• 260

Chương 10: Mực nồng bóng nhạt


Số từ: 5852
Người dịch: Tố Hinh
Nhà xuất bản Hà Nội
Đám người ngồi lê đôi mách vẫn túm tụm dưới gốc hòe ở phường Phổ Ninh, hăng say buôn chuyện:
Chao ôi, con thứ nhà lão Trương hôm qua bị Đoan Thụy Đường đuổi về rồi, các người có biết không?


Đuổi thì đuổi, giờ người ta đã tự dưng nhặt được một cô dâu xinh đẹp, còn hơn chán vạn cặm cụi làm công ở đó cả đời!


Này này, đừng có nói, ta thấy tiểu cô nương đó hơi không bình thường, nửa đêm hôm qua, ta còn nghe thấy tiếng con gái khóc nỉ non vẳng ra từ sân nhà họ! Đáng thương thật… Có phải bị Trương Hàng Anh đánh không nhỉ?


Nhẽ đâu thế? Thực không nhìn ra gã lại là người như thế mà…

Nghe người ta bàn tán, Trương Hàng Anh chỉ biết bất lực ngượng ngùng nhìn họ, ấp úng giải thích:
Thực… thực ra người họ nói tới là A Địch, cô ấy không phải họ hàng xa nhà tôi, chẳng qua tôi thấy cô ấy không cha không mẹ, bị ngã trên núi, rất đáng thương, bèn cứu đem về đây. Chúng tôi… chúng tôi rất khăng khít, chuẩn bị mấy tháng nữa sẽ… sẽ…

Thấy gã đỏ bừng mặt, mọi người hiểu ra ngay, Chu Tử Tần vừa chơi cùng gã một trận kích cúc, nghiễm nhiên đã coi như huynh đệ, lập tức cao giọng:
Được rồi, khi nào huynh thành thân, chúng ta sẽ tới uống rượu mừng!


Vẫn chưa định ngày… Chủ yếu là giờ trong nhà tôi không có tiền. Các vị, mời đi bên này.
Trương Hàng Anh ngượng đến nỗi chỉ muốn tìm cái lỗ chui xuống, hối hả dẫn bọn Hoàng Tử Hà về nhà mình.
Nhà họ Trương không lớn, nhưng được mảnh sân rộng, nhà cửa gọn gàng đâu ra đấy.
Ngoài sân là hàng rào râm bụt, bên trái một gốc lựu, bên phải một giàn nho, dưới giàn nho bày bộ bàn ghế đá. Cạnh nhà còn đào ao, dẫn nước từ kênh vào, nuôi ba bốn con cá chép đỏ, bên bờ ao trồng một bụi xương bồ, mấy khóm diên vĩ, quang cảnh đẹp đẽ trong lành.
Một thiếu nữ đang ngồi bên bờ ao rửa mấy bông râm bụt trắng mới hái, nghe tiếng người vào bèn đứng lên ngoảnh lại, tức thì giật nảy mình, sợ sệt nhìn đám người trước mặt, mãi tới khi trông thấy Trương Hàng Anh mới thở phào, lúng túng cất tiếng:
Trương nhị ca.


A Địch, ừm… sáng nay lúc đi, muội có nói sẽ làm bánh cổ lâu cho ta, sau đó họ, họ là…


Là bạn của Trương nhị ca, nghe nói cô nương làm bánh rất ngon, nên tới nếm thử.
Chiêu vương cười cười, nhanh miệng nói tiếp, chẹn họng Trương Hàng Anh.
Thiếu nữ tên A Địch trông rất thanh tú, chẳng khác đóa râm bụt đẫm nước trong tay, tuy không phải danh hoa diễm lệ, song lại toát lên khí chất thanh tân yểu điệu động lòng người. Nàng có vẻ rất sợ người lạ, chỉ khẽ gật đầu với cả bọn rồi cắm cúi vốc mấy bông râm bụt mới rửa trong tay, quay người đi thẳng vào nhà.
Trương Hàng Anh vội mời cả bọn vào nhà ngồi, song Chiêu vương xua tay từ chối, sai người bày rượu ngay dưới giàn nho, còn mình thì ngồi xuống ghế đá bảo Ngạc vương:
Căn nhà này đẹp thật đấy, còn thú vị hơn trà thất của Thất ca!

Ngạc vương Lý Nhuận cười bất lực, ra hiệu cho cả Chu Tử Tần và Hoàng Tử Hà ngồi xuống.
Trương Hàng Anh bưng từ trong nhà ra một chiếc bánh cổ lâu đường kính đến một thước, đặt lên bàn. Bánh nướng vàng ruộm giòn tan, thơm nức mũi, nhìn mà thèm rỏ dãi. Ai nấy vội bẻ ngay một miếng nếm thử, thấy mùi thịt dê quyện cùng lớp vỏ bánh giòn rụm, ăn vào ngon vô cùng, khiến người ta chỉ muốn thăng thiên, quả không phải mỹ vị trần gian.
Cả đám người vừa đánh kích cúc xong, đang đói meo, nên càng thấy bánh ngon. Chiêu vương giành lấy gần một nửa, cầm tay ăn, vừa ăn vừa hỏi:
Trương Hàng Anh, bánh này do cô nương vừa nãy làm đấy à?

