• 498

Chương 12: Trần Gia Cách Trổ Tài Giao Đấu - Châu Trọng Anh Giàu Nghĩa Khả Tuân


Số từ: 12539
Nguồn: Sưu tầm
Thì ra bốn người mới đến là: Kim Địch Tú Tài Dư Ngư Đồng, người cầm đuốc và ống sáo vàng; người mặc đạo bàn, chỉ có một tay, lưng đeo trường kiếm là nhị đương gia Truy Hồn Đoạt Mệnh Kiếm Vô Trần đạo nhân; và chàng công tử mặc áo gấm màu xanh thắt đai ngọc kia chính là Tổng đà chủ Hồng Hoa hội Trần Gia Cách. Còn cậu bé cầm khăn gói theo hầu là Tâm Nghiện, tiểu đồng của Trần Gia Cách.
Sau khi thủ lễ xong với Tổng đà chủ, đám anh hào Hồng Hoa hội tỏ ra cực kỳ hân hoan, chạy đến mừng vị Tổng đà chủ cùng Nhị đương gia. Từ Thiện Hoằng quay lại dặn Dương Thanh Hiệp cùng Vệ Xuân Hoa rằng:
- Bát đệ và cửu đệ ráng trông chừng, nhớ đừng cho Châu Trọng Anh thoát ra khỏi nơi này!
Cả hai gật đầu tỏ ý vâng lời rồi chia nhau ra đứng hai phía như vây Châu Trọng Anh vào giữa. An Kiện Cương thấy vậy cả giận, cũng bước tới gần sư phụ để hộ vệ. Chàng hất hàm nghênh mặt nhìn Từ Thiện Hoằng, Dương Thanh Hiệp và Vệ Xuân Hoa tỏ ý thách thức ba người, ngụ ý bảo rằng chỉ cần một nói câu nói vô lễ thoát ra từ
cửa miệng
một người, hay chỉ một hành động khinh mạn khiêu khích là có thể xảy ra chuyện lớn. An Kiện Cường sẽ lập tức xông đến liều mạng với cả ba, mặc chuyện có ra sao thì ra.
Châu Trọng Anh hiểu ý đồ đệ liền lấy tay ra dấu bảo đừng nên động thủ và dùng lời an ủi:
- Con cứ bình tĩnh, không việc gì phải nóng giận cả. Để rồi xem họ có dám làm gì sư phụ không!
Khi ấy, Dư Ngư Đồng cầm hai tấm danh thiếp đi thẳng tới trước mặt Châu Trọng Anh lễ phép đưa và cất tiếng dõng dạc:
- Hồng Hoa hội Tổng đà chủ Trần Gia Cách và Nhị đương gia Vô Trần đạo nhân xin được bái kiến Thiết Đảm Tran Châu lão anh hùng.
Mạnh Kiện Hùng từ phía sau lưng Châu Trọng Anh bước tới đưa hai tay nhận lãnh hai tấm danh thiếp rồi cung kính trao cho sư phụ.
Châu Trọng Anh đọc mấy hàng chữ viết trong hai tấm danh thiếp của Trần Gia Cách và Vô Trần đạo nhân, thấy lời lẽ vô cùng khiêm nhường, tự xưng là hậu bối mà gọi ông là tiền bối nên bất giác đem lòng kính trọng cả hai, thấy mình cần phải dùng lễ mà đáp lại. Ông ta bước tới hướng về phía cả hai, vòng tay nói rằng:
- Chư vị anh hùng giáng lâm đến thăm tệ trang mà lão phu không được hân hạnh đón tiếp từ xa, thật hết sức áy náy. Mong quý khách miễn thứ cho. Tiện đây xin mời hai vị ngồi để lão phu được tiếp chuyện.
Lúc đó, nơi đại sảnh của Thiết Đảm trang chẳng khác nào một bãi chiến trường nên
ghế bổ bàn nghiêng
, mọi vật đều ngổn ngang vô trật tự. Châu Trọng Anh thấy vậy gọi lớn:
- Bây đâu! Ra đây xếp lại chỗ ngồi cho ngay ngắn đâu ra đó! Mau lên!
Tức thì Tống Thiện Bằng điều khiển mấy tên tráng đinh dọn dẹp đồ đạc trong phòng và đốt lại đèn đuốc cho sáng lên rồi phân ngôi chủ khách cùng an tọa.
Phía Đông là khách, ghế thứ nhất hàng đầu nhường cho Trần Gia Cách, rồi theo thứ tự của tất cả những người có mặt trong Hồng Hoa hội là: Vô Trần đạo nhân, Từ Thiện Hoằng, Dương Thanh Hiệp, Vệ Xuân Hoa, Chương Tấn, Lạc Băng, Thạch Song Anh, Tưởng Tứ Căn, Dư Ngư Đồng. Còn tiểu đồng Tâm Nghiện thì đứng sau lưng hầu Trần Gia Cách.
Dư Ngư Đồng liếc mắt nhìn trộm Lạc Băng, thấy gương mặt nàng hết sức tiều tụy thì trong lòng xót xa vô cùng. Chàng thắc mắc không biết nàng có kể những lỗi lầm của mình trót gây nên cho Thạch Song Anh nghe hay không nên trong dạ mãi bồi hồi không yên. Liếc mắt sang nhìn thử Thạch Song Anh, chàng thấy Quỷ Kiến Sầu lầm lầm lì lì, sắc mặt lạnh lùng như chẳng cần đếm xỉa đến ai cả.
Lần cuối cùng hội ngộ với Lạc Băng, thật ra chẳng phải Dư Ngư Đồng cố tình bỏ nàng mà đi. Nguyên do là chàng sợ đi sóng đôi hay đi gần Lạc Băng thì trong lòng khó tránh được những ý nghĩ mông lung khi trông thấy hình dáng của nàng. Biết đâu chàng lại chẳng gây thêm nhiều tội lỗi một khi tình yêu cuồng nhiệt trong người bốc phát dữ dội, vượt hẳn qua lý trí. Vì vậy Dư Ngư Đồng cố ý để cho Lạc Băng dẫn trước một khúc khá xa rồi mới âm thầm đi theo sau để mà hộ tống. Nhưng trong lúc chàng rong cương từ từ thì Lạc Băng lại nóng lòng đi cho lẹ thành ra giục ngựa phi quá mau mà không để ý đến Dư Ngư Đồng đàng sau. Đến lúc giục ngựa đuổi theo thì không còn biết đâu mà tìm Lạc Băng nữa vì chàng vô tình đã để cho nàng dẫn quá xa, để giờ đây không còn biết nàng đi về ngã nào nữa. Ban đầu, Dư Ngư Đồng định tìm đường Lạc Băng đi qua bằng cách dò theo dấu chân ngựa. Nhưng đường tắt cũng như đường lớn, lúc nào mà chẳng có nhiều người qua lại thành thử biết đâu là dấu chân ngựa của Lạc Băng!
Dư Ngư Đồng sau đó tự trách mình mãi, đi vòng khắp ngõ suốt hai ngày trời để tìm Lạc Băng mà vẫn không có kết quả! Chàng lúc nào cũng lo cho sự an nguy của Lạc Băng cho dù vẫn ôm ấp mối tình tuyệt vọng kia rong đau khổ. Nhiều lúc quá lo sợ, chàng nghĩ đến những điều không may có thể xảy đến cho nàng. Lạc Băng vẫn còn đang bị trọng thương, nếu lỡ đụng độ với cường địch dọc đường thì hậu quả sẽ thế nào? Hoặc giả những lúc nàng mệt mỏi, đói khát dọc đường mà không còn đủ sức dù chỉ là đi kiếm chút thức ăn hay một vài ngụm nước thì biết trông cậy vào ai? Mục đích chính Dư Ngư Đồng đi tháp tùng Lạc Băng là để bảo vệ nàng, giúp đỡ nàng trong những trường hợp bất khả kháng đó mà lại để lạc mất nàng thì hỏi làm sao chàng yên lòng cho được! Nếu ngộ nhỡ Lạc Băng có mệnh hệ gì thì Dư Ngư Đồng sẽ phải ăn năn thế nào mới gọi là đủ?
Nghĩ mãi muốn điên cả đầu, Dư Ngư Đồng không biết phải làm gì! Đường về An Tây còn quá xa. Nếu lạc chàng, chưa chắc Lạc Băng đã dám đi một mình với tình trạng như thế. Mà nếu có về đến An Tây, cũng chưa chắc gặp được Lạc Băng. Lục Phỉ Thanh chắc đã báo xong tin cho Hồng Hoa hội nên giờ này rất có thể anh em đang trên đường tới Thiết Đảm trang để đón Văn Thái Lai mà hộ tống về An Tây vì chưa biết Tứ đương gia đã bị bắt.
Sau cùng, Dư Ngư Đồng quyết định về lại Thiết Đảm trang để đón anh em Hồng Hoa hội tại đó và có gì thì trợ lực họ luôn thể. Sau một ngày đường, Dư Ngư Đồng đã trở về lại Thiết Đảm trang vào lúc xế chiều thì vừa vặn gặp Trần Gia Cách và Vô Trần đạo nhân mới đến.
Sau khi nghe Dư Ngư Đồng thuật lại rằng Thiết Đảm trang phản bội chỉ điểm cho Trương Siêu Trọng bắt Văn Thái Lai, Vô Trần đạo nhân hết sức nóng lòng, bàn với Trần Gia Cách nên đi giải cứu Văn Thái Lai ngay tức khắc.
Nhưng Trần Gia Cách không đồng ý, lại bàn rằng:
- Vẫn biết rằng giải cứu Văn tứ ca là điều tối quan trọng, nhưng hiện tại có ba điều bất tiện. Thứ nhất, hầu hết các anh em Hồng Hoa hội đang có mặt tại Thiết Đảm trang. Thứ hai, tin tức Văn tứ ca vẫn còn mù mờ, chưa biết đâu là thực. Thứ ba, con đường về Bắc Kinh còn xa lắm, đi không biết bao lâu mới tới được. Đàng nào thì Trương Siêu Trọng cũng không dám hại Văn tứ ca mà phải hộ tống an toàn về kinh mà nạp cho Càn Long. Sao cho bằng chúng ta đến thẳng Thiết Đảm trang điều tra mọi việc. Nếu biết chắc Văn tứ ca bị bắt giải về Bắc Kinh, chúng ta sẽ phân công anh em trong hội đi cứu sau cũng chưa muộn. Nhưng điều đáng nghi ngờ hơn hết là Thiết Đảm trang Châu Trọng Anh xưa nay được giới giang hồ kính nể, cảm phục là anh hùng nghĩa khí thì không lẽ lại có được hành động hèn hạ bán đứng kẻ tkẻ trung lương như thế kia? Điều này chắc hẳn có gì bí ẩn bên trong. Trước khi lên án hay kết tội một ai, chúng ta phải điều tra rõ rệt, có đầy đủ bằng cớ hẳn hòi chứ không thể hành động một cách khinh xuất bừa bãi được. Dục tốc bất đạt có phải không?
