Chương 143
-
Thanh Cung Mười Ba Triều
- Hứa Tiêu Thiên
- 4248 chữ
- 2020-05-09 04:02:59
Số từ: 4235
Dịch giả: Nguyễn Hữu Lương
Nguồn: Nhà Xuất Bản Văn Học
Giữa lúc trong triều Đông thái hậu có biệt nhãn đối với bọn Tăng Quốc Phiên, nào phong bá phong hầu thì ngoài tiền tuyến phương Nam các tay em Phiên như Tăng Quốc Thuyên, Dương Tải Phúc, Bào Siêu liên tiếp báo tin mừng về kinh.
Sau khi khắc phục An Khánh, Tăng Quốc Thuyên dọc sông trẩy xuống Giang Ninh. Hai bên bờ sông, nhất là những nơi hiểm yếu, quân tóc dài vẫn còn đóng chặt. Thuyên bàn tính với Dương Tải Phúc điều động thuỷ sư chinh tiễn.
Bọn tướng tóc dài Trung vương Lý Tú Thành, Thị vương Lý Thế Hiền đại bại đành phải chạy trốn vào Giang Tây. Tới rồi, chúng đánh cướp Thuỵ Châu.
Lúc này, tuần phủ Chiết Giang đã cải nhiệm về tay Vương Hữu Linh. Bị quân tóc dài tấn công, Linh cố thủ được vài tháng, hết đường cứu viện, đành phải cắn ngón tay lấy máu viết thư, cho người chạy tới An Huy cầu viện. Tăng Quốc Phiên lúc đó đang phải nỗ lực đối phó với địch về mặt Giang Huân, nên không thể chia quân tới viện. Phiên đành phải thúc giục Tả Tôn Đường đem quân từ Cống Châu tới cứu. Nhưng quân của Tả chưa tới nơi thì thành đã mất.
Để mất Chiết Giang, Tăng Quốc Phiên tự nhận lỗi lớn tại mình, tự xin nghiêm trị. Thế nhưng chiếu chỉ từ trong kinh, đã chẳng những khoan miễn mà còn thăng Phiên lên chức Hiệp biện đại học sĩ, đồng thời sai Tả Tôn Đường làm trấn thủ Chiết Giang, hợp tác Phiên để hoạch định đại cuộc.
Đứng trước tờ chiếu đặc biệt này, Tăng Quốc Phiên vô cùng cảm kích, do đó càng cố gắng đem hết tâm lực để đền báo.
Trước hết, Phiên yết bảng cầu người tài. Ấy cũng vì đó mà một nhân tài xuất hiện, đó là Lý Hồng Chương.
Lý Hồng Chương tên tự là Thiếu Thuyên, người huyện Hợp Thi tỉnh An Huy, đậu tiến sĩ đời Đạo Quang đã từng được bổ nhiệm chức Đạo viên tinh Phúc Kiến, Tăng Quốc Phiên nghe tiếng Chương đa tài, vời vào làm mạc khách, sau đó tiến cử về triều.
Tăng Quốc Phiên sai Lý Hồng Chương quay về chiêu mộ đạo quân nghĩa dũng, chiếu theo bình chế Tương quân lúc trước mà tổ chức, để huấn luyện cho nghĩa quân vùng Hoài, Từ. Phiên lại chọn mấy tay danh tướng của Tướng quân như Trinh Học Khải, Quách Tùng Lâm để giúp Chương.
Lý Hồng Chương sau khi tuyển mộ dân binh, hết tâm huấn luyện tổ chức thành một đại đội hương dũng quân gọi là Hoài quân, dùng làm hậu ứng cho Tương quân.
Tháng hai năm thứ nhất niên hiệu Đồng Trị, Chương đem quân Hoài dũng đến An Khánh, Tăng Quốc Thuyên cùng với em là Tăng Quốc Bảo cũng đem quân Tương dũng kéo sang.
