Chương 8: Nghiêng ngả thiên hạ
-
Trâm - Nữ Hoạn Quan
- Châu Văn Văn
- 8508 chữ
- 2020-05-09 04:14:20
Số từ: 8497
Người dịch: Tố Hinh
Nhà xuất bản Hà Nội
Cung Đại Minh.
Gác Bồng Lai, nơi ở của hoàng hậu.
Hoàng Tử Hà theo các cung nhân nườm nượp nối đuôi nhau thành một hàng dài bất tận, cùng Vương Nhược, Tố Khởi và mấy thị nữ nhà họ Vương, đi dọc thềm bạch ngọc mà lên, bước vào cửa điện Cửu Gian.
Đập vào mắt là bức bình phong mười hai tấm bằng gỗ trầm cực lớn chạm đến tận đất, bên trên khắc hình mười hai thần hoa hướng về phía núi Côn Luân chầu Vương Mẫu giữa cảnh hoa tiên mây khói mịt mờ. Hoàng Tử Hà theo sau Vương Nhược, dừng bước trước bình phong, cúi đầu đứng đợi, thấy xung quanh im phăng phắc.
Hoàng Tử Hà ngẫm lại những lời nói mơ vừa rồi của Vương Nhược. Phùng nương, xem ra ắt là Phùng Ức Nương, nhưng huyết sắc mà nàng nói là có ý gì?
Đương nghĩ ngợi, chợt thấy một chéo áo lụa đỏ thắm quết qua nền nhà trải thảm Ba Tư dày dặn, người bên cạnh cô đều đã lũ lượt quỳ xuống, không dám ngẩng đầu lên.
Biết là hoàng hậu đến, Hoàng Tử Hà bèn quỳ xuống như mọi người, cúi đầu nhìn những hoa văn mây ráng trên y phục của hoàng hậu.
Với các cung nữ theo hầu, hoàng hậu đi đến sau bức bình phong, ngồi xuống sập trầm hương lưu ly thất bảo, bưng ly trà sứ, trầm ngâm hồi lâu mới lên tiếng, giọng êm như suối chảy, chậm rãi mà trầm tĩnh,
A Nhược, trông sắc mặt muội không tốt đâu. Còn bảy ngày nữa là thành hôn, sao chẳng thấy vẻ hân hoan của tân nương đâu cả?
Vương Nhược nghiêng mình ngồi vào mép sập cùng hoàng hậu, khẽ đáp,
Bẩm hoàng hậu điện hạ, vì có vài chuyện vặt nên gần đây thần thiếp lo lắng quá độ, làm phiền điện hạ phải hỏi han.
Hoàng hậu chăm chú quan sát nàng hồi lâu, rồi im lặng nắm lấy tay nàng. Hoàng Tử Hà len lén ngẩng lên liếc trộm, thấy vẻ mặt hoàng hậu tuy vẫn lạnh lùng xa cách nhưng trong mắt lại thấp thoáng nét trìu mến.
Hai tỷ muội nhà này dung mạo khác nhau, tuổi tác cũng chênh lệch cả mười năm, nhưng tình cảm hình như khá thân thiết.
Kinh thành rộng lớn, hạng vô công rỗi nghề rất nhiều, lời ong tiếng ve cũng lắm, tội gì phải nghĩ ngợi.
Hoàng hậu nắm lấy tay Vương Nhược, ấp trong hai bàn tay mình, dịu dàng như vỗ về một chú chim non. Hoàng Tử Hà trông thấy, lòng lại dâng lên một cảm xúc khó tả, đang ngẩn người ra, chợt nghe hoàng hậu hỏi,
Kẻ nào là người của Quỳ vương phủ phái đến hầu vương phi?
Tố Khởi và Hoàng Tử Hà vội thưa,
Là chúng nô tài.
Hoàng hậu đưa mắt nhìn về phía hai người, ánh mắt dừng lại lâu hơn ở Hoàng Tử Hà, song cũng chỉ trong một chớp mắt, đoạn nói,
Vương phi còn ít tuổi, sau này về vương phủ, các ngươi phải chú ý chăm sóc.
Dạ.
Cả hai vội đáp.
Vương Nhược cũng góp lời,
Sùng Cổ và Tố Khởi cô cô đều hết lòng hết sức với muội, gần đây họ chăm lo cho muội nhiều lắm.
Ừm, có gì không vui cứ nói với ta.
Hoàng hậu nói, đoạn cầm tay Vương Nhược đứng dậy,
Bảy ngày nữa là vu quy rồi, ta có chuẩn bị cho muội mấy thứ này, vào nội điện xem thử.
Các cung nữ thị tòng phải đợi bên ngoài, nội điện vừa rộng vừa sâu, âm thanh vọng ra rất nhỏ, không sao nghe được. Chẳng bao lâu sau, mấy nữ quan của hoàng hậu bước ra, mời mọi người sang sảnh bên dùng cơm.
Đồ ăn trong cung khác hẳn bên ngoài, chế biến tinh tế, song ăn vào lại thấy nhạt nhẽo vô vị, Hoàng Tử Hà ăn được mấy miếng thì đặt đũa xuống. A hoàn Nhàn Vân ngồi cạnh huých khuỷu tay vào người cô,
Chúng ta ra cửa ngắm cảnh được không? Hình như từ đây nhìn xuống có thể bao quát cả hồ Thái Dịch, nhiều người cả đời còn không được thấy đâu.
Hiện giờ, tuy đang mang thân phận hoạn quan, nhưng vì thường lui tới nhà họ Vương nên Hoàng Tử Hà cũng quen biết sơ sơ với Nhàn Vân. A hoàn này mồm mép tép nhảy, chẳng được mấy ai ưa, bởi thế nhân có Hoàng Tử Hà càng muốn kéo đi cùng.
Vừa lúc Hoàng Tử Hà cũng không muốn ăn thêm nữa, bèn cùng Nhàn Vân ra cửa, đứng tựa lan can nhìn về phía Bắc.
Hôm nay trời quang mây tạnh, hồ Thái Dịch lăn tăn gợn sóng, hòn đảo giữa hồ chẳng khác Bồng Lai tiên đảo, càng tô điểm thêm cho cảnh quan chung.
Đẹp quá, chẳng trách mọi người đều nói hoàng cung là nơi đẹp nhất dưới gầm trời này.
Nhàn Vân dang hai tay ra như muốn ôm hết đất trời vào lòng mình.
Hoàng Tử Hà nhìn xuống lầu gác trùng điệp bên dưới, tán đồng,
Đúng vậy, đẹp quá.
Có điều quá trang nghiêm quá nguy nga, khiến người ta cảm thấy chẳng phải cõi người mà như lầu quỳnh gác ngọc không sao với tới, thiếu hẳn đi hương sắc nhân gian.
Hai người đang mải ngắm, chợt thấy Trường Linh một trong các nữ quan của hoàng hậu bước ra bảo,
Hoàng hậu vừa sai người dọn dẹp sảnh bên để vương phi nghỉ ngơi một lát. Nếu các vị muốn ngắm cảnh thì xuống hẳn ven hồ Thái Dịch mà xem, nhớ đừng đi xa quá đấy.
Nhàn Vân nghe nói được phép xuống hồ, liền vui vẻ hỏi,
Thực ư? Thế thì tốt quá!
