• 1,594

CHƯƠNG IX.2


Số từ: 4644
Chính anh chàng Zê-nôn ấy, một hôm đi cùng vài thanh niên nữa đi ngang qua cửa hiệu của bà Skốp-kô-va vào đúng lúc Ma-rư-sia đang khóa cửa. Y dừng chân, cất giọng thân mật nhất để gợi chuyện:
- Chào cô Ma-rư-sia, có gì vui không cô?
- Chào anh, - cô mỉm cười đáp. - Cám ơn.
- Nhưng mà cô Ma-rư-sia cũng không bao giờ được thoải mái nhỉ?
- Sao lại không thoải mái? - Cô ngạc nhiên.
- Bà Skốp-kô-va có vẻ là người tốt, thế mà không chịu nghĩ đến một chuyện như thế, - y nói vẻ thông cảm.
- Về chuyện gì cơ?
- À về cái đi-văng ấy mà.
- Cái đi-văng nào? - Cô mở tròn mắt.
- Thì hẳn là về chuyện cái đi-văng rồi. Quầy hàng trong hiệu thì vừa hẹp vừa cứng. Hai người, nhất là lại với ông Trưn-xki nữa, làm sao có thể nằm thoải mái trên đó được.
Đám thanh niên cười ầm cả lên. Ma-rư-sia vẫn chưa hiểu gì cả, nhưng cô cảm thấy có chuyện gì đểu cáng ở đây, cô nhún vai:
- Tôi không biết ông muốn nói đến chuyện gì...
- Nàng Zu-zan-na phẩm hạnh không hiểu tôi nói đến chuyện gì, - Zê-nôn ngoảnh mặt nhìn đám bạn y, - nhưng cô ấy lại biết làm cái ấy ra sao.
Một tràng cười mới lại rộ lên thay cho lời đáp.
Run hết cả người, Ma-rư-sia rút mạnh chìa khóa ra khỏi ổ, chạy xuống thềm và gần như chạy gằn về nhà. Đầu gối cô như nhũn ra, trong đầu cô u u, tim đập cuống cuồng trong lồng ngực.
Chưa từng có kẻ nào xúc phạm đến cô một cách tàn nhẫn và tục tĩu đến thế. Cô không hề làm điều gì, dù là nhỏ nhất, có hại một ai, chưa hề nói với ai một lời xúc phạm. Thậm chí cô chưa hề nghĩ xấu cho một ai. Thế mà đột nhiên...
Cô cảm thấy như vừa bị người ta hắt một chậu nước bẩn thỉu vào người. Cô chạy, mà những tiếng gào hét, những tiếng cười và tiếng huýt sáo vẫn bay tới tai cô.
- Chúa tôi, Chúa tôi... - Đôi môi cô run rẩy thốt ra. - Kinh khủng quá, nhục nhã quá...
Cô cố định thần lại, cố kìm những tiếng nức nở đang bật ra trong lồng ngực, nhưng không thể. Cô chạy tới hàng rào nhà linh mục thì phải tựa vào ván rào và bật lên thổn thức.
Đường phố phía sau các khu vườn là nơi ít người lui tới nhất. Song thật tình cờ, đúng vào lúc ấy anh trưởng chi chánh bưu cục Ra-đô-li-xki, chàng Xô-bếch, lại đến gặp người trồng vườn của cha để mua dâu tây. Thấy cô Ma-rư-sia đang thổn thức, đầu tiên anh ngạc nhiên, rồi anh xúc động và quyết định sẽ an ủi cô.
Anh đoán ngay ra nguyên nhân của những giọt lệ kia. Thì anh vẫn biết là cậu chủ Trưn-xki ngày nào chả ngồi chơi lâu trong hiệu mà.
Chắc cậu chủ đã gợi tình cô gái, đã khiến cô phải lòng, bây giờ bỏ rơi cô, - anh chàng Xô-bếch thoáng nghĩ.
