Chương 10.1
-
Thượng Cung
- Vân Ngoại Thiên Đô
- 6527 chữ
- 2020-01-31 11:00:51
Dịch giả: Lê Sông
Nhà xuất bản: NXB Văn Học
Ta cùng đám phi tần sốt ruột đứng bên ngoài đợi tin, chỉ thấy các ngự y ra ra vào vào, không khí căng thẳng vô cùng, có người còn mở sách cổ ra tra cứu. Cuối cùng ngự y đưa đến một kết luận, Sư Quý phi lần này sảy thai tự nhiên, không vì nguyên do gì khác.
Chúng phi tần ai nấy thở phào nhẹ nhõm, tuy vẫn phải giữ vẻ mặt bi thương, nhưng đã có mấy kẻ túm tụm nhỏ to:
Có lẽ mấy hôm nay trời lạnh, Hoàng thượng lại suốt ngày lui tới Túy Hà các, nên Sư Quý phi mệt nhọc quá độ chăng?
Có phi tần khác nghe nói vậy, không nhịn được cười khẽ một tiếng, lại lập tức trở về bộ dạng buồn bã mà rằng:
Quý phi nương nương của chúng ta thật không may.
Hoàng thượng cùng Hoàng hậu từ tẩm cung bước ra, sắc mặt cả hai đều nặng nề, đặc biệt là Hoàng thượng, da mặt sạm đi, mày cau lại thành hình chữ xuyên[1]. Hoàng hậu nắm lấy tay hắn, nhỏ giọng khuyên nhủ, thấy chúng phi tần đứng cả bên ngoài, bèn thay Hoàng thượng hạ chỉ:
Sư Quý phi hôm nay mệt rồi, chúng tỷ muội ngày khác hãy đến thăm?
[1]. Chữ xuyên III
Ta nôn nóng tiến ra phía trước, hỏi:
Quý phi tỷ tỷ thân thể có được khỏe không ạ?
Hoàng hậu khẽ lắc đầu, giọt châu Yên Hà trên chiếc trâm phượng đung đưa trước trán, nàng ta âu sầu liếc nhìn Hoàng thượng, lại quay sang ta nói:
Ninh muội muội thật có lòng, sức khỏe của Quý phi nương nương không có gì đáng ngại nữa, chúng tỷ muội cứ về nghỉ ngơi đi!
Hạ Hầu Thần lạnh lùng quét mắt qua khắp lượt phi tần, ánh mặt trời xán lạn ngoài điện dường như phút chốc bị lu mờ. Tuy không bị hắn nhìn đến, nhưng không hiểu vì sao, ta cứ cảm thấy ánh nhìn ấy tựa như mũi tên đâm xuyên qua mặt mình, khiến da đau âm ỉ. Ta phải hết sức kìm chế mới giữ cho biểu cảm của mình được tự nhiên, phải không ngừng nhắc nhở bản thân rằng, chỉ là quá đa nghi sinh ra ám ảnh mà thôi.
Chúng phi tần thấy sắc mặt Hoàng thượng không mấy hiền hòa, chẳng nói một lời, ai nấy đều muốn tránh đi, bèn mau chóng cáo biệt Hoàng thượng Hoàng hậu rồi giải tán. Ta hiển nhiên cũng theo sau bọn họ, chỉ mong rời khỏi Túy Hà các càng nhanh càng tốt.
Đâu ngờ cửa vườn Túy Hà các đã ở ngay trước mắt, bỗng nghe Hạ Hầu Thần cất giọng:
Ninh Chiêu hoa, ngươi ở lại!
Ta chầm chậm dừng lại, rủa thầm: Ban nãy khi thỉnh an sao không cất lời, lại đợi đến lúc này mới lên tiếng? Nhớ lại giọng điệu lạnh giá của hắn, lòng ta cứ như con chuột nhắt sợ gặp mèo, lo lắng không yên. Ta vừa quay lại vừa thấp thỏm, đứng ngay trên thềm ngọc hướng về phía Đế Hậu mà hành lễ. Hoàng hậu thần thái đoan trang như thường, nhưng không giấu được một tia hoảng loạn trong ánh mắt. Sợ rằng bản thân ta chưa bị hắn nhìn thấu, chính Hoàng hậu đã làm lộ manh mối thì hỏng.
Viên ngọc phỉ thúy trên đầu khẽ chạm vào búi tóc theo từng bước chân, ta cảm nhận được cả trọng lượng của chiếc trâm ghim vào búi tóc. Thường ngày không để ý, hóa ra cây trâm vàng này lại nặng đến thế?
Tiếng khóc lóc từ trong phòng riêng của Sư Viên Viên đã biến mất, có lẽ uống thuốc an thần do thái y chuẩn bị, cô ta đã ngủ thiếp đi, Túy Hà các thoang thoảng vị thuốc nồng đượm.
Cuối cùng ta đã bước tới trước mặt Hoàng hậu, cúi mình hành lễ:
Hoàng thượng, ngươi muốn căn dặn thần thiếp điều gì?
Giờ lâu chẳng nghe hắn trả lời, vẫn là Hoàng hậu lên tiếng đáp:
Bình thân đi.
Ta thấy khiếp sợ cái không khí tịch mịch khiến người ta phải nín thở này. Cảm giác bất định quen thuộc lại dấy lên, chính là cảm giác khiến ta khó chịu nhất.
Hoàng hậu khẽ nói:
Hoàng thượng, hôm nay trời đã tối, có chuyện gì, hay để sớm mai hãy nói?
