• 1,663

Phần 10 - Chương 3: Phước Thiện Án (những câu chuyện kể về được phước do làm lành)


Số từ: 1140
Ấn Quang đại sư tăng đính
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
(theo bản in của Giai Phương Ấn Loát Hữu Hạn Công Ty, năm 1991)
Giảo duyệt: Đức Phong, Huệ Trang và Minh Tiến
Diêu Tam Cửu vốn họ Biện, học rộng, giỏi thơ văn, ngồi dạy học tại nhà họ Hoài. Có cô gái thường lén nhòm ngó, ông Biện tỉnh bơ, chẳng ngó ngàng tới. Một hôm, ông phơi giày ngoài sân, cô gái viết thư bỏ vào đó. Nhận được thư, ông Biện mượn cớ, từ tạ quay về. Viên Di Hạnh [viết thư thăm dò, trong thư] có kèm một bài thơ, có những câu như sau:
Nhất điểm trinh tâm kiên phỉ thạch, xuân phong đào lý mạc tương sai
(Một tấm lòng trinh bền tựa đá, gió xuân đào mận chẳng thèm ngờ). Ông Biện viết thư trả lời, cực lực biện định hoàn toàn chẳng có chuyện [trăng hoa] ấy. Viên Di Hạnh trịnh trọng viết lên phong bì của bức thư ấy như sau:
Đức hết sức sâu dầy, con cháu ắt hưng thịnh
. Về sau, con ông Biện là Kham, chắt là Tích, đều đỗ Tiến Sĩ.
Lâm Tăng Chí là người Ôn Châu, thờ Phật, giữ giới. Một hôm, mộng thấy bảng trời, thấy đề tên mình đỗ thứ mười. Dưới đó, viết sáu chữ:
Bất sát, bất dâm chi báo
(Quả báo do chẳng giết, chẳng dâm). Năm Mậu Thìn, quả nhiên ông đỗ hạng mười.
Hà Trừng do làm nghề y mà nổi tiếng. Có người họ Tôn ở cùng quận mắc bệnh đã lâu chẳng lành, mời ông Trừng đến chữa trị. Vợ người ấy ngầm nói với ông Trừng:
Chồng tôi bị bệnh đã lâu, của cải đã bán sạch hết rồi. Xin đem thân tôi để đền đáp tiền thuốc
. Ông Trừng nghiêm mặt, từ chối:
Sao bà lại hồ đồ nói như vậy? Nhưng hãy yên tâm, đừng lo, ta sẽ chữa trị cho chồng bà, đừng dùng chuyện ấy làm xấu ta, cũng như ô nhục chính mình
. Vợ người ấy hổ thẹn, cảm kích, lui ra. Đêm ấy, ông mộng thấy có một vị thần, dẫn đến một tòa công thự. Vị chủ tòa công thự ấy bảo:
Ngươi làm nghề y có công, lại chẳng do người ta gặp cảnh ngặt nghèo mà dâm loạn phụ nữ của kẻ khác. Ta tuân theo sắc chỉ của Thượng Đế, thưởng cho ngươi một chức quan, tiền năm vạn đồng
. Chẳng lâu sau, Thái Tử bị bệnh, [hoàng đế] hạ chiếu vời Hà Trừng đến chữa trị, [Thái Tử] lành bệnh. Vua ban thưởng chức quan và tiền bạc đúng như giấc mộng.
Cha của Cao Thượng Thư ở Dương Châu buôn bán khắp một giải Nam Kinh và Hán Khẩu. Ở nơi quán trọ, thường ngửi thấy mùi hương An Tức ngát mũi. Một hôm, bỗng thấy một vệt kẽ hở nơi vách tường, ông dòm qua khe hở, thấy cô gái đang ngồi một mình. Hôm sau, ông hỏi thăm chủ nhân, hóa ra cô ấy là con gái ông ta. Hỏi sao không gả đi, ông ta đáp:
Chọn rể khó lắm!
Vài hôm sau, ông tìm kiếm được một chàng rể, bảo chủ nhân:
Tôi thấy chàng X… ở hàng xóm rất được, muốn đứng ra làm mai. Ông thấy thế nào?