Anh bèn khẽ chạm vào khuỷu tay Ma-rư-sia lên tiếng:
- Không đáng gì phải khóc, cô Ma-rư-sia ạ. Từ tấm lòng thành, từ lý trí mình, tôi bảo cô thế đấy. Không đáng gì. Thời gian rồi sẽ qua đi, nỗi đau dần nguôi ngoai thôi. Khóc mà làm gì cho đỏ mắt. Cô còn ngàn lần giá trị hơn hắn ta. Cứ để cho hắn ta phải tiếc. Hắn đã xúc phạm đến cô. Rồi Chúa sẽ trừng phạt hắn. Giống như với cái cào ấy. Hắn giẫm lên răng cào. Hắn tưởng là đã chà đạp được cào, ấy thế mà chưa kịp định thần thì cào đã bật lại, giáng cào vào trán hắn... Luật là thế đấy. Nào, đừng khóc nữa cô Ma-rư-sia...
Anh động lòng bởi những tiếng nức nở của cô và sự bất lực của những lời an ủi của chính anh. Anh cũng suýt òa lên khóc. Anh nhẹ nhàng vuốt ve khuỷu tay cô đang giật giật trong cơn thổn thức.
- Nín đi, cô Ma-rư-sia, nín đi nào, - anh nói, - không đáng gì không cần phải khóc. Hắn xúc phạm cô... hắn đã xúc phạm. Hắn là người xấu. Không chút lương tâm...
- Nhưng mà vì sao, vì cái gì kia chứ... Ma-rư-sia vẫn khóc. - Tôi không ưa hắn thật,... không bao giờ. Nhưng tôi có làm gì xấu cho hắn đâu.
Xô-bếch đâm suy nghĩ.
- Cô nói về ai thế?
- Về hắn, về tay Vôi-đư-uô ấy...
- Về ông già ấy à? - Anh ngạc nhiên.
- Không, về cái tay... cựu học sinh trường dòng.
- Zê-nôn?... Thế thằng vô lại ấy đã làm gì cô?
- Hắn ném cho tôi những lời nhục mạ kinh khủng... Trước mặt mọi người! Nhục nhã!... Nhục nhã quá... Bây giờ tôi còn dám nhìn mặt ai nữa kia chứ!
Cô vặn vẹo hai bàn tay.
Xô-bếch cảm thấy máu dồn cả lên mặt anh. Lúc nghĩ rằng cậu chủ Trưn-xki xúc phạm tới Ma-rư-sia, bất giác anh coi đó như là một điều phải chấp nhận, bởi vì nó là tác động của những thế lực cao hơn mà anh không có cách gì chống nổi. Nhưng một khi anh được biết rằng chuyện dính dáng đến thằng con ông Mô-xte-rơ-giây, thì tự nhiên anh nổi cơn tức giận.
- Thế nó dám nói những gì với cô? - Anh cố giữ bình tĩnh.
Giá như không xúc động và không tự thương thân đến thế, chắc hẳn Ma-rư-sia không tài nào thú thực. Giá cô có thì giờ để suy nghĩ, chắc cô sẽ nhận thấy rằng có nói với anh chàng Xô-bếch kia cũng chẳng có nghĩa gì, bởi anh là một người xa lạ. Nhưng lúc này cô quá khao khát một sự đồng cảm. Vì vậy, bằng giọng đứt đoạn, cô kể lại cho anh cuộc va chạm kia với mức độ mà cô có thể.
Nghe xong, Xô-bếch bình tâm lại và thậm chí mỉm cười.
- Thế mà cô cũng để ý đến cái thằng ngu ấy làm gì cho thêm bận người, - anh bảo. - Hắn nói cũng chỉ như chó sủa mà thôi. Chẳng việc gì phải để tâm cô ạ.
- Ông nói dễ thế chứ...
- Dễ hay không là chuyện khác, nhưng chẳng cần để ý đến thằng Zê-nôn làm gì, Zê-nôn là thứ gì đối với cô?... Nhổ toẹt nước bọt là xong...
- Dù thế đi nữa, - cô gạt nước mắt, - thì người ta cũng đã nghe thấy, người ta sẽ truyền tụng khắp thị trấn. Tôi còn dám nhìn ai nữa kia chứ.
