• 601

Chương 22: Một Phái Võ Kinh Hồn Ở Cô Tô


Số từ: 8165
sưu tầm
Những hào kiệt có mặt tại đây đều đã nghe tiếng "Truy hồn thủ Quá Ngạn Chi".
Tuệ Thuyền hòa thượng và Kim Ðại Bằng đã từng gặp mặt Quá mấy lần. Quần hùng nghe tin Quá đến đều răm rắp rời khỏi chỗ ngồi theo Ðoàn Chính Thuần ra đón. Trừ có bốn vị là Bảo Ðịnh Ðế, Huỳnh Mi hòa thượng, Tả Tử Mục và Tần Nguyên Tôn là vẫn ngồi yên.
Quá Ngạn Chi tuy thanh danh lừng lẫy giang hồ lại là khách phương xa tới, song lấy địa vị trong võ lâm mà nói thì Bảo Ðịnh Ðế và Huỳnh Mi hòa thượng dĩ nhiên không phải ra cửa đón. Còn Tả Tử Mục và Tần Nguyên Tôn cũng có ý tự trọng, đặt địa vị mình vào tôn sư đứng đầu một phái dù Quá Ngạn Chi thanh danh có lừng lẫy mấy chăng nữa nhưng trên hãy còn sư phụ là Kha Bách Tuế. Tả Tử Mục và Tần Nguyên Tôn đều tự ví mình ngang hàng với sư phụ của Quá nên cũng cứ ngồi yên tại chỗ chứ không ra đón.
Ðoàn Chính Thuần ra tới cửa, thấy một người trung niên tầm vóc cao lớn, tay trái dắt một con tuấn mã sắc trắng rất oai hùng đang đứng trước cửa. Người này mặc tang phục, đầu đội mũ vải gai, mặt đượm vẻ phong trần, hai mắt đỏ mọng
sưng húp rõ ra người mới có thân nhân vừa tạ thế.
Kim Ðại Bằng rảo bước đến trước mặt ân cần chào hỏi:
-Quá đại ca vẫn được mạnh giỏi chứ?
Người vận tang phục đó là Quá Ngạn Chi.
Quá Ngạn Chi đáp:
-Kim hiền đệ đấy ư? Ðã lâu nay ta không được gặp nhau nhỉ.
Ðoàn Chính Thuần nói:
-Quá đại hiệp quang lâm nước Ðại Lý mà tiểu đệ không được biết trước để đi đón tận ngoài xa, thực là có lỗi, xin đại hiệp miễn thứ cho.
Nói xong vái dài một cái. Quá Ngạn Chi nghĩ bụng: "ta vẫn nghe tiếng anh em họ Ðoàn nước Ðại Lý là người đại phú quý mà không kiêu căng chút nào, thực là tiếng đồn không ngoa".
Quá Ngạn Chi vội vàng đáp lễ và khiêm nhường nói:
-Quá Ngạn Chi này là kẻ thất phu ở nơi thảo dã, dám phiền Vương gia ra tận cửa đón, thực áy náy vô cùng.
Ðoàn Chính Thuần đáp:
-Tước hiệu "Vương gia" chẳng qua là theo thế tục đặt ra mà thôi. Còn đối với đại hiệp thanh danh vang dội khắp nơi, tại hạ vốn có lòng ngưỡng mộ, chúng ta nên xưng hô nhau bằng anh em, bất tất câu chấp thứ, nghi lễ hư văn đó làm gì?
Ðoạn mời Quá Ngạn Chi vào phủ rồi giới thiệu với Bảo Ðịnh Ðế và các vị hào kiệt.
Ðoàn Chính Thuần nghĩ bụng:
-Trong đám giang hồ hảo hán này cố nhiên là nhiều người tính tình khoát đạt, hào sảng nhưng cũng không ít kẻ bụng dạ hẹp hòi. Thường thường chỉ vì một câu nói hay cách tiếp đãi hơi thiếu sót một chút là gây thù kết oán ngay. Bây giờ cách xếp đặt chỗ ngồi Quá Ngạn Chi thế nào cho ổn cũng là một chuyện rất khó.
Nghĩ vậy ông nói:
-Quá huynh đang cữ tang, không hiểu dùng những món gì được? Gia nhân đâu sắp một tiệc riêng ra đây để tiếp Quá đại hiệp!
Quá Ngạn Chi lắc đầu từ chối:
-Ða tạ thịnh tình, tại hạ còn có việc gấp, xin cho uống một chén thanh trà là đủ.
Ðoạn nâng chén trà uống một hơi cạn, Quá nói tiếp:
-Vương gia! Sư thúc tôi ký ngụ ở Vương phủ, xin cho người báo tin giùm, để tại hạ được diện kiến và trình việc gấp.
Ðoàn Chính Thuần ngạc nhiên hỏi:
-Sư thúc Quá huynh là ai?
Ông tự hỏi: trong Vương phủ có ai là nhân vật của phái Tung Sơn đâu?
Quá Ngạn Chi đáp:
-Sư thúc tôi thay họ đổi tên, nhờ nơi Vương phủ để tỵ nạn nên người chưa dám nói rõ ra với Vương gia, thực là có tội lớn, dám xin Vương gia mở lượng khoan hồng miễn trách cho. Tại hạ thay sư thúc tạ lỗi cùng Vương gia.
Nói xong liền vái dài. Ðoàn Chính Thuần đáp lễ nhưng nghĩ mãi không ra sư thúc của Quá Ngạn Chi là ai.
Bỗng thấy Cao Thăng Thái quay sang bảo tên gia đinh đứng bên:
-Mi vào phòng giấy trình Hoắc tiên sinh rằng: Truy hồn thủ Quá đại hiệp tới đây có việc cần muốn bẩm với Kim Toán Bàn Thôi lão tiền bối, xin mời tiên sinh ra đại sảnh nói chuyện.
Tên gia đinh vâng lời vừa trở gót bỗng nghe tiếng lẹp kẹp: một người đang ngất nga ngất ngưởng từ hậu đường đi ra, vừa đi vừa nói lè nhè:
-Nó làm thế này thì mình khó mà ngồi mát bát dầy được nữa.
Các tay hào kiệt nghe thấy bảy chữ: "Kim Toán Bàn Thôi lão tiền bối", có người lờ mờ không hiểu là gì, có người biến sắc tự hỏi: chẳng lẽ thằng cha Kim Toán Bàn Thôi Bách Kế lại ẩn tích ở đây ư?
Giữa lúc đó, một lão già mặt mũi bần tiện, cười khì khì đi ra. Mọi người trong Vương phủ từ trên chí dưới ai cũng biết đó là Hoắc tiên sinh, người trông nom giúp sổ chi tiêu các việc vặt trong Vương phủ. Ngày nào cũng như ngày nào, nếu lão không say bí tỷ thì lại đâm đầu vào đánh bạc với bọn tôi đòi, thật là con người bê bối. Trong phòng kế toán, chỉ vì lão mà phương diện tiền bạc mất cả quy củ. Mười mấy năm nay vẫn mặc lão làm lộn bậy thế nào thì làm.
