Chương 27: Lòng này ai tỏ
-
Trâm - Kẻ Yểu Mệnh
- Châu Văn Văn
- 6450 chữ
- 2020-05-09 04:07:00
Số từ: 6439
Người dịch: Tố Hinh
Nhà xuất bản Hà Nội
Nô tỳ biết chuyện này không thể tiếp diễn mãi được. Công chúa và Tiền Quan Sách rất hợp chuyện, tuy chưa kêu một tiếng cha, nhưng thoạt đầu công chúa lén gọi ông ấy là gã Béo Lùn, về sau biến thành lão Béo, rồi dần dần chuyển sang ông Béo… Nghe nói Tiền Quan Sách cũng nhiều lần khoe khoang về đứa con gái ở phủ công chúa và con cóc vàng. Ông ấy càng vui thì nô tỳ càng lo sợ… Sợ thân thế bại lộ, cuộc hôn nhân trong tầm tay sẽ bị ông ấy phá hỏng…
Thùy Châu cúi nhìn từng viên gạch xanh san sát nối nhau, không một khe hở, lẩm bẩm kể,
Cùng thời gian này, công chúa lại mơ thấy Phan Ngọc Nhi báo mộng đòi trâm. Sau đó thì Ngụy Hỷ Mẫn chết, phò mã xảy ra chuyện, công chúa lo nghĩ thành bệnh, nô tỳ cũng thức trắng đêm trong nom công chúa, chỉ sợ có điều gì sơ suất. Một hôm, nô tỳ tới Thái Y Viện lấy thuốc cho công chúa như thường lề rồi quay về, lúc xuống xe, chợt có người nhìn chằm chằm vào cổ tay nô tỳ hỏi:
Cô là Thùy Châu ư?
Mọi người đều đổ dồn mắt vào cổ tay ả.
Thùy Châu khoác áo xô gai trắng, vết sẹo thấp thoáng trong tay áo. Ả vén tay áo lên, để lộ cánh tay chằng chịt sẹo bỏng, cúi đầu kể:
Nô tỳ nghĩ chắc hắn trông thấy cổ tay, nên mới khẳng định được thân phận của nô tỳ, bèn ngoái lại nhìn, thì… Nô tỳ không biết kẻ đó là ai, chỉ thấy hắn đội một chiếc mũ lá rách, che khuất nửa gương mặt, nửa còn lại bịt khăn đen kín mít, dù trời nóng hầm hập. Nô tỳ định lờ hắn đi, nào ngờ hắn thình lình gọi giật giọng: ‘Hạnh nhi, cha cô sắp chết rồi.’
Ánh mắt ả lướt qua Lữ Chí Nguyên rồi dừng ở Tiền Quan Sách, giọng hoảng hốt:
Nô tỳ… Nô tỳ nghe vậy thì sợ đến giật bắn mình, chỉ e người khác phát hiện ra thân phận. Nhưng hắn bảo chỉ nói với nô tỳ mấy câu sẽ đi ngay, nên nô tỳ đành rời xe ngựa, theo hắn đến một góc vắng trong ngõ. Hắn nói: ‘Ta biết cô là Hạnh nhi con gái Tiền Quan Sách. Cha cô giết Ngụy Hỷ Mẫn vì Ngụy Hỷ Mẫn đến tìm ông ấy đòi linh lăng hương, đôi bên cãi vã, cha cô bèn dẫn lửa thiêu chết họ Ngụy tại chùa Tiến Phúc; ngay cả con ngựa của phò mã cũng là do cha cô trong lúc tới kiểm tra mấy con ngựa mình bán cho Tả Kim Ngô Vệ, sơ ý làm gãy móng ngựa, vô tình liên lụy đến phò mã; Tôn ghẻ cũng là do cha cô nhân lúc phá cửa xông vào ra tay hạ sát… Còn nữa, ta hỏi cô, cô có biết một khi quan phủ bắt giữ ông chủ Tiền thì thân phận cô cũng bại lộ hay không? Cuội đời cô sau này phải làm sao đây?’
Tiền Quan Sách nhành miệng ra, lớp mỡ trên mặt rung rung, hắn run rẩy giơ tay lên như muốn vuốt ve cổ tay chằng chịt sẹo của con gái, xong Thùy Châu đã rụt phắt tay lại giấu sau lưng, như chạm phải lửa.
Bàn tay Tiền Quan Sách khựng lại trước ngực, thật lâu không buông xuống. Nhìn vẻ đau đớn trên gương mặt phì nộn của họ Tiền, mọi người thực không biết nên cảm thông hay ghê tởm nữa.
Giọng Thùy Châu lại nghẹn ngào cất lên, gần như khóc không ra tiếng:
Hắn… Hắn bảo nô tỳ rằng, cô tưởng cô giấu được chuyện ấy hay sao? Cha cô là bạn ta, ta phải giúp ông ấy, và cũng sẽ giúp cô. Nô tỳ, nô tỳ kinh hoàng tột độ, đành hỏi hắn, tôi phải làm sao đây?
Hắn bèn sai cô đánh cắp trâm Cửu loan, đúng không?
Phải… Hắn nói trong hai vụ án trước, và cả vụ việc của phò mã, ông chủ Tiền đều có thời gian gây án và chứng cứ có mặt tại hiện trường, nên hắn sai nô tỳ… giúp ông ấy tạo ra một chứng cứ không thể phản bác được.
Phò mã Vi Bảo Hoành nhìn Thùy Châu trừng trừng, nghi hoặc hỏi:
Thế nên… ngươi bèn giết công chúa?
Không! Nô tỳ không hề!
