• 390

3.6. Hai lập luận phản đối thị trường


Số từ: 1423
Dịch giả: Nguyễn Diệu Hằng
Nhà xuất bản: Nhà xuất bản Trẻ
H
ai lập luận nói trên phản ánh cuộc tranh cãi về những thứ nên và không nên mua được bằng tiền. Lập luận về tính công bằng đặt câu hỏi về tính công bằng của các lựa chọn trên thị trường; trong khi đó lập luận về tham nhũng băn khoăn về những thái độ, chuẩn mực có thể bị tổn hại, xói mòn bởi mối quan hệ trên thị trường [159].
Lấy ví dụ về thận. Đúng là có thể dùng tiền mua một quả thận mà không ảnh hưởng gì đến giá trị của nó. Nhưng liệu có nên mua bán thận không? Những người trả lời là không thường đưa ra một trong hai lý do sau: Họ cho rằng những thị trường kiểu này là nhằm vào người nghèo – những người chọn cách bán thận không hẳn là vì tự nguyện (lập luận về tính công bằng). Hoặc họ giải thích là những thị trường kiểu này khuyến khích chúng ta có cái nhìn sai lầm, thờ ơ về con người, coi mỗi người chỉ là một tập hợp các bộ phận cơ thể (lập luận về sự tham nhũng).
Hay lấy ví dụ về con cái. Có thể tạo ra thị trường con nuôi. Nhưng có nên không? Những người phản đối đưa ra hai lý do: Thứ nhất, cho phép mua bán con cái sẽ đẩy những phụ huynh nghèo ra khỏi thị trường, hoặc khiến họ chỉ giành được những em bé rẻ tiền nhất, ít được yêu thích nhất (lập luận về tính công bằng). Thứ hai, đặt giá cho các em bé sẽ làm xói mòn chuẩn mực về tình yêu vô điều kiện của cha mẹ, giá cả của các em bé khác nhau sẽ nhấn mạnh thêm ý tưởng cho rằng giá trị của các em phụ thuộc vào chủng tộc, giới tính, tiềm năng trí tuệ, năng lực hoặc khiếm khuyết thể chất và các đặc điểm khác (lập luận về sự tham nhũng).
Cần dành chút thời gian để làm rõ hai lập luận về hạn chế đạo đức của thị trường. Lập luận về tính công bằng nhằm vào sự bất công xuất hiện khi con người mua bán hàng hóa trong tình thế bất công hoặc trong điều kiện thiếu thốn về mặt kinh tế. Theo lập luận này, những cuộc trao đổi trên thị trường không phải lúc nào cũng là tự nguyện như những người hâm mộ thị trường thường nói. Một người nông dân có thể đồng ý bán một quả thận hoặc giác mạc của mình để có tiền nuôi sống cả gia đình đang đói kém. Nhưng anh ta không thực sự tự nguyện làm như vậy. Thực tế là anh ta bị bắt buộc một cách bất công, do tình thế yêu cầu.
Lập luận về tham nhũng lại khác. Nó đề cập đến ảnh hưởng xấu của giá trị thị trường và việc mua bán trao đổi một số hàng hóa, dịch vụ. Theo lập luận này, một số yếu tố đạo đức sẽ bị suy giảm, bị mất đi nếu đem ra mua bán. Tạo ra điều kiện trao đổi công bằng cũng không giải quyết được tình trạng đó. Nó xảy ra cả trong tình huống công bằng và bất công.
Cuộc tranh luận kéo dài về mại dâm chính là ví dụ minh họa sự khác biệt nói trên. Một số người phản đối mại dâm vì họ cho rằng nó rất ít khi thực sự là tự nguyện (nếu như có tự nguyện). Theo họ, những người bán thân cho nhu cầu tình dục thường là do bắt buộc, có thể vì nghèo, vì nghiệm ma túy hoặc bị đe dọa bằng bạo lực. Đây là một cách giải thích theo lập luận về công bằng. Nhưng những người khác lại phản đối mại dâm với lý do mại dâm làm giảm giá trị của phụ nữ, bất kể họ có bị bắt buộc hay không. Theo họ, mại dâm là một dạng tham nhũng, làm mất phẩm giá phụ nữ, khuyến khích thái độ xấu đối với tình dục. Lập luận phản đối không phụ thuộc vào chuyện phụ nữ có đồng ý bán dâm không – nó phản đối mại dâm kể cả trong những xã hội không có nghèo đói hay những tình huống gái mại dâm cao cấp thích và tự nguyện chọn nghề này.