Vô Trần đạo nhân nghe Trần Gia Cách phân tích rất là tế nhị và sâu sắc trong lòng rất khâm phục, chịu theo lời ngay, chẳng chút do dự. Trần Gia Cách liền sai Dư Ngư Đồng dẫn đường đến Thiết Đảm trang. Khi cả ba người đến Thiết Đảm trang thì trời đã khuya, lại gặp đúng lúc Châu Trọng Anh vừa dập tắt hết đèn đuốc trong đại sảnh sau nhiều trận ác chiến.
Dư Ngư Đồng sau đó dẫn Tổng đà chủ và Nhị đương gia từ ngõ đi vào như chỗ không người. Thấy bên trong tối như mực, Dư Ngư Đồng bèn giựt lấy cây đuốc của một tên tráng đinh mà đi vào...
Bên hàng ghế phía Tây, Châu Trọng Anh ngồi ở phía trên. Ngay đàng sau là Mạnh Kiện Hùng, An Kiện Cường và Châu Ỷ.
Chỉ riêng Vạn Khánh Nhuận là
cô đơn lạc loài
, không ai mời ngồi. Y nhận thấy hai bên đang mở cuộc hội nghị nên có phần bất tiện cho y. Vạn Khánh Nhuận đang rón rén định chuồn đi thì Từ Thiện Hoằng lanh mắt trông thấy kịp. Như mũi tên bay, Từ Thiện Hoằng phóng ra chặn ngay cửa không cho Vạn Khánh Nhuận tẩu thoát. Nhìn thẳng vào mặt y, Từ Thiện Hoằng lạnh lùng lên tiếng:
- Khoan vội đi đâu! Xin mời ở lại đây nói hết đầu đuôi để cho mọi người được rõ ràng phân minh đã!
Vạn Khánh Nhuận sợ hãi, thầm kêu khổ. Y đành riu ríu trở vào ngồi dưới hàng phía chót ở phía Tây. Vạn Khánh Nhuận nhận thấy hai bên Thiết Đảm trang và Hồng Hoa hội quá đông người, mà ai nấy đều võ công cao siêu cả thì không dám liều mạng, đành để mặc cho định mệnh đưa đẩy đến đâu thì đến.
Châu Trọng Anh và Trần Gia Cách sau đó thay phiên nhau giới thiệu tên tuổi từng người trong Thiết Đảm trang cùng Hồng Hoa hội.
Điều mà Châu Trọng Anh kinh ngạc hơn cả là bao nhiêu cao thủ Hồng Hoa hội đều là những nhân vật khét tiếng trong võ lâm tập hợp lại mà tất cả lại đồng lòng chịu để cho một người điều khiển. Dĩ nhiên người ấy phải là một nhân vật có bản lãnh phi phàm, tài đức vẹn toàn nên mới được bao nhiêu cao thủ kính phục, tôn là lãnh đạo.
Châu Trọng Anh lại nhìn vị Tổng đà chủ của Hồng Hoa hội, tức Trần Gia Cách, nhân vật tối cao của tổ chức
phản Thanh phục Minh
này. Trái với điều tưởng tượng của Châu Trọng Anh, đây không phải là một nhân vật lão thành dày dạn phong sương tên tuổi lẫy lừng khắp bốn bể, mà lại là một chàng trai khôi ngô tuấn tú, trông giống như một công tử ở một nơi quyền quý cao sang nào đó. Phải, một
công tử
, thế mà các bậc anh hùng hào kiệt kia lại mười phần cung kính, mọi điều đều tuân theo răm rắp chứ chẳng dám ươn ngạnh. Càng nghĩ, Châu Trọng Anh càng lấy làm lạ, không dám tin vào mắt mình.
Trần Gia Cách như đoán được ý nghĩ và mọi hoài nghi của Châu Trọng Anh nên tự nhủ thầm:
-
Chắc Trang chủ Thiết Đảm trang cho rằng ta tuổi trẻ thì làm sao ngồi được ghế lãnh tụ của Tổng đà chủ Hồng Hoa hội nên có vẻ phân vân không ít. Ta phải tìm cách đánh tan mọi ý tưởng của ông ta mới được.

Nghĩ vậy, Trần Gia Cách nhìn Châu Trọng Anh lễ phép nói:
- Người anh em thứ tư của chúng tôi là Bôn Lôi Thủ Văn Thái Lai chẳng may gặp phải nanh vuốt của bọn
tẩu cẩu
của triều đình bao phen công kích, gây nhiều nỗi khó khăn. Bởi vì
mãnh hổ nan địch quần hồ
cho nên Tứ đương gia mang trọng thương đến quý sơn trang tị nạn. Được Châu lão tiền bối khinh tài trượng nghĩa, nghĩ tình đồng đạo võ lâm mà ra tay tương trợ nên Hồng Hoa hội chúng tôi muôn phần cảm kích vội vã đến đây để cảm tạ.
Nói xong, Trần Gia Cách đứng lên hướng về phía Châu Trọng Anh vòng tay vái dài một cái hết sức cung kính.
Châu Trọng Anh cũng vội vàng đáp lễ, trong lòng hết sức khâm phục nhưng cũng lo lắng không ít. Ông ta nghĩ thầm:
- Vị Tổng đà chủ Hồng Hoa hội này không phải là phường công tử bột như ta nghĩ. Cứ theo phong cách và lời nói của chàng ta thì dẫu là bậc tiền bối cao thủ lão thành trên võ lâm cũng chưa chắc bằng được. Y dư biết Văn Thái Lai bị bắt tại sơn trang của ta giải về Bắc Kinh rồi vậy mà không nóng này sỗ sàng như mấy người kia. Đây là y nén giận dùng lời nói khéo cột ta vào thế bí trước rồi có gì mới động thủ sau. Nếu người của võ lâm nghe được điều này tất nhiên sẽ có cảm tình nhiều với y trong khi sẽ có ác cảm với ta. Lối xử sự của vị Tổng đà chủ trẻ tuổi này thật là hết sức không khéo và tế nhị, ta thật khó mà đối phó nổi với y.
Câu nói của Trần Gia Cách không những làm cho Châu Trọng Anh nể vì mà còn khiến cho toàn thể bang chúng Hồng Hoa hội từ trên xuống dưới kính phục bội phần, nhất là Vô Trần đạo nhân. Nhị đương gia mừng lòng nghĩ thầm:
-
Hoan hỉ thay cho Hồng Hoa hội đã có được người xứng đáng thay thế cho Vu tổng đà chủ từ này về sau! Lo gì sự việc cứu dân ra khỏi vòng nô lệ của Hồng Hoa hội không được sáng chói như vầng thái dương, như ánh minh nguyệt!

Chỉ có Chương Tấn là người lỗ mãng, thiếu kiến thức, không hiểu được dụng ý của câu nói
tiên lễ hậu binh
của Trần Gia Cách nên nét mặt hầm hầm, mắt lườm Châu Trọng Anh nói:
- Lão tặc này đã hãm hại Văn tứ ca mà Tổng đà chủ còn khách sáo dùng lời tử tế với y làm gì!
Vệ Xuân Hoa ngồi bên cạnh thấy vậy nắm tay Chương Tấn, nghiêm mặt bảo y ngồi im lặng. Trần Gia Cách chờ mãi mà vẫn không nghe Châu Trọng Anh trả lời thì vẫn giữ thái độ hòa nhã nói tiếp:
- Thưa Châu lão tiền bối. Anh em tại hạ được tin Văn tứ ca ngộ nạn đến đây nương nhờ Thiết Đảm trang thì trong lòng nóng như lửa đốt nên phải cấp tốc mà đến ngay, bất kể ngày đêm. Trước là để bái tạ thâm ân của Châu lão tiền bối, và sau là để được gặp mặt Văn tứ ca. Trong lúc quá cấp bách nên không có món gì đem đến dâng lão anh hùng gọi là chút lễ vật tương kiến, mong lão anh hùng vị tình mà châm chế cho. Chúng tôi lại được biết Văn tứ ca nhờ Thiết Đảm trang lo cho thuốc thang đầy đủ. Vậy xin Châu lão anh hùng cho biết hiện tại thương tích Văn tứ ca thế nào và dẫn anh em chúng tôi đi gặp mặt.
Trần Gia Cách nói xong bèn kéo ghế đứng dậy. Tất cả các đương gia Hồng Hoa hội sau đó không ai bảo ai, cùng một lúc đứng dậy theo Tổng đà chủ.
Châu Trọng Anh xưa nay khét tiếng anh hùng, khi cần phải cứng rắn để quyết định một việc gì, ông chưa hề bao giờ do dự, luôn cả việc bất đắc dĩ ra tay trừng phạt giết chết đứa con trai duy nhất của mình. Thế mà giờ đây đứng trước một câu hỏi khôn khéo của Tổng đà chủ Hồng Hoa hội, Châu Trọng Anh lại đứng yên như tượng đá mà không biết đường nào trả lời.
Thấy Châu Trọng Anh cũng đứng dậy đáp lễ mà vẫn im lìm, lại nói tiếp:
- Như tại hạ đã nói, chỉ vì quá gấp rút mau được gặp mặt Văn tứ ca thành thử quên mang lễ vật xứng đáng đến để tỏ lòng tri ân và tôn kính. Nhưng anh em Hồng Hoa hội nãy giờ cũng đã bày tỏ lòng tri ân và thiện chí, tại sao Châu lão anh hùng lại cố chấp như vậy? Anh em chúng tôi khao khát được nhìn mặt Văn tứ ca. Nếu Tứ ca có lỡ mạo phạm điều gì với Trang chủ thì tại hạ cũng xin thay mặt Hồng Hoa hội để tạ lỗi cùng lão anh hùng. Hồng Hoa hội ân oán rất phân minh, quyết không bao giờ thất ước Châu lão anh hùng đâu.