Lúc này, nàng ta không còn dám gọi y là
biểu ca
nữa.
Hạ Hầu Thần đáp:
Nếu Hoàng hậu mệt, cứ về cung nghỉ trước, trẫm muốn nhờ Ninh Chiêu Hoa làm chút việc…
Lại phải một mình đối mặt với hắn sao? Nghĩ đến những chuyện trước đây, ruột ta bỗng chốc quặn thắt, nhưng không dám thốt ra nửa câu phản đối, chỉ cúi đầu thưa:
Hoàng thượng, nếu là chuyện thần thiếp làm được, có chết thần thiếp cũng không chối từ…
Hạ Hầu Thần khoát tay một cái, ra ý cho ta ngừng lời, quay người vào thẳng tẩm cung của Sư Viên Viên. Trong tiếng hô bãi giá của tên thái giám, Hoàng hậu rời đi càng lúc càng xa.
Thân người Hạ Hầu Thần dong dỏng cao tựa thân trúc, vạt hoàng bào theo bước chân tung bay, đi đến đâu, bọn cung nhân đều cúi đầu không dám nhìn tới đó. Đầu óc ta căng ra, rốt cuộc hắn đã biết được điều gì, hay chỉ là muốn thăm dò mà thôi?
Ta chưa từng đến phòng riêng của Sư Viên Viên, lần trước đến sửa áo chẳng qua chỉ đứng ngoài và ngồi ở phòng kế bên. Vừa bước vào, lập tức cảm thấy một luồng hơi ấm phả vào mặt, trong mùi hương trầm xen lẫn vị thuốc ích mẫu, cùng vài hương là lạ khác, có lẽ đều là những thảo dược có lợi cho thai phụ, được ngự y điều chế công phu.
Trướng xanh rủ nhẹ, trong phòng có mấy cung nhân lặng lẽ đứng hầu hai bên, thấy Hoàng thượng đi vào, đều quỳ xuống hành lễ nhưng không dám lớn tiếng náo động. Một cung nữ lớn có vẻ vai vế bước ra, nhỏ giọng bẩm báo:
Hoàng thượng, nương nương vừa mới thiếp đi.
Hạ Hầu Thần đáp:
Các ngươi đều lui cả ra.
Cung nữ kia liếc ta một cái, rồi dẫn những cung nữ khác ra ngoài.
Ban nảy khi trong phòng đông người thì không sao, nay người vừa đi khuất, cảm giác tịch mịch đáng sợ kia lại dâng lên. Hắn đứng bên trướng xanh, ngắm nhìn bóng dáng nữ nhân bên trong, dường như ngây dại cả người. Ta đứng phía sau, chẳng biết nên phản ứng thế nào, chỉ sợ sơ sểnh một chút, sẽ để lộ vẻ hoảng loạn ra bên ngoài.
Tuy ta không tin lời Ninh Tích Văn từng nói, nhưng giờ đây đứng sau lưng Hạ Hầu Thần, cái cảm giác hoang mang lúng túng lại dâng lên không tài nào kiểm soát được. Tuy hắn quay lưng lại, nhưng cứ như sau đầu có đôi mắt, đương mở chòng chọc dò xét từng cử động của ta vậy.
Ta đưa mắt nhìn quanh một lượt, thấy chiếc ghế tựa gỗ từ đàn
của mình
được bày trong một góc, chiếc ghế chỉ quét sơn mỏng để lộ màu nâu vốn có của gỗ từ đàn, dưới ánh đèn dường như tỏa ra ánh sáng mờ mờ, thân ghế rộng rãi phủ một mảnh chăn gấm thêu, chỗ để chân chạm khắc hoa văn thảo mộc, có lẽ chính là nơi dùng để đặt than hồng sưởi ấm. Nghe nói chiếc ghế này được thiết kế rất đặc biệt, chỉ cần để vào một ít than, là đủ ủ ấm một thời gian dài, nếu lửa tàn, thiết bị giữ ấm trong chân ghế cũng sẽ giúp giữ lại hơi ấm thêm một lát.
Chiếc ghế tựa này giống như nhiều loại vật dụng khác trong cung, trông tinh xảo xa hoa khiến người ta không tránh khỏi bị mê hoặc, chỉ muốn chiếm làm của mình.
Hai ngày trước, Quý phi và trẫm cùng nằm trên ghế, nhờ có hơi ấm của cỏ ích mẫu từ dưới ghế xông lên, trẫm vốn chịu lạnh kém, cũng cảm thấy ấm áp dễ chịu nhiều, chẳng trách Quý phi lúc nào cũng thích ngồi trên đó.
Giọng nói hắn quyện trong hương trầm bay vào tai ta, trong phòng tuy ấm áp như mùa xuân, nhưng ta bỗng thấy có tia lạnh chạy trong người, bất giác run rẩy, bèn miễn cưỡng đáp:
Tiếc là thần thiếp chẳng có cái phúc ấy.
Không cần ta nói nhiều, tự hắn sớm đã sai người điều tra rõ ràng, chiếc ghế này vốn là tặng phẩm Hoàng hậu ban cho ta. Trong lòng hắn dĩ nhiên sẽ sinh nghi, nhưng có lẽ không tin ta dám hạ độc thủ vào ghế này, bởi chiếu theo con người ta, nếu muốn ra tay, chắc chắn không bao giờ để lại dấu vết.