Thế là ba quân tề tựu. Thống soái Tăng Quốc Phiên quản hạt miền đông nam lúc này mới có đủ tinh binh mãnh tướng thực hiện được cái hoài bão "Bình Tây sát Tả" của mình nghĩa là đuổi cho bằng hết bọn quỷ trắng phương Tây và diệt cho kỳ sạch bọn tà đạo ma giáo ngoại lai. Quân nhiều lương đủ, thống soái Tăng Quốc Phiên liền phân binh nhiệm để phát động một chiến dịch đại quy mô tiêu diệt quân tóc dài. Lộ quân tiến đánh Giang Ninh được Tăng Quốc Thuyên thống lãnh có hai lộ thuỷ sư Dương Tải Phúc và Bành Ngọc Lân phụ tá. Lộ quân tiến chiếm Giang Tô do Lý Hồng Chương chỉ huy có thuỷ sư Hoàng Dực Thăng phụ tá Lộ quân khôi phục Chiết Giang quy cho Tả Tôn Đường điêu khiển, có Niết ty Quảng Tây là Tưởng Ích Phong được biệt phái đem quân bản bộ trước đây trợ chiến. Ngoài ra ở nhiều vùng khác, suốt giải Lư Châu thì giao cho Đa Long A suốt giải Ninh Quốc giao cho Bào Siêu, suốt giải Dự Châu giao cho Lý Tục Nghi lúc đó đã được điều nhiệm tuần phủ An Huy.
Tất cả những lộ quân quan trọng trong việc chỉnh tiễn tiêu diệt quân tóc dài này đều do Tăng đại soái thống lãnh.
Ngoài những lộ quân này ra ta còn thấy một số đơn vị khác tuy không nằm trong hệ thống chỉ huy trực tiếp của Tăng đại soái nhưng vẫn nằm trong kế hoạch diệt địch chúng của ông, đó là Viên Giáp Tam ở Hoài Thượng, Đô Hưng A ở Dương Châu, Phùng Tử Tài ở Trấn Giang.
Bình uy của Thống soái Tăng Quốc Phiên chẳng mấy chốc truyền khắp miền Hoa Nam quân tóc dài nghe mà hãi hùng.
Từng toán lương dũng xưa nay vốn có tâm không chịu ngoại đạo, hưởng ứng phong trào Bình Tây sát Tả, tự động đến đầu quân như nước. Nhờ đó quân Tương Hoài của Tăng đại soái chỉ trong vòng mấy tháng đã trở thành đông đảo rộng lớn lẫy lừng…
Chẳng bao lâu, tiệp phi báo về đại bản doanh Thống soái như bươm bướm, quân tóc dài bại trận khắp nơi. Tướng tóc dài Trần Ngọc Thành (Tứ Nhãn Cẩu) bị Đa Long A đánh bại về sau bị hành quyết tại phủ Vệ Huy tỉnh Hà Nam. Ngọc Thành chết, Thái bình Thiên quốc mất một danh tướng, miền Sở Hoản mất một tay cự phách chống quân Thanh.
Đã thế mặt Ninh Quốc, Thái Bình Thiên quốc lại bị Bào Siêu công phá, đuối Phụ vương Dương Phụ Thanh chạy dài…
Hôm đó Lý Hồng Chương chỉ huy quân Hoài dũng đang tính lên đường thì đám thân sĩ đất Giang Tô là Tiền Đỉnh Minh, Phan Phúc Keo tới đón tiếp tại đất Hoãn và dâng quân mười tám vạn lạng bạc. Thế là vừa xuất phát quân binh đã khởi hứng, khí thế lại càng hăng hái bội phần.
Bỗng đám chư binh ở Ngô huyện là đám Vương Thao xin vào yết kiến, Chương mời vào. Thao dâng kế:
- Các quan lớn của ta nơi đây thường mượn bọn Tây dương đánh giặc. Theo ngu ý của tôi thì mướn bọn này lương vừa tốn kém lại không được đông đảo. Chi bằng ta lấy quân của ta bổ sung vào và chỉ mướn bọn Tây dương huấn luyện cho quân ta về cách sử dụng súng đạn bắn phá, như thế kết quả có lẽ tốt đẹp hơn.