Thùy Châu cắn nôi, giọng run lên,
Nô tỳ sao, sao có thể hại công chúa được… Kẻ kia nói rằng, việc này rất đơn giản, chẳng phải công chúa mơ thấy cây trâm biến mất ư, chuyện này có thể liên quan tới vụ án, mà.. ai cũng biết, ông chủ Tiền không có cơ hội đánh cắp trâm Cửu loan… Nô tỳ vẫn chần chừ không chịu, nói rằng trâm Cửu loan đã được chính tay công chúa cất vào rương khóa lại, nô tỳ không lấy được. Nhưng hắn… hắn bèn dạy cho nô tỳ cách làm vừa rồi, khi đi lấy trâm thì khéo léo giấu đi. Nô tỳ… thực sự chẳng còn đường nào nữa…
Quách thục phi rít lên cắt lời ả:
Nói gì thì nói, trâm Cửu loan vẫn nằm trong tay ngươi đúng không? Ngươi lòng vòng phân bua nãy giờ, còn không mau khai ra rốt cuộc đã dùng nó sát hại công chúa thế nào?
Thục phi nương nương, nô tài hiểu nỗi lòng nương nương, nhưng sự việc phải nói từ đầu mới được, bằng không làm sao vạch rõ chân tướng?
Hoàng Tử Hà xen vào rồi thở dài:
Công chúa bị đâm trúng tim chết ngay, rất ít có khả năng giãy giụa. Vậy mà một cây trâm ngọc như trâm Cửu loan, vừa đâm vào ngực đã gãy đôi, thực khiến người ta kinh ngạc. Bởi vậy nô tài đoán rằng nó đã gãy lìa ngay khi bị thả từ nắp rương xuống, dù Thùy Châu cẩn thận trải vải lót bên dưới, có phải không?
Thùy Châu khóc không ra tiếng, chỉ gật đầu, hồi lâu mới kể tiếp:
Nô tỳ thực không ngờ công chúa lại canh cánh bên lòng việc cây trâm biến mất, đến nỗi bệnh cũ tái phát, trị mãi không khỏi như vậy. Nhân lúc việc canh phòng và lục soát lơi lỏng đôi chút, nô tỳ lập tức chạy tới kho lấy trâm, định lén lút trả về cho công chúa. Nào ngờ… khi rút cây trâm từ sau cái rương ra, nó đã gãy đôi từ lúc nào!
Nói đoạn, ả đưa mắt nhìn lướt qua mọi người trên công đường, rồi dừng ở Tiền Quan Sách, vẻ hoang mang:
Nô tỳ… nô tỳ bấy giờ sợ đến đứng tim, nắm chặt lấy cây trâm gãy đôi chẳng khác gì nắm lấy sợi dây thừng tròng vào cổ mình… Theo lời hẹn, tối hôm đó nô tỳ đem cây trâm đến cửa ngách giao cho người nọ, nhưng khi đưa cây trâm vào tay hắn, nô tỳ chợt thấy kinh hoàng tột độ, cảm giác như sắp bị người ta kéo xuống vực sâu vậy. Chẳng hiểu vì sao… no tỳ thình lình nắm chặt lấy đầu trâm hỏi, ông rốt cuộc là ai?
Kẻ bịt mắt kia không đáp mà giật phắt lấy cây trâm, nào ngờ trâm đã gãy đôi nên hắn chỉ giật được phần đuôi, còn đầu trâm vẫn nằm trong tay Thùy Châu. Ả nắm chặt đầu trâm, quay ngoắt người chạy vào trong, kẻ kia không dám đuổi theo, bèn vội vã lẩn vào một con ngõ nhỏ cạnh đó chuồn thẳng.
Lạc Bội thất thanh chen vào:
Nhưng… nếu kẻ đó chỉ lấy được đuôi trâm thì vì sao giữa đám đông chen lấn, công chúa lại có thể nhận ra cây trâm Cửu loan từ khoảng cách xa như thế? Công chúa đâu thể nhân ra nửa cây trâm gãy từ xa thế được?
Thùy Châu lắc đầu quầy quậy, khóc òa lên:
Không biết… Không biết nữa! Lúc công chúa bảo vừa thấy trâm Cửu loan, nô tỳ sợ đến nỗi tim suýt vọt ra ngoài, cứ ngỡ… cứ ngỡ công chúa đã phát hiện ra việc mình làm. Nào ngờ công chúa lại chỉ vào đám đông mà nói. Bấy giờ nô tỳ thầm nhủ, không thể nào, phần đầu trâm vẫn đang giấu trong ngực áo nô tỳ mà… Bởi vậy nô tỳ ra sức ngăn cản công chúa đừng đuổi theo, nào ngờ, lúc ấy tình hình hỗn loạn, cuối cùng công chúa vẫn… vẫn…
Thùy Châu một lần nữa nghẹn lời, phủ phục dưới đất khóc rống lên.
Mọi người đợi được nhưng hoàng đế đã hết kiên nhẫn, phải nghiến răng nén giận, quát lớn:
Ngẩng lên! Nói rõ đầu đuôi cho trẫm nghe!