Trương Hàng Anh gật đầu thưa:
A Địch nói đang nấu thêm canh râm bụt, các vị cứ ăn thong thả, để tiểu nhân đi giúp cô ấy.

Dứt lời, gã chạy như bay vào bên trong. Hoàng Tử Hà cầm một miếng bánh, chậm rãi đi đến cửa nhìn vào, thấy A Địch cô nương kia đang đánh trứng cạnh bếp lò, Trương Hàng Anh ngồi bên nhóm lửa.
Ngọn lửa bập bùng trong bếp, chợt một mảnh tro bay ra, dính vào mặt Trương Hàng Anh. A Địch khẽ gọi gã rồi chỉ chỉ vào má, Trương Hàng Anh ngẩng lên nhìn nàng, quẹt bừa mấy cái trên mặt, từ một mẩu tro, bị gã quệt thành một vệt dài.
Thấy vậy, A Địch chỉ biết lắc đầu, ngán ngẩm bước đến, cúi xuống, dùng tay áo lau vệt tro cho gã.
Trương Hàng Anh ngẩng đầu cười ngây ngô với nàng, dưới ánh lửa bập bùng, gương mặt gã thoáng hồng lên.
Trước cảnh tượng ấy, Hoàng Tử Hà cũng bất giác mỉm cười. Nhớ lại mùa xuân năm nào đó, cũng có một người, khi trèo lên vách núi hái cho cô một đóa hoa đương nở rộ, bên má cũng lấm lem bụi đất.
Bấy giờ cô cũng dùng tay áo lau cho hắn như thế, rồi đôi bên nhìn nhau cùng cười.
Có lẽ nữ nhi dưới gầm trời này, đều như vậy cả.
Nụ cười trên mặt chưa tắt, tim cô đã đau buốt. Nỗi đau như dao cùn cắt thịt, khiến cô phải vịn tường, từ từ ngồi xuống, ôm lấy đầu gối, gắng hít thở, cố giữ bình tĩnh.
Người đó, đã đoạn tuyệt ân nghĩa với cô rồi.
Còn cô, lại vì hắn mà trở thành hung thủ sát hại cả nhà, bị truy nã trên toàn quốc.
Nếu không yêu hắn, có lẽ cha mẹ cô, anh trai cô, bà nội và chú cô vẫn sống vui vẻ ở Thục, những chuyện kinh khủng như ác mộng ấy, đều không xảy ra.

… Sùng Cổ, Sùng Cổ?

Chợt cô nghe tiếng Chu Tử Tần vang vang bên tai.
Ngẩng đầu lên, quả nhiên bắt gặp gương mặt lo lắng và căng thẳng của gã:
Sùng Cổ làm sao thế?


Tôi…
Cô từ từ định thần lại, đăm đăm nhìn Chu Tử Tần, hồi lâu mới nặn ra được một câu,
Có lẽ lúc nãy đánh cầu mệt quá.


Ai da, công công thật hiếu thắng quá mà, may có Quỳ vương thay cho, bằng không khéo ngất lăn ra đấy mất.
Chu Tử Tần vừa nói vừa kéo cô ra ghế đá ngồi xuống,
Đến đây nào, uống ít canh đi, canh râm bụt tươi vừa ngọt vừa dễ ăn, nhất định công công sẽ thích!

Hoàng Tử Hà đón lấy chén canh từ tay gã, uống một hớp, gật đầu khen:
Ngon thực.

Ngạc vương cũng tấm tắc:
Vị còn rất tươi, ngon hơn mấy món canh hâm sẵn trên bếp cả ngày chỉ đợi bọn ta truyền dọn vào nhiều.

Chiêu vương hỏi Trương Hàng Anh:
Cô gái ấy tên A Địch đúng không? Ngươi hỏi xem cô ta có muốn vào phủ ta làm công không? Chỉ cần mỗi bữa ta đi đánh kích cúc, cô ta ở nhà làm bánh cổ lâu cho ta về ăn là được.

Hoàng Tử Hà bưng chén canh, câm nín.
Hóa ra bản tính Chiêu vương rất thích phỗng tay trên người ta, hễ vừa mắt cái gì là chăm chắm muốn đem về nhà ngay. Tính cả lần của cô, thì đã ba lần Hoàng Tử Hà chứng kiến gã rắp tâm cướp người rồi.
Song Trương Hàng Anh chỉ đáp:
Vương gia thứ tội, A Địch quả thật là do tôi nhặt về trong lúc đi hái thuốc trên núi tháng trước. Cô ấy gia thế không rõ, hằng ngày cũng chẳng ra khỏi cửa, tôi nghĩ không thể hầu hạ vương gia được.

Chu Tử Tần ngạc nhiên hỏi:
Gì cơ? Nhặt về được thật à?


Đúng thế, bấy giờ cô ấy ngất xỉu trên đường, tôi đi hái thuốc trông thấy, bèn cõng về nhà…

Chu Tử Tần tị nạnh:
Tùy tiện nhặt ngoài đường cũng được một người, lại còn là cô nương xinh đẹp đáng yêu, nấu nướng ngon như thế, đúng là vớ bở mà!

