất lên từng hồi tạo thành một trận cuồng phong đánh thốc về phía Dương Qua như bão táp, đồng thời, những phi tiễn trong tay áo phóng ra liên tiếp. Thuật ném ám khí này là điều cấm kỵ trong võ lâm, môn phái nào cũng phản đối, nhất là trong khi đang tranh đấu cũng những người trẻ tuổi dưới tay mình. Nhưng đối với Hoắc Đô trong lúc này, điều cần thiết nhất là giành được thắng lợi về mình, còn câu chuyện danh dự hay quy tắc võ lâm hắn không cần đếm xỉa đến. Không nói riêng gì về phi tiễn, mà nếu có cách ám toán nào nguy hiểm hơn, cho dù hèn hạ y cũng không nài hà.
Nhưng lạ một điều là mặc dù gió thổi, sấm động, phi tiễn lao ra vun vút nhưng Dương Qua vẫn bình thản đứng yên một chỗ, vung gươm che hết thân mình, biến thành một làn hào quang sáng loà bao bọc hết châu thân, dù cho múc nước tạt vào cũng khó mà ướt nổi. Những đường kiếm tung ra như chớp giật, cản hết bao nhiêu luồng quái phong và phi tiễn. Tuy lưỡi kiếm luân chuyển vun vút như mây, nhưng thái độ của chàng tỏ ra rất nhàn nhã chứ không hề tỏ ra cuống quít hay hấp tấp. Đó là thuật "Mỹ nữ kiếm pháp" trong "Ngọc nữ tâm kinh".
Có một điều đẹp mắt nhất là làn kiếm cuốn gió thổi tung những mảnh áo rách phất phơ như muôn ngàn cánh bướm, lắm lúc bay phần phật như những bầy ếch trắng đang nhảy nhót đùa trăng.
Trong nháy mắt, Dương Qua đã áp dụng thuật "Mỹ nữ kiếm pháp" hoá giải thuật "Cuồng phong lôi công" và ám tiễn của Hoắc Đô.
Thấy mưu kế của mình bất thành, Hoắc Đô lồng lộn như nổi cơn điên,đánh liều xông tới vung rộng cánh quạt tấn công dồn dập như một con hổ đói đang bắt mồi, với các thế võ ngày càng ác liệt và công lực ngày càng tăng thêm.
Dương Qua thì trái lại, dần dần đã giảm sút sức tấn công.
Là những tay kiệt liệt trong giang hồ, kinh nghiệm có thừa nên Hoàng Dung, Quách Tỉnh vô cùng lo lắng khi thấy Dương Qua đã yếu sức dần dần. Cả hai không biết làm sao, chỉ biết đứng xuýt xoa, nhăn mặt giùm cho chàng.
Trong khi ấy, ngoài việc dùng quyền cước, Hoắc Đô còn áp dụng thuật "tất phong phi sa" thổi thành trận cuông phong, bốc tung thành đám cát bụi mờ mịt, bao vây xung quanh.
Vợ chồng Quách Tỉnh không hẹn mà cùng hô lớn:
- Nguy quá, nguy quá...
Ngay trong lúc đó, Dương Qua vung gươm loé lên và hét lớn:
-Hãy cẩn thận, xem ám khí của ta đây!
Hoắc Đô đã dùng ám khí hại Chu Tử Liễu, nay nghe Dương Qua hô to như vậy cũng giật mình lo ngại. Y đoán thế nào trong lưỡi gươm cũng chứa sẵn ám khí như cây quạt của mình.
Liệu đoán như thế nên y hơi trầm mình, cẩn thận đề phòng.
Dương Qua thừa dịp ấy, tung người bay bổng lên cao, vung gươm đập mạnh vào người Hoắc Đô, nhưng chàng chỉ đập bằng bề sống chứ không phải là đập bằng bề lưỡi.
Bị một đòn đau điếng người, nhưng không thấy ám khí đâu hết, Hoắc Đô nổi giận thét lớn:
- Thằng oắt con, chỉ phách lối.
Dương Qua trợn mắt hỏi lại:
- Thằng mọi, mày mắng ai thế hả?
Hoắc Đô lặng thinh không đáp, áp dung thuật "Tất phong phi sa" thổi cát bụi mù mịt lên như cũ.
Dương Qua vung tay trái lên rồi dặn lại lần nữa:
- Ta phóng ám khí đây này, báo trước cho mà liệu hồn!
Hoắc Đô vội vàng lách mình sang bên phải, ngay lúc đó Dương Qua vung lứõi gươm từ tay phải chém sạt ngang qua một nhát, mũi gươm rạch luôn mấy lần vải, làm cho đứt tung cả dây thắt lưng của Hoắc Đô.
Tất cả quần hùng đứng ngoài cùng ồ lên một tiếng tỏ ý tiếc nuối, nhiều người lên tiếng:
- Uổng quá, sao không ghim luôn giữa ngực hắn cho rồi. Tiếc thật, chỉ còn một ly nữa mà thôi.
Bọn Mông Cổ thấy Hoắc Đô bị Dương Qua đâm rách áo thì người nào cũng tỏ vẻ thẹn thùng, lo sợ và bực tức.
Bị một đòn suýt chết, Hoắc Đô thấy lạnh cả xương sống, từ đó không dám khinh thường tấn công nữa.
Dương Qua hô tiếp:
- Bây giờ ta phóng ám khí đây nhé. Nói thật đấy, không phải đùa đâu.
Hoắc Đô cúi đầu né tránh nhưng không thấy gì hết, y vừa thẹn vừa tức tối thét lớn:
- Quân khốn kiếp, mi...
Nói chưa dứt câu, đã thấy hai luồng sáng bạc loé lên chập chờn trước mắt. Không còn cách nào khác để né tránh, Hoắc Đô chỉ còn biết nhảy vọt lên cao để tránh né, may ra thoát khỏi. Nhưng cũng đã muộn rồi. Y cảm thấy hai bên đùi tê buốt, nhưng ám khí có vẻ không có gì ác độc cả, nên tuy bị trúng cả nhưng không lấy làm đau đớn lắm.
Hoắc Đô điên tiết, định dùng độc đinh phóng lại để hạ sát Dương Qua cho rồi. Y chuẩn bị mấy mũi tên sắt như loại đã dùng để ném hại Chu Tử Liễu rồi dịnh vung quạt phóng ra.
Trong khi ấy, Dương Qua đã cười khanh khách và nói lớn:
- Này, cậu Vương tử, ta rất tiếc một người như ngươi, có đầy triển vọng mà ngày nay đành cam chiu bỏ mạng ở chốn Kinh Tử Quan này, kể ra cũng đáng phàn nàn lắm. Bây giờ mi đã sắp đến giờ chết rồi, còn định phóng đinh độc làm gì nữa, ta đâu có sợ!
Nghe nói dứt câu, quả nhiên Hoắc Đô cảm thấy hai bên đùi đã dần dần tê buốt, không chịu nổi nữa. Đau quá, không chịu nổi, y cầm cây quạt xoa nhẹ vào hai vết thương và có cảm giác như chất độc đang chạy rầm rập trong mạch máu, chuyển lên tim, tay chân bủn rủn, y la "ối" một tiếng, mặt mày tái mét, rồi ngã lăn ra đất, ngất xỉu tức thời.