Ðoàn Chính Thuần xiết đỗi ngạc nhiên lẩm bẩm: "không ngờ Hoắc tiên sinh lại chính là Thôi Bách Kế ư? Thật mình có mắt không tròng, kể cũng bẽ mặt. May mà Cao Thăng Thái gọi trúng tên lão. Các tay hào kiệt vẫn cho là trong phủ Trấn Nam Vương đã biết lão từ trước rồi nên Ðoàn Chính Thuần này cũng không đến nỗi mất thể diện.
Hoắc tiên sinh vẫn bảy phần say, ba phần tỉnh vẻ mặt thì ngơ ngác. Nhìn thấy Quá Ngạn Chi vận tang phục lão giật mình hỏi:
-Mi... mi có chuyện chi vậy?
Quá Ngạn Chi bước lên mấy bước, lạy sụp xuống đất, khóc oà lên nghẹn ngào đáp:
-Sư thúc ơi ! Sư phụ... sư phụ cháu đã bị người hạ sát rồi.
Thôi Bách Kế biến hẳn thần sắc, nét mặt đang ngơ ngác thoáng cái đã đầy vẻ lo âu, dè dặt. Lão từ từ hỏi:
-Kẻ thù là ai?
Quá Ngạn Chi nức nở đáp:
-Bởi cháu tài hèn, tra hỏi mãi mà chưa biết đích kẻ thù là ai. Song theo sự suy đoán thì có phần đúng là một nhân vật trong họ Mộ Dung ở Cô Tô.
Hoắc tiên sinh lộ vẻ kinh sợ nhưng chỉ thoáng qua rồi nét mặt trở nên nghiêm nghị. Ông nói bằng một giọng trầm trầm:
-Việc này phải bàn tính một cách cẩn thận mới được.
Chuyện nọ đẩy sang chuyện kia. Vì Quá Ngạn Chi muôn dặm đưa tin mà Kim Toán Bàn Thôi Bách Kế phải lòi đuôi. Vì hỏi hung tin của Kha Bách Tuế mà đề cập đến Mộ Dung thị.
Tiếng tăm Thôi Bách Kế và Quá Ngạn Chi những tay hào kiệt ngồi đây phần nhiều đều biết rõ. Có điều Thôi Bách Kế tuy là sư thúc nhưng mấy năm gần đây ẩn tích một nơi không xuất đầu lộ diện, nên thanh danh chẳng những không vang dội được bằng sư huynh Kha Bách Tuế, chưởng môn phái Tung Sơn mà lại kém cả sư điệt Quá Ngạn Chi nữa. Còn về những nhân vật trong họ Mộ Dung lợi hại thế nào thì mọi người đều mờ mịt, ít ai biết đến. Chỉ riêng có Bảo Ðịnh Ðế và Huỳnh Mi hòa thượng cùng đưa mắt nhìn nhau rồi Huỳnh Mi tăng lại khẽ thở dài.
Thôi Bách Kế tâm linh cực kỳ tế nhị, một tiếng thở dài khẽ của Huỳnh Mi cũng không qua khỏi lỗ tai lão được.
Lão bước tới trước mặt nhà sư kính cẩn vái dài nói:
-Chốn giang hồ sắp sinh tai hoạ, đại sư là bậc từ bi, xin chỉ điểm cho con đường sáng sủa.
Huỳnh Mi hoà thượng đứng dậy đáp lễ và trả lời:
-Thí chủ nói rất phải, tiếc rằng bần tăng kiến văn hủ lậu, lại ở nơi hoang sơn hẻo lánh, ít được nghe những vụ rồng tranh hổ đấu giữa các phái võ ở Trung Nguyên.
Tỷ như Thôi thí chủ là một nhân vật anh hùng đến thế, lại ở ngay phủ Trấn Nam Vương mấy năm rồi mà bần tăng cũng không biết mảy may. Thế thì nói chi tới những việc ngoài chốn giang hồ nữa?
Thôi Bách Kế thần sắc thảm đạm quay sang nói với Quá Ngạn Chi:
-Quá hiền điệt! Sư huynh ta làm sao mà phải bỏ mạng? tình tiết xảy ra như thế nào, hiền điệt thuật lại tận tường cho ta nghe.
Quá Ngạn Chi đáp:
-Thù thầy cũng như thù cha, chậm ngày nào chưa báo được là tiểu điệt ăn không ngon, ngủ không yên. Xin sư thúc hãy lên đường ngay cho. Trong lúc đi đường tiểu điệt sẽ bẩm rõ để khỏi chậm thời giờ.
Thôi Bách Kế nhìn mặt biết là Quá Ngạn Chi có ý e ngại, ở trong đại sảnh này có rất nhiều tai mắt, nói ra có điều bất tiện chứ không phải là tranh thủ sớm muộn một hai thời khắc.
Thôi Bách Kế suy tính trong bụng: "mình ký ngụ ở phủ Trấn Nam Vương đã lâu năm tuyệt không để lộ hình tích thế mà Cao Thăng Thái cũng biết rõ hành tung, nếu bây giờ mình không xin lỗi Trấn Nam Vương tức là mình đắc tội với họ Ðoàn. Huống chi muốn vì sư huynh báo cừu mà xung đột với Mộ Dung thị, việc đó quyết không thể một mình có đủ sức làm được. Nếu họ Ðoàn phái người tương trợ thì lực lượng sẽ mạnh hơn nhiều. Thêm bạn bớt thù là một điều rất quan trọng".
Nghĩ vậy Thôi Bách Kế liền chạy tới trước mặt Ðoàn Chính Thuần, quỳ hai gối xuống đất và buông tiếng khóc oà lên. Mọi người thấy thế đều ngạc nhiên.
Ðoàn Chính Thuần vội đưa hai tay đỡ dậy, nhưng không ngờ mó vào người Thôi Bách Kế thì thấy người lão vững như là đóng đinh xuống đất, không tài nào lay chuyển được.
Ðoàn Chính Thuần nghĩ thầm: "thằng quỷ bét rượu này, võ công lão gớm thật". Lâu nay mình bị lão đánh lừa hoài". Ðoàn Chính Thuần vận kình lực vào hai cánh tay nhấc bổng lão lên.
Thôi Bách Kế cũng không vận nội lực chống lại nữa, mượn đà đứng phắt dậy. Nhưng vừa đứng được thẳng người lên, lão cảm thấy xương cốt trong mình đều đau ê ẩm, rất là khó chịu, tựa như con thuyền nhỏ ngoài khơi bị một cơn sóng gió đánh tơi bời.
Lão biết là Ðoàn Chính Thuần có ý cảnh giác mình. Lão là người đa mưu quả xứng đáng với cái tên Thôi Bách Kế.
Lão nghĩ thầm: "nếu mình còn vận nội lực để chống lại, Trấn Nam Vương sẽ không hả giận mà chưa biết chừng ông còn ngờ mình trà trộn vào nằm trong Vương phủ để mưu toan việc gian ác". Vì nghĩ thế nên Thôi Bách Kế theo đà lúc chân khí trong người đang tản mát tức thời té ngồi phệt xuống kêu lên: "ối chà".