Trường Linh quay lại gọi một cung nữ luống tuổi tên là Trường Khánh, sai cô ta đưa hai người đi dạo. Hoàng Tử Hà và Nhàn Vân theo Trường Khánh tới bên hồ Thái Dịch, vừa bước lên chiếc thuyền gỗ hải đường thì nghe thấy trên hồ có người gọi to,
Triệu thái phi giá lâm, mọi người phía trước tránh đường!
Bọn họ ngẩng lên nhìn, thấy một con thuyền đi đến, đầu thuyền có một viên hoạn quan lớn tuổi đang đứng, sang sảng gọi bảo mình.
Ba người vội xuống thuyền, đứng nghiêm trên bến đợi Triệu thái phi cập bờ.
Thuyền tới nơi, mấy hoạn quan và cung nữ bước lên trước, sau đó là một thiếu nữ mặt tròn mắt hạnh, Hoàng Tử Hà nhận ra là Kỳ Lạc quận chúa. Lại nhớ đến lời đồn trong kinh, Kỳ Lạc quận chúa muốn nhờ Triệu thái phi hứa hôn bèn ra sức quấn quýt lấy lòng, ngày ngày tới chép kinh hộ. Gần đây nghe nói vì chuyện của Quỳ vương phi mà quận chúa rầu rĩ thành bệnh, nào ngờ hôm nay lại vào cung.
Viên hoạn quan lớn tuổi đỡ Triệu thái phi ra khỏi khoang thuyền. Thái phi là người nhu mì kiều diễm, cười đã có vài nếp nhăn, ánh mắt cũng đượm phần mệt mỏi, song khóe miệng vẫn rất tươi.
Mười ba tuổi vào cung, mười lăm tuổi sinh con trai, hai mươi tư tuổi đã thành thái phi, thậm chí còn có điện riêng trong cung Đại Minh, so với các phi tử bị đẩy đến cung Thái Cực và cung Hưng Khánh sau khi tiên hoàng qua đời thì rõ ràng là hơn hẳn.
Hoàng Tử Hà và Nhàn Vân vội bước đến bái kiến. Triệu thái phi nghe nói là người của Quỳ vương phủ liền mỉm cười quan sát cả hai, sau khi hỏi rõ tên tuổi lại nhìn Hoàng Tử Hà,
Ngươi chính là tiểu hoạn quan Dương Sùng Cổ đã phá vụ án Bốn phương trong kinh đấy ư?
Vâng.
Hoàng Tử Hà cúi đầu thưa.
Ồ, sáng sủa tinh tươm đấy, xưa nay Quỳ vương rất biết nhìn người.
Bà ta lại hỏi,
Hôm nay các ngươi theo Quỳ vương phi vào cung à? Khéo quá, đã đến đây rồi, ta đi gặp cô nương họ Vương xem sao, sau này cô ấy cũng là người trong hoàng gia rồi.
Nói đoạn Triệu thái phi tươi cười dẫn người đi đến gác Bồng Lai. Hoàng Tử Hà đợi các thị tùng đi qua hết mới cất bước theo sau, thình lình có ai nắm lấy tay áo, liền đó là tiếng cười khẽ,
Dương công công, lại gặp nhau rồi.
Hoàng Tử Hà ngoái lại, ra là một thiếu nữ ôm cây tỳ bà, gương mặt bầu bĩnh, ánh mắt long lanh, đang hớn hở nhìn quanh ngó quất, đầy vẻ hoạt bát lanh lợi.
Hoàng Tử Hà nhận ra là Cẩm Nô, nghệ nhân tỳ bà ở giáo phường từng đi theo Chiêu vương Lý Nhuế bữa trước, vội gật đầu chào hỏi. Cẩm Nô che miệng cười, thì thào,
Hôm nay Triệu thái phi muốn nghe tỳ bà nên Chiêu vương gia sai tôi tới.
Triệu thái phi là thân mẫu Chiêu vương Lý Nhuế, điều này Hoàng Tử Hà cũng biết. Hai người vừa đi vừa nói chuyện, chỉ thoáng chốc đã đến gác Bồng Lai, hoàng hậu đích thân ra đón.
Hoàng Tử Hà đứng dưới thềm, thấy Vương Nhược theo sau hoàng hậu, bước xuống thềm giữa các nữ quan và cung nữ. Ai nấy áo gấm quần lụa, dung mạo tựa hoa, nhưng nổi bật nhất vẫn là hoàng hậu, nhan sắc như soi sáng cả ngày xuân, ngay Vương Nhược trẻ trung hơn hẳn mà cũng không át nổi.
Hoàng hậu đứng trên cao nhìn xuống bọn Hoàng Tử Hà bên dưới. Gác Bồng Lai nằm bên bờ hồ Thái Dịch, gió trên hồ đưa tới thổi tung chéo quần và tay áo hoàng hậu, bảy lớp áo lụa như một đóa mẫu đơn đỏ rực nở rộ trong gió, êm đềm bao bọc phong tư tuyệt thế của người, vẻ hoa lệ như có như không, tưởng chừng sắp biến thành tiên bay đi mất.
Hoàng Tử Hà bất giác quên hết lễ nghi, cứ ngây ra mê mải ngắm hoàng hậu, không sao rời mắt được. Bỗng chốc có cảm giác mình lấm bụi bé mọn hẳn lại.
Chợt Cẩm Nô bên cạnh khẽ
a
lên một tiếng, rất nhỏ, âm thanh bị đè nghẽn trong cổ họng, gần như không thể nghe thấy.
Hoàng hậu thờ ơ lướt mắt qua bọn họ, nhìn về phía Triệu thái phi,
Thái phi giá lâm, thần thiếp không ra đón từ xa, thật là thất lễ!
Ôi chao, ta không thích các người câu nệ mấy thứ lễ tiết ấy đâu, giờ hoàng hậu là chủ hậu cung, thân già này mỗi dịp lễ tết còn phải trông vào bổng lộc và gấm lụa của hoàng hậu ban đấy mà.
Triệu thái phi tươi cười, vừa nói đùa vừa nắm tay hoàng hậu đi lên điện.
Hoàng Tử Hà theo vào.
Thái phi và hoàng hậu ngồi trên. Thái phi chăm chú nhìn Vương Nhược, hỏi han chuyện trò với nàng, thỉnh thoảng còn bật cười vui vẻ. Kỳ Lạc quận chúa đứng cạnh họ, gương mặt vốn tươi tắn giờ lại sa sầm, song khăng khăng không chịu lánh ra ngoài, cứ đứng lì ở đó bất động như người gỗ.
Trong điện có vui có buồn, song đám người dưới coi như không biết, chỉ im lặng đứng đợi. Bọn Hoàng Tử Hà không thuộc nhân sự trong cung nên đều phải chờ bên ngoài.
Để ý thấy mồ hôi lăn dài trên mặt Cẩm Nô, làm trôi cả phấn son, Hoàng Tử Hà bèn thì thào hỏi,
Sao thế?
Tôi… hình như nóng quá.
Cẩm Nô đáp, giọng khàn khàn.
Đang ngày xuân cảnh đẹp, lại có gió mát từ hồ phả vào, không thể nói là nóng lắm, song Hoàng Tử vẫn rút khăn tay đưa ra. Cẩm Nô nhận lấy, hai tay bất thần run lên. Lau xong mồ hôi trên trán, nhận thấy vẻ thắc mắc của Hoàng Tử Hà, Cẩm Nô bèn gượng cười chống chế,
Không sao đâu. Có lẽ là bệnh cũ tái phát, tôi… mắc một căn bệnh, thỉnh thoảng lại tái phát, về nghỉ một lát là khỏe thôi.