Chương nghe kế, gật gù khen phải! Bởi thế, khi Thao đi rồi Chương mới cho gọi Ngô Hú vào hỏi xem tình trạng của quân Tây dương, Hú nói:
- Thuỷ sư đề đốc Anh quốc và Pháp quốc, cả hai tuy nhận giúp ta, nhưng họ vốn là hạm trưởng ngoại quốc cho nên không chịu thuộc quyền điều động của ta. Người tốt hơn cả chỉ có Hoa Nhĩ người Mỹ, Nhĩ là người có tội đối với nước ta, chạy trốn về Thượng Hải. Do đó, Ngô mỗ mới hội thương với viên lãnh sự người Mỹ, giúp ta huấn luyện cách sử dụng súng đạn Tây dương để cho y có dịp chuộc tội. Nhĩ vì thế nên đem hết tâm lực để phục vụ cho ta. Nếu ta gọi hắn về huấn luyện quân đội, hắn quyết không bao giờ dám biến tâm!
Chương nghe nói, lấy làm mừng lắm, liền truyền lệnh cho Hú điều động ngay Hoa Nhĩ tới. Hai ngày sau, Nhĩ tới yết kiến Chương, Chương dùng lời lẽ ngon ngọt khuyến uỷ, bảo Nhĩ hết sức huấn luyện cho ba ngàn quân Hoài dũng, còn gọi là quân Thường thắng. Thanh triều có chỉ xuống, Lý Hồng Chương thụ lý chức tuần phủ Giang Tô. Như thế, Chương vừa chỉ huy quân sự, lại vừa cai trị cả địa phương.
Lý Hồng Chương truyền lệnh cho tham tướng là Lý Hằng Tung hợp binh với Hoa Nhĩ, đồng thời liên lạc với quân Anh, Pháp đánh lần hai thành Gia Định và Thanh Phố. Mặt khác chính thuỷ sư đề đốc Anh là viết thư yêu cầu Chương cho quân hội binh tiến đánh phố Đông Sảnh huyện.
Lý Hồng Chương bèn truyền lệnh cho các tướng Trình Học Khải, Lưu Minh Truyền, Quách Tùng Lâm, Đằng Tự Võ, Phan Đinh Tân tiến quân sang trấn Châu Phố thuộc huyện Nam Hồi làm Bắc lộ. Đề đốc Anh Hà Bá, đề đốc Pháp Bốc La Đức, từ Tùng Giang tiến binh sang Vệ Kim Sơn làm Nam Lộ.
Hai lộ quân vừa xuất phát thì bỗng được tin Lý Tú Thành xuất quân tấn công châu Thái Thương. Quân của tri châu Lý Khánh Thánh bị địch quân đánh phá tan nát. Thành thừa thắng tiến đánh Gia Định, quân Tây Dương thua to. Gia Định bị hãm, Thanh Phố vì thế lại càng bị uy hiếp nặng nề…
Trước tình thế nguy cấp Lý Hồng Chương vội điều động Trình Học Khải chuyển quân về chặn ách Hồng Kiều cản đánh để cầm chân Tú Thành. Mặt khác Chương cấp báo cho hai viên đề đốc Anh, Pháp gấp rút đem quân về cứu Thanh Phố.
Lúc này chính là lúc hai viên đề đốc Anh, Pháp vừa đánh lấy được Phụng Hiền. Nhận được công văn của Chương họ chuyển quân chọc mũi dùi về Thanh Phố thì vừa gặp bộ hạ của Tú Thành. Hai bên giao chiến. Đề đốc Pháp Bốc La Đức trúng đạn chết, đề đốc Anh là Hà Bá hoảng hốt vội kéo binh rút lui.
Tướng Mỹ là Hoa Nhĩ lúc đó đang giữ thành Thanh Phố thấy quân Anh, Pháp đều trốn chạy cũng vội vàng xông ra khỏi trùng vi chạy trốn về Tùng Giang.
Tướng tóc dài Lý Tú Thành kéo đại binh ồ ạt xuống Thượng Hải như nước vỡ bờ. Trình Học Khải trấn giữ Thượng Hải, trong tay chỉ ước độ tám trăm quân ứng chiến với trên dưới mười vạn quân tóc dài. Thật là hai lực lượng xa cách nhau một trời một vực.
Quân tóc dài lại công hãm Từ Cốc, Sử Trí Ngạc vội cho người về Hồ xin cứu viện.
Lý Hồng Chương liền sai tướng Mỹ Hoa Nhĩ thống lĩnh quân Thường thắng tới cứu lấy thành Từ Cốc, Nhĩ trúng đạn chết, quân Thường thắng đành phải quay về Tùng Giao do viên tướng Mỹ khác tên gọi Bạch Tề Văn thay quyền chỉ huy.