- Ôi, cô Ma-rư-sia, sao cô lại không dám nhìn kia chứ? Lương tâm cô trong sạch, đó là cốt yếu.
- Không phải ai cũng tin là trong sạch.
- Ai trung thực thì người ấy sẽ tin, còn kẻ độc ác thì để ý mà làm gì. Ồ, có đấy, qua đi, thế là xong. Cô thấy không này, - anh chìa chiếc giỏ ra, - tôi đến vườn mua dâu tây. Cô đi với tôi nhé? Dâu tây ngon lắm, to thế này này. Lại ngọt nữa.
Cô gái mỉm cười.
- Cảm ơn, tôi còn phải về nhà... Chào ông.
- Chào cô, cô Ma-rư-sia. Cô đừng để tâm làm gì.
Cô dừng bước và nói:
- Ông tốt với tôi quá... Tôi sẽ không bao giờ quên.
Xô-bếch nhăn mặt xua tay.
- Tốt gì đâu. Không có gì đáng nói. Chào cô.
Anh khẽ ngân nga một khúc tăng gô nào đó, đi đến vườn. Anh chọn dâu tây, mặc cả, trả tiền, rồi trở về nhà. Anh đổ chúng vào hai chiếc đĩa sâu lòng, nghiền đường trong cối, rồi rắc đường thật nhiều vào đĩa quả, cho đường dôi hơn. Anh thích làm việc gì cũng theo trình tự.
Trong khi anh đặt nước sôi pha trà, lấy bánh mì và bơ từ trong tủ ra. Đó là bữa tối của anh, hôm nay, thứ bẩy, bữa tối sẽ được kết thúc bằng món tráng miệng tuyệt vời là một đĩa dâu tây chín mọng, thơm phức. Đĩa kia anh để dành đến bữa trưa mai.
Rồi anh rửa bát đĩa, lau sạch, xếp vào chạn, tháo chiếc đàn măng-đô-lin tuyệt đẹp của mình ra khỏi tường và bước ra khỏi nhà.
Về mùa hè, buổi chiều thứ bảy, toàn thể thanh niên đều kéo nhau ra ngoài phố, nhất là Đường Dạo Chơi Của Bò. Anh Xô-bếch luôn luôn gặp người quen. Với một số người anh dừng chân, trò chuyện dăm câu, đùa cợt, với những người khác anh chỉ cúi chào từ xa. Anh đi hết phố Vi-len-xka, phố Na-pô-lê-ông, rồi quá bộ đến Ba Cây Lê và quay trở về. Đám thiếu nữ cố tìm cách lôi kéo anh vào hội của mình. Nghe nhạc thì bao giờ cũng thật dễ chịu. Song anh cứ chối từ, đi một mình, thỉnh thoảng lại dùng móng gẩy khẽ lên dây đàn.
Khi đang đi trên phố Ô-smi-an-xka, anh nhìn thấy trước hiên nhà ông Lei-zo-rơ có mấy thanh niên. Họ đang ngồi hút thuốc lá.
- Ê, - một gã gọi, - ông Xô-bếch. Đến đây, chơi một bản nào.
- Tôi không thấy hứng lắm, - Xô-bếch dừng bước.
- Cần gì hứng, - giọng nói thứ hai cất lên. - Ông cứ ngồi với chúng tôi thì sẽ có hứng thôi.
- Với các anh thì tôi không ngồi, - Xô-bếch nói.
- Sao lại thế?
- Bởi trong các anh có một con bọ hung, mà tôi thì không thích gần bọ hung tí nào.
Im lặng bao trùm một lát, rồi sau có giọng nói thứ ba cất lên:
- Ông nghĩ về ai thế, nếu như ông vui lòng cho biết?
- Nghĩ thì tôi không thèm nghĩ, - Xô-bếch thong thả dằn từng tiếng. - Tôi khinh hắn. Còn nếu anh tò mò muốn biết tôi muốn nói về ai, Vôi-đư-uô ạ, thì chính là tôi nói về anh đấy.
