Chương 12.1
-
Thượng Cung
- Vân Ngoại Thiên Đô
- 3423 chữ
- 2020-01-31 11:00:52
Dịch giả: Lê Sông
Nhà xuất bản: NXB Văn Học
Cung Tinh Huy quả thật xa xôi diệu vợi, con đường lát đá xanh như dài bất tận, vài ngôi sao đơn chiếc le lói trên màn trời, càng khiến cả tòa cung điện như ngâm mình trong bóng tối, thê lương u uất.
Mấy lần trước đi thăm Thái hậu, ta đều giả làm cung nữ, riêng lần này phục sức như thường, ngồi một chiếc kiệu nhỏ, cho Tố Khiết đi theo bên cạnh.
Đêm nay ánh trăng sáng sủa, ta mơ hồ nhìn thấy cỏ dại um tùm mọc ra hai bên con đường lát đá dẫn vào cung Tinh Huy. Nếu là cung Trường Tín trước đây, sao có thể như thế? Xem ra đám cung nhân sớm đã hiểu tình thế hiện tại của Thái hậu, nên chẳng buồn chăm chút gì nữa.
Đến trước cửa cung, đoàn kiệu gặp hai cung nữ canh đêm, thấy ta tới, bèn chạy lại hành lễ rồi dẫn đường vào trong. Ta cảm thấy hơi lạ, Thái hậu năm lần bảy lượt câu kết với người ngoài cung mưu đồ xấu, vậy mà Hạ Hầu Thần vẫn không giam lỏng, có lẽ thế lực trong ngoài cung của bà sớm đã tan tác không đáng kể, nên hắn mới lơi lỏng như vậy? Thật không ngờ kẻ hay chấp nhặt như Hạ Hầu Thần về phương diện này lại hành xử rất khoáng đạt.
Tẩm cung của Thái hậu trong cung Tinh Huy nằm ở phía đông nam, vẫn là vị trí tốt nhất trong cung, nhưng cả tòa cung điện xét cả về kiến trúc lẫn vị thế dĩ nhiên không thể nào so sánh với cung Trường Tín, số lượng cung nhân rõ ràng ít hơn hẳn, ta cùng Tố Khiết đi từ ngoài vào đến nơi, chỉ gặp lác đác vài ba cung nga. Cung Tinh Huy vẫn đèn đuốc sáng tỏ, nhưng chỉ càng tôn thêm cái vắng lạnh bên trong.
Tới trước cửa tẩm cung, chưa kịp qua cửa, đã bên trong có người ho húng hắng liên hồi, lại có giọng ai đó khuyên nhủ ỉ ôi:
Thái hậu nương nương, người nghỉ một chút đi, trời lạnh thế này, hay người uống một chén trà nóng cho ấm bụng?
Lại có người nói:
Thượng Cung cục hẹn mang canh thuốc đến, sao giờ này vẫn chưa thấy?
Sau một trận húng hắng nữa, giọng nói của Thượng Quan Thái hậu vang lên:
Ai gia giờ đến nông nỗi này, bọn chúng tránh đi còn chẳng được, canh thuốc mang đến thế nào chẳng bớt xén, nấu ẩu, uống vào có tác dụng gì?
Có cung nữ lại khuyên:
Thái hậu nương nương, cho dù thế nào người cũng là Thái hậu, bọn họ không nên làm thế.
Ta nghe giọng điệu cung nữ này cũng nhạt nhẽo, chẳng có mấy phần thật lòng, nói không chừng trong số những đứa ăn bớt bổng lộc của Thái hậu có cả nó.
Những đồ ban thưởng cho các quý nhân trong cung, phải qua tay đám cung nhân mới đến được với chủ tử, chuyện vụng trộm nhũng nhiễu trong đó nhiều không kể xiết. Lúc này Thái hậu thế cô, bị kẻ khác đối đãi tệ bạc cũng không có gì lạ.
