• 94

Chương 2


Số từ: 4342
Dịch: Nguyễn Thành Phước
Nguồn: NXB Văn Học
2.
Tôi tên là Tiểu Triều.
Là a hoàn của nhà họ Liễu - dòng họ được mệnh danh là "vua thuyền" trong thiên hạ.
Sau khi tiểu thư chết, ngôi lầu hồng của nàng ở Tây viện biến thành hoang phế, Liễu lão gia thấy cảnh hoang tàn nên quá đau lòng, cuối cùng dùng một chiếc khoá lớn khoá chặt cổng Tây viện. Từ đó, không còn ai lai vãng.
Chỉ có tôi ngày đêm ở đây, sớm chiều nhìn hoa tàn, lá úa hồi nhớ cảnh phồn hoa vui tươi khi tiểu thư còn sống, lòng muôn nỗi ưu thương.
Mưa xuân lại triền miên rơi.
Tiểu thư ngày trước tính tình hiếu động, mỗi độ xuân về nhất định phải ra ngoài du xuân, dự hội đạp thanh. Thông thường đều là Thẩm Ngôn cùng đi với nàng, duy nhất một lần Thẩm Ngôn được hoàng thượng truyền kiến, Tả tướng liền gọi Thẩm Nhược lúc đó còn say luý tuý bên ngoài vừa mới trở về phủ, báo chàng đưa tiểu thư đi.
Tiểu thư không hài lòng, chưa kịp từ chối thì Thẩm Nhược sắc mùi rượu vừa nấc vừa nói: "Tiểu đệ có việc bận nhờ huynh giúp, nha đầu xấu xí đành phải nghe theo thôi, ai bảo muội đành hanh, tranh trời tranh đất, nhưng vẫn không tranh được với hoàng thượng."
Nói xong liền đẩy tiểu thư lên xe ngựa.
Trên đường tiểu thư rất bực, cố tình không nói chuyện. Thẩm Nhược lại cười cười nhìn cô bỗng lắc đầu, than thở: "Muội xem, sao muội béo thế, mùa đông năm trước suốt ngày chỉ có ăn hay sao? Béo phệ cả bụng rồi, chà chà xấu chết được
Tiểu thư kinh ngạc xấu hổ, vội kéo tấm khăn che bụng.
"Nhìn mặt xem, sao mắt có quầng lớn như vậy. Ôi chà, có cả nếp nhăn rồi, già nhanh thế?"
"Lại còn tay nữa nếu để người ta nhìn thấy có khi tưởng muội là nô tỳ của Thẩm gia chuyên làm việc chân tay nặng nhọc."
Tiểu thư rụt tay giấu vào ống tay áo.
Nhưng vẫn không che hết đang buồn bã bỗng thấy Thẩm Nhược cười ha hả, lúc đó mới biết đã trúng bẫy của chàng. Tiểu thư tức điên cấu tay chàng, Thẩm Nhược vừa cười vừa né tránh, xe ngựa đột nhiên lắc mạnh, hai người ngã nhào vào nhau.
Gần trong gang tấc.
Cả hai đều cảm thấy hơi thở của nhau, bốn mắt giáp nhau như thế, chân tay quấn quýt, chàng đè lên người tiểu thư, ánh mắt chợt tối.
Sau đó cúi đầu, hôn tiểu thư.
Tôi không hiểu tại sao tiểu thư không đẩy ra.
Có lẽ là do ánh mắt Thẩm Nhược uy hiếp giống như những móc câu cướp mất hồn tiểu thư không thể động đậy!
Cũng có thể do xe ngựa lắc mạnh, trời đất quay cuồng tiểu thư không biết mình đang ở đâu.
Cũng có lẽ bầu không khí trong xe quá kỳ dị, nặng trĩu đè nặng hơi thở của tiểu thư và cũng đè suy nghĩ của tiểu thư.
