• 1,594

CHƯƠNG IX.4


Số từ: 2697
Bà Trưn-xki bình tĩnh thuật lại tất cả những gì bà quản gia kể lại. Lê-sếch đã nén được đến mức không ngắt lời mẹ lần nào. Khi bà nói hết, chàng hỏi khô khan:
- Vậy từ chuyện đó cha mẹ định rút ra điều gì?
- Sao lại điều gì? - Ông Trưn-xki ngạc nhiên. - Điều kết luận duy nhất là cha mẹ muốn đề nghị con phải cân nhắc cho kỹ hành động của mình. Thế thôi.
Lê-sếch lắc đầu.
- Đó chưa phải là tất cả. Cha mẹ có thể công nhận hoặc không, nhưng trong hành động của mình, con không hề thấy có gì có thể khiến cha mẹ, bản thân con, hay một người nào khác phải xấu hổ. Con không có điều gì phải tự trách mình cả. Hoàn toàn không! Ngược lại, cả con, lẫn cha mẹ, cũng không thể bỏ qua chuyện một thằng khốn nạn nào đó bôi xấu danh dự của một cô gái tuy nghèo nhưng rất đáng tôn trọng, bằng cách sử dụng tên tuổi của con.
Phu nhân E-lê-ô-no-ra nhìn con trai vẻ chế giễu.
- Hình như con quá tin chắc vào sự đáng tôn trọng mà cô gái kia phải được hưởng đấy, con trai ạ. Mẹ không nghĩ là con ngây thơ! Nhưng con định phản ứng thế nào?... Mẹ đang rất muốn biết. Không lẽ con lại theo gương anh chàng nhân viên bưu điện kia dấn thân vào một cuộc đánh nhau tay đôi với con trai lão thợ làm yên cương hay sao?
- Không, con sẽ đưa việc này ra toà!
- Điều đó không chứng minh cho sự chín chắn của con. Việc xét xử của tòa án không cứu được uy tín của cô gái kia.
- Vậy thì con sẽ ra lệnh cho xà ích quật cho hắn một trận! - Chàng cáu kỉnh hét lên. - Dù thế nào chăng nữa... kể từ ngày hôm nay chúng ta sẽ không nhận hàng của cha hắn, cho cả nhà máy lẫn điền trang!
- Nhưng cha hắn chẳng có tội tình gì ở đây cả, - ông Trưn-xki nhận xét.
- Tất nhiên rồi, - bà E-lê-ô-no-ra nói thêm. - Ngoài ra, cho phép mẹ được bày tỏ nỗi ngạc nhiên vì cái giọng điệu quá quả quyết, dường như cả nhà máy lẫn điền trang đều đã là tài sản riêng của con rồi, và chuyện đặt hàng chỉ tùy thuộc vào một mình con thôi hay sao ấy.
Nhưng thần kinh của Lê-sếch đã bị kích động quá mức, chàng bước lui một bước, hỏi lại:
- Ra thế đấy?... vậy ra mẹ định tiếp tục mua hàng của cái lão thợ yên cương ấy?
- Mẹ không thấy có lý do gì để phải thay đổi.
- Nhưng con thấy! - Chàng hét lên
- May thay, điều đó vẫn chưa bắt buộc được hai chúng tôi.
- Ra thế? Vậy thì các người hãy nghe đây! Tôi cương quyết đòi hỏi chuyện đó. Tùy các người lựa chọn. Hoặc các người làm theo đòi hỏi của tôi, hoặc sẽ không bao giờ thấy mặt tôi nữa.
Chàng quay ngoắt người lại, bước ra khỏi văn phòng. Chàng phẫn nộ đến tột cùng, phẫn nộ đến mức không ngần ngại thực hiện lời đe dọa và ra đi ngay tức khắc.
Chàng không muốn và không thể suy nghĩ xem mình hành động có đúng không. Chỉ nguyên ý nghĩ rằng một thằng cha chưa ráo máu đầu nào đó ở thị trấn dám công khai đem chàng ra làm trò cười, đã đủ cho chàng điên tiết, khiến chàng không thể nào suy nghĩ minh mẫn, hối thúc phải phản ứng ngay lập tức. Và lúc này đó là điều quan trọng nhất: trừng phạt, trả thù. Thách cha mẹ chàng cản thử xem! Thách đấy! Chàng gần như mong muốn chuyện đó. Chàng sẽ chứng tỏ cho họ thấy rằng chàng không chịu lùi bước trước bất kỳ thứ gì. Chàng sẽ trừng phạt cả họ nữa.