Cung nga dẫn đường kia đã sớm một bước bẩm báo với bên trong:
Bẩm Thái hậu nương nương, Ninh nương nương giá đáo.
Thái hậu sững sờ nói:
Vẫn còn có người đến thăm ai gia kia à? Là Ninh nương nương nào thế?
Ta lập tức sải bước qua cửa, cúi mình hành lễ:
Thái hậu nương nương, thần thiếp mang canh đến cho người đây.
Thái hậu đang ngồi bên bàn sách gỗ đàn múa bút viết gì đó, nghe thấy giọng của ta, bèn ngẩng đầu lên, rồi lập tức cúi xuống như cũ, nắn nót một nét bút sau cùng, mới cất giọng:
Không ngờ người còn nhớ đến ai gia.
Thái hậu có vẻ gầy đi nhiều, gương mặt thấp thoáng nếp nhăn, tinh thần xem ra vẫn minh mẫn, mái đầu điểm bạc chải mượt mà không rối một sợi nhỏ, trên người mặc chiếc áo dài làm bằng gấm Vân Nam màu đỏ đun, ngoài khoác áo lụa màu nâu nhạt có thêu hình chim liệng, trên đầu cài một viên trân châu tròn to bằng ngón tay cái, phục sức vô cùng giản tiện.
Ta nói:
Thần thiếp trước nay nhận ân huệ của Thái hậu, nào dám quên?
Thái hậu đặt cây bút lông sói xuống, chầm chậm bước tới, khi chỉ còn cách ta chừng hai xích thì dừng lại:
Ai gia từ lâu đã biết Ninh Chiêu Hoa thông minh tuyệt đỉnh, nếu không nhiều năm về trước chẳng thầm quan sát rồi đề bạt cho chức cao bổng hậu. Có điều ai gia không ngờ, mà không, ai gia đáng lẽ nên nghĩ đến rồi, bản tính của Ninh Chiêu Hoa chính là thứ ta yêu thích đó ư? Ứng biến mau lẹ, đó là sở trường của ngươi.
Ta đã tiên liệu lần gặp mặt này, Thái hậu hoặc sẽ ngọt nhạt mỉa mai, hoặc sẽ phũ phàng thẳng mặt, nhưng chẳng ngờ bà ta lại bình thản ngồi đó thuật lại ngọn nguồn cứ như kể chuyện bữa ăn giấc ngủ. Điều này thực khiến ta có đôi phần bối rối, đành đáp:
Thái hậu nương nương, đều là vì thần thiếp thân bất do kỷ.
Thái hậu chậm rãi bước ra chỗ khác, vừa đi vừa nói:
Mấy ngày gần đây ai gia thường ngồi chép kinh Phật. Phật nói lục đạo luân hồi, thiện ác đều có căn nguyên của nó, ngày nào ai gia cũng tụng kinh niệm phật, mà vẫn thấy chưa đủ để chuộc lại tội nghiệt ngày xưa. Ninh Chiêu Hoa cũng nên thử kiểm điểm bản thân, tội nghiệt chồng chất, không những mệt mỏi thân mình, mà còn liên lụy người khác.
Ta biết Thái hậu ám chỉ điều gì. Cái chết của đại nương có thể nói do một tay ta gây nên, bà ta tất không thể biết ân oán riêng giữa chúng ta, vẫn đang nghĩ cái người chết dưới tay sát thủ là thân mẫu của ta.
Tụng kinh niệm Phật ròng rã bao ngày tháng, mà lão bà tóc mai điểm sương này từ đầu chí cuối vẫn không buông bỏ được chấp niệm.
Ta quay lại nhìn lên bàn, chỉ thấy trong nghiên mực lấp lánh ẩn hiện sắc vàng kim, từng trang kinh thư viết xuống có lẽ như dát vàng nạm bạc, đáng tiếc những tiếng niệm Phật cầu kinh ra rả suốt ngày kia chẳng hóa giải nổi oán giận trong lòng người đàn bà này.
Người sống trong cung, có ai mà không vậy?