Hoàng Tử Hà gật đầu, ngẩng lên nhìn bầu trời xanh biêng biếc trên đầu. Bỗng loáng thoáng nghe tiếng Cẩm Nô lẩm bẩm,
Không thể nào… không thể nào là người ấy được…
Ai cơ?
Cô tiện miệng hỏi.
Chắc là người giống người mà thôi…
Nhận ra mình vừa lỡ lời, Cẩm Nô ngập ngừng hồi lâu mới run run hỏi,
Người vận áo đỏ kia, hẳn là… Vương hoàng hậu?
Ừm.
Hoàng Tử Hà khẽ đáp.
Vậy… người ở phía sau… là Quỳ vương phi?
Hoàng Tử Hà lại gật đầu, chăm chú nhìn Cẩm Nô, mong có thể đọc ra điều gì đó qua nét mặt, nhưng chỉ thấy toàn những hoang mang và hoảng hốt, hồi lâu mới nghe lẩm bẩm thật khẽ,
Không thể nào… Nếu là như vậy, Quỳ vương phi sao có thể là cô ta…
Vốn tính nhạy bén, Hoàng Tử Hà cảm giác bên trong nhất định có ẩn tình, song Cẩm Nô chỉ là một nghệ nhân mới đến kinh thành ít lâu, làm sao hiểu được sự tình gì chứ?
Cô đang định lên tiếng hỏi, đột nhiên thấy nữ quan Trường Linh bước ra hỏi,
Ai là Cẩm Nô?
Là tôi…
Cẩm Nô vội thưa.
Thái phi triệu cô.
Trường Linh nói, lại nhìn sang Hoàng Tử Hà hỏi nhỏ,
Sao ngươi còn chưa vào hầu hạ vương phi?
Hoàng Tử Hà vội vâng dạ. Cẩm Nô thoáng chần chừ, rồi kéo tay Hoàng Tử Hà. Hoàng Tử Hà cảm giác được tay Cẩm Nô đổ mồ hôi lạnh toát, mềm nhũn cả ra. Cô biết Cẩm Nô chẳng còn sức ôm tỳ bà nữa, bèn cầm giúp, rồi dắt tay Cẩm Nô vào đại điện.
Đợi hành lễ xong, Hoàng Tử Hà mới đưa móng gảy ngọc và đặt cây tỳ bà vào lòng Cẩm Nô, đoạn đi về phía Vương Nhược thì thấy sắc mặt nàng cũng tái nhợt như đóa hoa tàn, ánh mắt chỉ chăm chăm nhìn xuống đất như thể không dám nhìn thẳng vào bất cứ ai - kể cả hạng xướng ca nhỏ nhoi như Cẩm Nô.
Hoàng Tử Hà thầm thở dài, lùi ra sau lưng Vương Nhược. Kỳ Lạc quận chúa đứng ngay gần đó, vẻ thù địch toát ra rõ ràng đến nỗi cô phải ngoái đầu nhìn, chỉ thấy ánh mắt đầy oán hận của quận chúa đang găm vào người Vương Nhược, như thể muốn dùng ánh mắt ấy để lột da xẻo thịt nàng.
Thấy Hoàng Tử Hà nhìn mình, Kỳ Lạc quận chúa chẳng những không hạ ánh mắt xuống, còn trừng trợn nhìn cô với vẻ gây hấn, mối căm hờn không che giấu ấy khiến Hoàng Tử Hà ngấm ngầm bội phục, đành rời mắt nhìn đi chỗ khác.
Triệu thái phi cười bảo Vương hoàng hậu,
Đây là một nghệ nhân giáo phường, có ngón tỳ bà tuyệt hay, người trong thiên hạ không sao bì kịp. Chiêu vương rất thích nghe cô ta chơi đàn, còn nói ngày sau ắt thành quốc thủ.
Vậy ư? Trẻ như thế đã là quốc thủ, lẽ nào thực có tài nghệ kinh người?
Hoàng hậu cười nói, ánh mắt hờ hững lướt qua Cẩm Nô đang ngồi nép bên dưới.
Cẩm Nô ôm tỳ bà, hơi khom lưng cúi đầu thưa,
Cẩm Nô không dám. Cẩm Nô học nghệ không tinh, có giỏi đến đâu chăng nữa cũng không hơn được sư phụ, sư phụ Cẩm Nô mới thực là quốc thủ.
Bấy giờ hoàng hậu mới lộ vẻ hứng thú, liếc mắt nhìn thêm mấy lần, song cũng không hỏi han. Triệu thái phi cười hỏi,
Sư phụ ngươi là thánh thủ nào thế?
Sư phụ Cẩm Nô là nghệ nhân tỳ bà ở Vân Thiều Uyển Dương Châu, tên gọi Mai Văn Trí, chẳng hay các vị ngồi đây đã nghe bao giờ chưa? Cẩm Nô là đệ tử duy nhất của người.
Hoàng Tử Hà chưa từng nghe cái tên Mai Văn Trí, nhưng năm chữ Vân Thiều Uyển Dương Châu khiến lòng cô chấn động. Trần Niệm Nương và Phùng Ức Nương đều là người của Vân Thiều Uyển, Cẩm Nô lại cùng đến từ nơi đó, quả là khéo thật.
Mọi người xung quanh không có phản ứng gì với cái tên này, riêng Triệu thái phi dường như rất thích Cẩm Nô, lại cười bảo,
Vậy nhất định là ngươi có thiên bẩm nên mới lọt mắt xanh sư phụ ngươi.
Thưa phải, năm ấy Cẩm Nô mới năm tuổi, quê nhà gặp nạn lụt, cha mẹ dẫn theo Cẩm Nô chạy nạn đến ngoại ô Dương Châu, cả nhà đã đói đến nỗi chỉ còn thoi thóp, đành cắm cọng cỏ đem bán Cẩm Nô()…
() Thời xưa, người nào muốn bán mình thì cắm một cọng cỏ lên đầu làm dấu, ai muốn mua trông thấy sẽ hỏi và ra giá.
Cẩm Nô ôm chặt cây tỳ bà, bình thản kể,
Bấy giờ đúng lúc sư phụ đi ngang, tình cờ vén rèm xe lên, liếc thấy tay Cẩm Nô liền bảo dừng xe lại, bước xuống nắm tay Cẩm Nô săm soi một hồi, chẳng nhìn đến mặt đã kêu người lấy tiền trả để mua Cẩm Nô. Sư phụ bảo rằng, Cẩm Nô, đôi tay này của con sinh ra để gảy tỳ bà, ông trời sinh con ra chỉ vì một việc ấy thôi.
Ánh mắt mọi người đương nhiên đều đổ dồn vào đôi tay Cẩm Nô. Chỉ thấy tay trắng trẻo, xương khớp cân xứng, ngón rất dài, lòng bàn tay còn có phần lớn hơn tay phụ nữ thông thường. Cẩm Nô đặt ngang cây đàn tỳ bà trong lòng, tay trái khẽ nhấn cần đàn, tay phải cầm móng gảy lướt trên dây. Lúc này bàn tay đã thôi run rẩy, gương mặt cũng ửng hồng. Ngón tay lướt đi, tốc độ gảy khiến người ta không trông rõ được đôi tay nữa, tiếng đàn tinh tinh tang tang tuôn ra như vô vàn hạt châu lớn nhỏ rơi lanh canh xuống thềm điện, hạt nào hạt nấy khác hẳn nhau, có hạt êm dịu, hạt thư thái, hạt trôi chảy, hạt mềm mại, muôn vàn cảm giác trào dâng trong một khoảnh khắc, trên đài cao, giữa sảnh hoa, tiếng vọng văng vẳng, ngây ngất lòng người.