Thùy Châu vừa đau đớn vừa sợ hãi, giơ tay ôm lấy ngực gắng nặn ra tiếng, giọng khản đặc, gần như không thể nói thành lời:
Thưa vâng, nô tỳ… nô tỳ và mọi người bổ đi tìm công chúa, chợt thoáng thấy bóng kẻ đó! Tuy không biết mặt hắn, nhưng nô tỳ vẫn nhớ rõ chiếc mũ lá… hơn nữa, còn thấy hắn kéo công chúa chạy đến bờ tường vắng vẻ… Nô tỳ liều mạng chen qua đám đông chạy đến, nhưng… nhưng đã muộn, lúc nô tỳ tới nơi, chỉ kịp trông thấy công chúa gục xuống…
Nhắc đến cảnh tượng hôm ấy, sắc mặt Thùy Châu tái xanh, như thể lúc đó cây trâm đã đâm vào chính ngực ả, lấy đi mạng sống của ả vậy:
Nô tỳ… bang hoàng chạy đến thì thấy… thấy phần đuôi trâm găm trên ngực công chúa! Nô tỳ… kinh hãi tột độ, thầm nghĩ nếu mình bị tình nghi, ắt sẽ bị khám người, tới lúc đó đầu trâm sẽ là tội chứng nô tỳ mưu hại công chúa! Bởi thế nô tỳ liều mạng chạy tới, nhân lúc quỳ xuống ôm chầm lấy công chúa thì lén lút ném luôn phần đầu trâm giấu trong ngực áo vào bụi cỏ, hòng khiến người khác tưởng rằng… có kẻ cầm trâm Cửu loan đâm công chúa, trong lúc công chúa giãy giụa, cây trâm mới gãy đôi… Nô tỳ thực sự không giết công chúa mà! Chỉ là nô tỳ làm sai một chuyện, rồi sai càng thêm sai, cuối cùng dẫn đến kết cục thế này…
Mọi người trên công đường lặng thinh, chẳng biết nên kinh ngạc hay nên than tiếc.
Hoàng đế cũng thở hắt ra, cả người bải hoải như bị rút cạn sức lực. Ngài ngự hướng mắt sang Hoàng Tử Hà:
Ả nói thật không?
Hoàng Tử Hà đáp khẽ:
Muôn tâu, Thùy Châu nói thật. Lúc công chúa gục xuống, Thùy Châu cũng vừa mới chạy tới, bấy giờ Thùy Châu vừa bò vừa lết đến bên cạnh công chúa, đúng là không có cơ hội ra tay giết hại.
Hoàng đế ngửa đầu ra sau, chẳng buồn nhìn Thùy Châu, chỉ xua tay ý bảo lôi ả xuống.
Đám nha dịch Đại Lý Tự lập tức trói gô hai tay Thùy Châu lại kéo ra ngoài. Thùy Châu bị lôi xềnh xệch ra ngoài, nhưng mắt vẫn trừng trừng nhìn Tiền Quan Sách, gào lên bằng giọng khan khan khản đặc vì khóc quá nhiều:
Tiền Quan Sách, cả cuộc đời tôi… từ đầu đến cuối, đều bị ông hủy hoại! Tôi có chết… cũng không tha thứ cho ông đâu!
Nghe vậy, hoàng đế bỗng giơ tay ngăn đám nha dịch lại.
Thùy Châu rũ rượi gục xuống đất, giơ hai tay gào lên:
Ông xem, vết bớt trên tay tôi mất rồi, vì sao hả? Vì bảo vệ công chúa, tôi đã bị bỏng từ cổ đến tận khuỷu tay, vết bỏng lở loét ra, sốt cao mấy ngày không hạ, suýt thì mất mạng, mới được công chúa rủ lòng thương, điều đến làm thị nữ hầu hạ bên cạnh! Thuở nhỏ công chúa có một con chó sứ từ ngoài cung đưa vào, không cẩn thận đánh vỡ, bị mảnh vỡ cứa đứt tay, hoàng thượng và thục phi nương nương cho là tôi hầu hạ không chu đáo, phạt tôi quỳ trên mảnh sứ vỡ suốt đêm, đến lúc hôn mê ngã lăn ra mới được tha … Lúc đầu gối tôi tơ tướp máu, ông ở đâu hả? Lúc tôi bị bỏng, ông ở đâu hả? Lúc tôi sốt cao suýt chết, ông ở đâu hả? Ông bán tôi đi, lấy tiền khởi nghiệp, về sau cắn rứt lương tâm nên mới vờ vịt đi tìm, lại hủy hoại nốt chút hạnh phúc cuối cùng của tôi!!!!
Lồng ngực ả phập phồng dữ dội, nước mắt lăn dài, nghẹn ngào thở gấp, không nói tiếp được nữa.
Là cha…
Tiền Quan Sách nhìn con gái, ngập ngừng hồi lâu mới lên tiếng, giọng khản đặc. Vừa buột ra hai tiếng, hắn bỗng ngưng lại nghĩ ngợi rồi khó nhọc đổi giọng:
Là ta… không phải với con, Hạnh nhi… là ta có lỗi với con…
Đến đây, Tiền Quan Sách cũng nghẹn lời, rồi bật khóc rống lên. Hắn vốn xấu xí, vừa béo vừa lùn, giờ lại khóc lóc thảm thiết khiến gương mặt nhăn nhúm lại, trông càng xấu xí tợn. Nhưng chẳng ai còn tâm tư mà chế nhạo, tất cả đều lặng thinh nhìn hai cha con họ.
Cuối cùng hoàng đế lên tiếng, phá tan bầu không khí im lặng:
Linh Huy sinh thời, ngươi một lòng hầu hạ. Giờ tuy phạm phải lỗi lớn, xong trẫm vẫn niệm tình khai ân, cho ngươi xuống dưới đó tiếp tục hầu hạ công chúa.
Thùy Châu nghiên răng nhắm nghiền mắt lại, không nói gì thêm, cũng chẳng buồn nhìn mọi người trên công đường, mặc cho đám sai dịch lôi đi.
