• 1,628

Phần 12 - Chương 1: Hối lỗi án (những câu chuyện hối lỗi)


Số từ: 1226
Ấn Quang đại sư tăng đính
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
(theo bản in của Giai Phương Ấn Loát Hữu Hạn Công Ty, năm 1991)
Giảo duyệt: Đức Phong, Huệ Trang và Minh Tiến
Vào đời Minh, Hồng Đảo một hôm đột ngột chết đi, hoảng hốt thấy một người áo xanh dẫn tới âm phủ. Họ Hồng hỏi về chuyện ăn lộc của mình trong một đời sẽ như thế nào? Người áo xanh lấy từ trong tay áo một quyển sổ to cho ông Hồng xem. [Ông ta thấy] dưới phần ghi tên họ của chính mình, chữ ghi [chi chít] nhỏ như muỗi, chẳng thể đọc hết. Phía sau ghi chú:
Đáng lẽ được làm Tham Tri Chánh Sự, nhưng do ngày… tháng… năm đã gian dâm với cô gái chưa chồng tên là…, bị giáng xuống làm Bí Các Tu Soạn Chuyển Vận Phó Sứ
. Ông Hồng rùng mình, ứa nước mắt, hỏi:
Làm thế nào đây?
Người áo xanh nói:
Chỉ nên nỗ lực làm lành thì được rồi
. Trong chốc lát, tới trước một con suối lớn, người áo xanh đẩy họ Hồng ngã xuống. Ông Hồng hoảng hốt tỉnh lại, thì ra đã chết ba ngày. Do tim còn ấm, nên [người thân] chưa khâm liệm. Ông bèn thống thiết tự hối lỗi, tận lực làm lành. Về sau, ông do thấy được bổ làm chức Bí Các Tu Soạn Tào Vận của Lưỡng Chiết[1] [ứng hợp với điều] đã được đoán trước, hết sức sợ hãi. Sau đấy, chẳng có [chuyện bất ngờ] gì khác, làm quan tới chức Đoan Minh Điện Học Sĩ, hưởng thượng thọ rồi mất. Đấy chính là báo ứng do nỗ lực hối lỗi vậy!
Nhận định: Người đời thấy có kẻ phạm lỗi ấy mà vẫn phú quý, bèn ngờ cảm ứng chẳng có căn cứ! Nào có biết, lẽ ra ông Hồng làm tới chức Tham Tri Chánh Sự, bị giáng xuống chức Bí Các Tu Soạn! Lại chẳng biết ông Hồng nếu chẳng tận lực hối lỗi, há có chuyển biến ngấm ngầm [thăng chức cao hơn] ư? Hãy cẩn thận, chớ sanh tâm không kính tín. Nếu cam lòng như Lý Đăng gạt bỏ Trạng Nguyên, Tể Tướng, vẫn khăng khăng mừng vì đã đậu Giải Nguyên ư?
Đời Thanh, ở Hán Dương có một chư sanh có tài, nổi tiếng, nhưng đi thi nhiều lần chẳng đậu. Một người bạn bèn vì ông ta cầu cơ thưa hỏi. Thần giáng cơ:
Thư sinh ấy đáng lẽ đỗ đạt; do vì lúc tuổi trẻ, ngồi dạy học tại nhà nọ, tư thông với một đứa tớ gái, chẳng thể nào mong mỏi đỗ đạt được
. Thư sinh nghe nói kinh sợ; do vậy, biên tập bộ Giới Dâm Công Quá Cách, lại còn chú giải, ghi chép khá nhiều câu chuyện thật sự sau mỗi đoạn, quyên góp tiền bạc để ấn hành, biếu tặng. Tới khoa thi năm Bính Tý đời Khang Hy (1696), bèn thi đậu, ai nấy đều cho là báo ứng do đã sửa lỗi vậy.
Đời Minh, ông Hạng Hy Hiến vốn có tên là Đức Phân. Nằm mộng thấy đỗ kỳ thi Hương năm Quý Mão, do ô nhục hai đứa tớ gái nhỏ tuổi, bị thần gạt bỏ khoa cử, bèn thề tránh tà dâm, nỗ lực làm lành hòng chuộc lỗi trước. Về sau, ông mộng thấy đến một nơi, trông thấy có một tờ giấy vàng, nơi dòng thứ tám ghi họ Hạng, chữ chính giữa không rõ ràng, chữ cuối cùng là Nguyên. Có người bên cạnh nói:
Đấy chính là thứ tự trên bảng trời của ngươi! Do ngươi gần đây đổi hạnh, nên lại đạt được thứ hạng ấy
. Do vậy, ông bèn đổi tên là Mộng Nguyên. Khoa thi Hương năm Nhâm Tý, ông đỗ hạng hai mươi chín tại phủ Thuận Thiên. Thi Hội năm Kỷ Mùi, đỗ hạng hai. Rất nghi thứ hạng trong mộng sai lầm. Tới khi thi Đình, đỗ thứ năm trong hàng Nhị Giáp. Ông mới hiểu thứ tự ấy phù hợp với kết quả thi Đình[2], đúng là hạng tám. Bởi lẽ, kết quả thi Hương và thi Hội đều dùng giấy trắng [để yết bảng], chỉ riêng có bảng kết quả thi Đình là dùng giấy vàng!
Nhận định: Do mộng mà tỉnh ngộ, thống thiết tự sửa đổi, vẫn là người có phước. Nếu không, công danh đã bị tước sạch mất rồi; há còn chiếm được thứ hạng đỗ đạt nữa ư? Có thể biết, đạo trời giáng họa cho kẻ dâm, chẳng giáng tội người hối lỗi. Kẻ có chí chẳng vì trót sa chân bèn bảo là
không thể chuyển dời được!

