• 1,707

Phần 15: Bảo thân quảng tự yếu nghĩa


Số từ: 2549
Ấn Quang đại sư tăng đính
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
(theo bản in của Giai Phương Ấn Loát Hữu Hạn Công Ty, năm 1991)
Giảo duyệt: Đức Phong, Huệ Trang và Minh Tiến
(nghĩa lý chánh yếu để giữ gìn thân thể, đông con cháu)
Chử Thượng Thư luận về chuyện đông con lắm cháu như sau:
- Người xưa nam tử ba mươi tuổi lấy vợ, nữ nhân hai mươi tuổi lấy chồng, vì muốn cho Âm Dương đã hoàn thiện, đầy đủ. Vì thế, hễ ăn nằm bèn có thai, có thai bèn sanh con, con sanh ra sống lâu. Đời sau chẳng thể tuân theo lệ ấy, nam chưa đầy mười sáu tuổi, nữ chưa tròn mười bốn, đã sớm lõi đời! Do ngũ tạng có chỗ chưa vẹn đầy, mai sau ắt sẽ mắc bệnh quái lạ! Vì lẽ này, có kẻ sanh nhiều lần mà con không nuôi được, nhân dân phần nhiều chết yểu! Nói chung là vì chẳng biết đạo làm cha mẹ của kẻ khác. Đạo này có mối quan hệ chẳng nhỏ, thế nhưng kẻ làm cha chẳng tiện dạy con, người làm thầy chẳng tiện truyền cho trò. Về sau, mới nhận biết, hối hận thì đã muộn mất rồi.
Tôi đặc biệt nói thô thiển như vậy, muốn cho những kẻ trẻ tuổi đều biết. Phàm là con gái, từ mười bốn tuổi trở đi, mỗi tháng đều có kinh nguyệt một lần, [kéo dài] ba ngày mới hết. Nói chung, cứ ba mươi ngày có kinh một lần là bình thường. Nếu hai mươi mấy ngày đã có kinh, hoặc ba mươi mấy ngày mới có, tức là kinh nguyệt chẳng điều hòa, phần nhiều sẽ khó có con! Vì thế, cần phải uống thuốc trước để điều hòa kinh nguyệt. Kinh nguyệt đã đều đặn rồi vợ chồng mới hòa hợp. Cần phải đợi sau khi ba ngày kinh nguyệt đã sạch thì mới có thể ân ái. Viên Liễu Phàm nói:
Phàm là phụ nữ khi kinh nguyệt sắp chấm dứt [mỗi tháng], sẽ có một ngày rạo rực, tức là ý xuân dấy động, nhưng thẹn thùng không chịu nói. Người làm chồng thường ngầm nói với vợ, để đến khi ấy vợ sẽ tự cho biết, có thể vừa ân ái bèn đậu thai
.
Trương Cảnh Nhạc[1] nói:
Nam nữ giao cấu, kết thành thai, tinh và huyết vẫn là vật hữu hình thuộc về hậu thiên, nhưng có một điểm khí tiên thiên vô hình xen vào thì sau đấy sẽ kết thành thai. Khí tiên thiên của nam tử mạnh hơn, phần nhiều sẽ sanh con trai. Khí tiên thiên của nữ nhân mạnh hơn, phần nhiều sẽ sanh con gái. Ngay trong lúc hai loại khí ấy cùng tụ hội, tinh huyết được bẩm thụ loại khí nào, sẽ chia thành trai hay gái. Nhưng nữ tử chẳng phải là lúc dục tình đạt đến cực hạn, sẽ chẳng tiếp nhận [hai loại khí ấy]. Hễ đạt đến [mức cực hạn của dục tình], tử cung sẽ mở ra, tiếp nhận [tinh và khí] để thụ thai. Chỉ sợ tinh của người đàn ông yếu ớt chẳng thể đậu thai được, cho nên dẫu làm chuyện ân ái mà vô dụng! Vì thế, tốt nhất là hãy giữ cho tinh sung mãn vài tháng rồi mới ăn nằm
. Cổ nhân nói:
Ít ham muốn sẽ sanh được nhiều con
chính là ý này.
Bậc trung là đợi sau khi người nữ đã sạch kinh nguyệt mới ăn nằm, hoặc là trong đêm trăng sáng, không mưa gió cũng được. Thường ngày chẳng gần nữ thân, ngủ riêng khác phòng, hoặc nằm khác giường, đắp mền riêng. Không chỉ là dễ sanh con, mà còn có lợi cho thân thể của chính mình.