Chủ quán trọ đáp:
Ý tôi cũng nghĩ thế, nhưng nhà đó nghèo nàn!
Ông bảo:
Không sao đâu! Tôi sẽ cho họ mượn tiền chi phí hôn lễ
. Bàn xong chuyện cưới gả, còn tặng nhà ấy mấy chục lạng bạc để lo liệu tốt đẹp hôn sự. Ông trở về, mộng thấy thần nói:
Ông vốn không có con, nay ban cho ông một đứa, có thể đặt tên là Thuyên
. Năm sau, quả nhiên sanh một trai. Về sau, Thuyên đỗ Tiến Sĩ, làm quan tới chức Thượng Thư.
Chư sanh[1] Trầm Loan ở Tùng Giang, tuổi đã trung niên vẫn chưa có con nối dõi. Nhà nghèo, phải đi làm gia sư. Một đêm, trở về nhà gặp mưa, cửa đã đóng. Nghe trong nhà có tiếng gái tơ. Hỏi vợ [vọng qua cửa] thì ra là con gái nhà hàng xóm do thấy vợ ông ta quạnh quẽ nên đến bầu bạn. Ông Trầm dặn vợ đừng mở cửa, đội mưa lánh đi, ngủ tại đạo quán. Trong đêm ấy, mộng thấy Thượng Đế trao cho sợi tơ hai màu. Tỉnh giấc thì mới là giờ Tý. Thấy trong điện thờ bốn phía sáng rực, năm sắc chói mắt. Chính là vì mây tan, trăng chiếu vào điện thờ khiến mọi vật rực rỡ. Từ đấy, ông sanh liên tiếp hai đứa con, trưởng là Văn Hệ, thứ là Khả Thiệu, nối tiếp nhau đỗ đạt.
Đời Thanh, Thái Khải Truyền ở huyện Đức Thanh thoạt đầu đi thi Hương, khi ấy, không có con. Vợ dành riêng ba mươi lạng để mua một người thiếp. Đón người thiếp về, [cô ta] cứ khóc mãi không thôi. Ông hỏi nguồn cơn, [cô ta] thưa:
Chồng tôi do mắc nợ trong quân doanh cho nên đến nỗi này
. Ông bèn đi suốt đêm đi đến nhà chồng cô ta, bảo [người nhà của anh ta]:
Tôi sẽ vì mấy người giải quyết chuyện này. Nay tôi không thể về; hễ về thì tâm tư lẫn hành vi đều không minh bạch
. Đợi đến khi người lính từ quân doanh trở về, ông Thái nói cặn kẽ nguyên do cùng người đó, bảo:
Ông lấy giấy nợ ra đây, tôi sẽ trả tiền
. Ông bèn sai người đem kiệu rước người vợ trả lại cho chồng, tặng họ ba mươi lạng bạc. Về sau, phu nhân liền sanh con. Năm Canh Tuất (1670) đời Khang Hy, ông thi đậu.
[1] Chư sanh (諸生) là danh hiệu gọi chung những thư sinh đã được vào học trường công. Nói chi tiết, những người đã đỗ Tú Tài (còn gọi là Cống Sanh), đã đủ tư cách dự vào tầng lớp sĩ đại phu, được vào học các trường quốc lập tại châu, huyện, phủ thì gọi chung là Tường Sanh. Nói cụ thể, người đã đậu kỳ thi Hương với điểm ưu có thể được chọn vào học trường Quốc Tử Giám thì gọi là Cống Sanh. Học trò xuất thân là con quan, do thành tích ưu tú được vào học Quốc Tử Giám thì gọi là Giám Sanh. Học trò trường phủ huyện, được cấp gạo hàng tháng thì gọi là Tăng Sanh. Những người được lấy thêm ngoài con số quy định của Tăng Sanh thì gọi là Phụ Sanh. Những người học giỏi, hoàn cảnh khó khăn, chưa đỗ đạt, sẽ được châu huyện trợ cấp, nhưng mỗi năm phải thi cử để xét xem có đủ tư cách giữ địa vị ấy hay không, được cấp gạo hàng tháng thì gọi là Lẫm Sanh (hay Lẫm Thiện Sanh).
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Thọ Khang Bảo Giám.