Thấy ả như vậy, Quách thục phi căm uất phản bác:
Thùy Châu là một trong những kẻ đầu sỏ gây ra cái chết của Linh Huy, giờ sau khi chết còn có thể theo hầu công chúa, sao bệ hạ lại rộng lượng với nó thế!
Chẳng ai phụ họa, cũng chẳng ai đáp lời phi.
Ngay cả Tiền Quan Sách cũng chỉ đờ đẫn quỳ ở đó, trên gương mặt tái ngắt là hai hàng nước mắt ròng ròng, cơ hồ không bao giờ dứt.
Hoàng đế ra hiệu cho đám sai dịch đưa cả họ Tiền ra, rồi ngoái lại nhìn Hoàng Tử Hà, tay phải siết chặt thành nắm đấm, gân xanh nổi gồ lên, trông rất đáng sợ, hệt như những thớ thịt giần giật trên mặt ngài ngự hiện giờ:
Vậy, kẻ xui khiến Thùy Châu đánh cắp trâm Cửu loan rồi dùng nó sát hại công chúa, rốt cuộc là ai?
Hoàng Tử Hà lặng lẽ khom người hành lễ với hoàng đế, nghiêm trang nói:
Chỉ dựa vào nửa đoạn trâm gãy, đương nhiên công chúa không thể nhận ra trâm Cửu loan. Nhưng có một kẻ rất giỏi làm những rồng phượng hoa lá sống động như thật, trong một đêm, thừa sức tạo ra phần đầu trâm giả để gắn vào.
Chu Tử Tần lắc đầu:
Sùng Cổ, không được đâu. Dù là thợ ngọc lành nghề nhất, làm quấy quá thật nhanh cũng phải mất mấy ngày mới xong một cây trâm, huống hồ lại là loại trâm cỡ lớn, nhiều chi tiết rườm rà như trâm Cửu loan. Hơn nữa, hắn tìm đâu ra khối ngọc chín màu như thế?
Hoàng Tử Hà phản bác:
Cứ gì phải dùng ngọc? Dù sao công chúa cũng chỉ nhìn thoáng qua, lại giữa đám đông chen lấn, dùng một khối sáp phối màu thật khéo là đủ, trong chốc lát công chúa đâu thể nhận ra? Nếu dùng sáp nến làm một cây trâm ngọc, thì một đêm là thừa đủ.
Cả công đường lặng ngắt như tờ, mọi ánh mắt đều dồn vào Lữ Chí Nguyên.
Quách thục phi vừa chậm rãi lắc đầu vừa cụp mắt xuống, nước mắt đau đớn và bất lực lăn dài.
Hoàng đế trừng trừng nhìn Lữ Chí Nguyên hồi lâu rồi loạng choạng lùi lại hai bước, ngồi phệt xuống ghê, không thốt lên lời, chỉ biết dùng ánh mắt căm hận găm vào người họ Lữ.
Còn Lữ Chí Nguyên chỉ thẫn thờ nhìn ra bầu không bên ngoài, lặng im không nói.
Từng nếp nhăn trên mặt lão chẳng khác những rãnh nứt chằng chịt vì xói mòn trên phiến đá. Lão dõi mắt nhìn ra ngoài, như đang nhìn theo đứa con gái càng chạy càng xa, xa khỏi lão, xa khỏi thành Trường An đáng sợ này mà không hề biết mọi chuyện lão đã làm cho nó.
Có lẽ, Tích Thúy sẽ vĩnh viễn không biết được người cha mà nàng từng oán từng hận đã làm những gì cho nàng.
Hoàng Tử Hà nhìn Lữ Chí Nguyên, lòng ngổn ngang trăm mối, xong cuối cùng vẫn lên tiếng:
Ta hiểu lão muốn báo thù cho con gái. Nhưng lão không nên kéo cả người vô tội vào, chỉ để che giấu cho mình.
Thôi Thuần Trạm nhân đó dè dặt hỏi ý hoàng đế:
Tâu thánh thượng, có cần dùng hình để Lữ Chí Nguyên mau khai ra không?
Khỏi cần, thảo dân nhận tội… Chính thảo dân đã giết Ngụy Hỷ Mẫn, Tôn ghẻ và Đồng Xương công chúa.
Lữ Chí Nguyên cắt lời Thôi thiếu khanh.
Không khí trên công đường vốn đã ngột ngạt, nay cũng chẳng hề nhẹ nhõm đi nhờ hành động này của lão, trái lại càng bức bối hơn.
Hoàng Tử Hà thở dài:
Trong vụ này, tuy Đồng Xương công chúa cũng gián tiếp tạo nên bi kịch của con gái lão, nhưng công chúa chỉ vô ý, hơn nữa lại là người hiển quý, sao lão vẫn quyết ra tay?
Thực ra… thảo dân không định giết Đồng Xương công chúa. Đúng như công công nói, công chúa không cố ý hại con bé. Nhưng chẳng hiểu sao, chẳng hiểu sao Tích Thúy lại đến Đại Lý Tự đầu thú, nhận mình giết người. Thảo dân không thể trơ mắt nhìn tính mạng con gái nguy ngập trong sớm tối, càng không thể đi đầu thú để liên lụy tới nó!