Nếu là bậc hạ thì bất cần thời tiết, ngày giờ, hoặc dăm ba đêm một lần, kẻ ấy ắt sẽ thành bệnh nội thương. Lại còn kẻ thấp kém hơn nữa, đêm nào cũng làm một lần, hoặc một đêm làm hai lần. Những gã vong mạng như thế, nhất định là tinh loãng như nước, chẳng bao lâu sẽ mắc bạo bệnh, chết ngắc.
Phàm là những hôm trước và sau ngày Mồng Một và Rằm, chớ nên hành dâm. Canh năm, nửa đêm, khí Dương trong thân mới sanh, hành dâm một lần sẽ giống như làm trăm lần, chớ nên làm! Thân bị bệnh nhẹ, chớ nên ăn nằm ([nếu cứ làm bừa], bệnh nhẹ biến thành nặng, bệnh nặng ắt sẽ chết). Sau khi uống say, khi ngồi thuyền, đi đường, trong vòng đôi ba ngày, chớ nên [hành dâm]. Gió to, sấm lớn, quá nóng, quá lạnh, lúc nhật thực, nguyệt thực, trước chỗ thờ thần, phía sau quan tài, trong khi trai giới để cúng bái, chỗ có mặt trời, mặt trăng, đèn đuốc chiếu sáng, đều chớ có nên [hành dâm]. Nhằm ngày Canh Thân, ngày Giáp Tý, nhằm sinh nhật của chính mình, ngày Hai Mươi Tám mỗi tháng (đó là ngày các vị nhân thần nhóm họp tại cõi Âm) đều chớ có nên!
Nếu nam nữ giao cấu, và sau khi mộng tinh, trong dăm ba ngày, đừng xuống chỗ nước lạnh, chớ nên ăn hết thảy những thứ cơm canh nguội lạnh, chớ nên uống các loại thuốc có tánh lạnh. Nếu có bệnh bắt buộc phải uống thuốc, hãy nên nói rõ với thầy thuốc, giống như phụ nữ có thai, không thể hoàn toàn trông cậy vào sự chẩn mạch được, ngõ hầu khỏi bị hỏng chuyện. Ngày nóng, chớ nên tham chất lạnh; trời lạnh, chớ nên xông mưa đột gió. Nếu phạm phải, ắt sẽ bị chứng quyết âm, tức là nam bị teo dương cụ, nữ bị teo vú, tứ chi lạnh ngắt, đau bụng mà chết. Dẫu có đổ sâm, cũng không cứu nổi! Khi nữ nhân có kinh, cơ thể hư nhược, những sự cấm kỵ cũng giống như thế.
Nếu như bị sảy thai, quá nửa là do vợ chồng không cẩn thận. Có thai năm ba tháng mà bị sảy, người ta dễ biết. Chứ trong vòng một tháng hoặc nửa tháng bị sảy thai, nhiều người không biết. Ấy là vì [đậu thai] một tháng, thuộc về gan, gan chủ trì sự tiết dịch. Vợ chồng chẳng cẩn thận, thường có trường hợp nửa tháng đầu thụ thai, nửa tháng sau sảy thai mà không biết. Thậm chí có người có thai rồi sảy thai nhiều lần, can mạch nhiều lần bị thương tổn, cho đến có kẻ suốt đời chẳng thể mang thai! Phụ nữ sau khi có thai, hãy kiêng dè cẩn thận, đừng phạm, trăm lần chẳng sai một. Huống chi con ở trong bụng, cậy vào kinh huyết của mẹ điều dưỡng. Cứ một lần giao cấu, thai nguyên sẽ bị tổn thương một lần. May mắn sanh được con, ắt nó sẽ lắm bệnh, ắt bị bệnh đậu nguy hiểm, rất khó nuôi khôn lớn.
Người yêu thương con cái trong cõi đời, hãy đề phòng, gìn giữ nhiều cách, cho tới lúc nó mười sáu, mười bảy tuổi, về căn bản là chẳng bị tổn thương, suốt đời ít bệnh. Phải biết từ lúc trong bụng mẹ, đã sớm bị thảm thương, khi sanh ra, sẽ chẳng thành người; đấy là lỗi của ai? Há chẳng đau đớn ư? Có kẻ còn nghiền nát dược hoàn bỏ vào tử cung để gieo giống, há chẳng phải là trong tinh huyết càng chứa thêm những chất cặn bã ư? Cổ nhân nói:
Gieo giống để sanh con, sẽ chết vì đứt gân, thấu xương. Hơn nữa, gieo giống chưa chắc đã sanh được, sanh được chưa chắc đã nuôi được, uổng công tạo oan nghiệt!