Hoàng Tử Hà lại trầm tư hỏi:
A Địch cô nương lai lịch thế nào, nhà cửa ở đâu, tại sao lại ngất trên đường núi?

Trương Hàng Anh thoáng sửng sốt, rồi đáp:
Cô ấy… cô ấy không nói, nên tôi cũng không hỏi.

Hoàng Tử Hà thấy ánh mắt Trương Hàng Anh có vẻ né tránh, tựa hồ đang giấu giếm gì đó. Nhưng nghĩ lại thì cô chỉ là người ngoài, giờ hai người quấn quýt nhau như vậy, cần gì phải hỏi tới những chuyện đó cho thêm ưu phiền, làm rầy rà họ.
Chu Tử Tần sực nhớ ra gì đó, vội nói:
Phải rồi Trương nhị ca, cuối tháng này cha ta bày tiệc đốt đuôi, mời cả hoàng thượng, đến lúc ấy nhất định phải nhờ cô ấy làm bánh cổ lâu mới được!


Không vấn đề, làm xong tôi sẽ phi ngựa đưa tới ngay, thời tiết thế này, bảo đảm dọn lên mâm vẫn nóng hổi.

Mọi người đang tấm tắc ca ngợi tay nghề của A Địch, chợt thấy Ngạc vương Lý Nhuận thẫn thờ nhìn vào nhà, vẻ hoảng hốt.
Dõi theo ánh mắt y, Hoàng Tử Hà phát hiện y đang dán mắt vào một bức tranh thờ treo trên án.
Trong phòng khách, vốn có một bức tranh phúc lộc thọ hỉ, nhưng lại treo chồng một bức họa khác dài ba thước, rộng một thước lên trên. Chất liệu tranh rất tốt, là giấy gai vàng của Thục bồi trên lụa trắng, song bên trên lại chỉ vẽ loằng ngoằng mấy mảng mực đen, chẳng có đường nét, cũng chẳng nhìn ra hình thù gì, không giống tranh mà giống vết mực dây ra khi nghiên đổ.
Nhìn bức họa ấy, gương mặt Ngạc vương Lý Nhuận tái dần đi.

Thất ca sao vậy?
Chiêu vương hỏi.
Song Ngạc vương phớt lờ câu hỏi, run run trỏ bức họa, giọng điệu không giấu được vẻ ngập ngừng:
Bức tranh… bức tranh kia là gì thế?

Trương Hàng Anh ngoái lại nhìn, liền đáp:
Là cha tôi năm xưa vâng chỉ vào cung chẩn mạch cho tiên hoàng, được tiên hoàng ngự tứ.

Chiêu vương cười nói:
Tiên hoàng vẽ rất đẹp, sao có thể vẽ ra một bức thế này chứ.


Đúng thế, hơn nữa bức tranh này có vết miết vò, tôi từng trộm nghĩ có lẽ chỉ là mảnh giấy lau bút của tiên hoàng, cha tôi nhặt về xem như trân bảo thế thôi, nếu không, mấy hình loằng ngoằng này có ý gì chứ?
Trương Hàng Anh vội góp lời,
Cha tôi xem bức tranh này như tính mạng vậy, chẳng thế ư, hôm nay biết tôi bị Tả Kim Ngô Vệ khảo nghiệm, ông ấy bèn treo tranh lên, bảo tôi thắp hương vái lạy, cầu tiên hoàng trên trời linh thiêng, phù hộ cho tôi được thông qua.

Nói rồi, gã quay người đi vào gỡ bức tranh xuống, chuẩn bị bỏ vào hộp cất đi. Ngạc vương Lý Nhuận đứng dậy theo vào, hỏi:
Ta xem qua được không?


Đương nhiên rồi, thưa gia!
Trương Hàng Anh vội cung kính dâng bức họa lên.
Thấy Ngạc vương Lý Nhuận quan tâm như vậy, mấy người kia cũng xúm lại, săm soi ba mảng mực trên đó.
Chỉ thấy ba mảng mực lớn nhỏ khác nhau, nhem nhuốc chẳng theo bố cục gì. Hoàng Tử Hà nhìn ngang nhìn dọc hồi lâu vẫn không ra ý nghĩa. Nhưng khi Ngạc vương Lý Nhuận xoay bức vẽ đi, cô thoáng trông thấy một đốm đỏ thẫm chìm giữa màu mực đen, bèn vươn người nhìn thật kỹ. Tiếc rằng, nhìn lâu cũng chỉ thấy một chấm đỏ như mũi kim, còn lại đều loang lổ đen kịt.
Thình lình, Chiêu vương vỗ tay reo lên:
Bản vương nhìn ra rồi!

Chu Tử Tần vội hỏi:
Chiêu vương gia nhìn ra gì vậy?


Đây là ba người!
Chiêu vương trỏ ba mảng mực, hào hứng phân tích:
Các người xem, từ phải sang trái, đầu tiên là một người đang oằn mình giãy giụa trên mặt đất, mấy nét lem nhem bên cạnh, chính là ngọn lửa cháy rực! Nói ngắn gọn thì, đây là vẽ cảnh một kẻ đang bị lửa thiêu!