Khúc đàn đã dứt, song mọi người vẫn còn chìm đắm thật lâu, khó mà định thần lại được. Ngay Vương Nhược cũng phải mất một lúc mới buông tiếng thở dài.
Triệu thái phi mỉm cười nhìn Vương hoàng hậu,
Thế nào?
Bấy giờ Hoàng Tử Hà mới phát hiện ra, cả điện chỉ mình hoàng hậu vẫn bình tĩnh thản nhiên, nghe Triệu thái phi hỏi mới đáp,
Quả không tồi, có điều thiếp nghe không thấy hay.
Hoàng Tử Hà nhớ lại lời người khác từng nói, bệ hạ chuộng yến tiệc chơi bời xa hoa, song hoàng hậu tính tình lại lạnh nhạt thanh tĩnh, chẳng hứng thú gì với mấy chuyện ca múa tiệc tùng, quả nhiên là thực.
Cẩm Nô đặt cây tỳ bà xuống, quay mặt lên điện hành lễ, thưa rằng,
Năm xưa sư phụ từng nói tiếng tỳ bà của Cẩm Nô chỉ có vô tận phồn hoa, không có tĩnh mịch bình đạm, hẳn đây là hạn chế trong ngón đàn của Cẩm Nô.
Hoàng hậu nói,
Giờ ngươi đương độ thanh xuân, dung mạo đẹp đẽ, lại ở giữa kinh thành nô nức phồn hoa, không lĩnh ngộ được mới là tốt đó.
Triệu thái phi cười,
Hoàng hậu nói phải, kẻ chưa trải qua đại bi đại khổ, sao lĩnh ngộ được tĩnh mịch bình đạm? Tiểu a đầu này cả đời không hiểu nổi mới tốt!
Cẩm Nô lại hành lễ toan lui ra, song Triệu thái phi nói,
Hôm nay dẫu sao cũng rảnh rỗi, ngươi kể chuyện sư phụ ngươi đi, giờ sư phụ ngươi còn ở Dương Châu ư? Tài đàn của bà ta giỏi như thế, khi nào mời bà ta vào cung đàn cho ta nghe một khúc?
Cẩm Nô gượng cười thưa,
Sư phụ Cẩm Nô đã qua đời rồi.
Triệu thái phi tỏ vẻ luyến tiếc,
Tiếc quá, ta thích nhất là tỳ bà, cũng từng ban dụ cho con cháu họ Tào năm xưa vào cung, khốn nỗi nhân tài họ Tào đã mai một cả. Nghe giọng điệu ngươi, hẳn sư phụ ngươi phải có tài nghệ trác việt?
Thưa phải. Ngón tỳ bà của sư phụ Cẩm Nô, trên đời không ai bì kịp. Nếu thái phi có nhã ý, Cẩm Nô xin kể hầu một giai thoại năm xưa của người.
Hoàng hậu lộ vẻ sốt ruột, quay sang khẽ hỏi Vương Nhược,
Muội mệt không? Có muốn nghỉ ngơi một lát không?
Vương Nhược lắc đầu đáp,
Muội về cũng chỉ nằm đấy thôi, chi bằng ngồi lại nghe kể chuyện.
Kỳ Lạc quận chúa ác khẩu chêm vào một câu,
Phải đấy, vương phi hiện giờ nên ở chỗ đông người thì hơn, để khỏi…
Để khỏi thế nào, Kỳ Lạc không nói hết, song ai nấy đều hiểu cả, ngay Triệu thái phi cũng đưa mắt nhìn sang.
Cẩm Nô ngồi xuống ghế, ôm cây tỳ bà rủ rỉ kể,
Mười sáu năm trước, giữa Dương Châu phồn hoa, sư phụ và năm tỷ muội khác cùng lập ra Vân Thiều Uyển, sáu người được xưng tụng là Vân Thiều Lục Nữ. Về sau sư phụ xuất giá, sinh được một con gái, gặp lúc tiên đế ban chiếu triệu kiến, năm người trong Vân Thiều Lục Nữ phụng chiếu lên kinh, chỉ mình sư phụ vừa sinh nở, thì ở cữ tại nhà. Bấy giờ ở Dương Châu còn một phường ca vũ khác tên là Cẩm Lý Viên, vì người người đều nói ‘cảnh phồn thịnh của Dương Châu đều ở Vân Thiều’, bọn họ không phục, bèn đi tìm đủ ba mươi sáu ca kỹ người Hồ đem về. Hằng năm đến ngày Đông chí, cung Giang Đô mở cửa để nam phụ lão ấu khắp nơi lũ lượt vào chơi, nắm tay nhau đạp ca(), là lễ lớn mỗi năm một lần ở Dương Châu. Mà trước khi đạp ca, ắt phải bầu chọn ra kỹ viện nổi tiếng nhất Dương Châu diễn tấu mở màn. Năm ấy, theo lệ vẫn là các vũ cơ của Vân Thiều Uyển múa mở màn trên đại điện cung Giang Đô. Khi điệu múa đầu tiên còn chưa kết thúc thì lầu gác phía đối diện chợt trỗi nhạc lên, ba mươi sáu ca kỹ người Hồ kia, có mười hai người gảy đàn không hầu và thổi sênh thổi sáo, còn hai mươi tư vũ cơ mặc sức ca múa. Những người Ba Tư nọ đi chân trần, khoác voan mỏng, eo lưng thon thả, lại thêm tóc vàng mắt xanh, xoay tròn như gió, toát lên một vẻ phong tình quyến rũ riêng. Tức thì cả đám người xem nhao nhao chạy sang bên kia, thi nhau ngắm nhìn phong tư các vũ cơ người Hồ, khiến cảnh tượng náo loạn cả lên, ồn ào huyên náo. Bấy giờ đội vũ cơ của Vân Thiều Uyển cũng luống cuống tay chân, đành thõng tay đứng trên đài chẳng biết làm sao cho phải. Năm ấy Cẩm Nô mới tám tuổi, đang ở cùng với sư phụ và đứa con nhỏ đầy tháng ở hậu điện, nghe thấy đằng trước náo loạn, sư phụ bèn giao đứa nhỏ vào tay Cẩm Nô, ra cửa xem thử, thấy mọi người đang xôn xao túm tụm ở bên kia. Ba mươi sáu Hồ cơ tiêu sáo rộn ràng, eo lưng mềm mại, lại liếc mắt đưa tình với khắp mọi người, khiến người xem bên dưới nhao nhao khen hay, không khí sôi nổi vô cùng. Trái lại bên này vắng hoe vắng ngắt, chỉ có mấy người xem đang thu dọn chuẩn bị chạy nốt sang bên kia. Thấy cảnh đó, sư phụ liền bước tới bên một ca kỹ, đón lấy cây tỳ bà trong tay cô ta rồi ngồi xuống chiếc ghế kê gần đại điện, gảy tỳ bà theo điệu đạp ca. Tiếng tỳ bà vừa cất lên đã vang khắp cung Giang Đô, khiến chim chóc giật mình bay vút lên, muôn núi ngàn khe đều vọng tiếng; chỉ sau đôi ba câu, hai mươi tư vũ nữ Ba Tư kia đã loạn hết vũ điệu, ra sức lắc hông lại theo không kịp tiết tấu; chưa hết nửa khúc thì mười hai nhạc cơ kia cũng chẳng tấu nổi nữa, không hầu sênh sáo đều im bặt. Cả cung Giang Đô chỉ nghe thấy tiếng tỳ bà thánh thót vang vọng, như mưa hoa ngập trời, trân châu tuôn chảy. Khúc nhạc chưa dứt thì tuyết đã lả tả rơi giữa ngày Đông chí, những bông tuyết tung bay, xoay vần theo tiếng tỳ bà, tựa hồ khói bụi tục thế đều đã được tiếng nhạc đưa thẳng đến chín tầng mây, trên thấu tai trời, dưới trùm muôn người. Cả ngàn người trong cung Giang Đô đều im phăng phắc đứng dưới trời tuyết đổ mà nghe, không một ai dám thở mạnh, chỉ e làm rối loạn tiếng đàn.