Nguyên món ám khí mà Dương Qua dùng để phóng ra là "ngọc phong châm", một món bảo bối chân truyền của phái Cổ Mộ. Cây ki này nhỏ hơn sợi tóc, có tẩm nọc độc của loài ong trắng. Khi phóng ra không thấy đau đớn lắm. Nhưng sau đó, khi nọc ong đi vào máu thì cả người tê tái và ngất xỉu ngay tức khắc. Dù một cây cũng đủ bất tỉnh, huống chi Hoắc Đô lại bị trúng luôn mấy cây liên tiếp thì làm sao mà gượng cho nổi.
Quần hùng đứng ngoài trông vào thấy Hoắc Đô tự nhiên té ra bất tỉnh thì ngạc nhiên vô cùng vì không một ai trông thấy chàng đánh một đòn gì hay phóng ra một món ám khí nào hết. Như vậy không hiểu chàng hạ đối phương bằng cách nào?
Trong khi mọi người đang ngẩn ngơ chưa tìm ra duyên cớ thì Đạt Nhĩ Ma vội chạy lại bồng Hoắc Đô đem đặt vào lòng sư phụ Kim Luân Pháp Vương rồi quay lại trừng mắt bảo Dương Qua:
- Này tên súc sinh, ta quyết thi tài cùng mi phen này.
Dương Qua nghe không hiểu, chàng đoán là Đạt Nhĩ Ma có ý khiêu chiến với mình, liền chắp tay nói:
- Bạch đại đức, việc gì mà đại đức nóng tính nói thế,tiểu sinh đây đâu có dám.
Đạt Nhĩ Ma không nói tiếp, vung chày Kim Cương đập mạnh một đòn, sức mạnh như di sơn đảo hải.
Dương Qua bình tĩnh bước ra sau hai bước, khiến cây chày đánh hụt phớt qua một cái vụt. Đạt Nhĩ Ma thuận tay đẩy luôn một thế, đấm mũi chày vào ngực Dương Qua.
Bị một đòn tấn công bất ngờ, Dương Qua dùng gươm đánh vụt chày ra rồi tung mình nhảy vọt lên cao né tránh.
Không đợi chàng rơi xuống, Đạt Nhĩ Ma trợn mắt, phồng miệng thét lớn:
- Mày có bay lên tận trời xanh cũng không thoát khỏi.
Miệng hét, chân y phóng tới, quyết đuổi theo cho bằng được.
Dương Qua đang bay lơ lửng trên không, thấy y tấn công gấp quá, không tiện đặt chân xuống đất, bèn liều mình từ trên cao xông xuống níu lấy đầu chày của Đạt Nhĩ Ma mà giật mạnh.
Nếu sức lực tương đương, thì trong tư thế như thế này, Dương Qua đoạt chày dễ như chơi. Nhưng vì sức lực Đạt Nhĩ Ma mạnh hơn Dương Qua nhiều nên chàng không thể nào giật nổi. Thấy không giật được, Dương Qua vội cắm đầu chạy thẳng.
Mặc dầu không đoạt được khí giới của đối phương, Dương Qua đã né được ngọn đòn ác hiểm của Đạt Nhĩ Ma và chạy thoát được. Quần hùng ai nấy đều thở phào, mừng giùm cho chàng...
Nhìn thấy Dương Qua bản lãnh khinh công cao tuyệt, võ công cao cường, Đạt Nhĩ Ma hỏi lớn:
- Này tiểu tử, ta xem mi bản lãnh cũng khá, vậy sư phụ của mi là ai vậy hả?
Đạt Nhĩ Ma nói bằng tiếng Tây Tạng nên Dương Qua nghe chẳng hiểu gì cả. Chàng tự nghĩ:
- Có lẽ hắn chửi mình đây chứ gì! Hắn chửi mình thì mình cũng dùng lời ấy chửi lại cho bõ ghét!
Chàng nhái y hệt như câu nói của Đạt Nhĩ Ma vừa nói. Vốn là con người thông minh tuyệt đỉnh cho nên tuy chỉ nghe qua mà chàng cũng đã nhớ rõ và nói lại đúng y như vậy, không sai một từ nào cả.
Đạt Nhĩ Ma lắng tai nghe xong, tưởng Dương Qua muốn hỏi thăm sư phụ mình là ai nên đáp ngay, tất nhiên là vẫn bằng tiếng Tây Tạng:
- Sư phụ ta là Kim Luân Pháp Vương. Ta là một đại hoà thượng, tại sao mi lại gọi là tiểu tử hả?
Dương Qua nghe nói cũng chẳng hiểu gì cả. Chàng tin rằng lần này hắn cũng chửi mình nữa, nên cứ theo kiểu cũ, nhái y lời ấy để chửi lại. Chàng nghe ở tai, nhắc lại nơi miệng không khác nào một cái máy thu và phát thanh, không hề sai một tiếng nhỏ.
Đạt Nhĩ Ma nghe xong, lạ lùng hết sức, ngó quanh ngó quất xem chẳng có ai khác, bụng phân vân suy nghĩ:
- Rõ ràng thằng bé này đáp lại chứ còn ai khác lạ nữa đâu? Không hiểu tại sao hắn cỡ chừng ấy tuổi mà cũng đã tự xưng là Đại hoà thượng? Mà vì sao hắn cũng nhận sư phụ ta Kim Luân Pháp Vương là sư phụ hắn?
Không giải đáp được, hắn ngó thẳng Dương Qua, ôn tồn bảo:
- Ta là đệ tử đứng bậc nhất của sư phụ Kim Luân Pháp Vương, còn ngươi là đệ tử thứ mấy hả?
Dương Qua cũng nhắc lại y nguyên câu ấy.
Đạt Nhĩ Ma nghe nói kinh hãi rụng rời, không biết tính sao, chỉ đứng ngẩn người ra suy nghĩ mãi, không biết phải làm sao.
Nguyên những người tu hành đạo phái Lạt Ma bên Tây Tạng khi nào cũng tin tưởng mãnh liệt vào thuyết luân hồi. Họ tin rằng con người tuy chết nhưng linh hồn không tan và có thể đầu thai qua kiếp sau để làm người trở lại. Tất cả người trong môn phái này ai ai cũng tin như vậy.
Ngày xưa, khi Kim Luân Pháp Vương còn trẻ, ông ta đã thu nhận một đệ tử. Nhưng khi vừa tới hai mươi tuổi, người ấy chẳng may chết sớm. Tuy Hoắc Đô và Đạt Nhĩ Ma chưa được gặp mặt người ấy, nhưng cả hai cũng đã nghe sư phụ nhắc nhở tới luôn.
Trong buổi tiếp xúc hôm nay, Đạt Nhĩ Ma thấy Dương Qua nói tiếng Tây Tạng quá rành, thì hắn nghĩ có thể người đệ tử khi trước của sư phụ mình đầu thai vào chăng, vì dù sao, người Trung nguyên không bao giờ nói tiếng Tây Tạng rành như thế được cả.
Đoán như thế nên trong bụng y đã e dè.Đứng suy nghiệm một lúc, nhìn sững Dương Qua rồi bỗng nhiên vứt cây chày vàng xuống đất, cúi đầu nhắm Dương Qua làm lễ như tế sao.
Dương Qua trông thấy lấy làm lạ và ngẩn ngơ suy nghĩ:
- Lão này chửi mình đã đời, bị mình chửi lại, nay đã chịu thua nên lạy ta để xin lỗi chứ gì?
Toàn thể quần hùng càng ngạc nhiên hơn nữa. Vì không ai có thể biết hai người đối đáp với nhau những gì mà bỗng nhiên Đạt Nhĩ Ma lại lạy Dương Qua như vậy.