Tóm lại, tiểu thư không đẩy chàng ra, không né tránh. Thẩm Nhược đang hôn bỗng dừng lại, buông tiểu thư liếm môi cười: "Đúng là... ấu trĩ..."
Sắc mặt tiểu thư bỗng chốc biến thành màu trắng.
Mắt Thẩm Nhược như có ánh sao nhưng lại có thể thiêu đốt, "sao nhị đệ không dạy bảo nàng? Còn nói là hai người đến giờ vẫn chưa..."
Chàng không kịp nói hết câu
Bởi vì tiểu thư đột nhiên nhảy lên, không nói không rằng giật cửa xe nhảy xuống.
Xe rung lắc dữ dội.
Thẩm Nhược kinh ngạc vội giơ tay kéo tiểu thư, vậy là hai người cùng lăn xuống theo sườn dốc, hai tay chàng ôm chặt đầu tiểu thư mãi không buông.
Ngoảnh đi ngoảnh lại những tiếng sấm hè đã rền vang.
Tai nạn bất ngờ đó làm tiểu thư bị thương để lại một vết sẹo nhỏ dài trên trán, nhưng lại khiến Thẩm Nhược gãy một chân nằm giường đúng bốn tháng.
Tiểu thư nhất định không chịu đi thăm, có lẽ là không chịu nhượng bộ, có thể vẫn chưa hết giận hoặc là nguyên nhân khác. Tóm lại, tiểu thư nhốt mình trong nhà không chịu ra ngoài.
Cuối cùng, lại là Thẩm Ngôn đến khuyên nhủ rằng: "Ngày hăm mốt tháng năm là sinh nhật Thẩm Nhược, bây giờ huynh ấy nằm giường nhất định rất buồn nên mang chút quà đến thăm và chúc mừng sinh nhật."
Khuyên giải nửa ngày, tiểu thư cuối cùng động lòng mới lục trong hòm dưới gầm giường lôi ra cái hộp đi cùng Thẩm Ngôn.
Vừa đi đến trước cửa phòng Thẩm Nhược đã nghe thấy trận cười giòn giã và giọng con gái lanh lảnh ồn ào vọng ra.
Qua cửa sổ tiểu thư nhìn thấy một cô gái ngồi bên giường bón cho Thẩm Nhược ăn, sao nam nữ có thể thân mật như vậy! Quả là mới nhìn thoáng đã khiến người ta hồn siêu phách lạc.
Nghe tiếng Thẩm Nhược cười, nói, "may mà nàng đến thăm ta, dạo này bọn họ toàn cho ta ăn cháo hoặc cơm nhạt, chán chết, nghĩ tới món đậu hầm và canh cá của nàng là đã chảy nước miếng..."
Cô gái kia che miệng cười: "Nói vậy là đại công tử của Tả tướng, sơn hào hải vị chả thiếu thứ gì bây giờ lại thèm món ăn nhà nghèo chúng tôi."
"Chớ coi thường món ăn nhà nghèo, món đậu phụ cải trắng nết làm tốt còn khó hơn món vây bào ngư. Mà tài nấu ăn của Tiểu Nguyệt Lượng rõ ràng là tuyệt đỉnh.
Tôi mới biết, thì ra cô gái đó chính là Tiểu Nguyệt Lượng (danh kỹ Tiểu Nguyệt Lượng nức tiếng kinh thành) xưa nay chỉ nghe danh chưa từng gặp mặt.
Tiểu thư nghe cái tên đó lại lặng thinh khác thường, Thẩm Ngôn thấy vậy vội vàng vén rèm bước vào, "Nhược huynh, đệ và Tịch Nhi đến thăm huynh."
Rèm vừa vén lên thấy Thẩm Nhược bên trong và tiểu thư bên ngoài nhìn thẳng mặt nhau.
Tiểu thư vội nhìn xuống không nói.
Ánh mắt Thẩm Nhược loé sáng như nhìn ra điều gì nhưng cuối cùng cũng không nói.