Nhưng ta biết rằng, trong cung ai ai cũng hay ta xuất thân là Thượng Cung, nếu chẳng may nội cung xảy ra chuyện gì, đặc biệt là chuyện có liên quan đến Sư Viên Viên, thì kẻ đầu tiên bị lôi ra tra xét, chính là ta. Nếu đã vậy, sao không cố tình để lộ chút vết tích khiến bọn chúng nghĩ rằng ta bị người khác ám hại, hoặc bên trong còn uẩn khúc gì khác?
Hạ Hầu Thần rảo bước đến bên ghế, chầm chậm ngồi xuống, đặt chân lên chỗ để chân, khẽ nhắm mắt lại:
Đã một ngày một đêm mà chiếc ghế này vẫn còn âm ấm, thật thần kỳ.
Mặt ta để lộ mấy phần ghen tỵ:
Bảo vật thế này dĩ nhiên chỉ có Hoàng hậu hoặc Quý phi nương nương mới xứng được sử dụng.
Giọng Hạ Hầu Thần có vẻ uể oải:
Trẫm biết ngươi vốn có bệnh phong thấp, đã xin Hoàng hậu thưởng cho cái ghế này từ trước…
Ta đang định quỳ xuống nói mình không dám, đột nhiên hắn đứng bật dậy, hỏi dồn:
Chẳng lẽ ngươi nhường một chút không được? Nàng ấy đang mang trong mình giọt máu của trẫm, ngươi không thể nhường được sao?
Ta cảm thấy mồ hôi lạnh ướt đẫm sống lưng, nhưng trong lòng thở phào một hơi. Quả nhiên hắn chỉ đang thăm dò, hắn nổi trận lôi đình, thử hỏi có ai ở vào hoàn cảnh này mà ruột gan không rối bời? Ta điều chỉnh lại biểu cảm cho có phần sợ hãi ấm ức, mở to đôi mắt nhìn thẳng vào hắn:
Hoàng thượng, người nói gì vậy? Người đang nghi ngờ thần thiếp ư? Người nghi ngờ điều gì? Người cho rằng thần thiếp rắp tâm hãm hại giọt máu của người, vậy sao còn không hạ lệnh tru di cửu tộc nhà thần thiếp đi? Dẫu sao cửu tộc nhà thiếp từ lâu đã tan tác cả rồi!
Giọng nói thoát ra từ cổ họng mang theo đôi chút run rẩy, đôi mắt chứa chan giọt lệ, nói đến cuối câu, thời nghẹn ngào không thốt lên tiếng nữa. Trong đầu ta hiện ra cảnh tượng cái ngày định mệnh ấy, trang viên bị quan binh bao vây, các bà vú già nháo nhác chạy trốn, phụ thân tập trung thê nhi lại một chỗ, gương mặt trắng bệch như giấy bản, chỉ nói được đúng một câu:
Ai giữ mệnh nấy đi thôi.
Ông dẫn theo tâm phúc đi ra cửa lớn, đón đầu đám quan binh, đại nương và mẫu thân dẫn theo đám con cháu, dưới sự bảo vệ của các tôi tớ trung thành, thoát ra đằng cửa sau. Cảnh tượng ngày ấy đã biết bao năm vùi chôn tận đáy lòng, ta chưa bao giờ nhớ đến, ngày hôm nay nhằm ép lấy vài giọt lệ, bèn gắng gượng nhớ lại. Mẫu thân từng bảo ta: Con ơi, đừng khóc con à, khóc lóc chỉ khiến người ta chán ghét mà thôi… Mẫu thân đâu có biết, đôi khi nước mắt là thứ vũ khí vô cùng lợi hại.
Hạ Hầu Thần nhắm mắt lại, tựa mình lên ghế, khẽ cất giọng trong tiếng thổn thức của ta:
Trẫm không muốn nhìn thấy vẻ mặt này của ngươi, bởi nó khiến trẫm bị mê hoặc. Trẫm càng không dám nghe tiếng ngươi nói, trẫm không hiểu ý ngươi là gì, gương mặt kia lúc nào là chân tình, lúc nào là giả dối. Nhưng ngươi đừng quên, ngươi chỉ ở trong cung khoảng mười năm, còn trẫm thì cả đời này sống tại nơi đây…
Nghe đến đây, ta nén tiếng thổn thức, mặc cho hai dòng lệ ròng ròng, trong màn nước mắt, thấy bóng dáng hắn mờ mờ tựa trên ghế, đôi mắt nhắm nghiền, vẻ vừa lãnh đạm vừa thản nhiên. Ta bất giác hiểu rằng, cho dù có thể hiện lôi cuốn đến đâu, hắn cũng không bao giờ coi ta là một con hát có tài, hắn hoàn toàn không tin! Ta thầm cười nhạt, thế thì đã sao? Ta đã bao giờ mong mỏi lòng tin của hắn? Cho dù không tin, hắn cũng chẳng thể tìm ra chút xíu chứng cứ nào chứng tỏ ta dính líu tới chuyện của Sư Viên Viên.
Lòng dù nghĩ thế, ta vẫn không dám để lộ vẻ bất bình ra mặt, chỉ khẽ khàng nức nở, pha vào trong thanh âm một chút mùi vị ấm ức, tin rằng nếu không phải hắn, không còn ai khác có thể phát giác suy nghĩ thực sự trong ta.
Ta tỏ vẻ chán nản nguội lạnh nói:
Nếu thần thiếp khiến Hoàng thượng phiền lòng đến vậy, chi bằng cáo biệt tại đây, Hoàng thượng đỡ phải chướng mắt.