Nghe gã nói vậy, mọi người đều đổ dồn mắt vào mảng mực đó, dần dà cũng nhìn ra. Chu Tử Tần lại trỏ lằn dài ngoằn ngoèo phía trên vết mực hỏi:
Thế cái ngoằn ngoèo này là gì đây?


Là khói…
Chiêu vương ngập ngừng nói được nửa chừng thì sực nhớ ra, bèn vỗ bộp vào vai Chu Tử Tần:
Là sét, sấm sét đó! Kẻ này bị sét đánh chết!

Trước mắt Hoàng Tử Hà bỗng hiện ra cảnh tượng ở chùa Tiến Phúc: Ngụy Hỷ Mẫn bị sét đánh trúng, quằn quại trong lửa, cuối cùng chết cháy.
Chu Tử Tần cũng trầm ngâm:
Ô, tôi nhớ ra rồi, tên Ngụy Hỷ Mẫn ở phủ công chúa chẳng phải hôm trước bị sét đánh trúng mà chết cháy ư? Không ngờ lại giống hệt như trong bức tranh này!


Trùng hợp thật!
Chiêu vương nói.
Trương Hàng Anh cũng xen vào:
Nhưng bức họa này đã ở nhà tiểu nhân mười năm nay rồi, tiên đế qua đời cũng vừa tròn mười năm, tiểu nhân nghĩ chắc không có liên quan gì đâu.


Đúng thế, tên hoạn quan kia mới chết vài hôm thì liên quan gì đến bức tranh từ mười năm trước chứ? Chỉ là trùng hợp thôi.
Chiêu vương thong thả nhận xét.
Mọi người đều cho là phải, tức thì gạt Ngụy Hỷ Mẫn ra khỏi câu chuyện.
Trí tưởng tượng của Chu Tử Tần thật bao la, sau khi được Chiêu vương khơi gợi, gã nhanh nhảu chỉ ngay mảng mực ở giữa, rêu rao:
Nói vậy thì tôi cũng nhìn ra rồi! Hình thứ hai, cũng là một người, các vị xem, những dọc dài này trông như cái lồng, nhốt người này bên trong, có lẽ là một tù nhân. Mấy đốm mực xung quanh, trông giống vết máu, có lẽ ám chỉ người này chết trong lồng.

Mọi người đều gật đầu khen phải, lại dồn mắt vào hình thứ ba. Hình này gồm hai vết mực một trên một dưới, vệt bên trên nhìn thế nào cũng không giống người. Mọi người đang chăm chú nhìn thì Trương Hàng Anh đã há hốc miệng ồ lên.

Ngươi nhìn ra rồi ư?
Ngạc vương Lý Nhuận hỏi.
Gã gật đầu lia lịa, rồi căng thẳng đáp,
Tiểu nhân thấy… thấy cái này trông như… một con chim lớn nhào xuống mổ người, mà kẻ bên dưới hình như đang chạy trối chết… Giữa lớp mực đen hình như còn có một đốm đỏ, rất giống một vết thương nhỏ.


Ừm, bản vương cũng nghĩ thế!
Chiêu vương gật đầu tán đồng.

Thì ra thế… Thì ra nội dung bức họa này là thế à?
Ngạc vương Lý Nhuận trầm tư lẩm bẩm.
Hoàng Tử Hà nhíu mày thắc mắc:
Nhưng nô tài vẫn không hiểu, vì sao tiên đế lại vẽ ra bức tranh này? Rốt cuộc ba hình vẽ này có ngụ ý gì chứ?

Vấn đề này đương nhiên không ai trả lời được. Ngạc vương Lý Nhuận cuộn bức tranh lại trả cho Trương Hàng Anh rồi nói:
Bất kể đây có phải ngự bút tiên đế hay không, nó cũng là thứ quan trọng với phụ thân ngươi, nên cất cẩn thận thì hơn.


Vâng.
Trương Hàng Anh ôm cuộn tranh bỏ vào hộp, chuẩn bị bưng lên gác đặt vào chỗ cũ. Vừa quay người, gã bỗng sững sờ bắt gặp A Địch đang đứng thất thần ngay đầu cầu thang tầng trên.
Hơn nữa, gã còn thấy rõ mồn một, vẻ mặt nàng không chỉ ngỡ ngàng, đau đớn, mà còn méo mó đi vì vui sướng, trông rất đáng sợ.
Trước cảnh tượng ấy, Trương Hàng Anh chỉ biết ngây ra, vừa kinh hãi vì biểu cảm của nàng, lại sợ nàng đứng không vững sẩy chân ngã xuống, chần chừ một thoáng, gã rảo bước đi lên, chắn trước bậc cầu thang đầu tiên, đoạn hỏi:
A Địch, muội sao thế?

Ánh mắt đờ đẫn của A Địch dừng ở Trương Hàng Anh, song tâm trí vẫn đang trôi tận đâu đâu. Mãi tới khi trông rõ mặt gã, nét mặt nàng mới từ từ dãn ra, cúi gằm xuống, nghèn nghẹn đáp:
Muội nghe các vị nói… nói tới cảnh tượng cận kề cái chết trên bức họa, lại nhớ tới kẻ chết cháy trong chùa Tiến Phúc mà chúng ta thấy hôm trước, bỗng sợ quá, đến nỗi… ngây cả người ra.