Còn Tiểu Nguyệt Lượng bên cạnh cũng vội đứng lên bước tới cúi chào hai người, "Nguyệt Lượng kính chào Thẩm nhị công tử và Liễu tiểu thư."
Thẩm Ngôn nhíu mày: "Sao cô nương lại đến đây?"
Tiểu Nguyệt Lượng còn chưa kịp lên tiếng Thẩm Nhược đã nói: "Là ta gọi nàng ấy đến. Nhắn bạn cũ đến thăm người ốm thế nào? Cũng không được sao?"
Thẩm Ngôn vội xua tay, "không, không, đệ không có ý đó. Chỉ có điều..." Chàng dừng lại nói: "Bất luận thế nào kỹ nữ ra vào phủ Tả tướng nếu tin đồn ra ngoài, dù gì cũng không hay."
Thẩm Nhược liếc hai người rồi quay nhìn Tiểu Nguyệt Lượng, cười cợt nói: "Mặc kệ họ, món cá này rất ngon, ta vẫn muốn ăn nữa."
Tiểu Nguyệt Lượng vội vàng xúc cá trong bát tiếp tục bón cho chàng, tiểu thư cuối cùng mở miệng, "xương cốt bị tổn thương không nên ăn cay."
Bát canh cá đỏ ngòm, toàn ớt nhìn đã biết rất cay.
Thẩm Nhược ngước mắt nhìn tiểu thư, cười, ánh mắt liếc đảo sáng lên, "không ngờ, Liễu tiểu thư cũng quan tâm đến tại hạ. Chân tại hạ bị gãy lâu như vậy cũng không đến thăm. Tại hạ nằm liệt mấy tháng cũng không hỏi han, bây giờ sao lại tỏ ra tốt bụng như thế!"
Mặt tiểu thư đỏ ửng, cả người run lên hình như rất giận cuối cùng trao cái hộp cho Thẩm Ngon, "đưa cái này cho người ta, muội về đây!"
Nói xong, quay ngoắt bỏ đi, đi rất nhanh Thẩm Ngôn gọi cũng không ngoảnh lại.
Thẩm Nhược nhìn theo, mắt cũng tối thẳm, nét mặt trầm tư, Thẩm Ngôn mở cái hộp mang đến trước mặt chàng nói: "Huynh, huynh giận Tịch Nhi làm gì? Xem này, Tịch Nhi đã chuẩn bị quà mừng sinh nhật huynh."
Trong hộp là chiếc bình thuỷ tinh đựng một thứ chất lỏng óng ánh màu xanh đen.
Đó là loại rượu nhất phẩm nổi tiếng cực kỳ quý hiếm.
Lá thu trên cành dần dần vàng úa.
Thẩm Nhược đã khỏi bệnh nhưng tiểu thư lại ốm.
Tiểu thư ho suốt đêm, ho mãi không khỏi, các đại phu đều không tìm ra nguyên nhân, chỉ nói là bị nhiễm cảm phong hàn cần tịnh tâm tĩnh dưỡng.
Tả tướng thương xót nhưng không biết làm thế nào, Thẩm Ngôn luôn trực bên giường, người trong phủ đều hoảng sợ. Có người bàn tán sau lưng, "cô con gái của Liễu gia phúc đoản mệnh bạc e khó qua khỏi."
Tiểu thư chập chờn hôn mê những lời như vậy chỉ nghe câu được câu chăng.
Trong mơ lúc tỉnh lúc mê, tiểu thư loáng thoáng nghe thấy có người đi đến bên giường tưởng là Thẩm Ngôn liền gọi: "Ngôn ca ca, nước."
Người đó mang nước đến, đỡ đầu tiểu thư lên nhẹ nhàng kê bát nước vào miệng. Trên cơ thể người đó thoảng mùi rượu thơm thơm.