Ðoàn Chính Thuần mỉm cười, đưa tay kéo Thôi Bách Kế dậy, đồng thời xoa luôn một cái để tiêu giải những bứt rứt trong cơ thể họ Thôi.
Thôi Bách Kế nói:
-Trấn Nam Vương gia ! Thôi Bách Kế này bị kẻ thù bức bách, không còn đường chạy nên phải vác cái mặt dầy tới Vương phủ nương tựa uy danh Vương gia sống được tới nay, vậy mà Bách Kế chưa thổ lộ chân tướng với Vương gia, thật là tội đáng muôn chết.
Cao Thăng Thái ngắt lời:
-Thôi huynh bất tất phải quá khiêm? Vương gia đây cũng biết rõ thân thế và lai lịch các hạ từ lâu rồi. Có điều các hạ là bậc chân nhân, không muốn lộ tướng nên Vương gia đây cũng không muốn nói ra thôi. Ðừng nói Vương gia hiểu rõ đã đành, mà ngay những người chung quanh cũng biết cả. Hôm thế tử đối phó với cuộc đánh quyền của Nam Hải Ngạc Thần chẳng đã giắt Thôi huynh ra đóng vai sư phụ của chàng là gì? Vì thế tử biết rõ trong Vương phủ chỉ có mình Thôi huynh khả dĩ đối phó được với Nam Hải Ngạc Thần mà thôi.
Kỳ thực bữa đó Ðoàn Dự kéo Thôi Bách Kế ra để mạo nhận là sư phụ chẳng qua là sự ngẫu nhiên mà trúng đấy thôi. Ðoàn Dự thấy Thôi Bách Kế dáng điệu ngớ ngẩn, hình dong cổ quái nên đem lão ra cố ý để trêu cợt Nam Hải Ngạc Thần làm một trò cười. Song bây giờ nghe Cao Thăng Thái nói Thôi Bách Kế lại tin là sự thực.
Cao Thăng Thái lại nói tiếp:
-Vương gia đây vốn là người hiếu khách, đừng nói gì Thôi huynh lưu trú tại nước Ðại Lý chúng tôi tuyệt không có âm mưu ác ý gì đã đành, mà giả tỷ có lòng bất trắc đối với nước tôi chăng nữa, Vương gia đây vẫn đại lượng bao dung, lấy thành thực để tiếp đãi. Thôi huynh bất tất phải băn khoăn về điểm đó.
Lời Cao Thăng Thái nói còn ngụ ý nữa là: anh không có vết tích gì bất lương nên mới dung dưỡng tới ngày nay, bằng không thì chúng tôi đã sửa anh từ lâu rồi.
Thôi Bách Kế lại nói:
-Tuy hầu gia dạy thế, song Thôi mỗ vì sao phải vào Vương phủ nương náu thì trước khi cáo biệt cũng cần phải trình bày cho rõ nếu không chẳng hoá ra còn tệ hơn phường du côn hay sao? Chỉ vì việc này liên quan tới nước ngoài, nên Thôi mỗ mạo muội xin mượn tạm một nơi để tiện việc đàm luận.
Ðoàn Chính Thuần quay lại bảo Quá Ngạn Chi:
-Báo cừu cho sư phụ là việc trọng đại, Quá huynh chẳng nên hấp tấp nóng nảy,nán chờ chốc lát. Sau khi tan tiệc, chúng ta sẽ từ từ thương nghị cũng chưa chậm.
Các tay hào kiệt ở đây đều là những người lịch duyệt giang hồ nên rất thiệp đời, không muốn làm mất thì giờ và phiền cho người khác trong lúc cấp bách nên đều ăn uống lào thào cho qua bữa rồi răm rắp đứng dậy cáo từ.
Trấn Nam Vương đối với bạn hữu giang hồ rất là trọng hậu, thấy tân khách đứng dậy liền sai gia nhân đem lễ vật ra rồi chính tay đưa tặng mọi người. Riêng đối với Kim Ðại Bằng và Sử An là những khách từ phương xa tới lại đặc biệt tặng thêm tiền lộ phí nữa. Trong đám hào kiệt những người hào sảng thản nhiên nhận tiền còn những người câu nệ lễ nghi thì nhún nhường bái tạ.
Giữa lúc chủ khách ân cần tiễn biệt bỗng nghe ngoài cổng phủ có tiếng niệm:
-A di đà Phật! A di đà Phật!
Tiếng tuy không to nhưng ai nghe cũng rõ mồn một, tựa như chỉ cách độ hai ba thước. Các tay hào kiệt trong sảnh đường hết thảy đều kinh ngạc. Phủ Trấn Nam Vương địa thế rất rộng, từ ngoài cổng vào đại sảnh cách xa tới hơn mười trượng, quãng giữa lại còn những tường vách, cửa ngõ ngăn chặn, thế mà tiếng nói bên ngoài đại môn ở trong nghe rõ mồn một đủ biết về môn Thiên lý truyền âm người này thực đã luyện tới chỗ thượng thừa tuyệt đỉnh.
Ðoàn Chính Thuần nghe tiếng Thiên lý truyền âm biết ngay người đó thuộc phái Thiếu Lâm nên đã từ trong đáp vọng ra:
-Một vị cao tăng phái Thiếu Lâm giá lâm nước Ðại Lý Ðoàn Chính Thuần này không biết để ra nghênh đón từ xa, thật thất lễ quá.
Ðoàn Chính Thuần vừa nói vừa chạy ra đón. Ông bước rất mau, nháy mắt đã ra tới cổng ngoài.
Một vị hòa thượng người khô như hạc, tuổi chừng năm mươi trở lại chắp tay nói:
-Bần tăng là Tuệ Chân ở chùa Thiếu Lâm xin tham kiến Ðoàn Vương gia.
Trong lúc Ðoàn Chính Thuần đang đáp lễ thì Tuệ Thiền hòa thượng cũng theo ra tới nơi, ngạc nhiên hỏi:
-Sư huynh! Sư huynh cũng tới nước Ðại Lý hẳn có chuyện gì?
Tuệ Chân hai mắt đỏ hoe, đầy vẻ buồn rầu đáp:
-Sư đệ ơi! Sư phụ đã viên tịch về Tây phương rồi.
Tuệ Thiền tuy là đệ tử nhà Phật nhưng tính tình bộp chộp, vừa nghe hung tin nhảy sấn lại cầm chặt lấy tay Tuệ Chân run run hỏi lại:
-Thực... thực vậy ư?
Tuệ Chân chưa kịp đáp thì nước mắt Tuệ Thiền đã dòng dòng chảy xuống.
Tuệ Chân nói với Ðoàn Chính Thuần:
-Sư đệ bần tăng vì quá xúc động trước sự bất hạnh của gia sư nên thất lễ trước giá, khiến vương gia phải bật cười.
Ðoàn Chính Thuần vội đáp:
-Không dám! Không dám!