Mỗi lập luận đều dựa trên một tư tưởng đạo đức riêng. Lập luận về công bằng dựa trên tư tưởng tự nguyện, hay nói chính xác hơn, tự nguyện trên cơ sở hoàn cảnh công bằng. Một trong những lập luận chính ủng hộ sử dụng thị trường để phân phối hàng hóa cho rằng thị trường tôn trọng quyền tự do lựa chọn. Nó cho phép mọi người tự quyết định bán hàng hóa này hay hàng hóa kia với một mức giá nhất định.
Nhưng lập luận phản đối liên quan đến công bằng đã chỉ ra rằng một số lựa chọn lại không phải thực sự tự nguyện. Lựa chọn trên thị trường được đưa ra không tự nguyện khi một số người quá nghèo hoặc không có khả năng đàm phán một cách công bằng. Vì vậy, để biết một lựa chọn có phải tự nguyện hay không, chúng ta cần đặt câu hỏi: trong bối cảnh ấy, bất công xã hội nào làm mất đi sự tự nguyện theo đúng nghĩa? Sự bất công về quyền mặc cả đã ép buộc người yếu thế hơn, xói mòn tính công bằng trong thỏa thuận giữa hai bên như thế nào?
Lập luận phản đối liên quan đến tham nhũng lại dựa trên hệ tư tưởng đạo đức khác. Nó không đòi hỏi sự tự nguyện mà nó quan tâm đến ý nghĩa đạo đức của hàng hóa được đem ra trao đổi trên thị trường và bị giá thị trường làm suy giảm giá trị. Vì vậy, để xác định có nên mua bán quyền nhập học đại học hay không, chúng ta phải tranh luận về những giá trị đạo đức mà trường đại học cần theo đuổi. Chúng ta cũng phải đặt câu hỏi liệu việc mua bán quyền nhập học có gây tổn hại cho chính hàng hóa này không. Để quyết định có hay không nên tạo thị trường con nuôi, chúng ta cần biết mối quan hệ cha mẹ và con cái bị chi phối bởi những chuẩn mực nào, và việc mua bán trẻ em có làm xói mòn những tiêu chí đó không.
Hai lập luận nói trên có ý nghĩa khác nhau đối với thị trường. Lập luận liên quan đến tính công bằng không phản đối thị trường hóa một số hàng hóa nhất định vì chúng là những thứ quý báu, thiêng liêng, vô giá; mà nó phản đối việc mua bán hàng hóa trong tình trạng bất công dẫn tới điều kiện mặc cả của hai bên là không bình đẳng với nhau. Nó không phản đối thị trường hóa hàng hóa (cho dù đó là tình dục, thận người hay quyền nhập học đại học) trong một xã hội mà điều kiện nền tảng của mọi người là ngang nhau.
Ngược lại, lập luận liên quan đến tham nhũng chú trọng đến đặc điểm của bản thân hàng hóa và những chuẩn mực chi phối chúng. Vì vậy, không thể giải quyết nhược điểm này đơn giản bằng cách tạo ra điều kiện mặc cả công bằng. Ngay cả khi xã hội tương đối bình đẳng về quyền lực và tài sản, vẫn có những hàng hóa không thể mua được bằng tiền. Nguyên nhân là thị trường không đơn thuần là nơi trao đổi hàng hóa, nó còn mang một số giá trị nhất định. Và đôi khi giá trị thị trường sẽ lấn át những giá trị phi thị trường mà chúng ta cần gìn giữ.
∞ ∞ ∞ ∞ ∞
[159] Tôi đã trình bày hai lập luận phản đối biến mọi thứ thành hàng hóa nói trên trong chuỗi bài giảng Tanner ở trường Brasenose, Đại học Oxford năm 1998. Trong phần này, tôi giải thích lại có bổ sung. Xem Michael J. Sandel,
Tiền không mua được gì
, Grethe B. Peterson chủ biên, Chuỗi bài giảng Tanner về Giá trị nhân văn, quyển 21 (Salt Lake City: University of Utah Press, 2000), trang 87– 122.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Tiền không mua được gì?.