Đây là lần thứ ba Trần Gia Cách đề cập đến vấn đề này. Nhưng Châu Trọng Anh vẫn không làm sao tìm được câu giải đáp. Lạc Băng thấy thế nóng giận vô cùng, không còn dằn được nữa, nghiến răng, trợn mắt nhìn thẳng vào mặt vị Trang chủ anh hùng nói với Trần Gia Cách:
- Thưa Tổng đà chủ! Văn tứ ca đã bị chúng bán đứng cho lũ
tẩu cẩu
triều đình và đã bị hại chết rồi, còn đâu mà hỏi nữa! Xin Tổng đà chủ bắt lão tặc này đền mạng cho Văn tứ ca thì anh em Hồng Hoa hội mới được hả dạ phần nào!
Lạc Băng vừa dứt lời, Dương Thanh Hiệo, Vệ Xuân Hoa, Chương Tấn và Thạch Song Anh đồng thét lên một lượt như sấm nổ, tuốt khí giới ra, hùng hổ tiến tới bao vây Châu Trọng Anh vào giữa; chỉ cần Tổng đà chủ hạ lệnh là sẽ sẵn sàng bằm Châu Trọng Anh ra làm trăm ngàn mảnh.
Mạnh Kiện Hùng, An Kiện Cường và Châu Ỷ cũng đứng phắt dậy, tuốt binh khí lại đứng gần Châu Trọng Anh nhìn đám người Hồng Hoa hội với vẻ căm hờn. Mạnh Kiện Hùng nói lớn:
- Việc Văn tứ gia đến Thiết Đảm trang có thật, tôi nào có chối đâu! Vả lại sư phụ tôi lúc đó không có nhà. Chư vị muốn gì thì tính với tôi chớ sao lại hạch sách sư phụ tôi? Thiết Đảm trang dù nhỏ bé, lại cô thế nhưng quyết không sợ các
anh hùng hảo hán
cậy đông hiếp ít đâu!
Từ Thiện Hoằng cười nhạt nhìn Mạnh Thiện Hùng hỏi:
- Chúng tôi nào có dám hạch sách với lại hiếp đáp người? Sao Mạnh huynh lại dùng chữ nặng như vậy? Nếu quả như lời Mạnh huynh nói thì xin Mạnh huynh đưa chúng tôi đi gặp Văn tứ ca được chăng?
Mạnh Kiện Hùng lấy tay chỉ Lạc Băng cùng Dư Ngư Đồng nói:
- Văn gia, Văn phu nhân, và Dư gia đến tệ trang trong lúc sư phụ tôi đi vắng. Khi ấy Văn tứ gia bị nội thương bộc phát, chúng tôi liền tức tốc cho người đến Triệu lão gia rước danh y về điều trị cho Văn gia. Sự việc ấy phải chăng chính Văn phu nhân và Dư gia đã được
mắt thấy tai nghe
? Trong lúc lương y chưa tới kịp thì bọn sai nha do Trương Siêu Trọng cầm đầu đột nhập vào sơn trang tìm bắt Văn tứ gia. Đích thân tôi đã huy động toàn lực sơn trang, một mặt ngăn cản chúng và một mặt bảo vệ Văn tứ gia. Tôi hận mình bất tài không bảo vệ được cho Văn gia để cho bọn tẩu cẩu kia bắt đi, nhưng tôi không lấy làm hổ thẹn vì tôi đã tận lực, làm hết sức mình! Tôi vốn kính phục Văn tứ gia là người nghĩa khí đời nay, đồng thời một mực tuân theo tôn chỉ của sư phụ là phải hết lòng bảo vệ cho các anh hùng khi gặp cơn nguy khó. Nếu tôi không làm được điều ấy thì chẳng những trên hổ thẹn với anh hùng thiên hạ, dưới làm nhục sư môn mà chính lương tâm còn bị cắn rứt nhiều nữa. Nếu Trần Tổng đà chủ phiền trách tôi sao bảo vệ sơ sót để Văn tứ gia bị bắt thì tôi xin chịu và sẵn sàng để cho Tổng đà chủ muốn giết thì giết, họ Mạnh này không có gì sợ sệt cả. Nếu không được như lời thì không phải là anh hùng hảo hán trên đời. Còn như chư vị cứ một mực khăng khăng vu khống cho sư phụ tôi là bán đứng bằng hữu võ lâm đồng đạo để lấy tiền thưởng như tên chó chết Vạn Khánh Nhuận kia
ngậm máu phun người
thì tôi quyết không phục! Các vì đường đường là các bậc anh hùng hào kiệt mà không biết thế nào là lẽ phải, lại đi tin vào lời ly gián của kẻ gian thì thật là đáng buồn! Tôi xin nhắc lại, nếu chư vị muốn gì thì cứ tính với tôi chứ không được vô lễ với sư phụ của tôi!
Lạc Băng chạy tới chỉ vào mặt Mạnh Kiện Hùng nói:
- Mi tự xưng là anh hùng hảo hán hả? Nếu vậy để ta hỏi. Mi bảo đảm với chúng ta là xuống địa huyệt chẳng một ai có thể tìm ra ngoài người của Thiết Đảm trang. Vậy phải chăng chính người của Thiết Đảm trang của mi đã chỉ chỗ bí mật ấy cho bọn tẩu cẩu kia bắt Văn tứ ca? Mi trả lời cho rõ đi mới là hải hán!
Mạnh Kiện Hùng nghe Lạc Băng bắt bẻ câu này thì đành im lặng, không sao mở mồm ra được. Chính Châu Anh Kiệt vì tham chiếc
thiên lý cảnh
nên đã tiết lộ bí mật địa huyệt với Trương Siêu Trọng. Theo lý mà nói thì đó cũng là trách nhiệm của Thiết Đảm trang. Hành động đó có khác nào là bán đứng bằng hữu đâu? Nếu dùng lý lẽ mà bẻ tới cùng thì Hồng Hoa hội có thể bắt lỗi rằng: cho đến một đứa bé của Thiết Đảm trang còn vì lợi quên nghĩa thì người lớn sẽ còn thế nào? Dù gì Châu Anh Kiệt cũng là con của sư phụ mình. Mạnh Kiện Hùng không thể đem việc này ra nói để làm buồn lòng ân sư. Việc xấu bao giờ cũng phải
đậy lại
, đó là lẽ thường xưa nay.
Thấy Lạc Băng bắt bẻ Mạnh Kiện Hùng đến phải ngậm miệng như hến, Châu Ỷ nộ khí xung thiên bước ra chỉ vào mặt Lạc Băng, đáo để nói như hét lên:
- Thế ra mi tưởng mi là nữ anh hào chắc? Đồ cái thứ nữ anh hào gì mà chồng bị bắt không chịu tìm hiểu rõ nguyên do lại đi đổ tội, bắt lỗi hết người này sang người khác! Nữ anh hào gì mà không dám cùng ta so tài cao thấp mà chỉ biết ngồi khóc với ăn vạ để cho người ta thương hại không nỡ ra tay! Biết thế ta cứ để mặc xác mi nằm trên đường cho ruồi tha quạ mổ cho xong chuyện thì còn đâu ở đây mà buông những lời hỗn xược vô lễ với gia gia ta và Mạnh đại ca! Đồ cái thứ vô ân bội nghĩa! Mi còn tệ hại hơn cả hạng gái lầu xanh nữa biết không!
Lạc Băng nghe Châu Ỷ sỉ vả mình thậm tệ thì uất ức vô cùng, không sao nói được thành lời, nước mắt trào ra như mưa mà ấp úng:
- Ngươi... ngươi...
Thấy vậy, Châu Trọng Anh vội nạt Châu Ỷ:
- Này con, không được vô lễ!
Vô Trần đạo nhân ngẫm nghĩ một lúc rồi nói:
- Lúc sự việc xảy ra như vậy thì Châu lão anh hùng vắng mặt, chúng tôi tin như thế. Nhưng
oan có đầu, nợ có chủ
, tất nhiên khi Châu Trang chủ về lại sơn trang rồi ắt người nhà phải thuật lại hết đầu đuôi tự sự cho nghe. Tôi chỉ xin Châu Trang chủ nói rõ việc ấy như thế nào để cho chúng tôi được minh bạch mà không phải đặt thành nghi vấn nữa.
Vạn Khánh Nhuận lúc đó đang ẩn mình trong một xó bỗn ló đầu ra nói lớn:
- Chính thằng con trai lão Châu Trọng Anh đã chỉ chỗ cho Trương Siêu Trọng đại nhân. Các người cứ bắt lão đem nó ra giao nạo là xong, cần gì phải phí lời hỏi lão ta thêm làm gì!
Trần Gia Cách nhanh nhẹn tiến tới một bước hỏi:
- Châu lão tiền bối! Chẳng hay điều hắn vừa nói ra có thật hay không?
Châu Trọng Anh là người ngay thẳng. Vốn ra ông không muốn đem chuyện con trai mình ra nói là vì sợ Hồng Hoa hội cho là ông ta hèn nhát sợ trách nhiệm đến độ phải đổ tội cho đứa con thơ nên mới do dự không chịu nói. Nhưng nay thấy chuyện đã đổ bể, bị tên Vạn Khánh Nhuận nói huỵch toẹt ra bèn gật đầu thú nhận chứ không cãi.
Đám người Hồng Hoa hội lại hét lên dữ dội rồi vây chặt lấy Châu Trọng Anh mà đợi lệnh của Tổng đà chủ. Nhưng thay vì chất vấn thêm Châu Trọng Anh, Trần Gia Cách lại liếc mắt nhìn Vạn Khánh Nhuận cười nhạt mà hỏi:
- Vị này là ai mà sao lúc nãy không hân hạnh được nghe Châu lão tiền bối giới thiệu cao danh quý tánh?
Lạc Băng chỉ vào mặt Vạn Khánh Nhuận nói:
- Nó là một tên
tẩu cẩu
của triều đình Mãn Thanh. Lúc Văn tứ ca đám lang sói bắt có mặt đứa vô lương này!