() Một hình thức nghệ thuật vừa múa vừa hát theo điệu nhạc.
Nghe Cẩm Nô tả, mọi người bất giác cũng nín thở, ngay Triệu thái phi còn vỗ tay tấm tắc,
Quả là thần kỹ!
Hoàng Tử Hà thầm hình dung ra cảnh tượng ngày hôm ấy, không khỏi mê mẩn tâm thần, cõi lòng rung động hồi lâu.
Thưa phải, cả đời này, có lẽ Cẩm Nô chẳng thể nào nghe lại khúc tỳ bà hôm ấy nữa.
Cẩm Nô mỉm cười, gương mặt đầy vẻ ao ước,
Khúc đạp ca kết thúc, dư âm còn văng vẳng, sư phụ lại tấu thêm một khúc, lần này tiếng tỳ bà không cao vút ngạo nghễ như lúc trước mà chuyển thành trong trẻo ngân nga, như thôi thúc chân tay du khách, khiến mọi người đều chộn rộn muốn vận động. Các vũ cơ Vân Thiều Uyển trên điện định thần lại, lập tức theo lệ xếp thành từng tốp, nhảy múa mở đầu màn đạp ca. Du khách khắp cung thoáng chốc như mê như say, nắm tay nhau nhảy giữa trời tuyết theo tiếng nhạc, bắt đầu đạp ca suốt đêm. Về sau, ở Dương Châu có lời đồn, một khúc tỳ bà của Mai Văn Trí chống được cả điệu múa ma mị của trăm người.
Ta không tin.
Kỳ Lạc quận chúa thình lình ngắt lời Cẩm Nô,
Trên đời sao lại có tiếng tỳ bà thần diệu đến thế, hẳn là ngươi bịa đặt.
Cẩm Nô im lặng, chỉ mỉm cười cúi đầu nhìn xuống đất.
Có lẽ ngày tháng lâu dài, đã tô đẹp thêm cho ký ức rồi chăng?
Hoàng hậu hờ hững nói, đoạn quay lại dặn nữ quan Trường Linh đứng hầu phía sau,
Bảo người của nội giáo phường đưa đến một cây tỳ bà nội phủ, ban tặng Cẩm Nô cô nương.
Cẩm Nô vội bái tạ, lại thưa,
Cây tỳ bà này của Cẩm Nô tên gọi 'Thu lộ hành sương', là quà sư phụ tặng ngày trước, bấy nhiêu năm nay dùng mãi đã quen, e rằng không đổi được.
Hoàng hậu liền nói, "Vậy bảo nội phủ đưa mấy món như móng gảy bằng ngọc, dây đàn và phấn hương thông đến đây, mấy thứ này hẳn là dùng được."
Cẩm Nô lại bái tạ lần nữa. Triệu thái phi vẫy tay nói,
Được rồi, đã gặp Quỳ vương phi rồi, ta cũng nên về nghỉ thôi. Vương phi cũng lo bồi bổ tinh thần đi, mấy ngày nữa là đại hỉ rồi, đến chừng đó ta sẽ sai người tới uống rượu mừng.
"Đa tạ thái phi." Vương Nhược yêu kiều vái tạ.
Triệu thái phi lại dẫn cả đám người đi khỏi. Trường Linh ra hiệu cho Cẩm Nô về trước, đồ vật trong cung ban thưởng sau này sẽ đưa tới tay.
Hoàng Tử Hà cũng theo Vương Nhược đứng dậy, cùng nàng sang sảnh bên nghỉ ngơi.
Bước xuống thềm, Kỳ Lạc quận chúa còn nói bằng một giọng đủ lọt tai Vương Nhược,
Xinh đẹp thì có gì lạ đâu, con thấy dung mạo nghệ nhân này còn hơn khối thiên kim nhà khác.
Vương Nhược hiểu rõ Kỳ Lạc đang châm chọc mình, song vẫn giữ vẻ điềm nhiên chỉ riêng Cẩm Nô nãy giờ ngơ ngẩn trầm tư, lúc này chợt cười nhạt thưa,
Quận chúa nói đùa rồi, luận về dung mạo thì không đến lượt Cẩm Nô, sư phụ mới thực là giai nhân nghiêng thành nghiêng nước.
Sư phụ ngươi ư?
Kỳ Lạc quận chúa nào để Cẩm Nô vào mắt, chỉ nói,
Trên đời hiện giờ, trừ hoàng hậu điện hạ, còn kẻ nào dám xưng ‘nghiêng thành nghiêng nước’ chứ?
Quận chúa nói rất phải.
Cẩm Nô bị mai mỉa song chẳng lấy làm điều, chỉ cười cười quay sang nhìn Hoàng Tử Hà, đôi mắt cong lên như hai vành trăng non,
Dương công công, còn nhớ lần trước tôi nói không? Tôi biết rất nhiều cô gái đem lòng ngưỡng mộ Quỳ vương gia, ví như…. mấy tỷ muội ở Dương Châu và trong giáo phường. Nếu công công có thể khiến Quỳ vương năng lui tới giáo phường thì tốt quá.
Hoàng Tử Hà không đáp, chỉ mỉm cười gật đầu.
Mãi tới khi Cẩm Nô đi khỏi, Kỳ Lạc quận chúa mới nhảy dựng lên,
Ả ta… ả ta nói các tỷ muội giáo phường ngưỡng mộ… ngưỡng mộ Quỳ vương là có ý gì chứ?
Hoàng Tử Hà lặng thinh, bụng bảo dạ, cô có thể đem một kẻ xướng ca vô loài ra ví với Quỳ vương phi, tại sao cô ấy không thể lấy các tỷ muội giáo phường ra ví với cô?
Nhìn theo dáng điệu tha thướt của Cẩm Nô, lòng Hoàng Tử Hà vừa thấy khoan khoái vì hả giận, vừa lo thay cho Cẩm Nô đã đắc tội với Kỳ Lạc quận chúa.
Vương Nhược sang sảnh bên nghỉ ngơi. Hoàng Tử Hà và bọn Tố Khởi, Nhàn Vân, Nhiễm Vân ngồi bên ngoài đợi, sợ quấy rầy nàng.
Tố Khởi đang cùng nữ quan Trường Linh ngắm nhìn những mẫu hoa trang trí mới trong cung. Giờ là buổi chiều, đêm qua Hoàng Tử Hà lại không ngon giấc nên lơ mơ buồn ngủ. Chợt sau tấm bình phong ở nội điện vang lên tiếng loảng xoảng, tiếp đó là tiếng chim kêu, rồi đến tiếng thét kinh hoàng của Vương Nhược.