Ta chưa bao giờ dám buông lời giận dỗi như vậy trước hắn, nhưng xem tình thế hôm nay hung hiểm như nằm trên lưỡi đao, hơi sơ sẩy thôi, tất sẽ mãi mãi không trở mình được nữa, chỉ có cách tung hết mọi thủ đoạn, dù phải nói ra những câu mạo hiểm như vậy cũng đành.
Hắn nhìn ta vẻ bực bội, ta chẳng chịu nhường, đưa mắt nhìn lại. Ta hiểu ra rằng bởi muốn làm một đấng minh quân, nên dù bị Thái hậu năm lần bảy lượt làm khó, y vẫn không lạm khai sát giới, chỉ dùng mưu thuật Đế vương hóa lớn thành nhỏ, hóa nhỏ thành không. Những tin tức lớn bé từ triều đình truyền tới cũng cho thấy hắn đang dốc sức làm một vị minh quân. Ta đang đánh cược, cược hắn sẽ không khai sát giới trong một tình cảnh chưa hề có chứng cứ xác thực.
Hắn bỗng nhiên bật cười, tiến lại gần, khẽ nói:
Ninh Vũ Nhu, ngươi đang thử thách lòng nhẫn nại của trẫm đấy ư? Ngươi tưởng trẫm không có cách nào trị ngươi? Ngươi không muốn nhìn thấy trẫm nữa phải không? Được, đêm nay trẫm muốn nghỉ tại Lan Nhược hiên. Trò vui giữa hai ta, đã lâu lắm rồi không chơi lại, ngươi nói có phải không?
Khi nói câu này, khóe miệng hắn khẽ nhếch lên, cả gương mặt bỗng chốc tà mị lạnh lùng, nỗi khiếp sợ quen thuộc từ tận đáy lòng lại dâng lên chiếm cứ trái tim ta. Ta giật mình, nhận ra gương mặt lúc này có lẽ đã để lộ cảm xúc thật, bởi hắn đột nhiên cười lên khoái trá, đưa tay nâng cằm ta lên:
Xem kìa, đây mới là bộ mặt thật của ngươi, không phải sao?
Ta lập cập đáp:
Hoàng thượng, nếu người muốn tra xét chuyện của Sư nương nương, thần thiếp xin dốc sức khuyển mã phò trợ, thần thiếp…
Hắn càng cười ra tiếng:
Ninh Chiêu hoa, chuyện này ai đúng ai sai, trong lòng trẫm rõ như ban ngày. Ngươi vốn dĩ không hiểu một điều, trẫm sinh ra ở đây, lớn lên từ đây, chẳng lẽ ngươi cho rằng hai mươi mấy năm sống trên đời của trẫm đem đổ sông đổ bể cả ư?
Lòng ta lạnh ngắt, cảm thấy sợ hãi ban nãy dần dần tiêu tan, bởi một nỗi sợ khác dâng lên thay thế: Chẳng lẽ từ đầu hắn đã biết Hoàng hậu liên thủ với ta? Vậy mà hắn khoanh tay đứng nhìn, lại còn thêm dầu vào lửa?
Chẳng lẽ hắn cũng không muốn đứa bé kia được sinh ra trên đời? Hoặc giả đến con ruột của mình hắn cũng đang tâm lợi dụng?
Một đứa trẻ sinh ra trong hoàng tộc, nếu nhằm lúc thời cơ không thích hợp thì vận mệnh chẳng khác nào nhánh lục bình trôi sông, không dễ gì được sinh ra rồi lớn lên khỏe mạnh bình thường.
Ta khẽ nói:
Hoàng thượng, thời tiết gần đây tuy giá rét, nhưng lan trong vườn thần thiếp rất lạ lùng, loài Nhụy Điệp vốn sợ lạnh mà nay lại ra hoa. Người đời nói, hoa nở trái mùa, là điềm không lành. Hoàng thượng cho rằng, thần thiếp có nên nhổ cây Nhụy Điệp vốn quý giá hiếm hoi kia không? Hay là mặc cho nó nở hoa giữa giá lạnh, rồi bị gió đông làm cho héo tàn?
Hắn sững người, trên mặt lộ vẻ trầm tư, chợt ngoảnh mặt nhìn ra cửa sổ. Trong sắc đêm u ám, một cành trúc khẽ đu đưa lay động. Hắn hiểu nỗi ngờ vực trong tim ta. Hai chúng ta như những kỳ thủ cự phách, người ra quân này kẻ đáp quân kia, cùng bức đối phương vào đường cùng, hễ bị chiếu tướng, thì con cờ phải thế mạng chính là thứ vô vụng không hiểu thời thế nhất.
Tấm lưng ướt đẫm mồ hôi nay khô rang. Rốt cuộc ta đã cảm nhận được sự ấm áp dễ chịu trong phòng. Hắn là Thiên tử nắm quyền sinh sát cả thiên hạ, ta biết được càng nhiều, thì càng dễ bị hắn dồn đến cái chết bất cứ lúc nào. Nhưng không rõ vì sao khi
chiếu tướng
thành công, lòng ta lại dâng lên cảm giác khoan khoái kỳ lạ, cứ như con thiêu thân vốn biết sẽ bị lửa thiêu đốt, nhưng vẫn không ngừng xông vào chỗ chết. Bỏ đi thân phận vua tôi, ta và hắn chẳng khác nào kỳ phùng địch thủ.
Hoàng thượng, đêm đã về khuya, Sư Quý phi bệnh tình còn chưa giảm, rất cần Hoàng thượng ở bên bầu bạn, thần thiếp không phiền người nghỉ ngơi nữa, xin được cáo lui.