Ðoàn Chính Thuần nghĩ bụng: "Sư phụ Tuệ Thiền là Huyền Bi đại sư, vẫn nổi tiếng võ công trác tuyệt. Thế này thì phái Thiếu Lâm lại mất một bậc cao thủ rồi".
Tuệ Thiền nghẹn ngào nói tiếp:
-Sư phụ bị bệnh gì? Ngài vẫn khoẻ mạnh cơ mà?
Thấy trước cửa nhiều người qua lại rất phức tạp, Tuệ Chân hai tay cầm phong thư đưa cho Ðoàn Chính Thuần và nói:
-Thưa Vương gia! Bần tăng vâng mệnh chưởng môn sư bá, tới đây đệ trình tâm thư lên Bảo Ðịnh Hoàng gia cùng Vương gia.
Ðoàn Chính Thuần đón lấy thư rồi nói:
-Hoàng huynh tại hạ cũng ở đây, tại hạ xin đưa đại sư vào tương kiến.
Nói xong dẫn Tuệ Chân và Tuệ Thiền vào nội sảnh.
Ðoàn Chính Thuần đệ thư tín lên. Bảo Ðịnh Ðế mở ra coi, thấy phần trên nói đại khái mấy câu sáo ngữ, xưng tụng đức độ anh em mình và tỏ lòng ngưỡng mộ còn phần chính đề chỉ vắn tắt mấy câu: "Nay võ lâm kiếp vận tới nơi, xin đừng nghĩ cháy nhà hàng phố bình chân như vại, sự thể thế nào hãy hỏi sư điệt Tuệ Chân sẽ rõ". Dưới ký tên chưởng môn trụ trì tại chùa Thiếu Lâm là Huyền Từ kính thư.
Xem xong Bảo Ðịnh Ðế kính cẩn nói:
-Xin mời hai vị ngồi! Ðại sư bên Thiếu Lâm đã có pháp dụ, chúng ta hết thảy đều ở trong phái võ lâm cả. Bất luận điều gì mà sức có thể làm được sẽ xin vâng mệnh.
Tuệ Chân quỳ hai gối dập đầu "binh binh" xuống đất, vừa lạy vừa khóc không ra tiếng.
Tuệ Thiền thấy sư huynh như vậy, tuy chưa hiểu rõ nguyên do, cũng quỳ xuống một bên nhưng không khấu đầu.
Bảo Ðịnh Ðế thấy Tuệ Chân dùng đại lễ như thế, trong bụng biết chắc là quan trọng: trong phái Thiếu Lâm thiếu gì cao thủ tuyệt vời, nhân tài thật lắm, có việc gì trọng đại không giải quyết được mà phái Tuệ Chân đến cầu mình ân cần thế này?
Nhà Vua liền đưa hai tay đỡ hai hòa thượng dậy nói:
-Chúng ta đều là đồng đạo trong võ lâm, tôi không dám nhận đại lễ như vậy.
Tuệ Chân khóc nức nở đáp:
-Gia sư bỏ mạng dưới bàn tay Cô Tô Mộ Dung thị, phái Thiếu Lâm không thể độ lực báo được mối thù này. Xin Hoàng gia xuất mã chủ trương đại cuộc cho!
Bảo Ðịnh Ðế nghe nói đến năm chữ "Cô tô Mộ Dung thị" mặt hơi biến sắc.
Tuệ Thiền lại khóc oà lên nói:
-Thế thì chúng ta đành liều mạng với kẻ thù thôi.
Tuệ Chân nghiêm nét mặt đáp:
-Trước mặt Hoàng gia đây không được thất lễ.
Tuệ Chân người bé nhỏ lại gầy đét còn Tuệ Thiền thì khôi ngô tuấn tú nhưng rất nể sợ sư huynh, nghe sư huynh chỉ trích mấy câu không dám nói gì nữa nhưng vẫn nức nở khóc thầm.
Bảo Ðịnh Ðế nói:
-Hai vị hãy ngồi đây thong thả nói chuyện. Hơn hai mươi năm trước đây tôi từng nghe ở Tô Châu có một nhân vật trong họ Mộ Dung tên gọi Mộ Dung Bác, kẻ vừa gây sự với phái Thiếu Lâm có phải là người đó không?
Tuệ Chân nghiến răng đáp:
-Tiểu tăng chỉ biết kẻ đối đầu là người họ Mộ Dung, nhưng không biết rõ tên.
Bảo Ðịnh Ðế nói tiếp:
-Thiếu Lâm là một phái có tiếng tăm lừng lẫy nhất trong võ lâm, bốn bề đều ngưỡng mộ đại danh. Lệnh sư Huyền Bi hoà thượng nội lực ngoại công đều tới chỗ tuyệt cao, hơn nữa là người xuất gia, không có tranh chấp gì với người đời. Không hiểu tại sao lại bị người đời sát hại?
Tuệ Chân sa lệ đáp:
-Hôm đó tiểu tăng ngồi tĩnh toạ trong trai phòng thấy sư bá sai người tới gọi, tiểu tăng tới nơi thì thấy thi thể gia sư để nằm một bên. Sư bá bảo là người trong làng ở chân núi Tung Sơn thấy thi thể gia sư, họ biết là sư phụ trong chùa nên vội đem lên chùa trả. Không hiểu rõ được gia sư lỡ tay thế nào mà bị địch thủ ám toán. Còn tên họ và mặt mũi hung thủ, cho mãi tới bây giờ vẫn chưa tra ra được.
Huỳnh Mi hòa thượng từ trước vẫn ngồi yên lắng tai nghe, bây giờ thốt nhiên cất tiếng hỏi:
-Phải chăng Huyền Bi đại sư bị trúng một đòn "Kim cương chữ" của kẻ địch vào trước ngực rồi viên tịch?
Tuệ Chân kinh ngạc đáp:
-Ðại sư đoán đúng lắm! Như vậy nghĩa là làm sao?
Huỳnh Mi tăng nói tiếp:
-Lâu nay vẫn nghe tiếng Huyền Bi đại sư phái Thiếu Lâm có môn Kim cương chữ là một môn trác tuyệt trong võ lâm, đối phương bị trúng phải sẽ đứt gãy hết gân cốt. Môn đó cố nhiên là lợi hại lắm rồi, nhưng xét cho kỹ thì lại quá ư bá đạo, những đệ tử nhà Phật không nên học môn đó để mà nổi tiếng.
Ðoàn Dự buột miệng cũng nói xen vào:
-Phải rồi! Cái môn đó quả là hiểm độc thái quá.
Tuệ Chân và Tuệ Thiền nghe Huỳnh Mi đả kích sư phụ mình trong lòng đã thấy bất mãn nhưng còn kính nể ông là bậc cao tăng tiền bối không dám trả lời lại thấy Ðoàn Dự ở bên cũng lẹ miệng hùa theo, bất giác hai người cả giận đều quắc mắt nhìn. Ðoàn Dự vẫn tảng lờ như không trông thấy, chẳng lý gì đến nữa.
Ðoàn Chính Thuần hỏi Huỳnh Mi hòa thượng:
-Tại sao sư huynh biết Huyền Bi đại sư chết vì trúng Kim cương chữ?