Không ngờ Văn đóng cửa thành lại đòi lương rồi kéo quân đi khắp nơi cướp bóc.
Lý Hồng Chương liền cất hết chức tước Văn, đuổi về Mỹ rồi chọn Qua Đăng, một viên tướng Anh chỉ huy quân Thường thắng.
Bạch Tề Văn coi việc bị đuổi là một điều nhục, đã chẳng không về nước mà còn quay lại phản. Văn bỏ sang hàng Lý Tú Thành nằm trong trướng quân tóc dài để lập mưu định kế.
Chẳng bao lâu Văn rút cục cũng bị Hoài quân bắt được giải tới Thượng Hải. Vô phúc cho Văn thuyền đi tới giữa sông lật úp khiến Văn chết đuối, kết liễu cuộc đời của một tên phản phúc.
Lý Hồng Chương sau khi giải cứu được Tùng Hồ liền tiến quân lên Tô Thường gọi hàng tướng tóc dài Lạc Quốc Trung ở Thường Thục và Tiền Thọ Nhân ở Thái Thương. Chương đánh Phúc Sơn lấy lại Côn Sơn, uy hiếp Tô Châu.
Lý Tú Thành từ khi đại bại ở Giang Ninh vội chạy vào Giang Bắc. Nghe tin phủ Ninh Quốc đã bị Bào Siêu công phá, Lương Sơn thì Đông cũng như Tây đều bị Quốc Phiên chia quân phòng vệ, Thành bèn chạy về Tô Châu.
Đến đây Chiết Giang bình, ta kể qua chiến sự giữa Tăng Quốc Phiên và Thạch Đạt Khai.
Sau khi rút khỏi Giang Ninh đại tướng tóc dài là Thạch Đạt Khai lúc đầu chạy sang Giang Tây chống cự với Tăng Quốc Phiên, rồi lại chạy sang Hồ Nam, nhưng nơi đây Khai lại bị Lạc Bỉnh Chương sai tướng truy kích kịch liệt khiến phải chạy về Quảng Tây. Tướng Ích Phong được tin liền tức khắc điều động quân binh đánh đuổi.
Thạch Đạt Khai lúc này chạy đã quá xa không còn liên lạc được với Hồng Thiên vương Tú Toàn cho nên một mình một cờ, chạy dài suốt một giải Hồ Quảng. Bởi thế Khai tự nhủ chi bằng chạy vào Cầm Thục chiếm thế độc bá sơn hà còn hơn.
Hồi này bọn cướp cạn miền Tứ Xuyên là Lam Đại Thuận, Lý Vĩnh Hoà thừa lúc loạn ly rối rắm kéo nhau đi bốn phương cướp bóc lung tung. Thạch Đạt Khai liền cấu kết với bọn này rồi thừa cơ vào Thục.
Thanh triều thấy Lạc Bỉnh Chương có công chinh tiễu giặc cướp liền bổ nhiệm tổng đốc Tứ Xuyên. Chương hành quân lên hướng tây trước hết dẹp yên hai nhóm cướp Lam và Lý sau đó mới bao vây và ra sức tấn công quân của Khai.
Thạch Đạt Khai vốn là một kiệt tướng tóc dài đạp bằng hàng trăm thành, chuyên dụng chiến thuật xuất quỷ nhập thần nơi biên địa, thường tránh thực mà đánh hư, vô cùng thần tốc và tài tình. Do đó, Lạc Bỉnh Chương bèn tương kế tựu kế, bàn mưu với viên mạc khách Lưu Dung, tìm cách bức bách Khai phải nhập biên rồi bao vây bốn mặt khiến Khai hết đường trốn chạy, tự nhiên rơi vào rọ lưới của mình.
Quả nhiên Thạch Đạt Khai kéo đại binh vượt sông Kim Sa lên hướng tây thẳng đường tới Việt Hoà Sảnh. Tức thì Chương sai trọng quân ngầm theo sau gót, mặt khác truyền hịch cho thổ ty Công bộ là Lãnh Thừa Ân đánh chặn phía trước.
