• 601

Chương 25: Ðại Luân Minh Vương


Số từ: 7675
sưu tầm
Bảo Ðịnh Ðế vừa nói xong, Thiên Tham hoà thượng cướp lời vội đáp:
-Nếu theo phương pháp khôn ngoan của Khô Vinh đại sư vừa nói thì ngươi đã tự hiểu cả rồi, chỉ cần nhớ thêm phép kiếm nữa là xong.
Bảo Ðịnh Ðế ngạc nhiên hỏi lại:
-Vãn bối chưa hiểu, xin đại sư chỉ giáo rõ cho!
Thiên Nhân phương trượng nói:
-Ngươi hãy ngồi xuống đây nói chuyện.
Bảo Ðịnh Ðế ngồi xếp bằng xuống bồ đoàn. Thiên Nhân tiếp:
-Phép Lục Mạch Thần Kiếm không phải là đánh kiếm thật, mà là dùng chỉ lực trong phép Nhất Dương Chỉ biến hoá thành kiếm khí. Chỉ có thực chất chứ không hình thể rõ rệt cho nên phép này có thể gọi là vô hình kiếm. Trên cổ tay ngươi có sáu mạch là: Thái Âm, Quyết Âm, Thiếu Âm, Thái Dương, Dương Minh, Thiếu Dương.
Thiên Nhân vừa nói vừa thò tay vào phía sau cái bục lấy ra một cuốn trục lụa.
Vì lâu ngày quá lụa đã biến thành mầu vàng. Thiên Tham tiếp lấy treo lên vách,mở cuộn trục ra. Nguyên cuộn trục này cuốn bức tranh vẽ đồ hình một người đàn ông khỏa thân, chua rõ các huyệt. Các đường chuyển vận lưu thông về sáu mạch vẽ mầu xanh, đỏ.
Bảo Ðịnh Ðế là bậc cao thủ về phép Nhất Dương Chỉ, mà kinh Lục Mạch Thần Kiếm lại lấy Nhất Dương Chỉ làm căn bản và cùng một đường lối võ công của họ Ðoàn nên nhà Vua chỉ xem qua đã hiểu ngay.
Thiên Nhân lại nói:
-Chính Minh! Ngươi làm chúa tể nước Ðại Lý, việc cải trang chỉ là quyền nghi nhất thời nếu để đối phương khám phá ra thì rất tổn hại đến uy danh cả nước, được bề nọ mất bề kia, nên chăng tuỳ ý ngươi tự quyết lấy.
Bảo Ðịnh Ðế chắp tay đáp:
-Mạnh dạn thẳng tiến mới là người dũng, không suy hơn tính thiệt mới gọi là nghĩa.
Thiên Nhân nói:
-Thế thì hay lắm! Kinh Lục Mạch Thần Kiếm này không truyền cho con em ở ngoài tục luỵ. Ngươi phải xuống tóc ta mới truyền thụ cho.
Bảo Ðịnh Ðế đứng lên, bước ra quỳ xuống đất nói:
-Xin đại sư mở lượng từ bi.
Khô Vinh đại sư nói:
-Ngươi lại đây ta là phép thế phát cho.
Bảo Ðịnh Ðế rảo bước tới, quỳ ở phía sau Khô Vinh. Lúc đó Ðoàn Dự cũng đứng dưới đất, tinh thần đang tỉnh táo, nghe mấy vị đối thoại nghĩ thầm trong bụng: các ông bàn đi tính lại, té ra việc này có liên quan đến bọn Mộ Dung. Chàng thấy bá phụ muốn thay đổi trang phục, mặc áo thầy tu không khỏi ngấm ngầm kinh dị.
Bỗng thấy Khô Vinh đại sư đưa tay phải vòng lại phía sau giữ đầu Bảo Ðịnh Ðế.
Bàn tay này chỉ còn da bọc lấy xương. Khô Vinh đại sư vẫn không xoay người lại,miệng lâm râm đọc kệ, cất tay lên một cái bao nhiêu tóc Bảo Ðịnh Ðế rơi xuống đất hết, còn lại cái đầu trụi nhẵn thín hơn là lấy dao cạo.
Ðoàn Dự cả kinh còn các vị Thiên Quan, Thiên Nhân trong lòng bội phục vô cùng lẩm bẩm: "Khô Vinh lão thúc tu luyện khô thuyền công lực đã cao thâm đến mức này, thật là hãn hữu".
Khô Vinh đại sư dõng dạc tuyên bố:
-Ngươi đã quy y cửa Phật, đặt cho pháp hiệu Thiên Trần.
Bảo Ðịnh Ðế đáp:
-Tạ ơn sư phụ đã ban pháp danh cho.
Ở nơi cửa Phật không kể đến vai vế gia đình ngoài trần tục, nên Thiên Nhân phương trượng đứng vào hàng thúc phụ của Bảo Ðịnh Ðế nhưng từ đây Bảo Ðịnh Ðế đã chịu phép thế phát của Khô Vinh trở thành sư đệ Thiên Nhân.
Khô Vinh lại nói:
-Không chừng sớm tối hôm nay Minh Luân Ðại Vương sẽ tới. Thiên Nhân!
Ngươi đem ngay những điều bí mật về Lục Mạch Thần Kiếm truyền thụ cho Thiên Trần.
Thiên Nhân vâng lời, đưa Bảo Ðịnh Ðế đến trước đồ hình về kinh mạch treo trê n vách.
Bảo Ðịnh Ðế chuyên trị mạch Thiếu Dương, đường mạch đi ra sao từ đâu đến đâu, qua những huyệt đạo nào Thiên Nhân nhất nhất chỉ dẫn tường tận,đồng thời giảng cho Bảo Ðịnh Ðế về cách phóng kiếm khí do huyệt "Quan xung" ở
ngón tay vô danh. Bảo Ðịnh Ðế y theo lời giảng dạy, vận động nội lực từ ngón tay vô danh phát ra những tiếng vù vù, chân khí từ huyệt "quan xung" phóng ra mãnh liệt.
Khô Vinh đại sư cả mừng nói:
-Nội lực của ngươi đã đến mức phi thường. Kiếm pháp này tuy biến ảo khôn lường, song kiếm khí đã thành hình thì có thể tuỳ ý người sử dụng. Thiên Nhân nói:
-Sư thúc luyện "Thương kiếm" ở ngón tay cái. Tôi luyện "Dương kiếm" ở ngón tay trỏ. Thiên Quan sư huynh luyện "Xung kiếm" ở ngón tay giữa. Thiên Trần sư đệ luyện "Quan xung kiếm" ở ngón vô danh. Thiên Tướng sư đệ luyện "thiếu xung kiếm" ở ngón út. Thiên Tham sư đệ luyện "Thiếu trạch kiếm" ở ngón út bên tay trái. Việc gấp đến nơi, không thể trì hoãn được nữa chúng ta phải bắt đầu luyện ngay từ bây giờ.