- Tôi á?
- Phải, về anh, anh cựu học sinh trường dòng ạ! Đối với tôi anh chỉ là một con bọ hung và tôi không hề muốn chung đụng gì với anh hết.
- Sao lại miệt thị người ta thế, ông Xô-bếch? - Một giọng khác vẻ giảng hòa cất lên.
- Không phải người, mà là đồ súc vật. Còn tệ hơn đồ súc vật, bởi vì nó là thằng khốn nạn.
- Hắn say hay sao thế nhỉ?!... - Zê-nôn thốt lên.
- Say à?... Không, ông Vôi-đư-uô, tôi không phải đồ nát rượu đâu. Tôi hoàn toàn tỉnh táo. Không như ông, kẻ thường trú đêm trong rãnh đâu. Kẻ tấn công các cô gái trẻ bằng những câu thô bỉ ạ. Chỉ có đồ con lợn, nói xin lỗi, mới có thể ném vào mặt một cô gái vô tội và không ai che chở giữa bàn dân thiên hạ những lời thô bỉ mà thôi. Thế đấy.
Và anh lại gẩy vài nhịp trong bài van "Nhịp sống mùa thu".
- Hắn muốn nói đến con bé Ma-rư-sia nhà Skốp-kô-va đấy mà, - một kẻ nào đó nhắc.
- Đúng là cô ấy đấy, - Xô-bếch xác nhận. - Cô ấy, một người mà một con bọ hung như ngài Vôi-đư-uô đáng kính đây, đã...
- Mày câm mồm đi! - Vôi-đư-uô thét lên. - Đủ lắm rồi!
- Ông thấy đủ, nhưng tôi thấy còn ít quá!...
- Lo mà giữ cái mũi của ông ấy!
- Ông cũng có thể lo giữ mũi của mình. Một màu tối đen. Từ xa chẳng nom thấy gì. Nhưng ông chẳng dám mò ra chỗ tôi đâu, sợ mà.
Zê-nôn bật cười.
- Vì sao, vì sao, thằng ngu kia, tao lại sợ mày kia chứ?
- Mày sợ vì mày không muốn bị quạng vào mõm!...
- Các ông thôi đi, không đáng gì, - có ai đó ngồi trong hiên ôn tồn khuyên.
- Hẳn rồi, không đáng phải bẩn tay, - Xô-bếch cũng đáp lại bằng giọng như thế.
- Có mà mày bị quạng vào mõm ấy! Zê-nôn gầm lên.
Trước khi những người có mặt kịp giữ lại, y đã lao ra khỏi hiên. Quần nhau lộn tùng phèo trong bóng tối. Vài cú đấm khô khốc, rồi một tiếc rắc thật mạnh. Đó là chiếc đàn măng-đô-lin tuyệt đẹp của anh chàng Xô-bếch vỡ tung ra từng mảnh khi va phải cái đầu của gã cựu học sinh trường dòng. Hai địch thủ ghì chặt lấy nhau cùng lăn xuống đất. Họ lăn sát vào hàng rào.
- Buông ra, - giọng Zê-nôn nghẹt thở thốt lên.
- Này, cho mày, đồ mất dạy, này, này, cho mày, này, để mày nhớ đời!
Giọng Xô-bếch đi kèm với tiếng đấm hự hự.
- Mày dám trêu vào tay tao à!... Này, cho mày! Cho mày! Nữa này! Mày còn chọc ghẹo con gái nữa thôi?! Hả?
- Tôi xin thôi!
- Thế thì nhận lấy cú nữa, để mà nhớ!
- Tôi sẽ thôi, xin thề!
- Thì cho mày cú nữa, để mày nhớ lấy lời thề! Nữa này! Nữa này!
- Anh em ơi! Cứu tôi với! - Zê-nôn gào lên.