Huỳnh Mi tăng thở dài đáp:
-Vì vừa nghe nói Huyền Từ đại sư bên Thiếu Lâm thấy di thể sư đệ mà đoán biết được hung thủ là nhà Mộ Dung ở Cô Tô. Nhà này tuyên bố chủ trương của họ là: ai giỏi môn gì thì họ lấy chính môn đó để mà hạ thủ.
Ðoàn Chính Thuần nghe xong phải lắc đầu, còn Huỳnh Mi hòa thượng thì lẩm bẩm đọc đến hai ba lần câu: "Ai giỏi môn gì thì lấy môn đó để mà hạ thủ" trên nét mặt thoáng những nét sợ sệt.
Bảo Ðịnh Ðế và Ðoàn Chính Thuần quen biết Huỳnh Mi đại sư từ mấy chục năm nay chưa từng thấy ông lộ vẻ sợ hãi bao giờ. Cả lúc ông cùng thái tử Diên Khánh đấu cờ thí mạng, đã trông rõ thế bại rồi, tuy ông có bối rối nhưng nét mặt
vẫn thản nhiên. Thế mà bây giờ ông phải sợ ra mặt đủ biết phái Mộ Dung lợi hại đến chừng nào.
Im lặng hồi lâu Huỳnh Mi tăng lại từ từ lên tiếng:
-Lão tăng nghe nói Mộ Dung Bác là người giỏi số một trên thế gian. Có lẽ họ lấy tên là Bác để phô cái võ công uyên bác đến cực điểm của họ. Tựa hồ như trong võ lâm, bất luận về môn tuyệt kỹ của một phái nào họ đều thông hiểu. Kể cũng lạ thật, khi họ muốn giết chết ai nhất định lại dùng cái môn tuyệt kỹ đã nổi tiếng của người đó để sát hại.
Ðoàn Dự nói xen vào:
-Vâng! quả là một điều kỳ dị ngoài sức tưởng tượng của con người. Võ công trong thiên hạ biết bao nhiêu là môn, làm sao mà họ học được cả?
Huỳnh Mi đáp:
-Ðoàn công tử nói đúng đó. Việc học rộng như biển cả, ai mà thông suốt hết được bao giờ? Có điều kẻ thù của Mộ Dung Bác cũng chẳng có nhiều. Nếu họ chưa học được hết môn tuyệt kỹ của cừu nhân đến mức có thể dùng để giết đối phương thì họ sẽ không động thủ được.
Bảo Ðịnh Ðế nói:
-Tôi cũng nghe thấy ở Trung Nguyên có người kỳ dị như thế. Lạc thị tam hùng ở Hà Bắc nổi tiếng về môn phi truỳ rồi sau ba người đó đều chết vì bị trúng phi truỳ.
Rồi Chương Hư đạo nhân ở Sơn Ðông lúc định giết ai ba giờ cũng chém cụt hết chân tay, để địch thủ phải kêu khóc hàng nửa ngày rồi mới chết được. Sau chính Chương Hư đạo nhân cũng bị thảm báo như thế. Lời tuyên bố của nhà Mộ Dung từ cửa miệng Chương Hư đạo nhân truyền đi.
Ngừng một lúc Bảo Ðịnh Ðế lại nói tiếp:
-Hồi ấy, ở Tế Nam giữa phiên chợ náo nhiệt không biết bao nhiêu người quây quần chung quanh Chương Hư đạo nhân nằm lăn lộn kêu gào dưới đất.
Nói tới đó Bảo Ðịnh Ðế phảng phất dường như đang mục kích cái thảm trạng Chương Hư đạo nhân trong lúc lâm tử. Nét mặt nhà Vua đầy vẻ bất mãn.
Ðoàn Chính Thuần gật đầu nói:
-Thế thì đúng rồi.
Chợt nhớ ra một việc Ðoàn Chính Thuần nói tiếp:
-Tôi nghe nói Kha Bách Tuế, sư phụ của Quá đại hiệp rất thiện sử cây nhuyễn tiên, lúc giết kẻ địch thường dùng nhuyễn tiên quấn chặt vào cổ đối phương khiến cho địch thủ chết vì nghẹt thở. Phải chăng lúc...
Ðoàn Chính Thuần chưa nói hết câu đã vỗ tay ba cái gọi một tên thị bộc tới bảo:
-Mi đi gọi Thôi tiên sinh và Quá đại hiệp tới đây để cùng ta thương nghị việc cần.
Tên bộc thị ngập ngừng chưa hiểu Thôi tiên sinh là ai. Ðoàn Dự lại phải nói cho gã biết Thôi tiên sinh tức là Hoắc tiên sinh, người giữ sổ sách chi tiêu trong Vương phủ. Bấy giờ tên bộc thị mới hiểu rõ chạy đi mời. Trong giây phút Thôi Bách Kế và Quá Ngạn Chi đã đến sảnh đường.
Ðoàn Chính Thuần nói:
-Quá đại hiệp! Tại hạ có một việc muốn hỏi, xin đại hiệp miễn trách!
Quá Ngạn Chi đáp:
-Không dám.
Ðoàn Chính Thuần hỏi:
-Tại sao lệnh sư Kha tiền bối bị họ ám toán và bị tử thương đến trí mạng? vì quyền cước hay vì binh khí?
Quá Ngạn Chi thẹn đỏ ửng cả mặt, lúng túng mãi mới trả lời được:
-Gia sư bị hại vì một đòn "linh xà chiến đẩu".
Bảo Ðịnh Ðế, Ðoàn Chính Thuần và Ðoàn Dự đưa mắt nhìn nhau trong lòng đều thấy rùng rợn.
Tuệ Chân vội chạy tới trước mặt Thôi Bách Kế và Quá Ngạn Chi chắp tay vái chào nói:
-Anh em bần tăng cùng hai vị đều căm phẫn một kẻ thù chung. Nếu không diệt được nhà Mộ Dung ở Cô Tô...
Tuệ Chân nói dở câu thì trong bụng nghĩ thầm: "chưa chắc mình đã diệt nổi nhà Mộ Dung. Nếu không xong thì lại là một điều rất nguy hiểm". Nhà sư nghiến răng nói tiếp:
-Bần tăng nhất quyết liều mạng với họ.
Quá Ngạn Chi hai mắt đẫm lệ đáp:
-Thế ra phái Thiếu Lâm cũng kết mối thâm thù với nhà Mộ Dung rồi ư?
Bấy giờ Tuệ Chân mới đem việc sư phụ Huyền Bi chết về tay Mộ Dung thế nào, thuật qua lại một lượt.
Bảo Ðịnh Ðế thấy Quá Ngạn Chi lộ vẻ sầu bi, căm hờn, nghiến răng thống hận kẻ thù, còn Thôi Bách Kế chỉ cúi đầu rũ rượi chẳng nói năng gì tựa hồ như không quan tâm gì đến mối thù sư huynh bị sát thân, trong lòng rất lấy làm kỳ dị. Tuệ
Thiền hoà thượng tính vốn thẳng thắn bộp chộp, buột miệng hỏi ngay:
-Thôi tiên sinh! Có phải tiên sinh sợ bọn Mộ Dung ở Cô Tô chăng?