Nói xong mở hết sáu bức đồ hình treo lên bốn bức vách. Trên đồ hình nào cũng vẽ đủ đường ngang, đường dọc, đường giáp nhau, đường vòng tròn và đường cánh cung. Mỗi vị đều theo đồ hình mà luyện đường kiếm khí của mình, giơ ngón tay lên không nào điểm nào vạch.
Ðoàn Dự đứng đó cảm thấy chân khí trong người rung động nhộn lên, so với trước đây còn tệ hại hơn, không thể chịu đựng được nữa vì nhận thêm chân khí của Bảo Ðịnh Ðế cùng năm nhà sư chùa Thiên Long tống vào. Nhưng chàng thấy bá phụ cùng các phương trượng đang định thần, dụng công luyện kiếm khí nên không dám lên tiếng sợ kinh động mọi người. Chàng chỉ ngồi trân trân ra đó hồi lâu, thấy trong người càng thêm bứt rứt buồn tẻ, ngẫu nhiên nhìn lên đồ hình vẽ kinh mạch treo trên vách. Giữa lúc ấy chàng cảm thấy ngón tay trái giật lên không ngớt,dường như bên trong có con gì muốn cắn da thịt để chui ra. Chỗ đầu ngón tay cắn nhôn nhốt đó đúng chỗ trên hình chua rõ là huyệt "hội tông". Ðoàn Dự nghiêng đầu nhìn bá phụ thấy người đang ngưng thần, chăm chú để mắt dán vào mạch "thiếu dương đi tam tiêu" trên bản đồ, ngón tay vô danh bên phải đang búng tanh tách.
Ðoàn Dự thuận mắt liền ngó theo đường vạch đỏ từ huyệt "hội tông" ra lạc "tam dương" qua đường "tứ độc" nhập vào khu "thiên tỉnh". Chàng đem tâm theo dõi kinh mạch thì chân khí trong người chàng đang tả xung hữu đột tự nhiên được
tâm ý hướng dẫn vào đường lối cũng đi từ cổ tay chuyển qua cẳng tay, đi lên khuỷu tay ngược lên cánh tay cho đến đầu, bả vai. Chân khí theo đường kinh mạch chuyển vận rất có thứ tự. Toàn thân chàng đang bứt rứt khó chịu bỗng nhiên trở nên khoan khoái.
Ðoàn Dự định thần tĩnh trí đưa đường chân khí đó vào trong "tam tiêu". Nhưng dẫn chân khí được vào trong "tam tiêu" phải là tay giỏi nội công thì chàng lại chưa am hiểu bí quyết đó. Chỉ trong thời gian uống cạn chén trà chàng không chịu nổi được nữa kêu lên "ối chao! ối chao!".
Bảo Ðịnh Ðế chợt nghe tiếng la cấp bách vội hỏi:
-Dự nhi! Con làm sao vậy?
Ðoàn Dự đáp:
-Cháu thấy trong người không biết bao nhiêu là luồng chân khí đang chạy nhộn lên không thể chịu nổi. Cháu đem tâm theo dõi những vạch đỏ trên đồ hình của bá phụ, chân khí cũng cuồn cuộn chảy về huyệt "đan điền". Trời ơi có lẽ huyệt này đầy quá, tắc nghẽn, bụng cháu muốn nổ tung ra bây giờ.
Có ai qua cầu mới biết sự phản ứng về nội công làm cho ruột gan chướng lên như muốn nổ tung ra mà người ngoài trông chẳng thấy trạng thái gì khác lạ.
Bảo Ðịnh Ðế là người có bản lãnh về nội công rất thâm hậu, biết rõ rằng chân khí nhiều đến nỗi bành chướng huyệt đan điền thì ít ra cũng phải luyện nội công đên 20 năm, đằng này Ðoàn Dự chưa biết võ công mà trạng thái này xuất hiện thì chỉ là do tà độc trong người đến lúc phát động.
Bảo Ðịnh Ðế kinh dị nghĩ thầm: "nếu không dẫn khí vào chỗ chứa tất sinh tai vạ nhưng lại e đưa tà khí vào sâu nội phủ
sau này trục xuất rất là khó khăn". Nhà Vua bình nhật giải quyết mọi vấn đề nghi nan một cách quả quyết mau lẹ song đứng trước mối hoạ phúc một đời của Ðoàn Dự chỉ sai một chút là lập tức nguy hiểm đến tính mạng chàng nhà Vua không khỏi do dự. Nhìn mắt chàng hào quang tán loạn dường sắp nổi cơn điên không còn đủ thì giờ nghĩ tới nghĩ lui được nữa nhà Vua quyết định tạm thời cứu nguy trước mắt rồi sẽ liệu bèn bảo Ðoàn Dự:
-Dự nhi! Ta dạy con phép dẫn khí về nơi trống rỗng.
Vừa nói vừa truyền thụ phương pháp này cho chàng. Môn nội công họ Ðoàn nước Ðại Lý quả tinh diệu hơn đời, chỉ trong khoảnh khắc chàng đã vận chuyển được chân khí vào các tạng phủ. Chàng cảm thấy thân thể như thư thái nhẹ nhàng tựa hồ như muốn bay bổng lên không.
Bảo Ðịnh Ðế thấy Ðoàn Dự lộ vẻ vui tươi trong lòng vẫn không khỏi lo ngại chỉ sợ tà khí từ đây cố kết trong nội tạng khó lòng khu trừ cho tuyệt diệt, phải mang luỵ suốt đời, bất giác thở dài sườn sượt.
Khô Vinh đại sư thuỷ chung vẫn tĩnh toạ, quay mặt vào vách song hai người đối thoại câu nào cũng lọt vào tai. Ðại sư thấy Bảo Ðịnh Ðế truyền thụ xong phép "đạo khí quy hư" rồi cất tiếng thở dài liền lên tiếng bảo nhà Vua:
-Thiên Trần! Việc đời nhất thiết đều có tiền định cả. Cát hung hoạ phúc đều do lòng người mà ra. Ngươi bất tất quá lo xa cho người, phải gấp rút luyện đường "thiếu dương kiếm" đi!
Bảo Ðịnh Ðế vâng lời, trấn định tâm thần rồi tiếp tục luyện môn "thiếu dương kiếm".
Trong thân thể Ðoàn Dự chân khí nhiều quá, đầy rẫy khắp nơi không thể chốc lát thu về hết ngay được song chàng đã biết phương pháp thực hành mỗi lúc một thuần thục.