Duy chỉ có Kim Luân Pháp Vương thì đã hiểu rõ đầu đuôi câu chuyện. Ông ta theo dõi câu chuyện giữa hai người và cũng hiểu rõ nội tình học trò mình nên biết rằng Đạt Nhĩ Ma vì quá trực tính nên đã hiểu lầm như vậy.
Ông ta bèn dùng tiếng Tây Tạng bảo lớn:
- Đạt Nhĩ Ma, thằng bé đó không phải là sư huynh của con đầu thai lên đâu! Con đừng e dè gì hết, cứ thật tình giáp chiến với hắn đi.
Đạt Nhĩ Ma kinh ngạc nói:
- Bẩm sư phụ, theo sự nhận xét của con, thì tiểu tử này nhất định phải do sư huynh con tái sinh nên mới có bản lãnh cao siêu trong khi đang còn quá trẻ tuổi. Hơn nữa, hắn là người Hán nhưng nói tiếng Tây Tạng quá rõ ràng.
Kim Luân Pháp Vương bảo:
- Không phải đâu, sư huynh con có võ công cao cường hơn nhiều. Tài nghệ của tiểu tử này kém xa, chưa bằng nổi con thì làm sao gọi là sư huynh con được?
Đạt Nhĩ Ma chưa dám quả quyết, còn dùng giằng chưa chịu nghe lời thầy.
Kim Luân Pháp Vương thấy vậy bèn thúc giục:
- Con phải nghe lời thầy dạy, không nên quá thực thà do dự nữa. Con cứ đấu với nó qua vài ba hiệp thì tự khắc biết ngay sự thực mà. Đừng quá tin bậy mà làm hư hỏng việc lớn đó!
Xưa nay Đạt Nhĩ Ma tuyệt đối phục tùng mọi ý kiến của sư phụ. Bất cứ lời nào của sư phụ phán dạy, hắn xem như là lời phán của thần linh, cứ cúi đầu làm theo, không bao giờ cãi lại. Hôm nay tuy trong lòng còn phân vân nghi hoặc, nhưng nghe Kim Luân Pháp Vương đã dạy như vậy, y phải tin rằng người này không phải là sư huynh của mình đầu thai, cần vâng lời quyết đấu để biết rõ hư thực.
Trong lòng đã có chủ ý, y đưa tay phân bua cùng Dương Qua:
- Bây giờ hai ta cứ việc đấu thử vài hiệp xem ai hơn ai kém!
Trông thấy đối phương nói chuyện tuy líu lo nhưng có vẻ trịnh trọng, ôn tồn hơn trước, chẳng biết hắn nói gì, tuy nhiên Dương Qua cũng cứ lặp lại y nguyên câu ấy.
Thấy chàng cũng bảo vậy, biết chàng đã đồng y nên Đạt Nhĩ Ma nói tiếp:
- Xin người anh em nhẹ tay với nhau thôi nhé!
Quách Phù đứng trên đại sảnh, thấy hai người đối đáp với nhau những câu nói líu lo, chẳng hiểu gì hết, nên vội vàng đến bên mẹ hỏi:
- Mẫu thân, hai người đó nói với nhau cái gì vậy?
Hoàng Dung biết rõ rằng Dương Qua chỉ nhái lại những câu nói của Đạt Nhĩ Ma đã nói, nhưng không hiểu nguyên nhân vì sao mà Đạt Nhĩ Ma lại chắp tay làm lễ với chàng như thế. Nghe Quách Phù hỏi, bà cũng gượng đáp cho qua chuyện:
- Họ chỉ đùa với nhau thôi mà.
Tại thao trường, Đạt Nhĩ Ma bắt đầu dùng chày kim cương tấn công Dương Qua bằng những đòn mạnh như búa bổ.
Dương Qua phải dùng sức lanh lẹ né nhiều hơn là dùng gươm đỡ gạt.
Tuy vâng lời sư phụ ra chiến đấu, nhưng Đạt Nhĩ Ma vẫn chưa bỏ lòng tin của mình. Trong lúc đang xáp chiến, hắn vẫn có mặc cảm tự ti và luôn nghĩ bụng:
- Dù sao sư huynh ta cũng đã được truyền dạy lâu ngày, nên võ công có lẽ phải hơn mình nhiều lắm. Có lẽ anh ấy thương tình tương nhượng cho mình mà thôi.
Bị ám ảnh bởi đức tin "Dương Qua là sư huynh tái thế" cho nên trong lòng Đạt Nhĩ Ma e dè, chỉ đánh cầm chừng chứ chưa dám mạnh tay chiến đấu.
Dương Qua đoán biết đối phương chỉ dùng thế thủ chứ không tấn công. Chàng thừa dịp đó vũ lộng hết tất cả các tinh hoa trong Ngọc nữ tâm kinh kiếm pháp, múa kiếm loang loáng, đánh Đông, chém Tây vùn vụt, có khi uyển chuyển như vũ nữ đang múa bông, có khi lẹ làng xoay tròn như chong chóng, khiến cho bao kẻ đứng ngoài càng xem càng tỏ lòng kính phục.
Đạt Nhĩ Ma tuy giữ thế thủ nhưng hết sức thận trọng,chú ý từng đường đi nước bước. Kim Luân Pháp Vương bực mình quá sức, cất tiếng bảo:
- Đạt Nhĩ Ma, thầy đã bảo hắn không phải là sư huynh con đâu, con chớ ngại, cứ việc tấn công mạnh lên đi!
Thật ra tài nghệ của Đạt Nhĩ Ma cao diệu hơn Dương Qua nhiều nhưng vì trong lòng e ngại nên mười phần chỉ đánh được năm. Trái lại, Dương Qua tuy kém sút hơn, nhưng nhờ trong lòng nhiều tin tưởng và phấn khởi nên càng đấu càng thắng thế hơn.
Kim Luân Pháp Vương thấy Dương Qua càng đánh càng thắng thế, trái lại Đạt Nhĩ Ma càng đánh càng lui vào thế thủ thì nổi giận, vùng quát lớn:
- Đạt Nhĩ Ma, phải tấn công ngay lập tức!
Tiếng quát của Kim Luân Pháp Vương vang lên như sấm khiến cho bao nhiêu người nghe phải ù tai, và Đạt Nhĩ Ma nghe nói không dám e dè nữa, phải đưa cây chày kim cương ra phản công tới tấp.
Trong lúc Đạt Nhĩ Ma tấn công Dương Qua chỉ còn cách chống đỡ, không sao có cách xoay xở nữa. Một chặp sau, chàng đã lúng túng, phút nguy biến đã gần rõ rệt.
Dương Qua càng lúng túng, Đạt Nhĩ Ma càng vụt mạnh hơn nữa. Cây chày kim cương đã nặng nề, mà sức vụt càng mạnh thêm, khiến cho Dương Qua vừa vung gươm ra đỡ bị vụt mạnh quá toét cả hổ khẩu, thanh gươm gãy đôi văng mất, chỉ còn chiếc cán trong tay.
Đạt Nhĩ Ma mừng quá hô lớn:
- Ta đã thắng rồi!
Nói xong, hắn cầm cây chày lùi lại năm bước. Theo quy luật phái Lạt Ma trong khi đối thủ rơi vũ khí hay ngã ngựa cần phải tạm ngưng chứ không được bức chiến.