Trần Gia Cách chẳng nói chẳng rằng, vọt tới như một mũi tên xẹt ngang trước mặt Vạn Khánh Nhuận. Trên tay Vạn Khánh Nhuận vẫn còn đang cầm cây cương xuyên, thấy Tổng đà chủ Hồng Hoa hội xông lại tấn công mình thì toan dùng món vũ khí hộ thân để cản lại. Nhưng chưa kịp vung tay, Vạn Khánh Nhuận đã bị Trần Gia Cách đoạt mất cương xuyên ném xuốn đất. Rồi chỉ nghe một tiếng
rắc
, tay của Vạn Khánh Nhuận đã bị Trần Gia Cách bẻ quặp ra đàng sau lưng. Thủ pháp của vị Tổng đà chủ quá mau lẹ khiến cho tất cả mọi người không ai trông thấy kịp, mà cũng không biết chàng sử dụng chiêu thức nào quá tài tình và nhanh nhẹn đến độ không thể tưởng tượng được.
Trần Gia Cách bẻ quá mạnh khiến cho Vạn Khánh Nhuận cảm tưởng như cả cánh tay cùng bao nhiêu khớp xương trên mình hắn đều bị gãy lọi. Hắn đau quá, nước mắt tuôn ra và mồ hôi từng giọt trên trán chảy xuống. Hắn chỉ còn biết đứng im một chỗ mà không tài nào dẫy dụa được.
Vạn Khánh Nhuận cũng là một cao thủ có hạng trên võ lâm, thế mà chỉ trong một chiêu đã bị Trần Gia Cách chế ngự dễ dàng còn hơn trở bàn tay. Phía Thiết Đảm trang, ai nấy trông thấy đều phải ngơ ngác mà kinh hãi, kể cả Châu Trọng Anh. Phía Hồng Hoa hội thì lớn tiếng cổ võ, thầm phục tài nghệ siêu đẳng của Tổng đà chủ mình mặc dù cũng chẳng hiểu gì về tài nghệ của chàng cho lắm. Họ chỉ biết Trần Gia Cách là đệ tử chân truyền duy nhất của Thiên Tử Quái Hiệp chứ chưa hề bao giờ đo lường được tài năng của Tổng đà chủ mình cao diệu đến đâu.
Trần Gia Cách đôi mắt như hai luồng hào quang, nhìn thẳng vào mặt Vạn Khánh Nhuận hỏi:
- Bọn mi bắt Văn tứ ca dẫn đi đâu?
Vạn Khánh Nhuận ngậm miệng không đáp, làm ra vẻ ngạo nghễ để tỏ khí phách anh hùng. Trần Gia Cách lấy một ngón tay điểm vào huyệt
trung phủ
mà tra khảo:
- Mi chịu nói hay là không?
Vạn Khánh Nhuận cất tiếng oang oang đáp lại:
- Mi dùng độc thủ với ta như thế này không phải là hảo hán! Nếu mi có giỏi thì giết ta đi chứ đừng hỏi nhiều lời vô ích. Ta không nói đâu!
Vạn Khánh Nhuận cắn răng mà chịu chứ nhất định không chịu nói. Mồ hôi trên trán của hắn tuôn xuống đầm đề nhưng vẫn cứ gan lì. Trần Gia Cách lại điểm thêm vào huyệt
nhuyễn ma
nữa. Vạn Khánh Nhuận đau quá, không sao chịu được nữa, kêu ầm lên:
- Thôi, thôi! Tôi nói! Tôi nói!
Trần Gia Cách mới điểm nhẹ vào huyệt
khí dũ
. Vạn Khánh Nhuận thở phì ra một cái mà nói ngay:
- Dẫn về Bắc Kinh rồi!
Lạc Băng nghe nói mừng rỡ, vội vã hỏi thêm:
- Văn... Văn tứ... Văn tứ ca... chưa chết chứ?
Vạn Khánh Nhuận cười khổ đáp:
- Lệnh truyền phải đem Văn Thái Lai mà nạp cho Hoàng Thượng thì thử hỏi làm sao ai dám giết mà chết chứ?
Đôi mắt Lạc Băng lóe lên nhiều tia hy vọng. Để cho chắc chắn, nàng lại hỏi tiếp:
- Mi nói thế có đúng hay không?
Vạn Khánh Nhuận nhăn mặt nói:
- Ta nói dối các người để làm gì?
Biết được tin Văn Thái Lai còn sống, Lạc Băng vui mừng đến nỗi quá xúc động không dằn được, xay xẩm mặt mày té ngửa ra sau. Dư Ngư Đồng hoảng hốt nhanh tay đỡ lại kịp thời. Nhưng vừa đưa tay ra đỡ và định ôm nàng vào lòng, bỗng một ý nghĩ lại hiện ra trong đầu Dư Ngư Đồng khiến chàng sợ hãi quá bèn buông ngay cả hai tay ra. Toàn thân Lạc Băng như một thân cây bị đốn ngã, rơi mạnh xuống đất.
Chương Tấn cả kinh, vội nhảy tới đỡ Lạc Băng ngồi dậy hỏi thăm:
- Tứ tẩu! Sao vậy? Có việc gì không?
Chương Tấn đưa mắt lườm Dư Ngư Đồng như tỏ ý trách móc sao không chịu đỡ mà để Lạc Băng ngã xuống như vậy. Y bất chợt đâm ra nghi ngờ hành vi của Dư Ngư Đồng.
Lúc đó, Trần Gia Cách vẫy tay gọi tiểu đồng Tâm Nghiện lại chỉ Vạn Khánh Nhuận nói:
- Trói nó lại!
Tâm Nghiện bèn mở gói lấy ra một sợi dây thừng trói chặt hai tay Vạn Khánh Nhuận lại. Tuy hắn đã được Trần Gia Cách giải huyệt nhưng gân cốt vẫn còn bị tê liệt nên không cử động gì được, đành đứng im cho cậu bé thư đồng của Tổng đà chủ Hồng Hoa hội mặc sức trói lại.
Trần Gia Cách sau đó nghiêm nghị nói với tất cả bang chúng Hồng Hoa hội rằng:
- Tất cả các anh em! Việc giải cứu Văn tứ ca là việc trọng yếu. Chúng ta hãy cùng nhau họp lại mà bàn thảo kế hoạch để thi hành gất rút cho kịp. Còn việc dang dở tại Thiết Đảm trang chúng ta tạm thời gác lại rồi sẽ tính toán sau tưởng cũng chưa có gì muộn màng.
Nghe Tổng đà chủ nói, đám người Hồng Hoa hội đều nhất nhất, một mực tuân theo. Bấy giờ Lạc Băng đã tỉnh lại. Nàng vui mừng quá, khóc rấm rức mãi không thôi. Thấy mọi người đều tán thành ý kiến của mình, Trần Gia Cách hướng về phía Châu Trọng Anh vòng tay nói:
- Còn chút việc cần phải thưa lại để lão Trang chủ được rõ. Ân trọng đức dày của Thiết Đảm trang, Hồng Hoa hội xin thề sẽ khắc cốt ghi tâm mà báo đáp xứng đáng chứ chẳng bao giờ dám quên. Xin hẹn gặp lại sau.
Châu Trọng Anh hiểu rõ đây là một lời hăm dọa. Ý Trần Gia Cách hẳn là khi cứu xong Văn Thái Lai, Hồng Hoa hội sẽ trở lại Thiết Đảm trang tìm kẻ thù báo oán. Ông ta cả giận nghĩ thầm:
-
Các người nhất định không chịu xét việc kỹ càng mà lúc nào chỉ đòi hơn thua. Chả lẽ ta lại sợ sao?

Tuy nhiên, Châu Trọng Anh vẫn bình tĩnh đáp lễ lại Trần Gia Cách:
- Xin tuân mệnh.
Châu Trọng Anh vừa dứt lời thì Chương Tấn hét lên:
- Ta nói thật với ngươi một lời là khi giải cứu Văn tứ ca rồi, đích thân ta sẽ trở lại đây chấp hết tất cả các người trong Thiết Đảm trang các ngươi mà đánh một trận sinh tử mà chẳng cần ai giúp sức!
Dương Thanh Hiệp cũng nói thêm:
- Thật là đồ lang sói! Thế mà cũng tự xưng là anh hùng mà không biết thẹn!
Châu Ỷ nghe hai người nói thì cả giận hét vang lên:
- Cái thằng gù khốn kiếp kia! Cắt cổ gà cần gì phải dùng đến dao mổ trâu? Chỉ một mình bản cô nương cũng đủ cắt bỏ cái bướu của mi rồi, cần gì nhọc sức đến ai ra tay nữa! Còn cái thằng đồ tể ma rợ kia! Mi mắng nhiếc ai đó?
Dương Thanh Hiệp cũng giận đỏ mặt đáp:
- Ta mắng kẻ nào không có nghĩa khí không biết dạy con để nó làm điều xấu xa đê tiện đó!
Vừa dứt lời Thiết Tháp Dương Thanh Hiệp liền cung tay nhắm ngay bụng Châu Trọng Anh đánh ra một quyền. Lão Trang chủ chỉ khẽ nhích người dang một bên đã tránh được đường quyền của Bát đương gia một cách dễ dàng.
Châu Ỷ bèn bước tới lớn tiếng mắng:
- Mi là cái giống người gì mà dám đến đây nhục mạ gia gia ta?
Dương Thanh Hiệp đáp:
- Ta là một người trọng nhân nghĩa, khác hẳn với lũ gian tà bất lương. Mi chỉ là một liễu đầu, có xứng đáng gì cho ta nói chuyện?
Trả lời xong, Dương Thanh Hiệp bước đi theo đám Hồng Hoa hội ra ngoài. Nhưng
Tiểu Quý Lục
vốn nóng tính như lửa, lời nói của Dương Thanh Hiệp chẳng khác gì chế thêm dầu vào. Khi nghe Dương Thanh Hệp khinh mình là
liễu đầu
, Châu Ỷ đỏ mặt tía tai rượt theo gọi lớn:
- Mi khinh ta là nữ nhi thì có dám trở lại đây mà tỉ thí với con
liễu đầu
này không hả tên mạt kiếp?
Dương Thanh Hiệp đáp:
- Không thèm! Mi có giỏi thì kêu anh cả mi ra đây đi! Ta chỉ muốn lấy mạng tên đó thôi!
Châu Ỷ hỏi lại:
- Anh cả ta à?
Rồi nàng lấy làm kỳ quặc cho câu nói của Dương Thanh Hiệp, không hiểu hắn muốn ám chỉ người nào.
Vệ Xuân Hoa lại tiếp lời:
- Mi còn giả bộ ngơ ngẩn nữa à? Cái thứ ti tiện tham tiền bán đứng bằng hữu để kiếm ăn! Đã có thứ anh như thế thì trách gì có thứ em gái thế này! Đứa anh khốn nạn của mi trốn đâu rồi?