Sáu nhà sư trong tăng xá ai nấy gia công luyện kiếm thâu đêm, bất giác trời đã rạng đông. Tiếng gà xao xác gáy dồn. Ðoàn Dự cảm thấy chân khí trong mình không còn chạy nhộn lên nữa. Chàng đứng dậy cử động chân tay, vẫn thấy bá phụ cùng năm vị cao tăng chuyên tâm luyện kiếm, chàng không dám mở cửa ra ngoài, cũng không dám lên tiếng, e làm kinh động mọi người. Không có việc gì cũng buồn, chàng lại trông lên đồ hình của bá phụ, hết nhìn nhận về các đường kinh mạch lại nhìn nhận đến lời giảng giải về kiếm pháp "thiếu dương".
Trong lúc đang nhìn nhận suy nghĩ, bỗng nhiên cảm thấy một luồng chân khí từ trong huyệt "đan điền" tuôn đến đầu bả vai, qua các huyệt "nao hội", "tiểu lạc","thanh lãnh uyển" nhập vào huyệt "quan xung" ở ngón vô danh. Ðầu ngón tay
chàng chướng lên rất khó chịu. Chàng liền nghĩ: âu là ta dẫn khí trở về huyệt "đanđiền". Chàng tư tưởng như vậy quả nhiên luồng chân khí lại qua những đường huyệt trở về "đan điền". Thế là Ðoàn Dự đã vô tình học được phương pháp căn bản về nội công vào hạng thượng thừa. Nhưng đó mới chỉ là cách cho chân khí chạy đi chạy về, chàng đã lấy làm vui sướng vô cùng. Trong mầu ni đường có ba nhà sư thì Thiên Tướng đại sư là người vui vẻ dễ thân cận hơn hết. Ðoàn Dự liền nghiêng đầu về nhà sư này để xem đồ hình từ huyệt "thiếu âm" đến "tâm kinh" của ông. Ðồ hình này bắt nguồn từ huyệt "cực toàn" dưới nách, qua huyệt "thanh linh", "thiếu hải" ở khu vực khuỷu tay rồi do các huyệt "linh đạo", "thông lý", "thần môn","thiếu phủ" ăn thông vào huyệt "tiểu xung" trên ngón tay út. Ðoàn Dự lại đem hết tinh thần nghĩ vào đó, quả nhiên một luồng chân khí lại do những kinh mạch này đi ra theo đúng ý nghĩ của mình. Rồi chàng lần lượt nhìn những đồ hình khác, cũng theo phương pháp đó, bất tất phải nói hết cho rườm lời. Mất nửa ngày nhìn nhận chàng đã thông suốt được cả kinh mạch trên sáu bức đồ hình.
Chàng cảm thấy tinh thần sảng khoái, quên cả đói khát. Sau không biết làm gì nữa để giết thời giờ Ðoàn xem đến lời giảng dạy về kiếm pháp trên sáu bức đồ hình về sáu thế kiếm "thiếu thương", "thiếu dương", "trung xung", "quan xung", "thiếu xung" và "thiếu trạch".
Nhưng chàng chỉ thấy những vạch đen, vạch đỏ đi ngang đi dọc hoặc giao tiếp nhau trông rối mắt khó lòng nhận ra được. Chàng lẩm bẩm: "những đường kiếm rắc rối thế này thì làm sao mà nhớ được?". Rồi chàng tự hỏi: "hai chú tiểu sao mãi không thấy mang cơm chay đến cho mình? Mình phải ra ngoài tìm chút gì ăn cho đỡ đói". Ngay lúc ấy, mũi chàng ngửi thấy mùi gỗ đàn hương thơm ngát, tiếp theo có tiếng hát kệ bằng Phạn ngữ từ xa vẳng lại nghe không rõ. Khô Vinh đại sư buồn rầu nói:
-Hay quá! Hay quá Ðại Luân Minh Vương đã tới. Các ngươi luyện kiếm pháp kết quả ra sao?
Thiên Tham đáp:
-Tuy chưa được thuần thục nhưng cũng đủ để nghênh địch.
Khô Vinh lại bảo Thiên Nhân:
-Ta không đi được! Ngươi ra mời Ðại Luân Minh Vương vào mầu ni đường nói chuyện.
Thiên Nhân vâng lời đi ra. Thiên Quan lấy năm chiếc chiếu trải ra đầu đằng đông rồi chính mình ngồi vào chiếu đầu. Thiên Tướng ngồi chiếu thứ hai, Bảo Ðịnh Ðế ngồi chiếu thứ tư, chiếu thứ ba dành cho Thiên Nhân còn Thiên Tham
ngồi chiếu thứ năm.
Ðoàn Dự không được ngồi đứng ở phía sau Bảo Ðịnh Ðế. Khô Vinh và bọn Thiên Quan biết cường địch đã đến còn ôn lại lời giảng giải trên đồ hình lần cuối cùng rồi mới cuốn lại để trước mặt Khô Vinh.
Bảo Ðịnh Ðế bảo Ðoàn Dự:
-Dự nhi! Lát nữa sẽ xảy ra cuộc ác chiến, trong nhà kiếm khí phóng vùn vụt ra khắp mọi chỗ, rất là nguy hiểm. Ta không thể phân tâm ra bảo vệ con được vậy con ra ngoài kia nghe!
Ðoàn Dự rất đỗi băn khoăn nghĩ bụng: "nghe miệng lưỡi các người thì lão Ðại Luân Minh Vương lợi hại lắm đấy mà bá phụ mình bữa nay mới luyện "quan xung kiếm pháp" lần đầu, chưa chắc đã địch được lão, nếu có chỗ sơ hở biết làm thế nào bây giờ?". Nghĩ vậy chàng đáp:
-Bá bá ơi! Cháu... cháu phải ở luôn bên cạnh bá bá. Mình bá bá ở lại đấu kiếm với họ, cháu chẳng... yên tâm chút nào.
Mấy tiếng sau chàng vừa nói vừa nghẹn ngào.
Bảo Ðịnh Ðế cũng động lòng nghĩ thầm: "Thật là một đứa bé hiếu thảo".
Khô Vinh đại sư gọi:
-Dự nhi! Cháu lại ngồi trước mặt ta đây! dù Ðại Luân Minh Vương có lợi hại đến đâu cũng không động đến chân lông cháu được.
Lời đại sư tuy lạnh lùng song ngụ ý cao ngạo.
Ðoàn Dự vâng lời, khom lưng đến ngồi trước mặt Khô Vinh nhưng không dám ngoảnh lại nhìn đại sư, chỉ quay mặt
vào vách. Khô Vinh cao hơn chàng nhiều, che lấp hẳn chàng đi.