Ôi chao, không sao đâu, chúng ta chỉ thử hình dung thôi mà. Mọi người tiện miệng nói đấy thôi.
Gã an ủi nàng.
A Địch gật đầu, từ từ ôm lấy hai vai ngồi xuống, lẩm bẩm nói khẽ:
Khi nào họ đi… Muội phải xuống sao thuốc cho bác trai.


Thuốc của cha cứ để ta. Muội sợ người lạ thì cứ ở trên gác ấy.
Nói rồi, Trương Hàng Anh đặt chiếc hộp vào tủ khóa lại.
Rời khỏi nhà Trương Hàng Anh, Hoàng Tử Hà và Chu Tử Tần về cùng đường, bèn cáo từ Chiêu vương và Ngạc vương.
Hoàng Tử Hà để ý thấy nét mặt Lý Nhuận rất lạ. Tiểu vương gia phiêu hốt như tiên, giờ đây lại thẫn thờ ngẩn ngơ, tuy vẫn gượng cười từ biệt bọn họ, nhưng ánh mắt cứ nhìn xa xăm, chẳng để thứ gì vào mắt.
Bức họa kia rốt cuộc có điểm gì kỳ lạ, mà khiến Ngạc vương ngơ ngẩn như thế?
Hoàng Tử Hà vừa nghĩ ngợi vừa cưỡi Na Phất Sa đi chầm chậm, men theo những tán hòe rợp bóng dọc đường, cùng Chu Tử Tần quay về.
Đương giữa mùa hè, dưới tán hòe vô cùng mát mẻ. Mấy con chim trên cành thỉnh thoảng lại cất tiếng líu lo.
Chu Tử Tần đi song song với cô, chợt vươn tay vỗ nhẹ lên đầu Na Phất Sa:
Sùng Cổ, thế này cũng đỡ lắm rồi, đừng lo nghĩ nữa.


Hở?
Hoàng Tử Hà ngước nhìn gã.

Tuy tạm thời chưa thể tới Thục, nhưng chẳng phải Quỳ vương vẫn đợi công công ư, giải quyết xong việc của Đồng Xương công chúa, nói không chừng chúng ta có thể cùng lên đường.

Hoàng Tử Hà thở dài:
Công tử thấy đấy, cái chết của tên Ngụy Hỷ Mẫn phủ công chúa cũng giống vụ tai nạn của phò mã hôm nay, đều không có manh mối gì cả. Vụ phò mã còn để lại chút dấu vết, chứ vụ ở chùa Tiến Phúc thì trong thời gian ngắn khó mà biết có phải do người gây ra nữa không kia.


Thì thế, nhưng hoàng thượng sủng ái Đồng Xương công chúa, công chúa bảo điều tra thì chúng ta phải tra thôi… Hay cứ điều tra bừa đi, mấy hôm nữa báo cáo đại khái là được.

Hoàng Tử Hà ghìm cương, nghĩ ngợi rồi nói:
Vẫn nên đến sớm xem sao.


Xem gì cơ?


Đến chùa Tiến Phúc, xem có chỗ nào cần chú ý không?

Dứt lời, cô vội quay đầu ngựa, chạy thẳng về phía chùa Tiến Phúc, Chu Tử Tần lật đật đuổi theo:
Đợi ta với, ta cũng đi!

Chùa Tiến Phúc hôm nay vắng ngắt, khác hẳn cảnh nhốn nháo hôm trước. Tuy đống ngổn ngang đã được dọn sạch, nhưng bãi cỏ bị xéo nát cùng những hoa cỏ gãy gập vẫn là minh chứng rành rành của vụ hỗn loạn.
Hoàng Tử Hà và Chu Tử Tần đi qua cửa lớn, trông thấy hai nhà sư đang cầm mấy bao tải không đi về phía hồ phóng sinh, vừa đi vừa lắc đầu than thở.
Chu Tử Tần liền hỏi:
Xin hỏi hai vị đại sư, hồ phóng sinh xảy ra chuyện gì sao?


Ôi, thảm lắm, đừng nhắc đến thì hơn.
Hai nhà sư đáp.
Hai người bám theo xem, không khỏi trợn trừng mắt, rúng động đến nỗi không thốt nên lời.
Trên mặt hồ phóng sinh chu vi chừng hai trăm bước lềnh phềnh đầy cá chết, trời đang nóng nực, cá lại quá nhiều, lớp này chồng lên lớp kia, những con chết trương bên dưới bụng phình to, như muốn đẩy bật con bên trên ra khỏi hồ.
Mùi cá chết tanh ngòm xộc thẳng tới khiến Hoàng Tử Hà và Chu Tử Tần phải cuống quýt bịt mũi, quay phắt đi, suýt nữa thì nôn ra.
Hai nhà sư đều lắc đầu than:
Công đức ơi là công đức, người khắp kinh thành đều muốn làm công đức, ngờ đâu bấy nhiêu công đức đều thành dao mổ cả.