Mươi người tụ tập chung quanh xem cuộc đánh nhau. Nhưng không một ai vào cứu. Xô-bếch được mọi người kính trọng, và ngay cả những người không hiểu có chuyện gì cũng muốn tin rằng lẽ phải thuộc về anh, thêm nữa địch thủ của anh lại vốn là kẻ hay gây sự, chẳng được ai yêu mến. Bọn bạn bè của Zê-nôn cũng không cảm thấy có nghĩa vụ đoàn kết. Tận đáy lòng, ngay từ đầu, bọn họ cũng đã đứng về phía Xô-bếch. Vả chăng Zê-nôn bắt đầu đánh trước.
- Thôi, các ông, - một người nào đó trong đám đông cất tiếng.
- Thôi, thôi đi! - Thôi đi! - Người thứ hai bảo.
Xô-bếch nhổm dậy. Ông Lei-zo-rơ từ trong nhà cầm đèn chạy ra. Trong ánh sáng đèn trông rõ toàn cảnh tang thương hình hài bên ngoài của Zê-nôn. Hắn đứng đấy, áo quần rách tươm tướp, mắt bị đánh thâm tím, mũi tóe máu. Hắn đưa lưỡi sờ sờ một lát trong mồm rồi phun ra mấy cái răng.
Xô-bếch phủi quần áo, nhặt chiếc đàn măng-đô-lin, có dính mấy sợi dây đang run rẩy một cách thảm thương giữa những mẩu vụn của hộp đàn, anh khẽ đằng hắng và không nói một lời nào, bỏ đi.
Những người khác cũng bắt đầu tản đi, không nói, không hỏi gì. Nhưng hôm sau toàn trấn Ra-đô-li-xki dậy lên như trong một tổ ong. Sau buổi lễ trọng trước nhà thờ, người ta không bàn đến một chuyện gì khác. Tất cả mọi người đều biết chính xác nguyên nhân cũng như diễn biến của vụ đánh nhau. Nói chung người ta đều thừa nhận rằng Xô-bếch có lý và thích chí vì việc Zê-nôn bị trừng phạt. Song mặt khác, cũng có ý kiến phê phán nhằm vào Ma-rư-sia. Thứ nhất, vụ đó là do cô, hai nữa, việc cậu chủ Trưn-xki cứ hay ngồi lâu trong hiệu dù sao vẫn chứng tỏ đạo đức của cô gái có vấn đề.
Hơn nữa, khó lòng hiểu nổi vì sao người cùng hội cùng thuyền trong cùng thị trấn, một công chức nhà nước với con trai một gia đình giàu có được trọng vọng, mà lại đánh nhau công khai trước bàn dân thiên hạ chỉ vì một cô gái lang bạt đến đây, một cô gái bán hàng vớ vẩn nào đó.
Nhiều người quan tâm xem gia đình họ nhà Vôi-đư-uô sẽ phản ứng ra sao. Người ta vô tình quấy rầy cả hai người anh trai của Zê-nôn, song cả hai chỉ nhún vai.
- Không phải việc của chúng tôi. Để cha chúng tôi về rồi khắc hay.
Quả thực, ông lão Mô-xte-rơ-giây không có mặt ở Ra-đô-li-xki. Ông đang đến chỗ những thợ thuộc da Vin-nô mua hàng.
Ngay từ sáng sớm, Ma-rư-sia đã được biết về việc Zê-nôn bị đánh. Hai người đàn bà láng giềng cùng chạy sang thuật lại tất cả, với đầy đủ các chi tiết tỉ mỉ. Nếu như bà Skốp-kô-va hài lòng đón nhận cái tin ấy, coi đó như sự trừng phạt của Chúa đối với Zê-nôn vì đã chối bỏ sứ mạng thiêng liêng của giáo sỹ, thì Ma-rư-sia lại hết sức kinh hoàng. Cô cay đắng tự trách mình đã nói lại những điều không cần thiết. Sao cô lại than thở với anh chàng Xô-bếch tốt bụng ấy làm gì kia chứ? Cô đã khiến anh phải gặp sự khó chịu nhường kia. Họa có Chúa mới biết chuyện ấy sẽ mang đến cho anh hậu quả gì. Ông lão Vôi-đư-uô sẽ không chịu cho qua chuyện con trai bị đánh đâu. Chắc chắn ông ấy sẽ kiện ra tòa, chắc chắn ông sẽ kêu ca chuyện này lên tận ban giám đốc bưu điện. Vì tính nghĩa hiệp của chàng, Xô-bếch rất có thể sẽ mất việc làm...