Tuệ Chân vội mắng át:
-Sư đệ! Không được vô lễ.
Kha Bách Tuế qua đời rồi thì Thôi Bách Kế sẽ là chưởng môn phái Tung Sơn.
Phái Tung Sơn ở gần kề ngay phái Thiếu Lâm. Nên nhớ rằng ông thuỷ tổ dựng ra phái Tung Sơn đã dám đến bên cạnh phái Thiếu Lâm, dựng ra một môn phái, nêu cao ngọn cờ võ thuật phi phàm thì đủ biết bản lãnh phái này thế nào. Hơn nữa thầy trò Kha Bách Tuế và Quá Ngạn Chi đều thanh danh lừng lẫy khắp Trung Nguyên, danh vị Thôi Bách Kế trong võ lâm tất nhiên cũng không phải là hèn kém. Nào ngờ Thôi Bách Kế vừa nghe Tuệ Thiền nói đã lơ láo ngó lui, ngó tới tựa hồ sợ trong vách có tai hay kẻ thù ghê gớm rình rập sắp ập vào, tỏ ra con người khiếp nhược.
Tuệ Thiền thấy dáng điệu Thôi Bách Kế như vậy, cho là một kẻ hèn nhát đáng khinh, liền hừ một tiếng và nói lẩm bẩm một mình:
-Ðại trượng phu lúc đáng chết thì chết làm gì phải sợ sệt đến thế?
Lúc đó Tuệ Chân cũng biểu đồng tình về sự khiếp nhược của Thôi Bách Kế nên mặc cho sư đệ muốn nói gì thì nói, cũng không ngăn cản nữa.
Huỳnh Mi hòa thượng khẽ đằng hắng rồi nói:
-Việc này...
Huỳnh Mi vừa nói được hai tiếng thì Thôi Bách Kế toàn thân run lẩy bẩy, đứng bật lên như cái lò xo, đụng phải chiếc chén nước trên khay trà rơi "binh" xuống đất, vỡ tan ra.
Thôi tiên sinh định thần lại, thấy mọi người đều chú mục nhìn mình, bất giác đỏ mặt tía tai ngượng nghịu nói:
-Không xong rồi! Không xong rồi!
Quá Ngạn Chi chau đôi mày, cúi xuống nhặt những mảnh chén vỡ.
Ðoàn Chính Thuần nghĩ bụng: "lão Thôi Bách Kế này không có một chút gan dạ nào hết", rồi quay sang hỏi Huỳnh Mi:
-Việc này sư huynh nghĩ sao? Xin cho nghe nốt!
Huỳnh Mi hấp một hớp nước trà rồi thủng thẳng hỏi:
-Thôi thí chủ đã gặp Mộ Dung Bác rồi?
Thôi Bách Kế vừa nghe ba chữ "Mộ Dung Bác" đã giật mình rú lên một tiếng kinh hãi, rồi hai tay vịn vào ghế cho khỏi té, giọng run run đáp:
-Chưa... tôi đã... không... gặp bao giờ.
Tuệ Thiền hỏi lớn:
-Thôi tiên sinh đã gặp Mộ Dung Bác chưa? Xin nói rõ!
Thôi Bách Kế giương đôi mắt nhìn trời như kẻ mất hồn. Bọn Ðoàn Chính Thuần thấy thế đều lắc đầu, ngấm ngầm thất vọng. Quá Ngạn Chi vốn dĩ bảo trọng danh dự của môn phái, bây giờ thấy sư thúc, người kế vị chưởng môn tỏ vẻ hèn nhát trước mặt mọi người lại càng cảm thấy bứt rứt khó chịu.
Ðược một lúc Thôi Bách Kế mới cất giọng run run đáp:
-Chưa... ờ... hình như chưa gặp bao giờ.
Huỳnh Mi nói:
-Lão tăng đã từng có phen đích thân nếm trải, vậy xin thuật lại để các vị tham tường cũng chẳng hại gì. Việc xảy ra đã bốn mươi ba năm trước đây rồi.
Lúc đó bần tăng còn ít tuổi sức mạnh, vừa xuất thân đã chiếm được chút thanh danh trong chốn giang hồ, khác nào trâu nghé mới sinh chưa biết sợ hổ là gì. Vẫn tưởng là khắp thế gian rộng lớn này, ngoài sư phụ ra không còn ai võ nghệ cao cường bằng mình nữa.
Năm đó, tôi hộ tống một ông quan đã mãn nhiệm kỳ tại kinh về quê với cả gia quyến. Khởi hành từ Biện Lương về Sơn Ðông. Khi tới rặng núi phụ cận Thanh báo cương thì gặp bốn tên cường đạo.
Bọn này không cướp tiền của đồ vật mà chỉ định bắt tiểu thư con vị quan đó. Bần tăng đang độ thanh niên khí khái, quyết chẳng dung tình, hạ thủ ngay bằng những đòn hiểm độc. Dùng môn Kim cương chỉ hạ sát luôn bốn tên cường đạo, tên nào cũng bị ngón tay đâm thủng vào tận tim, chết không kịp ngáp.
Giữa lúc đó bỗng nghe tiếng vó ngựa nhộn nhịp, hai
người cưỡi lừa đi ngang qua. Bần tăng đang lúc vênh vang đắc ý, quá ư kiêu ngạo, nói phun bọt rãi, khoe khoang với vị kinh quan: "dù có tám, chín, mười đứa cường đạo nữa tới tôi cũng dùng kim cương chỉ giết cho chết hết".
Bỗng một người ngồi trên lưng lừa "hừ" một tiếng, nghe tựa như tiếng đàn bà. Trong cái hừ đó dường như chứa đựng đầy vẻ khinh miệt, chế diễu. Tôi quay đầu nhìn lại, quả thấy một thiếu phụ rất đẹp, chừng 32, 33 tuổi ngồi trên lưng lừa và một cậu trai nhỏ chừng 12, 13 tuổi, mi thanh mục tú, hình dung tuấn nhã cưỡi trên lưng một con lừa khác.
Hai người đều có trọng tang, mặc toàn đồ trắng. Cậu bé nói: "Má! Hay chi cái trò "Kim cương chỉ" mà gã kia cũng đem ra khoe khoang khoác lác?".
Lai lịch Huỳnh Mi tăng thế nào, ngoài anh em Bảo Ðịnh Ðế ra ít ai biết rõ. Song lúc ở trong hang Vạn Kiếp nhà sư dùng sức Kim Cương chỉ vạch đá làm bàn cờ, ấn lõm đá thành quân cờ, cuộc đấu trí đấu lực với thái tử Diên Khánh rất gay go và hi hữu đó đã trở thành một câu chuyện rất hào hứng trong võ lâm. Mọi người đều đem lòng kính ngưỡng nhà sư và rất khâm phục môn "Kim cương chỉ". Bây giờ nghe hoà thượng thuật lại lời cậu bé, ai cũng cho là đứa trẻ nít không biết gì nói bậy. Không ngờ Huỳnh Mi khẽ thở dài rồi nói tiếp:
-Nghe cậu bé nói, bần tăng tuy cũng có ý tức giận, song cho là lời ngông càn của con nít, không đáng chấp nên chỉ lừ mắt nhìn qua, rồi cũng chẳng thèm lý đến nữa.