Nhưng Dương Qua cũng nói bằng tiếng Tây Tạng:
- Ta đã thắng rồi!
Nghe nói, Đạt Nhĩ Ma ngạc nhiên hết sức, hắn nghĩ bụng:
- Hắn thắng chỗ nào mà cũng dám tuyên bố như vậy nhỉ?
Còn đang phân vân, chưa tìm ra được nguyên cớ thì Dương Qua đã chắp tay tung mình phi thân nhảy vụt đến trước mặt.
Nguyên trọng khi còn ở Cổ Mộ, Dương Qua được Tiểu Long Nữ dạy cho thuật "chính tước phi thường" ( nghĩa là: một chim sẻ bay nhảy) chỉ dùng hai bàn tay, vận dụng chưởng lực tung ra cũng cầm chân được hàng tám chục con chim sẻ không ra lọt.
Đây là chưởng pháp độc nhất vô nhị của Lâm Triều Anh sáng chế ra. Dùng chưởng này, dù chỉ hai tay không, nhưng sức mạnh và nguy hiểm có khi còn hơn cả dùng gươm giáo hay vũ khí sắc bén.
Thấy Dương Qua đánh liều dùng tay không xông vào tấn công, Đạt Nhĩ Ma vũ lộng cây chày vàng phát ra tiếng vu vu đập mạnh vào người chàng, nhưng lạ một nỗi là hắn đập không biết bao nhiêu lần mà không trúng được lần nào cả. Dương Qua đã dùng tài lanh lẹ né tránh hết. Lắm lúc hình như cây chày Kim cương còn như bị Dương Qua lấy mất.
Thế là một người có vũ khí, một người tay không, cuộc chiến đấu ngày càng quyết liệt. Kẻ có chày đập tả hữu như một vòi voi, kẻ tay không chụp tả hất hữu không khác gì mãnh hổ vồ mồi, thật là một trận đấu độc nhất vô nhị, thế gian chưa từng có.
Nhờ bền gan luyện tập trên giường hàn ngọc và nhảy nhót suốt ngày này sang ngày khác trong Cổ Mộ nên khing công của Dương Qua đã đạt đến mức tuyệt diệu, lúc đem ra sử dụng chính xác vô cùng, cho nên Đạt Nhĩ Ma dù đã cố gắng hết sức cũng không làm sao đánh trúng được Dương Qua đòn nào.
Tiểu Long Nữ đứng cạnh đó theo dõi, thấy Dương Qua đánh hoài không thắng được bèn thò tay vào trong bọc rút ra một đôi bao tay dệt bằng bạch kim tung cho Dương Qua, miệng nói:
- Qua nhi! Hãy cầm lấy mà dùng!
Đôi bao tay bạch kim này dệt rất mềm mại, xinh xắn, nhưng chất bạch kim vô cùng chắc chắn, có thể chịu đựng được các loại bảo kiếm hay vũ khí hạng nặng.
Vừa trông thấy đôi bao tay tung lên sáng ngời, Hách Đại Thông đã khiếp sợ đến run người lên.Khi còn ở tại Trùng Dương Cung, chính Tiểu Long Nữ đã dùng đôi bao tay này để bẻ gãy trường kiếm của ông, khiến ông chút nữa phải tự sát mà chết. Hôm nay vừa trông thấy vật cũ, lòng ông đã xao xuyến vì quá cảm xúc.
Tiếp được đôi bao tay, Dương Qua bước lùi ra sau hai bước, mang bao tay vào đành hoàng rồi lấy đà nhảy vụt ra phía trước, áp dụng quyền thuật "mỹ nữ quyền" của phái Cổ Mộ ra để đối phó cùng Đạt Nhĩ Ma.
Thuật đánh quyền này có vẻ lả lướt, nhẹ nhàng uyển chuyền như người mỹ nữ đang múa lượn, có khi mềm mại như cô gái du tiên. Từ cái vung tay cho tới ngọn cước lúc nào cũng bay bướm như ong vờn hoa, lúc dồn dập mau vun vút, khi nghiêm nghị đoan trang, mỗi lúc một vẻ khác nhau, mỗi vẻ có một cái đẹp riêng.
Bao nhiêu anh hùng hào kiệt đứng ngoài thấy vậy đều lấy làm thán phục và ai cũng đều công nhận là cho dù một người con gái cũng chưa chắc có được một dáng điệu mềm mại ẻo lả như của Dương Qua trong lúc này.
Bỗng nhiên Dương Qua đổi ngay thế đánh chuyển sang thế "Hồng Ngọc đánh trống", hai tay chàng vung về phía trước mặt. Khi Đạt Nhĩ Ma đưa chày ra đỡ, chàng chuyển ngay thành thế "Vung lửa đi đêm", thừa lúc xuất kỳ bất ý, xáp vào sát người Đạt Nhĩ Ma,
Đạt Nhĩ Ma vung chày định dập xuống, nhưng Dương Qua đã theo thế "Ném ngọc qua lầu" dùng cả hai tay chộp vào người Đạt Nhĩ Ma tung bổng lên không trung.
Đạt Nhĩ Ma không ngờ đối phương lại mạo hiểm và lanh lẹ đến dường ấy nên sinh ra lúng túng, vội vàng nhảy sang một bên né tránh, nhưng Dương Qua đã dùng thế "Văn cơ về Hán" dùng hai tay giữ lại.
Đạt Nhĩ Ma cố sức vẫy vùng, nhưng không sút ra được, phần vì do hai bao tay bằng bạch kim có sức hút mãnh liệt nên hai bên giằng co quyết liệt.
Cố sức vẫy vùng bốn phía để đoạt lại cây chày, từ Đông sang Tây, từ trái qua phải. Đạt Nhĩ Ma cảm thấy toàn thân mệt nhoài, hơi thở hổn hển như trâu rống.
Kim Luân Pháp Vương thấy Đạt Nhĩ Ma không phải thua tài kém sức mà chỉ vì tâm thần bất định, hoảng hốt mà sinh ra lúng túng, bị đối phương uy hiếp nên nhắc lớn:
- Tại sao con không dùng phép "Vô thượng đại lực" mà tấn công?
Đạt Nhĩ Ma nghe mách nước, mừng rỡ "dạ" lớn một tiếng rồi theo lời sư phụ giật phăng được vũ khí, liền lập tức múa cây chày kim cương vụt tới tấp.
Lúc đang còn cầm chày bằng một tay mà sức mạnh đã ghê hồn, huống chi bây giờ, Đạt Nhĩ Ma dùng cả hai tay và vận dụng gân sức cả hai dồn vào cây chày nên gió lộng vù vù, thật là thần sầu, quỷ khốc.
Nguyên phép "Vô thượng đại lực" này mới xem qua thì rất đơn giản vì chung quy chỉ có mấy đường ngang tám gậy, đường dọc tám gậy, rồi từ mười sáu gậy ấy phối hợp thành những chiêu thế khác, cấu tạo thành vô số đòn khác, biến hoá phi thường, có khi kín đáo như có khiên che chở, có khi hùng hổ như sư tử vồ mồi. Dương Qua chỉ còn cách né gạt để khỏi phải trúng đòn chứ không còn sức đâu để đánh đỡ hay tấn công lại nữa.
Ngư Nhân đứng ngoài nhìn theo cuộc đấu, trong lòng vẫn không phục Đạt Nhĩ Ma, vì thật ra ông chỉ bị gãy mái chèo chứ chưa thua sút một đòn nào cả. Ông quyết tâm chờ đợi cơ hội để xông ra đấu thêm keo nữa quyết định hơn thua cùng Đạt Nhĩ Ma mới hả dạ.