Lữ Chí Nguyên ngẩng đầu hít một hơi thật sâu, rồi gắng gượng nói tiếp,
Bấy giờ thảo dân mới nghĩ đến Đồng Xương công chúa, cho rằng mọi chuyện đều từ công chúa mà ra, có lẽ cũng chỉ công chúa mới cứu được Tích Thúy. Thảo dân bèn xui khiến Thùy Châu trộm lấy trâm Cửu loan, nào ngờ ả chỉ đưa cho thảo dân nửa đoạn trâm gãy. Nhưng thảo dân từng trông thấy trâm Cửu loan, lại đoán chắc Thùy Châu không dám đem nửa cây trâm gãy trả cho công chúa, liền dùng sáp nến làm thành nửa đoạn trâm giả gắn vào, nhìn từ xa cũng khó mà phân biệt.
Hoàng Tử Hà lại hỏi:
Dường như lão khá thông thuộc mọi chuyện trong phủ công chúa, là Đậu Khấu kể với lão phải không?
Đúng vậy, Đậu Khấu rất ít qua lại với nhà thảo dân, nhưng mẹ Tích Thúy dẫu sao cũng là chị ruột dì ấy. Đầu năm nay, lúc thảo dân đến viếng mộ Xuân Nương thì gặp dì ấy. Thảo dân biếu Đậu Khấu ít hương liệu, nhưng dì ấy nói theo lệ trong phủ công chúa, hễ được người ngoài tặng cho thứ gì quý hiếm, đều phải trình lên công chúa, bên cạnh công chúa còn có tên Ngụy Hỷ Mẫn rất tham lam, lại mắc chứng đau đầu, thấy hương liệu ắt sẽ chiếm làm của riêng, nhất là loại có tác dụng an thần.
Nhưng lão làm sao biết được chuyện công chúa nằm mơ đánh mất trâm Cửu loan?
Hôm ấy Ngụy Hỷ Mẫn đến tiệm, bị thảo dân dùng mê hương làm ngất đi rồi trói gô lại. Trong lúc mơ màng, y tưởng mình đã rơi xuống âm tào địa phủ, sợ đến nỗi hỏi gì cũng cung cúc khai nhận. Thảo dân mới hỏi vài câu, y đã kể ra giấc mơ của công chúa, còn nói mình từng bắt gặp công chúa lén hẹn Tiền Quan Sách, khiến thảo dân liên tưởng tới việc gần đây Tiền Quan Sách đắc ý khoe khoang con cóc vàng ở khắp nơi, lại nghe nói thị nữ Thùy Châu trong phủ công chúa có vết sẹo trên tay, chính ả cũng dốc sức giúp công chúa giả trang đóng kịch cho thật đạt, bèn đoán rằng có lẽ Thùy Châu chính là con gái ruột Tiền Quan Sách.
Hoàng Tử Hà lặng lẽ gật đầu, nhưng hoàng đế đã giận giữ ngắt lời:
Đừng hỏi mấy chuyện vớ vẩn đó nữa! Trước hết mau khai ra ngươi giết hại công chúa thế nào!
Lữ Chí Nguyên cúi đầu đáp:
Thảo dân đem theo cây trâm giả, nấp bên ngoai phủ công chúa rồi bám theo xe ngựa đến tận phường Bình Khang. Sau đó đường tắc, công chúa phải xuống xe, rồi bị thảo dân dẫn dụ tới chỗ vắng. Thảo dân nhận rằng mình đã giết Ngụy Hỷ Mẫn và Tôn ghẻ, đồng thời kêu oan cho Tích Thúy, van nài công chúa rón tay cứu nó. Xong công chúa chẳng buồn để mắt đến thảo dân, chỉ nhìn bụi cỏ cười nhạt. Thảo dân bèn quỳ sụp xuống đất nài xin công chúa lệnh cho Đại Lý Tự thả Tích Thúy ra. Tiếc rằng công chúa đang bực bội, vừa mở miệng đã bảo cha con thảo dân liều liệu cọ cổ cho sạch mà đợi, còn nói… còn nói chẳng những ngươi phải chết, mà con gái ngươi cũng đừng hòng sống sót!
Nghe lão thuật lại phút cuối đời của Đồng Xương công chúa. Hoàng đế như thấy dáng vẻ kiêu ngạo ngang ngược của nàng hiển hiện ngay trước mắt. Đường nét sắc sảo mà mong manh, hệt như một tảng băng bất cứ lúc nào cũng có thể vỡ tan, xong vẫn hết sức cố chấp quật cường.
Lồng ngực bỗng đâu thắt lại, cơ hồ ngạt thở, ngài ngự siết chặt lấy tay ghế, trừng trừng nhìn Lữ Chí Nguyên, xong không rặn ra nổi một chữ.
Bấy giờ thảo dân vô cũng hoảng hốt, nếu để công chúa đi thì cả thảo dân và Tích Thúy đều phải chết… Thảo dân đã giết hai kẻ thù, tuổi cũng cao, chẳng coi cái chết vào đâu nữa. Nhưng Tích Thúy… nó còn trẻ quá, như một nụ hoa mới nhú, sao có thể để nó chết chung với thảo dân?
Kể đến đây, Lữ Chí Nguyên kích động vung tay đấm ngực bồm bộp, như muốn nôn hết máu ứ bên trong ra,
Vào lúc ấy, vào lúc ấy, thảo dân chợt nghĩ… Những kẻ liên quan đến vụ này, đã chết mất hai… nếu công chúa cũng chết, trong khi Tích Thúy đang ở Đại Lý Tự, thì chẳng phải là bằng chứng chứng minh nó… vô tội sao?
Cả công đường im phắc, chỉ có giọng khan đặc của Lữ Chí Nguyên, nhưng lại khiến mọi người chẳng biết trả lời thế nào.