Ta cúi người hành lễ, lần này không chờ hắn nói
bình thân
, bèn chủ động đứng dậy, đi thẳng ra cửa phòng, đang chuẩn bị vượt qua tấm bình phong, lại nghe tiếng hắn từ sau lưng vọng tới:
Khu vườn chỗ ngươi thật lắm điều lạ, lan Nhụy Điệp nếu đã ra hoa, thì không được nhổ mất, trẫm muốn di giá đến xem…
Ta như muốn ngừng thở, lại nghe hắn nói tiếp:
Hôm nay trẫm quả thực không rảnh, trong vòng vài ba ngày nữa sẽ tới!
Ta từ từ bước qua bình phong chạm hoa, biết hắn không nhìn rõ mặt mình nữa, mới ngầm nghiến răng: Hắn nghĩ ra trò mới để giày vò ta! Hai ba ngày tới ta làm sao ăn ngon, ngủ yên cho được? Lúc nào cũng phải căng óc ra chờ đợi, đề phòng. Hắn nói đúng, hắn sống trong cung lâu hơn ta, hiểu sâu sắc lòng người, ngày ra pháp trường xử trảm không đáng sợ, mà kinh khủng nhất chính là chuỗi ngày chờ đợi cái chết, dài dằng dẵng, dằn vặt đủ điều.
Điều duy nhất ta được an ủi, ấy là hắn thực sự chưa nắm được chứng cứ trong vụ việc lần này.
Ra đến cửa vườn, một cơn gió lạnh ùa tới, sự hưng phấn của cuộc đấu trí ban nảy vừa nguội lạnh, lòng ta lại dấy lên một cảm giác bất an chưa từng có. Nếu hắn đã muốn làm cho ra lẽ vụ việc, tất phải tìm ra kẻ chết thay, mà ta lại chính là một trong những đối tượng thích hợp nhất, thêm nữa ta vừa biết được một bí mật của hắn, lẽ nào hắn không muốn trừ khử kẻ nắm rõ nội tình?
Đến nước này, chỉ còn cách bám chặt lấy Hoàng hậu, khiến nàng ta không thể thoát thân, mong cho Hạ Hầu Thần nể mặt Hoàng hậu, mở cho ta một con đường sống.
Việc này khiến nỗi sợ Hạ Hầu Thần ghé thăm nhạt bớt, ta còn đang bận nhớ lại từng chi tiết nhỏ trong vụ việc, xem liệu có bỏ sót dấu tích nào hay không?
Tố Khiết thấy ta trở về, đã sớm chuẩn bị nước nóng và lò sưởi, giúp đánh tan cái lạnh trên người chủ nhân, nó nói:
Đêm qua nương nương mới dứt cơn đau khớp, không nên để bệnh tình tái phát. Lúc nãy trước khi đi vì sợ cao thuốc làm Quý phi nương nương khó chịu, nên tắm rửa cho bay hết, nô tỳ mới sang xin ngự y một hộp cao khác, nương nương mau bôi đi thôi.
Lòng ta than thầm một tiếng, làm đủ mọi cách phòng bị thì đã sao, nếu hắn đã nhận định là ta, thì vẫn cứ là ta.
Thời ta còn làm Tuyển thị, Sư Viên Viên nhờ vào chiếc áo Bách điểu mà chiếm trọn cảm tình của Hạ Hầu Thần, tuy Hoàng hậu cho người ngầm ngăn trở, cũng khiến tình thế cam go một phen. Lúc ấy ta đã đoán biết, mâu thuẫn giữa Hoàng hậu và Sư Viên Viên tất càng lúc càng dữ dội. Đêm nọ vì thêu áo Bách điểu, ta từng ngồi kế bên phòng riêng của Sư Viên Viên, hai bên chỉ cách nhau có một bức tường mỏng, ngửi mùi hương Tiên Mao thoang thoảng bay ra từ phòng cô ta, loại cỏ này có tác dụng kích dục, tuy hơi độc nhưng sau khi sao khô lại trở nên vô hại, khiến người hít vào cảm thấy khoan khoái. Loại cỏ này trong cung không cấm dùng, có điều ít người biết Tiên Mao là thuốc dẫn của vô số thảo dược, có tác dụng tăng mạnh dược tính.
Vốn là tay lão luyện ở chốn cung đình, ta hiển nhiên biết nắm lấy tất cả thời cơ thích hợp. Mâu thuẫn giữa Sư Viên Viên và Hoàng hậu chính là một cơ hội lớn. Ta nhờ Khổng Văn Trân thi thoảng dâng cho Sư Viên Viên mấy món đồ mà Ty Thiện Phòng mới làm ra, mấy món đồ này không có gì đặc biệt, duy chỉ có một điềm khác, đó là các mộng gỗ được làm từ gỗ hắc hồ đào loại kém chất lượng, dùng ráp nối xen kẽ với gỗ đàn hương rắn chắc. Loại gỗ xấu này rất dễ hấp thu mùi trầm hương trong không khí, ví như một số nơi chùa chiền quanh năm khác không hề bay biến. Sư Viên Viên tuy mỗi lần Hoàng thượng đến mới đốt hương trầm, nhưng các món đồ mới không ngừng được Ty Thiết Phòng dâng lên đã dần dần thay thế hoàn toàn các đồ cũ. Những mộng gỗ làm từ Hắc hồ đào hấp thu hương cỏ Tiên Mao từng chút một, đã thâu nhập vào thì không dễ gì bay đi. Khoảng hai ba tháng sau, cô ta bầu bí ngày một lớn, thì không còn đốt loại trầm hương kia nữa.
Nhưng như vậy cũng đủ.