Lúc này thấy Đạt Nhĩ Ma dùng phép "Vô thượng đại lực" để áp đảo Dương Qua, thì ông mới giật mình tự nghĩ:
- Xem thế thì hắn quả nhiên là tài giỏi và dũng lược hơn mình thật. Nếu khi nãy mà chưa thua thì bây giờ cũng phải chịu thua vì làm sao mà chịu được với lối tấn công lợi hại như thế này!
Đạt Nhĩ Ma càng múa gậy tấn công, thì Dương Qua càng phải trổ tài né tránh. Cây chày kim cương múa lên quá mau, lộng gió làm tắt phụt hết bốn ngọn đuốc thắp trong đại sảnh.
Dương Qua đem hết tâm thần nhảy lẹ như con sóc, lo tránh những đòn như trời giáng của Đạt Nhĩ Ma chứ không còn lòng dạ nào để trả đòn nữa. Xung quanh đấu trường, từ đại sảnh đến ngoài hoa viên, quần hùng lẳng lặng theo dõi trận đấu, người nào người nấy đều hổi hộp lo lắng như một đàn chim non đang đứng trước một con diều hâu hung tợn. Còn phía Mông Cổ thì tiếng reo hò cổ vũ vang dậy, tên nào tên nấy cũng lộ vẻ hân hoan khoái chí lắm.
Dương Qua nhận thấy "Mỹ nữ quyền pháp" của mình không đủ hiệu lực để chống lại địch thủ nên chàng suy nghĩ cách khác để phản công.
"Vô thượng đại lực" của Đạt Nhĩ Ma ngày càng gia tăng áp lực, người hầm hầm như cọp dữ, chày vung lên sầm sập như núi lở đá lăn. Lúc bấy giờ, Đạt Nhĩ Ma đã hăng tiết, không còn e dè lo ngại gì về việc "sư huynh tái sinh", chỉ còn cố tâm làm sao giết cho bằng được Dương Qua mới hài lòng. Thấy Dương Qua thối lui vào một góc nhà, hắn trợn mắt vung chày chận đường thét lớn:
- Mày mất mạng phen này rồi tiểu tử ạ!
Miệng hét, hai tay vung chày đập xuống một đòn như trời giáng.
Trong lúc thập tử nhất sinh ấy, Dương Qua chỉ có cách tung người qua đầu để né tránh.
Thế nhảy vọt này là một thế vô cùng kỳ diệu trong Cửu Âm Chân Kinh, do Vương Trùng Dương đã ghi rõ trên đỉnh toà nhà đá trong Cổ Mộ. Trong lúc nhàn rỗi, Dương Qua thường chú tâm luyện tập một mình. Vì không có ai giảng dạy hay có đối thủ để thí nghiệm hay thử thách cho nên tuy học được đã lâu nhưng chưa bao giờ chàng biết được kết quả ra sao. Hôm nay, trong lúc thập tử nhất sinh,thập phần nguy hiểm, chàng đánh liều đưa ra áp dụng cầu may, không ngờ lại kiến hiệu đến như vậy, và chàng đã tránh thoát ngọn đòn quái ác của Đạt Nhĩ Ma một cách dễ dàng. Bao nhiêu anh hùng chứng kiến trận đấu thảy đều thất kinh và thán phục lối khinh công kỳ diệu của chàng trai trẻ tuổi này.
Trong lúc ấy, Quách Tỉnh không ngờ rằng Dương Qua có thể tránh được ngọn đòn ấy, nên ông nghĩ nếu như chậm trễ, ngọn chày kim cương sẽ đập nát óc chàng ngay lập tức. Vì vậy ông vội vàng tung người nhảy ra phía sau lưng Đạt Nhĩ Ma, đưa tay định chộp lấy cây chày kim cương cứu nguy cho cháu.
Nhưng khi ông vừa cất nhấc chân nhảy ra, bỗng thoáng có một bóng áo đỏ đứng sừng sững chắn ngang trước mặt, dùng chưởng lực tấn công mình, không cho tiếp viện Dương Qua.
Người đó chính là Kim Luân Pháp Vương.
Quách Tỉnh hoảng hốt, vội dùng thế "Kiến Long Tại Điền", một thế kỳ diệu trong mười tám thế "Giáng Long Thập Bát Chưởng" đánh lại.
Cả hai đều là tay quái kiệt võ lâm, tài cao,công lực siêu phàm cho nên thế chưởng xuất ra hùng mạnh không sao tả xiết.
Hai chưởng chạm nhau nghe một tiếng vang trời. Quách Tỉnh thối lui hai bước, còn Kim Luân Pháp Vương thì vẫn đứng yên vị.
Tuy về công lực, thì Kim Luân Pháp Vương có phần thâm hậu hơn Quách Tỉnh, nhưng về chưởng lực thì Quách Tỉnh lợi hại hơn một bậc và lanh lẹ hơn nhiều.
Sở dĩ Quách Tỉnh thối lui hai bước, không phải là vì sút kèm mà chính vì quá cẩn thận, muốn lùi lại để thủ thế, đề phòng đối phương đánh tiếp đòn khác. Nhưng Kim Luân Pháp Vương thấy vậy, tưởng rằng Quách Tỉnh không đủ sức chịu đựng ngọn đòn của mình nên toan xông tới tấn công luôn một đòn nữa. Không ngờ ông ta cảm thấy trong ruột bị đau nhói, hình như đã bị nội thương nên sợ hãi, thất kinh không dám động thủ, vẫn đứng yên thủ thế.
Mới tung ra một đòn đầu, chưa biết ai thắng ai bại, tuy nhiên cả hai đều trông thấy Dương Qua đã thoát khỏi ngọn đòn của Đạt Nhĩ Ma dễ như bỡn rồi. Quách Tỉnh trong lòng mừng vô hạn, còn Kim Luân Pháp Vương hối tiếc thấy học trò mình đã lỡ mất một dịp may.
Cả hai không tấn công nhau nữa, mà cùng về vị trí cũ tiếp tục theo dõi trận đấu.
Đạt Nhĩ Ma đinh ninh thế nào ngọn đòn này cũng kết liễu tính mạng Dương Qua rồi, không ngờ chàng lẹ làng tung mình né tránh dễ dàng, và xem ngọn chày trong tay mình không ra gì cả, thì lòng bực tức không tả xiết....
Sau khi thấy áp dụng lối né tránh của Cửu Âm Chân Kinh đã có hiệu lực, Dương Qua cứ nhởn nhơ như thế mà thoát hết mọi ngọn đòn của đối phương một cách dễ dàng.
Hoàng Dung trông thấy lối tránh né của Dương Qua như vậy thì ngạc nhiên quá, vội quay sang hỏi Quách Tỉnh:
- Tại sao Dương Qua nó lại biết các thế võ trong Cửu Âm Chân Kinh? Ông đã dạy nó hồi nào thế?
Sở dĩ bà hỏi chồng như vậy là bà nghĩ trong lúc đưa Dương Qua lên Chung Nam Sơn, có thể là Quách Tỉnh đã nghĩ đến tình cố cựu cùng cha hắn là Dương Khang ngày xưa, nên đã đem Cửu Âm Chân Kinh mà truyền dạy lại cho Dương Qua chăng?