Chàng lao ra vườn và bằng chiếc can của cha mà chàng vớ được ở tiền phòng, chàng điên cuồng quật rơi tơi tả lá cây dẻ.
Tất nhiên, bỏ nhà đi cũng có nghĩa là sẽ phải chịu đói khổ. Tuy chàng có nghề gốm thật, tuy chàng có thể tự tìm được việc làm ở Chmie-lốp hay một nhà máy nào khác. Nhưng khi ấy toàn bộ ngân quỹ của chàng sẽ chỉ đóng khung trong tổng số vài trăm zuốt-ty quèn mỗi tháng.
- Đành vậy, - chàng tự thuyết phục mình. - Ta vẫn sống được.
Đột nhiên một dấu hỏi bật ra:
- Nhưng cái gì thật sự là nguyên nhân của sự xung đột, sự xung đột sẽ thay đổi hoàn toàn cuộc đời ta?
Câu trả lời đến thật dễ dàng:
- Ma-rư-sia...
Phải, cốt lõi của mọi chuyện là ở đây, là Ma-rư-sia, cô gái tuyệt vời, vì cô, chàng có thể làm tất cả. Và nếu như, cứ cho rằng không phải là tất cả, thì cũng rất nhiều...
- Rất là nhiều, - chàng tự tin chắc thế.
Song ngay lập tức lại nảy ra những nghi vấn mới. Liệu có phải là cái giá quá cao không khi ta phải từ bỏ cả cha mẹ, từ bỏ cả địa vị tài sản, từ bỏ tất cả?...
Chàng căm phẫn xua đuổi ý nghĩ ấy đi. Vấn đề được đặt ra rất rõ ràng: một kẻ nào đó đã dám nhục mạ Ma-rư-sia và chàng, vậy hắn phải bị trừng trị. Nếu cha mẹ muốn từ chối đứa con trai độc nhất một điều cỏn con như thế kia, thì chính họ đã tự chứng tỏ rằng họ không đáng được hưởng sự ưu ái nào cả. Cứ để họ phải đau khổ.
Còn Ma-rư-sia?... Với Ma-rư-sia lại là chuyện hoàn toàn khác. Ở đây không nên đặt ra câu hỏi xem cô có xứng đáng được hưởng hay không. Bởi nếu tỉnh táo mà suy xét thì Ma-rư-sia cũng không ổn. Con trai gã thợ yên cương rõ ràng cảm thấy có quyền được thân thiết đến một mức nào đó trong quan hệ với cô hoặc cô đã khiến hắn phải phát ghen. Thế còn tay nhân viên bưu chính, tay Xô-bếch kia nữa?... Tại sao anh ta lại đứng ra bảo vệ Ma-rư-sia?... Hoàn toàn không có nguyên nhân gì à?...
Nghĩ thế thì quả là ngây thơ đến mức ngu dốt quá chừng. Tất nhiên phải có gì gắn bó giữa anh ta và cô gái chứ.
Chàng cảm thấy cáu kỉnh đến cực điểm. Chỉ nguyên cái ý nghĩ do mẹ chàng đưa ra, rằng những người kia là... tình địch của chàng, với chàng đó đã là một điều xúc phạm, một điều xúc phạm nặng nề nhất.
- Đó là kết quả - chàng cay đắng nghĩ bụng - của việc gần gũi với những kẻ thuộc môi trường đó.
Rõ ràng mẹ chàng là một phụ nữ có nhiều kinh nghiệm. Bà biết nhìn đời tỉnh táo, nếu như những nghi ngờ của bà chỉ đúng một phần thôi, thì...
- Thì mình mới đẹp mặt làm sao! Mình đã làm trò cười như một thằng oắt! Ở bên cạnh mình, cô ả cứ như một bông huệ dại ngoài đồng, nhưng ai biết đâu, với một gã như tay Xô-bếch kia chẳng hạn, thì cô ta cho phép làm những chuyện gì...
Điều nghi vấn quả là bẩn thỉu, nhưng ai dám cam đoan là sự thật không kém phần bẩn thỉu hơn?
Và một nỗi chán chường chiếm lấy Lê-sếch. Chàng ngồi xuống chiếc ghế đá ẩm sương đêm, thế giới với chàng sao bẩn thỉu, đáng ngán, không xứng với bất cứ một nỗ lực nào, một hy sinh nào...
...Bởi vì nếu Ma-rư-sia là người ngay thật, thẳng thắn, thì chắc cô ta đã không giấu chàng cái chuyện rắc rối kia. Ngược lại cô sẽ kể tất cả, sẽ cầu xin chàng đứng ra bênh vực, chứ không phải là một tay Xô-bếch vớ vẩn nào đó...