Châu Ỷ vẫn ngạc nhiên không hiểu. Nàng nghĩ thầm:
-
Nào ta có anh nào đâu? Bọn này nói cái gì mà lạ thế?

Mạnh Kiện Hùng thấy Châu Ỷ ngơ ngác trước câu nói của Dương Thanh Hiệp và Vệ Xuân Hoa thì biết ngay đám người Hồng Hoa hội đã hiểu lầm lời tố cáo của Vạn Khánh Nhuận. Chuyện bây giờ thật đâm ra hết sức khó xử. Nếu chàng đem chuyện Châu Trọng Anh đánh chết con trai ra mà nói thì chẳng hóa ra bên mình khiếp nhược, sợ đánh không lại nên mới cầu hòa. Nghĩ vậy, chàng liền bảo Châu Ỷ rằng:
- Thôi đi sư muội. Để mặc cho họ đi!
Rồi chàng quay qua đám Hồng Hoa hội nói:
- Hiện thời quý vị có chuyện cần gấp xin cứ đi đi. Hy vọng sau này mọi việc sẽ được phơi bày tất cả ra ánh sáng, chứ không thể nào biện minh ngay được bây giờ.
Chương Tấn nói:
- Chúng ta chỉ muốn thấy mặt anh cả của cô bé này một tí thôi.
Châu Ỷ càng lúc càng bực mình. Nàng xẵng giọng nói:
- Ê! Cái thằng gù! Bộ mi lãng trí cuồng tâm rồi hay sao mà nói chuyện không đâu ra đâu vậy? Bản cô nương đây làm gì có anh cả mà mi muốn ra mắt!
Chương Tấn lại thêm một lần nữa bị Châu Ỷ gọi là
thằng gù
. Y gầm lên một tiếng như hổ rống, liệng song phủ xuống đất đưa hai cánh tay gân guốc ra đánh thẳng vào mặt Châu Ỷ hai quyền.
Châu Ỷ đưa thanh đơn đao ra chém vào hai tay của Chương Tấn. Thập đương gia, khẽ rút tay lại, đổi thành thế
Cầm Nã thủ
đưa ra đối địch. Một bên dùng quyền, một bên dùng đao, cùng nhau đấu một trận kịch liệt.
Vệ Xuân Hoa đứng ngoài thấy
ngứa ngáy
liền hươi song câu xông tới thét lớn:
- Nhìn hai người đánh nhau mà mình chỉ đứng ngoài thị chiến thật là mất hết thì giờ. Mạnh huynh! Anh có bản lãnh gì hãy đem ra cùng tôi đánh thử một trận để xem tài nghệ của Thiết Đảm trang như thế nào mà làm những chuyện đê hèn tồi tệ để chuốc lấy tiếng nhơ nhuốc trong giang hồ.
Trước lời nói khiêu khích và mạt sát của Vệ Xuân Hoa, Mạnh Kiện Hùng không chút nóng giận, vẫn giữ thái độ điềm tĩnh mà đáp:
- Vệ gia đã có ý muốn thử võ công của đứa đồ đệ ngu si đần độn, kém cỏi nhất của Thiết Đảm trang thì xin mời cứ ra tay trước đi! Người của Thiết Đảm trang dù chẳng ra gì nhưng bao giờ cũng giữ lễ độ, biết kính trên nhường dưới chứ không hồ đồ. Dù có phải động thủ đi chăng nữa cũng vẫn giữ được thái độ hòa nhã
tiên khách hậu chủ
.
Câu nói nhún nhường của Mạnh Kiện Hùng làm cho Vệ Xuân Hoa phải ngẫm nghĩ mà khó chịu không ít vì có ý ám chỉ hành động hung hăng háo chiến của nhiều người trong Hồng Hoa hội. Vệ Xuân Hoa, không đáp, múa song câu nhắm Mạnh Kiện Hùng đánh tới. Mạnh Kiện Hùng cũng rút binh khí ra đối địch chống trả lại.
Đầu kia, An Kiện Cường cùng Tưởng Tứ Căn đều nét mặt hầm hầm gườm nhau như muốn gây thêm một trường ác đấu khác.
Dương Thanh Hiệp thấy vậy bèn gọi lớn lên rằng:
- Các huynh đệ Hồng Hoa hội! Chúng ta phải tuyệt đối tuân theo lệnh của Tổng đà chủ mà đi cấp tốc giải cứu Văn tứ ca trước đã. Việc Thiết Đảm trang dẽ thanh toán sau. Chúng ta lưu lại đây ẩu đả với bọn phản bội bán đứng bằng hữu thế này là mất hết thời giờ quý báu. Đó là kế
hoãn binh
của Thiết Đảm trang muốn cầm chân chúng ta lại để bè đảng của chúng có đủ thì giờ giải Văn tứ ca về Bắc Kinh đó. Các anh em hãy nghe tôi phóng hỏa đốt Thiết Đảm trang rồi cùng kéo nhau đi cứu Văn tứ ca thì hơn!
Vệ Xuân Hoa, Chương Tấn cùng Tưởng Tứ Căn nghe nói cho là phải nên tất cả đều dừng tay lại hết. Châu Trọng Anh nghe nói cả giận, không dằn được, tóc tai đều dựng ngược lên. Ông ta nhìn Trần Gia Cách hậm hực nói:
- Thế mới biết tư cách của đám
hào kiệt
Hồng Hoa hội là thế nào! Hễ mở mồm ra là sỉ vả, chửi rủa người, hết đòi đánh nhau lại đòi đốt phá tài sản của lương dân mà không cần phải suy nghĩ chín chắn. Đã thế còn xem tánh mạng con người như cỏ rác, lúc nào cũng chỉ biết đến giết chóc, lấy số đông hiếp ít! Đó cũng là hành động của hào kiệt Hồng Hoa hội nữa sao? Và phải chăng tất cả những điều trên đều nằm trong kế hoạch
phản Thanh phục Minh
giải cứu Hán tộc của Hồng Hoa hội?
Châu Trọng Anh vừa dứt lời thì Châu Ỷ, Mạnh Kiện Hùng và An Kiện Cường phá lên cười ra vẻ thích thú, trong khi đám người Hồng Hoa hội thì người nào người nấy giận xanh mặt mà không biết tìm đường nào mà trả lời.
Sau đó, ai nấy đều tuốt vũ khí ra như sẵn sàng chuẩn bị cho một cuộc huyết chiến. Trần Gia Cách thấy vậy bèn thổi một tiếng hồ tiêu. Tất cả bang chúng đều cất vũ khí, xếp hàng đứng theo thứ tự vai về đàng sau Tổng đà chủ im phăng phắc. Thấy trật tự đã được vãn hồi, Trần Gia Cách mới nói với Châu Trọng Anh rằng:
- Châu lão anh hùng! Tiền bối cho rằng Hồng Hoa hội chúng tôi chỉ ỷ đông hiếp ít để thủ thắng. Vậy bây giờ tại hạ xin tự nguyện đơn độc một mình được thỉnh giáo cao chiêu của tiền bối, là những võ công thượng thừa có một không hai trong thiên hạ, để trong lòng được thỏa bình sinh khát vọng bấy lâu nay. Mong tiền bối đừng từ chối.
Châu Trọng Anh gật đầu nói:
- Lão phu xin tuân mệnh! Ngưỡng mộ đại danh Tổng đà chủ giờ đây được gặp mặt thật là vạn hạnh. Anh hùng hào kiệt xuất thiếu niên! Thật là quý hóa thay! Dù có bại dưới tay Tổng đà chủ, lão phu cũng mãn nguyện được thưởng thức bản lãnh của một vị lãnh tụ tuổi trẻ, tài đức vẹn toàn đứng ra thống lãnh quần hùng chống lại triều đình Mãn Thanh cứu dân tộc. Người có chí lớn, ôm ấp một hoài bão như thế thật là hiếm có, lão phu tự lấy làm hổ thẹn không thể nào sánh bằng. Chẳng hay Trần Tổng đà chủ muốn dùng quyền cước hay binh khí?
Những lời khiêm nhượng Châu Trọng Anh nói ra là do ở chân tâm ông ta chứ không phải là lối tán dương khách sáo. Châu Trọng Anh bản tính cương trực, chẳng bao giờ chịu nịnh bợ ton hót ai, mà cũng chẳng bao giờ biết khiếp nhược trước bất cứ mội đối tượng nào. Chẳng qua ông thấy tư cách, cử chỉ, ngôn ngữ của Trần Gia Cách có phong độ khác hẳn với những nhân vật khác trong Hồng Hoa hội nên đem lòng kính phục, nhìn chàng với biệt nhãn, không giống như những người kia.
Nghe Châu Trọng Anh nói, Thạch Song Anh lớn tiếng ra vẻ chế nhạo:
- Cây đại đao của ông còn dính chặt trên đòn giông, làm sao tỉ thí bằng binh khí cho được?
Mọi người nhìn lên quả nhiên thấy cây đại đao của Châu Trọng Anh còn ghim chặt trên đòng dông, liền cười ồ lên. Châu Trọng Anh nghe thấy nóng mặt nhưng chẳng nói một lời nào cả.
Bỗng từ đâu một bóng người hiện ra tung mình lên như một con chim én phóng lên trên cao cầm cán đại đao rút mạnh ra rồi nhẹ nhàng đáp xuống không phát ra một tiếng động nhẹ nào. Sau đó người ấy hai tay cầm đại đao đưa cao lên trước trán trao cho Châu Trọng Anh, giọng nhỏ nhẹ, lễ phép thưa:
- Thưa Châu lão gia, cháu giúp lấy hộ lão gia thanh kim đao xuống. Xin hoàn lại để lão gia sử dụng.
Mọi người trố mắt nhìn thử xem là ai thì chính là cậu bé thư đồng Tâm Nghiện theo hầu Trần Gia Cách. Châu Trọng Anh kinh ngạc đến tột độ, không ngờ một đứa thư đồng mà lại luyện được khinh công tuyệt vời đến thế. Châu Trọng Anh không nhận đao, chỉ mỉm cười nói tiếng cám ơn. Tâm Nghiện sau đứng thẳng người, một tay cầm đao chờ đợi.