Hoàng Tử Hà giật mình sực tỉnh, lúc cô đứng phắt dậy thì Tố Khởi và Trường Linh đã vứt đám cung hoa chạy vào trong điện. Cô hốt hoảng chạy theo, chỉ thấy Vương Nhược đang co rúm trên sập, run lẩy bẩy, trên đệm là một nắm tóc mai bị cắt.
Trường Linh trỏ ra ngoài song, kinh hoàng nói,
Bên kia… Tôi thấy thích khách từ bên kia vượt song chạy trốn!
Hoàng Tử Hà vội chạy đến bên cửa sổ xem xét, chỉ thấy phía sau là khoảnh sân vắng tanh vắng ngắt.
Cô lập tức quan sát kỹ bên dưới khung cửa và mái cong bên trên, xem có thích khách nấp ở đó không, song chẳng hề thấy một ai cả. Hoàng Tử Hà lấy làm ngạc nhiên, một nơi rộng thế này, thứ gì cũng đập ngay vào mắt, không có chỗ nào ẩn thân, nếu thích khách đã bị Trường Linh bắt gặp lúc vượt tường nhảy ra thì nhất định không thoát được tầm nhìn của cô.
Song trong một khoảnh khắc ngắn ngủi ấy, thích khách đã chạy đi đâu?
Cô do dự quay đầu nhìn Vương Nhược, chỉ thấy nàng ôm chặt lấy chăn, ngồi bên mép giường, bóng chiều nhập nhoạng hắt lên mặt, mớ tóc bị cắt xổ tung, lọn dài lọn ngắn buông xõa bên mai, không sao vén lại được, phủ bóng mờ xuống má nàng, càng lộ rõ vẻ yếu ớt.
Hoàng hậu từ chính điện chạy sang, nghe bọn họ thuật lại đầu đuôi, liền nổi trận lôi đình,
Ngay tai cung Đại Minh này, giữa thanh thiên bạch nhật mà lại có thích khách đột nhập hòng gây hại cho vương phi! Đám người ở ty Phòng vệ đang làm cái gì vậy hả!
Tất cả đều nín thít, không dám lên tiếng.
Ta phải yết kiến bệ hạ, chuyện này không thể coi thường được.
Nói đoạn hoàng hậu đi thẳng ra cửa điện, chợt ngoái lại nhìn lướt qua mọi người, bảo,
Nếu chuyện này lan truyền ra, hẳn là lời đồn đại đang xôn xao trong kinh sẽ càng nghiêm trọng. Truyền chỉ của ta, lệnh cho mọi người trong cung không được tiết lộ ra ngoài. Vĩnh Khánh, ngươi lập tức đến vương phủ báo cho Quỳ vương, mời vương gia vào cung ngay.
Đại hoạn quan Vĩnh Khánh vội vâng dạ rồi hối hả chạy đi.
Đợi hoàng hậu đi khỏi, tất cả mới xúm lại trấn an Vương Nhược, Nhàn Vân cảm kích nói,
Hoàng hậu suy nghĩ chu đáo thực, người đã săn sóc vương phi tận tình như thế, nhất định sẽ bảo vệ vương phi bình yên vô sự mà.
Vương Nhược xem chừng hoảng sợ quá độ, chỉ ngồi ngây ra không nói năng gì.
Không lâu sau, ý chỉ của hoàng đế đến, Quỳ vương phi trước hết cứ vào ở trong điện Ung Thuần cung Đại Minh, phái Nội Đình điều một trăm quân thủ vệ trong kinh do Phòng vệ ty hữu đô úy Vương Uẩn đích thân thống lĩnh; Quỳ vương phủ lại điều thêm một trăm hộ vệ trong vương phủ, hai trăm người ngày đêm luân phiên bảo vệ điện Ung Thuần, đề phòng vạn nhất.
Tốt quá rồi, có hai trăm người ở đây, cung Đại Minh lại sẵn có ba ngàn ngự lâm quân ngày đêm bảo hộ, kẻ khả nghi không thể trốn được.
Nhiễm Vân mừng rỡ động viên. Vương Nhược cũng đành gượng cười cho qua chuyện.
Điện Ung Thuần là một ngôi điện nhỏ nằm ở góc Đông Nam cung Đại Minh, vốn dùng làm nhà kho trong cung nên tường vách rất cao rất dày, có thể xem là nơi nghiêm ngặt nhất.
Mặt phía Tây là trọng điểm bảo vệ, bởi nơi này kề cửa lớn trong cung, nếu có người ngoài xâm nhập, hẳn phải vào theo hướng này. Có điều thiết kế điện rất chặt chẽ, mặt Tây là bức tường cao gấp ba người, chỉ mở một cửa ngách, hiện giờ có hai trăm lính phòng vệ, nên ngoài việc hạ lệnh khóa chặt cửa ngách, không cho bất cứ kẻ nào ra vào, thì bên trong bên ngoài cửa còn phái mỗi bên tám người canh gác, có thể nói là vững như thành đồng.
Mặt Bắc quay về phía nội cung, song cũng được canh gác nghiêm ngặt, ngoài hai lớp cửa đóng chặt còn có lính gác. Hơn nữa, dù là người đi tuần phiên thì buổi tối sau khi cài cửa bấm khóa, cũng không được ra vào nữa, để tránh có người trà trộn vào đội tuần tra.
Theo sắp xếp cụ thể thì tổng cộng có ba phòng tuyến bao quanh Vương Nhược - trong cùng là các cung nữ và hoạn quan ở nội điện và các lầu gác xung quanh, luôn luôn trông chừng nàng. Tiếp theo là ba mươi người ở ngoài đại sảnh, phân tán tại các hành lang và chốt gác, bất cứ lúc nào cũng có thể trông thấy người ra vào nội điện và lầu gác. Ba mươi người đứng dọc theo mé trong tường cung, lại có ba mươi người tuần tra mé ngoài. Mỗi toán gồm chín mươi người, cùng tám đội trưởng, hai thủ lĩnh phụ trách. Tổng cộng hai trăm người chia làm hai toán luân phiên.
Điện Ung Thuần vốn không lấy gì làm rộng, nay lại có hai trăm thủ vệ liên tục canh gác, khó tránh cảm giác chật như nêm cối.
Trong điện đã được lục soát kỹ, không có bất cứ ai lẻn vào cả, xin vương phi yên tâm!
Hai vị thủ lĩnh của cấm vệ quân và hộ vệ vương phủ bẩm báo với Vương Nhược và Vương Uẩn.
Vương Uẩn nghe vậy cũng đứng dậy cáo từ Vương Nhược,
Sắp khuya đến nơi rồi, muội nghỉ sớm đi, ta ra đằng trước điện xem sao.
Vương Nhược và Hoàng Tử Hà tiễn hắn đến cửa, nhìn theo mãi đến khi khuất bóng.
Hoàng Tử Hà đứng ở cửa điện, nhìn ra đám thủ vệ lố nhố đứng ngoài hành lang hay nép trong hòn giả sơn, trận thế bao vây tầng tầng lớp lớp như thế, khiến hình ảnh chiếc lồng chim trong tay kẻ thần bí ở chùa Tiên Du lại hiện ra trước mắt cô. Có điều, ai mà ngờ được, chiếc lồng trúc tía ken dày như thế, lại có một cơ quan bí mật, chỉ cần một động tác nhỏ là có thể xoay chuyển càn khôn, trộm rồng tráo phượng.