Những điều ấy đều [là những lẽ trọng yếu] trong đạo làm cha mẹ. Xưa kia, tôi thích nói [những điều này] cùng người khác, nay đã già rồi, không thể nói trọn khắp được nữa. Viết thành lời này để thay cho việc nói trực tiếp. Người đời ai nấy đều biết dùng lòng yêu thương chính mình để yêu thương con cái vậy.
Tôn chân nhân nói:
- Thân người chẳng phải do vàng sắt đúc thành, mà là cái thân do khí huyết kết thành. Người đối với sắc dục không thể tự tiết chế, thoạt đầu nói là
chẳng trở ngại
, đôi khi buông thả thì [thân thể] đã tổn thương theo thời gian, tinh tủy thiếu hụt, khí huyết suy bại, cái thân phải chết. Bởi lẽ, khí huyết của con người vận chuyển theo sáu kinh (Thái Dương, Dương Minh, Thiếu Dương, Thái Âm, Thiếu Âm, Quyết Âm. Đó gọi là
lục kinh
), mỗi ngày chuyển theo một kinh. Sáu ngày bèn trọn khắp sáu kinh. Vì thế, cảm mạo bên ngoài là nhẹ nhất, ắt là sau bảy ngày, đổ mồ hôi rồi sẽ hết bệnh. Đấy là vì khí huyết đã chuyển hết một vòng.
Khi con người dục sự đang nồng, chẳng tránh khỏi tim đập mạnh, toát mồ hôi, thân nóng bừng, thần trí mơ hồ. Ấy là vì các đốt xương mở ra, gân mạch, lỏng lẻo. Tinh tủy đã tiết ra, khí huyết nơi một kinh bị thương tổn. Một kinh đã tổn thương, ắt phải đợi bảy ngày sau, khí huyết mới lại chuyển vận đến kinh ấy thì mới có thể hồi phục như cũ. Kinh Dịch nói:
Thất nhật lai phục
, có nghĩa là phải nghỉ ngơi, dưỡng sức bảy ngày [sau khi đã hành dâm]. Người đời chưa đến bảy ngày đã lại xuất tinh, khí huyết nơi kinh lạc chẳng thể phục hồi như cũ. Đã bị thương tổn, lại bị thương tổn thêm, đến nỗi ngoài là cảm nhiễm, trong thì thiếu hụt, trăm thứ bệnh đều cùng dấy lên. Con người luôn đổ lỗi cho thời tiết, khí hậu, cho rằng bị bệnh là lẽ đương nhiên, chẳng biết nguyên do không phải là một sớm một chiều mà ra! Nguồn gốc bệnh tật là do từ từ tạo thành vì chẳng thể cẩn thận giữ gìn nghĩa lý
bảy ngày giáp vòng trở lại
.
Nay lập hạn chế, hãy nghĩ tới căn bản điều độ dục vọng, gìn giữ thân thể. Thuở hai mươi tuổi, lấy bảy ngày một lần làm chuẩn. Khi ba mươi tuổi, lấy mười bốn ngày một lần làm chuẩn. Lúc bốn mươi tuổi, hãy nên hai mươi tám ngày một lần. Khi năm mươi tuổi, hãy nên bốn mươi lăm ngày một lần. Tới lúc sáu mươi tuổi, thiên quý (tinh thủy) đã tuyệt, chẳng thể phát sanh nữa, hãy gấp nên đoạn sắc dục, dứt bặt chuyện phòng the, kiên cố tinh tủy. Lấy sự thanh khiết, bế tàng làm gốc, muôn vàn chớ nên cho nó tiết ra. Số ngày hạn chế như đã nói trên đây là nói theo hai mùa Xuân và Thu, chứ trong hai mùa Đông và Hạ, [hành dâm vào mùa Hè] sẽ khiến cho hỏa bốc lên hết sức nóng, tinh tiết ra chẳng còn sót gì. Hai là [hành dâm vào mùa Đông] khiến cho Thủy bị cực hàn. Hãy nên bế tinh, tàng khí nghiêm ngặt.
