• 390

4.3. Cá cược người chết


Số từ: 1499
Dịch giả: Nguyễn Diệu Hằng
Nhà xuất bản: Nhà xuất bản Trẻ
M
ột hình thức giống bảo hiểm bánh thánh hơn nữa là cá cược người chết – trò cá cược kinh dị đã trở nên phổ biến trên mạng Internet vào những năm 1990, thời kỳ bảo hiểm bánh thánh cất cánh mạnh mẽ. Cá cược người chết là hình thức cá cược trên mạng tương đương với kiểu cá cược truyền thống xem đội nào vô địch giải bóng bầu dục Mỹ Super Bowl. Nhưng thay vì chọn đội nào vô địch, người chơi cá cược xem nhân vật nổi tiếng nào sẽ chết trong năm [212].
Rất nhiều trang web cung cấp các hình thức khác nhau của trò chơi kinh dị này với tên khác nhau như: Cá cược ma quỷ, Cá cược chết chóc, Cá cược người nổi tiếng chết. Một trong những trang web nổi tiếng nhất là Stiffs.com, với vụ cá cược đầu tiên được tổ chức vào năm 1993 và bắt đầu lên mạng vào năm 1996. Với mức phí gia nhập 15 dollar, người chơi sẽ đưa ra danh sách một loạt người nổi tiếng mà họ cho rằng sẽ chết vào cuối năm. Người nào đoán đúng nhiều nhất sẽ thắng giải 3.000 dollar, người về nhì được 500 dollar. Trang Stiffs.com thu hút hơn 1.000 người chơi mỗi năm [213].
Người chơi nghiêm túc sẽ không đưa ra lựa chọn cẩu thả. Họ lục lọi từng trang tạp chí giải trí và tờ tin tức để tìm tin tức về các nhân vật nổi tiếng đang đau ốm. Hiện tại, những nhân vật thường được đặt cược là nữ diễn viên Zsa Zsa Gabor (94 tuổi), mục sư Billy Graham (93 tuổi) và nhà cựu lãnh đạo Cuba Fidel Castro (85 tuổi). Các lựa chọn phổ biến khác là diễn viên Kirk Douglas, cựu thủ tướng Anh Margaret Thatcher, cựu đệ nhất phu nhân Mỹ Nancy Reagan, cựu vận động viên quyền Anh Muhammad Ali, thẩm phán Tòa án tối cao Ruth Bader Ginsburg, nhà vật lý Stephen Hawking, ca sỹ Aretha Franklin và cựu thủ tướng Israel Ariel Sharon. Do những nhân vật cao tuổi, sức khỏe kém chiếm đa số trong danh sách, một số trang cá cược còn thưởng thêm điểm cho ai đoán đúng những nhân vật yểu mệnh như Công nương Diana, John Denver hoặc những người qua đời sớm khác [214].
Cá cược người chết có trước Internet. Trò chơi này được cho là phổ biến trong giới kinh doanh chứng khoán ở Wall Street hàng chục năm nay. Phim Cá cược chết chóc
(Dead Pool) (1998) là tập phim gần đây nhất trong chuỗi phim Dirty Harry
do Clint Eastwood thủ vai chính. Nội dung phim liên quan đến một vụ cá cược người chết dẫn đến những vụ giết người bí ẩn nhằm vào những người nổi tiếng có trong danh sách. Nhưng Internet cùng với cơn sốt thị trường hồi thập niên 1990 đã đưa trò cá cược này lên tầm vóc mới [215].
Đánh cược vào thời điểm người nổi tiếng chết là một trò giải trí. Không ai sống bằng tiền thắng cược. Nhưng chúng ta vẫn thấy cá cược người chết có những vấn đề đạo đức giống bảo hiểm bánh thánh và bảo hiểm tạp vụ nếu không tính đến câu chuyện như trong phim Dirty Harry
là người tham gia cá cược gian lận, tìm cách giết những người có trong danh sách chết. Đánh cược vào tính mạng của một người và kiếm được tiền khi người đó chết có gì sai trái? Có, có cái gì đó không ổn. Nhưng nếu người cá cược không làm gì khiến người khác chết nhanh hơn thì sao phải phàn nàn? Liệu Zsa Zsa Gabor hay Muhammad Ali có bị ảnh hưởng gì không khi những người họ chưa bao giờ gặp lại đánh cược vào cái chết của họ không? Có thể họ sẽ thấy bị xúc phạm khi tên họ đứng đầu danh sách người chết. Nhưng tôi nghĩ tính phô trương của trò cá cược chủ yếu nằm ở thái độ đối với cái chết mà trò chơi này khuyến khích.