Ta nói:
Thần thiếp mang canh thuốc đến, trong tiết trời giá lạnh thế này có lẽ bệnh tình người không mấy dễ chịu. Thái hậu nương nương hãy uống nhân lúc còn nóng, sẽ ấm người hơn đôi chút.
Tố Khiết đặt hũ canh lên bàn, lấy một chiếc bát sứ, định múc.
Thái hậu liền cười nhạt:
Canh thuốc do Ninh nương nương mang đến, ai gia sao dám uống. Ở vào cái tuổi này, ai gia đã trải qua không biết bao nhiêu thăng trầm, Ninh Chiêu Hoa vẫn còn trẻ, con đường sau này còn dài, ai gia vừa nhắc đến thuyết luân hồi, chẳng biết bao giờ đến lượt Ninh Chiêu Hoa phải chịu án luân hồi đây.
Ta cười không ra tiếng, ngoảnh nhìn vầng trăng ảm đạm phía xa:
Thái hậu nương nương, người còn nhớ thần thiếp đi lên từ nơi thế nào không? Cũng một đêm đông, thần thiếp phải quỳ trên đất giặt áo, tuyết trắng trời ngập đất, chẳng nhìn thấy trăng sao. Có luân hồi thế nào, chẳng qua cũng đến thế mà thôi.
Gương mặt Thái hậu ánh lên vẻ khen ngợi:
Không sai, trong cung này chẳng mấy kẻ tài trí sánh kịp ngươi, đấu lại ngươi. Nếu là người bình thường, sớm đã bị những cực nhọc tủi nhục chốn này đè bẹp rồi, ngươi thì khác, bao giờ cũng khiến cái bất lợi trở thành có lợi cho mình, người như ngươi…
Bà ta đột nhiên khẽ cười, cầm bát canh Tố Khiết đặt trên bàn lên, múc một muỗng đưa lên miệng, nói như thở than:
Chốn này vốn dĩ không phải là nơi dung thân cho ai gia. Nhưng ai gia lại muốn xem xem, ngươi sẽ khuấy động gió mưa ra làm sao?
Ta cười khổ trong bụng, ta lấy đâu ra bản lĩnh lớn như bà nói, tình hình như hiện nay, ngay cả đến danh phận Chiêu Hoa cũng sắp sửa lung lay.
Hôm nay ta đến là có mục đích khác. Xem ra tâm trạng Thái hậu vẫn rất tốt, có lẽ bà quá nhiều kình địch, mấy việc ta làm chẳng qua là trò trẻ con, bà ta sớm đã chằng coi vào đâu, nghĩ vậy bèn thận trọng cất tiếng hỏi dò:
Mấy ngày nay Hoàng thượng đến nghỉ tại Lan Nhược hiên, đêm đến thường sực tỉnh khỏi giấc mộng, cảm thán tình nghĩa thời niên thiếu Thái hậu dành cho mình, lại nhớ những ưu phiền của Thái hậu trong trận biến cố ngày đó, xem ra Hoàng thượng vẫn còn nhớ thương Thái hậu nhiều lắm.
Thái hậu hơi biến sắc, nhìn ta chằm chằm, chợt nở nụ cười:
Ninh Chiêu Hoa muốn biết chuyện gì?
Mấy ngày gần đây câu chuyện của Ninh Tích Văn cứ trở đi trở lại trong đầu ta, Hạ Hầu Thần khi thiếu thời nếu đích thực từng lánh nạn ở nhà họ Ninh, nếu phụ thân ngày đó đích thực đã trao cho hắn một phần ân huệ, thì đó sẽ là vốn liếng quý báu của ta. Khổ nỗi ngày đó cơ ngơi sản nghiệp của phụ thân to lớn, nô bộc thành đoàn, chuyện lại xảy ra ở khu nhà của đại nương, ta hoàn toàn không hề hay biết.