Tiểu thư uống nước xong, môi mấp máy nói, "cảm ơn, Ngôn ca ca!" sau đó ngủ thiếp đi.
Cứ như vậy liền mấy đêm, người đó luôn xuất hiện vào lúc tiểu thư cần, trên người luôn có mùi hương mà tiểu thư quen thuộc, không hiểu sao khi ngửi mùi hương đó lại thấy rất vững lòng.
Vào cái đêm tiểu thư trở bệnh nặng nhất, lúc hé mắt lại lờ mờ nhìn thấy bóng người đó, vậy là tiểu thư gắng gượng thì thào: "Ngôn ca ca, muội nguy rồi, nếu muội chết, huynh nhất đinh không được khóc, nhắn với bá phụ cũng đừng buồn. Nếu có kiếp sau, muội sẽ đầu thai vào nhà huynh làm con gái thật sự của bá phụ."
Một giọt nước nóng hổi nhỏ trên trán tiểu thư, cảm giác đó làm cơ thể run lên truyền đến toàn thân, thấm tận vào lòng nóng ran. Tiểu thư vẫn có thể nhận ra đôi tay ấm áp đó, lòng bàn tay mềm mại, các đốt ngón tay dài và ấm nóng nhẹ nhàng áp vào mặt rồi rồi lại từ từ phủ lên mắt.
"Xin lỗi..." Giọng người đó giống như chìm trong nước khi nổi lên đã khúc xạ biến thành "xin lỗi, xin lỗi!"
Từng chữ rành rọt, âm vang như bị kéo dài rất lâu.
Ánh trăng lọt qua cửa sổ, phủ lên hai người một màu trắng bạc lạnh lẽo thê lương.
Còn tiểu thư cuối cùng thoát khỏi kiếp nạn đó.
Sau cái đêm tồi tệ nhất, tiểu thư bắt đầu dần dần hồi phục. Đến mùa đông khi tuyết rơi, lão gia được ra trước thời hạn, ngay đêm đó sai người đến phủ Tả tướng đón tiểu thư về.
Gia nhân của Liễu phủ đến đột ngột, Tả tướng và nhị công tử đều chưa hề có chuẩn bị tâm lý, tiểu thư sau khi nghe tin đó chỉ nói một câu: "Để tôi thu xếp đồ đạc, sáng sớm mai sẽ khởi hành."
Tiểu thư về phòng mình đuổi hết người hầu, tự tay xếp đồ, từ giờ dậu đến giờ dần nến mới tắt. Khi tia nắng đầu tiên đậu lên song cửa, tiểu thư mở cửa phòng nói với gia nhân của Liễu gia, "có thể đi được rồi!" Gia nhân định chuyển đồ mới nhận ra, đồ đạc vẫn y nguyên chưa hề động chạm.
Tiểu thư nói: "Chỉ cần đưa ta đi là được!"
Gia nhân nhìn nhau một lát không dám cãi lời dìu tiểu thư lên xe.
Tuyết vỡ vụn dưới bánh xe, xe nhẫn nại lăn bánh trên đường dài, có vẻ cũng nặng nề như nỗi lòng tiểu thư. Phía trước có chiếc xe ngựa đi đến, trong xe là Thẩm Nhược đi suốt đêm không về vẫn đang ngủ say tít.
Hai chiếc xe từ từ tiến lại gần như vậy, sau đó đi qua một chiếc về Liễu gia, một chiếc về Tả phủ.
Còn đêm đó, tiểu thư là Thẩm Nhược vẫn vô duyên không nói một câu tạm biệt.
Đêm giao thừa năm đó, lão gia gọi tiểu thư đến thư phòng, nói, "hai nhà Thẩm Liễu đã quyết định liên hôn" Tiểu thư kinh ngạc hỏi: "Vậy cha gả con cho ai?"
Lão gia trả lời: "Theo luật lệ triều ta, tiểu đệ không được thành hôn trước đại huynh, con đương nhiên gả cho Nhược Nhi."