Không nghi ngờ gì nữa, cô cảm thấy biết ơn anh, song cũng vẫn hơi oán anh. Anh đã hy sinh vì cô, đã liều thân, đã tự nguyện dấn mình vào cái chuyện đơm đặt bẩn thỉu kia, cái chuyện mà giờ đây sẽ còn bị miệng thế nhai đi nhai lại với cái tên anh. Vì tất cả những điều ấy cô đâm ra thành người mang nợ anh. Dù cho anh không thốt ra một lời nào về chuyện ấy, mỗi ánh mắt của anh sẽ nói cùng cô:
- Tôi đã đứng ra để bảo toàn danh dự, phẩm giá và uy tín cho cô, lẽ nào tôi không được đón nhận một sự đền đáp hay sao?
Và một điều này nữa. Do cái vụ xô xát này. Ma-rư-sia hiểu một cách chính xác rằng, người ta sẽ mang cô ra bàn tán, sẽ đầu độc cuộc sống của cô. Cho nên cô không hề nói dối rằng cô bị nhức đầu để từ chối đi lễ. Quả thực, cô cảm thấy bị ốm, thấy bất hạnh và rã rời. Suốt cả ngày chủ nhật cô không ló mặt ra khỏi nhà, cô khóc thầm và suy nghĩ về những gì sẽ đến. Giá như có thể chạy trốn khỏi nơi đây, cô sẽ đi thật xa cho khuất. Đi hẳn đến Vin-nô. Cô sẽ nhận làm bất cứ việc gì, làm người hầu cũng cam... Song cô không có tiền để đi, và cô không hề có ảo vọng rằng bà Skốp-kô-va sẽ cho cô vay. Không mong gì ở bà Skốp-kô-va, không trông mong gì ở một ai trong thị trấn. May chăng... may chăng...
Và cô chợt nghĩ đến ông thầy lang ở cối xay. Bác An-tô-ni chắc chắn không từ chối cô điều gì. Đó là người duy nhất, người độc nhất mà cô còn trông mong được trên cuộc đời này.
Cô bắt đầu hấp tấp suy nghĩ kế hoạch hành động. Đến tối, khi nhọ mặt người, cô sẽ đi theo lối đằng sau vườn đến xưởng cưa... Rồi từ đó đến cối xay. Dọc đường, cô sẽ thuê một chiếc xe và đến sáng cô đã có mặt ở ngoài ga. Từ đó, cô sẽ viết thư cho bà Skốp-kô-va... Và cho chàng, cho anh Lê-sếch.
Trái tim Ma-rư-sia thắt lại. Và sẽ ra sao nếu chàng không muốn đến Vin-nô?...
Tất cả mọi điều dự định đều sụp đổ tan tành.
Không, trăm lần cô thà ở lại đây để ngày ngày bị xỉa xói, bị chê bai, dè bỉu, thậm chí bị nhục nhã, chứ không thể nào mất đi khả năng được trông thấy đôi mắt, cái miệng, mái tóc của chàng, được nghe cái giọng trầm thân thuộc của chàng, được chạm vào bàn tay mạnh mẽ và đẹp đẽ của chàng.
- Cứ mặc cho mọi sự muốn ra sao thì ra, - cô quả quyết.
Còn có một lối thoát khác nữa: thổ lộ với chàng tất cả. Chàng thông minh hơn cô nhiều, chắc chắn chàng sẽ tìm được cách gì đó tốt hơn.