Châu Trọng Anh liền nói với Trần Gia Cách:
- Trần Tổng đà chủ nếu sở trường về binh khí nào xin cứ tự nhiên sử dụng. Lão phu xin dùng hai tay để đối địch vài hiệp là được rồi.
Ý Châu Trọng Anh như muốn nói rằng không cần tiểu đồng Tâm Nghiễn của Trần Gia Cách trả cho cây kim bội đại đao mới có vũ khí để thi tài, nếu cần, Trần Gia Cách có thể lấy cây đại đao đó mà dùng cũng được.
Trần Gia Cách nói:
- Tại hạ chẳng có môn nào gọi là sở trường cả. Dùng binh khí cũng được mà tay không cũng xong. Lão anh hùng quen sử dụng đại đao thì sao không dùng nó để mà thi triển uy vũ. Tóm lại, lão anh hùng dạy sao thì tại hạ xin tuân theo vậy thôi.
Mạnh Kiện Hùng bước tới đỡ cây kim bội đại đao trên tay Tâm Nghiện. Cậu bé thư đồng liền lui về đứng sau lưng Trần Gia Cách y như cũ.
Mạnh Kiện Hùng liền đề nghị với sư phụ:
- Thưa sư phụ, Trần Tổng đà chủ dùng binh khí thì lão nhân gia cũng nên dùng binh khí cho tiện.
Tâm Nghiện lấy trong túi vải một vật sáng long lanh cúi đầu trao cho Trần Gia Cách. Đây là một món binh khí rất bí mật của Trần Gia Cách mà chưa ai từng được nhìn qua hay biết qua.
Từ Thiện Hoằng bỗng cất tiếng xen lời:
- Thưa Tổng đà chủ, Trang chủ Thiết Đảm trang có ý muốn tỉ thí bằng quyền cước thì sao Tổng đà chủ không dùng quyền cước mà đáp lễ có phải hay hơn không?
Nguyên Từ Thiện Hoằng có cặp mắt rất nhạy bén. Qua mấy trận ác đấu, chàng đã nhìn thấy rõ được phong độ trưởng thượng của Châu Trọng Anh nên bất giác sinh lòng ngưỡng mộ. Nếu ông ta không có ý nhường nhịn ắt tình thế đã khác xa rồi. Dù anh em Hồng Hoa hội của chàng xem Châu Trọng Anh như kẻ thù không đội trời chung thế mà ông ta vẫn không giận hờn, không chịu nặng đòn đả thương người nào cả. Vì vậy, chàng mong hai bên quyết đấu lần này trong tinh thần võ thuật nhiều hơn là một trận chiến sinh tử.
Nghe Từ Thiện Hoằng nói, Trần Gia Cách mỉm cười gật đầu tán thành. Chàng kính cẩn vòng tay nói:
- Hay lắm! Nếu Châu lão anh hùng muốn dùng quyền cước thì tại hạ cũng xin dùng quyền cước để hầu tiếp. Thật là một vinh dự lớn lao được học hỏi nơi một đại cao thủ, tên tuổi từ lâu làm chấn động cả võ lâm. Xin Châu chỉ dạy thêm cho và nhớ
hạ thủ lưu tình
cho kẻ hậu bối này.
Châu Trọng Anh gật đầu tỏ vẻ hài lòng đáp:
- Hay lắm! Hay lắm! Trần Tổng đà chủ bất tất phải khiêm nhượng!
Châu Ỷ bước tới cởi áo choàng cho thân phụ, miệng khẽ nói:
- Gã Tổng đà chủ này có lối điểm huyệt lanh lẹ và độc đáo chưa từng thấy. Phụ thân phải cẩn thận, đừng khinh thường hắn nhé!
Dặn dò thân phụ xong, Châu Ỷ lui ra sau, nhưng cặp mắt và đôi tai luôn luôn để ý, không rời đám người Hồng Hoa hội. Nàng sợ rằng họ thế nào cũng ra tay đột kích thân phụ nếu Châu Trọng Anh chiếm được ưu thế trong trận đấu. An Kiện Cường sợ nàng nóng tính sinh sự nên đứng gần để kềm giữ. Mạnh Kiện Hùng thì để ý đến Châu Trọng Anh, ngấm ngầm cố sức bảo vệ.
Châu Ỷ, Mạnh Kiện Hùng và An Kiện Cường hiểu rõ rằng trận đấu này có thể quyết định đến số phận của Thiết Đảm trang nên hết sức cẩn thận đề phòng. Nếu chẳng may sơ ý, cả Thiết Đảm trang cùng tánh mạng của bao nhiêu người đều trở thành tro bụi dưới tay của đám người Hồng Hoa hội kia. Châu Trọng Anh dường như còn hiểu rõ hơn nữa nên ông ta đã nghĩ ra điều sau cùng, điều kém may mắn nhất có thể xảy ra. Ông quay lại nhìn Châu Ỷ nói:
- Châu Ỷ, con! Nếu trận này cha có xảy tay mà bỏ mình, con đừng lưu luyến Thiết Đảm trang làm gì nữa. Ân oán dù cho có giải xong được chuyến này với Hồng Hoa hội cũng chưa hết đâu, sẽ còn Trấn Viễn tiêu cục, Vạn Khánh Nhuận và triều đình Mãn Thanh đến nữa. Những đại họa đó, Thiết Đảm trang chúng ta không sao tránh khỏi được đâu! Âu cũng là do số trời, do định mệnh an bài cả. Con cũng đừng nên oán trách ai hay thù hằn ai hết. Bỏ Thiết Đảm trang, con cấp tốc đem gia quyến về phủ Lang Châu nương náu với thúc thúc của con. Nhất là không được gây thêm oán cừu nữa. Không nên trái lời cha dặn.
Châu Ỷ lòng đau như dao cắt, nghẹn ngào không nói ra lời, chỉ gật đầu mà vâng lời phụ thân nàng dặn. Sau đó, Châu Trọng Anh lại gọi Mạnh Kiện Hùng và An Kiện Cường lại dặn dò mọi việc nếu chẳng may ông ta phải chết. Hai người hết sức xúc động, hứa sẽ làm theo.
Lúc ấy, Tống Thiện Bằng đã chỉ huy đám tráng đinh dọn dẹp xong bàn ghế, đồ đạc chừa ra một khoảng trống lớn ở chính giữa đại sảnh để làm võ đài. Đèn đuốc bốn phía được thắp lên sáng chưng như ban ngày.
Châu Trọng Anh bước vào giữa khoảng trống vòng tay nói:
- Xin mời Trần Tổng đà chủ!
Trần Gia Cách không cởi áo choàng. Với dáng điệu khoan thai, chàng bước ra đứng đối diện với Châu Trọng Anh. Tổng đà chủ Hồng Hoa hội tay cầm quạt giấy vẽ hình
Nại hàn tam hữu
, quạt qua quạt lại mấy cái cho mát rồi thong thả nói:
- Nếu trận tỉ thí này tại hạ bị bại dưới tay Châu lão anh hùng thì nhất định sẽ mời hết các vị Chưởng môn nhân tiền bối tại vùng Tây bắc để chứng kiến tại hạ cúi đầu tạ tội với Châu lão tiền bối và thề rằng từ nay và mãi mãi về sau không một bóng người Hồng Hoa hội nào được bước chân đến vùng đất Cam Túc này.
Châu Trọng Anh hỏi:
- Chẳng hay lời nói của Tổng đà chủ có tin tưởng được hay không?
Trần Gia Cách nhướng cặp lông mày như lá liễu nói:
- Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy. Lời của vãn bối như dao chém đá, xin lão anh hùng cứ yên tâm!
Quay lại nhìn các đương gia, Trần Gia Cách nghiêm nghị nói lớn:
- Tất cả anh em Hồng Hoa hội nghe ta nói đây! Nếu chẳng may ta bị bại trận này thì từ nay về sau không một người nào lớn nhỏ được đặt trên đến vùng đất Cam Túc này nữa! Nghe rõ chưa?
Tất cả bang chúng Hồng Hoa hội đều đồng thanh hô lớn:
- Xin tuân theo mệnh lệnh Tổng đà chủ!
Trần Gia Cách gật đầu thỏa mãn rồi sau đó nhìn Châu Trọng Anh hỏi:
- Tại hạ cũng xin hỏi lại rằng nếu trường hợp Châu tiền bối lỡ tay sểnh miếng nhường tại hạ một chiêu thì Châu lão anh hùng có ý kiến gì không?
Châu Trọng Anh ngước thẳng đầu ra trước, khẽ vuốt chòm râu bạc thản nhiên cười ha hả mấy tiếng rồi đáp:
- Lẽ nào lại không! Rủi lão phu có thua thì cả Thiết Đảm trang lớn nhỏ mấy chục mạng xin giao hết cho Hồng Hoa hội mặc tình mặc sức, tự ý xử tử hết tất cả.
Trần Gia Cách nói:
- Hồng Hoa hội tuy là một tổ chức nhỏ bé nhưng ân oán rất phân minh, lẽ nào lại đi giết hại bao nhiêu người vô tội như thế? Kẻ hậu sinh chỉ xin đề nghị với tiền bối một điều kiện hết sức đơn giản mà thôi. Nếu vãn bối may mắn được tiền bối nương tay, chỉ xin lão tiền bối giao nạp ra người đã chỉ chỗ ẩn núp của Văn tứ ca cho bọn
ưng khuyển
của Càn Long bắt và dẫn đi, là lệnh lang đó thôi! Hồng Hoa hội sẽ đem lệnh lang về An Tây, một lòng đối xử tử tế, quyết không ngược đãi. Khi nào cứu được Văn tứ ca về đến nơi bình an vô sự thì sẽ phái người đem lệnh lang tới Thiết Đảm trang trao trả cho tiền bối, và bảo đảm một sợi lông chân cũng không bị suy suyển. Chỉ trừ trường hợp Văn tứ ca bị tổn thương đến tính mạng, lúc bấy giờ lệnh lang sẽ phải đền mạnh lại cho Văn tứ ca. Vãn bối nghĩ cách giải quyết thế này là hết sức công bình, chẳng hay lão tiền bối có tán thành không?
Nghe Trần Gia Cách nói đến việc bắt con mình làm con tin và trường hợp phải đền mạng cho Văn Thái Lai, Châu Trọng Anh bỗng động mới thương tâm, xót tình phụ tử, mặt đỏ, lệ tràn, râu tóc dựng ngược hết cả lên. Ông ta lấy tay thủ thế nói:
- Bất tất phải nói nhiều lời làm gì! Cứ thử sức nhau trước đã, hơn thua rồi sẽ tính sau!