Nhưng Quách Tỉnh lắc đầu đáp:
- Không, tôi có dạy hắn bao giờ đâu? Nếu tôi có dạy thì đã nói rõ cho bà biết rõ từ lâu rồi chứ!
Hoàng Dung nghe nói vậy thì nín thinh ngay vì bà biết chồng mình không bao giờ nói dối cả.
Bà chăm chú nhìn Dương Qua nhảy nhót như chim én tránh đòn của Đạt Nhĩ Ma,. Trong những lúc nguy hiểm,chàng áp dụng các phép trong Cửu Âm Chân Kinh mà thoát được dễ dàng. Tuy vậy, vì luyện tập chưa được tinh tế cho lắm nên nếu để kéo dài thì thế nào cũng để thua ngay.
Hoàng Dung nghĩ:
- Thằng bé Dương Qua này thông minh và tài lắm. Chẳng qua vì không được học tới nơi, tới chốn mà thôi. Nếu hắn học ta trong thời gian chỉ cần nửa năm, ta sẽ truyền hết thuật "Đả cẩu bổng pháp" và "Cửu Âm chân kinh" cho chu đáo, thì hạng những lão hoà thượng này nó có xem vào đâu.
Trong lúc đang phân vân nghĩ ngợi luyến tiếc, Hoàng Dung bỗng thấy thoáng một bóng...
( Xin lỗi các bạn, truyện bị mất hai trang. Bạn nào có thì xin bổ sung hộ. Cảm ơn nhiều )
... nghị, Hoàng Dung mừng rỡ quay sang nói với Quách Tỉnh:
- Dương Qua quả nhiên là một thiên tài xuất chúng, tài nghệ phi thường. Ngày còn niên thiếu, ông đã có được bản lãnh của nó như lúc này chưa?
Quách Tỉnh cũng hớn hở gật đầu, công nhận và chịu rằng khi mình bằng tuổi ấy thì không có được tài nghệ như Dương Qua bây giờ.
Trong thuật "Di hồn đại pháp" thì căn bản là sự cảm ứng của tinh thần để chống đối phương. Nếu đối phương giữ được tinh thần trong suốt, không hề bị ngoại cảnh hay điều gì bên ngoài chi phối, thì thuật này không có hiệu lực lắm. Cũng như đêm tối chỉ có tác dụng nhiều với những người nhút nhát hay sợ ma. Trong lúc này, Đạt Nhĩ Ma vẫn còn nghi ngại Dương Qua là Đại sư huynh của mình tái sinh đầu thai lại, nên trong lòng đã kinh nghi sẵn, điều đó thuật di hồn này có tác dụng hơn. Âu cũng là một dịp rất may để Dương Qua cứu vãn tình thế lúc này.
Trong khi Đạt Nhĩ Ma mê mê như người trong mộng, ngây người đứng yên một chỗ nhìn sửng sốt đối phương, thì Dương Qua dùng các thế trong "mỹ nữ quyền pháp" để biểu diễn. Có khi chàng đi theo bộ pháp "Bộ bộ sinh liên" ( cứ mỗi bộ sinh một bông hoa sen ) với những dáng điệu vô cùng uyển chuyển, ẻo lả, thướt tha, làm cho Đạt Nhĩ Ma càng tê tái tâm thần hơn nữa.
Mọi người xung quanh thảy đều buồn cười, nhưng cũng rất thán phục.
Quách Phù ngạc nhiên quá,chẳng hiểu vì sao, liền đập tay mẹ hỏi:
- Mẫu thân, anh Dương Qua sao có lắm tài như vậy? Mẫu thân cũng am hiểu những thế này mà không chịu dạy cho con à!
Hoàng Dung mỉm cười, xoa đầu Quách Phù đáp:
- Đó là thuật di hồn. Nếu con học được phép này thì nổi danh thiên hạ thực đó. Nhưng trái lại, cũng sẽ có những hậu quả vô cùng tai hại. Phàm sinh con gái trong gia đình khuê các phải lo giữ gìn sao cho vẹn câu hiếu thuận cùng cha mẹ. Khi con lớn lên, lại phải theo chồng. Chừng ấy, bổn phận của con là rất nặng nề là phải làm tròn vai trò của một người nội tướng, quán xuyến được bao quát những điều thờ chồng nuôi con, phụng dưỡng gia đình nhà chồng. Nếu người nội tướng giỏi thì gia đình thịnh, nếu ngừoi nội tướng kém thì gia đình chồng sẽ suy. Bao nhiêu nhiệm vụ đó đã nặng nề lắm rồi. Con còn ham học võ công cho giỏi để làm chi nữa hả? Con đọc sách đã nhiều, xưa nay có người đàn bà nào giỏi võ công mà khiến cho gia đình hưng thịnh được đâu mà ham lắm vậy!
Quách Phù cãi lại:
- Nếu mẹ dạy như vậy thì phụ nữ chúng con không nên tham gia trong việc binh đao hay sao?
Hoàng Dung đáp:
- Phải rồi, trời đất sinh người con gái cũng như các loại hoa xinh cỏ lạ, chỉ để tô điểm cho vườn cây xinh tươi chứ có phải là để thay thế cho các cây ăn trái được đâu? Phàm cây ăn trái không có hoa xinh thì lại có trái ngon nuôi sống, còn cây có hoa đẹp thì bao giờ lại có được trái ngon. Mỗi người có một biệt tài, mỗi thứ có một công dụng riêng. Việc gươm đao trận mạc chẳng qua là vạn bất đắc dĩ phải dùng tới. Vì vậy, ngày xưa, khi Khổng Phu Tử sang thăm nước Vệ, vua Linh Công có hỏi thăm về binh thư trận mạc, ngài không hề trả lời, chỉ nói là:"Tôi chưa học tới",Còn đức Mạnh Tử sang nước Lương, vua Huệ Vương có hỏi những biện pháp làm lợi cho nước, thì ngài chỉ khuyên nhà vua dùng nhân nghĩa để thu phục nhân tâm. Nếu vua chỉ nghĩ tới lợi thì, toàn dân cũng chỉ mong về lợi thì đất nước sẽ rối beng về tranh chấp lợi quyền, làm sao mà cường thịnh được... Ngay như Khổng, Mạnh là hai bậc thánh nhân ngày trước cũng chỉ dạy người về đạo đức để kết hợp và thu phục nhân tâm chứ không bao giờ lấy binh đao làm cứu cánh cả. Cũng vì vậy mà thiên hạ khi nào cũng trọng văn hơn võ. Có gì quý báu đâu mà con ao ước lắm vậy?
Nói dứt lời, Hoàng Dung chỉ tay xuống đấu trường nói thêm:
- Con cứ nhìn xem anh Dương Qua của con đang thắng hay bại, và việc thắng bại đó cũng vô cùng gay go, đánh giá cả mạng sống của con người, nguy hiểm lắm, không nên ham chuộng làm gì!
Quách Phù đưa mắt nhìn theo tay mẹ chỉ, trông thấy Dương Qua cười thì Đạt Nhĩ Ma cũng cười theo, mà Dương Qua làm nghiêm thì Đạt Nhĩ Ma cũng nghiêm nghị theo một chặp.
Quách Phù trông thấy, ngạc nhiên quá tự nghĩ:
- Thuật di hồn sao mà lợi hại quá như thế này. Nếu mình không được học thì cũng nên đến gần xem tận mắt cho biết mới được.