Nhưng không bao giờ cô dám làm điều đó. Cô biết rằng không một ai trong thị trấn dám nói thật cho chàng hay về nguyên nhân vụ xô xát giữa Xô-bếch và con trai nhà Vôi-đư-uô. Vả lại chàng Lê-sếch cũng chẳng hề trò chuyện với ai ở đây bao giờ. Còn nếu chàng nghe nói đến vụ xô xát, chàng sẽ nghi ngờ rằng cái anh chàng Xô-bếch kia có một thứ quyền gì đấy để đứng ra bảo vệ cho Ma-rư-sia, và khi ấy...
- Không, ta sẽ không nói gì với chàng hết, không nói gì hết! - Cô quyết định.
Sáng hôm sau, cô đi từ nhà đến cửa hiệu, đầu cúi gằm, nhanh như có ai đuổi. Cô thở dài nhẹ nhõm khi đã ở bên trong cửa hiệu. Cô liếc qua gương và lo lắng khi thấy rằng hai đêm không ngủ và những chuyện mà cô vừa phải chịu đựng đã để lại dấu vết. Mặt cô tái, mắt thâm quầng. Chính điều đó đã khiến cô mất hẳn thăng bằng.
- Nếu chàng trông thấy ta xấu xí nhường này, - cô nghĩ bụng, - chàng sẽ không thích ta nữa. Giá chàng đừng đến đây thì hay biết bao.
Thì giờ trôi qua. Ma-rư-sia mỗi lúc một thêm lo lắng.
- Mình nghĩ nhầm phải giờ gở rồi, khi mong chàng đừng đến! - Cô tự trách mình.
Chuông nhà thờ đã điểm giữa trưa cô mới trông thấy những con ngựa của Lu-đơ-vi-kốp. Nhưng trong xe không có chàng Lê-sếch. Anh đánh xe ngồi trên ghế ngựa ngáp dài. Bà Mi-kha-lép-xka, béo trục béo tròn, quản gia của Lu-đơ-vi-kốp, bước xuống xe đi mua hàng. Ma-rư-sia rất muốn chạy đến bên xe hỏi thăm chàng Lê-sếch nhưng cô kịp dừng lại, và quả là cô đã hành động đúng, vì chỉ chưa đầy một tiếng đồng hồ sau, tiếng xe mô-tô đã nổ giòn trên đường phố.
Cô suýt phát khóc vì sung sướng.
Song chàng Lê-sếch không nhận thấy cả vẻ nhợt nhạt của cô lẫn những giọt lệ đang nhòa trong mắt. Lao vào như một cơn bão, trong một vũ điệu ma-zua, chàng nhịp vào nhịp chân và hét váng lên:
- Kỹ sư thiên tài muôn năm! Muôn năm! Hãy chúc mừng anh đi nào, Ma-rư-sien-kô! Anh đã tưởng trời nóng thế này thì đến quỷ tha ma bắt mất, nhưng thế mà quyết rồi cũng xong!
Chàng bắt đầu thuật lại chiếc xe bị hỏng dọc đường ra sao, chàng phải vất vả thế nào mới sửa được, mặc dù chàng có thể đi nhờ xe ngựa với bà Mi-kha-lép-xka.
Chàng tự hào về bản thân đến nỗi mặt sáng bừng cả lên.
- Để đến với cô gái nghèo của ta, không có con đường nào xấu, - chàng thốt lên.
- Ông bẩn hết cả người rồi, ông Lê-sếch! Để tôi mang nước cho ông ngay bây giờ.
Cô đang đổ nước vào chậu thì bà Skốp-kô-va mang cơm trưa vào. Bà nhìn họ một cách đầy chê trách nhưng không nói gì.
- Ông Trưn-xki phải chữa xe, - Ma-rư-sia giải thích. - Ông ấy muốn rửa tay một chút vì dầu mỡ bôi bẩn cả.
- Tôi sẽ chẳng vầy ướt hiệu của bà đâu, - chàng nói thêm.
- Không sao, bà Skốp-kô-va khô khan đáp lại và bước ra.