Trần Gia Cách bèn xếp quạt lại đút vào túi, cúi đầu vòng tay tỏ vẻ cung kính người tuổi tác nói:
- Xin mời lão tiền bối ra tay trước!
Mọi người thấy Trần Gia Cách có khí phách anh hùng, với phong độ nhàn nhã và tự nhượng; vẻ bình tĩnh thái nhiên, một mực giữ lễ với bậc cao nhân tiền bối; không có gì nóng nảy như sắp sửa xảy ra một trận quyết đấu với địch nhân thì ai nấy thầm ngợi khen, cảm phục trong lòng.
Châu Trọng Anh tay trái tung một quyền vào không khí, tay mặt cung ngay trước ngực. Đó là thế
Thỉnh thủ
, là phép lịch sự của con nhà võ trước khi giao đấu.
Biết đối phương tuổi trẻ muốn nhường cho mình ra tay trước cho nên
Thỉnh thủ
xong, Châu Trọng Anh không khách khí nữa, dùng một thế
Tả Xuyên Hoa Thủ
nắm tay mặt bảo vệ ngay bụng, tay trái đánh thốc một quyền nhanh như gió vào ngay giữa mặt Trần Gia Cách. Quyền chưa tới nơi mà kình lực đã nổi lên nghe vùn vụt khiến ai nấy đứng ngoài xem phải giật mình kinh hãi. Trần Gia Cách vẫn ung dung, thong thả dùng thế
Hàn Nha Bộ
, tay mặt đưa thẳng ra gạt ngọn quyền của Châu Trọng Anh sang một bên, tay trái đánh vòng một đường theo hình bán nguyệt, tréo vào hông đối phương theo thế
Đơn Phụng Triều Dương
, một tuyệt chiêu của Thiếu Lâm.
Châu Trọng Anh thầm kinh ngạc. Ông không ngờ Trần Gia Cách không những chỉ biết sử dụng tuyệt kỹ ấy của Thiếu Lâm, mà còn sử dụng đến mức cao siêu đến như vậy. Ông ta tung mình lên không tránh né, buột miệng khen:
- Tuyệt diệu!
Không dám khinh thường, Châu Trọng Anh liên tiếp sử dụng hai thế
Huỳnh Anh Lạc Giá

Hoài Trung Bão Nguyệt
tấn công như vũ bão.
Trần Gia Cách vẫn điềm tĩnh, dùng quyền pháp của Thiếu Lâm mà chống trả; tấn thối theo đúng quy tắc; đánh đỡ có phương pháp; khi công khi thủ... Có thể nói là võ nghệ của Thiếu Lâm chàng ta mười phần thuần thục cả.
Hai bên đánh trên 50 hiệp mà vẫn không phân thắng bại, không ai lướt được ai một thế nào cả. Người đứng ngoài mà nhìn vào cuộc đấu sẽ tưởng rằng cả hai đều là người xuất thân cùng một phái.
Đánh thêm 50 hiệp nữa, sự tương đồng của hai bên càng bộc lộ thêm rõ rệt hơn nữa. Suốt 20 tu luyện trong Thiếu Lâm, công phu của Châu Trọng Anh đã đạt được đến mức
Thần hóa cảnh giới
, có khả năng
tay đánh rúng động

chân đá gió vù
mà môn phái Thiếu Lâm gọi là tâm khoái, nhãn khoái, thủ khoái, thân khoái, bộ khoái, không thể nào diễn tả hay đo lường nổi.
Vì vậy, Châu Trọng Anh càng đánh càng lẹ; khi công, khi thủ, khi thôn, khi thô, luân chuyển không hề sai trật; lòng nghĩ sao, tay đánh y hệt như vậy, như một bản đàn uyên thâm huyền diệu. Thoáng một cái, Châu Trọng Anh đã thi triển được hết quá nửa 37 bài quyền đầu của Thiếu Lâm.
Thế nhưng mặc cho Châu Trọng Anh mặc sức ra chiêu lanh lẹ, độc đáo đến thế nào, Trần Gia Cách cũng không bị lép vế một tí nào cả.
Đột nhiên Châu Trọng Anh hét lớn, toàn thân ông ta nghiêng qua một bên dùng một thế vô cùng dũng mãnh là
Biên nhận ty kích
khiến Trần Gia Cách phải thất kinh lùi lại một một bước. Nhưng chiêu thế của Châu Trọng Anh xuất quá lẹ, lại bao gồm cả chiều sâu cho nên dù Trần Gia Cách kịp thời thoái bộ, chiêu thế của Châu Trọng Anh vẫn theo đà nhắm Tổng đà chủ Hồng Hoa hội đánh thẳng xuống. Đám hào kiệt đương gia đứng ngoài thấy vậy ai nấy đều giật mình lo sợ.
Trước nguy thế, Trần Gia Cách tung mình lên không lộn ra sau tránh thoát được tuyệt chiêu của Châu Trọng Anh. Chân vừa chạm xuống đất, chàng nhún mình lướt tới phản công. Lần này Trần Gia Cách không dùng võ Thiếu Lâm chánh tông nữa mà lại sử dụng
Ngũ hành liên hoàn quyền
trong
Ngũ Thượng quyền thuật
; tay trái dùng thế
Ô Long Thể Qua
nhắm ngay bụng Châu Trọng Anh đánh vụt tới. Châu Trọng Anh quát lớn lên:
- Thế càng hay!
Đoạn ông ta tiếp tục dùng tuyệt kỹ của Thiếu Lâm để chống đỡ. Trao đổi thêm chừng 10 hiệp nữa, Trần Gia Cách lại đổi sang thế
Bát Quái Du Thân chưởng
, hễ chưởng đánh ra đâu thì người Trần Gia Cách cũng tiến theo đó, lanh lẹ không thể nào tưởng tượng được.
Dưới ánh đèn đuốc của đại sảnh mường tượng như có mấy chục cái bóng qua lại. Toàn thân Trần Gia Cách như bay nhảy khắp nơi trong đấu trường; mới thấy bên này đã biến qua bên kia; vừa thấy đàng sau đã hiện ra đàng trước... Hai vạt áo của chàng tựa như hai cánh bướm bay lượn giữa trời xuân. Trông chàng có vẻ như đang biểu diễn một vũ điệu mê ly hơn là thi triển võ công.
Châu Trọng Anh không chút bấn loạn. Trần Gia Cách đánh đến đâu ông ta chống đỡ đến đó. Võ công của Trần Gia Cách cho dù biến ảo kỳ diệu và hết sức độc đáo nhưng vẫn không làm sao áp đảo được Châu Trọng Anh.
Đánh thêm vài hiệp nữa, Trần Gia Cách lại đổi chiêu thức, dùng một thế
Như Phong Tại Hải
trong Thái Cực quyền tấn công. Quyền đánh ra trông rất nhẹ nhàng nhưng trên thực tế rất là hiểm ác. Đó là sở trường của Thái Cực quyền,
dụng nhu chế cương, dụng nhược thắng cường
.
Châu Trọng Anh không chút nao núng, hễ Trần Gia Cách tung ra quyền nào thì ông ta gạt quyền đó đồng thời lại đánh trả lại một quyền. Hai bên cứ thế mà quần nhau, chẳng ai chịu kém ai.
Cả hai bên Hồng Hoa hội lẫn Thiết Đảm trang đứng ngoài xem mà say mê đến độ quên cả chớp mắt. Võ công cả hai bên đều cao diệu, nhưng chiêu thức của Châu Trọng Anh thì mọi người còn hiểu được nhưng của Trần Gia Cách thì thật là khó hiểu, không biết chàng ta rèn luyện được võ công từ đâu mà tinh vi, kỳ diệu đến thế. Nhiều bộ pháp và chiêu thức Trần Gia Cách thi triển có thể nói rằng tất cả mọi người chỉ mới được thấy lần đầu. Mà kiêm thông được cả hai thủ pháp của Thiếu Lâm và Thái Cực thì có lẽ Trần Gia Cách là người duy nhất.
Châu Trọng Anh càng đánh càng hăng, sức lực chẳng kém gì thanh niên. Có thể nói trong đời chưa bao giờ tìm được một đối thủ lợi hại, xứng tay như Trần Gia Cách cho nên ông ta cảm thấy hứng thú vô cùng. Trần Gia Cách cũng ngầm kính phục vị chủ nhân Thiết Đảm trang. Danh từ
Châu lão anh hùng
không phải chỉ là ngẫu nhiên mà ông ta có được.
Một già, một trẻ, quyền qua cước lại, chưởng phong đỏ rực lên khắp đấu trường. Ai cũng thấy rõ, chỉ cần một sơ hở nhỏ là sự thắng bại sẽ hiện ra ngay. Đánh thêm 30 hiệp nữa cũng vẫn
kẻ tám lạng, người nửa cân
.
Trần Gia Cách bỗng nhiên dùng một thế
Đảo Bối Hầu
, rồi dùng võ công Thiếu Lâm pha với võ công Thái Cực, lại kèm theo 36 thế
Dương Quyền Đại Cầm Nã
, luôn cả bốn thứ quyền pháp họ Nhạc
Phân Trợ Thế Cốt thủ
cũng được Trần Gia Cách đem ra sử dụng để cố mà tranh thắng.
Tuy chỉ sử dụng duy nhất có tuyệt kỹ của Thiếu Lâm, Châu Trọng Anh vẫn giữ được thế quân bình mặc dù thủ nhiều hơn công theo phương pháp
Bất biến ứng vạn biến
, mục đích là giữ cho vững để chiếm lấy ưu thế và thắng lợi lúc tàn cuộc.
Châu Trọng Anh nhận xét thấy rằng tuy võ công của Trần Gia Cách hết sức tinh vi và cao diệu. Theo thời gian, trong võ lâm sẽ không còn người nào là đối thủ của chàng. Tuy nhiên hiện tại so với ông ta, Tổng đà chủ Hồng Hoa hội vẫn còn kém ba phần hỏa hầu. Mà rèn luyện được tuyệt kỹ Thiếu Lâm đến trình độ như ông ta thì trên võ lâm hiện nay chưa chắc đã có được người thứ hai. Đồng thời kinh nghiệm chiến trường suốt mấy chục năm đi lại trên võ lâm như ông ta cũng chẳng có được mấy kẻ trong thiên hạ. Vì vậy, Châu Trọng Anh rất tự tin rằng ông có cơ hội chiến thắng nếu trận đấu kéo dài. Mà cho dù ông không thắng nổi Trần Gia Cách, ông vẫn có đủ sức để thủ hòa.