Nghĩ vậy, thảo dân bèn… đuổi theo, đâm nửa cây trâm vào ngực công chúa…
Quách thục phi gào lên điên dại, như muốn lao xuống vồ lấy Lữ Chí Nguyên. Đám hoạn quan và thị nữ đứng cạnh vội kéo phi lại, nhưng không ngăn được phi òa lên thất thanh:
Bệ hạ, Linh Huy… Linh Huy lại bỏ mình dưới tay hạng ti tiện này! Bệ hạ…
Hoàng đế dường như vẫn không nghe không thấy, chỉ ngây dại ngồi đó, mặc cho nỗi đau quá lớn nhấn chìm mình, đến mức không sao cử động được.
Hoàng Tử Hà nói khẽ:
Lão Lữ, cả thành Trường An đều cho rằng lão khinh bỉ con gái, đuổi con ra khỏi nhà, lại còn tham tiền vô sỉ… Nhưng ta biết, lão làm tất cả những việc đó để bảo vệ Tích Thúy. Thực ra, ngay từ khi cô ấy bị Tôn ghẻ làm nhục, lão đã quyết tâm báo thù. Lão biết Ngụy Hỷ Mẫn là hoạn quan phủ công chúa, phủ công chúa nhất định sẽ che chở cho y, có báo quan cũng vô ích, chỉ còn một cách duy nhất là tự mình ra tay giết chết bọn chúng!
Cô dừng ánh mắt ở Trương Hàng Anh đang trợ trừng mắt ngạc nhiên, vẻ mặt bàng hoàng mà thê lương, thật lâu sau mới nói tiếp:
Nhưng lão hiểu, một khi chuyện này bại lộ, chẳng những lão phải chết mà con gái lão cũng bị liên lụy, không mất mạng thì lưu đày. Thế là từ ấy, lão bèn đuổi Tích Thúy đi. Lão ném cho cô ấy một sợi dây thừng, ép cô ấy đi tìm chết, thực ra là muốn mọi người thấy mình đã cắt đứt quan hệ với con gái, để cô ấy đi thật xa, khỏi dính dáng đến lão. Xong ta nghĩ nhất định lão đã lén bám theo cô ấy, bằng không sao có thể tìm đến đúng nhà họ Trương, để rồi bị Tích Thúy bắt gặp?
Lữ Chí Nguyên nghiến răng, ấp úng:
Thảo dân… từng lén lút đến nhà họ Trương nhìn nó mấy lần, tuy đã hết sức cẩn thận, nhưng vẫn bị Tích Thúy phát hiện… Thảo dân đành lấy cớ đến đòi tiền sính lễ, nghĩ bụng nhà họ Trương chắc không lấy đâu ra từng ấy tiền, mong rằng Tích Thúy có thể rời khỏi kinh thành, cao chạy xa bay là tốt nhất. Nào ngờ nó ngốc nghếch đến thế, một mực cho rằng thảo dân là hạng sài lang, còn trộm bức tranh gia bảo nhà họ Trương đưa cho thảo dân, thay mười quan sính lễ. Thảo dân bảo không đáng, nó mới giảng giải, bức tranh đó mô tả ba cái chết. Thấy hình vẽ đầu tiên là một người bị trời giáng sấm sét trừng phạt, thảo dân nhớ ngay đến Ngụy Hỷ Mẫn vừa bị sát hại. Thế nên vụ đến Tôn ghẻ, nghe nói hắn cả ngày đóng cửa ru rú trong nhà không ra ngoài, lại được hình vẽ thứ hai gợi ý, thảo dân trộm nghĩ, tường đồng vách sắt kiên cố đến đâu cũng phải có sơ hở, huống hồ năm xưa thảo dân ở trong đội cung nỏ, học được chút tài vặt, vừa hay có thể áp dụng. Còn hình vẽ thứ ba…
Nói tới đây, giọng lão đã khản đặc, không tiếp tục nổi nữa.
Tích Thúy gặp phải chuyện đó… chúng ta đều xót xa. Có điều công chúa chỉ vô ý phạm sai lầm, cả nhà họ Tiền cũng là người vô tội, lão thực không nên kéo họ vào.
Hoàng Tử Hà thở dài,
Lão che giấu khéo quá, không chỉ lừa chúng ta, mà còn gạt được cả con gái ruột, ta rất khâm phục.
Có lẽ… vì thảo dân thường ngày cũng xử tệ với Tích Thúy.
Giọng Lữ Chí Nguyên khản đặc. Lão thẫn thờ nhìn dán vào một điểm hư không, như thấy con gái đứng ngay trước mặt, như những kẻ sắp lìa trần lưu luyến thứ duy nhất còn sót lại bên mình, dùng ánh mắt nâng niu ước lượng từng tấc trên gương mặt hư ảo của con gái. Hoàng Tử Hà nghe thấy lão lẩm bẩm như nói mớ:
Lúc nó chào đời đã chẳng được lão yêu thương… Tích Thúy sinh non, Xuân Nương sinh nó ra thì băng huyết qua đời, lão cứ ôm đứa con đỏ hỏn, ngồi bên giường đờ đẫn nhìn gương mặt Xuân Nương từ từ trắng bệch ra, rồi từ từ tím ngắt lại…
Bấy giờ, lão cúi đầu nhìn đứa bé khóc oe oe trong lòng, thầm nghĩ, chính vì con nhãi nhăn nheo này mà vợ lão phải chết. Lão chỉ muốn ném ngay nó xuống đất, đổi lấy mạng sống cho Xuân Nương.
Nhưng đứa nhỏ sinh non nhỏ xíu, èo uột nằm trên cánh tay lão như một con mèo con lại không ngừng khóc oa oa, gương mặt bé tẹo hồng hồng nhăn nheo như con ếch, xấu xí vô cùng, cũng bấy bớt vô cùng, khiến lão đành ôm chặt lấy nó, vùi mặt vào bọc tã của nó mà khóc nức lên.