Thạch Đạt Khai cố tránh đường tắt cho nên khi tới miền Sài Dã, Khai tính cho quân vượt đò sang sông. Bỗng một cơn mưa như trút nước ầm ầm đổ xuống thêm. Nước lũ trên núi tràn về như thác khiến Khai phải bỏ hẳn ý định ấy. Quân tóc dài không còn cách gì sang sông.
Xuyên tướng là Đường Hữu Canh đem quân đuổi tới. Khai chạy lên bãi Lao Nha. Canh hợp binh với quân địa phương bao vây tả hữu, bức bách quân Khai.
Thạch Đạt Khai đành liều vượt sông. Chập tối, quân lênh đênh giữa dòng bị Canh huy động quân sĩ tấn công. Quân tóc dài chết chìm đến quá nửa.
Thê thiếp của Khai cả thảy năm người, thêm một đứa con trai nhỏ, đều chìm đáy sông, và bị nước cuốn trôi đi mất tích.
Khai vội bơi vào bờ. Nhưng vừa chân chạm đất thì Lãnh Thừa Ân đã chờ đấy từ lâu, bắt sống được, tống vào tù xa, đưa tới trước hàng quân. Khai biết mình đã tới số, bèn quỳ xuống cầu kinh để sớm được lên thiên đường hưởng cảnh yên bình.
Đường Hữu Canh áp giải Thạch Đạt Khai đến Thành Đô (thủ đô Ba Thục). Khi đem ra lấy khẩu cung, Khai miệng nói xoen xoét, đàm luận hết sức lanh lẹ. Khai tự khai mình ba mươi ba tuổi. Đối với các tướng của Thái bình thiên quốc, cũng như tướng của Thanh triều, Khai đều phê bình, chê biếm cho là kém cỏi tầm thường cả, duy chỉ phục có mỗi một mình Tăng Quốc Phiên mà thôi. Khai khen Phiên là người tri nhân thiện nhiệm, kế hoạch tinh vi, kỷ luật nghiêm minh, thực chưa từng có một vị nguyên soái nào như vậy.
Về sau, Khai bị phanh thây ngoài chợ Thành Đô. Từ đó, Thái bình Thiên quốc lại mất thêm một tay kiện tướng khiến Thiên vương Hồng Tú Toàn khi hay tin, chỉ còn biết nhỏ nước mắt vừa để cảm thương vừa để buồn lo cho cơ nghiệp đang tan vỡ, khó có thể tái đồ lại được.
Sau khi mất Thạch Đạt Khai, Thiên vương Hồng Tú Toàn, chỉ còn một yếu địa: đó là thành Giang Ninh. Ở nhiều nơi khác, vây cánh tuy còn, nhưng sức tàn cũng chỉ còn như hơi thở của kẻ sắp lâm chung, Toàn tự biết cùng rồi, cho nên nhất luật phong vương cho các tướng chỉ huy ở các nơi, hy vọng được họ cảm kích, ra sức đền đáp lại mình. Nhưng Toàn không ngờ rằng càng phong vương nhiều thì kỷ luật càng loạn và mệnh lệnh tuy có ra mà không mấy ai thi hành.
Tăng Quốc Phiên được tin các miền Tô, Chiết đã khôi phục được cả, duy chỉ còn có Giang Nam chưa lấy lại được, liền một mặt tưởng lệ tướng sĩ, một mặt điều động tấn công.
Lý Tú Thành đem theo bại tốt đông chừng vài vạn, chia giữ Đàn Dương và Câu Dung, rồi đích thân mình đem theo vài trăm kỵ mã vào Giang Ninh, khuyên Hồng Tú Toàn bỏ kinh đô (Kim Lăng) tị nạn, nhưng Toàn không nghe. Thành vội viết thư cho Lý Thế Hiền tiến đánh Giang Tây, còn mình thì ở lại Giang Ninh để bảo, vệ kinh đô.
Thành đã nhiều lần xua quân cảm tấn kích doanh trại của Tăng Quốc Thuyên. Bởi thế, Thuyên phải tăng cường quân nghĩa dũng trấn thủ các nơi hiểm yếu.