Thình lình, chân trái Châu Trọng Anh bước tới một bước, tay trái nắm lấy vạt áo của Trần Gia Cách theo thế
Thản Đán Thiết Chưởng
đồng thời nhắm ngay bàn quan của chàng mà đánh ra một quyền hết sức mạnh bạo, có sức nặng đến cả nghìn cân.
Bị đánh quá đột ngột, Trần Gia Cách vô phương đỡ gạt và cũng hết đường tránh né. Trong lúc cấp bách, Trần Gia Cách hét lên một tiếng thối lui được ra đàng sau đồng thời tung ra một quyền để hóa giải chiêu thức của Châu Trọng Anh, nhưng vạt áo của chàng bị xé toạc một đường dài.
Châu Trọng Anh cười hỏi:
- Hy sinh vạt áo à?
Trần Gia Cách mặt mũi đỏ bừng, giơ ngón tay điểm thẳng vào
Nhuyễn ma huyệt
của Châu Trọng Anh. Ông ta vừa tránh khỏi thì Trần Gia Cách lại tiếp tục phóng luôn một lượt ba quyền trong chớp nhoáng mà đánh tới. Mọi người trố mắt nhìn vì quyền pháp của Trần Gia Cách thật lạ lùng, chưa một ai bao giờ nghĩ tới chứ đừng nói là biết qua. Trong khi ai nấy đều nặn óc suy nghĩ thì quyền của Trần Gia Cách bỗng nhiên biến thành chỉ, tìm những trọng huyệt trên người Châu Trọng Anh mà điểm.
Châu Trọng Anh khi đỡ, khi tránh, hai tay nhanh nhẹn, luôn bảo vệ các huyệt đạo trên mình. Điểm không trúng, Trần Gia Cách hai tay liên tiếp phóng chưởng ra. Ai nấy đều thấy rõ ràng là chàng sử dụng Bát Quái Chưởng, nhưng khi chưởng pháp được thâu hồi trở lại thì lại chẳng khác gì
Thái Cực quyền
.
Mọi người đều hoa cả mắt lên, không biết đâu mà lường nổi, đâu là chưởng, đâu là quyền hay đâu là chỉ. Châu Trọng Anh phải luôn luôn chú ý vào đôi tay của Trần Gia Cách hết sức kỹ càng mà không dám lơ đễnh.
Nguyên lai võ công Trần Gia Cách vừa đem ra sử dụng là
Bách Hoa Thố Quyền
của phái Thiên Trì do Thiên Trì Quái Hiệp Viên Sĩ Tiêu sáng chế ra. Thuở nhỏ, ông ta hễ nghe đâu có võ nào hay, bất luận là của ai hay môn phái nào là đều tìm đến học cho bằng được với mọi cách. Càng lớn, võ nghệ của Viên Sĩ Tiêu càng siêu việt, ông đã rèn luyện được hầu như tất cả võ công của các môn phái chính tông đến mức thượng thừa, đồng thời lại có được một vốn kiến thức
khổng lồ
. Ông ta nhận thấy võ công của bất cứ một môn phái nào đều có một đặc điểm riêng biệt, và khi sử dụng đều có hữu hiệu như nhau cả, có khác chăng là chỉ hình thức. Vì vậy, ông rút tỉa tất cả những tinh hoa của võ thuật của các phái mà nghiên cứu ra
Bách Hoa Thố Quyền
, và tự mình lập riêng cho mình một môn phái. Có thể nói, khi ấy trên võ lâm không còn ai là đối thủ của Viên Sĩ Tiêu nữa. Tuy nhiên, ông cũng đã chán những chuyện ân oán trên giang hồ nên lui mình về ẩn cư trên đỉnh núi Thiên Trì thuộc tỉnh Tân Cương mà lập ra môn phái Thiên Trì, định sẽ thâu môn đệ truyền thụ võ công.
Nhưng
Bách Hoa Thố Quyền
không phải dễ học. Một người trước khi học được tuyệt kẽ này phải tinh thông hết các ngón võ công tuyệt kỹ của các môn phái chánh tông khác thì mới hiểu được chiêu thức và biến hóa của nó. Có thể nói, tất cả các chiêu thức của
Bách Hoa Thố Quyền
là các chiêu thức của các phái võ khác gom lại. Nhưng sự biến hóa của nó thì không biết đâu mà lường được. Như Viên Sĩ Tiêu, nếu ông giao đấu với một cao thủ phái nào, ông sẽ dùng ngay chiêu thức của môn phái đó mà đối phó. Nhưng sau đó, ông sẽ tùy theo trường hợp mà cải biến chiêu thức, không nhất định phải bám lấy bất cứ một quy tắc nào để cho địch thủ có thể nhận ra, biết trước mà đề phòng.
Vì vậy, từ khi sáng lập ra môn phái, ông chỉ thâu nhận được duy nhất một người là Trần Gia Cách, là người thấu triệt được cái nguyên lý và triết lý của võ học, không bị gò bó vào một phương pháp cố định và bị hoàn toàn lệ thuộc vào lý thuyết của bất cứ một môn phái nào.
Khi đã tinh thông
Bách Hoa Thố Quyền
còn phải rèn luyện thêm các môn như khinh công, điểm huyệt, cầm nã công, cũng như các ngoại gia hay nội gia công phu nữa.
Từ khi nghiên cứu ra
Bách Hoa Thố Quyền
, Viên Sĩ Tiêu chưa hề có cơ hội áp dụng với ai cả, và cũng chưa truyền dạy cho ai ngoài Trần Gia Cách. Vì vậy, lần tỉ thí với Châu Trọng Anh này, Trần Gia Cách nhân tiện đem
Bách Hoa Thố Quyền
ra thi triển, vừa là để thí nghiệm, vừa là để trau giồi. Và cũng vì thế mà mọi người ai nấy đều ngạc nhiên khó hiểu, vì chỉ được trông thấy lần đầu.
Từ lúc Trần Gia Cách đem
Bách Hoa Thố Quyền
ra sử dụng, Châu Trọng Anh phải chống đỡ hoa cả mắt và né tránh liên hồi, không mấy khi được dịp phản công. Châu Trọng Anh tưởng cố gắng thủ vững sẽ chiếm được ưu thế lúc tàn cuộc, nhưng Trần Gia Cách càng đánh, chiêu thức càng biến ảo khôn lường, mà chiêu số thì thật là vô hạn định.
Châu Ỷ đứng ngoài xem mà lòng hồi hộp vô cùng. Nàng biết nếu cứ tiếp tục theo điệu này thì không sớm thì muộn, thân phụ nàng phải bại mất thôi!
Phe Hồng Hoa hội trái lại, ai nấy đều vui sướng vì thấy Tổng đà chủ của họ đã chiếm được ưu thế, và cái thắng có thể nói đã nắm chắc được trong tay.
Vừa khi ấy, hai bóng người từ đâu chạy vào đại sảnh nói lớn:
- Xin dừng tay lại đã!
Mọi người ngạc nhiên đưa mắt nhìn hai người. Thì ra đó là Lục Phỉ Thanh và Triệu Bán Sơn. Đám người Hồng Hoa hội đang định đem đầu đuôi mọi việc kể hết cho hai người thì bên ngoài có tiếng người kêu hớt ha hớt hãi:
- Mau mau xách nước thật nhiều! Lửa cháy! Lửa cháy! Cháy khắp cả tứ phía rồi!
Mọi người thất kinh liếc mắt nhìn ra bên ngoài thì xa xa, quả nhiên có ánh lửa hồng đang phừng lên dữ dội. Mạnh Kiện Hùng, An Kiện Cường và Tống Thiện Bằng cả kinh chạy vội ra ngoài để chỉ huy, điều động gia nhân tráng đinh đi cứu hỏa.
Lúc ấy, trận so tài giữa Châu Trọng Anh và Trần Gia Cách đã đến hồi quyết liệt. Đang bị Trần Gia Cách dùng
Bách Hoa Thố Quyền
đánh mười phần nguy ngập lại nghe tin sơn trang đang bị hỏa hoạn cần cấp cứu, hình ảnh mấy chục người của Thiết Đảm trang như sắp chết cháy hiện ra trong đầu ông ta. Dù bình tĩnh cách mấy, vị anh hùng Thiết Đảm trang cũng không sao giữ được thái độ bình thản như trước. Ông bỗng khựng lại như người bị lạc thần. Chợt nghe gót chân trái nhói lên một cái, Châu Trọng Anh giật mình, không sao đứng vững được, liền lảo đảo và ngã xuống đất như một thân cây cổ thụ bị cuồng phong bứng tróc gốc. Châu Ỷ vội vàng chạy tới ôm chặt lấy thân phụ, đỡ ông ta dậy dìu đứng cho vững, miệng không ngớt gọi:
- Gia gia!
Châu Trọng Anh vẫn im lặng không một lời. Châu Ỷ một tay nắm chặt Châu Trọng Anh, một tay cầm ngang đao bảo vệ, sợ địch nhân thừa cơ ám hại phụ thân mình.
Trần Gia Cách sau khi điểm trúng
Phù Hy huyệt
khiến cho Châu Trọng Anh bị tê liệt gân chân thì vẫn thản nhiên đứng y nguyên một chỗ, mặt không lộ một nét gì cả. Chàng cũng không thừa cơ nguy của đối phương mà ra tay ám hại. Sau khi Châu Ỷ dìu Châu Trọng Anh đứng vững lại rồi, Trần Gia Cách mới vòng tay, từ tốn nói:
- Xin đa tạ Trang chủ đã nương tay cho!
Châu Trọng Anh cố che giấu nỗi đau khổ, gượng cười nói:
- Quả thật là
trùng dương sóng sau xô sóng trước
. Lão phu không phải là đối thủ của Tổng đà chủ, vậy cho lão phu được lên tiếng chịu thua. Giữ lời hứa, lão phu sẽ giao con trai lại cho Hồng Hoa hội. Xin mời Tổng đà chủ cùng các vị đương gia!
Châu Ỷ đưa Châu Trọng Anh ra khỏi đại sảnh, đám người Hồng Hoa hội theo bước Trần Gia Cách, nối gót theo sau...
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Thư Kiếm Ân Cừu Lục.