Bảo Ðịnh Ðế vừa cảm kích lại vừa yên dạ. Nhà Vua nghĩ đại sư vừa lấy phép khô thuyền để xuống tóc cho mình, một môn thần công đó cũng đủ ngạo đời rồi.
Còn việc bảo vệ Ðoàn Dự tất đại sư thừa sức.
Trong mầu ni đường yên lặng như tờ. Lát sau nghe tiếng Thiên Nhân phương trượng mời:
-Minh Vương pháp giá đã quang lâm, xin mời người vào mầu ni đường đàm thoại.
Rồi thấy tiếng người khác đáp:
-Xin phương trượng đi trước cho tôi theo gót.
Ðoàn Dự nghe giọng nói của khách lạ có vẻ ôn hòa, khiêm nhường đúng lễ,tuyệt không phải là hạng cường hung ác bá. Chàng lại nghe tiếng chân bước có tới hàng chục người.
Ðoạn thấy Thiên Nhân mở cửa nói:
-Xin rước Minh Vương vào cho!
Ðại Luân Minh Vương đáp:
-Xin lỗi.
Minh Vương bước vào trong nhà, hướng vào phía Khô Vinh chắp tay thi lễ nói:
-Kẻ vãn bối bên nước Thổ Phồn là Cưu Ma Trí xin tham kiến tiền bối đại sư.
Ðoạn đọc luôn bốn câu kệ:
Hữu thường mà hoá vô thường
Bốn bề song thụ một trường khô vinh
Ðông, Tây, Nam, Bắc phân minh
Ðã hình như giả lại hình như không.
Ðoàn Dự lẩm bẩm: "Thế ra vị Ðại Luân Minh Vương này tên gọi Cưu Ma Trí,nhưng không biết bốn câu kệ ông vừa đọc có ngụ ý gì?".
Khô Vinh đại sư không khỏi giật mình nghĩ thầm: "Ðại Luân Minh Vương thật là người học vấn uyên thâm, tinh tế, tiếng đồn quả đã không ngoa. Lão vừa mới gặp mặt lần đầu đã khám phá ra lai lịch phép luyện khô thuyền của mình".
Nguyên trước đức Thích Ca mầu ni tịch giữa những cặp sa la tại thành Câu Thi Na, bốn mặt Ðông, Tây, Nam, Bắc đều có hai cây này mà mặt nào cũng cây tươi cây héo nên gọi là "Tứ khô tứ vinh". Trong kinh Phật giải thích rằng: hai cây ở mặt Ðông tượng trưng cho thuyết "thường dã vô thường", hai cây ở phương Tây tượng trưng cho thuyết "ngã dữ vô ngã", hai cây phương Nam tượng trưng cho thuyết "lạc dữ vô lạc", hai cây ở phương Bắc tượng trưng cho thuyết "tĩnh dữ vô tĩnh". Những cây tươi tốt rườm rà tượng trưng cho sự có thật là "hữu thường", "hữu ngã", "hữu lạc", "hữu tĩnh". Trái lại những cây khô héo tàn tạ tượng trưng cho sự không có gì hết: vô thường, vô ngã, vô lạc, vô tĩnh. Ðức Phật Như Lai (Thích Ca) tịch giữa tám cây tượng trưng cho tám thuyết trên, hay nói một cách khác là phi khô, phi vinh,
phi giả, phi không.
Khô Vinh đại sư trên mười năm trời tu luyện khô thuyền mới tu được đến cõi "bán khô, bán vinh" chứ chưa được đến cõi cao hơn là "phi khô phi vinh" hay "diệc khô diệc vinh" nên đại sư vừa nghe mấy câu kệ của Ðại Luân Minh Vương không khỏi giật mình đáp:
-Minh Vương từ xa đến đây, lão tăng không kịp đi đón xin mở lượng từ bi.
Ðại Luân Minh Vương Cưu Ma Trí nói:
-Uy danh chùa Thiên Long tiểu tăng bấy lâu ngưỡng mộ. Hôm nay được diện yết tôn nghiêm hoan hỉ vô cùng.
Thiên Nhân phương trượng mời ngồi, Cưu Ma Trí tạ ơn rồi mới ngồi xuống.
Ðoàn Dự chưa trông rõ tướng mạo Ðại Luân Minh Vương liền nép mình vào cạnh Khô Vinh, ngấp nghé trông ra thì thấy một vị sư mặc áo thầy chùa sắc vàng, chưa tới 50 tuổi, áo vải giày cỏ, cũng chẳng có gì khác người thường, song vẻ mặt tươi hơn hớn dường như minh châu bảo ngọc tự có ánh hào quang.
Chàng mới thấy mặt đã sinh lòng kính cẩn, muốn được thân cận. Chàng lại nhìn qua khe cánh cửa ra ngoài thấy 8, 9 gã hán tử đứng đó, cao có thấp có, mặt mũi tên nào cũng đanh ác,đáng ghê, không ra tuồng nhân sĩ ở Trung Nguyên. Ðó là những người tuỳ tùng mà Minh Vương đem từ Trung Thổ đến.
Cưu Ma Trí chắp tay nói:
-Tuy đức Phật có dạy rằng: không sống, không chết, không nhơ, không sạch song tiểu tăng tư chất ngu muội chưa suốt lẽ yêu, ghét, sống, chết. Tiểu tăng có ông bạn tâm giao người đất Cô Tô, nước Ðại Tống ở họ Mộ Dung. Năm trước tiểu tăng hạnh ngộ ông bạn này tại nước Thiên Trúc rồi cùng ông đàm luận võ nghệ.
Mộ Dung tiên sinh biết hết các môn võ khắp thiên hạ một cách rất tinh tường.
Trong mấy ngày, tiểu tăng được tiên sinh chỉ giáo cho những điểm nghi ngờ nên được hiểu hết. Không ngờ bậc đại anh hùng chẳng được sống lâu, vội về cực lạc.
Tiểu tăng có điều thỉnh nguyện khó nghe, xin các vị trưởng lão mở lượng từ bi cho.
Thiên Nhân đã biết ý Ðại Luân Minh Vương liền đáp:
-Minh Vương cùng Mộ Dung tiên sinh có mối nhân duyên kết bạn một hồi. Nay duyên phận đã hết thì thôi hà tất phải miễn cưỡng môi cầu điều này điều khác. Mộ Dung tiên sinh đã về thế giới cực lạc, lễ Phật nơi toà sen, còn để ý đâu đến cái nghề võ ở nhân gian nữa? Minh Vương làm việc này chẳng hoá ra rắn vẽ thêm chân ư?