Chuẩn bị một kế hoạch tấn công quy mô, Thuyên trước hết cướp Vũ Hoa đài sau đó san phẳng lớp tường đá ngoài cửa Tụ Bảo môn, và chia quân chặn ách Hiếu Lăng vệ. Tại vùng này duy chỉ có bái Cửu Phục, vốn một trọng trận đối diện bờ sông Giang Ninh là được quân tóc dài bảo vệ đến mức tối đa. Chúng tập chung tại đây đến mấy trăm chiến thuyền tích cực yểm trợ các nơi, một mặt tiếp ứng cho bên trong thành, một mặt chặn đứng sông Tràng Giang. Ngoài ra lại còn có nhiều đồn ải như đồn Lam Giang, đèo Thảo Hài, bãi Thất Lý, đồn Yến Tử, ải Thượng Quan, ải Hạ Quan, cắm cờ Thái bình Thiên quốc san sát, khí thế hết sức hung hãn.
Dương Tải Phục lúc này đã đổi tên ra Dương Nhạc Bân, chỉ huy thuỷ quân kéo tới bãi Cửu Phục, hợp lực với quân của Bành Ngọc Lân chia đầu giáp công. Lân thì tiến. Quân từ đèo Bách Hải sang, Bân thì xua quân từ đồn Yến Tử sang. Cả hai cánh quân đều mang súng lửa, đạn lửa, tuỳ nơi mà quăng vào.
Bãi Cửu Phục hai bên bờ mọc đầy lau lách. Bân đổ dầu vào rồi nổi lửa. Nam bắc hai bờ suốt dọc sông Đại Giang trong nháy mắt biến thành biển lửa. Thuyền bè của quân tóc dài đậu tại nơi đây nhiều chiếc bị thiêu rụi.
Bành Ngọc Lân sai tổng binh Thành Phát Tường xông qua khói lửa tiến lên, trước, hết leo lên nam ngạn. Quân tóc dài tại bắc ngạn lúc đó đang còn phải tử chiến với Dương Nhạc Bân. Tổng binh Hồ Tuấn Hữu trúng đạn chết. Bân giận lắm bèn truyền lệnh cho quân sĩ chỉ lui quân khi phá được bãi này. Bọn bộ tướng là Du Tuấn Minh, Vương Cát, Nhiệm Tinh Nguyên thay phiên nhau tấn công quân tóc dài theo chiến thuật xa luân chiến.
Hai quân đánh nhau ác liệt mãi đến chập tối, quân Thanh nhờ bóng đêm lẻn lên bãi, xông qua làn đạn, đạp lên thây người mà tiến. Thế là bãi Cửu Phục thất thủ. Quân Thanh bắt được đến hơn ba trăm con ngựa chiến và chém chết tại nơi đây có đến hơn vạn quân tóc dài.
Châu Cửu Phục bị phá, Giang Ninh càng thêm nguy khốn. Tăng Quốc Thuyên thừa thế đánh lấy luỹ đá tại núi Chung Sơn mà quân tóc dài gọi là Thiên Bảo thành. Thành Thiên Bảo vốn là bảo chướng thứ nhất xây ở ngoài thành Giang Ninh.
Thuyên phá được ải này, tức là đã nối khắp được vòng vây. Mặt khác Bào Siêu lại đánh tan cả Câu Dung và Kim Đan.
Quân tóc dài tan vỡ, vội chạy qua Giang Tây. Siêu liền hợp quân với thuỷ sư của Dương Nhạc Bân nhất tề truy kích quân tóc dài về ngả Giang Tây.
Bành Ngọc Lân cũng di quân về đồn trú tại Cửu Giang. Thanh triều sợ Tăng Quốc Thuyên cô thế, vội hạ chỉ cho Lý Hồng Chương kéo quân tới giúp, cùng phá Giang Ninh. Tăng Quốc Thuyên, từ khi khởi chiến Giang Ninh phí bao tâm lực, chịu bao khổ sở mới có được trận vây thành này.
Đây chính là lúc thành công đã tới tám, chín phần rồi, vậy lại có người khác từ xa tới để chia công, đừng nói Tăng Quốc Thuyên mà ngay cả các tướng lãnh bộ hạ của Thuyên thảy đều giận dỗi.
May được Lý Hồng Chương, vốn người tế nhị khôn khéo, hơn nữa còn là người do Tăng Quốc Phiên bảo tiến, bởi thế Chương không muốn hoạt động của Thuyên. Chương thối thác mình nhuốm bệnh để kiếm cớ không đi. Mặt khác, Chương tải năm vạn lạng bạc bằng tàu thuỷ tới dinh Thuyên để sung quân phí.