Sắc mặt tiểu thư từ trắng chuyển thành xám cuối cùng nhợt nhạt, bật cười: "Ý trời, đúng là ý trời."
Lão gia hỏi: "Con có bằng lòng không?"
Tiểu thư trả lời: "Bằng lòng, có gì không bằng lòng!"
Vậy là hôn sự rầm rộ của hai nhà đã định. Tin lan truyền khắp đường to ngõ nhỏ trong kinh thành.
Còn chàng tân lang may mắn đó đêm đêm vẫn chìm trong tửu sắc, cầm ca.
Sau đó là ngày mồng sáu tháng ba, tiểu thư đốt sạch đại hỷ bào tân nương, đốt trụi khuê phòng và... chính mình.
3.
Tôi tên là Tiểu Triều.
A hoàn của Liễu gia - dòng họ được mệnh danh là "vua thuyền" trong thiên hạ.
Tôi sống ở Tây viện đổ nát trông coi mộ phần cho tiểu thư.
Tiểu thư chết đã chẵn một năm. Tây viện thành nơi hoang phế bị người ta bỏ quên.
Tôi quét là rụng trên sân, bên ngoài mưa dầm u ám dai dẳng, trời tối dần không có ai chăm đèn, Tây viện hoang vắng tối đen như mực.
Trong màn đêm âm u đó, phía trước lại xuất hiện một điểm đang tiến vào, thì ra có người mang theo đèn lồng từ ngoài tường bao đi vào.
Tôi nhìn kỹ người đó, dung mạo ẩn trong bóng tối nhìn không rõ, chỉ thấy một bàn tay xách đèn, ngón thon dài như ngọc tạc, từ cơ thể chàng thoảng ra mùi hương quen thuộc đã lâu tôi không thấy mùi hương đó khiến người ta cảm thấy yên tâm.
Chàng đi đến trước mặt tôi kinh ngạc, có lẽ không ngờ lúc này vẫn còn có người ở đây. Sau đó hỏi tôi, "cô nương là ai?"
"Tôi là Tiểu Triều. A hoàn của Liễu gia "vua thuyền" thiên hạ!"
"A hoàn của Liễu gia?" Người đó giật mình kéo tôi đến trước đèn nhìn kỹ. Tôi ngẩng đầu nhìn thấy mắt chàng trong bóng tối ánh mắt đó sáng như sao.
"Sao cô nương lại ở đây?"
"Trông coi mộ phần cho tiểu thư!"
"Sao có thể..."
Người đi lẩm bẩm lặp lại: "Một năm trước Liễu gia đã chuyển nhà về Hàng Châu mang theo cả quan tài của Tịch Nhi. Sao có chuyện để lại một người trông coi mộ phần?"
Tôi kinh ngạc, đầu óc bỗng trống rỗng, tất cả cảnh tượng trước mắt giống như nhìn xuống mặt đất, lấp loáng nhập nhoà tựa như hòn đá rơi xuống sóng nước lan ra tất cả nhoà đi, mặt nước dập dờn rồi lặng dần.
Thảo nào lâu như vậy, tôi không nhìn thấy một người nào.
Thảo nào không có ai đua cơm, đưa nước cho tôi, không ai thăm hỏi.
Thảo nào bụi phủ tầng tầng, quét thế nào cũng không sạch.
Tôi lại quay người nhìn lên xà nhà đổ nát, nhìn Đình Viện cỏ mọc xanh um, nhìn nơi hoang phế không ánh lửa, không có vật dụng, đồ ăn, tôi bỗng ngây người thầm nghĩ: Vậy lâu nay tôi sinh sống thế nào ở một nơi như vậy, con người làm sao sống được?