Dẫu trong độ tuổi thiếu niên, cũng nên lấy chuyện đoạn dục làm chủ yếu. Nếu không, lúc hai mươi tuổi, có thể mười bốn ngày một lần. Khi ba mươi tuổi, có thể hai mươi tám ngày một lần. Lúc bốn mươi tuổi, có thể bốn mươi lăm ngày một lần. Tới khi năm mươi tuổi, khí huyết suy giảm hết sức lớn, vào mùa Hạ có thể là sáu mươi ngày một lần. Mùa Đông, hãy nên cẩn thận gìn giữ [chẳng dâm], chẳng để xuất tinh. Bởi lẽ, khí của trời đất và con người được phong bế hết sức kín vào mùa Đông, chuyên để làm cội gốc phát khởi cho mùa Xuân, càng quan trọng hơn mùa Hạ gấp mười lần. Người tuân theo cách thức này, có thể chẳng có bệnh, tăng thọ. Kẻ trái nghịch điều này, ắt sẽ lắm bệnh, giảm thọ.
Vương Liên Hàng nói:
- Xưa kia, Liên Trì đại sư bảo Vương Đại Khế;
Công khai bỏ thuốc độc vào thức ăn dở tệ chính là nỗi thê thảm của sự giết hại. Ngấm ngầm bỏ thuốc độc vào thức ăn ngon lành chính là nỗi thảm của lòng dục
. Ôi chao! Từ xưa tới nay, bậc tài năng, người đầy chí hướng có chí nguyện đẹp đẽ, phần nhiều chẳng thọ là vì đa dục mà nên nỗi! Trước đó, những người ấy cũng biết tự yêu thương chính mình; sau khi xảy ra chuyện, họ cũng biết hối tiếc. Nhưng đến khi dục tâm vừa hừng, chí khí mạnh mẽ mất sạch! Cứ ngỡ làm một lần cũng chẳng sao; sau này, sẽ chẳng làm nữa. Đến nỗi nhiều lần đều nghĩ như thế, dục vọng buông lung càng thịnh, đến nỗi chẳng thể tự khống chế, chẳng biết làm sao được nữa? Vì thế, tinh cạn kiệt, thân thể yếu đuối, bệnh tật, chết mất. Chuyện biết tự thương mình thuở trước đã thành vô dụng, mà chuyện đã xảy ra rồi, dẫu tiếc nuối cũng chẳng kịp! Hãy nên ngăn dứt ân ái, tận lực suy nghĩ chuyện ấy có gì thật sự là vui thú? Xong chuyện, sẽ có ương hại gì? Khôn ngăn cười khan, ủ rũ, uể oải. Ngăn dứt dục vọng một chốc, hòng mở rộng cái chí một đời. Bậc tài năng chí sĩ sẽ vui vẻ thuận theo. Còn những kẻ cam lòng làm phường hạ lưu, sẽ tự rút ngắn mạng sống, tôi chẳng biết làm như thế nào? Kính cẩn noi theo lời dạy của Liên Trì đại sư, rõ ràng là nhằm dạy những kẻ đã giữ Tam Quy, Ngũ Giới. Ngài răn nhắc tiết dục, tức là chẳng vì những kẻ tà dâm, [ý nghĩa ấy] cũng rõ lắm thay! Nói chung, phóng túng lòng dục sẽ gây thành họa hoạn. Đối với vợ của chính mình mà còn như thế, vậy thì những phường phóng đãng, săn đuổi sắc đẹp, ắt càng tự chuốc lấy nỗi diệt vong, cam tâm luân lạc trong loài súc sanh, chẳng đáng buồn ư?
[1] Trương Cảnh Nhạc (1563-1642) tên thật là Giới Tân, tự là Cảnh Nhạc, biệt hiệu là Hội Khanh, là người thuộc xứ Sơn Âm, huyện Cối Kê (nay là huyện Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang) là một y gia lỗi lạc đời Minh. Ông vốn quê quán ở Miên Trúc, Tứ Xuyên, nhưng do tổ tiên có quân công, đời đời được làm Chỉ Huy Sứ huyện Thiệu Hưng, nên tổ phụ dời sang Thiệu Hưng sinh sống. Từ nhỏ, ông đã học Hoàng Đế Nội Kinh từ cha, bái danh y Kim Mộng Thạch làm thầy. Ông cũng rất ưa thích binh nghiệp và kiếm thuật, từng đầu quân trong chiến dịch đánh Triều Tiên của nhà Minh. Sau khi thất bại trên đường binh nghiệp, ông mới chuyên tâm nghiên cứu y học. Điểm đặc sắc nhất trong luận thuyết y học của ông là dùng kinh Dịch để nghiên cứu và giải thích y học. Tác phẩm y học nổi tiếng nhất là bộ Loại Kinh.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Thọ Khang Bảo Giám.