Được tăng quân phí, Thuyên liền cổ lệ tướng sĩ tiến đánh luỹ âm Kiên tại núi Long Bác Tử. Luỹ Âm Kiên này nếu so với luỹ Chung Sơn, còn kiên cố hơn nhiều, bởi thế quân tóc dài mới gọi là Địa Bảo thành.
Chẳng giữ được bao lâu, Địa Bảo thành cũng tan vỡ như Thiên Bảo thành. Thuyên lợi dụng ngay mặt thành này làm pháo đài rồi cứ ngày ngày nã đại bác vào trong thành Giang Ninh.
Trong thành hết lương. Dân chúng đói kêu khóc rầm rĩ. Phủ Thiên vương lúc đó đưa rau cỏ, hành hẹ, gạo thóc ra bán cho dân với giá cắt cổ, cân lạng ngang hàng với vàng y. Ít hôm, gạo hết, bán đến đậu. Rồi đậu hết, bán đế bắp. Nhưng rồi bắp cũng hết, phải bán đến thục địa, ý dĩ, hoàng tinh, hoặc trâu dê, heo, chó, gà vịt đủ loại. Các thứ này rồi cũng hết sạch. Lại phải đi hái rau ngoài bãi, đem nấu với đường cho chín, rồi viên lại thành từng viên, đặt một cái tên rất đẹp gọi là Can lộ liệu cơ hoàn (viên thuốc ngọt chữa đói).
Rồi đói đến mức dân chúng bất chấp giặc thù, cả mạng sống, cứ đêm đêm, họ rủ nhau buộc dây leo ra ngoài thành để kiếm ăn. Quân tóc dài lúc đầu còn cấm đoán, lùng bắt, sau cũng đành chịu, nhiều khi họ còn dám leo ra cả ban ngày nữa.
Thành Giang Ninh bị vây hãm đã đến lúc quá nguy. Bởi thế, không chịu đựng nổi cảnh lo rầu đau khổ. Hồng Thiên vương Tú Toàn trong một hôm trời mây u ám, quỳ xuống dưới đất, ngửng mặt lên trời, miệng lẩm bẩm cầu xin Chúa gia ơn đưa mình lên Nước Trời, đoạn gục mặt xuống lan can, lệ rơi đẫm tay áo hoàng bào. Rồi một lúc sau, vương nâng chén thuốc độc đặt lên môi, từ từ nhắp từng hớp để cho chất độc ngấm dần vào phủ tạng, cuối cùng bật lên mấy tiếng nấc bi ai, và ngã vật trên tấm thảm nhung đỏ chói, sắc mặt tái mét đi, ngực thoi thóp mỗi lúc một yếu dần…
Hồng Thiên vương Tú Toàn chết, bọn Hồng Nhân Phá, Hồng Nhân Đạt cùng lập ấu chúa Hồng Phúc Châu lên ngai vàng, tuổi lúc đó mới mười lăm, mười sáu hy vọng xây dựng lại cơ đồ
Tăng Quốc Thuyên được tin Toàn chết vội loan cho quân sĩ luân lưu đánh phá, đào địa đạo nhiều đến ba, bốn chục đường chực chui vào thành nhưng đều bị quân tóc dài chặn lấp mất hết. Lý Thần Điển, một bộ tướng của Thuyên sai bọn Ngô Tôn Quốc chọn chỗ quân tóc dài đặt nhiều đại bác nhất để từ đó đào địa đạo tiến vào. Mãi đến ngày mười sáu tháng sáu địa đạo mới được hoàn tất.
Thuyên truyền lệnh cho binh sĩ kẻ nào lui sẽ chém, trái lại kẻ nào có công sẽ được trọng thưởng, rồi bắt đầu châm ngòi địa lôi. Một tiếng nổ vang lên như sấm động, cửa thành tức thì bật tung ra và vỡ nát đến mấy chục trượng, khói toả mịt mù.
Lý Thần Điển đốc thúc quân sĩ gươm giáo ồ ạt xông vào. Quân tóc dài dòng thuốc pháo mồi lửa từ trên mặt thành ném xuống như mưa. Quân Thanh tử thương, vô số có kẻ bị cháy như đình liệu. Toàn quân cơ như khựng lại.