Người đó nắm cánh tay tôi hỏi dồn: "Rốt cuộc ngươi là ai? "
"Tôi là Tiểu Triều là a hoàn của Liễu gia "vua thuyền" tôi ở đây trông coi mộ phần cho tiểu thư." Tôi nghĩ mình sắp khóc, có lẽ đã khóc bởi vì giọng tôi quá run ngay bản thân nghe cũng không thấy rõ. Không thể chịu được cảm giác đau như xé gan xé phổi, tôi đẩy người đó ra, chiếc đèn lồng rơi xuống đất sau đó bỏ chạy.
Tôi chạy thục mạng.
Thầm nghĩ: Sao mình lại ở đây, tại sao nhớ rõ mọi chuyện của tiểu thư đến vậy?
Đằng sau có tiếng bước chân vội lại gần, người đó không chịu bỏ qua vẫn đuổi theo tôi.
Cuối cùng có bàn tay chắn phía trước tôi, một tiếng nói hình như từ lòng đất sâu, xa thẳm vọng lên phát ra âm thanh quá quen thuộc, tôi đã nghe thấy vạn lần.
"Liễu Tịch!"
Thế giới mê mờ hỗn độn hình như đột nhiên rõ nét sáng bừng bởi hai chữ, vạn vật trong đất trời trở về đúng vị trí bởi hai chữ đó, tôi nhìn thấy bóng mình trong đôi đồng tử sáng như sao có thể soi thấy vạn vật giữa đất trời.
Một mái tóc chải phẳng phiu gọn gàng trên cài những chuỗi ngọc châu màu đỏ, bộ hỷ bào đỏ chói trên người thêu nổi cặp long phượng bằng chỉ vàng, một đôi mắt rất to, mũi cao thẳng, cặp môi nhỏ nhắn... sau đó lại là một màu đen thui.
Tôi giơ tay run run sờ mặt mình, ngón tay làn rất chậm, dè dặt.
Chủ nhân của đôi mắt bật cười reo lên: "Nha đầu xấu xí, đúng là nàng!"
"Chàng là ai?"
Người đứng trong bóng tối không sao nhìn rõ này rốt cuộc là ai?
Trên cơ thể người đó có mùi hương tôi quen thược, vậy là ai?
Người gọi tôi bằng cái từ tôi ghét nhất, thực ra là ai?
Là ai, là ai, là ai? Chàng là ai?
"Cô nương không biết tôi? Thực sự không biết tôi?" Chàng châm lại đèn lồng soi vào mặt tôi, ánh đèn vàng nhạt hắt lên người đó, hàng lông mày rậm, đôi mắt quá sắc, mũi quá cao, môi quá mỏng, khuôn mặt quá sắc nét, bộ dạng quá ngang tàng.
Chàng xưa nay không đẹp bằng Thẩm Ngôn.
Nhưng, nhưng, nhưng mà...
Tôi ngây người nhìn khuôn mặt đó mặt lại đầy nước mắt.
Cuối cùng nhớ ra tên chàng.
Cái tên đó, vào ngày mồng sáu tháng ba, thoát ra từ miệng một cô gái khác với một giọng khẩn cầu tha thiết.
Cô ta nói: "Tôi đã mang thai đứa con của Thẩm Nhược. Cho nên, Liễu tiểu thư, xin tiểu thư nhón tay làm phúc nhường Thẩm Nhược cho tôi, cầu xin tiểu thư..."
Danh kỹ tuyệt sắc nức tiếng kinh đô quỳ trước mặt, nắm vạt áo tôi khóc lóc: "Liễu tiểu thư, tiểu thư với nhị công tử mới là một đôi kim đồng ngọc nữ. Tại sao tiểu thư không lấy chàng lại lấy Thẩm Nhược? Lẽ nào tiểu thư không biết Thẩm Nhược không hề muốn lấy tiểu thư..."
Thẩm Nhược không muốn lấy tôi?
Sáu chữ này lạnh thấu tim.
Tôi nghe thấy những âm thanh lọt qua kẽ răng mình, "làm sao cô nương biết chàng không muốn lấy tôi?"