Giả Nhân đã năm mươi tuổi, không con. Đêm mộng thấy mình đến một tòa phủ đệ, biển đề Sanh Dục Từ. Do vậy, Giả Nhân cầu khẩn có con nối dõi. Chủ nhân lấy sổ sách cho xem, bảo:
Ngươi đã từng gian dâm với vợ kẻ khác, muốn cầu con, chẳng thể được
. Giả Nhân van xin:
Tiểu dân vô tri, xin dung cho chuộc tội
. Thần nói:
Ngươi đã hối lỗi, hãy khuyên mười người không dâm thì mới có thể chuộc tội. Nếu khuyến hóa nhiều người hơn, ắt sẽ có con
. Giả Nhân tỉnh giấc, thống thiết cải hối. Do vậy, sốt sắng khuyên người đời, cảm hóa rất nhiều. Về sau, sanh hai con.
Năm Tân Mão, trước hôm bắt đầu khoa thi tại Chiết Giang, có một người nằm mộng thấy thần thánh tụ hội để xét đoán những người sẽ thi đậu, [quyết định] người sẽ đỗ đầu tên là Chung Lãng. Có một phụ nữ kêu oan. Vị thần ngồi chính giữa bảo:
Như vậy thì hắn không thể đậu được!
Do vậy, dò xét để tìm người khác điền vào chỗ đó. Người bên cạnh đáp:
Vậy thì lấy thằng bé con thế vào
. Người ấy tỉnh giấc, kể lại giấc mộng với ông Chung. Vì thế, dò hỏi cặn kẽ ông Chung về ngọn ngành. Thì ra trong nhà ấy có một đứa tớ gái mang thai, do bà chủ (vợ ông Chung) chẳng dung, đem dìm nước cho chết. Họ Chung thường vì chuyện này mà tâm bất an. Nghe kể chuyện nằm mộng, hết sức kinh hãi. Quả nhiên, khoa ấy họ Chung thi rớt, Dư Tuân đậu Trạng Nguyên, nói
thằng bé con
(Nhụ Tử) chính là tên tự của Tuân vậy. Chẳng lâu sau, vợ ông Chung bị bệnh chết. Ông Chung càng thêm sợ hãi; do vậy, tận lực làm lành chẳng lười nhác. Khoa thi sau, nhằm năm Giáp Ngọ, bèn đỗ Giải Nguyên.
[1] Lưỡng Chiết gọi đủ là Lưỡng Chiết Lộ, là một đơn vị hành chánh từ thời Bắc Tống, dựa theo danh xưng Chiết Đông Lộ và Chiết Tây Lộ thời Đường.
Lộ
(路) là một khu vực hành chánh tương đương với tỉnh hiện thời. Lưỡng Chiết bao gồm tỉnh Chiết Giang hiện tại.
[2] Trong kết quả thi Đình, ba người đỗ đầu được gọi là Đệ Nhất Giáp Tiến Sĩ, gồm Trạng Nguyên, Bảng Nhãn và Thám Hoa, những người đỗ kế đó được chia thành hai loại là Đệ Nhị Giáp và Đệ Tam Giáp. Ông Hạng đỗ thứ năm trong Nhị Giáp, tức là sau ba người trong Đệ Nhất Giáp và bốn người trong Đệ Nhị Giáp, cho nên đúng là đậu thứ tám.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Thọ Khang Bảo Giám.