Nào ngờ thiếu phụ lại chỉ trích thêm: "Môn Kim cương chỉ của người đó là môn chính tông Bồ Ðề Ðạt Ma, về nghệ thuật kể cũng được tới ba thành rồi đấy. Mi là con nít biết gì mà nói? Mi phóng ngón tay chắc chưa được trúng bằng người tađâu".
Bần tăng nghe thiếu phụ nói vừa kinh ngạc lại vừa phẫn nộ. Nguồn gốc môn phái bần tăng khách giang hồ ít ai biết rõ. Thế mà thiếu phụ này công nhiên nói toạc ra, lại còn biết bần tăng luyện môn "Kim cương chỉ" mới được có ba thành,
điều này khiến bần tăng không thể nhịn được.
Ôi! kỳ thực bần tăng chưa hiểu trời cao đất rộng, công lực của bần tăng ngày ấy mà bảo đã luyện được tới ba thành là
nói quá lên rồi chứ đúng ra mới được hơn hai thành mà thôi.
Bần tăng lớn tiếng thách thức: "Vị phu nhân kia tôn tính là gì? Ðã coi thường "Kim cương chỉ" của tại hạ, chắc là có ý dạy cho mấy đòn chăng?". Cậu bé gò cương lại, vừa toan trả lời, thì thiếu phụ thốt nhiên hai mắt đỏ ngầu, rớm lệ bảo con: "Gia gia mi lúc lâm chung đã dặn những gì? Mi chóng quên thế?".
Cậu bé đáp: "Dạ! Khi nào con dám quên?".
Hai con lừa lại tiếp tục cất bước đi về phía trước.
Bần tăng càng nghĩ lại càng bất phục, liền thúc ngựa đuổi theo gọi: "Ô kìa! Trong đám giang hồ có ai lại mở miệng chỉ trích bừa bãi võ công của người khác rồi không ở lại tỷ thí mấy hiệp, cứ bỏ đi ngay mà được bao giờ?". Con tuấn mã của bần tăng đi rất mau, vừa nói dứt lời nó đã vượt lên chắn trước mặt hai người.
Thiếu phụ quay lại bảo con: "Mi coi đó mà coi! Cứ buột miệng nói bừa người ta đâu có chịu ngơ đi?".
Cậu bé này xem chừng đối với mẫu thân rất là hiếu thuận, không dám ngước nhìn bần tăng nữa.
Bần tăng thấy họ đã sợ mình, nghĩ bụng: "đây là một cặp mẹ goá con côi, mình có thắng họ cũng chẳng vẻ vang gì, hà tất ta phải cố chấp như mọi người khác?
Song nghe lời thiếu phụ thì dường như đứa bé này đã biết môn "Kim cương chỉ".
Về môn này bần tăng phải tốn công phu trong một thời gian 10 năm mới luyện được tới mức đó vậy đứa con nít này có lý nào hiểu được? Chắc là nói phóng đại đó thôi".
Bần tăng liền nói đổng một câu: "Hôm nay ta để cho các ngươi đi về sau thì nói năng nên cẩn thận một chút nghe!". Thiếu phụ đó vẫn không nhìn bần tăng, quay lại bảo con: "Thúc thúc đây nói phải đó, về sau con nói năng nên cẩn
thận một chút". Nếu câu chuyện tới đây mà thôi đi thì hai bên đều không mất thể diện. Khốn nỗi thời đó bần tăng đang độ trẻ tuổi hung hăng, kéo ngựa sang bên đường nhường cho thiếu phụ đi trước, đến lúc cậu bé vừa vỗ mình lừa cho cất bước, bần tăng giơ roi quất vào mông lừa của cậu bé và cười vang lên bảo: "Ði mau mau lên nhé". Ðầu roi của bần tăng còn cách mông lừa chừng một thước, bỗng nghe rắc một tiếng, cậu bé quay đầu lại, luồng chỉ lực đã xé không khí vụt tới đánh đứt chiếc roi ngựa của bần tăng ra làm đôi. Một thế đánh làm cho bần tăng hoảng vía ngẩn người ra, biết rằng chỉ lực quá lợi hại, muôn ngàn lần bần tăng không thể kịp được.
Lại nghe thiếu phụ bảo con: "Ðã trót ra tay thì phải làm sao cho kết liễu đi chứ?".
Cậu bé đáp: "Vâng". Cậu nghiêng mình xuống lừa, chẳng nói năng gì, giơ một ngón tay nhằm điểm vào cổ chân bần tăng. Cậu bé nhỏ và thấp, bần tăng lại ngồi trên mình ngựa, ngón tay cậu chỉ chấm tới chân bần tăng, song thế đánh của
cậu bé rất hay, đúng là thủ pháp "Kim cương chỉ".
Bần tăng buông người từ trên mình ngựa xuống, không dám khinh thị cậu chút nào, cũng dùng "Kim cương chỉ" để tiếp chiến. Hai bên giao đấu, càng đánh bần tăng càng thấy sợ sệt vì chỉ pháp của cậu bé tuy chưa thuần thục lắm, ngẫu nhiên cũng có chỗ sai, song chỉ lực đi tới đâu cũng phát ra âm hưởng veo veo.
Bần tăng quả thực không dám tiếp chiến một cách cứng rắn. Ðánh chưa được chín hiệp, thì trước ngực phía bên trái cảm thấy đau nhói, rồi kình lực toàn thân bị mất hết.
Thuật tới đây Huỳnh Mi để lộ bộ ngực gầy gò, chìa cả mấy giẻ xương sườn ra.
Mọi người thoáng nhìn đều sự tái mặt, vì thấy phía bên trái lồng ngực, nhằm đúng vào tâm tạng, có một lỗ thủng sâu tới một tấc. Tuy lỗ thủng đã thành sẹo rồi nhưng vẫn có thể tưởng tượng lúc mới bị đâm thì vết thương đó hệ trọng tới mức nào. Có một điều kỳ dị là vết thương đó đã đâm thủng vào sâu đến tâm tạng mà nhà sư vẫn không chết, còn sống được mãi tới ngày nay.
Huỳnh Mi tăng lại trỏ vào phía ngực bên phải cho mọi người xem thì thấy da thịt chỗ đó luôn luôn phập phồng. Bấy giờ
họ mới hiểu Huỳnh Mi hòa thượng có tướng khác lạ, tâm tạng lại lệch về bên phải chứ không thiên sang bên trái như người thường, vì thế mà năm đó hòa thượng mới thoát chết.
Huỳnh Mi xốc lại áo, thắt lại đai lưng rồi nói tiếp:
-Tâm tạng nằm lệch về bên phải như thế, thực là hàng vạn người không có một.