Trong lòng số ruột, ngoài mặt ta chỉ chầm chậm mở hũ canh ra múc thêm vào bát dâng cho Thái hậu, thấy bà ta thong dong uống tứng muỗng một, cũng không tiện thúc giục.
Hồi lâu, Thái hậu mới đặt bát xuống:
Ai gia nuôi nấng Hoàng thượng bao năm, sao lại không hiểu tính tình con trẻ. Hoàng thượng là kẻ chóng quên tình nghĩa, làm gì có chuyện mơ thấy ai gia? Nếu Ninh Chiêu Hoa định dùng ân tình cũ để níu kéo lòng thương xót của Hoàng thượng, thì thất bại là chắc.
Ta thoắt mừng, nghe giọng điệu này có lẽ chuyện năm xưa là thật? Gương mặt giữ vẻ ủ ê, đáp:
Thần thiếp đã vọng tưởng rồi.
Sau khi uống hết hai bát canh, Thái hậu nhắm hờ đôi mắt, thấy bà ta có vẻ mệt, ta liền đứng dậy cáo từ.
Về được nửa đường, ta liền lệnh cho phu kiệu kéo ngược trở lại, men theo con đường lát đá xăm xăm đạp ánh trăng mà đi. Đến Ngự Hoa viên kiệu chậm rãi vòng lại, tới trước cửa phía đông nam, tình cờ gặp Khổng Văn Trân đang vội vã đi ngược chiều, thấy người trong kiệu là ta, sắc mặt ả hơi lộ vẻ kinh ngạc, dĩ nhiên vẫn khiêm cung cúi mình hành lễ. Nhìn dáng điệu Khổng Văn Trân vội vàng, ta bèn lên tiếng hỏi:
Trời đã tối rồi, Khổng Thượng Cung định đi đâu vậy?
Khổng Văn Trân đáp:
Dung phi nương nương muốn ăn canh hoa cúc tươi, nô tỳ thấy cúc trong Ngự Hoa viên đang nở rộ, nên định đến hái một ít.
Lòng ta thầm kinh ngạc, Dung phi kia chẳng qua là một mỹ nhân phẩm vị kém, vậy mà Khổng Văn Trân lại phải đích thân đi hái hoa phục vụ, thật chẳng giống tính cách bình sinh của cô ta, thấy trên tay ả đích thực cầm mấy bông hoa cúc tươi, nên không tiện hỏi thêm, đành để người đi.
Xuyên qua Ngự Hoa viên về Lan Nhược hiên quãng đường sẽ gần hơn nhiều, nhưng Ngự Hoa viên vốn là nơi đám phi tần nghĩ đủ chiêu trò gây sự chú ý, Hạ Hầu Thần thường qua lại ở đó, nên ta có hơi ngần ngại. Trước khi hiểu rõ những mưu toan của Hạ Hầu Thần, ta không dại gì đi chọc tổ kiến lửa, rốt cuộc quyết định đi đường vòng, Tố Khiết đang nóng lòng muốn vào Ngự Hoa viên, thấy ta ra lệnh rẽ, đành tiu ngiu đi theo.
Thấy Tố Khiết như vậy, ta càng không muốn bước chân vào Ngự Hoa viên. Kiệu vòng sang đường khác, đi một hồi lại rẽ qua góc tường, bổng thấy Tố Hoàn tay cầm giỏ mây, cắm cúi tiến thẳng về phía ta. Khi đụng độ, vẻ mặt nó hơi luống cuống, vẫn hành lễ như thường. Thời còn ở Lan Nhược hiên, Tố Khiết với Tố Hoàn tuy không mấy thân thiết, nhưng tối nay bất ngờ trùng phùng,Tố Khiết tỏ ra vô cùng mừng rỡ, bèn tiến lên hỏi:
Tố Hoàn tỷ tỷ, tỷ vội vã định đi đâu thế? Trong làn mây đựng thứ gì vậy?
Nói xong định thò tay mở làn, Tố Hoàn lập tức lấy tay che đi, nghiêm mặt:
Thứ này để dâng lên Hoàng hậu nương nương mà cô cũng dám mở xem?