Mà Vương Nhược cũng chẳng khác gì con chim nhỏ trong lồng kia, một mình ngồi trong nội điện, nhìn các cung nữ hối hả thắp đèn, vẻ trầm tư.
Hoàng Tử Hà bước đến gần, hỏi khẽ,
Vương phi đang nhìn gì vậy?
Vương Nhược thôi nhìn mấy ngọn đèn, từ từ ngẩng lên nhìn cô, trong cặp mắt long lanh lệ thấp thoáng ánh đèn lấp loáng,
Sùng Cổ, ta…
Cổ họng nàng nghẹn lại, giọng khàn khàn, khẽ đến gần như không thể nghe tiếng,
Ta cảm thấy một tháng vừa qua cứ như một giấc mộng phù sinh vậy. Có được những thứ mà nằm mơ cũng không sao tưởng tượng nổi, nhưng chỉ trong nháy mắt tất cả lại sẽ trở thành ảo mộng, như ngọn đèn bấc chẳng mấy chốc đã lụi tàn.
Hoàng Tử Hà nghe ra vô vàn xót xa trong giọng nói của Vương Nhược, niềm xót xa đó, dường như còn ẩn giấu một nỗi bi ai sâu thẳm.
Gió từ ngoài cửa nhè nghẹ thổi vào, ngọn đèn chầm chậm xoay tròn trong gió, lập lòe chớp tắt.
Gió nổi đèn xuân leo lét, mưa qua sầu cũ lưu niên, Hoàng Tử Hà nhìn gương mặt cúi gằm của Vương Nhược, một thiếu nữ đương độ tuổi hoa rực rỡ thế này mà lại như rơi xuống vực thẳm, đi trên băng mỏng thế ư?
Tuy chẳng biết tâm hồn nàng thực sự ra sao, Hoàng Tử Hà vẫn không khỏi thương xót, bèn nhỏ giọng khuyên nhủ,
Vương phi yên tâm đi, giờ vương phi đang ở trong cung Đại Minh, có bấy nhiêu binh sĩ hộ vệ cẩn mật, đến con ruồi còn không bay vào được, sao có thể xảy ra chuyện gì chứ?
Vương Nhược gật đầu, song vẻ mặt vẫn đầy tâm sự.
Hoàng Tử Hà cũng chẳng biết phải an ủi thế nào, chỉ cảm thấy hình như hoàng hậu đã nghiêm trọng hóa vấn đề, thành ra làm tăng thêm áp lực cho Vương Nhược. Đang định vỗ về nàng mấy câu, chợt cô ngẩng lên, trông thấy Lý Thư Bạch thình lình xuất hiện giữa ánh đèn sáng trưng như ban ngày phía ngoài.
Y bước đến cửa nội điện nhìn vào bên trong, Nhàn Vân Nhiễm Vân vội vàng hành lễ, Tố Khởi đỡ Vương Nhược đứng dậy hành lễ với y.
Dưới ánh đèn, cô trông thấy ánh mắt Vương Nhược khi nhìn Lý Thư Bạch chẳng khác nào viên ngọc được lọc rửa, phát sáng lấp lánh mê người. Song vẻ mặt nàng lại vừa thẹn thùng vừa đượm phần thê lương, nửa vui nửa buồn, đến nụ cười cũng không che lấp được nét âu sầu thấp thoáng giữa đôi mày.
Lý Thư Bạch nhìn nàng, gật đầu chào, song chẳng nói năng gì, chỉ ra hiệu cho Hoàng Tử Hà ra ngoài.
Hoàng Tử Hà vội hành lễ với Vương Nhược rồi bước ra, cùng Lý Thư Bạch đi dọc theo con đường lát đá xanh ở đình giữa, băng qua đống giả sơn, đi đến hành lang ở đại sảnh. Nơi này cách nội điện của Vương Nhược chừng năm trượng, đứng đây có thể trông rõ mồn một tất cả động tĩnh bên ấy.
Lý Thư Bạch nhìn sang phía đó, hỏi,
Tối nay định sắp xếp thế nào?
Tố Khởi, Nhàn Vân, Nhiễm Vân hầu hạ vương phi ngủ ở gác bên trái, tôi và bọn An Phúc ở gác phải, hai bên chỉ cách nhau một sảnh nhỏ, có chuyện gì cũng có thể trông chừng lẫn nhau.
Ừm, ta không tin trong cung Đại Minh này, giữa vòng vây trấn giữ của binh lính, dưới sự trông chừng của mọi người mà vẫn có thể xảy ra chuyện đâu.
Lý Thư Bạch nói, đoạn cau mày,
Còn bảy ngày nữa là đến hôm nạp phi rồi, giờ hoàng hậu lại bày vẽ rình rang thế này, sự việc thành ra hơi phiền phức.
Hoàng Tử Hà đang bận nghĩ xem là phiền phức gì, thì Lý Thư Bạch hờ hững nói tiếp,
Đang định trong hai ngày tới sẽ đưa vụ canh thiếp kia ra, dù sao thời gian cũng cấp bách rồi.
Giọng y vô cảm, bình thản như đang nói chuyện thời tiết, không buồn bã, chẳng căm ghét, lại càng lộ rõ sự vô tình.
Nhớ đến khuôn mặt yếu đuối mơ màng của Vương Nhược, Hoàng Tử Hà không nhịn được hỏi khẽ,
Lẽ nào vương gia muốn đợi đến thời khắc sách lập vương phi thì vạch trần chân tướng ư? Nếu làm vậy e rằng sẽ khiến hoàng hậu và cả nhà họ Vương bẽ mặt.
Ta sẽ âm thầm giải quyết chứ, sao có thể làm mất thể diện họ Vương Lang Gia được.
Hoàng Tử Hà chưa biết nói gì, ngoái đầu lại thì thấy Vương Nhược đang từ trong nội điện đi đến. Gió đêm lạnh lẽo thổi tung vạt áo và tơ tóc, nàng vận xiêm y vàng, tóc búi lỏng, bên mai gài một cây trâm hình sương đọng trên lá, dẫn theo Nhiễm Vân, băng qua đám giả sơn trong sân, tiến về phía họ.
Thân hình nàng chỗ nở chỗ thon vừa vặn, cao hơn những cô gái bình thường cả nửa cái đầu, dáng đi lại như gió lướt qua mặt nước, uyển chuyển mê người. Đến trước mặt họ, nàng yêu kiều bái chào, nói khẽ,
Tham kiến Quỳ vương gia.
Lý Thư Bạch gật đầu ra ý miễn lễ. Vương Nhược đứng dậy ngước nhìn Lý Thư Bạch, nhỏ nhẹ nói,
Đa tạ vương gia đích thân tới thăm hỏi, Vương Nhược cảm kích vô cùng. Thiết nghĩ cung Đại Minh canh phòng nghiêm ngặt, lại có bấy nhiêu binh lính của vương phủ cũng như cấm vệ quân ngày đêm bảo hộ, ắt không thể có sơ hở, xin vương gia cứ yên tâm.
Miệng thì nói vậy song cặp mắt Vương Nhược nhìn Lý Thư Bạch vẫn mở to, lộ nét bi ai và kinh hãi như nai nhỏ đang run sợ, thậm chí còn toát ra vẻ bịn rịn khó tả. Hoàng Tử Hà có thể đoán được, nếu lúc này Lý Thư Bạch quả thực nghe theo lời Vương Nhược mà đi khỏi, hẳn nàng sẽ đau lòng thất vọng biết bao.