Hoàng Tử Hà và Chu Tử Tần đứng dưới mái hiên bịt mũi, nhìn hai nhà sư khả kính dùng vải nút mũi lại, rồi lấy xẻng xúc cá đổ vào bao tải.
Chu Tử Tần đứng từ xa hỏi với sang:
Đại sư định xử lý đống cá chết này thế nào?


Đưa ra ngoài thành, đào hố chôn.
Nhà sư cao giọng đáp.

Vậy phải đào sâu lắm nhỉ, vất vả quá!

Hai nhà sư khiêng một bao cá chết đi, vừa đi vừa đáp:
A Di Đà Phật, những con cá này độc lắm. Sớm nay có con mèo lẻn vào trộm một con, vừa ăn đã ngã lăn ra. Nếu không chôn sâu, e rằng sẽ gây họa.


Có độc ư?
Chu Tử Tần và Hoàng Tử Hà nhìn nhau, rồi bất chấp mùi tanh thối nồng nặc, dùng tay áo bịt mũi, chạy đến bên hồ nhìn xuống.
Chỉ thấy hàng loạt cá chết trắng bụng, đã bắt đầu ươn thối, thực chẳng lần ra manh mối gì. Chu Tử Tần bẻ cành cây, xiên vào miệng một con cá, vớt lên nói:
Ta đem về kiểm nghiệm thử.

Hoàng Tử Hà liếc qua mặt hồ lềnh phềnh đầy cá chết:
Theo lẽ thường thì, dù hồ phóng sinh chật ních, cũng không thể chết sạch cá chỉ trong một đêm được.


Bởi vậy, có lẽ là bị người ta hạ độc.
Chu Tử Tần căm phẫn nói,
Kẻ nào mà tàn nhẫn đến thế, đi đầu độc tất cả cá trong hồ phóng sinh?

Hoàng Tử Hà trầm tư không nói. Chu Tử Tần kết luận:
Nhất định là một tên ác nhân biến thái, không muốn thấy người khác sống yên ổn!

Đứng đây nãy giờ, Hoàng Tử Hà cũng không chịu nổi mùi thối, bèn quay người đi về phía chính điện:
Công tử cất cá đi, chúng ta ra hiện trường hôm qua.

Trước Đại Hùng bảo điện. Trên mảnh sân rộng nơi Liễu Chân pháp sư giảng kinh, bục giảnh kinh đã được dỡ bỏ, để lại một khoảnh trống không, chỉ còn một cây nến lớn đứng sừng sững bên lò hương khổng lồ.
Phía bên kia, cạnh sợi bấc sót lại, một nam nhân tuổi ngoại ngũ tuần đang ngồi chồm hổm, dùng xẻng cạo lớp sáp nến trên nền sân.
Lão cạo rất mạnh, đến nỗi lưng ướt đầm đìa, mồ hôi lăn dài trên gương mặt gầy gò chằng chịt nếp nhăn, tí tách nhỏ xuống nền gạch xanh bỏng giãy vì nắng chiều, chỉ trong nháy mắt đã bốc hơi.
Hoàng Tử Hà bước đến ngồi xuống cạnh lão:
Lão trượng, sao lại ngồi ở đây một mình cạo nến vậy?

Ông lão ngẩng lên nhìn cô, rồi lại cúi đầu tiếp tục cạo, khàn khàn hỏi lại:
Ngươi là ai?


Ta phụng lệnh Đại Lý Tự, đến tra xét vụ hỗn loạn hôm qua.
Hoàng Tử Hà đáp.
Bấy giờ, ông lão mới rầu rĩ đáp:
Đây là nến do lão làm ra!

Hoàng Tử Hà sực hiểu, thì ra ông ta chính là người thợ đã tạo ra đôi nến này, Lữ Chí Nguyên.

Đôi nến này là tác phẩm lão tự hào nhất đời. Trừ lão ra, các vị nhìn xem, trong thành Trường An này còn ai làm được đôi nến hoàn mỹ như thế nữa?
Lữ Chí Nguyên quệt mồ hôi, rồi trỏ cây nến còn lại,
Lão sinh ra tại Trường An, lên sáu tuổi bắt đầu theo cha học làm nến, nghề làm nhang đèn của nhà họ Lữ đã truyền được bốn đời, đến lão thì đứt đường hương hỏa!  Lão đây đã năm mươi bảy tuổi, lại ốm yếu, lực bất tòng tâm rồi, vốn tưởng đôi nến này là phút huy hoàng cuối cùng của Lữ gia, nào ngờ ông trời quái ác, nỡ hủy hoại cả sản phẩm hoàn mỹ nhất đời này của lão!

Hoàng Tử Hà liền an ủi:
Trời giáng sấm sét, sức người không cản được, chuyện này cũng là xui xẻo thôi mà.


Hừm…
Ông lão chẳng màng đến mấy lời an ủi, khó nhọc đứng dậy, tiếp tục cạo một mảng sáp nến khác.
Chu Tử Tần xách chiếc làn bên cạnh lại giúp lão, đoạn hỏi:
Sáp nến này vẫn dùng được ư?