Tiên Mao chẳng qua là một loại thuốc dẫn mà thôi.
Nữ nhân trong cung, có ai mà không cạnh tranh giành giật? Với cá tính của Sư Viên Viên, bị ta thế chân đúng vào cái đêm đang ái ân mặn nồng với Thiên tử, cô ta thế nào chẳng nuôi hận trong lòng? Làm sao lại không để ý đến động tĩnh của ta? Ta xin ghế tử đàn của Hoàng hậu, đúng lúc Nguyệt Dung Hoa đến chơi, với bản tính của họ Nguyệt, đang lúc cuống cuồng tìm chỗ dựa, lại chẳng ngoe nguẩy chạy đến báo tin với Sư Viên Viên ngay?
Kỳ thực, ngay cái đêm ngồi thêu váy Bách Điểu, khi vội vàng đuổi theo xa giá tình cờ quay lại, nhìn rõ vẻ mặt Sư Viên Viên trong khoảng khắc khép cánh cửa, ta đã hiểu rõ, phải đi trước một bước mà bảo vệ lấy mình.
Do đó ta nhờ Khổng Văn Trân không ngừng dâng các đồ cần thiết kiểu dáng mới mẻ đến Túy Hà các, nếu Sư Viên Viên không động đến ta, những vật kia sẽ chẳng gây hại, nhưng nếu tình thế bí bách, chúng sẽ trở thành cánh tay đắc lực của ta.
Ta vốn là người như vậy, vì kế sinh tồn, tất cả những gì có thể gây nguy hại cho bản thân đều sẽ đem ra suy xét tỉ mỉ, bởi ta hiểu rõ sống trong cung, chỉ hơi không cẩn trọng, sẽ lập tức sa vào cảnh vạn kiếp bất phục.
Người như ta, sinh mạng lúc nào cũng ngàn cân treo sợi tóc, cách duy nhất bảo toàn cho mình là phải chủ động nắm lấy tiên cơ.
Tuy Sư Viên Viên chưa ra tay đối địch, nhưng quả bom nổ chậm ta gieo sẵn ở Túy Hà các vừa hay trở thành thứ biểu lộ lòng trung với Hoàng hậu. Điều này đâu thể trách ta. Hậu là kẻ cùng ta ngồi chung chiến thuyền, dĩ nhiên ta có trách nhiệm không để chiếc thuyền ấy chìm.
Chiếc ghế tử đàn hiện nay màu sắc bóng bảy hoa lệ, nhưng khi mới được tiến cống, nó vốn chỉ mang màu gỗ tự nhiên, mộc mạc mà u ám. Các đồ vật trong hoàng thất dĩ nhiên phải sang trọng quý phái, do đó Ty Thiện Phòng đã cho mời thợ lành nghề phủ lên ghế một lớp sơn chống mối mọt, lại thêm lớp sơn lót và phủ, ít nhất khiến ghế Tử Đàn xứng tầm với các đồ vật bài trí khác trong phòng. Khổng Văn Trân biết ta đã ngỏ lời xin Hoàng hậu, chiếc ghế này tương lai sẽ mang đến Lan Nhược hiên, nên cô ả hăng hái đáp ứng một vài yêu cầu riêng của ta cũng không có gì lạ. Ta đã đề nghị với Khổng Văn Trân, pha thêm vào nước sơn một ít ngân châu để màu ghế thêm phần tươi sáng bóng mượt, bể mặt ghế tử đàn sẽ như phủ một lớp nhũ bạc; lại dùng các thứ như Thạch Hoàng vẽ hoa văn may mắn lên thân ghế; riêng phần để than sưởi chân, chất gỗ ban đầu đã rất bóng mịn, ta lại đòi thợ mài giũa kĩ thêm một lượt. Ta biết rõ thợ mộc trong cung dùng vật liệu gì để mài nhẵn: Cần một miếng gỗ sồi hơ nóng, thêm búi tóc rối tẩm dầu. Để cho chiếc ghế càng thêm sáng bóng, ta đề nghị thêm vào dầu đánh một loại hạt trà mọc hoang của Tây Vực, mấy thứ vật liệu này kết hợp chẳng hề độc hại, kể cả khi đặt chiếc ghế ở nơi thông gió suốt cả tuần lễ.
Nhưng đáng tiếc, chỉ vì biết ghế ấy sắp thuộc về ta, mà Sư Viên Viên đòi cho bằng được, vội vội vàng vàng mang về Túy Hà các. Kỳ thực dù đặt ghế ở chỗ bí gió cũng không gây hại gì đối với người thường, nhưng cô ta lại đang có mang.
Thêm nữa, các đồ vật trong phòng cô ta đã hấp thu không ít độc Tiên Mao.
Nếu cô ta không ngày ngày đốt than dưới ghế để sưởi, thì đã chẳng hề gì, đằng này vì muốn thị uy với Hoàng hậu, thị uy với ta, nên đêm nào cô ta cũng đốt trầm hương nằm dưới ghế sưởi ấm, cỏ Tiên Mao cùng Ngân Châu, Thạch Hoàng, lại cả hạt trà Tây Vực quyện vào nhau, dưới sức hun đốt của lò than bay vào không khí, xộc vào người vào bụng, thứ hỗn hợp này có tác dụng mạnh mẽ chẳng khác nào xạ hương, khiến bào thai không thể giữ được.