May sao Lý Thư Bạch chỉ mỉm cười bảo nàng,
Chắc chắn rồi, không phải lo gì nữa. Nàng về nghỉ đi, từ mai cứ yên lòng ở lại trong cung nhé.
Vâng.
Vương Nhược sửa lại vạt áo, vái lạy.
Rèm mi dày dài che khuất đôi mắt nàng, ánh đèn thoáng qua đáy mắt như sóng gợn, trong khoảnh khắc, Hoàng Tử Hà cứ ngỡ đó là giọt lệ.
Vương Nhược đứng dậy, xuôi tay đi vào nội điện, không nói thêm gì nữa.
Lý Thư Bạch và Hoàng Tử Hà nhìn theo bóng nàng vòng qua giả sơn giữa cơn gió đêm lạnh lẽo, chậm rãi song không hề dừng lấy một bước. Đi đến cửa điện, dường như nàng có phần hoảng hốt, vô ý vấp phải ngưỡng cửa, Nhiễm Vân vội đỡ lấy nàng, giúp nàng nhấc cao xiêm lên.
Bấy giờ Lý Thư Bạch mới thôi nhìn theo, dặn dò,
Đã có bấy nhiêu người trông coi, vậy ta về phủ đây, nơi này giao cho ngươi trông chừng nhé.
Dạ.
Hoàng Tử Hà đáp, song vẫn nhìn vào điện. Chỉ thấy Nhàn Vân bưng hộp cơm đi thẳng ra nhà bếp đằng sau, Nhiễm Vân cầm đèn soi bên ngoài, vừa soi vừa lẩm bẩm gì đó.
Hoàng Tử Hà đứng bên kia hòn giả sơn hỏi với sang,
Cô đang tìm gì thế?
Nhiễm Vân khum tay lên miệng làm loa, đáp thật to,
Cây trâm sương lá của vương phi không thấy đâu nữa!
Hoàng Tử Hà liền vẫy vẫy tay với Lý Thư Bạch,
Tôi đi giúp họ tìm.
Lý Thư Bạch không nói không rằng, chỉ đưa mắt nhìn theo bóng cô rảo bước đi ngang qua sân.
Hoàng Tử Hà băng qua hòn giả sơn, vừa nhìn đã thấy dưới đất có vật gì lấp lánh, hình dạng như gân lá, làm bằng vàng, ở giữa chạm rỗng, bên trên điểm xuyết hai viên trân châu như đôi giọt sương, chính là cây trâm vừa cài bên mai Vương Nhược.
Cô vội nhặt lên, đi đến đưa cho Nhiễm Vân.
Nhiễm Vân nhận lấy, cả hai cùng bước tới cửa điện thì thấy Nhàn Vân bưng hộp cơm quay lại, rầu rĩ mở ra cho họ xem,
Đầu bếp đã bị thanh lọc đuổi đi cả rồi, chỉ tìm thấy mấy miếng bánh trong tủ thôi, các người đã ăn tối chưa?
Ăn ăn ăn, chỉ biết ăn thôi, cô nhìn xem eo mình bao nhiêu rồi?
Nhiễm Vân giễu cợt.
Nhàn Vân trả đũa,
Hừ, năm xưa Dương quý phi châu tròn ngọc trịa, nghiêng nước nghiêng thành đấy thôi.
Hạng như cô đòi bì với Dương quý phi à? Huống hồ, bà ấy là người cách đây cả trăm năm rồi, giờ ai còn chuộng mốt giai nhân béo nữa! Nhìn eo vương phi nhà chúng ta kia kìa, ấy mới là đẹp!
Hoàng Tử Hà tiến vào nội điện, thấy gác bên trái lặng phắc, liền rảo bước đi đến cửa nhìn xem.
Trong gác đặt một chiếc giường bằng gỗ hải đường có tua rua buông rủ, bên trên là chăn gấm gối thêu được gấp ngay ngắn; một chiếc sập khắc hoa nạm xà cừ bỏ không kê bên song cửa; trên tấm thảm rợp rợp hoa rơi vàng rắc bày một chiếc bàn thấp và hai cái đệm gấm; một tủ áo bằng gỗ tử đàn chạm hoa cỏ bốn mùa kê trong góc tường.
Ánh đèn lồng sáng ngời mà lạnh lẽo như thủy ngân soi sáng cả căn phòng, song không có một ai.
Vương Nhược vừa bước vào đây trước con mắt bấy nhiêu người, vậy mà chỉ một tích tắc đã lặng lẽ biến mất trong phòng kín, tựa như một làn khói xanh tan nhòa vào không khí.
Cả đám người phía sau còn đương ngây ra, Hoàng Tử Hà đã xăm xăm bước tới, mở toang cửa tủ áo nhìn vào trong, đoạn rạp mình nhìn xuống gầm giường, cuối cùng chuyển ra sau sập, đẩy bật cánh cửa sổ đóng chặt nhìn ra ngoài, vừa khéo trông thấy hai tên thị vệ đang ưỡn ngực đứng nghiêm bên ngoài.
Cô ngẩng lên, thấy Lý Thư Bạch đứng ở đại sảnh đang dặn dò gì đó. Như thể liếc thấy động tĩnh bên này, y quay sang nhìn cô.
Cô vẫy tay ra dấu với y, cho biết đã xảy ra chuyện.
Lý Thư Bạch liền rảo bước băng qua sân đi tới, thấy căn gác trống không, lập tức sai mọi người tìm kiếm trong sảnh nhỏ và hai căn gác hai bên. Điện Ung Thuần chẳng lấy gì làm rộng rãi, chỉ một lát đã lục soát hết các ngóc ngách, nhưng Vương Nhược vẫn biệt tăm.
Chợt nghe tiếng chân hối hả bên ngoài rồi Trường Linh nữ quan hầu hạ hoàng hậu và vài người nữa vội vàng chạy vào,
Xảy ra chuyện gì vậy?
Trông thấy Lý Thư Bạch đứng đó, Trường Linh hấp tấp hành lễ, đoạn đưa mắt nhìn Nhàn Vân như dò hỏi. Nhàn Vân liền đáp khẽ,
Vương phi… chẳng biết đi đâu mất rồi.
Trường Linh hoảng hốt kêu lên,
Nô tỳ đương phụng mệnh hoàng hậu kiểm lại một ít hoa trang trí và y phục đưa tới cho vương phi, sao… mới có một chốc, lại trước mắt bấy nhiêu người, mà…
Lý Thư Bạch ra lệnh,
Ngươi quay về bẩm với hoàng hậu đi, bên này ta sẽ cho người lục soát lần nữa, nếu tìm thấy sẽ hồi báo ngay.
Để lại vài người giúp tìm kiếm đi, ta phải về gác Bồng Lai ngay bây giờ.
Trường Linh nói, đoạn ra hiệu cho mấy cung nữ ôm quần áo phía sau mình đặt đồ đạc xuống, rồi chỉ dẫn hai ba người về trước.
Theo phân công của Lý Thư Bạch, bấy nhiêu người đã lật đi lật lại tra xét từng bụi cỏ, từng viên gạch, từng cái cây đến mười mấy lần, song không thấy mảy may manh mối.
Quả nhiên như tiên đoán, Vương Nhược đã biến mất trước ngày thành hôn, hơn nữa còn ở ngay giữa cung Đại Minh, trong vòng vây bảo vệ của binh lính.