Lão nghèo khổ từ bé, lớn lên lại tòng quân suốt mười năm, hơn ba mươi tuổi mới gặp được một người bằng lòng gả cho mình. Sau khi kết hôn, đôi bên rất thắm thiết nồng nàn, nhưng Xuân Nương mãi chẳng hoài thai. Họ lễ bái cần khấn khắp nơi, cuối cùng cũng có một đứa con, nào ngờ đứa trẻ vừa ra đời đã cướp đi mạng sống của người mà lão ngỡ sẽ bầu bạn đến già.
Đáng ghét nhất, nó lại là con gái.
Con trai vứt vào bụi cỏ cũng lớn được, nhinh nhỉnh một chút là có thể dắt theo xuống suối bắt cá, lên núi bắn chim. Còn có thể uống rượu cùng lão, làm việc cùng lão, bừng bừng nhiệt huyết như lão, thế mới là đàn ông con trai. Rồi đến một ngày, nó sẽ cường tráng hơn, khỏe mạnh rắn rỏi hơn cả lão.
Nhưng lão chỉ có đứa con gái mong manh như một nụ tường vi, sểnh ra là bị gió xuân vùi dập. Lão đành nhờ thím Ngô hàng xóm tắm rửa cho nó, hậm hực đi giặt cái quần nó đái dầm, vụng về tết cho nó một bím tóc xấu xí… Tích Thúy lớn lên từng ngày, từ đứa trẻ sinh non nhăn nheo xấu xí như con ếch bị lột ra, dần dần trở thành thiếu nữ thanh tú xinh đẹp. Điều này càng khiến lão lo lắng, chẳng rõ cuối cùng kẻ nào sẽ bẻ mất nụ tường vi của lão, trồng vào chậu nhà người, rồi từ đó về sau, dẫu nó nở rộ hay héo tàn, lão cũng chẳng thể che chở nữa.
Ai bảo Xuân Nương chỉ sinh được một đứa con gái? Xem ra số mệnh đã định, chờ đợi lão là tuổi già cô quạnh đìu hiu. Tính tình lão càng lúc càng khó chịu, càng ngày càng hay quát mắng con bé, càng ngày càng ngưỡng mộ những nhà sinh được con trai.
Suốt mười bảy năm lão gà trống nuôi con, từ một hòn máu đỏ hỏn chưa đầy hai cân, nuôi đến thành một cô gái xinh đẹp ngoan ngoãn, vừa chăm chỉ lại biết quan tâm, nhọc nhằn vất vả biết là bao, người ngoài đâu thể tưởng tượng được. Lúc Tích Thúy sốt cao, lão từng trông nom nó suốt đêm này qua đêm khác chẳng hề chợp mắt, lúc Tích Thúy theo chúng bạn ra ngoài chơi, lão cũng từng đứng đầu đường đợi con bé về là lao vào mắng mỏ; khi đến viếng mộ Xuân Nương, thơ thẩn nhổ cỏ dại quanh một, lão thường rầm rì kể: con bé lớn lên giống bà như đúc…
Lão cũng từng tìm vợ, hòng sinh một đứa con trai, nào ngờ bà ta lại ngược đãi Tích Thúy sau lưng lão, cuối cùng lão đành mượn rượu giả điên đuổi đi. Bấy giờ lão ngoài năm mươi, cũng đã nguội lòng. Lão thầm nghĩ, có lẽ sẽ ở vậy tới già, một mình một bóng, đến khi chết thì dặn Tích Thúy chôn cất mình bên cạnh Xuân Nương, thế là cũng qua một đời uất ức và khiếp nhược.
Thời gian thấm thoắt, chỉ chớp mắt mà đứa bé gái nõn nà như cục bột, mới ngày nào ê a học nói, ngọng nghịu gọi cha, đã trở thành thiếu nữ biết cài lan trắng vào búi tóc, tha thướt yêu kiều, không ít gã trai trẻ phải mượn cớ mua nhang đèn lân la tới tiệm của lão để ngắm nó.
Lão vừa lo lắng, vừa mừng rỡ, kiếm cớ soi mói bắt bẻ đuổi hết bà mai này đến bà mai khác đi, vì cảm thấy chẳng ai xứng được với con gái lão.
Nào ngờ đứa con gái cả ngày ríu rít nói cười, chỉ tới phủ công chúa giao hương đèn một chuyến mà tan nát một đời.
Tôn ghẻ đi khắp nơi rêu rao chuyện đó, cả thành Trường An cũng rôm rả thảo luận về nỗi bất hạnh của con gái lão. Lão phải để mắt đến Tích Thúy từng giờ từng khắc, phát hiện được nó lén giấu một cái giá nến, định đi tìm Tôn ghẻ liều mạng, bèn giật lấy giá nến, cho nó một bạt tai chảy máu.
Đó là lần duy nhất lão đánh Tích Thúy, từ sau khi nó trưởng thành.
Chẳng ai biết, lúc ấy lòng lão đã quyết.
Lão phải bảo vệ con gái, phải lấy máu đền nợ máu, rửa sạch mối nhục cho Tích Thúy; lão phải xua tan cơn ác mộng của con bé, để nó được tái sinh.
Con gái của hoàng đế chỉ cần bực bội là có thể tùy ý an bài số mệnh của con gái lão, đẩy con bé vào địa ngục, dựa vào cái gì chứ?