Tiểu Nguyệt Lượng cười, nụ cười như giấu lưỡi dao đâm vào người tôi, "nếu thích tiểu thư, tại sao chàng lại với tôi còn làm tôi có mang?"
Tôi nhìn thấy lưỡi dao đâm vào da thịt mình nhìn thấy máu túa ra, nhìn thấy những vết thương, nhìn thấy ký ức mười bảy năm của tôi và chàng... rồi cuối cùng nhìn thấy kết cục của tôi.
Đêm đó, tôi nhìn thấy khắp phòng đầy máu tươi.
Tôi tên là Liễu Tịch.
Là tiểu thư của Liễu gia - dòng họ được mệnh danh là "vua thuyền" trong thiên hạ.
Tôi quanh quẩn suốt một năm ở ngôi lầu sơn của mình lưu luyến mãi không đi, không hề biết mình đã trở thành cô hồn dã quỷ.
Một năm sau tôi gặp lại Thẩm Nhược nhìn thấy chàng dưới ánh đèn lồng, nhớ lại chuyện xảy ra trên trần thế lòng bàng hoàng như ảo mộng.
"Tại sao huynh đến đây?" Tại sao Thẩm Nhược lại đến khu vườn đã bị bỏ hoang hơn một năm?
"Tại sao huynh nhìn thấy tôi?" Đúng, người trần mắt thịt tại sao huynh lại nhìn thấy tôi?
Chàng đăm chiêu nhìn tôi, mắt long lanh màu ngọc biếc, bừng sáng rồi tối dần, cuối cùng biến thành nụ cười, "ta đến tìm nàng!"
"Tìm thiếp?" Cơ thể tôi cứng đờ, mắt ngây dại vì có quá nhiều điều không hiểu.
Chàng từ từ đặt chiếc đèn lồng xuống đất, ánh đèn chao đảo, cuối cùng dừng lại hắt lên y phục chàng, áo chùng trên người chàng bay phấp phới có thể chàng sẽ lập tức bay đi.
Trên áo chùng trắng tuyết có những vết vàng đỏ đan xen.
Cuối cùng tôi hiểu, mùi hương mà tôi thấy quen thuộc là gì.
Là mùi rượu.
Trên người chàng luôn phảng phất mùi rượu.
Còn lúc này, rượu dính đầy vạt áo lẫn với màu máu đỏ, từng điểm vàng, điểm đỏ đan xen.
"Huynh uống chết đi cho rồi!" Câu mắng bao nhiêu năm trước hình như vang vọng bên tai.
Hình ảnh chàng vận hỷ bào uống rượu, rồi thổ huyết trước linh đường vẫn còn nguyên trong tâm trí.
"Huynh cũng... chết rồi ư?" Ngón tay tôi đi qua những chấm đỏ, chấm vàng trên áo chàng.
"Ừm!"
"Vì sao?"
"Biết nàng cô đơn cho nên xuống với nàng!"
"Tại sao?"
Tôi run run nghẹn giọng: "Rõ ràng huynh không thích tôi, rõ ràng đã có Tiểu Nguyệt Lượng và có con với cô ta, tại sao, tại sao vì tôi tìm đến cái chết vì tôi mà tìm... đến đây?"
"Tiểu Nguyệt Lượng đã nói dối, ta và cô ấy trong sạch, trước sau luôn khách khí giữ lễ với nhau."
"Sao lúc nào chàng cũng uống rượu say khướt bên ngoài?"
"Bởi vì..."
Mắt chàng chứa chất nỗi đau tột cùng, "Ngôn Nhi thích nàng."
Tôi nhớ lại chuyện hồi nhỏ của chàng.
Phu tử ra đề bài, huynh đệ đều làm xong, phu tử xem bài của Thẩm Ngôn trước tấm tắc khen hay, Thẩm Nhược đứng bên vò nhàu bài, còn cười cười nói, ôi chà, xin lỗi, trò chưa làm xong.