Người trong cung mỗi khi bàn đến chuyện mưu hại thai nhi của các phi tần tiền triều đều nhắc đến xạ hương, thứ này hoặc pha vào son môi, hoặc để vào túi thơm, sẽ khiến người ta sảy thai lúc nào không hay. Ta nghe được chuyện này chỉ thầm cười nhạt, thứ lộ liễu như vậy, có ai mà không cẩn trọng đề phòng, muốn hại người bằng cách ấy, chỉ sợ chưa hại được người ta, tự mình đã vả vào mặt mình.
Cung tần mỹ nữ ai nấy gia thế hiển hách, có nhà nào không biết đến loại độc dược ấy? Nếu muốn ra tay bằng thứ này, quả tình quá ngu độn.
Mấy ngày nay, vì chứng phong thấp mà cả đêm ta không ngủ được, chắc đã có người mang tình hình ở Lan Nhược hiên báo lại với Sư Viên Viên. Cô ta càng thêm đắc ý, càng đòi Hoàng thượng đêm đêm ở bên mình, ngầm cho người đem chuyện trong điện Túy Hà các tiết lộ ra ngoài. Nhờ thế mấy ngày này không cần cho người ra ngoài thám thính, tự có kẻ đem chuyện từ điện Túy Hà truyền đến tai ta, hòng làm ta nóng ruột nóng gan.
Hoàng thượng tuy cũng đến Túy Hà các, nhưng lò sưởi dưới ghế tử đàn được đốt từ sớm, một hai tiếng hít phải hơi độc không có hại gì, đặc tính của ghế tử đàn là giữ ấm cả ngày, lại thêm bọn nô tỳ chốc chốc tiếp than, khiến cho mấy nguyên liệu kia lại bị hun đốt hết lần này đến lần khác, đã độc lại càng độc, cả ngày hít thở trong bầu không khí như vậy, chẳng mấy chốc mà sinh bệnh.
Kết cục hôm nay của Sư Viên Viên không phải do ta, mà do chính ả tự mình chuốc lấy. Ả có biết bao cơ hội giữ được đứa trẻ. Nếu không nhất quyết tranh giành thiệt hơn, nếu không đòi Hoàng thượng suốt ngày ở bên mình, hoặc nếu cái đêm ta thêu váy Bách Điểu, ả không dùng ánh mắt thù hận nhìn theo, giữa màn đêm đen đặc vẫn khiến ta trông rõ mồn một, thì tất cả mọi thứ sẽ không xảy ra.
Đáng tiếc cuộc đời không có chữ nếu như, ả ta trèo quá cao, mải đắc ý mà quên mình là ai, giữa chốn cung đình này, làm thế chẳng phải tự giương tử huyệt cho người khác đánh vào hay sao? Ả xuất thân quyền thế, phẩm chất cao quý, vốn dĩ không nên đem lòng ghen ghét một phi tần nhỏ bé như ta, đáng tiếc phận làm vợ vua, bị cuốn vào vòng xoáy tranh sủng, thì chẳng khác nào nhập ma đạo, không thể nào quay trở lại được nữa.
Trong cung muốn hại người thậm chí còn dễ dàng hơn ở chốn dân gian, chỉ cần khôn khéo một chút, lập tức có người sốt sắng ra tay hộ.
Ta ngẫm nghĩ một lượt tất cả các chi tiết, đi đến kết luận rằng, lần này ra tay không có kẽ hở, chẳng để lại chút dấu tích, Nỗi hoài nghi của Hạ Hầu Thần chẳng qua là vô căn cứ. Huống hồ chính Hạ Hầu Thần chẳng cũng ngầm thuận nước đẩy thuyền đó sao? Ngay từ đầu hắn đã tiên liệu sự việc, vậy mà mấy ngày này vẫn giả ngốc cùng Sư Viên Viên đàn ca sáo nhị, chẳng hề lên tiếng. Tâm tư của con người này, càng lúc càng khó đoán.
Nghĩ đến Hạ Hầu Thần, ta bất giác thấy buồn bực vì chuyện hắn nói sẽ đến Lan Nhược hiên. Quả nhiên hắn thích hành hạ người khác, đối mặt với hắn tương đương với việc đứng trước hàng nghìn vạn khán giả, một con hát như ta dĩ nhiên càng diễn càng hăng, chẳng hề lộ chút xíu sai sót, hết lần này đến lần khác bị hắn bóc mẽ, chỉ khiến cho lòng háo thắng trong ta ngày càng dâng cao, ta thậm chí còn tập dượt trước gương, mong sao lần tới hắn không tài nào lật mặt nạ của mình được.
Vậy mà suốt hai ngày, không thấy Nội Thị Giám gọi thị tẩm, trong lòng ta vì thế chẳng lúc nào được yên.
Hai ngày này gió giục mây vần, trong cung sục sôi, ta chẳng ngốc đến độ tới tìm Hoàng hậu. Hoàng hậu cũng tự biết cân nhắc thiệt hơn, không cử người tới lui thông truyền tin tức, nhưng từ bốn phương tám hướng biết bao cái miệng râm ran bàn tán, tin tức tự đổ về chỗ ta như thác chảy. Nghe nói Nguyệt Dung Hoa đã bị bắt giam, nấm đầu khỉ mà cô ta đem biếu cho Sư Viên Viên bị tra ra có độc tính, có thể khiến người ta vô sinh, nghe nói thứ nấm đầu khỉ này không phải loại mọc tự nhiên, mà do tự trồng. Nấm đầu khỉ vốn dĩ mọc trên các thân cây sồi mục nát, điều kiện sinh sôi rất đỗi ngặt nghèo, vậy mà nhà họ Nguyệt trồng được hàng cụm lớn. Cuộc điều tra phát hiện ra rằng, do cố tình tưới thêm nước hồng hoa vào thân gỗ mục, nên nấm sản sinh độc tố.