Cậu bé thấy dùng chỉ lực đánh trúng tâm tạng mà bần tăng vẫn không chết, vội nhảy lùi lại một bước, sắc mặt lộ vẻ kinh dị. Bần tăng nhìn lồng ngực máu cứ ồng ộc tuôn ra, cho là tính mạng không thể bảo toàn được nữa nên chẳng còn kiêng nể, cất tiếng mắng tràn: "Thằng giặc con kia! Mi bảo mi biết sử dụng "Kim cương chỉ", hừ hừ Kim cương chỉ của Ðạt Ma hạ viện, có bao giờ đánh người đến chảy máu mà vẫn không giết được người?".
Cậu bé nhảy lại trước mặt, toan đánh tiếp một chỉ. Lúc đó thì bần tăng hoàn toàn không còn khả năng chống cự gì được nữa, chỉ có cách bó tay đợi chết. Không ngờ thiếu phụ lại cầm roi ngựa vung ra, quấn chặt lấy lưng cậu bé, nhấc lên một cái, nâng bổng cậu bé, đặt lên lưng lừa. Trong lúc mê man, tôi còn nghe văng vẳng tiếng thiếu phụ chỉ trích con: "Họ Mộ Dung đất Cô Tô có đứa trẻ nào tranh hơi như mi đâu? Kim cương chỉ của mi đã không học được tới nơi, tới chốn nên không giết được y, ta sẽ phạt mi trong bảy ngày...".
Nghe đang dở câu thì tôi bị ngất xỉu, không biết gì nữa, chẳng hiểu bà ta phạt con trong bảy ngày như thế nào.
Kim Toán Bàn Thôi Bách Kế hỏi:
-Ðại sư... về sau... về sau có gặp bọn họ nữa không?
Huỳnh Mi đáp:
-Nói ra càng thêm xấu hổ. Từ lúc bần tăng trải qua việc đó đâm ra chán nản, vì thấy đứa bé nhỏ xíu mà bản lãnh đã cao siêu đến thế, dù mình có luyện võ công đến mấy đi nữa, cũng không tài nào kịp họ được.
Sau khi khỏi vết thương, lập tức bần tăng rời khỏi địa giới nước Ðại Tống tìm đến nước Ðại Lý, nương nhờ ở dưới
quyền cai trị của Ðoàn Hoàng gia. Qua được mấy năm, bần tăng xuất gia đầu Phật.
Trong thời gian tu hành, bần tăng tuy đã thẩm thấu được lẽ sinh tử, không đem sự vinh nhục năm xưa để vào trong tâm nữa song ngẫu nhiên hồi tưởng đến, vẫn thấy ghê người, chẳng khác gì con chim phải tên.
Mọi người nghe nói đều mặc nhiên không nói gì mà lòng khinh bỉ Thôi Bách Kế đã giảm đi một phần. Vì võ công Huỳnh Mi cực kỳ lợi hại mà đối với nhà Mộ Dung còn phải e dè thế thì Thôi Bách Kế có sợ thất thần cũng nên nguyên lượng.
Thôi Bách Kế hình như cũng hiểu tâm tình mọi người bèn nói:
-Huỳnh Mi đại sư là bậc đàn anh trong đám giang hồ còn đem việc dĩ vãng phơi bày ra hết, không dấu giếm mảy may thì Thôi mỗ là hạng người gì mà sợ không dám thổ lộ những điều kém cỏi của mình? Vậy tại hạ cũng xin đem nguyên do
phải trốn vào phủ Trấn Nam Vương tường trình bệ hạ cùng Vương gia. Nơi đây chẳng có ai là người ngoài, tại hạ cũng xin nói hết để các vị suy xét.
Thôi Bách Kế còn lấm lét, nghển cổ trông ra phía ngoài cửa sổ, uống luôn hai chén trà thấm giọng rồi nói tiếp:
-Việc này xảy ra từ mười tám năm trước đây. ở trong thành Vô ô quân, có một tên thổ hào họ Thái là người trọc phú bất nhân, áp chế dân lành. Một người bạn của sư huynh tôi bị y hãm hại, toàn gia đều chết dưới bàn tay tên thổ hào đó.
Quá Ngạn Chi ngắt lời hỏi:
-Sư thúc! Có phải sư thúc nói tên tặc tử Thái khánh Ðồ đó không?
Thôi Bách Kế tiếp:
-Ðúng rồi ! Sư phụ mi mỗi khi nhắc tới tên Thái Khánh Ðồ lại nghiến răng căm hờn, có điều sư phụ mi là người tốt, chỉ biết an thân thủ phận.
Ông có làm cáo tạng lên kêu quan mấy lần nhưng đều bị Thái Khánh Ðồ đem tiền hối lộ để quan nha
ỉm đi. Nếu sư phụ mi dùng nhuyễn tiên giết Thái Khánh Ðồ thì là một việc rất dễ dàng, song ông không chịu làm việc gì phạm pháp. Còn Thôi mỗ trái lại, trộm gà,bắt chó, bợm, cờ bạc, giết người đốt nhà không từ việc gì hết.
Một đêm kia, Thôi mỗ nóng tiết, mò vào nhà Thái Khánh Ðồ, giết sạch toàn gia y hơn 30 người.
Tôi giết từ cổng giết vào, thẳng tới vườn hoa ở phía sau. Cả đến những người coi vườn nữ tỳ cũng không để sót một mống nào. Khi vào đến giữa vườn hoa, bỗng thấy trên cửa sổ một toà lầu nhỏ có ánh đèn lọt ra. Tôi chạy tuốt lên lầu, đạp tung cửa vào thì thấy đó là một chư phòng, những giá gác xung quanh xếp toàn sách vở, hoạ đồ.
Một đôi nam nữ thanh niên, ngồi sánh vai nhau bên bàn đang mở sánh xem. Thanh niên chừng 28 tuổi, phong độ thanh tao hoà nhã. Thiếu nữ còn ít tuổi hơn, ngồi quay lưng ra ngoài nên tôi không nhìn rõ diện mạo. Nàng mặc áo mỏng mầu lục nhạt, dưới ánh đèn lấp lánh trông rất thanh nhã. Con mẹ nó...
Thôi Bách Kế vốn dĩ nói năng rất văn hoa, trái ngược hẳn với hành vi trong lúc bình thường. Không ngờ bây giờ lại đột nhiên văng một câu chửi tục ra, mọi người đều lấy làm ngạc nhiên.
Thôi Bách Kế không để ý tiếp tục kể:
-Tôi giết một hơi ba mươi mấy người, đang lúc hứng bỗng thấy đôi trai gái chó chết này, con mẹ nó, tôi rất lấy làm kỳ vì những người trong nhà Thái Khánh Ðồ toàn là một giống thô lỗ hung dữ, sao lại mọc ra đôi nam nữ thanh tú này? Phải
chăng là Trương Quân Thuỵ và Thôi Oanh Oanh trong vở kịch? Tôi đứng ngẩn người ra nhìn hồi lâu, không muốn ra tay hạ sát.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Thiên Long Bát Bộ.