Cưu Ma Trí nói:
-Lời phương trượng chỉ điểm cho quả là đúng lý, song tiểu tăng vốn tính cố chấp mê si, đã đóng cửa 40 ngày mà không sao quên được người tri kỷ. Năm đó Mộ Dung tiên sinh có đề cập đến kiếm pháp khắp thiên hạ, xác nhận môn Lục Mạch Thần Kiếm tại chùa Thiên Long đây đứng vào bậc nhất. Tiên sinh ân hận chưa được xem qua, đó là một điều tiên sinh suốt đời hối tiếc.
Thiên Nhân nói:
-Tệ tự ở tận biên cương hẻo lánh, được Mộ Dung tiên sinh có lòng quá yêu, thực là một vinh dự cho chúng tôi. Nhưng không hiểu tại sao ngay ngày đó tiên sinh không thân hành tới đây mượn về xem?
Cưu Ma Trí thở dài não ruột, thay đổi sắc mặt, lặng yên hồi lâu rồi lại nói:
-Mộ Dung tiên sinh thực ra đã biết cuốn kinh này là vật chí bảo để chấn chùa,dù có đến mượn chắc cũng không được. Người còn nói rằng họ Ðoàn nước Ðại Lý tuy ngôi chúa tể một nước mà không quên nghĩa khí thuở còn là khách giang hồ, có lòng thương dân, gia ơn cho khắp cả trăm họ, tiên sinh không tiện đến lấy trộm hay cưỡng đoạt.
Thiên Nhân tạ rằng:
-Ða tạ thịnh tình Mộ Dung tiên sinh quá khen. Mộ Dung đã để họ Ðoàn nước Ðại Lý tôi lọt vào mắt xanh, Minh Vương lại là tri kỷ với tiên sinh tưởng cũng nên nghĩ tới ý chí tiên sinh còn để lại.
Cưu Ma Trí nói:
-Chỉ vì hồi đó tiểu tăng đã trót khoe với tiên sinh rằng tiểu tăng là quốc sư nước Thổ Phồn, đối với họ Ðoàn nước Ðại Lý chưa từng quen biết, nếu tiên sinh không tiện thân hành đến lấy thì để tiểu tăng lấy cho. Tiểu răng nghĩ rằng bậc đại trượng phu đã nói một lời dù sống chết cũng không thay đổi. Tiểu tăng đã hứa nhất quyết không dám sai lời.
Dứt lời lão khẽ vỗ tay ba cái, hai hán tử khiêng một cái rương bằng gỗ đàn hương vào, đặt dưới đất. Cưu Ma Trí phất tay áo một cái, nắp rương tự nhiên mở ra, bên trong có một cái hộp bằng vàng. Cưu Ma Trí cúi xuống, lấy hộp lên cầm
tay.
Thiên Nhân nghĩ thầm: bọn ta đã là người thoát vòng tục luỵ còn tham lam làm chi những đồ kỳ trân, dị bảo. Hơn nữa họ Ðoàn làm Vua một nước dư trăm rưởi năm nay, súc tích thiếu gì kim ngân châu báu.
Nhưng Cưu Ma Trí mở nắp hộp ra chỉ có ba quyển sách cũ. Lão tiện tay mở ra.
Thiên Nhân liếc mắt trông qua thấy trong sách có hình vẽ và có chữ nghĩa đều do tay người viết và họa bằng mực, bằng son. Cưu Ma Trí nhìn ba cuốn sách thốt nhiên rớt nước mắt ướt cả tràng áo, nét mặt sầu thảm vô cùng.
Bọn Thiên Nhân đều lấy làm lạ.
Khô Vinh đại sư nói:
-Minh Vương lúc nào cũng nghĩ đến người bạn thuở xưa, trần duyên chưa sạch,há không thẹn với hai chữ "cao tăng" ư?
Ðại Luân Minh Vương cúi đầu nói:
-Ðại sư là bậc đại trí tuệ, đại thần thông tiểu tăng bì thế nào được? Ba quyển võ công quyết yếu này do chính tay Mộ Dung tiên sinh soạn ra, diễn thuật những điều chính yếu trong 72 môn tuyệt kỹ phái Thiếu Lâm, có cả phép luyện, phép phá nữa.
Mọi người nghe nói cả kinh nghĩ thầm: "72 môn tuyệt kỹ phái Thiếu Lâm lẫy lừng khắp thiên hạ. Người ta đồn rằng từ khi phái Thiếu Lâm sáng lập, ngoại trừ một vị cao tăng về đời Tống kiêm được 56 môn còn chưa có người thứ hai nào
luyện tới 36 môn. Thế mà bảo Mộ Dung tiên sinh quán được cả 72 môn đã khó tin rồi, huống hồ lại biết cả cách phá giải nữa thì không ai dám nghĩ đến.
Cưu Ma Trí tiếp:
-Mộ Dung tiên sinh tặng ba cuốn kỳ thư này cho tiểu tăng, tiểu tăng nghiên cứu nhiều điều rất bổ ích. Nay xin đưa sang đây đổi lấy cuốn Lục mạch thần kiếm kinh. Các vị đại sư có thể tất cho thì tiểu tăng mới vẹn được lời ước hẹn năm xưa
và lòng cảm kích nói sao cho xiết?
Thiên Nhân phương trượng không nói gì nghĩ thầm: "nếu quả nhiên ba cuốn sách này ghi chép đầy đủ 72 môn tuyệt kỹ phái Thiếu Lâm thì chùa Thiên Long này sau khi học được ba cuốn đó võ công không chỉ ngang hàng với phái Thiếu
Lâm mà thôi lại còn có phần cao hơn một bậc vì bao nhiêu môn sở trường của Thiếu Lâm mình đã biết hết mà phái Thiếu Lâm chưa biết gì về những môn tuyệt kỹ của chùa này.
Cưu Ma Trí nói:
-Khi quý tự ban cho cuốn Bảo kinh đó vẫn để bản sao lại không thiệt hại gì mà tiểu tăng được các đại sư gia ơn cho tất phải khắc xương để dạ. Ðó là một điều lợi.
Tiểu tăng bái lãnh bảo kinh xin niêm phong lại lập tức, quyết không xem trộm,thân hành đưa đến phần hoá ngay trước mồ Mộ Dung tiên sinh. Tuyệt kỹ của quý tự không tiết lộ cho ai biết cả, đó là hai điều lợi. Các vị đại sư ở quý tự đây võ học uyên thâm, không cần đi đâu mà nơi khác đem đá đến cho có thể mài giũa nên ngọc quý. 72 môn tuyệt kỹ phái Thiếu Lâm có nhiều bí quyết độc đáo, tỷ như phép "niêm hoa chỉ", "vô tướng kiếp chỉ", "Ða la diệp chỉ". Ba chỉ pháp này cùng phép Nhất Dương Chỉ của quý tự đây có thể bồi bổ cho nhau. Ðó là ba điều lợi.
Cưu Ma Trí nói thao thao một hồi nghe rất hợp tình hợp lý.