Vầng trăng ló ra tròn vành vạnh từ sau rặng cây. Nói chung, Lê-sếch không thích trăng. Nhưng lần này chàng nhận rõ ở diện mạo của vầng trăng kia một nét cười nhạo báng.
- Ta hãy còn ngu dốt quá đáng lắm thôi, - chàng thầm nghĩ, - ngu quá chừng.
Và chàng cân nhắc xem cha mẹ chàng sẽ nói gì với nhau về toàn bộ việc này, cũng như về cách cư xử của chàng.
Giá như có thể nghe được câu chuyện của họ, chàng sẽ được biết rằng chàng không hề có gì khác cha mẹ trong việc đánh giá mức độ thông minh của bản thân mình.
Sau khi chàng bước ra, ông bà Trưn-xki im lặng khá lâu, rồi rốt cuộc phu nhân E-lê-ô-no-ra thở dài đánh thượt:
- Tôi thấy rất lo cho tính tình ngốc nghếch của thằng Lê-sếch.
- Tôi cũng chẳng vui mừng gì - ông Xta-nhi-xoáp nói thêm rồi đứng dậy.
Theo thói quen hàng ngày, ông hôn tay và hôn trán vợ rồi trở về phòng riêng. Mười lăm phút sau ông đã nằm trên giường và đang định đọc "Trận hồng thuỷ"(35), quyển sách mà đối với ông, việc đọc trước khi đi ngủ là cách tốt nhất, công hiệu nhất để an thần, để rũ ra khỏi đầu óc những chuyện hàng ngày và ru đưa trí tưởng tượng một cách thần tiên nhất, thì chợt có tiếng gõ cửa.
- Mình đấy à? - Ông ngạc nhiên khi trông thấy vợ. Đã từ bao năm nay, ông đã không còn quen với những cuộc thăm viếng của bà trong chiếc áo choàng nội tẩm vào giờ này nữa.
- Vâng, ông Xtas. Tôi muốn hỏi ý kiến ông. Tự tôi không rõ nên làm thế nào cho phải. Ông nghĩ thế nào, có nên coi trọng những lời đe dọa của thằng Lê-sếch lắm không?
- Nó là một đứa không được thăng bằng lắm, - ông Trưn-xki nói nước đôi.
- Vì mình thấy đấy... Sẽ rất thiếu sư phạm nếu chịu lùi bước trước sức ép của một lời đe dọa. Nhưng mặt khác chúng mình cũng phải lưu ý đến cái tuổi của nó. Nếu như cho đến nay ta chưa giáo dục được nó thì có tiếp tục khoa sư phạm nữa cũng chẳng làm gì.
Ông Xta-nhi-xoáp thèm thuồng nhìn liếc nhìn tập sách dày cộp đã mở ra để trên chân. Ra-gu-ô-ba (36) vừa mới lĩnh nhận quyền thủ lĩnh quân sự và đang bắt tay vào tích trữ lương thảo cho doanh trại. Một đe dọa đặc biệt dễ chịu, ấy thế mà đột nhiên lại lôi chuyện thằng Lê-sếch ra đây mới lạ chứ!
- Elu (37), tôi cho rằng chúng mình từ chối nó hơi cương quyết quá.
- Nhưng mà đúng.
- Thì hẳn rồi. Nhưng mặt khác lòng tự ái của thằng bé bị tổn thương. Tôi cho rằng, rốt cuộc...
Đầu óc ông vẫn đang nghĩ tới chuyện chuyển khí giới và đạn dược từ Bi-au-ô-gô-xtốc tới, nghĩ tới chuyến đến thăm của quận công Xa-pi-ê-ha (một cái đầu đến là ngu, chắc hẳn là dân Vi-tép!), tất cả những điều đó khiến cho tâm trạng ông ôn hòa và dễ dãi.
-... rốt cuộc cái lão thợ yên cương kia phải dạy cho thằng con một bài học đạo đức mới phải. Không thể phủ nhận rằng thằng Lê-sếch cũng có lý một phần.
- Nghĩa là ông nghiêng về phía đồng ý với điều kiện của Lê-sếch? - Phu nhân E-lê-ô-no-ra chớp ngay ý chồng.
- Tôi á? - Ông Xta-nhi-xoáp ngạc nhiên một cách thành thật.
- Kìa, thì rõ là không phải tôi - bà vợ sốt ruột nhún vai. - Bao giờ tôi cũng có ý kiến là ông quá mềm tay và quá cợt nhả với con. Mong sao sau này chúng ta không phải ăn năn về sự nhu nhược của ông đấy, ông ạ.