Tả tướng ra vế đối, Thẩm Nhược tỏ ra chậm chạp càng khiến Thẩm Ngôn nổi bật sự thông tuệ.
Lâu nay chang như cái bóng bên cạnh Thẩm Ngôn vĩnh viễn không toả sáng.
Bấy lâu nay, chàng luôn nhường nhịn tiểu đệ mọi điều.
"Lúc nhỏ ta nghịch ngợm chơi bên cạnh giếng, có lần thò đầu xuống giếng hét vang, vậy là rơi xuống. Lúc đó mẹ hai đang mang thai Ngôn Nhi, bụng rất to vừa đi qua nhìn thấy vội dùng dây thừng kéo ta lên. Cuối cùng, mặc dù ta được cứu nhưng mẹ hai bị động thai, không những đẻ non mà còn suy nhược rồi chết sau khi sinh
Mẹ của Ngôn Nhi vì cứu ta mà chết cho nên ta thề, suốt đời bảo vệ tiểu đệ, không để đệ ấy phải chịu bất hạnh, không chịu bất kỳ nỗi ấm ức tủi thân nào.
Ta biết Ngôn Nhi thích nàng cho nên ta luôn xử tệ với nàng, lẩn tránh nàng. Ta thầm nghĩ: Nếu ta xấu xa nàng sẽ không thích ta. Vậy là, đêm đêm ta đến lầu xanh, uống say khướt, trở thành một đống giẻ rách, không thể cứu vãng.
Nhưng, ta không kìm được xúc động bất chợt, lúc trên xe ngựa không thể kìm lòng nên đã hôn nàng. Sau khi làm việc đó, ta hối hận vô cùng, vậy là lại tiếp tục lẩn tránh.
Nhưng, không biết tại sao, cuối cùng cha ta và cha nàng lại chọn gả nàng cho ta mà không chọn Ngôn Nhi. Nhìn Ngôn Nhi đau khổ, ta tự nhủ mình không thể cướp mất người Ngôn Nhi yêu quý nhất, trân trọng nhất.
Cho nên đã nhờ Tiểu Nguyệt Lượng giúp ta diễn màn kịch để nàng nguội lòng với ta.
Nhưng không ngờ lại hại chết nàng.
Xin lỗi, Tịch Nhi, ta đã hại nàng nên đến đây đền mạng cho nàng."
Chàng khuỵ đầu gối, từ từ quỳ xuống vùi mặt vào tay tôi.
"Xin lỗi, Tịch Nhi, nhưng ta sống một ngày là một ngày không thể quên ân tình của mẹ hai với ta. Ta đã làm Ngôn Nhi mất mẹ, làm cho nó từ nhỏ đã ốm yếu nhiều bệnh, cho nên ta không thể lấy người con gái mà Ngôn Nhi yêu, Xin lỗi, tha lỗi cho ta, tha lỗi cho ta..."
Trái tim rỉ máu, bệnh tật dày vò đục khoét suốt một năm. Trong một năm đó, chàng sống thế nào tôi không dám nghĩ.
"Bây giờ..." Chàng ngẩng đầu, nhìn tôi nói rõ từng chữ, "hãy cho ta ở bên nàng, lúc sống không dám nhìn nàng, không dám gọi tên nàng, không dám yêu nàng, bây giờ hãy cho ta đền bù tất cả."
Tôi đứng lặng rất lâu, cuối cùng giơ tay vuốt tóc chàng, "Thẩm Nhược, chàng ngốc quá."
Tôi và chàng thì ra đều ngốc nghếch.
Tôi cùng chàng sống ở Tây Vi hoang vắng.
Thời gian lặng lẽ trôi, năm năm, tháng tháng, ngày ngày, sớm sớm, chiều chiều bên nhau.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Thất Dạ Đàm.