Bảo Ðịnh Ðế cùng Ðoàn Dự lúc đầu xem bức thư vàng lời lẽ có vẻ ép buộc chùa Thiên Long để lấy bảo kinh một cách vô lý nhưng bây giờ nghe Cưu Ma Trí trình bày như vậy tựa hồ chùa Thiên Long được lợi rất nhiều mà không thua thiệt gì. Hơn nữa lão làm như thân hành kính dâng hậu lễ vậy. Thiên Tướng đại sư là người hiền hoà dễ dãi nhất,bổn tính ưa giúp được việc cho người trong tâm có ý ưng thuận. Song nói về tôn ti thì trên còn có sư thúc về địa vị phải nhường phương trượng nên không dám nói ra.
Cưu Ma Trí tiếp:
-Tiểu tăng hãy còn ít tuổi và kiến thức hẹp hòi, lời nói chưa đủ thủ tín cùng các vị đại sư vậy xin đem ba môn chỉ pháp cùng nằm trong 72 môn tuyệt kỹ của phái Thiếu Lâm ra phô trương trước mặt quý vị, chẳng quản múa rìu qua mắt thợ.
Lão liền đứng dậy rào đón:
-Ðây chỉ là nhân lúc tiểu tăng cao hứng, công phu luyện tập thô sơ nên còn nhiều chỗ kém cỏi, xin quý vị chỉ điểm cho. Tiểu tăng xin bắt đầu bằng môn "niêm hoa chỉ".
Nói xong lão đưa ngón cái và ngón trỏ bên tay phải ra, nhẹ nhàng để gần vào nhau, tựa hồ đang cầm một đoá hoa tươi. Nét mặt mỉm cười lão lại đưa những ngón tay trái ra búng.
Trong mầu ni đường trừ Ðoàn Dự ra, còn toàn là những tay nghiên cứu chỉ pháp đến mức tinh vi, vừa thấy lối chỉ pháp của Cưu Ma Trí cực kỳ nhẹ nhàng êm dịu. Mỗi lần tay trái búng ra tựa hồ gảy những hạt sương đọng trên hoa đi, lại tỏ vẻ không dám đụng mạnh, sợ cánh hoa rụng xuống. Miệng vẫn ung dung mỉm cười. Nguyên kinh Phật có chép rằng: Ðức Thích ca mầu ni thuyết pháp trên núi Linh Sơn, tay cầm bông hoa Ba la sắc vàng, mọi người nghe không ai nói gì,
chỉ có Gia Diệp phá lên cười, Ðức Thích Ca biết ngay Gia Diệp đã lĩnh hội tâm pháp của mình liền nói:
-Ta có các môn "chính nhãn pháp tàng", "nát bàn pháp môn", "thục tướng vô tướng", "vi diệu pháp môn" không chép vào sách để ta truyền cho Gia Diệp.
Tâm truyền là một điều trọng đại của Thuyền Tông. Phái Thiếu Lâm lại ở trong phạm vi Thuyền Tông nên môn "niêm hoa chỉ" này được nghiên cứu rất tinh vi.
Lúc Cưu Ma Trí búng ngón tay chưa thấy gì kỳ lạ. Lão búng liền một lúc mấy chục cái rồi giơ tay áo lên thổi thì thấy những mảnh vải tròn, chỉ lớn bằng những con cờ bay phất phới, tay áo lộ ra đến mấy chục chỗ thủng. Thì ra lúc lão búng ngón tay lão đã dùng "niêm hoa chỉ" điểm vào tay áo cho thủng rồi. Nhưng trước chưa trông thấy gì, tay áo tựa như vẫn nguyên lành lúc thổi vào những mảnh áo mới bay tung ra.
Bọn Thiên Nhân, Thiên Quan, Bảo Ðịnh Ðế thấy vậy đều lấy làm kinh dị nghĩ thầm: "kể ra thì bọn mình mang Nhất Dương Chỉ điểm cho thủng áo cũng được,chẳng có gì là khó. Song đưa ngón tay ra một cách mềm mại, nét mặt vẫn vui vẻ tươi cười mà vận động nội lực mạnh đến thế thì mình không làm được. Rút lại môn Nhất Dương Chỉ cùng môn "niêm hoa chỉ" hoàn toàn khác biệt ở chỗ phát ra kình lực theo cách âm nhu mà môn Nhất Dương Chỉ lại theo phép dương cương.
Cưu Ma Trí tươi cười nói:
-Tiểu tăng đã phô bày môn "niêm hoa chỉ" một cách vụng về, còn kém Huyền Ðộ đại sư chùa Thiếu Lâm xa lắm. Ðến môn "Ða la diệp chỉ" tiểu tăng sắp trình bày đây, chắc lại còn sai lạc hơn nữa.
Dứt lời Cưu Ma Trí đủng đỉnh đi vòng quanh cái rương gỗ đặt dưới đất, mười đầu ngón tay điểm ra trông tựa như lá rụng hoa bay rồi những miếng rương gỗ tung lên không ngớt. Chớp mắt những mãnh gỗ đó đã nát vụn, rơi xuống thành một đống mùn cưa.
Bảo Ðịnh Ðế cùng các nhà sư coi việc làm cho cái rương gỗ vụn ra chẳng có chi kỳ dị nhưng cả những đai sắt, bản lề đồng mà chỉ lực cũng đánh gãy nát được thì không khỏi kinh hãi.
Cưu Ma Trí cười nói:
-Tiểu tăng sử dụng môn "Ða la diệp chỉ" này cũng là miễn cưỡng, công phu luyện tập hãy còn thiển cạn.
Lão vừa nói vừa thủ tay vào trong áo thế mà thốt nhiên đống gỗ nát vụn tự nhiên bay lên loạn xạ, tựa hồ có cây vô hình khuấy lên vậy. Nét mặt Cưu Ma Trí vẫn ôn hoà tươi cười, cái áo thầy chùa rộng thùng thình vẫn không lay động mảy may.
Thần tình ở chỗ chỉ lực bên trong tay áo phóng ngầm ra, tuyệt không lộ hình tích chút nào.
Thiên Tướng không nhịn được bất giác trầm trồ:
-Môn "vô tướng kiếp chỉ" hay quá! Quả nhiên danh bất hư truyền! Bần tăng xin bội phục!
Cưu Ma Trí lễ phép nói:
-Ðại sư quá khen đấy chứ! Ðống gỗ nát vụn lên còn là hữu tướng. Luyện được đến chỗ vô hình, vô tướng thì phải hết đời.
Thiên Tướng đại sư hỏi:
-Trong cuốn kỳ thư của Mộ Dung tiên sinh để lại có nói đến phép phá môn "vô tướng kiếp chỉ" không?