Đôi dòng nước mắt đục ngầu lăn dài trên gò má nhăn nheo của Lữ Chí Nguyên, nhỏ xuống nền gạch xanh. Lão nói rất khẽ, gần như lẩm bẩm một mình,
Lão nuôi nó mười bảy năm, mười bảy năm, từ một đứa bé đỏ hỏn thành đứa con gái chăm chỉ ngoan ngoãn… Cả đời này lão chỉ có một mình nó, lão là một thợ thủ công hèn mọn, không thể cho nó nhà cao cửa rộng, quyền thế nghiêng trời, vinh hoa phú quý… Nhưng dù liều cái mạng già này, lão cũng phải bảo vệ con bé sống một đời yên ổn!
Hoàng Tử Hà chợt thấy máu nóng cuộn lên trong ngực, khóe mắt cay sè. Cô gắng kìm nước mắt, nhưng không ngăn được hình bóng cha mình hiện lên.
Thuở còn ở Thành Đô, có lần cô bị cha mắng mỏ, bèn giận dỗi bỏ cơm. Mẹ bưng canh đến dỗ cô ăn, xong cô cư nguây nguẩy ngoảnh mặt đi, nào ngờ lại bắt gặp cha đang đứng sau gốc cây ngoài sân, âm thầm quan sát mình.
Bị cô trông thấy, cha tức thì quay đi, vờ như chỉ tình cờ ngang qua, rồi thong thả đi tiếp.
Đến tận bây giờ cô vẫn nhớ hình ảnh cành cây đổ bóng xuống mình cha, tuy lúc ấy chẳng thèm để tâm, xong hồi tưởng lại thấy rành rành trước mắt, như thể cái bóng ấy không đổ xuống người cha, mà đã được vẽ vào tâm khảm cô bằng máu tươi.
Chẳng biết cô đã thẫn thờ bao lâu, đến khi Lý Thư Bạch chạm nhẹ vào người, mới định thần lại được.
Chỉ thấy Lữ Chí Nguyên quỳ dưới công đường, đã bị gông lại.
Thôi Thuần Trạm đập bàn, ngừng lại một lát mới hỏi:
Kẻ quỳ dưới kia, ngươi giết hại Đồng Xương công chúa, hoạn quan Ngụy Hỷ Mẫn ở phủ công chúa cùng Tôn ghẻ, người ở phường Đại Ninh trong kinh, nhân chứng vật chứng đầy đủ, có chịu nhận tội hay không?
Thảo dân nhận tội.
Giọng lão rành rõ, quả quyết.
Thôi Thuần Trạm nhìn ra phía sau, thấy hoàng đế vẫn ngồi bất động trên ghế, lồng ngực phập phồng dữ dội, bèn quay lại hỏi Lữ Chí Nguyên:
Ngươi còn gì để nói nữa không?
Lữ Chí Nguyên lặng thinh.
Trương Hàng Anh đứng chếch phía sau lão mở to mắt, đợi lão ngoái lại nói với mình vài lời gửi gắm con gái.
Nhưng không hề, cuối cùng Lữ Chí Nguyên chỉ lặng lẽ lắc đầu.
Thôi Thuần Trạm lại nhìn hoàng đế, ngài ngự sắc mặt tái nhợt, nhưng hơi thở đã bình ổn hơn, mấp máy môi buống ra ba chữ:
Xử lăng trì.
Thôi Thuần Trạm ngẩn người, còn chưa kịp cất giọng thì nghe
bịch
một tiếng, Lữ Chí Nguyên đã ngã lăn ra, mặt mày tím tái.
Trong tiếng xôn xao nhốn nháo, Chu Tử Tần chạy đến trước tiên, nhanh nhảu đặt tay lên mũi họ Lữ thăm hơi thở rồi vạch miệng lão ra, sững sờ.
Hoàng Tử Hà vội hỏi:
Sao thế?
Có lẽ lão đã giấu sẵn viên sáp độc trong miệng, chẳng biết cắn vỡ nó từ lúc nào, giờ thì… không cứu được nữa rồi.
Hoàng Tử Hà thẫn thờ ngồi xuống, nhìn gương mặt tím ngắt của lão, nín lặng.
Chu Tử Tần liếc cô nói khẽ:
Thế này cũng tốt.
Hoàng Tử Hà thở dài, đứng dậy hồi bẩm hoàng đế. Hoàng đế vừa nghe nói liền siết chặt tay ghế, gân xanh trên tay gồ lên, quát lớn:
Chết rồi ư? Chết như thế làm sao trẫm hả giận cho được!
Quách thục phi khóc lóc:
Bệ hạ, chẳng phải hắn còn một đứa con gái đấy sao? Hạng ác độc này… phải khiến hắn chết không nhắm mắt!
Hoàng đế nghe vậy thét to:
Con gái lão đâu? Lão ta trốn tội thì trẫm bắt con gái lão chịu thay!
Chu Tử Tần sợ đến giật bắn người, may sao Hoàng Tử Hà phản ứng nhanh đã kéo giật gã lại, ra hiệu bảo gã đừng cử động.
Bệ hạ…
Thôi Thuần Trạm run rẩy thưa,
Vừa rồi… cô gái ngất xỉu bị bệ hạ sai người đưa ra ngoài, chính là Lữ Tích Thúy con gái phạm nhân.
Bấy giờ hoàng đế mới sực nhớ ra, đùng đùng nổi trận lôi đình, hiềm nỗi ý chỉ là do chính mình ban, ngài ngự chẳng có chỗ nào trút giận, đành giũ áo thật mạnh, quát lên:
Mau bắt về đây! Dù lật tung cả kinh thành, cũng phải bắt được ả!