Chàng kỹ sư hoàn toàn không nhận thấy vẻ mặt lạnh lùng của bà chủ hiệu. Anh vui vẻ giải thích cho Ma-rư-sia hiểu sự hư hỏng của động cơ và cách anh sửa chữa thật hết sức buồn cười. Dần dần cô cũng thấy thoải mái.
- Em cười thật tuyệt vời! - Trưn-xki cứ lắp đi lắp lại.
- Thường thôi.
- Không thường tí nào! Ma-rư-sien-kô, anh xin thề với em, em thuật khác thường về mọi phương diện. Còn nếu nói về nụ cười... thì mỗi người một kiểu.
Nói đoạn chàng bắt đầu biểu diễn các kiểu cười khác nhau. Chàng làm việc đó thật hài, mặt chàng lúc đó nom buồn cười đến người chết cũng phải hé môi. Chàng bắt chước tài nhất và lâu nhất kiểu cười của bà quản gia to béo, bà Mi-kha-lép-xka.
Chàng không hề biết rằng chính lúc ấy bà Mi-kha-lép-xka đang muốn khóc hơn cười, mà lý do chính là vì chàng.
Ngay khi bà ì ạch leo lên xe, chàng đánh xe đã nhận thấy rằng mặt bà quản gia đang đỏ bừng bừng như vừa từ lò nướng bánh ra vậy. Suốt dọc đường anh cứ nghe tiếng bà lẩm bẩm gì đó sau lưng, nghe bà thở dài thườn thượt và rên rẩm.
- Chắc phải có chuyện gì đây, - anh đoán.
Và quả thực là có chuyện. Ở thị trấn, bà Mi-kha-lép-xka được biết những chuyện kinh khủng, đến nỗi bà không muốn tin và bà sẽ không chịu tin nếu không có tới mấy người cam đoan, và nếu như chính mắt bà không nom thấy cậu chủ Lê-sếch để mô-tô ở đâu và ngồi chết dí ở đâu suốt ròng rã hai tiếng đồng hồ.
Đôi ngựa màu hạt dẻ nhỏ nhắn nhưng được chăm sóc tốt chạy nước kiệu rất khỏe khoắn, nhưng bà Mi-kha-lép-xka vẫn cảm thấy chiếc xe đi chậm rì rì. Bà cứ đăm đăm nhìn nhìn về phía trước, đếm xem còn mấy cây số nữa mới về đến Lu-đơ-vi-kốp.
Rốt cuộc, phía sau cánh rừng cũng đã hiện ra một quang cảnh thênh thang. Đồng ruộng thoai thoải dốc xuôi đổ xuống một dải hồ nước màu thanh thiên hiện rõ phía chân trời. Trên bờ hồ là một dãy đối xứng những chiếc ống khói. Trên đồi, giữa những ngọn cây xanh tươi, nổi bật một tòa lâu đài cao, màu trắng, được cả huyện xem là kỳ quan thứ tám, nếu không phải của toàn thế giới, thì chí ít cũng là của miền đông bắc này. Chỉ mỗi mình bà Mi-kha-lép-xka không đồng tình với những lời tán thưởng ấy. Bà thích tòa nhà ngày trước, dẫu bằng gỗ thật đấy, nhưng to lớn và ấm cúng hơn dinh thự mới, tòa nhà nơi bà đã sinh ra, lớn lên và làm lụng thuở thiếu thời.
Bà cũng không thể tha thứ cho ông chủ đồng thời là bạn cùng tuổi với mình, ông Trưn-xki, thay vì xây dựng lại y hệt như cũ tòa nhà đã bị thiêu rụi hồi chiến tranh, ông lại cho xây một dinh thự hiện đại, lại những hai tầng nguy nga, dường như ông chỉ muốn cho hai cẳng chân già nua của bà quản gia có thêm được nhiều bậc thang để mà trèo mà trụt.
Ngay lúc này, mặc dù bị chi phối bởi những ý nghĩ khác, bà Mi-kha-lép-xka cũng dành một lời than cho cái kiểu cách tân thời kia, cái mà mặc dù đã hơn chục năm rồi, bà vẫn không tài nào quen nổi.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook THẦY LANG.