Cưu Ma Trí đáp:
-Có có! Phép phá "vô tướng kiếp chỉ" cũng có tên giống như pháp danh của đại sư.
Thiên Tương trầm ngâm hồi lâu rồi tiếp:
-Ừ phải! Ðem thiên tướng để phá vô tướng thật là cao tuyệt.
Ba nhà sư Thiên Nhân, Thiên Quan, Thiên Tham nhìn Cưu Ma Trí diễn xong ba môn chỉ lực đã thấy chột dạ, biết rằng ba cuốn kỳ thư đúng là chép 72 môn tuyệt kỹ của phái Thiếu Lâm đã có ý muốn đem bản sao các đồ hình về Lục mạch thần kiếm đánh đổi nhưng còn trù trừ chưa dám nói ra.
Thiên Nhân nói:
-Bạch sư thúc! Minh Vương từ xa tới đây với tầm lòng thành thực! ý kiến sư thúc thế nào chỉ thị cho!
Khô Vinh đại sư hỏi:
-Thiên Nhân! Chúng ta luyện công tập nghị để làm gì?
Thiên Nhân phương trượng nghe sư thúc hỏi vặn không khỏi ngạc nhiên đáp:
-Cốt để mở rộng phép mầu, bảo vệ quốc gia.
Khô Vinh lại hỏi:
-Khi gặp hạng quỷ quái ở đâu đến, đạo pháp mình hãy còn thiển cận không đủ điểm hoá được chúng cần phải tru diệt cho yên thì dùng cách gì?
Thiên Nhân đáp:
-Nếu bất đắc dĩ phải ra tay, sẽ dùng Nhất Dương Chỉ.
Khô Vinh đại sư hỏi:
-Ngươi luyện Nhất Dương Chỉ đã đến bậc nào?
Thiên Nhân toát mồ hôi trán đáp:
-Ðệ tử ngu muội lại thiếu chuyên cần nên mới luyện đến bậc thứ năm.
Khô Vinh đại sư lại hỏi:
-Theo ý kiến ngươi thì môn Nhất Dương Chỉ của họ Ðoàn nước Ðại Lý so với các môn "niêm hoa chỉ", "Ða la diệp chỉ", "Vô tướng kiếp chỉ" của phái Thiếu Lâm ai hơn ai kém?
Thiên Nhân đáp:
-Về chỉ pháp không có hơn kém, chỉ có công phu rèn luyện là có kẻ cao người thấp mà thôi.
Khô Vinh đại sư nói:
-Ðúng đó. Giả tỷ mà môn Nhất Dương Chỉ của chúng ta luyện được đến chỗ tuyệt đỉnh thì sẽ ra sao?
Thiên Nhân đáp:
-Phép mầu uyên thâm như biển cả khôn lường. Ðệ tử đâu dám nói càn?
Khô Vinh hỏi:
-Tỷ dụ như ngươi thọ đến trăm tuổi, sẽ luyện được tới bậc nào?
Mồ hôi trán nhỏ giọt, Thiên Nhân đáp:
-Ðệ tử cũng không biết nữa.
Khô Vinh hỏi:
-Liệu có luyện được đến chỗ tuyệt đỉnh không?
Thiên Nhân đáp:
-Quyết không thể được.
Thấy Khô Vinh không nói gì nữa Thiên Nhân tiếp:
-Lời sư thúc dạy chí phải. Môn Nhất Dương Chỉ của mình còn chưa luyện được đến nơi đến chốn thì nói chi đến kỳ kinh võ học của ai nữa? Minh Vương lặn lội cực nhọc đến đây tệ tự xin thết tiệc chay tẩy trần.
Vừa nghe lời cự tuyệt Ðại Luân Minh Vương thở dài sườn sượt nói:
-Chỉ vì tiểu tăng trót lỡ miệng một câu không thì nay Mộ Dung tiên sinh đã qua đời, việc cầu kinh Lục mạch thần kiếm có được hay không cũng chẳng quan hệ gì.
Hôm nay tiểu tăng hỏi câu này khí vô lễ:
-Môn Lục mạch thần kiếm quả có tinh diệu đến như lời Mộ Dung tiên sinh thì e rằng quý tự đây không ai luyện nổi. Giả tỷ có người luyện thành rồi thì chắc nó chả tinh diệu như Mộ Dung tiên sinh đã tưởng tượng.
Khô Vinh nói:
-Lão tăng cũng có một nghi vấn mong Minh Vương chỉ giáo.
Cưu Ma Trí nói:
-Không dám!
Khô Vinh đại sư hỏi:
-Bản tự có pho kinh Lục mạch thần kiếm, chính con cháu họ Ðoàn còn ở trong vòng tục luỵ cũng không thể biết, không hiểu Mộ Dung tiên sinh đã nghe ai mách?
Cưu Ma Trí đáp:
-Mộ Dung tiên sinh không nói rõ. Song tiểu tăng đoán ra dường như tiên sinh có mối quan hệ với thái tử Diên Khánh họ Ðoàn.
Thiên Nhân gật gù hỏi:
-Thái tử Diên Khánh có biết Mộ Dung tiên sinh?
Cưu Ma Trí đáp:
-Mộ Dung tiên sinh có chỉ điểm cho thái tử bảy, tám thế võ nhưng không chịu thu nạp y làm đồ đệ.
Khô Vinh đại sư hỏi:
-Tại sao vậy?
Cưu Ma Trí đáp:
-Ðó là chuyện riêng của tiên sinh, tiểu tăng không tiện hỏi kỹ.
ý tứ câu nói của Cưu Ma Trí là xin Khô Vinh đừng hỏi nữa. Khô Vinh nói:
-Thái tử Diên Khánh là con em họ Ðoàn, chùa Thiên Long cùng trưởng tộc có trách nhiệm về hành động của y.
Cưu Ma Trí lạnh lùng đáp:
-Chính thế!
Thiên Nhân phương trượng nói:
-Trên mười năm trời sư thúc bần tăng không tiếp kiến ai. Chỉ có Minh Vương là bậc cao tăng hiện nay nên người mới phá lệ đó ra tiếp kiến chốc lát mà thôi. Nào xin mời Minh Vương.
Nói xong đứng dậy tỏ ý tiễn chân.
Cưu Ma Trí nói:
-Tôi tưởng kinh Lục mạch thần kiếm chỉ có hư danh, quý tự hà tất phải coi quan trọng như thế làm gì? để đến nỗi thương tổn đến hoà khí giữa Thiên Long tự và Ðại Luân tự, lại tổn thương cả đến mối bang giao giữa hai nước Ðại Lý cùng Thổ Phồn.