Nghĩ vậy, nàng dợm chân muốn phóng đi, nhưng Hoàng Dung đã nắm tay kéo lại, bắt nằm gục trong lòng, trong phút chốc, Quách Phù đã ngủ mê man trong lòng mẹ.
Tại thao trường lúc này, Dương Qua đã dùng thuật "di hồn" khống chế hoàn toàn Đạt Nhĩ Ma từ cử chỉ nhỏ. Chàng xuất hai chiêu "Tây Thi ôm bụng" rồi tiếp theo thế "Đông Thi nhăn mặt". Đạt Nhĩ Ma nhìn theo và cũng bắt chước diễn lại không sai một chút nào cả.
Dương Qua lại diễn chiêu "Tào Thực cắt mũi", một tay đưa lên giữ mũi, một tay đánh liên hồi vào mặt mình không ngớt. Thế này diễn ra theo câu chuyện vợ của Tào Thực tên là Lệnh, khi chồng chết, nàng Lệnh tự cắt bỏ mũi đi, tỏ ý chí quyết tâm thủ tiết chờ chồng, không bao giờ đi lấy chồng khác.
Lúc biểu diễn thì Dương Qua chỉ giả bộ đánh hờ vào mũi mình, nhưng Đạt Nhĩ Ma làm theo thì thật hết sức mạnh. Phải biết công lực của y mạnh đến mức nào, một cái tát nặng có đến trăm cân không ít. Vì vậy nên khi tát tới cái thứ mười hai, Đạt Nhĩ Ma đau quá không chịu nổi, té lăn ra đất, bất tỉnh.
Bao nhiêu anh hùng hảo hán đứng xung quanh trông thấy Đạt Nhĩ Ma ngất xỉu, thảy đều mừng rỡ đồng thanh hò lớn:
- Bên ta thắng tiếp keo thứ hai rồi. Như vậy ngôi Minh chủ nhất định phải thuộc về phe ta. Bên đó còn có ai tài giỏi thì xin ra đấu tiếp cho rồi.
Ngay lúc bấy giờ có hai tên võ sĩ Mông Cổ xông ra bồng Đạt Nhĩ Ma đem vào trong chữa thuốc.
Kim Luân Pháp Vương thấy đồ đệ của mình bị một thiếu niên đánh bại không phải vì tài nghệ mà vì một phương pháp mờ ám, nên trong lòng ông ta vừa buồn, vừa bực tức, ông ngồi trên ghế gọi lớn:
- Tiểu tử, sư phụ mi là ai?
Kim Luân Pháp Vương là một tay lỗi lạc, học rộng hiểu nhiều nên ông ta dùng tiếng Hán nói rất rõ ràng.
Dương Qua đưa tay chỉ vào Tiểu Long Nữ đáp lớn:
- Vị này là sư phụ của tôi đấy. Ông xem thử sư phụ tôi có xứng đáng làm Minh chủ Võ lâm hay không?
Kim Luân Pháp Vương nhìn theo, thấy Tiểu Long Nữ là một thiếu nữ xinh đẹp ẻo lả, thân hình mảnh mai, nét mặt trẻ măng, có khi còn trẻ hơn cả Dương Qua nữa, thì trong lòng nghi hoặc nghĩ thầm:
- Bọn Trung Nguyên các ngươi lắm mưu, nhiều kế, xảo quyệt vô cùng, nhưng không thể qua mặt ta nổi đâu!.....
Vì thắc mắc ấy nên ông ta không nói gì, tung mình nhảy xuống đấu trường, rút trong bọc ta một chiếc vòng đúc bằng vàng khối.
Chiếc vòng tuy bằng vàng khối nhưng trong ruột lại rỗng, có đựng chín cái hột bằng trái đào, cho nên mỗi khi rung lên, các trái này chuyển động phát ra những âm thanh nghe vô cùng rùng rợn. Đối phương chưa chiến đầu, chỉ cần nghe những tiếng này cũng đã mất tinh thần rồi.
Tay cầm vòng vàng, Kim Luân Pháp Vương khoan thai bước lại trước mặt Tiểu Long Nữ cất tiếng hỏi:
- Có phải cô nương muốn làm Minh Chủ võ lâm không? Nếu quả thực như vậy, cô chỉ cần đấu với tôi mười hiệp. Nếu qua được mười hiệp, cô cự nổi với chiếc vòng vàng nảy của tôi thì tôi bằng lòng tôn cô nương làm Minh chủ võ lâm ngay.
Dương Qua gạt ngang nói lớn:
- Lệ ước đã đặt ra rồi. Bên tôi thắng luôn hai trận thì ngôi ấy phải thuộc về phe chúng tôi chứ. Chính bên ông đã ra điều kiện lại đi nuốt lời, xem ra sao được!
Tiểu Long Nữ vốn là người hiền lành chất phác. Nàng không biết Kim Luân Pháp Vương là ai và cũng không hề biết ông ta là người có công phu võ nghệ trùm đời, khiến cho bao nhiêu anh hùng võ lâm phải kiêng nể. Ngoài ta, nàng cũng không hiểu chức Minh chủ võ lâm là chức vị gì, đặt ra để làm chi nữa. Nàng chỉ thấy Kim Luân Pháp Vương hỏi với giọng hách dịch,thách đấu với mình trong mười hiệp với chiếc vòng vàng này thì thản nhiên đáp lại ngay:
- ừ, nếu ông muốn thử sức thì cứ đấu xem sao.
Kim Luân Pháp Vương hỏi lại:
- Cô nương đã nghe kỹ và bằng lòng đấu thử rồi đấy chứ?
Tiểu Long Nữ điềm nhiên đáp:
- Hễ bằng lòng là đấu thử, còn không thì thôi, có gì đâu mà hỏi mãi!
Từ bé Tiểu Long Nữ đã luyện được thần sắc thản nhiên trước mọi việc, bất kỳ giận hơn hay vui mừng cũng không hề để lộ ra mặt. Vì vậy nên lúc trả lời Kim Luân Pháp Vương, nàng vẫn giữ một thái độ bình thường như không có chuyện gì xảy ra hết.
Bao nhiêu anh hùng Trung NGuyên nghe nàng đối đáp như vậy thì mỗi người có một cách nghĩ khác nhau.
Có kẻ thì nghĩ rằng:
- Cô này có lẽ là một tiên nữ cho nên mới dạy cho Dương Qua biết pháp thuật lạ mê hoặc Đạt Nhĩ Ma. Lúc này Kim Luân Pháp Vương cũng muốn dùng pháp thuật để phục thù cho đệ tử đây.
Có người thì lại nghĩ khác:
- Nàng này đẹp như tiên nữ giáng trần. Có lẽ, Kim Luân Pháp Vương cũng xiêu lòng với vẻ đẹp của nàng, nên đưa vòng vàng ra loè để thách đấu cùng nàng. Nếu quả thật ông ta muốn tranh tài cao thấp thì cứ đấu cùng Dương Qua là người thắng trận chứ cớ gì lại đi khiên chiến nữ sư phụ?
Vì có những ý kiến dự đoán trái ngược nên trong đại sảnh và dưới đấu trường vang lên những tiếng bàn tán qua lại như giữa đám chợ đông.
Chính Kim Luân Pháp Vương cũng nghi ngờ Tiểu Long Nữ có nhiều phép thuật, nên ông ta đề phòng, niệm chú bằng tiếng Tây Tạng.
Ông ta đọc những câu chú trong bài "mật tôn chú", đoạn "hàng yêu phục ma".