Lữ Chí Nguyên vừa cạo sáp bỏ vào làn, vừa đáp:
Lão đã phát nguyện trước đức Phật rằng, sẽ làm lại một cây nến khác. Giờ sáp ong đắt đỏ, thu thập được chừng nào hay chừng nấy, còn lại lão sẽ bù thêm vào.


Tiếc thật, cây nến lớn như thế mà nổ tung cháy trụi cả, chẳng còn bao nhiêu.
Chu Tử Tần than thở,
Lão có chứng kiến cảnh tượng hôm trước không?


Lão không có mặt.
Lữ Chí Nguyên chăm chú cạo nến, chẳng buồn ngẩng lên:
Vì đôi nến này, lão đã phải làm liên tục bảy ngày bảy đêm cho kịp hoàn công, vừa đưa đến đây, lão cũng ngất xỉu luôn, được người ta khiêng về.


À phải, tối qua ta có nghe nói.
Hoàng Tử Hà gật đầu.

Đúng là cái số mà! Ai bảo trời muốn trừng trị ác nhân nên mới giáng sấm sét, đôi nến lão dốc hết tâm huyết cũng vì thế mà bị vạ lây!
Lão Lữ xì một tiếng đầy khinh ghét.
Chu Tử Tần trầm tư nói:
Ta cũng nghe nói, mọi người đều bảo là trời phạt.


Loại hoạn quan vứt bỏ cả tôn nghiêm của đàn ông để giành lấy vinh hoa phú quý, có việc gì không dám làm đâu? Trên đời này, kẻ tàn ác nhất chính là mấy tên hoạn quan nam không ra nam nữ không ra nữ đó.
Lão Lữ miệt thị.
Hoàng Tử Hà nhìn bộ đồ hoạn quan trên mình, chẳng biết lão Lữ thực sự không nhận ra y phục hoạn quan, hay cố ý chửi chó mắng mèo, đành cười gượng.
Chu Tử Tần cãi lại:
Lữ lão bá không thể nói thế được, hoạn quan cũng có người tốt mà.


Người tốt hả? Người tốt mà vứt bỏ cả cái đó ư? Đàn ông đàn ang không làm, lại tự biến mình thành thứ bất nam bất nữ như thế?
Lữ Chí Nguyên khinh khi hừ một tiếng,
Trên đời này, đàn ông chính là trời! Không muốn làm trời, tự chọn lấy phận ti tiện!

Hoàng Tử Hà chẳng biết nói gì với lão già này nữa.
Chu Tử Tần thắc mắc:
Lão bá, vừa nãy bá bá nói nhang đèn nhà mình đứt đường hương hỏa… Lẽ nào bá bá không có con?


Hầy, vợ lão vô tích sự, không sinh được con trai, đã thế còn chết sớm, để lại một đứa con gái, chẳng trông mong được gì cả! Phì!
Lão nhổ toẹt một cái.
Nghe đến đây, Hoàng Tử Hà đứng dậy, phủi quần áo nói:
Được rồi, tôi đi xem bên hồ phóng sinh kia đã dọn xong cá chưa.

Thà ra đó chịu mùi thối, còn hơn ở cạnh lão già coi thường nữ nhân này.
Sau khi từng bao cá chết được khiêng đi, mùi thối hoắc đặc quánh tưởng chừng muốn nổ tung ra cũng giảm bớt phần nào.
Hoàng Tử Hà và Chu Tử Tần đến giờ mới thở phào, bịt mũi đi đến bên hồ phóng sinh đã trơ đáy, hỏi hai nhà sư:
Hai vị đại sư, cũng hòm hòm rồi nhỉ.


Khiêng nốt hai bao nữa thì cũng hòm hòm.
Nước trong hồ phóng sinh đã tháo hết ra ngoài, hai nhà sư men theo bậc đá đi xuống, vừa dùng gầu và xẻng xúc cá chết vừa than vãn:
Hai người chúng tôi được phân công trông nom hồ này. Hôm trước hay tin sẽ có rất đông thiện nam tín nữ phóng sinh, hai chúng tôi đã xả nước hồ nạo vét dọn dẹp, mất cả ngày trời, mệt đến suýt ngất xỉu, chẳng ngờ hôm nay lại gặp phải chuyện này, thiện tai, thiện tai!

Chu Tử Tần tỏ vẻ thông cảm:
Chờ cho việc này qua đi, dọn dẹp xong hồ phóng sinh, hai vị cũng có thể nghỉ ngơi.

Hoàng Tử Hà bỗng để ý thấy một đốm sáng lờ mờ. Cô bất chấp mùi thối, lội xuống hồ phóng sinh, đi đến ngồi thụp xuống cạnh đốm sáng nọ, quan sát thật kỹ.
Ra là một sợi dây sắt mảnh hơn đầu đũa, dài chừng hai thước, đầu trên thẳng tắp, đầu dưới được uốn thành hình móc câu. Một đầu sợi sắt bị gỉ, còn đầu kia dường như đã được tôi rèn, lờ mờ ánh xanh.
Hoàng Tử Hà bèn nhặt lên, săm soi trên tay một hồi.

Một sợi sắt bình thường thôi mà.
Chu Tử Tần ngồi xuống cạnh cô, kết luận.
Hai nhà sư đang xúc cá cạnh đó nói:
Hôm trước chúng tôi đã nạo vét sạch sẽ lòng hồ, không hề thấy thứ này.