Tố Khiết vốn sợ Tố Hoàn, nghe thấy bèn dừng tay. Thật lạ, Tố Hoàn trước nay rất thận trọng, không phải đứa ba hoa bừa bãi, sao lại cất giọng dọa nạt ngớ ngẩn như vậy?
Ta ngầm quan sát chiếc làn giờ đây đã bị hé ra một góc, vừa đủ để nhìn ra bên trong có một thứ gì màu vàng kim, đoạn liếc nhìn Tố Hoàn một cái, gương mặt nó vẫn bình thản như thường, nói:
Ninh nương nương, nô tỳ ra ngoài đã lâu, e quản sự sốt ruột, nô tỳ xin cáo lui ạ.
Nói dứt lời, bèn đậy cái làn lại cho ngay ngắn, tiếp tục xăm xăm đi về phía trước.
Tố Khiết nói:
Hừ, giờ bay được lên cành cao nên chẳng coi ai ra gì nữa rồi.
Trong lòng ta ăm ắp nghi ngờ, đột nhiên tình cờ gặp gỡ hai kẻ có liên hệ mật thiết với mình, rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì?
Trời đang lúc rét đậm, về đến Lan Nhược hiên, trông vào trong vườn lá cây đều nhuộm vàng, những loại hoa cỏ quý giá đều được các nghệ nhân mang cả vào phòng giữ ấm. Tố Khiết thấy ta tâm thần bất định, ngây người nhìn vào vườn không lên tiếng, bèn nói:
Nương nương, người yên tâm, nô tỳ sớm đã kêu người mang cây lan Nhụy Điệp mà nương nương yêu thích vào phòng giữ ấm rồi. Tuy thời tiết đang lúc khắc nghiệt, nhưng các nghệ nhân vốn dĩ khéo léo tài tình, nghe người ở Ty Chế Phòng kể, mấy ngày trước Nhụy Điệp còn nở ra mấy bông hoa!
Ta bất giác hiểu ra thứ màu vàng kim trong làn của Tố Hoàn là gì, chẳng chính là hoa của giống lan Nhụy Điệp trứ danh đó sao?
Chỉ nó mới có cái sắc vàng bóng mượt, sáng láng lại hơi tai tái xanh như vậy, cho dù là nghệ nhân nhuộm vải tài giỏi nhất cũng không thể làm ra được thứ màu sắc như vậy.
Ta tin những chuyện này có uẩn khúc, nhưng không thể hiểu được Hoàng hậu sai Tố Hoàn mang mấy bông hoa Nhụy Điệp kia về làm gì?
Nhụy Điệp có mùi hương rất kỳ lạ, Hoàng hậu vốn không mấy thích hương hoa quá nồng đượm, chắc sẽ chẳng dùng nó để lấy hương đâu?
Đến nửa đêm, trời đổ mưa nhỏ, nhiệt độ giảm đột ngột, Tố Khiết nhóm lửa trong phòng, tuy ta không cảm nhận thấy gió lạnh bên ngoài đang thổi ra sao, nhưng vẫn trở mình mãi không ngủ được. Trong lòng càng thấy kỳ quặc, khi Hạ Hầu Thần nằm bên cạnh ta ngủ không ngon, tính ra đã hai ba ngày ngủ không đủ giấc, sao hôm nay vẫn cứ không ngủ được?
Không cách nào đi vào giấc ngủ, ta đành sai Tố Khiết thêm mấy viên thuốc an thần vào lư hương, đến khi cả gian phòng tràn ngập mùi thuốc, mới mơ màng thiếp đi.
Dường chi vừa ngủ được vài canh giờ, đã nghe tiếng Tố Khiết ở bên ngoài giục:
Nương nương, nương nương, ngươi tỉnh chưa ạ?