Dương Qua đứng gần đấy, nghe Kim Luân Pháp Vương đọc chú, không hiểu gì hết. Nhưng chàng đoán có lẽ ông hoà thượng này cố tình mằng chửi cô nương mình nên chàng cố tâm học hết các câu chú không sai một chữ nào.
Đọc xong mấy câu thần chú, Kim Luân Pháp Vương quát lớn:
- Tiểu tử, hãy tránh ra cho ta quyết đấu.
Dương Qua nghiêm mặt nói:
- Đánh nhau một ngày một đánh, chuyện chi phải chộn rộn lắm thế nhỉ? Hãy nghe ta đọc đây này!
Nói xong, chàng đọc lại những câu thần chú vừa rồi không sai một mảy may. Khi ấy Đạt Nhĩ Ma vừa tỉnh dậy, trừng mắt nhìn thấy sư phụ mình đang cầm vòng vàng định đấu cùng bên địch thủ, còn Dương Qua đang đọc những câu chú quyết trong "mật tôn chân ngôn" trong đoạn "hàng yêu phục ma", hắn ngạc nhiên quá, nghĩ thầm trong bụng:
- Lạ quá, chú này là một điều pháp bí mật của phái Tây Tạng, không bao giờ truyền ra cho người khác phái. Tại sao tiểu tử này lại thuộc như vậy. Như thế quả nhiên y là đại sư huynh mình tái sinh rồi, không còn nghi ngờ gì nữa. Nếu không phải đại sư huynh thì làm sao lại thuộc làu làu như vậy được? Sư phụ ta trong lúc nóng nảy không nghĩ tới việc này, ta cần phải can gián người hổi tâm mới được.
Nghĩ như vậy, y nhảy xổ ra, phục trước mặt Kim Luân Pháp Vương, lạy luôn bốn lạy, thưa lớn:
- Bẩm sư phụ, theo con nhận xét, nhất định người này là sư huynh của con đầu thai rồi. Xin sư phụ hãy dung thứ cho y.
Kim Luân Pháp Vương nghe nói nổi đoá, thét lớn:
- Đừng có nói sàm. Sao hôm nay con mê muội làm vậy?
Đạt Nhĩ Ma lại phủ phục làm lễ lần nữa và thưa tiếp với một giọng vô cùng thành khẩn:
- Xin sư phụ xét lại. Con quả quyết chuyện này ngàn lần không sai đâu. Mong sư phụ chấp nhận lời cầu khẩn của con, kẻo sau này lại hối hận.
Kim Luân Pháp Vương thấy y không chịu tuân lời, còn lằng nhằng cản trở thì nổi nóng, đưa tay chộp lấy lưng Đạt Nhĩ Ma vứt ra xa mấy trượng.
Đạt Nhĩ Ma nặng có trên trăm cân, thế mà Kim Luân Pháp Vương chỉ khẽ nắm lưng ném nhẹ đã bay đi như người ra ném một con gà nhỏ, không lộ vẻ gì mệt nhọc cả.
Quần hùng đã chứng kiến Đạt Nhĩ Ma chiến đấu cùng Ngư Nhân, sức khoẻ như hùm thiêng, thế mà lúc này, Kim Luân Pháp Vương chỉ khẽ ra tay nhấc bổng y lên như một con ếch, cũng đủ thất kinh và đoán rằng sức lực của ông ta ít ra cũng mạnh gấp mười lần Đạt Nhĩ Ma.
Vì vậy nên người nào cũng lo ngại dùm cho Tiểu Long Nữ, với thân hình mảnh mai ẻo lả, làm sao nàng chống đỡ lại được với ông ta.
Bọn Mông Cổ đã thừa biết Kim Luân Pháp Vương sức mạnh địch muôn người,dõng lược đánh nổi chín trâu. Tiểu Long Nữ dù có phép tà thuật hay bùa ngải gì cho lắm cũng chưa phải là đối thủ của ông ta được. Vì vậy cho nên bọn chúng chủ quan xem thường, hiu hiu tự đắc, cùng nhau bấu véo đùa cợt cho qua thì giờ.
Dương Qua đọc xong mấy câu thần chú bằng tiếng Tây Tạng rồi chạy lại bên Tiểu Long Nữ thấp giọng nói thầm:
- Lão hoà thượng này vô cùng lợi hại, cô nương cần lưu tâm cẩn thận cho lắm đấy nhé!
Kim Luân Pháp Vương lắng tai nghe Dương Qua đọc hết mấy câu thần chú không sai một mảy may cũng phải buộc lòng khen thầm là một người thông minh xuất chúng, nhưng ông ta mỉm cười ngó chàng:
- Cậu bé giỏi lắm, đáng khen đấy. Nhưng ráng mà liệu hồn đấy nhé!
Nhưng Dương Qua nào có chịu sút, đáp lại ngay:
- Hoà thượng hãy cố giữ mình đấy nhé. Phải coi chừng cẩn thận.
Kim Luân Pháp Vương trợn mắt hỏi:
- Mi bảo ta phải coi chừng cái gì?
Dương Qua đáp:
- Hôm nay ra đua tài cùng sư phụ tôi, hoà thượng cần coi chừng cẩn thận. Vì sư phụ tôi là bồ tát tái sinh, am hiểu việc trên trời, dưới đất, có biệt tài phục hổ hàng long. Như vậy cho nên tôi bảo trước để cho hoà thượng biết mà đề phòng cho lắm!
Dương Qua thừa biết Kim Luân Pháp Vương là tay lợi hại phi thường nên cố bày chuyện đặt điều lung lạc lung tung, mong áp đảo tinh thần đối phương phần nào để có thể lợi cho sư phụ mình trong cuộc chiến này.
Nhưng Kim Luân Pháp Vương là một tay kiệt liệt trên đời, đệ nhất võ công trên xứ Tây Tạng và Mông Cổ, tài kiêm văn võ, thường ngày ông vẫn than thầm là chưa bao giờ gặp được đối thủ cho xứng đáng. Vì vậy nên không bao giờ ông ta lại đi tin những điều mộng mị viển vông.
Khi nghe Dương Qua nói, ông "hừ" một tiếng rồi nghiêm mặt bảo:
- Cứ đua tài một vài hiệp rồi sẽ biết nhau, cần gì phải căn dặn trước làm gì cho bận óc hả?
Nói xong, ông ta quay sang hỏi Tiểu Long Nữ:
- Thế nào, cô nương chuyên dùng loại binh khí gì, cứ lấy ra đi là vừa!
Tiểu Long Nữ điềm nhiên rút trong bọc ra một vuông lụa trắng tinh như tuyết, phất lên một cái, chiếc khăn theo gió bay phấp phới, ở đầu khăn có cột một quả cầu tròn màu vàng. Trong lòng quả cầu trống rỗng nên mỗi lúc vung lên, gió lộng vào quả cầu rít lên những tiếng vu vu như sáo diều.
Dương Qua đem đôi bao tay bằng bạch kim trao lại cho Tiểu Long Nữ rồi đứng lui ra đằng sau xem.
Toàn thể quần hùng đứng xem, vừa trông thấy hai món vũ khí lạ đời của hai bên đưa ra thì ai nấy đều lấy làm lạ lùng hết sức. Người nào cũng băn khoăn tự hỏi không biết hình thái hai món vũ khí này dài ngắn, nặng nhẹ khác nhau một trời một vực, hỏi họ sẽ làm sao để chiến đấu?...
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Thần Điêu Hiệp Lữ.