Thái độ này là một hỗn hợp độc hại của tính phù phiếm và sự ám ảnh – con người chơi đùa với cái chết trong khi không tránh được nó. Những người chơi cá cược người chết không đơn giản là đặt cược mà họ còn đang chia sẻ với nhau một thứ văn hóa. Họ dành thời gian, công sức để nghiên cứu tuổi thọ kỳ vọng của những người họ đang đặt cược. Họ bị ám ảnh một cách không chính đáng về cái chết của những người nổi tiếng. Các trang web cá cược người chết đầy tin tức về tình trạng bệnh tật của người nổi tiếng lại càng khuyến khích thú vui này. Thậm chí bạn có thể đăng ký dịch vụ
báo tin có người nổi tiếng chết
để được gửi thư điện tử hoặc tin nhắn mỗi khi có nhân vật nổi tiếng qua đời. Tham gia cá cược người chết
thực sự sẽ thay đổi cách bạn xem truyền hình và theo dõi tin tức
– lời Kelly Bakst, người quản lý trang web Stiffs.com [216].
Cũng như bảo hiểm bánh thánh, cá cược người chết khiến chúng ta lo ngại vì nó buôn bán bệnh tật con người.
Nhưng cá cược người chết lại khác bảo hiểm bánh thánh ở chỗ nó không phục vụ mục tiêu tốt đẹp cho xã hội. Nó hoàn toàn là một hình thức đánh bạc, một cách kiếm lợi và giải trí. Mặc dù đáng ghê sợ, nhưng cá cược người chết vẫn không phải vấn đề đạo đức tệ hại nhất thời nay. Trong thang bậc tội lỗi thì nó được xếp vào loại nhỏ. Nhưng nó rất thú vị vì trong một số ít trường hợp, nó cho thấy bảo hiểm làm xói mòn đạo đức như thế nào trong kỷ nguyên định hướng thị trường.
Bảo hiểm tính mạng luôn bao hàm hai thứ trong một: vừa là công cụ gộp rủi ro lại để bảo đảm an toàn cho mọi người, vừa là công cụ cá cược tàn nhẫn vào cái chết. Hai khía cạnh này tồn tại cùng nhau nhưng không dễ dàng. Nếu không có các chuẩn mực đạo đức và quy định pháp lý thì khía cạnh cá cược sẽ luôn đe dọa lấn át mục tiêu xã hội ban đầu của bảo hiểm tính mạng. Khi mục tiêu xã hội bị mất đi hoặc trở nên mờ nhạt, ranh giới mong manh giữa bảo hiểm, đầu tư và cá cược sẽ bị xóa nhòa. Bảo hiểm tính mạng đã thay đổi, từ một cơ chế bảo đảm an toàn cho thân nhân một người sang một công cụ tài chính, và cuối cùng là công cụ đánh cược vào cái chết. Nó không còn phục vụ mục đích tốt đẹp nào ngoài đem lại niềm vui và tiền bạc cho người tham gia cuộc chơi. Cho dù có vẻ tầm thường, đứng ngoài lề, nhưng cá cược người chết thực sự là người anh em sinh đôi đen tối của bảo hiểm tính mạng - công cụ cá cược không đem lại điều gì tốt đẹp cho xã hội.
Sự xuất hiện của bảo hiểm tạp vụ, bảo hiểm bánh thánh và cá cược người chết vào những năm 1980 và 1990 có thể được coi là tập phim về thương mại hóa cuộc sống và cái chết ở cuối thế kỷ 20. Thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 còn chứng kiến xu hướng này tiến xa hơn. Nhưng trước khi kể câu chuyện ở thời hiện tại, chúng ta cần nhìn lại quá khứ để nhắc nhở mình rằng bảo hiểm tính mạng đã gây ra những bất ổn về đạo đức như thế nào ngay từ đầu.
∞ ∞ ∞ ∞ ∞
[212] John Powers,
Trò chơi kết thúc
, Boston Globe
, 8/7/1998; Mark Gollom,
Trang web ‘Cá cược người chết’ thành công lớn
, Ottawa Citizen
, 15/2/1998; Marianne Costantinou,
Cá cược ma quỷ đánh cược ai sẽ chết tiếp theo
, San Francisco Examiner
, 22/2/1998.
[213] Victor Li,
Cá cược người nổi tiếng chết thành công lớn
, Columbia News Service, 26/2/2010, http://columbianewsservice.com/2010/02/celebrity-deathpools-make-a-killing/; http://stiffs.com/blog/rules/.
[214] Laura Pedersen- Pietersen,
Cá cược ma quỷ: bệnh hoạn, khiếm nhã, và phổ biến
, New York Times
, 7/6/1998; Bill Ward,
Cá cược cái chết: tính toán bao giờ người ta chết
, Minneapolis Star Tribune
, 3/1/2009; Danh sách những người nổi tiếng mới nhất được đăng tải trên http://stiffs.com/stats và www. ghoulpool.us/?page_id=571. Gollom,
Trang web ‘Cá cược người chết’ thành công lớn
; Costantinou,
Cá cược ma quỷ đánh cược ai sẽ chết tiếp theo
.
[215] Pedersen- Pietersen,
Cá cược ma quỷ
.
[216] www.deathbeeper.com/ ; Phát biểu của Bakst được trích trong Ward,
Ward,
Cá cược cái chết: tính toán bao giờ người ta chết
.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Tiền không mua được gì?.