Thiên Nhân nói:
-Minh Vương muốn nói thế nào thì nói chúng tôi cũng không thuận giao kinh đâu. Chẳng lẽ vì thế mà Ðại Lý cùng Thổ Phồn sẽ xảy cuộc binh đao?
Bảo Ðịnh Ðế thường phái trọng binh đồn trú tại miền biên giới tây bắc để đề phòng nước Thổ Phồn đem quân vào xâm lấn giờ nghe Cưu Ma Trí nói vậy nhà Vua càng để ý theo dõi câu chuyện.
Cưu Ma Trí nói:
-Quốc Vương nước Thổ Phồn chúng tôi lâu nay vẫn hâm mộ nhân vật vùng phong thổ nước Ðại Lý, từng đòi mở cuộc săn bắn với Hoàng Thượng bên quý phái song tiểu tăng e rằng làm như vậy tổn thương nhân mạng quá nhiều, trái với đức hiếu sinh của Thượng Ðế nên tiểu tăng phải ráng sức ngăn cản mới thôi.
Bọn Thiên Nhân nghe qua đã biết lời lão có ngụ ý uy hiếp.
Cưu Ma Trí là quốc sư nước Thổ Phồn. Nước Thổ Phồn cũng như nước Ðại Lý, từ quốc vương trở xuống ai ai cùng sùng tín đạo Phật. Cưu Ma Trí được quốc vương Thổ Phồn rất tín nhiệm,hoà hay chiến phần lớn là do lão quyết định. Nếu vì một pho kinh mà để xảy ra chinh chiến, nhân dân hai nước phải lầm than thì khí quá. Nhưng nếu để người ngoài vào hăm doạ một câu đã phải hai tay mang bảo kinh đem dâng cho họ thì còn ra thể thống gì nữa?
Khô Vinh đại sư nói:
-Nếu Minh Vương cần pho kinh của tệ tự quá, không có không được thì bọn lão tăng đâu dám tiếc? Còn chuyện Minh Vương bảo đem pho sách có 72 môn tuyệt kỹ của phái Thiếu Lâm đánh đổi, tệ tự không dám bái lãnh. Lão tăng tuy đã mấy chục năm quay mặt vào vách song cũng biết những chuyện tuyệt kỹ chùa Ðại Luân hãy còn hơn 72 môn của phái Thiếu Lâm nhiều.
Cưu Ma Trí chắp tay hỏi:
-Theo ý đại sư, phải chăng đại sư muốn cho tiểu tăng phải lòi cái kém cỏi ra?
Khô Vinh đại sư nói:
-Minh Vương vừa bảo pho kinh Lục mạch thần kiếm của tệ tự chỉ có hư danh không được việc gì. Bọn lão tăng xin đem môn Lục mạch thần kiếm thỉnh giáo Minh Vương vài thế oanh liệt. Nếu quả đúng như lời Minh Vương: Lục mạch thần kiếm chỉ có hư danh không được việc gì thì chẳng có chi đáng quý thật, Minh Vương cứ việc lấy đi.
Cưu Ma Trí nghe Khô Vinh nói vậy không khỏi chột dạ. Trước lão cùng Mộ Dung tiên sinh đàm luận về môn "Lục mạch thần kiếm" đã biết kiếm pháp này cực cao, chỉ sợ sức người không luyện được đến nơi đến chốn. Bây giờ nghe miệng lưỡi Khô Vinh thì môn này không những ông ta biết sử dụng mà thôi, dường như chư tăng ở đây cũng đã rèn luyện. Chùa Thiên Long nổi danh hơn trăm năm nay mình không thể coi thường họ được. Vẻ mặt Cưu Ma Trí lúc này càng nghiêm cẩn hơn,lão nghiêng mình nói:
-Chư vị cao tăng cho biết tuyệt nghệ về môn thần kiếm này để tiểu tăng được mở rộng nhãn giới thì may mắn nào bằng?
Thiên Nhân phương trượng nói:
-Minh Vương dùng thứ khí giới gì? Xin lấy ra!
Cưu Ma Trí vỗ tay một cái, một gã hán tử cao lớn từ ngoài cửa bước vào. Sau khi nghe Cưu Ma Trí nói tiếng Phiên mấy câu gã gật đầu ra mở rương lấy một nắm hương đưa cho lão rồi lại ra ngoài cửa chờ.
Ai cũng lấy làm kỳ. Nắm hương kia đụng đến là gãy, chẳng lẽ lại dùng làm khí giới được ư? Bỗng thấy Cưu Ma Trí tay trái cầm một nén hương, tay phải quờ xuống đống gỗ rương gãy vụn bóp nhỏ ra để cắm hương. Lão tiếp tục làm như vậy,cắm đủ sáu nén hương bày hàng chữ nhất, nén nọ cách nén kia vào khoảng một xích.
Cưu Ma Trí ngồi xếp bằng sau những nén hương cách xa chừng năm xích.
Bỗng nhiên lão xát hai bàn tay vào đầu nén hương vài cái rồi buông ra. Ðầu nén hương cháy sáng lên, mọi người tưởng lão thắp hương bằng cách đó, ai nấy cả kinh ghê cho nội lực của lão đã đến mức không ai có thể tưởng tượng được.
Thiên Nhân phương trượng cùng Bảo Ðịnh Ðế thoảng ngửi thấy mùi lưu hoàng đoán biết là đầu sáu nén hương đều có hoả dược và không phải Cưu Ma Trí dùng nội lực để thắp nén hương mà dùng nội lực xát hoả dược cho đều nén hương bật cháy lên. Tuy nhiên làm được thế cũng gớm lắm rồi.
Phe Bảo Ðịnh Ðế không ai làm nổi.
Sáu nén hương cháy rồi sáu luồng hơi bốc thẳng lên như sáu sợi dây trắng.
Cưu Ma Trí vòng tay như kiểu ôm quả cầu tròn, vận động nội lực cho sáu ngọn khói hương quanh lại chỗ chư tăng. Sáu luồng khói hương lướt tới trước mặt sáu vị: Khô Vinh, Thiên Quan, Thiên Tướng, Thiên Nhân, Bảo Ðịnh Ðế và Thiên Tham mỗi vị một luồng riêng biệt. Sáu chưởng lúc này gọi là Hoả Diệm Ðao tuy bay lơ lửng trên không chẳng ai nắm được nhưng vô hình trung nó có thể giết người một cách ghê gớm.
Lúc này Cưu Ma Trí còn lưu tâm dè dặt vào việc mượn bảo kinh nên không có ý giết người. Lão dở trò này một là để diễu võ dương oai ra điều ta đây chỉ có uy hiếp người chứ không sợ ai, hai là để tỏ ra lão lấy đạo từ bi làm trọng, chỉ cần so sánh võ nghệ mà thôi.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Thiên Long Bát Bộ.