- Xin lỗi mình, Elu... - ông Trưn-xki mở miệng, song bà vợ đã ngắt lời ông:
- Ông ạ, tôi sẽ chiều theo ý ông. Mặc dù tôi xin nhấn mạnh một lần nữa tôi làm thế là ngược với suy nghĩ của mình.
- Nhưng mà... - ông Xta-nhi-xoáp định chống chế, - nhưng mà tôi...
- Ông? Ông á? Ông chồng của tôi ạ, ông đã dạy dỗ con không nên hồn! Chúc ông ngủ ngon!
Và phu nhân E-lê-ô-no-ra bước ra. Bà bước ra với cảm giác xấu hổ với bản thân mình. Lương tâm không cho phép bà tự đánh lừa bằng cách trút một cách hình thức trách nhiệm về việc chịu nhượng bộ lên vai chồng. Tính cách chuyên quyền của bà nổi dậy chống lại tối hậu thư của con trai, và nếu như ông Xta-nhi-xoáp có một lời, chỉ một lời thôi, khuyến khích bà phải cương quyết - thì hẳn bà không bao giờ thay đổi quyết định của mình. Còn việc bà đến phòng ngủ của chồng hoàn toàn tin chắc rằng sẽ không được nghe từ miệng ông một lời khuyến khích như vậy - thì đó lại là chuyện khác.
Song ai nghĩ rằng phu nhân E-lê-ô-no-ra Trưn-xka cam chịu nhận thất bại hoàn toàn thì người ấy vẫn chưa hiểu bà. Thực tình, bà cũng run cả người khi nghĩ rằng đứa con trai có thể thực hiện lời đe dọa của nó, nó sẽ đi đến tận cùng thế giới, song bà vẫn không thể thừa nhận sự đầu hàng của mình là sự từ bỏ tất cả mọi lợi ích.
Vì vậy, hôm sau bà gọi con đến và tuyên bố ngắn gọn rằng không phải vì áp lực của chàng, mà do sự thuyết phục của cha chàng, bà quyết định sẽ không đặt mua hàng của ông thợ yên cương Vôi-đư-uô nữa, song dưới một điều kiện. Đó là ngày hôm nay Lê-sếch phải đi Vac-sa-va, đến ở tại nhà chú Ô-ta-si một thời gian dài.
Bà cố tình không quy định thời hạn vì sợ nếu dài quá sẽ bị Lê-sếch từ chối. Song những lo xa của bà là không cần thiết. Sau một đêm ngủ không an giấc, sau nhiều loạt ý nghĩ phê phán, thậm chí chê trách, Lê-sếch hoàn toàn ngã lòng. Chính chàng cũng đang cân nhắc xem tốt nhất có nên ra đi hay chăng, và chàng đón nhận kế hoạch của mẹ không một lời phản đối.
Bản thân chuyến đi xa đã tự động đẩy lùi niềm ham muốn lui tới thị trấn: tại ngôi nhà ồn ào náo nhiệt và vui vẻ của chú Ô-ta-si, nơi lúc nào cũng đầy các cô gái và các thiếu phụ trẻ trung, chắc hẳn thời gian trôi đi sẽ dễ chịu hơn nhiều so với ở cái địa phương thô kệch này, trong cái ao tù hãm đặc bùn này, giữa những chuyện vụn vặt, bẩn thỉu và thấp kém này.
Chàng nghĩ như vậy mãi cho đến khi những tòa nhà của khu ga bắt đầu chạy lùi lại đằng sau khung cửa sổ toa tàu. Nhưng đến khi những chiếc bánh sắt bắt đầu gõ nhịp đều đều, đơn điệu thì những ý nghĩ bắt đầu hỗn độn, quay cuồng, và đột nhiên chạy tuột về một hướng hoàn toàn khác.
Nhưng đó là chuyện về sau.
----------------------------------------------
(35) Tiểu thuyết lịch sử của văn hào Ba Lan Henryk Sienkiewicz (1846-1916), quyển thứ hai trong bộ tiểu thuyết lịch sử về nước Ba Lan hồi thế kỷ XVIII, đã được dựng thành phim (N.D)
(36) Một nhân vật rất được yêu mến trong tiểu thuyết bộ ba của Henryk Sienkiewicz, tập trung cao độ của tính hài hước dân gian Ba Lan (N.D)
(37) Tên gọi thân mật của bà Trưn-xka.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook THẦY LANG.