Tố Khiết vừa nghe thấy tin này, định vứt túi nấm Nguyệt Dung Hoa đem biếu hẵng còn nguyên niêm phong. Ta biết chuyện chỉ cười nói:
Bên ấy vì ăn nấm mà thiệt thòi một mạng người, ta lại càng muốn nếm thử, ngươi sai Ty Thiện Phòng tối nay hầm lên nồi mang sang.
Tố Khiết vội khuyên:
Nương nương, thế sao được, ăn vào nhỡ sau này không…
Ta bật cười, cắt ngang lời nó:
Mấy tin đồn trong cung biết cái nào hư cái nào thực, không cần phải lo quá lên như thế!
Thái độ của Hạ Hầu Thần khiến ta nhận rõ, hắn quyết không để các phi tần khác sinh hạ hoàng tử trước Hoàng hậu. Đã thế sao ta không sớm an phận, tránh sau này phải chịu khổ? Chẳng ai có thể bảo vệ mình, trừ chính bản thân.
Nấm đầu khỉ kia tin chắc chẳng thể gây hại gì, cùng lắm chỉ giúp tránh thai, thêm thời gian hiệu dụng có hạn, tuyệt không thể khiến Sư Viên Viên sảy thai. Nguyệt Dung Hoa lần này đành cam chịu làm kẻ thí mạng vậy.
Hạ Hầu Thần cần phải có lời cho rõ ràng với nhà họ Sư, nên việc tiến triển đến đây coi như là mỹ mãn, so với nhà họ Sư thế lực mới cường thịnh, con gái của một huyện lệnh thất phẩm nhỏ nhoi như Nguyệt Dung Hoa chẳng đáng là gì.
Đêm đã khuya, Khổng Văn Trân vượt đường tối đến Lan Nhược hiên, bóng gió hỏi han về chuyện cái ghế. Trong bụng ta cười thầm, trận thế do ta bày, nếu để ngươi nhìn ra, thì ta có đáng là Thượng Cung tiền bối của ngươi nữa chăng? Ta cứ vờ như không hiểu ý, Khổng Văn Trân đành lủi thủi ra về, sắc mặt có vẻ an tâm đôi chút.
Ta thừa hiểu nếu có kẻ tra ra chân tướng sự việc, Khổng Văn Trân chắc chắn không thoát được liên lụy, đào đất thời đứt rễ, cô ta dĩ nhiên phải tới thăm dò xem sao. Khổng Văn Trân bất đắc dĩ bị lôi vào cuộc, để bảo vệ bản thân, chỉ đành giúp ta bao biện mọi việc. Đoán chắc phía Nội Thị Giám từng đến Thượng Cung cục tra xét, nhưng phải trả lời thế nào, trong lòng cô ta hiểu rõ vô cùng.
Trước khi sự việc thành công, ta đã nghĩ đủ đường lui, phong tỏa mọi khả năng có thể khiến bản thân rơi xuống bùn, sao có thể như Nguyệt Dung Hoa, dễ dàng bị người ta nắm được thóp?
Từ khi Hạ Hầu Thần tuyên bố trong vòng hai đến ba ngày sẽ xa giá đến Lan Nhược hiên, càng gần tới ngày thứ ba, tâm trạng ta càng hoàng hốt, không biết làm thế nào vượt qua cửa ải khó khăn này. Nhớ lần trước Ninh Tích Văn vào cung hắn cũng đến Lan Nhược hiên, may nhờ Sư Viên Viên xen vào, rốt cuộc đuổi được hắn đi. Thậm chí đôi lúc ta nghĩ, lòng ghen ghét của Sư Viên Viên đối với mình chưa chắc đã hoàn toàn là xấu.
Ninh Tích Văn không phải người trong cung, không thể ở lại lâu, ta đã sai người sắp đặt phòng ốc bên ngoài, phái người đến thăm nom. Ngày xuất cung, nó hết lần này tới lần khác khuyên ta tìm cách giải hòa với Hoàng thượng, nhưng sự tình giờ đã đến nước này, bào ta làm cách nào giảng hòa với hắn được đây?
Sang ngày thứ ba, vẫn chưa thấy phía Hoàng thượng có động tĩnh gì, ta thở phào nhẹ nhõm. Có lẽ Hạ Hầu Thần chỉ tiện miệng nói cho qua chuyện, vụ Sư Viên Viên đã được giải quyết, Thiên tử ngày bận trăm công nghìn việc, phi tần vô số, sao còn nhớ đến ta?
Đang nghĩ ngợi, Tố Khiết đã mang nấm đầu khỉ do Ty Thiện Phòng chế biến vào, ngửi thấy mùi thơm tỏa ra từ cái hũ sành men tím, ta nổi cơn thèm, bèn sai Tố Khiết san ra bát ăn ngay.
Tố Khiết vừa dùng muỗng bạc múc canh vừa lo lắng nói:
Nương nương, Ty Thiện Phòng khi biết người muốn dùng thứ nấm này, đã dặn đi dặn lại nô tỳ khuyên người bớt ăn, tránh xảy ra chuyện gì làm liên lụy đến họ. Nương nương, hay là…
Ta ra hiệu cho nó ngừng lời, liếc nhìn nước canh màu vàng tươi sền sệt trong bát, nói:
Dựa vào kinh nghiệm bao năm của bản phi trong cung, lại thử bằng kim bạc, làm sao có sơ sót được?