Có lẽ hôm qua trong lúc hỗn loạn, ai đó đã làm rơi xuống.
Nhà sư kia nói.
Chu Tử Tần gật đầu tán đồng.
Song Hoàng Tử Hà lại cầm sợi sắt nọ đứng dậy:
Lạ nhất là sợi sắt thế này dùng làm gì chứ? Còn mang đến cả pháp hội, là vì sao?


Nhiều nguyên nhân lắm, ví như để quấn quanh thứ gì đó rất nặng, sợ dây thừng không chịu nổi.


Vậy thứ đó đâu rồi?

Chu Tử Tần vắt óc nghĩ mãi không ra, đành chống chế:
Có lẽ người ta dùng để buộc quanh gánh muối chẳng hạn, muối rơi xuống nước tan hết, sợi thép cũng rơi ra, kẻ bán muối chỉ có thể trách mình xui xẻo, vớt quang gánh nổi lềnh phềnh trên mặt nước lên mà đi thôi.


Ai lại gánh muối đến pháp hội chen chúc chứ?
Hoàng Tử Hà cũng chẳng biết làm sao, đành cầm sợi sắt kia đi lên, trao cho Chu Tử Tần,
Phiền công tử đem đến Đại Lý Tự giúp tôi, cứ bảo là vật chứng.

Chu Tử Tần kinh hãi hỏi lại:
Công công thực sự định phá vụ này sao?


Phá sao được? Trước mắt xem ra, tất cả chỉ là tai họa ngẫu nhiên thôi.
Dứt lời, Hoàng Tử Hà quay mình đi thẳng,
Tốt xấu gì cũng kiếm lấy một vài thứ, để chứng tỏ không phải chúng ta làm quấy làm quá.


Có lý có lý.
Chu Tử Tần bật ngón cái tán thưởng.
Sau khi chia tay Chu Tử Tần, Hoàng Tử Hà dẫn Na Phất Sa về phủ Quỳ vương, mệt nhừ người.
Vừa thấy đại thúc canh cửa, cô hỏi ngay,
Vương gia về chưa?

Biết được Lý Thư Bạch vẫn chưa về, Hoàng Tử Hà càng thấy nóng nực thêm. Giờ đang giữa hạ, khí trời oi bức, cô bèn đi múc hai thùng nước tắm rửa.
Ngâm mình vào nước lạnh, chẳng mấy chốc cô đã bình tĩnh lại. Mùi hương bồ kết cũng giúp cô quét sạch những mệt mỏi lo toan trong tâm trí.
Đương giờ Mùi, khu nhà dành cho hoạn quan trong vương phủ lặng ngắt như tờ. Cô tắm táp xong bèn ngồi trong phòng vừa lau khô tóc vừa nghĩ tới cuộc hẹn với Vương Uẩn tối nay.
Giờ Dậu, chỉ còn một hai canh giờ nữa thôi. Vốn định bàn bạc với Lý Thư Bạch, nào ngờ y lại vắng nhà, khiến cô thấy bồn chồn khó tả.
Nhưng việc phải đến ắt sẽ đến, cô cũng đành đến đâu hay đấy vậy.
Cô thầm cảnh cáo bản thân, Hoàng Tử Hà, trước đây mọi việc ngươi đều dựa vào chính mình, vậy mà mới được mấy ngày, sao lại bắt đầu muốn dựa dẫm kẻ khác rồi?
Đợi tóc khô, cô thay sang đồ hoạn quan, chải tóc gọn gàng rồi cắm trâm lên. Soi vào gương đồng, chỉ thấy một tiểu hoạn quan da dẻ nõn nà, đôi mắt đen láy sáng rực như điểm sơn.
Dù trà trộn giữa đám hoạn quan nam không ra nam nữ không ra nữ, song dường như cô vẫn có vẻ nổi bật. Hoàng Tử Hà lấy phấn vàng ra, toan xoa lên mặt, nhưng nghĩ đi nghĩ lại, cuối cùng bỏ tay xuống. Việc đã đến nước này, che giấu còn tác dụng gì đâu.
Mở hộc tủ ra, trong ngăn tủ trống không là cây quạt hôm đó Vương Uẩn tặng cô.
Cô cầm lấy quạt đi thẳng ra cửa, gặp ngay Lư Vân Trung hớt hải chạy đến, hí hửng gọi:
Sùng Cổ, mau lên mau lên, cơm tối nay có cá lư, món cậu thích nhất ấy. Thím Lỗ bảo đã phần cho cậu một con to rồi!

Hoàng Tử Hà lắc đầu cười với y:
Không cần đâu, cho huynh đấy, tôi phải ra ngoài.

Lư Vân Trung ngạc nhiên hỏi:
Đi đâu thế? Theo vương gia ra ngoài ư?

Hoàng Tử Hà mỉm cười, đi được mấy bước mới ngoảnh lại, nghiêm trang đáp:
Đến Vương gia, nhà họ Vương Lang Gia. Tối nay Vương đô úy hẹn tôi.

Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Trâm - Kẻ Yểu Mệnh.