Trong lòng ta có chuyện khúc mắc, vốn đã khó ngủ, nghe tiếng gọi lập tức tỉnh cả người, đưa tay sờ lên trán, thấy ướt đẫm mồ hôi, mới đáp:
Có chuyện gì mà hốt hoảng thế, còn đợi gì nữa mà không vào giúp ta rửa mặt chải đầu?
Tố Khiết nghe thế vội bước vào, nhún người bẩm báo:
Nương nương, mới sớm tinh mơ thái giám quản sự đã tới báo rằng, Thái hậu vừa tạ thế, yêu cầu chúng ta không được mặc y phục sặc sỡ, đầu không được cài trâm hoa. Nương nương, bàn ghế vật dụng bên ngoài đều phủ gấm trắng cả rồi, đến tường thành cũng treo đầy vải tang!
Ta thất kinh, lập tức ngồi dậy khỏi giường, cảm thấy mồ hôi lạnh trên trán túa ra dữ dội. Đêm qua ta vừa đi gặp Thái hậu, tuy bà ta oán nộ trùng trùng, nhưng tinh thần vẫn còn minh mẫn, cớ gì sớm nay đã chết được? Một vấn đề lớn nữa là, bà ta chết vào khi nào, cách lúc ta rời khỏi bao lâu?
Không hiểu sao từ khi nghe thấy tin này, tim ta dồn dập liên hồi, mô hôi lạnh rướm đẫm sống lưng, Tố Khiết sợ quá phải lay gọi:
Nương nương, nương nương?
Ta sực tỉnh, nhận ra mình đang ngồi bên mép giường, ngón tay bấu chặt lấy thành giường, mạnh đến nỗi các đầu móng sắp sửa đứt cả.
Ta vội đứng dậy, trấn tĩnh tinh thần, nói:
Tố Khiết, giúp ta chọn lấy một bộ y phục màu sắc trầm dịu một chút, thay hết mành trướng trong phòng, còn nữa…
Tố khiết đáp:
Nương nương, những điều người căn dặn nô tỳ đã lo liệu cả rồi, nương nương không cần phải quá bận tâm.
Một đứa cung nữ nhỏ dâng chén trà lên, ta trượt tay, chén trà vỡ tan dưới đất. Cung nữ sợ quá quỳ rạp xuống đất, toàn thân run lẩy bẩy.
Nhìn xuống, chỉ thấy lá trà bám đầy mặt sàn, cái tách Thanh hoa vỡ làm hai mảnh lăn lông lốc. Thật là tiệc tàn người tan, phồn hoa lụn bại. Ta quay sang hỏi Tố Khiết:
Mấy ngày trước ta sai đưa tin ra ngoài cung, ngươi đã làm chưa?
Tố Khiết thưa:
Nương nương, nô tỳ sớm đã thu xếp ổn thỏa rồi ạ.
Ta gật đầu, nhìn ra bầu trời sầm sập mây đen ngoài cửa sổ, thầm nghĩ, nếu sự việc đúng như dự đoán, thì tổ rơi trứng phải vỡ, ta gặp chuyện, người ấy cũng đừng hòng thoát thân!
Nếu người coi ta như con cá nằm trên thớt, thì người đã lầm.
Vừa tảng sáng, sắc trời mờ mịt, từng không giăng kín khói sương, những màu sắc tươi sáng của tường đỏ ngói xanh hôm nay bỗng trở nên cũ bạc, cả hậu cung như bị vây trong một đám mây đen khổng lồ. Các cung nhân qua lại không dám nói chuyện lớn tiếng, gấm đào trên ghế đều cất đi, thay bằng gấm trắng in hoa văn thanh đạm. Nội Thị Giám bắc thang treo vải trắng rợp tường thành, ai nấy bận rộn căng thẳng, nhưng không ở đâu phát ra tiếng động.
Tình hình đương rối ren, ta chỉ có cách ở lì trong Lan Nhược hiên, mặc vào chiếc áo bạc màu, búi tóc trống trơn, lặng lẽ chờ đợi. Tiếp theo sẽ có chuyện gì xảy ra đây?